Tuyệt vọng, giận dữ, tàn phá: khi người Mỹ hoá côn đồ
#1
Tuyệt vọng, giận dữ, tàn phá: khi người Mỹ hoá côn đồ




Translated from The Washington Post's article Desperate, angry, destructive: How Americans morphed into a mob


By Rachel Weiner, Spencer S. Hsu, Tom Jackman, Sahana Jayaraman, on 09-11-2021, 00:00:00





[Image: file.jpg][Image: be74b3_5a40ca7fea2a48faa0cc2499d9443b77~mv2.webp]


Hầu hết các bị cáo vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1 không thuộc các nhóm cực hữu hoặc có âm mưu tấn công từ trước.



Thomas Sibick là ngôi sao chơi bóng vợt (lacrosse) tại trường nội trú quân sự của anh. Hồ sơ tòa án cho thấy trước đây anh đã từng vật lộn với ma túy và tham gia vào các hành vi gây rối, nhưng gần đây anh đã tìm lại bản thân trong công việc chăm sóc người cao tuổi và vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh. Là con trai của một thuyền trưởng Hải quân, anh còn dìu dắt em trai mình được nhận vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ.






Nhưng trong cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 ở điện Capitol, theo cáo buộc của công tố viên, Sibick đã giật phăng bảng tên và radio của một sĩ quan cảnh sát D.C. khi người này bị đám đông cuồng nộ kéo đi và hành hung cho đến khi bất tỉnh.




Theo hồ sơ tòa án, hàng chục trong số những người bị buộc tội tấn công Điện Capitol đã chuẩn bị các hành vi bạo lực có tổ chức nhằm ngăn cản việc Quốc hội xác nhận Joe Biden thắng cử tổng thống ngày hôm đó. Một số mặc đồ tác chiến, đeo biểu tượng của các nhóm quân sự hoặc các tổ chức bạo lực cánh hữu. Theo phân tích của Washington Post, hơn 30 trong số những người bị buộc tội trong vụ tấn công ở Điện Capitol phải đối mặt với cáo buộc có âm mưu tấn công và lật đổ.




Nhưng hồ sơ tòa án lại cho thấy phần lớn trong khoảng 650 người bị liên bang buộc tội trong cuộc bạo động không phải là thành viên của các nhóm cực hữu hoặc có âm mưu tấn công Điện Capitol từ trước. Thay vào đó, họ là một nhóm người như bao người Mỹ bình thường khác - các nhà lãnh đạo cộng đồng, chủ doanh nghiệp nhỏ, giáo viên và huấn luyện viên yoga. Khi tham gia cuộc tấn công, họ vẫn đang đeo bảng tên công sở, hay mặc áo khoác có quảng cáo số điện thoại của mình sau lưng. Theo phân tích của Washington Post dựa vào hồ sơ tòa án và các dữ liệu đã được công khai cho đến ngày 3 tháng 11, khoảng 573 người không có mối liên hệ nào với các nhóm cực đoan. Hầu hết các nghi phạm đều chưa có tiền án tiền sự, ngoài khoảng chục bị cáo đã từng dính cáo buộc hoặc bị kết án bạo lực gia đình.




Tháng trước, khi tuyên án một người phạm tội biểu tình bất hợp pháp trong điện Capitol, Chánh Án Beryl A. Howell đã đề xuất những cáo buộc nghiêm trọng hơn đối với tất cả những người tham gia.




“Vô số video cho thấy đám đông tấn công điện Capitol là hành vi bạo lực. Tất cả người có mặt đã góp phần vào hành vi bạo lực đó.” Bà còn cho rằng thiệt hại không chỉ là con số tử vong và hư hại ban đầu vì còn bao gồm "tổn hại đến danh tiếng nền dân chủ của chúng ta, vốn được khắp nơi trên thế giới xem là chuẩn mực."




Thống kê các cáo buộc trong cuộc điều tra vụ tấn công điện Capitol ngày 6 tháng 1 tính tới ngày 3 tháng 11




Hơn 120 người đã nhận tội, với khoảng 130 cáo buộc liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1. Khoảng 530 người khác đang có hơn 2,500 cáo buộc khác.




