VietBest

Full Version: Vũng Tàu: Cô gái Pháp gốc Việt tìm đc mẹ ruột sau 23 năm bị bỏ rơi
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.

PhongVien007

Clip:


Cô gái gốc Việt tìm được mẹ ruột sau 23 năm bị bỏ rơi
November 19, 2018

[Image: amandine-and-mom-1541566929.jpg]Amandine Durand, cô gái Pháp gốc Việt (tên khai sinh là Đỗ Thị Ngọc Châu) đã gặp lại mẹ ruột là bà Đỗ Thị Chiểm, 66 tuổi ở Vũng Tàu. (Hình: VNExpress)

VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Amandine Durand, cô gái Pháp gốc Việt (tên khai sinh là Đỗ Thị Ngọc Châu) vừa được gặp lại mẹ ruột là bà Đỗ Thị Chiểm, 66 tuổi ở Vũng Tàu sau 23 năm bị bỏ rơi, theo VNExpress.

Theo VNExpress, Châu bị bỏ rơi ở Bệnh viện Từ Dũ sau khi được sinh ra vài ngày vào năm 1995.

Sau đó, Châu được chuyển đến Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Đến 6 tháng tuổi, cô được người nhận nuôi và đưa sang Pháp.

Bố mẹ nuôi Châu không có con, nên họ coi cô là món quà vô giá. 

Cô được đi du học ở Anh, đi du lịch khắp nơi. Cô có thu nhập cao từ công việc marketing, tự mua được nhà, xe, tham gia một tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, Châu vẫn đau đáu tìm về cội nguồn.
Tháng Sáu vừa qua, khi về Việt Nam, Châu đã viết một lá thư tìm mẹ đăng tải trên các báo và trang mạng xã hội.

[Image: Co-gai-Phap-tim-lai-me-7-ngay-3-900.jpg?w=800&ssl=1]Bức ảnh kèm giấy khai sinh lúc Châu đăng thông tin tìm mẹ. (Hình: VNExpress)

Ngày 12 Tháng Bảy, một người hàng xóm của bà Chiểm đọc được, báo cho bà biết. Bà Chiểm đã gọi điện thoại đến nơi đăng lá thư.
Nhận được tin, Châu đã tìm đến nhà bà Chiểm ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để gặp bà Chiểm và xin xét nghiệm ADN.

Kết quả xét nghiệm cho biết Châu và bà Chiểm cùng huyết thống.

 Cô vui mình đăng lên trang cá nhân: “Tôi đã tìm được gia đình rồi. Từ nay tôi có đến hai người mẹ, hai đất nước và hai nền văn hóa. Tôi là cô gái may mắn”.

Hai mẹ con Châu đã gặp nhau lần hai vào sáng ngày 5 Tháng Mười Một.

VNExpress dẫn lại lời kể của người mẹ về câu chuyện của hơn 20 năm trước. Bà Chiểm mang thai Châu lúc bà 43 tuổi. Lúc thai được hơn 6 tháng, bà bị băng huyết phải vào Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu. Cô bé con chào đời chỉ nặng 1,6 kg, phải nằm lồng kính, cơ hội sống chỉ có 20%.

“Lúc đó, vợ chồng tôi chẳng có tiền, ở nhà còn 6 đứa con nhỏ. Nghe nhiều người nói con bé không sống được, tôi với ông chồng rất buồn. Trong lúc túng quẫn, suy nghĩ nông cạn, vợ chồng tôi thu gói đồ đạc âm thầm bỏ về quê, để con ở lại,” VNExpress dẫn lời bà Chiểm.

[Image: Co-gai-Phap-tim-lai-me-7-ngay-2-900.jpg?w=800&ssl=1]
Châu và bố nuôi người Pháp hồi cô hơn 1 tuổi.

