Viêm tụy cấp: Căn nguyên mắc bệnh từ sỏi mật và nhiều yếu tố liên quan
Theo L.Vũ (th) (suckhoedoisong.vn) | 15:09 05/04/2022 |
Viêm tụy cấp là một quá trình tổn thương cấp tính của tụy, bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp từ viêm tụy cấp nhẹ đến mức độ nặng với các biến chứng suy đa tạng nặng, tỉ lệ tử vong cao.
Theo BS Lê Tiến Dũng (Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Viêm tụy cấp là một quá trình tổn thương cấp tính của tụy, bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp, đứng hàng đầu là do sỏi mật và nghiện rượu chiếm khoảng 80%. Tiếp theo đó là do tăng triglycerid chiếm 1,3 - 3,8%, thường không được chú ý và hay bị bỏ qua trong chẩn đoán. Viêm tụy cấp ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 25 - 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là viêm tụy cấp nặng.
1. Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm (sưng) đột ngột trong một thời gian ngắn với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp đều hồi phục hoàn toàn nếu như được khi điều trị đúng và kịp thời.
Trong trường hợp nghiêm trọng, dịch tuyến tụy chạy vào trong ổ bụng khiến tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng. Viêm tụy nặng cũng có thể gây nguy hiểm cho các cơ quan quan trọng khác như tim, phổi và thận.
Viêm tụy cấp là một quá trình tổn thương cấp tính của tụy.
2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp
- Bệnh đường mật do sỏi hoặc giun: chiếm 40-50%.
- Rượu chiếm 20 – 30%.
- Các nguyên nhân ít gặp hơn có thể do:
- Chấn thương vùng bụng hoặc do phẫu thuật về DD-TT, do thủ chụp mật tuỵ ngược dòng qua nội soi (ERCP).
- Các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như bệnh tiểu đường, bệnh Luput ban đỏ.
- Các bệnh có tăng lipide máu như h/ch thận hư hoặc nhóm các bệnh rối loạn chuyển hoá lipide máu.
- Các rối loạn chuyển hoá: tăng calci huyết như cường tuyến cận giáp.
- Nhiễm virus (quai bị, CMV, EBV).
- Do thuốc: Azathioprin, 6-MP, Cimetidine, Estrogenes, Furosemide, Methyl-dopa, Tetracycline …
- Do dị ứng.
- Có khoảng 20-25% trường hợp không thể xác định nguyên nhân.
3. Cơ chế bệnh sinh của viêm tụy cấp
Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của viêm tụy cấp là do sự hoạt hoá các tiền enzym thành các enzym có hoạt tính ngay trong lòng tuyến tụy, từ đó kéo theo một loạt các phản ứng kiểu dây chuyền khác.
[size=undefined][size=undefined]
Đau bụng trên là một trong những triệu chứng của viêm tụy cấp.[/size][/size]
4. Triệu chứng viêm tụy cấp
- Đau bụng trên.
- Đau bụng lan ra sau lưng.
- Sốt.
- Mạch nhanh.
- Buồn nôn/ nôn mửa.
- Ăn uống kém.
- Vàng da nếu vàng da nhẹ, kín đáo thường do phù nề ống dẫn chung. Nếu vàng da rõ thường do bệnh đường mật đi kèm do sỏi hoặc do giun.
- Rối loạn nhu động ruột thường có tình trạng liệt ruột và chướng hơi trong ổ bụng.
- Tràn dịch ổ bụng thường gặp ở những ca nặng, có khi dịch cổ trướng có máu. Tràn dịch màng phổi trái ít gặp hơn và cũng có tiên lượng nặng.
5. Đối tượng bị viêm tụy cấp
Viêm tụy có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phổ biến hơn ở những người có các yếu tố nguy cơ nhất định như:
- Sỏi mật. Viêm tụy cấp có thể là dấu hiệu đầu tiên của sỏi mật. Sỏi mật có thể chặn ống tụy từ đó gây ra viêm tụy cấp.
- Nghiện rượu nặng.
6. Các biện pháp chẩn đoán viêm tụy cấp
Các bác sĩ đo nồng độ hai loại enzyme tiêu hóa là amylase và lipase ở trong máu người bệnh, nếu nồng độ hai loại enzyme này cao thì có thể chẩn đoán người bệnh mắc viêm tụy cấp. Ngoài ra, có thêm một số các chẩn đoán khác như:
- Kiểm tra chức năng tuyến tụy để tìm hiểu xem tuyến tụy có sản xuất đúng lượng enzyme tiêu hóa hay không.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose để đo mức độ dịch tuyến tụy gây tổn thương cho các tế bào tuyến tụy tạo ra insulin.
- Siêu âm, chụp CT và MRI, tạo ra hình ảnh của tuyến tụy để có thể nhìn thấy các vấn đề trong ổ bụng.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là một kỹ thuật chuyên biệt thường được dùng để quan sát hình ảnh của các ống dẫn mật, đôi khi là các ống tụy.
- Sinh thiết, trong đó đầu kim được đưa vào tuyến tụy để lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm.
