VietBest

Full Version: Xin hãy công bằng với nước Mỹ
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Xin hãy công bằng với nước Mỹ

[Image: peace-smiley-emoticon.gif]



[img=1023x0]https://gdb.voanews.com/C5B03450-876F-4AD2-ACE2-CA39BA28EDAC_w1023_r1_s.jpg[/img]
Nếu định nghĩa “xâm lược” là cướp đoạt chủ quyền bằng vũ lực, quyền hành, thì không thể xem Hoa Kỳ là xâm lược như giọng điệu tuyên truyền của Hà Nội để kích động thanh niên miền Bắc, để Hồ Chí Minh có thể hoàn thành sứ mạng của một cán bộ Cộng Sản quốc tế, nhuộm đỏ toàn quốc Việt Nam, dưới danh nghĩa được gọi là “giải phóng dân tộc.”

Sau khi Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, giúp miền Nam chống lại sức tấn công hung hãn của Bắc Việt với sự yểm trợ tối đa vũ khí và tiền bạc của Liên Xô và Trung Cộng, trong vòng 10 năm, 58 nghìn thanh niên ưu tú của nước Mỹ đã chết hoặc mất tích tại đây. Nước Mỹ đã tốn phí trong cuộc chiến này 738 tỉ đô la, cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nước Mỹ thu lợi gì trong cuộc chiến xa đất nước mình nửa vòng trái đất này, nếu không nói là một cuộc thua trận, “Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự” (No Peace, No Honor) như nhan đề cuốn sách của giáo sư Larry Berman (The Free Press, 2001.)


Sau khi Hoa Kỳ ký hiệp định Paris, chấp nhận rút quân khỏi miền Nam, năm 1973, Lê Đức Thọ từ chối nhận giải Nobel Hòa Bình cùng với Kissinger để xé hiệp định, tiến công miền Nam, hoàn thành mục tiêu của Bắc Việt, “đánh là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô.”


Và nước Mỹ đã làm gì cho người dân miền Nam sau ngày 30 tháng Tư khi xe tăng Bắc Việt vào dinh Độc Lập?


Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, hơn 7.000 người Việt Nam được di tản bằng trực thăng ra khỏi đất nước trong “Chiến Dịch Gió lốc” (Operation Frequent Wind) do Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ thực hiện.


Thời gian tiếp theo sau đó là những thuyền nhân vượt biên ra nước ngoài bằng đường biển, đã được Hoa Kỳ đón nhận nhiều nhất.

Thập niên 1990 bắt đầu các chương trình lớn, ODP, H.O., chương trình con lai…


Theo Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ, từ năm 1950 đến 1974, chỉ có 650 người Việt ở Mỹ. Năm 1980 con số này lên đến 261.729 và theo US Census, năm 2015 đã có 1.980.344 người Việt định cư ở Hoa Kỳ.


Người Việt ở Mỹ thành công trong nhiều lãnh vực và mau chóng hội nhập vào xã hội mới. Hàng trăm ngàn chuyên viên kỹ thuật rất có khả năng đã và đang đóng góp tích cực vào quê hương thứ hai. Chính Người Việt tị nạn Cộng Sản – từng bị chính quyền Việt Nam gọi là “bọn ma cô, đĩ điếm chạy theo chân Đế Quốc để kiếm bơ thừa sữa cặn” - đã cứu nền kinh tế của Việt Nam khỏi sụp đổ vào những năm 80. Các “khúc ruột ngàn dặm” này gửi về Việt Nam hàng nhiều tỷ Mỹ Kim mỗi năm.


Nhưng thực sự chúng ta, người Việt trên đất Mỹ từ bao nhiêu năm nay, sinh sôi nảy nở, thành công, sống an bình và hạnh phúc, đã công bằng với nước Mỹ chưa?

Tôi tin rằng, chúng ta chưa công bằng với nước Mỹ, khi vẫn nói “nước Mỹ phản bội,” “Đồng Minh tháo chạy!”, hay những câu nói mỉa mai: “Bạn như thế thì đâu cần đến kẻ thù!,” “nước Mỹ là đất tạm dung”…


Chúng ta đã thật sự xem nước Mỹ là “nhà” của mình chưa?


