VietBest

Full Version: Gần Gũi với Đàn Chiên - Ukraine
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Pages: 1 2
ĐỨC THÁNH CHA NÓI VỚI LÃNH ĐẠO CÔNG GIÁO UCRAINA: “TÔI SẼ LÀM MỌI THỨ TÔI CÓ THỂ ĐỂ GIÚP CHẤM DỨT XUNG ĐỘT”

Chiều ngày 25/2/2022, Đức Thánh Cha đã gọi điện cho Đức Tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Công giáo Đông phương Ucraina, và nói rằng ngài sẽ làm mọi thứ ngài có thể để giúp chấm dứt xung đột tại Ucraina.

Theo văn phòng thư ký của Tổng giám mục trưởng ở Roma, “Trong cuộc điện thoại, Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm đến tình hình ở thành phố Kiev và tình hình nói chung trên toàn lãnh thổ Ucraina. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Đức tổng giám mục: ‘Tôi sẽ làm tất cả mọi điều tôi có thể.’”
Đức tổng giám mục Shevchuk lẽ ra đã đến Firenze để tham dự cuộc gặp gỡ với các giám mục ở các quốc gia xung quanh Địa Trung hải, nhưng ngài đã hủy chuyến đi để ở lại với đàn chiên của ngài sau khi tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ucraina vào sáng sớm ngày 24/2/2022.

Gần gũi với đàn chiên

Trong cuộc điện đàm, Đức Thánh Cha đã hỏi thăm về các linh mục và giám mục ở những khu vực đang có giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Ucraina và Nga. Ngài cảm ơn Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, Giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo hội Công giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Roma, vì sự gần gũi của họ với người dân Ucraina.

Theo thông cáo của văn phòng thư ký của Tổng giám mục trưởng, “Đức Thánh Cha đặc biệt khen ngợi quyết định của Đức Tổng giám mục, ở lại giữa người dân và phục vụ những người khó khăn nhất, thậm chí còn cung cấp tầng hầm của Nhà thờ Chúa Phục sinh ở Kiev để làm nơi trú ẩn cho mọi người.”

Đức Thánh Cha bảo đảm với Đức tổng giám mục Shevchuk sự gần gũi, hỗ trợ và lời cầu nguyện của ngài cho Ucraina. Ngài cũng ban phép lành của ngài cho dân tộc Ucraina đang đau khổ. (CNA 25/02/2022)

Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

[Image: 7-E132012-B710-48-F3-8-A70-65-D3-CBB9-A2-F0.jpg]
UKRAINE: DÒNG CHÚA CỨU THẾ CUNG CẤP NƠI TRÚ ẨN CHO NGƯỜI TỊ NẠN 

Trong vài ngày qua, chúng tôi đã liên lạc với một số anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở Ukraine, cũng như từ các chị em Nữ tu Truyền giáo của Chúa Cứu Thế Chí Thánh (Gars). Cha Andriy Rak, C.Ss.R, Giám tỉnh Tỉnh Dòng Lviv, đã nói với tôi rằng cho đến nay, tất cả đều an toàn.

Các tu sĩ vẫn bám trụ và sát cánh với những người mà họ được sai đến phục vụ, và trên thực tế, họ đang mở cửa đón tiếp những người tị nạn vào các tu viện và nhà thờ của nhà Dòng để chia sẻ những gì chúng tôi có thể với họ. Những người tị nạn này bao gồm trẻ em và người cao tuổi. Vào hôm thứ Sáu, chúng tôi nhận được những hình ảnh sau đây từ tu viện của chúng ta ở phía đông bắc Ukraine, gần biên giới với Belarus.

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các tu sĩ của Dòng và cho rất nhiều người đã buộc phải di tản vì những trận bom và các cuộc không kích. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ở Ukraine một cách tốt nhất có thể. Tình hình rất bất ổn và thay đổi theo từng giờ.

Linh mục Michael Brehl, C.Ss.R.

Bề trên Tổng quyền

Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ.

[Image: 5-CB25639-B1-D5-4-BC4-9-A90-2788-AE6292-B8.jpg]

[Image: 660362-D1-1-F53-4-B41-B126-F072-AB4-BD4-E7.jpg]

[Image: 66-CCF1-EB-9030-42-F4-9-F2-F-3872-B5288-F51.jpg]

[Image: 98-F8-A4-A8-3-BDB-4-EB7-879-E-5-D04-A0774-C0-B.jpg]
NHÀ LÃNH ĐẠO CÔNG GIÁO UKRAINE: 'KHÔNG AI CÓ QUYỀN IM LẶNG'

Không ai có thể im lặng khi đối mặt với sự đổ máu đang diễn ra tại Ukraine, nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, cho biết trong một thông điệp video hôm thứ Bảy.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk có trụ sở tại thủ đô Kyiv của Ukraine, nơi, vị Giám chức cho biết vào ngày 26 tháng 2, mặt trời đã mọc sau một đêm đầy khốc liệt khác.

“Mặt trời mọc trên Kyiv của Ukraina, Kyiv quật cường, phía trên thành phố Kyiv vốn đã trải qua một đêm nữa, đầy khốc liệt nhưng được Thiên Chúa chúc phúc”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói, theo Thư ký của ngài ở Rôma.

Trong thông điệp của mình, Đức Tổng Giám mục Shevchuk gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã lên tiếng ủng hộ Ukraine sau khi Nga tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào nước này vào sáng ngày 24 tháng 2.

“Trong những giây phút này, khi máu đổ trên mảnh đất Ukraine, khi những lời của Đức Thượng phụ Josyf về ‘những núi xác chết và những dòng sông máu’ bị lặp lại, ở tất cả các thành phố của chúng tôi, dọc theo tất cả các bờ sông Dnipro xinh đẹp của chúng tôi – từ biên giới Belarus qua Kyiv và đến tận Biển Đen – không ai có quyền giữ im lặng”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk tuyên bố.

“Bởi vì lời nói có thể cứu sống”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết thêm. “Trong khi sự im lặng có thể gây ra sự giết chóc”.

“Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả những người sẽ lắng nghe chúng tôi, tất cả những người sẽ lắng nghe tiếng nói của chúng tôi từ Kyiv đang đổ máu: hãy chiến đấu cho hòa bình, hãy bảo vệ những người cần sự giúp đỡ của anh chị em, chúng ta hãy làm tất cả mọi thứ để kẻ xâm lược dừng lại và rút khỏi mảnh đất Ukraine. Dù bạn là ai: nguyên thủ quốc gia hay nghị sĩ, chính trị gia, quân đội, lãnh đạo Giáo hội, hãy thực hành phận vụ của mình, hãy lên tiếng ủng hộ Ukraine”.

Thứ Bảy đánh dấu ngày thứ ba của cuộc giao tranh ở Ukraine, nơi số người chết trong cả quân đội lẫn dân thường tiếp tục gia tăng. Những người dân Ukraine đang chạy trốn từ phía đông của đất nước sang phía tây, hoặc sang quốc gia Ba Lan láng giềng. Người dân ở các thành phố Kyiv và Lviv đã bị buộc phải tìm kiếm sự an toàn trong các hầm trú ẩn hoặc các ga tàu điện ngầm.

