VietBest

Full Version: Trump và sự bất mãn đối với đồng đô la Mỹ
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Trump và sự bất mãn đối với đồng đô la Mỹ


[Image: dollar.jpg]



Nguồn: Barry Eichengreen, “The Dollar and its Discontents“, Project Syndicate, 10/10/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Quân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp


Chính sách đơn phương của Tổng thống Donald Trump đang định hình lại thế giới theo nhiều chiều hướng sâu sắc và không thể đảo ngược. Ông ta đang phá hoại quy tắc hoạt động của các tổ chức đa phương. Về phần mình, những quốc gia khác cũng không còn coi nước Mỹ như một đối tác đồng minh đáng tin cậy, và họ cảm thấy phải xây dựng năng lực địa chính trị cho riêng mình.


Hiện tại chính quyền Trump đang làm xói mòn vai trò toàn cầu của đồng đô la. Sau khi tái áp dụng trừng phạt đơn phương lên Iran, chính quyền Trump đang đe dọa xử phạt những công ty có hoạt động kinh doanh với nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này bằng cách từ chối không cho họ sử dụng các ngân hàng của Mỹ.


Lời đe dọa này cực kỳ hệ trọng bởi vì các ngân hàng Mỹ là nguồn cung cấp đô la chủ yếu cho các giao dịch xuyên biên giới. Theo Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), đồng đô la được sử dụng trong gần phân nửa số lượng thanh toán xuyên biên giới,một tỉ trọng lớn hơn nhiều so với tỉ trọng của Mỹ trong nền kinh tế thế giới.


Phản ứng lại lập trường của chính quyền Trump, Đức, Pháp và Anh, cùng với Nga và Trung Quốc, đã công bố một số kế hoạch để tránh phải sử dụng đồng đô la, các ngân hàng Mỹ cũng như sự giám sát từ chính phủ Mỹ. Từ “kế hoạch” nghe có vẻ hơi quá bởi chưa có nhiều chi tiết được công bố. Nhưng ba quốc gia này đã đưa ra miêu tả bao quát về sự hình thành của một thực thể tài chính độc lập, thuộc sở hữu và được tổ chức bởi ba chính phủ nêu trên, nhằm tạo điều kiện cho giao dịch giữa Iran và các công ty nước ngoài.


Các công ty này có lẽ sẽ thanh toán bằng đồng euro, không phải đô la, giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào các ngân hàng Mỹ. Và do công cụ tài chính phục vụ mục đích đặc biệt này của châu Âu không phải thông qua SWIFT, điều này sẽ khiến Mỹ khó theo dõi được những giao dịch giữa Iran và các công ty nước ngoài để áp đặt trừng phạt.


Kế hoạch này có khả thi không? Dù về kỹ thuật thì không có trở ngại nào trong việc xây dựng một kênh thanh toán thay thế, nhưng việc này sẽ chắc chắn làm cho Trump nổi giận, ông ta có thể sẽ đáp lại bằng một đòn thuế quan lên những quốc gia “vi phạm”. Không may khi đây là cái giá phải trả cho sự độc lập chính trị, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.


Sau bài học đau đớn về sự phụ thuộc vào đồng đô la, liệu các quốc gia có tránh xa đồng đô la không? Thực tế rằng đồng đô la được sử dụng phổ biến gây khó khăn cho việc này. Các ngân hàng và công ty ưu tiên sử dụng đồng đô la bởi vì đa số các ngân hàng và công ty khác sử dụng đồng đô la và yêu cầu đối tác của họ làm tương tự. Chuyển qua một đồng tiền khác đòi hỏi sự phối hợp hành động. Nhưng với việc chính phủ của ba quốc gia lớn của châu Âu đã thông báo một sự phối hợp như vậy thì viễn cảnh này giờ đây không nên bị loại bỏ.