Một viên chức hành pháp, được dấu tên do cuộc điều tra còn đang tiếp diễn, nói rằng trong khi nhiều quan chức FBI đã coi nhẹ nỗi tuyệt vọng, sự tức giận và bản chất âm mưu của đám đông này, nhiều bằng chứng cho thấy đại đa số người tham gia  cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 "không có kế hoạch" lật đổ chính quyền: "Họ không biết họ đang làm gì. Rất nhiều người thậm chí còn không biết họ đang đi đâu. Nhưng họ có một thông điệp rõ rệt rằng những người nổi loạn sẽ lại xuất hiện, và các người nên lo sợ đi là vừa."




Ngày 6 tháng 1, lực lượng cảnh sát đã bị nhấn chìm bởi đám đông ngập trong cuồng loạn. Năm người tử vong trong vụ tấn công hoặc ngay sau đó. Các nhà nghiên cứu ước tính có hơn 2,000 người đã vào Điện Capitol, kích động bởi những tuyên bố dối trá của Tổng thống Donald Trump rằng cuộc bầu cử có gian lận, rằng phó tổng thống Mike Pence có thể ngăn chặn việc xác nhận bầu cử và lật ngược kết quả.




Hai ngày sau vụ bạo loạn, một người làm công việc thiết kế cảnh quan từ Alabama nói trong một video YouTube được dẫn chứng trong hồ sơ chính phủ. “Khi chúng tôi phát hiện phó tổng thống Pence đã phản lại chúng tôi … đám đông lập tức phát điên. Đám đông đã trở nên manh động. Chúng tôi vượt cổng chính vào tòa nhà quốc hội."




Theo các công tố viên, bằng chứng video cho thấy gần 140 sĩ quan phải chống trả cả ngàn đòn tấn công hôm 6 tháng 1. 9 tháng sau vụ tấn công, trang web của FBI vẫn trưng ảnh của khoảng 350 nghi phạm chưa bị bắt tội tham gia bạo lực ở điện Capitol. Theo phân tích của Washington Post về các vụ bắt giữ và dựa trên tài liệu của tòa án, trong số hơn 130 người đã bị kết tội tấn công, kháng cự và cản trở cảnh sát, chưa đến 10 người có liên quan hoặc được xác định là thành viên của các hội nhóm như Oath Keepers (Người giữ lời thề) hoặc Proud Boys (Chàng trai tự hào). Hôm đó những nhóm người lẻ tẻ, trong cơn giận dữ bộc phát, đã hình thành đám đông manh động trong vài phút, được kết nối vì mục đích chung.




“Một cuộc bạo động không thể xảy ra nếu không có những kẻ bạo loạn. Mỗi hành động của những kẻ bạo loạn - từ vặt vãnh nhất đến bạo lực nhất - đã góp phần trực tiếp và gián tiếp tạo ra bạo lực và sức hủy diệt trong ngày hôm đó,” các công tố viên liên bang đã viết trong nhiều bản luận tội.




Một thẩm phán liên bang đã hỏi một bị can 59 tuổi vốn là huấn luyện viên thể lực và là người đề cập đến việc bắn vào đầu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi: Làm sao “những công dân mẫu mực chưa từng gặp rắc rối với pháp luật” vào ngày 6 tháng 1 đã bỗng chốc "biến thành những kẻ khủng bố"?




Brian Levin, người điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa hận thù & Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học Bang California, cho biết trong hoàn cảnh thích hợp, ngay cả những người ít liên quan với quan điểm cực đoan cũng có thể trở nên bạo lực.




Ông nói: “Lãnh trách nhiệm cho cả nhóm, họ ngay lập tức bị mê hoặc bởi sự tung hô của đám đông, và lợi dụng việc không ai biết họ là ai. Nó gần giống như một môn thể thao”




Fiona Hill, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump, nói rằng ở nước Anh quê hương cô, cảnh sát đã thành công trong việc ngăn chặn bạo lực và bạo loạn thường bùng phát ở các trận đấu bóng đá bằng cách xác định và loại bỏ những kẻ chủ mưu chính.




