2021-11-28, 03:58 PM
Cẩm Nang Tuệ Quán
Nguyên tác Thái Ngữ: Ajahn Naeb
Bản dịch tiếng Việt: Tỳ khưu Giác Nguyên
Bản dịch tiếng Việt: Tỳ khưu Giác Nguyên
Thuật ngữ Vipassanā (Tuệ Quán) phải được hiểu là tên gọi của thứ trí tuệ thấy rõ Tam Tướng trong Danh Sắc. Sự đào dưỡng trí tuệ này chính là công phu quan trọng nhất trong Phật Giáo mà cứu cánh rốt ráo là sự chấm dứt phiền não, chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát tất cả đau khổ.
Một hành giả muốn bắt đầu tu tập Tuệ Quán, trước hết phải biết qua những điều căn bản cần thiết như về 6 Tuệ Xứ (Vipassanābhūmi), 4 Niệm Xứ, … Nhờ vậy trong việc tu tập sẽ không bị mơ hồ, nhầm lẩn. Tôi vừa nói là chỉ trình bày vắn tắt, nhưng nội dung vắn tắt đó chính là những gì tôi vừa giới thiệu. Trước hết, thế nào là 6 Tuệ Xứ (Vipassanābhūmi) ?
Nguyên nghĩa chữ Bhūmi này là nơi chốn, địa điểm, nhưng ở đây ta có thể xem nó là chữ đồng nghĩa với Đề Mục, Án Xứ (Kammaṭṭhāna) hay cảnh sở tri – đối tượng tri nhận (Ārammana). Người tu Tuệ Quán nhất thiết phải biết qua 6 Tuệ Xứ này. Đó là: Năm Uẩn, mười hai Xứ, mười tám Giới, hai mươi hai Quyền, Bốn Đế và mười hai Duyên Khởi. Nói gọn lại, toàn bộ 6 Tuệ Xứ này chỉ là Danh Pháp và Sắc Pháp mà thôi. Còn 4 Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) thì là 4 chỗ an trú của Chánh Niệm. Chánh Niệm ở đây là sự ghi nhớ đặc biệt thù thắng có thể dẫn tâm chứng nghiệm Niết Bàn. Bốn Niệm Xứ bao gồm 4 thể tài căn bản: Thân Niệm Xứ, Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ.
A- THÂN NIỆM XỨ có 12 đề mục (pabba) để hành giả ghi nhận:
- Ānāpānapabba: Sự ghi nhớ từng hơi thở ra vào.
- Iriyāpathapabba: Sự ghi nhớ từng động tác đi, đứng, nằm, ngồi.
- Sampajaññapabba: Sự ghi nhớ trong từng sinh hoạt nhỏ nhặt như bước tới, bước lui, nhìn ngang liếc dọc, đắp y, mang bát, tiểu tiện, ...
- Patikūlapabba: Quán tưởng 32 thứ uế trược trong thân thể như tóc, lông, móng, răng, da, ...
- Dhātupabba: Quán tưởng bốn thành tố đất, nước, lửa, gió trong thân.
6-12. Asubhapabba: Quán tưởng thây người chết từ lúc mới tắt thở đến các giai đoạn sình trương, rĩ nước, phân hủy cho tới khi chỉ còn là xương trắng.
B- THỌ NIỆM XỨ gồm có chín đề mục để ghi nhận, mà nói gọn lại là ba cảm giác Khổ, Lạc, Xả của thân tâm trong các trường hợp có hay không có liên hệ đến vật dục (āmisa)
C- TÂM NIỆM XỨ gồm có 16 đề mục ghi nhận (tâm mình đang ra sao thì biết rõ như vậy):
- Sarāgaṃ: Tâm có ái nhiễm.
- Vītarāgaṃ: Tâm không có ái nhiễm.
- Sadosaṃ: Tâm có sân hận.
- Vītadosaṃ: Tâm không có sân hận.
- Samohaṃ: Tâm có si mê.
- Vītamohaṃ: Tâm không có si mê.
- Sankhittaṃ: Tâm có trạng thái hôn thụy.
- Vikkhittaṃ: Tâm phóng dật.
- Mahaggataṃ: Tâm đang trú trong thiền Sắc hay Vô Sắc Giới.
- Amahaggataṃ: Tâm không an trú trong loại thiền định nào.