Cũng theo lời người mẹ, “những năm sau đó, vợ chồng tôi sống trong dằn vặt. Ông Út chồng tôi quá hối hận, đã thú nhận với họ hàng chuyện bỏ con. Còn tôi nghĩ nó mất rồi nên không đi tìm”.
Chồng bà Chiểm bị bệnh đã mất ba tháng trước.

“Bây giờ tôi đã hiểu vì sao mẹ bỏ mình. Tôi không giận mẹ, vì nhờ thế tôi mới có được một cuộc sống tốt, được bố mẹ nuôi yêu thương”, cô gái gốc Việt chia sẻ.

Cô cũng cho biết bố mẹ nuôi của cô rất vui khi biết tin cô tìm được mẹ ruột.

“Bố mẹ rất vui, dặn tôi phải biết chia sẻ may mắn của mình với người khác. Chia sẻ không nghèo đi mà giúp cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”, Châu nói.

Cô cũng cố gắng học tiếng Việt để lần tới gặp mẹ nói nhiều hơn nữa, bên cạnh việc tiếp tục làm thiện nguyện ở Việt Nam. (T.A)

PhongVien007

Amandine tìm thấy mẹ


[Image: 37326225_10157597945995744_7918884928828...e=5CAEC35A]

Sáng 12-7, lá thư tìm cha mẹ mà chúng tôi viết giúp cho Amandine Durant - Đỗ Thị Ngọc Châu đăng trên Tuổi Trẻ. Sau khi báo phát hành, có điện thoại báo: “Tôi biết bà Đỗ Thị Chiểm”.

Giọng như reo vui: "Bà ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà nay 66 tuổi. 23 năm trước, bà sinh con út bị sớm hơn hai tháng, nuôi không nổi nên phải cho người ta ở Bệnh viện Từ Dũ".

Chúng tôi thận trọng báo tin cho Amandine giữa cuộc giao lưu được tổ chức chiều hôm đó. Cô cũng thận trọng không kém dù không giấu được vẻ vui mừng, sốt ruột. Một chuyến đi đến Ngãi Giao lập tức được lên kế hoạch.

Cuộc hội ngộ im lặng

5h sáng, xe xuất phát. Từ quốc lộ vào tỉnh lộ, rồi vào những con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi đã đến nơi cần đến. Bà Chiểm là một phụ nữ tóc hoa râm, nụ cười lơ ngơ không còn tỉnh trí.

Bà đang ở nhờ nhà người em họ để có người chăm sóc, đỡ đần. Câu chuyện có con gái về tìm mẹ đã lan ra khắp xóm, mọi người tập trung lại, đông đúc, lao xao. Câu chuyện khi xưa lần mở ra, chắp nối.

Như nhiều người nông dân xứ này ngày ấy, cô Chiểm cũng sinh trưởng trong một gia đình nghèo, lớn lên và lấy chồng giữa những vườn điều, làm thuê, sinh con. Sinh đến đứa thứ năm thì chồng mắc bệnh mất. Gia cảnh khó khăn, bà đi bước nữa với một thanh niên người dân tộc Chơ Ro. Và lại sinh con.

Chị Đoàn Thị Lụa, năm nay 25 tuổi, là con gái đầu với chồng sau của bà. Lụa mới tròn tuổi, bà Chiểm đã lại mang thai. Hai vợ chồng nói với nhau sinh nốt lần này nữa thì thôi, bé gái sẽ đặt tên Là. Lụa - Là, mong cho hai con gái thoát cảnh nghèo khó, một đời ấm êm.

Năm ấy bà Chiểm đã 43 tuổi. Vất vả, sinh dày, cảnh sống khó khăn, thai nhi được 6 tháng rưỡi thì bà bị băng huyết khi chồng đi làm xa. Xóm giềng đưa đến trạm xá xã. Xã chuyển lên bệnh viện huyện. Tình trạng nặng quá nên huyện đưa xe cấp cứu thẳng đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Bé Là sinh ra chỉ 1,6kg, phải nằm lồng kính.