“Đối với tất cả những người mà hiện nay dưới nhiều hình thức đang ủng hộ Ukraine, nhân danh dân tộc của chúng tôi, nhân danh quốc gia của chúng tôi, nhân danh Kyiv đang bị bao vây, nơi đang có cuộc giao tranh trên các đường phố của thành phố, tôi muốn nói: xin chân thành cảm ơn”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với sự liên đới mà Ukraine đã nhận được từ Đức Thánh Cha Phanxicô, mà theo ngài đã giúp huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gọi điện cho ngài hôm 25 tháng 2 và nói với ngài rằng: “Tôi sẽ làm mọi thứ có thể” để giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Công giáo Ukraine cũng gửi lời cảm ơn đến những người đã gửi cho ngài những bức thư thể hiện tinh thần liên đới.

“Ukraine vẫn đang tồn tại, Ukraine hiện đang gặp khó khăn, nhưng hôm nay chúng tôi xin thế giới sát cánh cùng với với chúng tôi trong tinh thần liên đới, và xin đừng im lặng, vì lời nói cứu sống, lời nói xây dựng thế giới. Trong khi sự im lặng và sự thờ ơ gây ra sự giết chóc”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk kêu gọi tiếp tục cầu nguyện và đồng thời cũng cho biết rằng thứ Bảy sẽ là ngày tưởng niệm những người đã thiệt mạng, đặc biệt là những quân nhân đã hy sinh mạng sống của họ cho Ukraine trong những ngày qua.

Đặc biệt, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nhắc lại những hành động anh dũng của những người lính biên phòng của đảo Zmiinyi trên Biển Đen, những người đã hy sinh để bảo vệ biên giới chống lại quân đội Nga, và người lính trẻ đã liều thân mình để làm nổ tung một cây cầu gần thành phố Kherson nhằm ngăn chặn Quân đội Nga.

“Mảnh đất Ukraine, người dân Ukraine ngày hôm nay cho chúng tôi vô số những anh hùng như họ. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người đã hy sinh mạng sống của họ cho Ukraine. Chúng ta cầu nguyện cho những nạn nhân vô tội trong số thường dân: phụ nữ, trẻ em, người già. Hôm nay chúng ta trao phó cho bàn tay của Thiên Chúa những người đã rời bỏ thế giới này và nguyện xin Thiên Chúa đón nhận họ vào vòng tay của Ngài”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Minh Tuệ (theo CNA)
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

[Image: 6-FF0385-C-FF61-4101-A334-30-CB543-C594-D.jpg]
BÁO CÁO TÌNH HÌNH TẠI UKRAINE VÀ HOÀN CẢNH CỦA CÁC TU SĨ DCCT UKRAINE

Chúng tôi xin gửi tới quí vị báo cáo về tình hình hiện tại và phản ứng của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại Ukraine trước cuộc khủng hoảng nhân đạo gây ra bởi sự xâm lược của Nga, do Cha Andriy Rak, C.Ss.R., Giám tỉnh Tỉnh Lviv viết trong bức thư được gửi cho toàn Dòng vào sáng ngày 27 tháng Hai. 

Bản gốc tiếng anh được đăng tải trên trang mạng Trung ương Dòng.

—————————-

Kính thưa quí cha, quí thầy và anh chị em rất thân mến!

Vì có rất nhiều tin nhắn, thư từ hiệp thông cùng với những câu hỏi về tình hình hiện tại của Nhà Dòng ra sao, tôi gửi tới hết thảy mọi người vài dòng tin ngắn dưới đây.

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, chiến tranh đã bùng nổ…

Vào 4 giờ sáng ngày 24 tháng 2 năm 2022 (CET), Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa đạn đạo và nhiều hệ thống tên lửa từ nhiều hướng khác nhau: từ lãnh thổ của Liên bang Nga, cũng như từ lãnh thổ của Belarus, từ Crimea và vùng Transistria vốn bị chiếm đóng.

Nga đã bắt đầu một cuộc chiến tranh toàn diện khủng khiếp và điên cuồng chống lại đất nước và nhân dân Ukraine chỉ vì chúng tôi đã nỗ lực cho sự phát triển của nền dân chủ và các giá trị nhân văn ở đất nước mình và không muốn sống như họ. Như một nhà báo Ukraine đã nói, cái chết không đáng sợ – thật đáng sợ khi phải sống một cuộc đời đáng khinh như những kẻ đi xâm lược.

Ngày 27 tháng 2, vào đầu ngày thứ tư của cuộc chiến, Kyiv, thủ đô của Ukraine, vẫn là mục tiêu hàng đầu của quân xâm lược Nga, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trên khắp đất nước, đặc biệt là ở phía bắc, vùng Charkiw, Mariupol (phía đông) và Kherson (phía nam) của đất nước. Ở phía tây, có các cuộc tấn công phá hoại cô lập. Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát Kyiv – bắn phá các ngôi nhà dân cư và các cơ sở quân sự. Tất cả các loại vũ khí đều đã được mang ra sử dụng.

Trong những ngày gần đây, có vẻ như Lực lượng vũ trang Nga đã bắt đầu tích cực sử dụng lính dù và biệt kích và có sự thay đổi chiến thuật do thất bại của họ trong việc cố gắng tấn công nhanh chóng với sự yểm trợ của hàng dài phương tiện và thiết bị quân sự.

Rõ ràng, người Nga đã đặt hy vọng vào chiến thuật chiến tranh Blitzkrieg dạng đánh nhanh thắng nhanh. Có báo cáo từ một số khu vực cho biết binh sĩ Nga không thể di chuyển do thiếu nhiên liệu, vì vậy họ đang cố gắng cướp lấy tại địa phương. Họ cũng yêu cầu lương thực từ người dân địa phương.

Tại các thành phố lớn, những kẻ nội gián đã được ghi nhận, những kẻ này đánh dấu các đường ống dẫn khí đốt của các tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng thành phố để tránh các cuộc tấn công tiếp theo từ trên không hoặc pháo kích.

Thật đau đớn và khó hiểu khi Putin và đoàn tùy tùng của ông đã gây nên một cuộc chiến cướp đi sinh mạng của rất nhiều quân nhân và dân thường. Nó phá hủy cuộc sống của nhiều người, gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần không thể chữa lành. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đang bảo vệ đất đai, con cái, người thân, bạn bè và tương lai của chính họ. Trong những ngày này, người dân và tình nguyện viên quảng đại hỗ trợ tích cực cho quân đội Ukraine.

Hậu quả của các hành động của lực lượng chiếm đóng Nga là 1.115 người bị thương, trong đó có 33 trẻ em. 198 người khác tử vong, trong đó có ba trẻ em.

Số lính Nga bị tiêu diệt hiện tại đã vượt quá 4.500 người. Hơn 300 kẻ xâm lược đã bị bắt làm tù binh. Không thể tin được vì chính quyền Nga sử dụng quân đội của họ như bia đỡ đạn. Ba ngày sau cuộc chiến xâm lược Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa có báo cáo về tổn thất nào, cả về quân số và trang thiết bị kỹ thuật [1]. Mặt khác, Ngài tổng thống của chúng tôi đã yêu cầu LHQ và Hội Chữ thập đỏ giúp đỡ đưa thi hài các quân nhân Nga trở về vùng đất quê hương của họ.

Hôm nay Ukraine đã chính thức đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ ở Hague.

Hiện có thông tin cho rằng Belarus có thể sẽ tham chiến bên phía Nga. Chúa ơi, hãy cứu lấy dân tộc con!

Thật không may, kẻ xâm lược phá hủy cả các tòa nhà và con người mà không có lệnh hạn chế nào: quân đội Nga bắn vào nhà ở dân cư, bệnh viện và trường học.