- Sa-uttaraṃ: Tâm Dục Giới.
- Anuttaraṃ: Không phải tâm Dục Giới.
- Samāhitaṃ: Tâm có Định.
- Asamāhitaṃ: Tâm không có Định.
- Vimuttaṃ: Tâm không có phiền não.
- Avimuttaṃ: Tâm chưa thoát phiền não.
D- PHÁP NIỆM XỨ có 5 đề mục:
- Nivaranapabba: Quán xét về năm triền cái.
- Khandhapabba: Quán xét về năm Uẩn.
- Āyatanapabba: Quán xét về 12 Xứ.
- Bojjhangapabba: Quán xét về 7 Giác Chi.
- Saccapabba: Quán xét về 4 Đế.
Trong tất cả đề mục vừa kể trên đây, có những thứ chỉ có thể là án xứ cho pháp môn Tuệ Quán (Vipassanā) nhưng có những đề mục thích hợp cho cả pháp môn Chỉ Tịnh (Samatha). Ở đây, đề mục Tứ Oai Nghi (Iriyāpathapabba), đề mục Tỉnh Giác (Sampajaññāpabba) và đề mục Tứ Đại (Dhātupabba) chỉ có thể là án xứ Tuệ Quán. Đề mục về Hơi Thở (Ānāpānapabba) có thể áp dụng cho cả Chỉ Quán. Hai đề mục Thể Trược (Patikūlapabba) và Tử Thi (Asubhapabba) cần được tu tập Chỉ trước Quán sau. Riêng về Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ thì chỉ có thể là án xứ Tuệ Quán mà thôi.
Bốn Niệm Xứ phân tích theo năm Uẩn thì như sau: Thân Niệm Xứ thuộc về Sắc Uẩn (Sắc Pháp-Rūpadhamma). Thọ Niệm Xứ thuộc Thọ Uẩn (Danh Pháp -Nāmadhamma). Tâm Niệm Xứ thuộc Thức Uẩn (Danh Pháp). Pháp Niệm Xứ thuộc cả năm Uẩn, nên vừa là Danh Pháp vừa là Sắc Pháp.
BỐN NIỆM XỨ VÀ CÁC CƠ TÁNH (CARITA) CHÚNG SANH
Đề mục tu tập và khuynh hướng tâm lý của hành giả luôn có một quan hệ rất đáng kể. Đó là lý do phải có thêm phần dẫn giải này. Ở đây các ngài đặc biệt nhấn mạnh hai khuynh hướng phiền não ở các hành giả là Khát Ái và Tà Kiến.
- Thân Quán Niệm Xứ rất thích hợp cho người nhiều tham ái và ít trí tuệ.
- Thọ Quán Niệm Xứ thích hợp cho người nhiều tham ái nhưng cũng có nhiều trí tuệ.
- Tâm Quán Niệm Xứ thích hợp cho người nhiều tà kiến và kém trí tuệ.
- Pháp Quán Niệm Xứ thích hợp cho người nhiều tà kiến nhưng cũng nhiều trí tuệ.
CÁC NGHỊCH KIẾN (VIPALLĀSA)
Đây là những quan điểm tư tưởng có tác hại căn bản là khiến chúng sinh phàm phu không thấy ra được bản chất như thật của các pháp. Có tất cả ba thứ Nghịch Kiến: Do Tà Kiến (diṭṭhi), do ngộ nhận (citta) và do tưởng chấp (saññā). Chính do Ngã Nghịch Kiến nên chúng sinh phàm phu thấy ra các cảnh sai trái chân lý: Thấy Danh Sắc vô ngã là Ngã. Do Lạc Nghịch kiến nên họ thấy Danh Sắc khốn khổ là Lạc. Do Tịnh Nghịch Kiến nên họ thấy Danh Sắc là đẹp, là Tịnh. Do Thường Nghịch Kiến nên họ thấy Danh Sắc vô thường là Thường.
Bốn ảo ảnh này hoàn toàn do Tham ái và Tà Kiến gây tạo nên khiến chúng sinh thấy sai sự thật. Và vì chúng vốn sinh ra từ 3 thứ nghịch kiến vừa nêu ở trên, nên nhân lại với nhau thành ra có đến 12 nghịch kiến. Chúng hình thành trong tâm tưởng chúng sinh do cách nhìn ngộ nhận về thực tướng Danh Sắc. Bản tướng của chúng rất tinh vi, kín khuất nên không thể được giải trừ bằng hai công phu Giới Học, Định Học. Trong trường hợp này, pháp môn Tuệ Quán chính là giải pháp tối ưu và duy nhất. Vì Tuệ Quán chính là thứ trí tuệ có công năng khám phá, phát hiện, nhận diện bản tướng Danh Sắc.
