VietBest

Full Version: ViệtNam: Tại sao giới trẻ hâm mộ giang hồ mạng?
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.

Guest

VN: Tại sao giới trẻ hâm mộ giang hồ mạng Phú Lê, Khá Bảnh?


Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
25 tháng 8 2020.


[Image: _114095281_thantuong.png]
Khá Bảnh (trái) và Phú Lê (phải) đều sở hữu kênh Youtube với hàng trăm triệu lượt xem,
đã bị truy tố về các tội danh đánh bạc, hành hung.

Sự hâm mộ các đại ca giang hồ, gần đây là các hiện tượng "giang hồ mạng", cho thấy giới trẻ đang khủng hoảng giá trị sống và điều này đặc biệt đáng lo ngại, theo các chuyên gia.

"Tôi rất lo ngại về ảnh hưởng của giang hồ mạng đối với tầm nhận thức, lối sống và nhân cách giới trẻ. Các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Instagram, Twitter, gần đây có thêm TikTok, tôi cho rằng họ đã tạo ra một cơ chế cổ xúy hành vi, lời nói dung tục, kém văn hóa", Thượng tọa Thích Nhật Từ, Tiến sĩ Phật học, trụ trì chùa Giác Ngộ tại TP HCM, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: "Theo tôi, giới trẻ đang có sự bối rối, khủng hoảng giá trị sống. Giới trẻ không biết tìm một hình mẫu chuẩn mực để theo. Khi nói đến thần tượng, chúng ta nói đến sự đam mê, sự ham muốn đồng hóa mình với hình ảnh thần tượng. Như vậy, thần tượng đó có một phần con người của mình, phần giá trị của mình".

Chiêu thức của giang hồ mạng

Đầu tháng 8/2020, công an bắt giữ vợ chồng Phú Lê về tội danh hành hung người khác và quấy rối trật tự xã hội.

Trước đó, một nhân vật khác là Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) cũng đã bị bắt và bị kết án về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Cả hai người này đều sở hữu kênh YouTube có hàng triệu người đăng ký. Các video có nội dung về cuộc sống của một đại ca giang hồ, với ngôn ngữ dung tục, hình ảnh cổ xúy bạo lực (đập phá xe cộ đắt tiền, đánh dằn mặt đối thủ…) luôn có hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt người xem.

Đặc biệt, khi Khá Bảnh xuất hiện trong đời thật, anh này đã được vây quanh bởi đám đông hâm mộ, chủ yếu là giới trẻ, như một ngôi sao ca nhạc.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận định: "Về chiêu thức thì giang hồ mạng luôn có cách sống giả nhân, giả nghĩa, tỏ vẻ hào hiệp; quay phim, chụp hình cảnh làm từ thiện, cho thấy họ sống rất có tình. Về truyền thông, họ rất tinh vi phối hợp với các công ty truyền thông để làm các video thể hiện lối sống ăn chơi thác loạn, cầm dao dọa chém, đốt xe, đập nhà, khoe giàu, khoe kiếm tiền dễ".

"Khi xem những video này mà không đủ nhận thức đúng và sai, nhiều người vô tình trở thành nạn nhân tham gia vào việc tán dương, chia sẻ những video này. Từ đó tạo ra lối sống hưởng thụ trong một bộ phận giới trẻ. Bắt đầu bằng sự tò mò, sau đó chọn thần tượng lầm chỗ ", nhà sư Thích Nhật Từ chỉ rõ.

Quan trọng, việc các nhân vật hành xử kiểu "đại ca giang hồ" trên mạng xã hội được xem là quyền tự do cá nhân. Vì thế, việc xét xử họ không liên quan "tội danh giang hồ mạng" mà là các tội danh ngoài đời thực, được quy định trong luật hình sự như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, hành hung...

Tại sao giới trẻ hâm mộ?

Sự ái mộ dành cho các "đại ca giang hồ" có lịch sử lâu đời. Trên thế giới, không hiếm các trùm tội phạm được công chúng ngưỡng mộ, như Al Capone trong đời thực, nhân vật hư cấu Vito Corleone trong tiểu thuyết Bố già, hay Trương Sỏi trong tiểu thuyết Người không mang họ.