Đồ chơi trẻ em, điện thoại di động và vật có giá trị chứa đầy chất nổ đã được thả xuống từ máy bay ở vùng Sumy (bắc Ukraine) hôm nay.

Đây là «hòa bình kiểu Nga» trong tất cả vinh quang của nó.

𝗖𝗵𝘂́𝗻𝗴 𝘁𝗼̂𝗶 đ𝗮̃ 𝗹𝗮̀𝗺 𝗴𝗶̀

Trong tư cách là những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và là những người sống đời thánh hiến, chúng tôi cố gắng hỗ trợ người dân qua các cuộc nói chuyện, xưng tội và cầu nguyện trong những ngày khó khăn này. Rất nhiều người đến tá túc trong nhà thờ và tu viện của chúng tôi vì họ thấy sợ hãi và cần tìm kiếm sự hỗ trợ.

Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn bám trụ ở Tschernihiv (bắc Ukraine) và Berdyansk (đông Ukraine), nơi họ hỗ trợ người dân địa phương bằng lời cầu nguyện và hành động. Họ chăm sóc những người tị nạn và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho thường dân địa phương.

Trong khi đó, hàng nghìn người Ukraine tìm kiếm sự an toàn ở Romania, Moldova và Ba Lan. Họ chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga. Chúng tôi đang cố gắng cung cấp nơi ở tạm thời cho những người tị nạn trong các tu viện của chúng tôi. Hầu hết mọi người đều muốn đi sang các nước lân cận. Do vậy, có những hàng dài người đứng đợi trên biên giới với Ba Lan.

Các cha, các thầy của chúng tôi, cùng với giáo dân, cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản cho những người đang chờ đợi hàng giờ để vượt biên.

Tính đến ngày hôm nay, Ba Lan đã tiếp nhận khoảng 100.000 người tị nạn từ Ukraine. Tổng cộng, số người tị nạn ước tính hơn 150.000 người đã tới Liên minh châu Âu trong ba ngày qua.

Xin đặc biệt cảm ơn Cộng hòa Ba Lan vì sự quảng đại và hỗ trợ trong thời gian khó khăn này. Trên biên giới với Ukraine, Ba Lan đã thành lập 9 điểm tiếp nhận người tị nạn và sau đó đưa họ đến các nơi tạm trú.

𝗛𝗼̂̃ 𝘁𝗿𝗼̛̣ 𝗾𝘂𝗼̂́𝗰 𝘁𝗲̂́ 𝘃𝗮̀ 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗻 𝘁𝗿𝗼̛̣ 𝗻𝗵𝗮̂𝗻 đ𝗮̣𝗼

Ukraine đang tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga. Không nghi ngờ gì nữa, đây là điều khó khăn, nhưng sẽ là không thể nếu không có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ bạn bè quốc tế. Vì vậy, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị đã ủng hộ và quan tâm! Xin Chúa ban thưởng cho sự hiệp thông của quí vị!

Các hành động thù địch sẽ làm trầm trọng thêm và phá hủy tình hình nhân đạo của dân thường.

Là những tu sĩ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, chúng tôi cố gắng sử dụng các nguồn lực của mình để giúp đỡ những người khó khăn và bị ảnh hưởng. Nếu quí vị có mong muốn và khả năng, chúng tôi sẽ rất lấy làm biết ơn vì sự hỗ trợ tài chính của quí vị.

Xin cảm ơn quí vị rất nhiều và chúng ta vẫn mãi trong sự hiệp nhất cầu nguyện với nhau.

Linh mục Andriy Rak, C.Ss.R.

Giám Tỉnh

Bản dịch của Duc Trung Vu, CSsR

[Image: F8918-DC5-6-D64-46-C1-A645-1524-EDE41-DEB.jpg]
Praise the Lord!!! 🙏

[Image: 4-BE9-F018-21-A7-46-D1-906-D-D65-B00-B02-BA7.jpg]
ĐTC TÁI KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH Ở UCRAINA

Hồng Thủy

Vatican News (27.02.2022) - Sau khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/02/2022, một lần nữa Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho Ucraina

Ngày 02/3, Thứ Tư Lễ Tro, Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina

Nói về bi kịch chiến tranh đang xảy ra trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa một cách tha thiết hơn. Và ngài nhắc lại lời kêu gọi ăn chay cầu nguyện: "Vì lý do này, tôi xin tái mời gọi tất cả mọi người hãy thực hiện một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ucraina vào ngày 02/3, Thứ Tư Lễ Tro. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ucraina, để chúng ta cảm nhận tất cả là anh chị em và cầu xin Chúa cho chiến tranh kết thúc."

Kẻ gây ra chiến tranh là người quên nhân loại

Tiếp đến Đức Thánh Cha lên án những kẻ gây ra chiến tranh. Ngài nói rằng họ là người quên đi nhân loại. "Họ không bắt đầu từ người dân, không nhìn vào cuộc sống cụ thể của người dân, nhưng đặt quyền lực và lợi ích trên tất cả. Họ tin tưởng vào thứ logic ác độc và gian trá của vũ khí, là điều rất xa với ý muốn của Thiên Chúa. Họ xa cách với dân chúng, những người muốn hòa bình, và trong mọi cuộc xung đột - những người dân thường - là nạn nhân thực sự, những người phải trả giá cho sự điên cuồng của chiến tranh trên chính làn da của họ."

Nghĩ đến những người già, những người đang tìm kiếm nơi trú ẩn trong những giờ phút này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ… Đức Thánh Cha kêu gọi khẩn cấp mở hành lang nhân đạo cho họ. Họ là những người anh chị em, những người cần phải được đón tiếp.

Đừng quên chiến tranh ở các nơi khác

Và một lần nữa Đức Thánh Cha tha thiết đưa ra lời kêu gọi: "Với trái tim tan nát vì những gì xảy ra ở Ucraina - và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như ở Yemen, Syria, Ethiopia… -, tôi xin lặp lại: hãy ngưng tiếng vũ khí!". Ngài nói thêm: "Thiên Chúa ở bên những người kiến tạo hòa bình, không ở bên những người sử dụng bạo lực."

Đức Thánh Cha kết thúc với lời trưng dẫn Hiến pháp Ý: "Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình từ chối chiến tranh như một công cụ xúc phạm quyền tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế."

Những lá cờ của nhiều người Ucraina tại quảng trường thánh Phêrô đã vẫy chào và cảm ơn. Và Đức Thánh Cha đã chào bằng ngôn ngữ của họ: Хвала Ісусу Христу, "Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô".

 Nguồn: vaticannews.va/vi/

[Image: 234-F048-A-2-F49-48-EA-9483-53-D91-F5244-CB.jpg]

[Image: 7-A42-B8-F6-38-D8-4584-8911-746764-FD845-A.jpg]
Thế Chiến II kết thúc ngày 2-9-1945. Điều đó không có nghĩa là những năm sau đó không có bạo lực. Thực tế thì xung đột vẫn xảy ra hằng năm trong thế kỷ 20. Thế kỷ 21 chắc chắn đã theo sau. Sự liên tục của bạo lực dường như đặt ra câu hỏi: Liệu con người có thể thay đổi cách cư xử?