Chúng ta trước hết nên nhắc lại quá trình đồng đô la đã trở nên thông dụng như thế nào. Trước năm 1914, đồng tiền này không đóng bất kỳ vai trò quốc tế quan trọng nào. Nhưng một cú sốc địa chính trị, cùng với một sự thay đổi thể chế, đã biến đổi vai trò của đồng đô la.


Cú sốc địa chính trị đó là Thế chiến I, sự kiện vốn gây khó khăn cho các quốc gia trung lập khi giao dịch với các ngân hàng của Anh và thanh toán bằng đồng bảng Anh. Còn sự thay đổi thể chế chính là Đạo luật Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act), vốn tạo ra một thực thể nhằm nâng cao thanh khoản cho thị trường tín dụng đồng đô la và lần đầu tiên cho phép các ngân hàng Mỹ hoạt động ở nước ngoài. Khoảng đầu những năm 1920 đồng đô la đã sánh kịp và, trên một số phương diện, vượt qua đồng bảng Anh trong vai trò là phương tiện thanh toán quốc tế chủ đạo.


Tiền lệ này gợi ý rằng 5 – 10 năm là khoảng thời gian khả dĩ để nước Mỹ có thể mất đi thứ mà Valery Giscard d’Estaing, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính Pháp, gọi là “siêu đặc quyền” (“exorbitant privilege”) có được bằng cách phát hành đồng tiền quốc tế chủ chốt của thế giới. Điều này không có nghĩa rằng các ngân hàng và công ty nước ngoài sẽ hoàn toàn tránh xa đồng đô la. Thị trường tài chính của Mỹ lớn và có thanh khoản cao, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy. Các ngân hàng của Mỹ hoạt động khắp toàn cầu. Đặc biệt, các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục sử dụng đồng đô la trong các giao dịch với chính nước Mỹ.


Nhưng trong một kỷ nguyên chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, họ muốn đa dạng hóa món cược của mình. Nếu cú sốc địa chính trị từ chủ nghĩa đơn phương của Trump kích hoạt một sự đổi mới thể chế tạo điều kiện cho các ngân hàng và công ty châu Âu thanh toán bằng đồng euro, thì khi đó sự biến đổi sẽ diễn ra nhanh chóng (như nó đã xảy ra). Nếu Iran được thanh toán bằng đồng euro thay vì đồng đô la cho sản phẩm dầu xuất khẩu của họ, quốc gia này sẽ sử dụng đồng euro để mua hàng hóa nhập khẩu. Với việc các công ty từ những nơi khác thu về đồng euro thay vì đồng đô la, sẽ có ít lý do hơn cho việc các ngân hàng trung ương giữ đồng đô la để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm bình ổn tỉ giá đồng nội tệ so với đồng đô la. Đến mức độ này, xu hướng sẽ trở nên không thể đảo ngược.


Một động lực để tạo ra đồng euro là nhằm giải phóng châu Âu khỏi sự phụ thuộc quá độ vào đồng đô la Mỹ. Đây cũng là động lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Cho đến nay, thành công của hai nỗ lực này cùng lắm là tốt xấu lẫn lộn. Trớ trêu thay, bằng cách đe dọa trừng phạt châu Âu và Trung Quốc, Trump lại đang giúp các quốc gia này hoàn thành mục tiêu của họ.


Hơn nữa, Trump đang phung phí lợi thế của Mỹ. Nếu hợp tác với châu Âu và Trung Quốc, ông ta có thể đe dọa Iran cũng như các công ty có hoạt động kinh doanh với nước này bằng những trừng phạt toàn diện và hiệu quả nếu có chứng cứ rằng đất nước này không thực hiện các nghĩa vụ phi hạt nhân hóa. Nhưng hợp tác để đảm bảo sự tuân thủ từ Iran chính là mục đích của Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung vốn đã bị chính quyền Trump bãi bỏ hồi đầu năm nay.

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế ti Đi hc California, Berkeley, và là mt cu c vn chính sách cao cp ti Qu Tin t Quc tế. Cun sách mi nht ca ông là The Populist Temptation: Economic Grievance and Political Reaction in the Modern Era.