Một ngôi nhà để chúng ta trú mưa, tránh nắng, có phên dậu để ngăn kẻ xấu xâm nhập làm tổn hại đến gia đình chúng ta, một ngôi nhà có khu vườn có bóng cây che mát cho chúng ta, có trái cây cho chúng ta dùng và những luống hoa đầy hương sắc cho chúng ta thưởng thức. Trong ngôi nhà ấy con cái chúng ta đã được sinh ra và lớn lên, được nuôi dạy và học hành để thành người đôn hậu tử tế, và chúng ta chưa hề nghĩ đến một ngày nào đó chúng ta sẽ từ giã ngôi nhà này để ra đi, tìm một nơi trú ngụ khác.


Có đôi lúc, tôi nghĩ chưa coi đây là ngôi nhà thực sự của chúng ta và không ít người vẫn coi đây là ngôi nhà trọ qua đường, và chúng ta là những người khách trọ vô tình và vô ơn.


Chúng ta đã chối bỏ căn cước tị nạn nhiều lần để về lại nơi chúng ta đã bỏ ra đi, nơi mà chúng ta gọi là tù đày, áp bức, nơi chúng ta không thể nào sống, đã bỏ quê hương, làng mạc và mồ mả ông cha để ra đi.


Chúng ta đã biểu tình lên án nước Mỹ bình thường hóa quan hệ, giao thương, thỏa hiệp với kẻ thù xưa, trong khi chúng ta vẫn nuôi sống, vỗ béo chế độ ấy với số đô la khổng lồ gửi về hàng năm.


Chúng ta đã cứu đói, xây cầu, vá đường gọi là làm từ thiện ở Việt Nam, ví như trong $10 cho Việt Nam, chúng ta đã dành được $1 cho nước Mỹ chưa?

Chúng tôi không nói đến người Việt ở đất nước khác, mà là người Việt trên đất Mỹ hôm nay. Cái đất nước đã được che chở chúng ta đêm qua, chỉ 15 phút khi chúng ta gọi 911 đã có xe cấp cứu đến nhà, cái đất nước mà con cái chúng ta đến trường được dạy dỗ, được che chở, cái đất nước mà trẻ con, người già được săn sóc, không bao giờ thiếu bánh mì, giọt sữa và viên thuốc!


Đã cạn lời, tôi xin trích vài dòng của một tác giả Việt Nam, tên Song Châu trên Facebook, mà tôi tin đây là một người Việt đang sống ở Mỹ, để làm lời kết của bài này: “…Ở đây, mục đích của bài viết này, người viết chỉ mong rằng, không cần phải yêu nước Mỹ, nhưng xin bạn đừng vô tình hay cố ý làm tổn thương nước Mỹ, một đất nước đã cưu mang bạn, giúp cho bạn mọi phương tiện, mọi cơ hội để bạn vươn lên sống cuộc đời tươi đẹp mà nhiều người trong nhiều quốc gia trên thế giới ước ao.”
Tôi cũng xin phụ hoạ thêm: “Xin hãy công bằng với nước Mỹ!”
* Blog của nhà báo Huy Phương là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Huy Phương - VOA

Nhà báo Huy Phương nguyên là một Sĩ Quan Thông Tin & Báo Chí VNCH, một người tù trong các trại tập trung của CS bảy năm sau 1975, lưu vong tại Mỹ từ năm 1990. Tại Hoa Kỳ, ông là tác giả 12 tác phẩm văn thơ, hiện cộng tác với Người Việt, Hệ Thống Saigon Nhỏ và Báo Trẻ, Thời Báo (Canada), đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma) và đài truyền hình SBTN tại Hoa Kỳ, sở trường với thể loại tạp ghi, viết về sinh hoạt và tâm tình của người Việt trên đất Mỹ.



VOA
 ĐĂNG KÝ