[Image: tr18-15319864700871599067655.jpg]
Amandine với nụ hôn của mẹ ruột - Ảnh: MINH HUỲNH

Mọi người kể đến đó. Nhắc đến con, bà Chiểm như tỉnh lại. Bà kể tiếp: "Con bé phải nằm lồng kính. Tôi thì yếu, không có tiền. 

Chồng dẫn con gái nhỏ lên, cũng không có tiền. Mấy người xung quanh nói con bé non yếu như thế, chúng tôi khó khăn như thế, mang về nó sẽ chết mất".

Rồi có hai vợ chồng hiếm muộn bảo vợ chồng bà Chiểm để con đó cho họ nuôi. Đặt vào tay bà mớ quần áo cũ và 1 triệu đồng, bà Chiểm gạt nước mắt đồng ý giao con. Hai vợ chồng lủi thủi dẫn Lụa về quê. Ai hỏi bà đều lắc đầu, khóc: "Con bé bị sinh non nên chết rồi".

Nhưng rồi sau này ông Út chồng bà không chịu được sự giằng xé về nỗi nhớ con, và có lẽ mang một hi vọng mơ hồ, ông nói cho người trong nhà biết sự thật: em bé đã được giao cho người khác.
Sau này, mỗi lúc cảm thấy buồn bức, bế tắc trong cuộc sống gian khó, ông lại nhắc đến bé Là trong nỗi nuối tiếc, trông ngóng. Rồi ông mất cách nay ba tháng vì căn bệnh tim.

Sáng 12-7, những người trong xóm đọc được lá thư của Amandine trên Tuổi Trẻ, và họ nhận ra câu chuyện của vợ chồng bà Chiểm trong đó.

Chúng tôi dịch cho Amandine nghe câu chuyện mà mọi người kể, nhưng cô dường như chưa thể hiểu được hoàn cảnh của những gia đình nghèo xứ Ngãi Giao, chưa thể tin được mình chính là một nhân vật trung tâm trong ấy.

Cũng phải thôi. Amandine 23 tuổi, 23 năm sống ở Pháp, đi học, đi du lịch châu Âu. Cô chỉ mới đến TP.HCM được 3 tháng. Amandine lắng nghe, thận trọng, ngờ vực. Cô không nói, dù trước đó đã kể cho chúng tôi nghe hàng loạt câu hỏi cô muốn đặt ra nếu được gặp mẹ của mình. Bà Chiểm, Lụa đều quả quyết đây chính là bé Là rồi, vươn tay ra muốn ôm chặt lấy. Amandine lảng tránh. Không khí nặng trĩu.

Chúng tôi cố gắng trấn an mọi người: thử ADN chỉ mất vài ngày, khi đó nhận mẹ, nhận con cũng chưa muộn. Amandine gật đầu. Bà Chiểm, chị Lụa cũng nén lòng đồng ý. Giúp bà Chiểm cắt tóc, móng tay để lấy mẫu thử, tay chị Lụa run run. Amandine đứng lên bước đi.

Nhìn vẻ lạnh lùng của cô gái, bất giác nước mắt bà Chiểm, chị Lụa lăn dài. Những người chứng kiến cũng khó kiềm chế được cảm xúc.

Hai mặt một khuôn

Ra cửa, thấy mọi người vẫn muốn níu kéo, chúng tôi đề nghị ghé qua thăm căn nhà cũ của vợ chồng bà Chiểm, nơi mà giờ đây bà chỉ ghé qua để thắp nén nhang cho chồng.

Đường vào xóm nghèo hun hút. Căn nhà tuềnh toàng, hoang hoải, trống tênh nghèo nhất ấp Vĩnh Thanh. Mấy cái nồi niêu móp méo nằm chỏng chơ một góc, và trên tường là mảnh ván đóng tạm làm bàn thờ ông Út.

Nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ, chợt nhiên chúng tôi nổi gai ốc. Nhìn sang Amandine, cô cũng biến sắc mặt rồi bỗng bật khóc dữ dội. Tất cả mọi người đều đã nhận ra hai khuôn mặt giống nhau như tạc. Vẻ lạnh lùng biến mất. "Con về muộn mất rồi" - Amandine nức nở.