Theo Bảo tàng Chiến tranh Anh quốc, người ta ước tính rằng “187 triệu người đã chết do hậu quả của chiến tranh từ năm 1900 đến nay,” nhưng “con số thực tế có thể cao hơn nhiều.” Mặc dù vậy, và ngay cả khi số tử vong do chiến tranh gây ra lên đến đỉnh điểm trong chiến tranh Triều Tiên (đầu thập niên 1950), chiến tranh Việt Nam (khoảng năm 1970) và các cuộc chiến tranh Iran-Iraq và Afghanistan (thập niên 1980), con số tuyệt đối đã giảm từ năm 1946. Đúng vậy, danh sách các cuộc chiến tranh xảy ra từ năm 1945 đến 2021 có thể dường như vô tận. Chỉ trong thời kỳ đầu sau chiến tranh, khoảng nửa triệu người đã chết vì nạn bạo lực trực tiếp trong các cuộc chiến tranh. Nhưng ngược lại, năm 2016, số người chết liên quan chiến trận trong các cuộc xung đột liên quan ít nhất một bang (nghĩa là bao gồm cả các cuộc nội chiến) là 87.432 người. Hằng ngày vẫn là 239 người.

Có thể không thấy rõ bằng cách nhìn vào các con số, nhưng thành tựu chính trị lớn nhất của nhân loại kể từ khi Thế Chiến II kết thúc là sự suy tàn tương đối ổn định của chiến tranh. Giáo sư lịch sử tại Đại học Hebrew ở Giêrusalem, Harari, lưu ý rằng “trọng tâm của cuộc khủng hoảng Ukraine là vấn đề cơ bản về bản chất của lịch sử và nhân loại: liệu thay đổi có khả thi? Liệu con người có thể thay đổi cách họ cư xử, hay lịch sử lặp lại không ngừng, với việc con người mãi mãi bị lên án là tái hiện những bi kịch trong quá khứ mà không thay đổi bất cứ điều gì ngoại trừ cách trang trí mà thôi?”

VẤN ĐỀ TỒN TẠI

Tất nhiên, đây là những vấn đề triết học, nhân chủng học và tôn giáo cổ điển, giống như Kinh Thánh hoặc thánh ca và sử thi Homeric. Nhưng thực tế là chúng ta đã yêu cầu ít nhất 3.500 năm thì không có nghĩa là không đáng xem xét lại – đặc biệt khi xem xét rằng hầu hết các bài bình luận về cuộc xâm lược Ukraine của Nga bao gồm vô số tham chiếu đến năm 1939 (năm Thế Chiến II bắt đầu), không biết hiện nay chúng ta có đang chứng kiến sự bắt đầu của cuộc Thế Chiến III, như thể trong một vòng xoay giống như chiến tranh hay không.

Một số trường phái tư tưởng chỉ đơn giản là phủ nhận khả năng thay đổi. Chẳng hạn, những nhà tư tưởng lấy cảm hứng từ Hobbes hiểu rằng điều duy nhất ngăn cản kẻ mạnh tấn công kẻ yếu là một lực lượng chủ yếu, bao trùm sức mạnh (ví dụ: của nhà nước), vốn dự trữ cho mình quyền sử dụng bạo lực hợp pháp là vũ trang độc quyền. Tất nhiên, các trường phái khác lại nghĩ khác và cho rằng những quan hệ quyền lực này hoàn toàn có thể tránh được. Do con người tạo ra, chúng chắc chắn có thể bị xoắn, thay đổi hoặc loại bỏ hoàn toàn. Harari giải thích rằng “đã có nhiều thời kỳ [trong lịch sử loài người sơ khai] không có bằng chứng khảo cổ về chiến tranh.” Điều đó ngụ ý rằng, khác xa với sự thôi thúc tự nhiên của con người, chiến tranh thay vì phụ thuộc vào “các yếu tố công nghệ, kinh tế và văn hóa cơ bản. Khi những yếu tố này thay đổi, chiến tranh cũng đổi thay.”

“HÒA BÌNH” BỊ KỸ THUẬT ĐIỀU KHIỂN

Chính sự chuyển đổi công nghệ của chiến tranh đã làm cho thời kỳ sau chiến tranh tương đối “hòa bình” trở nên khả thi. Sự tồn tại tuyệt đối và sự sẵn có của vũ khí hủy diệt hàng loạt (chủ yếu là vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học) đã biến chiến tranh giữa các siêu cường “thành hành động tự sát tập thể điên cuồng.” Sức công phá chưa từng có của các kho vũ khí đương thời đã buộc các chính phủ phải sử dụng những cách ít bạo lực hơn để giải quyết xung đột – chủ yếu là các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao. Kết quả là không có cuộc chiến trực tiếp giữa các siêu cường trong ít nhất 7 thập niên. Harari ghi nhận một cách đúng đắn về việc “hầu hết các chính phủ không còn coi chiến tranh xâm lược là một công cụ có thể chấp nhận được để thúc đẩy lợi ích của họ, và hầu hết các quốc gia ngừng ảo tưởng về việc chinh phục và thôn tính các nước láng giềng.”

Theo một cách nào đó, các nhà tư tưởng phái Hobbes có vẻ đúng phần nào: đó là mối đe dọa của một cường quốc lớn hơn (một cường quốc có thể gây ra sự hủy diệt hoàn toàn, sức mạnh mà một cuộc chiến tranh thế giới hạt nhân có thể gây ra) đã khiến chiến tranh không ngừng bùng phát. Thật vậy, các chính phủ trên thế giới chỉ chi 6,5% ngân sách cho các lực lượng vũ trang của họ – ít hơn những gì họ đã chi cho giáo dục, y tế hoặc phúc lợi trong vài thập kỷ qua.

Tóm lại, lập luận của Harari giải thích rằng sự suy tàn của chiến tranh “là do con người đưa ra những lựa chọn tốt hơn.” Chiến tranh quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi, vì 70 năm qua đã chứng tỏ điều này. Nhưng thực tế là giai đoạn tương đối hòa bình này trong lịch sử nhân loại lại là kết quả của những quyết định do con người tạo ra, cũng ngụ ý rằng chúng ta có thể lựa chọn khác. Đó chính là lý do Nga chiếm đóng Ukraine, khiến tất cả chúng ta quan ngại. Harari nói: “Nếu việc các nước mạnh đánh bại các nước láng giềng yếu hơn của họ một lần nữa thì nó sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người trên thế giới cảm nhận và hành xử. Kết quả đầu tiên và rõ ràng nhất sẽ là quân sự tăng mạnh bằng chi phí của mọi thứ khác.”

CHỌN ĐIÊN CUỒNG HOẶC KHÔNG

Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư theo thông lệ, ngày 9-2-2022, ĐGH Phanxicô đã gọi khả năng xảy ra chiến tranh ở Ukraine là “sự điên rồ.” Đó không chỉ là một số lựa chọn từ ngữ ngẫu nhiên và chúng lặp lại cách hiểu của Harari về cuộc đụng độ giữa các siêu cường quốc là một “hành động tự sát tập thể điên cuồng.” ĐGH Phanxicô tuyên bố rõ ràng “Chiến tranh là sự điên rồ,” ủng hộ việc khắc phục căng thẳng và các mối đe dọa thông qua đối thoại đa phương nghiêm túc. Liệu hành động của Nga ở Ukraine có dẫn đến một cuộc xung đột quy mô lớn mới, năm 1939? Harari giải thích rằng, với tư cách là một sử gia, ông nói: “Tôi tin vào khả năng thay đổi. Tôi không nghĩ đó là sự ngây thơ, mà là chủ nghĩa hiện thực. Hằng số duy nhất của lịch sử loài người là SỰ THAY ĐỔI.”