“Mọi chuyện khó khăn hơn khi người kích động đám đông lại là tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ," bà nói. "Cảnh sát sẽ khó mà tách ông khỏi tình hình khi đó."




Theo luật sư biện hộ Stephen Brennwald tại một phiên tòa gần đây. trước ngày 6 tháng 1, Sibick chưa bao giờ tham dự một cuộc biểu tình của Trump, "cuộc sống trước đây của anh ấy không có gì phản ánh xu hướng bạo lực."




“Anh ấy không phải là người như vậy,” Brennwald nói thêm.




Tuy nhiên, theo đoạn video từ camera trên người cảnh sát mà tòa án có được, khi sĩ quan cảnh sát vùng D.C. Michael Fanone sõng soài trên đất, nửa tỉnh nửa mê sau khi bị  đám đông đánh và gí súng điện, Sibick đã xông vào giật phăng bảng tên và radio của anh.




"Vừa bị hơi cay, nhưng chúng ta ổn, cưng ơi, chúng ta ổn! Chúng ta đang tiến lên phía trước! " Sibick hét trong một đoạn video đăng trên Instagram do cơ quan điều tra tìm thấy.




Sibick nói anh đã cố giúp Fanone. Anh không chịu nhận tội hành hung cảnh sát, cướp giật và các tội danh liên quan. Công tố viên buộc tội rằng Sibick đã nhiều lần nói dối về việc làm của mình và cho rằng anh ta không thể chỉ vô tình tháo bảng tên và radio của viên sĩ quan cảnh sát.




Mặc dù hầu hết những người tham gia bạo động ngày 6 tháng 1 không liên quan với các nhóm cực đoan, các công tố viên cho biết nhiều thành viên của Three Percenters (Nhóm ba phần trăm), Oath Keepers và Proud Boys đều có chuẩn bị cho các hành vi bạo lực từ trước. Theo các công tố viên, một số thành viên Proud Boys là một trong những người đầu tiên phá bỏ rào chắn và tấn công cảnh sát. Theo phân tích của Washington Post, ít nhất 77 bị cáo có liên hệ với các nhóm cực hữu đó.




Theo tin nhắn của một thành viên Proud Boys gửi cho người quen, người này bày tỏ sự ngạc nhiên về ảnh hưởng của họ trong cuộc nổi dậy: “Đó KHÔNG phải là điều tôi mong đợi sẽ xảy ra ngày hôm nay. Tất cả chúng tôi … đã khiến đám thường dân nổi loạn.” Các công tố viên đã giảm nhẹ vai trò của thành viên này trong các buộc tội liên quan đến thuyết âm mưu.




Nhưng cũng có những nhóm cực đoan mới trà trộn trong đám đông - bao gồm một số nhóm chống lại các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ. Alan Hostetter, một huấn luyện viên yoga ở California, đã thành lập Dự án Phượng hoàng Hoa Kỳ để ứng phó với giai đoạn phong tỏa do coronavirus. Theo hồ sơ của tòa án, trong một video vào tháng 12 năm 2020, anh tuyên bố cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và "hành quyết là hình phạt chính đáng cho những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính này." Anh không nhận tội thông đồng với năm người khác từ California chiêu mộ “chiến binh có vũ trang” và cản trở việc kiểm phiếu.




Cho đến nay, khoảng hai chục bị cáo tham gia bạo loạn đã bị kết án và đã đưa ra những lời xin lỗi khác nhau. Trong khi nhiều người đã chính thức nhận trách nhiệm, chỉ một số ít có thể giải thích hay làm rõ động cơ của họ. Các thẩm phán nói hình phạt không nhắm đến nhiệt thành hay lý tưởng chính trị của các bị cáo, mà vì họ đã sẵn lòng tham gia cản trở việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, đã tấn công vào các hoạt động của Quốc hội, để phục vụ lợi ích của một người là cựu tổng thống Trump, thay vì phụng sự nền dân chủ và pháp luật.