"Why do we admire mobsters?" (Tại sao chúng ta ngưỡng mộ các trùm tội phạm?) là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu.

Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, hiện tượng thần tượng "đại ca giang hồ" mang một hình hài mới, với những đặc trưng của thời đại.

Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm cho rằng: "Những người như Phú Lê, Khá Bảnh có điều mà nhiều người thiếu như 'máu anh hùng', có nhiều điều mà bạn trẻ không dám làm, không dám nói và khi thấy người khác làm được điều đó thì họ thích, họ ngưỡng mộ".

"Hơn nữa, tuổi trẻ thích sốc, thích thể hiện và khẳng định nên những hình tượng như Phú Lê, Khá Bảnh được yêu thích".

"Nếu xét về góc độ đạo đức, xã hội học thì những người như Phú Lê, Khá Bảnh bị đánh giá không tốt nhưng giới trẻ vẫn hâm mộ. Đa số những người hâm mộ các nhân vật trên là giới trẻ đang đi tìm cái tôi và giá trị của mình".

"Khi đi tìm điều đó, bạn trẻ nhìn xung quanh sẽ thấy gì? Hot girl, hot boy được rất nhiều người hâm mộ. Những người này không đại diện cho nhóm trí thức nào mà họ rất lạ: có những phát ngôn độc, cách hành xử khác biệt và được nhiều người hâm mộ. Chính vì hot girl, hot boy này kéo theo việc thần tượng những con người có phát ngôn gây sốc, lạ. Họ đang đi tìm cái lạ vì bên trong giới trẻ là trống rỗng, không có hệ giá trị của riêng mình nên thấy điều lạ sẽ tò mò", bà Tâm phân tích.

Mặt khác, theo bà Tâm, giới trẻ hiện đang đối mặt với những khó khăn về tinh thần. Dù xã hội càng văn minh, hiện đại nhưng sức khỏe tâm trí của con người càng bị đe doạ.


[Image: _114095061_35a88bef-2be8-4ed6-b389-d585e386416d.jpg]
Bà Nguyễn Thị Tâm - Thạc sĩ tâm lý - Nhà sáng lập - Chủ tịch Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt


Bà phân tích:

"WHO thống kê mỗi năm khoảng 10-15% dân số thế giới bị trầm cảm. Giới trẻ Việt Nam cũng vậy, họ có những vấn đề về sức khỏe tinh thần dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, hành vi".

"Sự đổ vỡ trong hôn nhân, gia đình cũng là yếu tố gây ảnh hưởng tâm lý cá nhân ở các bạn trẻ. Những khó khăn về môi trường học tập: bạo lực học đường gây tổn thương, kích hoạt tính hung hăng, gây hấn trong con người. Đó là môi trường gây bất an, con người bị dồn nén. Khi đó, những hình tượng giang hồ nổi lên, dám làm những điều người khác không làm thì các bạn trẻ cảm thấy thỏa mãn nên ủng hộ".

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng việc chọn "giang hồ mạng" làm thần tượng có nguyên nhân sau:

"Thứ nhất là thiếu mục đích sống. Một bộ phận giới trẻ đã không xác định rõ được mục đích sống của mình là gì, họ thiên về hưởng thụ, lười biếng lao động chân chính, mong có được tiền sớm như những nhân vật giang hồ mạng trong video".

"Thứ hai là thiếu lý tưởng sống. Mục đích sống là quyết tâm ngắn hạn để thành công trong lập nghiệp, còn lý tưởng sống liên quan tới nhận thức, tới việc sống vì lợi ích của tha nhân, tối thiểu là ở mức độ tôn trọng cộng đồng. Thiếu lý tưởng sống sẽ thiên về chủ nghĩa tự do cá nhân được luật pháp bảo hộ và cộng với tính cách ích kỷ, thích chứng tỏ, thích biểu hiện, làm cho rất nhiều người rơi vào cạm bẫy giang hồ mạng".