Theo cách tương tự, trong số 79 của Thông điệp Laudato Si, Đức Phanxicô nói rõ rằng ý chí tự do, năng lực của con người để quyết định, lựa chọn và thay đổi “là điều tạo nên sự phấn khích và kịch tính của lịch sử nhân loại, trong đó tự do, phát triển, sự cứu rỗi và tình yêu có thể nảy nở, hoặc dẫn đến sự suy đồi và hủy diệt lẫn nhau. Công việc của Giáo Hội không chỉ nhằm nhắc nhở mọi người về bổn phận chăm sóc thiên nhiên, mà trên hết là Giáo Hội phải bảo vệ nhân loại khỏi sự tự hủy diệt.” Phản đối ý tưởng về sự trở lại không thể tránh khỏi và vĩnh viễn của chiến tranh là lập trường hợp lý và trung thành với các sự kiện thời sự.

DANIEL ESPARZA
TRẦM THIÊN THU (theo Aleteia.org)
Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội
Tu Viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

[Image: 274685443-3165516920404678-8271858902651...51x600.jpg]
Thú Tư Lễ Tro

[Image: 275049449-10226689078201434-540729590433877556-n.jpg]

[Image: 274711532-1811445935715654-1100314633736295447-n.jpg]

[Image: 92-E4-F3-A6-7-AE6-429-E-A8-AF-087-EFD7-C6-E15.jpg]

[Image: 27-BB8-EE8-B098-46-D8-8-B92-7-C880-ED6-BF9-A.jpg]
QUÂN LÍNH NGA ĐÃ GIẾT LINH MỤC TUYÊN ÚY KOZACHYN Ở VÙNG KIEV

Các quân lính Nga đã giết linh mục tuyên úy Maksym Anatolyovych Kozachyn khi cha rời một ngôi làng ở vùng Kiev. Lính Nga không cho phép mang thi thể của cha đi chôn cất.

Ngày 27 tháng 2, Hãng tin Risu cho biết, tại khu vực Kiev, quân xâm lược Nga đã bắn chết linh mục Maksym Anatolyovych Kozachyn, tuyên úy của Giáo hội chính thống Ukraine.

Nhà thần học Andriy Smirnov đã chia sẻ tin sau trên Facebook:
Linh mục Kozachyn sinh năm 1979 tại Novomoskovsk, vùng Dnipropetrovsk. Năm 1996, cha học xong trung học, và vào chủng viện Kiev của Giáo hội chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Kiev, một Giáo hội không được Giáo hội chính thống Nga công nhận, cha chịu chức năm 2000.

Kể từ khi được thụ phong linh mục, cha Kozachyn làm quản xứ nhà thờ Chúa Giáng sinh của Đức Trinh nữ Maria ở Rozvazhiv, thuộc quận Ivano-Frankivsk vùng Kiev. Cha đang rời thành phố bằng xe thì bị binh lính Nga giết khi họ tiến vào thành phố. Lính Nga không cho phép người dân địa phương mang thi thể cha đi chôn cất.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn

[Image: 23-EAE729-5-EAD-4-B5-C-9-EEC-2-EF8-CDFBD281.jpg]
Thánh tổng lãnh thiên thần Michael là quan thầy bảo vệ thủ đô và nước Ukraine.

A statue of St. Michael the Archangel, the patron saint of Kyiv, stands with a shield and a flaming sword as the protector of the capital city and the entire country. Placed in 2002, the statue stands atop the “Lyadsky Gate” in Kyiv's Independence Square. 

St. Michael the Archangel, pray for us. ⁣🌻🙏🇺🇦

Catholicnewsagency

[Image: 0-DDA013-F-42-F4-4-EEF-AC20-EAB5003-CA091.jpg]
"I have great pain in my heart for the situation in Ukraine getting worse." Once again, the peace of all is being threatened by the interests of the party.
I request all parties involved to refrain from any action that causes even more suffering to the population.
I invite everyone to make the coming 2nd of March a day of fasting and prayer for peace.
Queen of peace preserves the world from the madness of war
(Pope Francis)

[Image: 275127112-2065565913603639-3738650351195541300-n.jpg]
Những tu sĩ sẵn sàng ở lại với đàn chiên giữa chiến tranh ở Ucraina 

...

Trong khi cuộc chiến của Nga ở Ucraina leo thang, Giáo hội Công giáo đang mở rộng sự giúp đỡ cho bất kỳ người di tản nội địa nào đang tìm kiếm nơi trú ẩn và thực phẩm, cho người dân địa phương tìm kiếm sự giúp đỡ và chúc lành và 💖các linh mục tu sĩ đang phục vụ tại Ucraina quyết định ở lại với đàn chiên, bất chấp chiến tranh và nguy hiểm mất đi mạng sống.

Hồng Thủy - Vatican News

💖 Trước hết là các giáo sĩ và tu sĩ Ba Lan đang làm việc tại Ucraina, họ đã từ chối rời nước này. Và cả những người Ucraina thuộc các tỉnh dòng Ba Lan cũng quyết định như thế.
Cha Leszek Kryża, người đứng đầu Văn phòng Trợ giúp Giáo hội ở Đông Âu của Hội đồng Giám mục Ba Lan, nói với hãng tin Crux: “Trong những giờ qua, tôi đã nghe những lời tuyên bố rằng họ sẽ ở lại, ngay cả khi phải trả giá bằng tử đạo."

Ước tính có khoảng 300 linh mục triều và dòng người Ba Lan đang phục vụ ở Ucraina. Ngoài ra, nhiều thành viên của các tỉnh dòng Ba Lan đang phục vụ tại Ucraina là người Ucraina.

💖 Dòng Đaminh

Cha Łukasz Wiśniewski, giám tỉnh tỉnh dòng Đa Minh ở Ba Lan, nói với Crux: “Chúng tôi có một tu sĩ từ Ucraina sẽ được thụ phong trong 3 tháng nữa và sau đó dự định sẽ về Ucraina, nhưng thầy đã xin tôi đi ngay bây giờ. Thầy muốn ở bên người dân của mình”. Cha kể thêm: “Hôm qua, tôi đã nói chuyện điện thoại với các anh em của chúng tôi ở Ucraina suốt buổi sáng - họ đều tuyên bố sẽ ở lại. Có 25 anh em tại Hạt Đại diện Ucraina, là một phần của tỉnh Dòng Đa Minh Ba Lan."

Hàng ngàn người Ucraina đang di chuyển về biên giới phía Tây để tìm tị nạn ở Ba Lan. Các dòng tu và các nhà thờ đang trở thành nơi trú ẩn cho những người cần chỗ dừng chân nghỉ ngơi trên quảng đường dài.

💖 Dòng Tên

Các tu sĩ dòng Tên ở Khmelnytskyi đang tổ chức nơi cư trú cho những người di tản. Cha Bartlomiej nói: "Chúng tôi muốn người dân có thể dừng lại để ăn uống, uống trà hay cà phê, trước khi tiếp tục đoạn đường. Chúng tôi đang chiến đấu theo quy tắc: Chống lại sự dữ bằng sự thiện."

💖 Dòng Capuchinô

Các tu sĩ dòng Capuchinô cũng đang ở lại Ucraina và đang mở các tầng hầm của nhà thờ cho người dân trú ẩn. Thầy Tomasz Zak của tỉnh dòng Capuchino chia sẻ với hãng tin Crux: "Chúng tôi có 36 anh em ở Ucraina, hầu hết là người Ba Lan và Ucraina, nhưng cũng có một số ít người Nga. Một trong số họ, tu sĩ người Nga của chúng tôi, vừa lên đường với quân đội Ucraina để làm tuyên úy cho họ."