Nói vậy có nghĩa là muốn tu Tuệ Quán phải có hiểu biết đại lược về Danh Sắc và sự hiểu biết đó nhất thiết phải y cứ theo phương thức Tứ Niệm Xứ vì chỉ có vậy hành giả mới tìm thấy con đường đối trừ phiền tương ứng và hữu hiệu nhất:
- Thân Niệm Xứ đối trừ mỹ cảm trong Danh Sắc (Subhavipallāsa).
- Thọ Niệm Xứ đối trừ Lạc Tưởng trong Danh Sắc (Sukhavipallāsa).
- Tâm Niệm Xứ đối trừ ảo tưởng về sự trường cửu của Danh Sắc (Nicca-vipallāsa)
- Pháp Niệm Xứ đối trừ ý niệm ngã chấp trong Danh Sắc (Attavipallāsa).
Nói vậy thì tu tập Tuệ Quán hay tu tập bốn Niệm Xứ chỉ là một và tu tập bốn Niệm Xứ cũng có nghĩa là sự tu tập cùng lúc cả Tam Học (Giới Định Tuệ) vậy. Pháp môn Tuệ Quán cũng còn có thể gọi bằng nhiều tên gọi khác:
- Là con đường tu tập Bát Thánh Đạo hay Trung Đạo, vì tinh thần chủ lực của pháp môn này là ba yếu pháp Tinh Cần (Ātāpī), Trí Tuệ (Sampa-jāno) và Chánh Niệm (Satimā), theo câu Ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ trong kinh Tứ Niệm Xứ (Tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm đoạn trừ tham ưu ở đời).
- Là con đường thu thúc lục căn hoàn mãn nhất, như trong Tương Ưng Bộ đức Phật đã dạy: Cattāro satipatthānā bhāvitā bahulīkatā indriyasīlaṃ paripūrenti (Bốn niệm xứ được tu tập, trưỡng dưỡng, sẽ làm sung mãn khả năng phòng hộ căn môn).
Chính sự thu thúc lục căn của hành giả lúc tu tập bốn Niệm Xứ đã là Tăng Thượng Giới Học trong ba Vô Lậu Học, tức Giới Tịnh trong Thất Tịnh và chính sự kết hợp giữa Tinh Cần với Chánh Niệm đã là Tăng Thượng Định Học trong ba Vô Lậu Học mà cũng là Tâm Tịnh trong Thất Tịnh. Còn Trí Tuệ hay Tỉnh Giác (Sampajañña) trong quá trình tu tập bốn Niệm Xứ thì trong ba Vô Lậu Học chính là Tăng Thượng Tuệ Học mà cũng là Kiến Tịnh trong Thất Tịnh. Như vậy, tu tập Tứ Niệm Xứ cũng chính là tu tập Tam Học, tu tập Bát Thánh Đạo, tu tập con đường Trung Đạo, tu tập Thất Tịnh và nói rốt ráo thì pháp môn Tuệ Quán Tứ Niệm Xứ chính là con đường Chỉ Quán Song Tu.
Vấn đề quan trọng mà nãy giờ tôi vẫn chưa đi sâu sát vào, đó chính là của 6 Tuệ Xứ pháp môn Tuệ Quán. 6 Tuệ Xứ này có nội dung quan hệ mật thiết với công phu Tuệ Quán và nếu một hành giả không biết gì về 6 Tuệ Xứ này thì rất dễ bị lầm lạc và thậm chí không thể tìm ra được mối hỗ tương quan trọng giữa pháp học với pháp hành và cả cứu cánh chứng ngộ. 6 Tuệ Xứ có nội dung khá sâu rộng như vậy, nhưng kể gọn lại chỉ là 2 pháp thực tính Sắc và Danh Pháp. Trong đó hành giả phải thông thuộc bản tướng Sắc Pháp trước rồi đến Danh Pháp như một trình tự cần thiết cho công phu khám phá ý nghĩa Vô Ngã của vạn pháp.