"Thứ ba, tôi cho rằng giới trẻ thần tượng giang hồ mạng là do thiếu kiến thức về chuẩn mực đạo đức, nhân cách sống, giá trị sống và những kỹ năng sống có ích cho mình và cho cộng đồng. Họ nhầm lẫn giang hồ mạng là anh hùng".

"Về phương diện tâm lý, giới trẻ xuất phát từ sự tò mò, trong giai đoạn có những biến đổi về tâm sinh lý, họ thích những sự mới lạ, từ đó đi tìm kiếm những vùng tối trong thế giới giang hồ mạng", ông nói.

Vai trò của 'truyền thông, giáo dục'

Theo thượng tọa Thích Nhật Từ, về phương diện ngôn ngữ, "giang hồ mạng" thích nói tục, phát biểu gây sốc. "Rất tiếc là báo chí Việt Nam, một số người dùng mạng xã hội đã sai lầm khi dùng từ 'thánh chửi' để gọi các nhân vật giang hồ trên mạng", ông nói.

Mặt khác, ông cũng cho rằng các công ty truyền thông vì hám lợi mà sẵn sàng giúp hiện tượng "giang hồ mạng" phát triển.

"Có những công ty hám tiền, sẵn sàng hợp tác với giang hồ mạng. Họ thấy những giang hồ mạng này có lượng truy cập đông nên hợp tác để quảng cáo, cả hai cùng hái ra tiền.

Công ty truyền thông thì được hưởng tiền quảng cáo, phía giang hồ mạng thì ngoài tiền còn được nổi tiếng. Từ đó tạo ra hiện tượng đám đông thiên về chủ nghĩa tiền tài".

"Khi cái xấu được tung hô bởi các công ty truyền thông chỉ vì mục đích kiếm tiền thì tác hại xấu đối với cộng đồng là điều không thể tránh khỏi. Ở một phương diện tương đối, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam trong mấy thập niên qua, tôi cho rằng có một lỗi hệ thống về giáo dục".

"Có đến mấy thập niên chúng ta bỏ qua môn giáo dục đạo đức cho các cấp học sinh dẫn tới lối sống không biết quý trọng đạo đức", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cũng chia sẻ: "Giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay không phải là môn luân lý học, đạo đức học mà là triết học".

"Chính vì dạy triết học với đặc tính khô khan, lại hơi cao siêu so với tuổi nên các bạn học cảm thấy không ứng dụng được. Nội dung dạy ở nhà trường không dạy cho các bạn cách làm người mà dạy cách làm giàu, khoa bảng, học hàm học vị. Thay vì dạy lòng bao dung, cách để sống hạnh phúc, sống hiếu nghĩa thì các bạn được dạy làm sao có chức cao quyền trọng, có tiền nhiều thì mới có giá trị", bà nói thêm.

Bà Tâm cũng nhấn mạnh vai trò của gia đình:

"Theo tôi, giáo dục quan trọng nhất là giáo dục gia đình. Trong quá trình hình thành nhân cách của con người thì dấu ấn của giáo dục gia đình rất lớn, nhất là quãng đời thơ ấu".

"Xây dựng hệ giá trị, hình thành nhân cách và thói quen cũng từ giáo dục gia đình. Hôn nhân ngày nay có tỉ lệ đổ vỡ cao dẫn đến giới trẻ mang những tổn thương. Hoặc bố mẹ quá bận rộn để dành thời gian dạy dỗ, chăm sóc và quan tâm con", bà nói.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng giáo dục, bao gồm nhà trường và gia đình cùng tham gia, đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhận thức và lựa chọn thần tượng của giới trẻ, giúp tránh lạc đường.

"Trong đời sống chúng ta có nhiều tấm gương tốt, vấn đề là định hướng thế nào cho con em và giới trẻ đi theo các tấm gương tốt đó, và chia tay những lối sống xấu. Đã đến lúc chúng ta phải hành động để hiện tượng hâm mộ giang hồ mạng không phát triển", thượng tọa Thích Nhật Từ kết luận.


Theo BBC