💖 Dòng Salêdiêng, dòng Phanxicô

Trong khi đó cha Michal Wocial dòng Salêdiêng đang hoạt động tại Zhytomyr nói trên truyền hình Ba Lan rằng người dân yêu cầu các tu sĩ chúc lành cho họ trước khi ra chiến trường. Các tu sĩ đang cầu nguyện với những người đang còn ở lại. Còn các tu sĩ Phanxicô đang làm việc tại 5 thành phố ở Ucraina, bao gồm thành phố Lviv và Boryspil, gần Kiev, cũng tuyên bố ở lại với dân tộc Ucraina.
Có rất nhiều người dân không thể di tản; đó là những người già, người vô gia cư, người nghèo. Các linh mục và tu sĩ đang can đảm ở lại chăm sóc họ và không bỏ rơi người dân của mình. (Crux 26/02/2022)

💖 Dòng Don Orione

Ngay từ ngày đầu tiên Nga bắt đầu tấn công Ucraina, các nam tu sĩ dòng truyền giáo Don Orione đang phục vụ tại nước này đã khẳng định "Chúng tôi sẽ ở lại đây; chúng tôi không thể bỏ rơi ruộng vườn nhà cửa, nhưng trên hết là những thiếu niên khuyết tật, bởi vì các em chỉ có mình chúng tôi." Và các nữ tu của ngành nữ dòng Don Orione thuộc tỉnh dòng Ba Lan đang phục vụ tại Ucraina cũng có cùng quyết định như các anh em của mình. Các chị được yêu cầu rằng nếu muốn, các chị có thể trở về Ba Lan, nhưng tất cả các chị đều chọn ở lại cạnh các bà mẹ, những trẻ em và người nghèo mà các chị đang giúp đỡ. Các tu sĩ nam nữ dòng Don Orione xin cầu nguyện cho họ cũng như cho người dân Ucraina. (Fides 24/02/2022)

💖 Dòng Kín Cát Minh

Không chỉ các linh mục tu sĩ hoạt động tông đồ, mà cả những tu sĩ chiêm niệm như các nữ đan sĩ dòng Kín Cát Minh của Ucraina cũng quyết định không rời bỏ các đan viện, nhưng sẽ ở lại để gần gũi với dân chúng bao nhiêu có thể.

Các đan sĩ dòng Kín Cát Minh bắt đầu hiện diện tại Ucraina, cụ thể là tại Kiev vào những năm 1990 để trợ giúp việc tái thiết đời sống thiêng liêng của xã hội thời hậu cộng sản bằng lời cầu nguyện và sự hiện diện của họ. Sau đó, họ đã có thể thành lập các đan viện Cát Minh khác, trong đó có một tu viện mới ở giữa cánh đồng và vườn cây ăn quả ở ngoại ô thủ đô Ucraina, nơi họ vẫn ở và dự định tiếp tục ở lại.

Các nữ tu Cát Minh ở Kharkov và Kiev cho biết ý định ở lại các đan viện bất chấp chiến tranh. Các chị mời gọi cầu nguyện cho các tu sĩ Cát Minh ở các đan viện khác ở Ucraina, cũng như cho tất cả cư dân của nước này. (Aleteia 25/02/2022)

[Image: 274822740-3063604247236852-7260450898420075368-n.jpg]
CẬP NHẬT TÌNH HÌNH GIÁO HỘI TẠI UKRAINE

Cập nhật tình hình từ những người Công Giáo ở Ukraine giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình đang phát triển ở đó. Chiến tranh ảnh hưởng đến các thành phố như thế nào?

Khi Nga đưa chiến tranh đến Ukraine, các linh mục đang phục vụ tại các thành phố bị tấn công của Ukraine cung cấp thêm báo cáo về những gì các ngài thấy trên mặt đất trong thừa tác vụ của các ngài.

Nhiều người đang hỏi: tình hình ở các vùng khác nhau của đất nước như thế nào? Điều gì tiếp theo cho những nỗ lực mục vụ của Giáo hội được thực hiện ở đó? Những linh mục này giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

LVIV - “Chúng tôi sẽ không rời con cái của chúng tôi!”

“Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi không thể bỏ mặc những khu vực này, ngôi nhà, hoặc những đứa trẻ tàn tật của chúng tôi. Họ chỉ có chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem tình hình sẽ phát triển như thế nào”, các cha dòng Chúa Quan Phòng từ Lviv viết trong một thông báo đăng trên trang web của cộng đoàn.

“Cuộc tấn công vẫn tiếp tục trên khắp đất nước, còi báo động phòng không đã vang lên từ sáng. Chúng tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng nổ, nhưng tôi nghĩ rằng sân bay có thể bị đánh bom vì điều đó đã xảy ra ở các thành phố khác ở Ukraine, có nguy cơ xảy ra ở các thành phố khác nữa”. Cha Egidio Montanari báo cáo. Cộng đồng của ngài có sự tham gia của hai linh mục dòng Chúa Quan Phòng và một chủng sinh đến từ Kiev. Người chủng sinh này chỉ có nửa thùng nhiên liệu, nửa đường hết xăng phải bỏ xe đi bộ và được cộng đoàn ở Lviv đón trên xa lộ.

Tình hình tại Charków - “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi các mẹ và người nghèo!”

Các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng cũng quyết định ở lại Ukraine với trách nhiệm của họ. “Sáng nay, các Nữ tu dòng Tiểu muội Bác ái Truyền giáo đã tìm cách thiết lập liên lạc với các chị em ở Kharkiv, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc tấn công của Nga, và ở Korotycza gần đó,” bản tin của cộng đoàn viết.

Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan không nhưng họ đều chọn ở gần các bà mẹ, trẻ em và những người nghèo mà họ chăm sóc.

“Chị Kamila ở Kharkiv báo cáo rằng trong đêm họ bị đánh thức bởi những tiếng nổ súng. Tình hình rất bấp bênh. Đức Hồng Y đã yêu cầu các chị em dòng Chúa Quan Phòng từ cả hai cộng đồng tập trung ở Korotycza vì ở đó an toàn hơn. Các chị em ở đó có tầng hầm mà họ có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp nguy hiểm. Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan hay không nhưng họ đều chọn ở lại để tiếp tục phục vụ.”

Tình hình tại Mariupol - “Chúng tôi không còn biết chạy đi đâu?”

“Tiếng nổ đã được nghe thấy vào buổi sáng, điều này gây ra sự hoảng loạn. Nhưng các nhà chức trách Ukraine đã yêu cầu người dân không được hoảng sợ. Điều này rất khó. Tuy nhiên, trong thành phố, sự hoảng loạn là điều hiển nhiên. Có những hàng chờ khổng lồ tại các trạm xăng và ga đường sắt. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đi đâu đây? Bạn không thể rời khỏi thành phố một cách dễ dàng, thiết quân luật đang có hiệu lực. Tất cả chúng tôi đều lo lắng” Cha Paul Tomaszewski, một linh mục dòng Thánh Phaolô, nói với Đài phát thanh Vatican.