Bao nhiêu cảm xúc dồn nén chợt vỡ bung khiến cô gái trẻ run bần bật. Qua làn nước mắt, bây giờ cô mới nhìn thẳng, nắm tay, ôm lấy bà Chiểm và chị Lụa.

"Em tôi đây rồi - chị Lụa vừa khóc vừa nói - Chắc ba tôi linh thiêng mà xui khiến em về. Mấy tháng trước khi mất, ba cứ nhắc đến bé Là". Bà Chiểm nhìn Amandine, cười khóc lơ ngơ. Những người xung quanh xôn xao.

Những nụ cười bây giờ mới tươi lên được. Không khí nặng nề, im lặng khi nãy đã biến thành hồ hởi, vui mừng. "Đúng con bé Là thật rồi", "Đứa chị giống mẹ, đứa em giống cha", "Giá như cha nó còn, ông ấy hẳn mừng lắm. Tội quá"... Lời lao xao, niềm vui mừng cứ vậy nhân lên đầy ắp xóm nhỏ.

Bây giờ Amandine không muốn đi nữa. Nhưng chúng tôi còn nhiều công việc phải làm, mẫu ADN vẫn phải thử cho chắc chắn. Nắm níu mãi cũng đến lúc phải lên đường, Amandine cởi chiếc dây chuyền trên cổ trân trọng đeo vào cổ Lụa. "Em sẽ trở lại" - cô hứa.
Bốn ngày chờ kết quả xét nghiệm ADN quả là quá dài. Chiều 18-7, nhận được kết quả xác định đúng mẹ ruột, Amandine khóc nức nở.
Lên trang cá nhân của mình để thông báo với cả thế giới, cô hồ hởi: "Khi được mẹ sinh ra, tôi chỉ có 20% cơ hội sống sót. Và hôm nay tôi là cô gái may mắn nhất thế giới. Tôi đang có hai gia đình, hai đất nước tuyệt vời, hai nền văn hóa đặc sắc.

Mọi thứ đều đã thay đổi đối với tôi chỉ trong một tuần. Không từ ngữ nào tả xiết được". Cô nhắn với những người bạn đồng cảnh với mình: "Tất cả chúng ta đều có một gia đình ruột thịt đang chờ đợi ở đâu đó. Đừng nản lòng, đừng bỏ cuộc. Cuối cùng, điều tuyệt vời ấy cũng sẽ đến".

Amandine đã biết rằng cô rất giống cha. Giấc mơ của Amandine Châu, nay còn có cái tên thứ ba nữa là Đoàn Thị Là, đã thành hiện thực. Cô như đang bay với cả một trời yêu thương vừa mở ra, và những dự định mới cho cuộc đời từ nay sẽ gắn với quê hương Việt Nam bằng những sợi dây máu thịt, từ nay sẽ có thêm mẹ, thêm anh chị em.

Niềm vui của Amandine truyền thêm hi vọng đến Hiền Munier, Marion Potriquet, Aureline Giang. Ở đâu đó, những người mẹ đang đợi...

Cuộc hội ngộ đến sớm

Chiều 18-7, cầm tờ thông báo kết quả xét nghiệm ADN trên tay, Amandine một lần nữa rơi nước mắt, rồi cô cười, reo vui thông báo với cả thế giới: "The dreams came true". Ước mơ của đời cô đã thành hiện thực. Cô đã tìm thấy mẹ. Người mẹ Việt Nam mang cái tên mộc mạc Đỗ Thị Chiểm.

Những người thực hiện chương trình "Cội nguồn con ở đâu?" cũng rớt nước mắt. Anh Sơn Michael Phạm mỉm cười giải thích giọt nước mắt đàn ông: "Khóc này là khóc mừng đó nghe".
PHẠM VŨ - MINH HUỲNH
[