Điều cần nhớ rằng đề tài Danh Sắc tuy là công án căn bản cho trí tuệ Tuệ Quán, nhưng trí tuệ ấy luôn có nhiều cấp độ khác nhau:
- Tự mình thấm thía thể nghiệm thì gọi là Bhāvanāpaññā (Trí Tuệ Thực Chứng, tức trí tu). Chính trình độ Trí tuệ này mới có đủ công năng tuyệt trừ phiền não.
- Trường hợp thứ hai là trí tuệ nhận thức tam tướng trong Danh Sắc qua công phu suy diễn, tư lường (anumāna) thì chỉ là Trí Tuệ suy luận (Cintamayāpaññā, tức Trí Tư). Trí tuệ này chỉ có tác dụng đối trừ phiền não một cách hạn chế, chẵng khác những phút giây tiêu sầu của người đang có chuyện ưu tư. Những buồn lo sau đó vẫn còn nguyên vẹn.
- Trường hợp trí tuệ thứ ba là sự nhận thức bản chất Danh Sắc hoàn toàn dựa theo kiến thức chữ nghĩa. Thuật ngữ Phật Học gọi đây là Kiến thức hay Trí Văn (Sutamayāpaññā). Sự học hỏi giáo lý sẽ giúp người tu giải trừ những ngộ nhận do dốt nát. Tuy sự hiểu biết này không thể đưa đến cứu cánh giác ngộ rốt ráo, nhưng luôn đặc biệt tối cần cho một công phu Tuệ Quán chính chắn, không sai lời Phật. Chính các kiến giải Phật Học là phần lý thuyết (Pariyatti) cần có cho công phu tu tập (Patipatti) và sự tu tập sẽ là con đường dẫn đến mục đích chứng ngộ (Pativedha). Mối tương quan này tuyệt đối không thể thiếu được trong toàn bộ hành trình tu tập Tuệ Quán. Vì rõ ràng nếu không có học hỏi giáo lý, hành giả không thể biết đến 6 Tuệ Xứ và từ đó sẽ không thể nhận rõ bản tướng Danh Sắc trong 6 Tuệ Xứ được. Mà không thấy rỏ ý nghĩa Danh Sắc thì hành giả sẽ tu tập Tuệ Quán thế nào được vì không xác định được án xứ mà mình phải tri nhận. Nói tóm lại, không có học hỏi giáo lý về Danh Sắc thì không thể tu tập Tuệ Quán. Học và hành luôn tương thuộc nhau. Nói cho dễ hiểu, 6 Tuệ Xứ là bản thân Danh Sắc và việc tu tập 4 Niệm Xứ là sự tri nhận đối tượng Danh Sắc ấy. Sự kết hợp nầy được gọi là con đường Tuệ Quán (Vipassanā). Chỉ có Tuệ Quán mới là con đường tri nhận Tam Tướng và qua từng trình độ tiếp nối, các tầng thiền tuệ như Danh Sắc Phân Tích Trí (Nāmarūpaparicchedañāna) lần lượt thành tựu. Qua từng giai đoạn thể nghiệm ngày một tinh tế chính xác về Tam Tướng trong Danh Sắc như vậy, các phiền não dần dần tiêu mòn. Chính sự lắng yên phiền não này trong nội tâm hành giả, các tầng thiền tuệ mặc nhiên được gọi tên là các giai đoạn trong Thất Tịnh, mà bắt đầu là Kiến Tịnh (Diṭṭhivisuddhi). Sự hoàn mãn các giai đoạn trong Thất Tịnh chính là con đường chứng ngộ thánh trí, Niết Bàn và giải thoát tri kiến (tức 19 Phản Khán Trí).
Tất cả những dẫn giải nãy giờ chỉ nhằm mục đích mở ra cho quý vị những vấn đề thiết yếu và căn bản cho hành trình tu tập Tuệ Quán, khả dĩ giúp ta học đúng và hiểu đúng những then chốt mà qua đó công phu tu tập sẽ được hữu hiệu và thuận ứng với tinh thần giáo lý văn nghĩa cụ túc của Tam Tạng Phật Ngôn. Và như vậy tiếp theo đây tôi sẽ trình bày những chỗ gặp nhau của lý thuyết kinh điển và thực tế tu chứng theo từng mối tương quan.
ooOoo