“Ngoài trận chiến còn có trận địa thông tin, trận địa tuyên truyền. Người ta nói rằng xe tăng được bố trí ở thành phố của chúng tôi, ở Donetsk, họ nói rằng lá cờ của nước cộng hòa ly khai đã bay trên thành phố. Nhưng bây giờ nó là bình thường, yên bình, các hoạt động của thành phố vẫn diễn ra như thường lệ. Mọi người biết rằng mỗi dãy căn hộ đều có một số loại hầm trú ẩn, chủ yếu là ở các tầng hầm, rất khó để tìm được một nơi trú ẩn thực sự. Tôi mời mọi người đến nhà thờ, ai có thể thì hãy đến, chúng tôi sẽ cầu nguyện”.

Tình hình tại KOLOMYJA – Thánh lễ đông nghẹt

“Chúng tôi được đánh thức sáng nay bằng máy bay đang bay qua thành phố,” Cha Michal Machnio, cha sở của giáo xứ Thánh Ignatius Loyola ở Kolomyia thuộc tổng giáo phận Lviv, đã báo cáo trong một cuộc phỏng vấn với Radio Plus. Cha sở, là một linh mục của Giáo phận Radom, thông báo rằng một sân bay cách thành phố 60 km (gần 40 dặm) đã bị đánh bom. Sân bay quân sự ở Kolomyia cũng bị cháy.

“Đó là một tình huống khó khăn cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày. Chúng tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện cho hòa bình. Chúng tôi hát những lời cầu xin mỗi ngày sau khi thánh lễ. Chính quyền thành phố yêu cầu anh chị em bình tĩnh. Nếu không có nhu cầu, anh chị em nên ở nhà. Ngoài ra, các sơ đã đóng cửa trường mẫu giáo mà họ điều hành”, vị linh mục nói thêm.

Tôi không có ý định bỏ đi, tôi đang ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cuối cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.

“Có một số lượng lớn người bất thường trong thánh lễ sáng hôm nay. Bạn có thể cảm thấy căng thẳng, nhưng mọi người đều cố gắng giữ bình tĩnh. Mọi người đang mua nhiều thứ hơn ở cửa hàng vì họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Tôi xin những lời cầu nguyện rằng Ukraine sẽ không còn bị xâm lược”, cha Machnio nói. Vị linh mục tuyên bố rằng ngài sẽ không rời giáo xứ của mình. “Tôi không rời đi, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.”

Tình hình tại Kiev - “bảo vệ Mình Thánh Chúa”

“Vào buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi một vụ nổ, có thể là từ hướng Boryspol - cách chúng tôi khoảng 30 km (khoảng 18 dặm). Chúng tôi quyết định cùng với những người bạn của mình chuẩn bị di tản. Chúng tôi muốn bảo đảm các thiết bị có giá trị nhất từ studio truyền hình và đưa nó đi theo hướng Lviv; chúng tôi cũng cần bảo bảo đảm Mình Thánh Chúa. Tôi mang theo tài liệu tiếng Ba Lan và một số nhu yếu phẩm để phòng trường hợp chúng tôi phải trốn trong các trại tạm trú,” Cha Błażej Gawliczek, người làm việc cho đài truyền hình Công Giáo EWTN ở Kiev tường thuật trong một cuộc phỏng vấn với Sunday Guest.

“Bạn không thể nhìn thấy quân đội trên đường phố, nhưng có một sự náo động rất lớn. Một trong những người bạn của tôi đã ra ngoài cửa hàng để mua thức ăn và đổ xăng cho chiếc xe của anh ấy - có những hàng dài không thể tưởng tượng được tại các trạm xăng,và ở các cửa hàng. Tại thời điểm này, chúng tôi nhận được tin rằng quân Nga đã tiến vào vùng Chernihiv, cách Kiev 150 km (90 dặm) về phía bắc. Thành thật mà nói - đã lâu rồi tôi không cảm thấy sợ hãi và hoang mang như thế này. Trước đó tôi đã phần nào đánh giá thấp mối đe dọa này của Nga, nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo lắng vô cùng,” vị linh mục cho biết thêm.

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=qBIZbdS2IHw

AleteiaWe cannot abandon our children with disabilities: Updates pour in from priests in Ukraine
https://aleteia.org/2022/02/24/we-cannot...n-ukraine/

[Image: 9610-BD7-B-8-BA7-4923-9-C7-D-934-F9-AB4-F8-DA.jpg]
NGA THẢ BOM TÒA GIÁM MỤC KHARKIV: TẠ ƠN CHÚA QUAN PHÒNG KHÔNG AI BỊ THƯƠNG

Hôm thứ Ba, máy bay Nga đã thả một quả bom vào Tòa Giám Mục Công Giáo tại thành phố Kharkiv của Ukraine đang bị bao vây.

Hãng thông tấn Ý SIR của Hội Đồng Giám Mục Italia cho biết 40 người đang trú ẩn trong tầng hầm của Tòa Giám Mục khi quả bom đánh trúng tòa nhà vào ngày 1 tháng 3, nhưng không có người nào bị thương.

Một đoạn video được Hiệp hội thánh lễ Latinh của Anh và xứ Wales đăng trên Twitter cho thấy các mảnh vỡ nằm rải rác trên sàn của một căn phòng phía trên trong Tòa Giám Mục.

Các lực lượng Nga đã tiến vào Kharkiv, nơi có dân số 1.4 triệu người, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, việc Nga bắn phá thành phố ở đông bắc Ukraine đã dẫn đến cái chết của dân thường, bao gồm cả trẻ em.

Cha Gregorio Semenkov, chưởng ấn của Giáo phận Nghi lễ Latinh của Kharkiv-Zaporizhzhia, nói với thông tấn xã SIR: “Sáng nay thật là địa ngục, quả bom đã rơi xuống Tòa Giám Mục của chúng tôi”.
“Có những vụ đánh bom ở trung tâm thành phố. Các cuộc tấn công nhắm vào các văn phòng chính phủ. Bom cũng đánh trúng những người đang chờ lấy bánh mì và đúng lúc đó một quả bom đã rơi xuống Tòa Giám Mục”.

“Có rất nhiều người chết. Hiện tại, không có tin tức về số nạn nhân và người bị thương. Kết nối internet bị ngắt nên chúng tôi không có thông tin cập nhật”.

Ngài nói thêm: “Trong Tòa Giám Mục những ngày này có rất nhiều người, nhiều bà mẹ có con. Chúng tôi có tổng cộng 40 người. Chúng tôi đưa họ đến một nơi an toàn. Tất cả chúng tôi đều ở dưới mặt đất và may mắn là quả bom đã trúng ở trên cao”.

Kharkiv là thành phố lớn thứ hai ở Ukraine sau thủ đô Kiev. Giáo phận Nghi lễ Latinh của Kharkiv-Zaporizhzhia được thành lập vào năm 2002 và có trung tâm là Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria ở Kharkiv. Đây là một giáo phận trực thuộc Tổng giáo phận Lviv của Công Giáo Latinh ở miền tây Ukraine.

Một thiểu số người Công Giáo ở Ukraine theo nghi lễ Latinh. Đa số người Công Giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Rôma.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết vào ngày 28 tháng 2 rằng Đức Cha Pavlo Honcharuk, giám mục nghi lễ Latinh của Kharkiv-Zaporizhia, đã “trải qua những ngày qua trong hầm trú ẩn với một số gia đình, cùng với vị Giám Mục Chính thống trong khu vực.”

Vị Giám Mục 44 tuổi, đã làm giám mục được hai năm, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ: “Tôi ước cuộc chiến này kết thúc càng nhanh càng tốt. Nhưng trong khi cái ác đã thể hiện rất mạnh mẽ, điều này cũng đã bộc lộ rất nhiều điều tốt. Theo một cách nào đó, cái ác mà chúng ta đang trải qua cũng vắt kiệt nước nho tốt, và thứ nước tốt đó chính là lòng trắc ẩn, sự hỗ trợ lẫn nhau và tình yêu thương của chúng ta. Nó cho thấy bộ mặt thật của chúng tôi”.

