Dẫn nhập
Đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 thuật lại dụ ngôn 100 con chiên, trong đó 99 con chiên không đi lạc và 1 con chiên bị lạc đường. Mục tử lựa chọn để lại 99 con trên núi để đi tìm con chiên lạc. Lựa chọn với tỷ lệ 1/100 này có hợp lý không? Cách ứng xử của mục tử trong dụ ngôn có được thực thi trong lịch sử Ít-ra-en không? Câu kết của dụ ngôn ở 18,14 nói đến “những kẻ bé mọn” và “hư mất”, những đề tài này là mới hay đã xuất hiện trong đoạn văn trước? Có thể dụ ngôn ngắn gọn này vẫn luôn luôn là một thách đố dành cho các mục tử và dành cho tất cả các thành viên trong cộng đoàn người tin, về thái độ và cách ứng xử đối với “những kẻ lầm đường lạc lối”, “những kẻ bé mọn”. Giữa “99 con chiên không đi lạc” và “1 con chiên bị lạc đường”, độc giả chọn bên nào?
Để tìm hiểu ý nghĩa giáo huấn của Đức Giê-su ở Mt 18,12-14, phần sau sẽ phân tích các mục: (1) Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14; (2) Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11; (3) Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13).
1. Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14
Đoạn Tin Mừng ngắn Mt 18,12-14 là một phần giáo huấn của Đức Giê-su trong chương 18 của Tin Mừng Mát-thêu. Chương này thu thập những lời giảng của Đức Giê-su liên quan đến đời sống cộng đoàn các môn đệ. Cụ thể là trả lời câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (18,1-4). Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng làm cho người ta sa ngã” (18,5-9), “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10-11). Tiếp đến là dụ ngôn “Một con chiên bị lạc trên núi” (18,12-14), sau đó là giáo huấn về sửa lỗi anh em (18,15-18).v.v… Như thế, bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14 là những giáo huấn của Đức Giê-su về đời sống và cách xử sự trong cộng đoàn Hội Thánh, cụ thể là cộng đoàn Mát-thêu. Đề tài chính trong Mt 18,12-14 là vai trò của mục tử đối với đàn chiên.
2. Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11
Nếu chỉ đọc đoạn văn Mt 18,12-14, độc giả có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Đại từ “anh em” (ngôi thứ hai số nhiều) trong câu “Anh em nghĩ sao?” là ai, là các môn đệ hay dân chúng? Trong phần kết dụ ngôn ở 18,14: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”, xuất hiện các ý tưởng song song: “con chiên bị đi lạc” trong dụ ngôn ám chỉ “một trong những kẻ bé mọn này”. Ý tưởng “đi lạc” song song với “hư mất”. “Những kẻ bé mọn này” là ai? Tại sao lại ví “đi lạc đường” với “hư mất”?
“Dụ ngôn con chiên lạc” (18,12-13) khởi đầu cách đột ngột: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên….” (18,12). Một số câu hỏi trên sẽ được giải đáp nhờ các trình thuật trước đó (18,1-11). Mở đầu Mt 18, người thuật chuyện cho biết ai đang nói và nói với ai, người thuật chuyện kể: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Lời mở đầu này xác định toàn bộ Mt 18 là giáo huấn của Đức Giê-su dành cho các môn đệ của Người. Đại từ “anh em” trong Mt 18, được hiểu trước hết là “các môn đệ”, đồng thời ám chỉ cộng đoàn Mát-thêu nói riêng và cộng đoàn Hội Thánh nói chung.
Đặc biệt Mt 18,12-14 nối kết chặt chẽ với 18,10-11. Ở Mt 18,10-11, Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10) và nói đến sự “hư mất” (18,11), như thế cần đọc chung Mt 18,12-14 với 18,10-11 sẽ dễ hiểu ý của bản văn hơn.
Mt 18,10-11: “10Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. [11Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất]