2020-10-27, 09:06 AM
Chúng tôi tin rằng nếu con em chúng ta học tập và làm được dẫu chỉ là một phần trong những tinh thần ấy, thì có hy vọng sẽ trở thành một quý ông thành đạt. (Ảnh: Pixabay)
Không cần điểm cao ở trường: quý ông thành đạt của tương lai cần được dạy những điều sau
Bình luậnTĩnh Thủy • 19:00, 27/10/20•
Nếu học vấn không phải là tấm vé thông hành duy nhất cho tương lai, thì đâu mới là điều quan trọng nhất, là nền tảng để con em chúng ta trở thành người thành đạt?
Làm thế nào nuôi dạy con nên người là mối bận tâm lớn nhất của các bậc cha mẹ. Nhất là với con trai - trụ cột tương lai của gia đình và xã hội - thì lại càng đòi hỏi cha mẹ phải dành nhiều tâm huyết và công phu hơn nữa.
Có phụ huynh cho rằng kết quả bài vở hay điểm số ở trường là thước đo của giáo dục. Nhưng có một nghịch lý khá hiển nhiên là học vấn lại không phải là thứ bảo chứng duy nhất cho thành công trong tương lai. Nó chỉ là một phương tiện chứ không phải mục đích. Vậy thì đâu là điều quan trọng nhất, là nền tảng để đảm bảo rằng con em chúng ta sẽ thành người thành đạt? Đó chính là phẩm cách đạo đức và tinh thần sống chuẩn mực. Những quốc gia văn minh trên thế giới luôn nhấn mạnh ‘đức dục’, cho đó là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Trong bài viết này, người viết trân trọng giới thiệu đến quý độc giả ba phẩm cách đạo đức và tinh thần sống chuẩn mực trên thế giới, đó là: Tinh thần quý tộc châu Âu, tinh thần võ sĩ đạo, và tinh thần quân tử Nho gia.
Chúng tôi tin rằng nếu con em chúng ta học tập và làm được dẫu chỉ là một phần trong những tinh thần ấy, thì có hy vọng sẽ trở thành một quý ông thành đạt. Cho dù không thành danh trên thương trường thì vẫn sẽ thành công với lối sống chuẩn mực và đạo đức cao thượng.
Tinh thần quý tộc châu Âu
Trong tiếng Anh, từ “noble” không chỉ mang nghĩa “quý tộc” mà còn có ý nghĩa là “xuất thân cao quý”, “cao thượng”, “vĩ đại”, “huy hoàng”… Nhiều người lầm tưởng rằng quý tộc là có tiền bạc giàu sang, nhà cao cửa rộng, siêu xe đắt tiền, mỹ nữ cặp kè, đồ dùng là những xa xỉ phẩm đắt tiền… Nhưng thật ra, giới quý tộc châu Âu không đơn giản là một giai cấp, mà thực chất còn là một tiêu chuẩn đạo đức rất cao của tầng lớp tinh anh trong xã hội. Người ta gọi đó là ‘tinh thần quý tộc châu Âu’.
Vậy, tinh thần quý tộc thể hiện ở những phương diện nào?
Vinh dự, trách nhiệm, dũng khí và kỷ luật là phẩm chất bắt buộc
“Quý tộc châu Âu” là một danh từ tượng trưng cho những người thuộc giai tầng xã hội cao và có địa vị tôn quý. Nhưng địa vị cao lại thường đi kèm với trách nhiệm trọng đại và năng lực gánh vác phi thường. Để có được khả năng đảm đương danh hiệu đó, các nhà quý tộc đã phải rèn luyện để dưỡng thành người có phẩm cách cao quý và sở hữu những đức tính quý giá. Đó là các phẩm chất như: danh dự, trách nhiệm, dũng khí, kỷ luật...
Ví dụ, theo truyền thống thì người quý tộc phải là một quý ông có nội tâm mạnh mẽ, có thể kiềm chế dục vọng bản thân, sống theo kỷ luật với trách nhiệm và danh dự xứng đáng là thành viên của gia tộc. Các tinh thần này cần được bồi dưỡng và rèn luyện từ thủa nhỏ. Vì thế mà tại trường nội trú Eton nổi tiếng dành cho con em quý tộc của nước Anh, học trò phải trải qua quá trình rèn luyện khắc khổ, như ngủ trên tấm phản cứng, ăn uống đạm bạc và chịu sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc.
Nhờ phương châm nuôi dạy ấy mà trường Eton danh giá đã tạo nên vô số anh tài cho nước Anh trong nhiều thế kỷ qua. Điển hình có thể kể đến như Thống chế Arthur Wellesley, còn được gọi là công tước Wellington đệ nhất, thủ tướng đế quốc Anh, người đánh bại Napoleon trong trận Waterloo lừng danh. Một nhân vật lẫy lừng khác là John Stuart, nhà chính trị và thủ tướng Anh thời vua George đệ Tam. Ngoài ra còn có vô số chính khách, tướng lãnh, nhà thơ, nhà văn, triết gia cùng nhiều thế hệ hoàng tử của Hoàng gia Anh từng tốt nghiệp từ ngôi trường có từ thế kỷ 15 này.
Tinh thần hiệp sĩ là nền tảng ứng xử
Tinh thần hiệp sĩ là một phần quan trọng và là nền tảng của tinh thần quý tộc, trở thành một lý tưởng đạo đức có ảnh hưởng lâu dài đến tính cách của người phương Tây.
Tinh thần hiệp sĩ nghĩa là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người quý tộc cũng phải giữ phẩm giá cao thượng của mình, luôn cư xử chính trực và nhân nghĩa, không vì lợi ích bản thân mà làm điều xấu.
Ví dụ nổi tiếng nhất có thể kể đến như trường hợp của tướng Robert Edward Lee (1807-1870). Ông là nhà quý tộc chân chính, xuất thân từ dòng dõi của Sir Thomas More và vua Scotland Robert đệ Nhị, là Đại tướng thống lãnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865). Khi cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ sắp kết thúc, có người đề xuất đưa quân ẩn mình trong các nhà dân và vào trong vùng rừng núi để dùng chiến thuật đánh du kích. Nhưng tướng Robert E. Lee khi ấy là chỉ huy tối cao quân miền Nam đã không đồng ý, ông quyết định đầu hàng để không phải hy sinh thêm xương máu của binh sĩ.
Ông nói: “Tôi sẽ đến gặp tướng Grant, cho dù điều đó là quá nhục nhã đối với tôi”. (Nguyên văn: “I will go and see General Grant and I would rather die a thousand deaths”).
Quyết định đó của Robert Lee, cùng với cuộc thương thảo đầu hàng nổi tiếng trong lịch sử với tướng Grant, được mệnh danh là “hòa ước của những người quân tử” (The Gentlemen’s Agreement). Theo hòa ước đó:
- Tất cả binh sĩ miền Nam đều được quay về nguyên quán đem theo lừa ngựa để cày cấy, không có ai bị giết hay trả thù.
- Cung cấp 25.000 khẩu phần ăn cho các binh sĩ miền Nam và cả các tù binh miền Bắc đang thiếu lương thực trầm trọng.
Nhờ lòng nhân nghĩa hào hiệp và coi trọng sinh mệnh tướng sĩ chứ không vì sĩ diện hão của bản thân, tướng Lee dù bại trận nhưng vẫn được lịch sử vinh danh. Ông không nắm chức vụ cao sau chiến tranh, nhưng càng về cuối đời thì người dân Mỹ lại càng dành cho ông nhiều tình cảm và lòng kính trọng sâu sắc. Ngày nay tượng đài của tướng Lee có mặt nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, và Robert Lee là tên đường quen thuộc trên đất nước hùng mạnh nhất thế giới này.
Tinh thần võ sĩ đạo
Tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) còn được gọi là tinh thần Nhật Bản. Đây chính là phẩm chất từng giúp một dân tộc bại trận sau chiến tranh quật khởi thành siêu cường thứ hai trên thế giới chỉ sau 50 năm. Điều đáng ngạc nhiên là bên thắng trận lại là người tán dương tinh thần võ sĩ đạo này. Tổng thống Mỹ Roosevelt năm đó vì quá ấn tượng với cuốn sách “Bushido - tinh thần của Nhật Bản” nên đã hào phóng mua 60 quyển tặng gia đình và bạn bè.
Trong sách, tác giả Nitobe Inazo đã giải thích về ý nghĩa của “Võ sĩ đạo” (Bushido) - vốn là bộ các quy tắc ứng xử của Samurai trong công việc và cuộc sống thường ngày. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Nitobe đã lãng mạn hóa sự yêu mến dành cho tầng lớp võ sĩ nay đã không còn, nhưng không thể phủ nhận rằng công trình nghiên cứu của ông được thực hiện một cách nghiêm túc và chính xác dựa trên những tôn chỉ về nhân cách có từ hàng ngàn năm trước, khởi nguồn cho cách hành xử nghĩa hiệp của hầu hết các Samurai.
Vậy điều gì đã khiến một tinh thần cổ xưa đem lại giá trị lớn lao ngần ấy cho người Nhật? Đó là sự nhấn mạnh về tâm chính nghĩa, lòng dũng cảm, sự nhân từ và những giá trị đạo đức của một người đàn ông chân chính - một võ sĩ Samurai.
Sau khi du nhập một lượng lớn tinh hoa văn hoá nhà Đường từ hơn 1000 năm trước, người Nhật đã chọn lọc những phẩm chất quan trọng trong học thuyết Nho giáo để xây dựng nên các nguyên tắc Bushido. Có lẽ vì thế mà những người am hiểu về thuyết quân tử của Khổng giáo sẽ không thấy xa lạ với các phẩm chất Bushido.
Có bảy nguyên tắc của Bushido được trình bày như sau:
Nghĩa:
Nếu như Khổng Tử coi đức Nhân là quan trọng nhất trong Ngũ đức, thì người Nhật lại đề cao chữ Nghĩa khi xây dựng nguyên tắc Bushido. Điều này cũng dễ hiểu khi Bushido là quy tắc ứng xử dành cho giai cấp võ sĩ vốn dĩ cần sự mạnh mẽ và thượng võ.
Nhưng chữ "Nghĩa" trong Bushido không chỉ đề cập đến tinh thần thượng võ, mà quan trọng nhất là nói về sự chính trực cá nhân. Chính trực hoặc công bằng là phẩm chất phải có đầu tiên của một Samurai. Một Samurai nổi tiếng đã định nghĩa nó như sau: “Sự chính trực là khả năng của một người quyết định đường hướng lãnh đạo thích hợp mà không hề nao núng, sẽ chết khi cần phải chết, sẽ chiến đấu khi cần phải chiến đấu”.
Nhưng chữ "Nghĩa" trong Bushido không chỉ đề cập đến tinh thần thượng võ, mà quan trọng nhất là nói về sự chính trực cá nhân. Chính trực hoặc công bằng là phẩm chất phải có đầu tiên của một Samurai. Một Samurai nổi tiếng đã định nghĩa nó như sau: “Sự chính trực là khả năng của một người quyết định đường hướng lãnh đạo thích hợp mà không hề nao núng, sẽ chết khi cần phải chết, sẽ chiến đấu khi cần phải chiến đấu”.
Đề cao sự chính trực là để đảm bảo các quy tắc của Bushido được thực hiện đúng đắn. Người chính trực sẽ luôn làm điều mà anh ta cho là chính nghĩa và hợp với đạo lý. Nó đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn minh chủ để tôn thờ cho đến hơi thở cuối cùng.
Dũng:
Chữ Dũng đặt sau Nghĩa làm nổi bật thêm phẩm chất và sự mạnh mẽ của các võ sĩ. Người Samurai cần phải có tinh thần của một người anh hùng. Điều này không có nghĩa là mạo hiểm và đánh đổi mạng sống của mình, mà là ý nói về tinh thần cầu tiến luôn xông về trước để trải nghiệm ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời. Một Samurai không dám tiến về trước và đương đầu với khó khăn thì bị coi như là người đã chết.
Dũng cũng không phải là mù quáng và cực đoan, vì một Samurai thì cần phải thông minh và mạnh mẽ. Samurai thay nỗi sợ bằng dũng khí, nhưng luôn hành sự cẩn trọng và tôn trọng nghĩa khí. Vì thế đối với một Samurai, chết không đáng sợ mà phải chết cho xứng đáng với tinh thần Bushido, với đức Dũng. Chết vì một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. Đức Dũng của Samurai có thể xem như là “Sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”.
Nhân:
Nhân tuy chỉ được xếp thứ ba sau Nghĩa và Dũng, nhưng vị trí này cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Nho giáo lên văn hóa và tinh thần võ sĩ Nhật Bản. Vì ngoài Nghĩa và Dũng thì một võ sĩ Nhật phải có đức Nhân. Mà chữ Nhân trong Nho giáo lại là mục đích cao nhất phải đạt đến của người quân tử, là tiêu chuẩn rất cao dùng cho giới sĩ phu trong thời cổ đại.
Đức Nhân có nghĩa là:
- Điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác (“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”).
- Luôn khống chế bản thân, giữ gìn lễ nghi (“Khắc kỷ phục lễ vi nhân”).
- Người quân tử, nếu rời bỏ đức Nhân thì sao xứng với danh quân tử? (“Quân tử khứ nhân, ô hồ thành danh”).
Võ sĩ Nhật Bản cần có sự kết hợp độc đáo giữa văn và võ, người võ sĩ phải văn võ toàn tài. Có lẽ nhờ điều này mà hậu thế đã chứng kiến nhiều danh họa và thi nhân, vĩ nhân Nhật Bản thời cổ lại đồng thời là một võ sĩ nổi tiếng.
Ví dụ như Miyamoto Mushashi, người được xưng tụng là “đệ nhất kiếm thánh Nhật Bản mọi thời đại” cũng đồng thời là triết gia, hành giả Thiền tông và đại sư điêu khắc, thư pháp gia, và tác gia nổi tiếng.
Lễ:
Lễ là một trong ngũ đức rất quan trọng được xếp ngay sau đức Nhân. Khổng Tử từng giảng: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, người khống chế bản thân tốt và giữ gìn lễ nghi sẽ đạt đến đức Nhân. Vì thế lễ nghi là một phần vô cùng quan trọng đối với các Samurai, vì điều đó thể hiện lòng tôn trọng và sự tu dưỡng để trở thành con người chân chính, làm một người quân tử có văn hóa và giáo dưỡng.
Tuy nhiên Lễ Nghi không phải là phương tiện thực hành bề mặt để tránh làm mất lòng người khác, mà phải xuất phát từ sự thông cảm cho người khác, biết nghĩ cho người khác. Các Samurai cho rằng: “Lễ nghi cao nhất là gần gũi nhất với lòng nhân”. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Samurai không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất thì các Samurai cũng tôn trọng theo lễ nghi trước khi dùng sức mạnh. Họ cho rằng nếu không có phẩm chất đó thì người Samurai cũng không hơn con thú. Trong các cuộc xung đột, các Samurai càng phải bảo trì sức mạnh khống chế nội tâm để có thể giành chiến thắng một cách hoàn hảo.
Tuy nhiên Lễ Nghi không phải là phương tiện thực hành bề mặt để tránh làm mất lòng người khác, mà phải xuất phát từ sự thông cảm cho người khác, biết nghĩ cho người khác. Các Samurai cho rằng: “Lễ nghi cao nhất là gần gũi nhất với lòng nhân”. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Samurai không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất thì các Samurai cũng tôn trọng theo lễ nghi trước khi dùng sức mạnh. Họ cho rằng nếu không có phẩm chất đó thì người Samurai cũng không hơn con thú. Trong các cuộc xung đột, các Samurai càng phải bảo trì sức mạnh khống chế nội tâm để có thể giành chiến thắng một cách hoàn hảo.
Thành:
Khổng Tử giảng: “Thành ý chính tâm tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”.
Thành ý là đứng đầu trong những việc mà một người quân tử cần phải tuân theo để tu dưỡng bản thân. Vì thế nên người Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở, không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.
Thành ý là đứng đầu trong những việc mà một người quân tử cần phải tuân theo để tu dưỡng bản thân. Vì thế nên người Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở, không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.
Danh dự:
Cuộc đời Samurai là quá trình tu dưỡng theo các quy tắc Bushido, sao cho bản thân luôn xứng đáng với đẳng cấp và giai cấp của mình. Vì thế mà danh dự vô cùng quan trọng đối với Samurai. Họ có thể chấp nhận mất đi sinh mệnh chứ không muốn mất danh dự. Với các Samurai, người duy nhất chịu trách nhiệm phán xét cho danh dự chính là bản thân họ. Vì mỗi hành động và quyết định đều sẽ phản ánh nội tâm của bản thể. Chúng ta không thể trốn tránh chính mình. Các samurai cũng vậy, sẽ luôn chịu trách nhiệm cho những gì họ làm vì danh dự của bản thân.
Trung Nghĩa:
Mặc dù đã có đức Nghĩa đầu tiên trong quy tắc Bushido, nhưng quy tắc thứ bảy này lại nhấn mạnh hơn về lòng trung thành.
Các Samurai thờ chủ trọn đời và hiến dâng cả sinh mệnh của mình cho chủ nhân, nên lòng trung nghĩa được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm, các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn khác ngoài lòng trung thành. Samurai chịu trách nhiệm cho hành động của họ, trung thành với lãnh tụ, và là tấm gương cho cấp dưới của mình.
Trên đây là hai phẩm cách đạo đức truyền thống của giới quý tộc Âu châu và của võ sĩ Samurai Nhật Bản. Nhưng vẫn còn một phẩm đức nền tảng khác không chỉ là tinh hoa của phương Đông, mà còn vô cùng gần gũi và quen thuộc với người Việt. Đó chính là tinh thần quân tử Nho gia sẽ được tiếp tục giới thiệu trong phần tiếp theo.
(Còn tiếp...)
Tĩnh Thuỷ