“Thông điệp của tôi ngắn gọn vì chúng tôi đang bị bắn phá liên tục, và tôi hơi lo lắng, nhưng chúng tôi cố gắng hành động bình thường. Xin Chúa phù hộ mọi người!”

Catholic News Agency - Ukraine conflict: Bomb hits Catholic diocese’s headquarters in besieged city

https://www.youtube.com/watch?v=-smqC1RH...e=emb_logo

[Image: 275123897-1728594987476775-2482116421228572318-n.jpg]
UCRAINA: TIN TỪ MỘT CHA TRONG CUỘC CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ GIÁO HỘI UCRAINA

Đây là thông tin từ Cha Mykola, Quản lý Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Ucraina, Trưởng Ban cứu trợ nạn nhân chiến tranh bảo vệ tổ quốc và Giáo Hội Công giáo Ucraina.

Ngài gửi cho tôi một số tin nhắn bằng tiếng Ý và những lúc khác nhau trong mấy hôm nay. Nội dung cũng như ý tưởng lộn xộn chứng tỏ ngài đang rất nhiều việc và rất căng thẳng. Tôi xin dịch ra và chia sẻ ở đây để các bạn thêm lời cầu nguyện cho Ucraina, đặc biệt cho anh em DCCT Ucraina.

***
Cám ơn các bạn Việt Nam, đặc biệt là cha Phêrô Khải và cha Martino Thông, vì sư gần gũi, vì lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của các bạn. Đây là vài tin liên quan đến các tu viện DCCT chúng tôi ở Ucraina.

Can đảm! Tôi tự hào về các anh em DCCT của tôi. Hiện tại các anh em vẫn ở trong vùng chiến sự, những nơi có các trận đánh diễn ra liên tục. Không có cha thầy nào muốn đi ẩn náu tạicác vùng an toàn hơn, thâm chí một số anh em còn đích thân tham gia trợ giúp mục vụ trong chiến tranh.

Là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, những người sống đời thánh hiến, chúng tôi đang tìm cách trợ giúp mọi người bằng cách thăm hỏi, trò chuyện, chia sẻ và cầu nguyện trong những ngày khó khăn này.

Mọi người tìm đến các nhà thờ và tu viện của chúng tôi vì sợ hãi và để tìm kiếm sự trợ giúp. Một số nhóm cầu nguyện đã được thành lập. Mỗi khi còi báo động nguy hiểm vang lên thì nhiều người chạy đến nhà thờ hơn. Điều này xảy ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm khiến tâm thần họ bị căng thẳng. Lúc này ở Ucraina nguy hiểm thường trực và chẳng còn nơi nào an toàn.

Các anh chị em giáo dân đến nhà thờ để cầu nguyện cho hòa bình, cầu nguyện cho con cháu họ đang trong quân ngũ, hoặc đến để xưng tội trước khi lên đường nhập ngũ. Trong các nhà thờ và tu viện, một số nhóm tình nguyện đã được thành lập để tiếp nhận và phân phát lương thực, thực phẩm cho những các nạn nhân các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh. Những ngày này gia tăng rất số những người sống trong các khu vực do chúng tôi phụ bị thiếu lương thực gia tăng rất nhiều. Chúng tôi cũng đưa lương thực thực phẩm đến vùng biên giới với Ba Lan nơi có nhiều người đến tỵ nạn.

Ngoài ra ở một số nhà thờ, chúng tôi tập hợp những phụ nữ để đan lưới che đầu và mặt cho binh lính, trong khi đó các bạn trẻ trong các giáo xứ thì phụ trách chăm sóc con cái của các binh lính ngoài mặt trận.

Các anh em DCCT chúng tôi vẫn bám trụ tại ở Chernihiv (miền Bắc Ukraine) và Berdiansk (miền Đông Ukraine), nơi họ trợ giúp người dân địa phương bằng lời cầu nguyện và hành động. Chernihiv bây giờ là trung tâm của các trận chiến và chịu cảnh bị ném bom liên tục. Một quả bom đã đến cách nhà chúng tôi 200 mét, nơi các giáo dân đã trú ẩn từ hơn 1 tuần nay. Ngược lại, ở thành phố Berdiansk thì yên tĩnh hơn, vì nơi này đã bị quân đội Nga chiếm đóng. Hai giám mục Dòng Chúa Cứu Thế là hai đấng bản quyền hai giáo phận Odessa và Zaporizhzhya, cũng đang nỗ lực cứu giúp người tỵ nạn, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho họ. Chúng tôi không còn có thể tiếp cận được các giáo phận này của anh em DCCT vì chiến sự diễn ra khốc liệt. Chúng tôi hy vọng chiến sự vùng này sớm giảm bớt để chúng tôi có thể đến đó trợ giúp các anh em của chúng tôi và dân chúng .

Lúc này hàng trăm nghìn người Ukraine đã đi lánh nạn tại Romania, Moldova và Ba Lan khi họ chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga. Chúng tôi cũng đang cố gắng cung cấp nơi ở tạm thời cho những người tị nạn trong các tu viện của chúng tôi. Các tu viện của chúng tôi, đặc biệt là các trung tâm tĩnh tâm, đang tiếp nhận những người tị nạn. Nhiều người trong số họ tìm cách đi tỵ nạn ở nước ngoài, trong khi những người ở lại vẫn nhiều hơn.

Chúng tôi cũng gửi tiền bạc đến các khu vực chiến sự. Điều này cần thiết vì lúc này chúng tôi không thể đến đó bằng các phương tiện giao thông. Với tiền bạc chúng tôi gửi đến, họ có thể mua và phân phát thực phẩm cho những người nghèo khổ đang tăng lên mỗi ngày.

Bằng tất cả những nỗ lực này, chúng tôi không chỉ là nhân chứng chia sẻ nỗi đau khổ vô cùng lớn lao của các nạn nhân chiến tranh trong đất nước chúng tôi, mà trên hết chúng tôi còn làm chứng cho tình huynh đệ trong đất nước chúng tôi và trên toàn thế giới.

Chúng tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của quân đội chính quy Ucraina cũng như của các binh lính tình nguyện. Tất cả những gì họ đang làm đã cất lên tiếng nói với cả thế giới về nỗi đau của dân tộc chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn các bạn Việt Nam đã trợ giúp tài chính cho các công việc nhân đạo khác nhau mà chúng tôi đang tiến hành.

Rev. Mykola, CSSR

( N.B: Cha Mykola là Quản lý Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Ucraina. Trong Tỉnh Dòng lúc này ngài là Trưởng Ban cứu trợ nạn nhân chiến tranh bảo vệ tổ quốc và Giáo Hội Công giáo Ucraina.)

Nguồn: Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT.
Cha Khải hiện đang ở Ý.

[Image: 3-F768436-1-D1-E-40-FA-9-C98-D5-BE6-E1-A3935.jpg]

[Image: 835-C6767-89-C7-47-C3-8822-899147439374.jpg]

[Image: 9-D964788-2985-43-CE-B715-68-A55-E03-C328.jpg]

[Image: BEA4-B1-D5-4-E6-A-479-D-9-B0-E-2-F1-E012-F401-D.jpg]
Pages: 1 2