"Các nền dân chủ có thể bị bức tử và chúng ta đã từng thấy điều đó xảy ra trong quá khứ khi người dân nổi lên chống lại chính phủ và tham gia vào những sự kiện như đã diễn ra vào ngày 6 tháng 1,” Thẩm phán cấp quận Reggie B. Walton nói tại một buổi tuyên án. "Chính chúng ta đang chia rẽ đất nước."




Robert Reeder, một bị cáo ở Quận Harford, bang Maryland, và là đảng viên Đảng Dân chủ, đã nói với các nhân viên FBI rằng anh không thích và khó chịu với cựu tổng thống. Nhưng anh ấy thích thông điệp “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và sau cuộc bầu cử, anh bắt đầu đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về hành vi gian lận bầu cử trên Facebook.




“Nội chiến sắp xảy ra,” anh viết vào tháng 12. "Lần này những người bảo thủ sẽ giữ vững lập trường và những người cấp tiến sẽ chết."




Sau đó, Reeder nói rằng anh ta chỉ quyết định tham dự cuộc biểu tình của Trump vào sáng hôm đó. Anh ta chưa bao giờ tham gia biểu tình trước đây.




“Tôi không đi với ai khác; tôi không có bất kỳ vũ khí chiến đấu nào,” Reeder nói khi trả lời phỏng vấn với các nhân viên FBI. "Thứ duy nhất trong ba lô của tôi là hai thanh protein."




Reeder nói với FBI rằng anh không coi mình là một phần của đám đông tấn công vào Điện Capitol, mặc dù theo hồ sơ của tòa án, anh đã đi vào tòa nhà hai lần, xông qua làn hơi cay và đụng độ với các sĩ quan cảnh sát.




“Đây không phải là tôi,” anh nói với các đặc vụ, “thế mà giờ ta lại nói chuyện này."




David Reeder kể lại trong buổi làm chứng tại phiên tòa hồi đầu tháng 10 rằng đêm đó, Robert Reeder gọi cho anh trai mình và nói anh "cảm thấy rất tồi tệ vì đã có mặt ở đó (ND: điện Capitol)." David nói em trai mình không "điên rồ như vậy." Gia đình “thất kinh khi biết Robert có tham gia”, nhưng cũng sẽ rất “kinh hoàng” nếu Robert phải nhận một hình phạt khắc nghiệt.




Reeder đã nhận tội biểu tình ở Điện Capitol và xin lỗi rối rít khi bị tuyên án, gọi cuộc bạo động là "kinh tởm" và hành động của mình là "đáng xấu hổ, không thể bào chữa được." Khi bị Thẩm phán quận Thomas F. Hogan ở Washington gặng hỏi, Reeder thừa nhận đã xô một cảnh sát nhưng nói rằng đó là phản ứng tự nhiên khi bị đánh.




Thẩm phán cho rằng lời khai của Reeder là "không thành thật" và "quanh co," và kết án Reeder ba tháng tù.




Thẩm phán cho biết Reeder không đơn giản là bị cuốn theo dòng sự kiện.




“Tôi thấy rõ ràng trong các vụ bạo loạn, hay hậu bạo loạn, nhiều bị cáo nhận tội không thực sự nhận trách nhiệm,” Hogan nói. Reeder đã có mặt gần như xuyên suốt của cuộc bạo động, đã phải nghe thấy tiếng chuông báo động, đã phải cảm nhận hơi cay, đã phải nhìn thấy mọi người xô đẩy và tấn công cảnh sát. Thẩm phán nói thêm: “Họ như đang viết lại lịch sử và sự kiện theo cách khác để nói rằng họ đã không biết chuyện gì xảy ra lúc đó. … Tôi đã nghe quá nhiều người nói như vậy với tôi."




Tuy nhiên, những người ủng hộ các bị cáo ngày 6 tháng 1 đã làm gắt quan điểm rằng họ đang bị trừng phạt vì niềm tin chính trị của mình. Phó tổng thống Pence gần đây đã nói rằng việc báo chí đưa tin về đám đông yêu cầu xử tử Pence là một cách thức để “hạ thấp” những người ủng hộ Trump.




Về phần mình, Trump vẫn tiếp tục tuyên bố sai sự thật là cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, và rằng phát ngôn đó của ông vào ngày 6 tháng 1 chỉ là việc ông đang thực hiện quyền của mình.