- Trong các giai đoạn điều trị, các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm máu, nước tiểu và phân để điều chỉnh phác đồ điều trị.
[size=undefined][size=undefined]
Siêu âm để chẩn đoán có bị viêm tụy cấp hay không.[/size][/size]
7. Viêm tụy cấp có nguy hiểm không?
Viêm tụy cấp là một trong những cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có nhiều biến chứng với tiên lượng nặng bao gồm giảm thể tích tuần hoàn, hoại tử nhu mô tụy, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết hay liệt ruột cơ năng... Bệnh nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng toàn thân ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng khác như trụy tim mạch, suy giảm chức năng thận... đặc biệt gây chảy máu trong tụy có thể dẫn đến nguy cơ tử vong ngay trong những ngày đầu bị bệnh.
8. Biến chứng của viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Suy thận: Viêm tụy cấp có thể gây suy thận nặng thậm chí đôi khi cần phải lọc máu.
- Tổn thương phổi: Viêm tụy cấp gây ra những thay đổi hóa sinh trong cơ thể, ảnh hưởng đến trao đổi khí tại phổi gây giảm oxy máu.
- Nhiễm trùng: Biến chứng nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong cao là viêm tụy hoại tử nhiễm trùng.
- Nang giả tuỵ: Viêm tụy cấp có thể khiến chất lỏng và các mảnh vụn tích tụ trong các túi giống như nang trong tuyến tụy. Một nang giả lớn vỡ ra có thể gây ra các biến chứng như chảy máu và nhiễm trùng.
- Suy dinh dưỡng: Khi bị viêm, tuyến tụy sẽ sản xuất các enzym cần thiết ít hơn. Điều này có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy và giảm cân.
- Viêm tụy mãn tính: Viêm tuỵ cấp lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến viêm tuỵ mãn tính. Viêm tụy mãn tính gây hại cho các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ ung thư tuyến tuỵ.
9. Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không?
Nếu bị viêm tụy cấp người bệnh cần nhập viện điều trị và theo dõi phòng ngừa biến chứng. Nếu điều trị tích cực, bệnh nhân hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh và ngăn ngừa biến chứng gây hại cho sức khỏe.
10. Viêm tụy cấp có phải mổ không?
Viêm tuỵ cấp chủ yếu là điều trị nội khoa, chỉ can thiệp phẫu thuật khi có chỉ định cụ thể như viêm tuỵ hoại tử, viêm tuỵ xuất huyết, người bệnh hồi sức không hiệu quả hay có nguyên nhân khác như sỏi kẹt Oddi. Thẩm định tình trạng đau bụng của người bệnh và tìm tư thế giảm đau cho người bệnh.
11. Điều trị kiểm soát bệnh viêm tụy
Triệu chứng viêm tụy và biến chứng có thể tiến triển rất nhanh, do đó việc đầu tiên điều trị cần hướng đến là phục hồi chức năng của thận, đảm bảo cho hoạt động trong cơ thể diễn ra một cách bình thường. Vì thế, người bệnh cần cung cấp dinh dưỡng trực tiếp qua ống truyền tĩnh mạch để giảm hoạt động của tụy trong tiêu hóa thực phẩm.
Thông thường, điều trị kiểm soát bệnh sẽ kéo dài vài ngày đến vài tuần tùy theo mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh. Khi bệnh đã được kiểm soát tương đối, bước đầu bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh ăn các thực phẩm lỏng và nhạt rồi dần dần trở lại với chế độ ăn uống bình thường.
Tùy theo triệu chứng và biến chứng bệnh, bác sĩ sẽ xem xét điều trị, trong đó nguyên tắc điều trị là tránh mất cân bằng nước và điện giải, kiểm soát đau bụng kéo dài.
[size=undefined][size=undefined]
Phẫu thuật tụy được áp dụng với bệnh nhân biến chứng nặng.[/size][/size]
Điều trị viêm tụy triệt để
Sau giai đoạn điều trị đầu tiên, khi tình trạng viêm tụy đã được kiểm soát tốt, bệnh nhân sẽ được chuyển sang điều trị giai đoạn 2 là điều trị tận gốc từ nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật tụy.
- Phẫu thuật túi mật.
- Can thiệp lấy sỏi đường mật.
Trong quá trình điều trị viêm tụy cấp hay mạn tính ở giai đoạn nào, người bệnh cũng cần lưu ý chế độ sinh hoạt lành mạnh bao gồm:
- Cai nghiện rượu và các chất kích thích.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, song cần hạn chế chất béo hấp thu.
- Bổ sung enzyme hỗ trợ tiêu hóa trong thời gian chức năng tụy chưa được phục hồi hoàn toàn.
12. Biện pháp phòng ngừa viêm tụy cấp
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
- Ăn uống khoa học, vệ sinh với chế độ ăn nhạt để tránh bị sỏi mật, vì sỏi mật là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm tuỵ cấp.
- Uống nhiều nước.
- Ăn bánh mì nguyên hạt, yến mạch và gạo nâu, giảm chất béo… để đề phòng sỏi mật.
- Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu, sỏi mật… nên thăm khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tuỵ cấp