Các thẩm phán đã bày tỏ lo ngại rằng thông tin sai lệch liên tục sẽ dẫn đến một cuộc tấn công tương tự. Walton cho biết ông và các thẩm phán khác của D.C. đã nhận được những lời đe dọa từ những người vẫn tiếp tục tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, mặc dù không có bằng chứng xác thực nào xuất hiện trong hàng chục cuộc kiểm toán và các phiên tòa về bầu cử trên khắp cả nước.




Thẩm phán Walton nói với Lori và Thomas Vinson, một cặp vợ chồng miền Tây Kentucky đã nhận tội diễu hành trái phép ở Điện Capitol, như sau: “Ông bà đều cả tin đến mức vin lấy mấy lời tuyên bố đó - mà không có bằng chứng xác thực - để tin rằng cuộc bầu cử không công bằng. Và thật không may, họ vẫn còn đang rêu rao những điều mà theo tôi đã đẩy ông bà phạm phải những gì ông bà đã làm.”




Thomas Vinson, một cựu binh Không quân, nói với thẩm phán Walton rằng ông và vợ “không có ý định” tham gia đám đông vào ngày 6 tháng 1 và sẽ không bao giờ làm như vậy nữa; các cuộc biểu tình của Trump mà họ tham dự trước đây đều ôn hoà.




“Tôi đã tuyên thệ và tôi biết mình đã vi phạm lời thề đó,” Vinson nói. “Joe Biden là tổng thống của chúng ta, ông ấy đã tuyên thệ nhậm chức; đó là tất cả những gì tôi có thể nói về việc này. "




Thông qua các luật sư, các bị cáo đổ lỗi cho Trump và ngôn ngữ của ông đã kích động họ. Nhưng nhiều người khác tiếp tục nhìn số phận của họ qua lăng kính đảng phái chính trị.




Vào tháng 3, cựu người mẫu Nathan DeGrave, người bị cáo buộc chống lại cảnh sát để xâm nhập vào bên trong phòng họp Thượng viện, đã nói qua luật sư rằng anh “rất đau đớn và hối hận.”




“Đây chắc chắn là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm tuyên bố rằng cuộc bầu cử tổng thống có gian lận, rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và những người ủng hộ ông ấy cần phải đến Điện Capitol để ‘chiến đấu đến cùng,’” luật sư của Nathan DeGrave viết trong hồ sơ.




Nhưng DeGrave không nhận tội và đã thay luật sư trước bằng một luật sư bảo thủ đang đại diện cho hơn chục bị cáo liên quan vụ việc ngày 6 tháng 1. Trên một trang web gây quỹ, anh tự mô tả mình là một “tù nhân chính trị” phải đi tù “vì anh là người ủng hộ Trump,” rằng anh đã tham gia “một cuộc biểu tình ôn hòa, cho đến khi cảnh sát tấn công những người biểu tình ôn hoà.”




(Trong một cuộc phỏng vấn ngắn từ nhà tù, DeGrave nói rằng "cả hai đều có lỗi.")




Eugene, cha của Sibick, đã gia nhập những người phản đối cách đối xử với các nghi can của vụ ngày 6 tháng 1. Vào một cuộc biểu tình vào tháng 9, ông cho rằng các cuộc biểu tình về sắc tộc vào mùa hè năm 2020 cũng đầy bạo lực, "nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra ở đây, nhưng những người tham gia khi đó được bỏ qua." Tuy nhiên, dù một số trường hợp tham gia các cuộc biểu tình về sắc tộc đã được bỏ qua, hàng trăm người khác vẫn bị điều tra. Hầu hết các bị cáo cấp liên bang đều bị bắt, trong khi chỉ có khoảng 13% bị cáo cấp liên bang vụ ngày 6 tháng 1 bị giam giữ.




Amy Berman Jackson, thẩm phán vụ án của Sibick, cho biết rằng nếu một cư dân D.C. bị phát hiện qua video đã làm những gì Sibick làm và đối mặt với bốn trọng tội, anh sẽ không thể nào được tại ngoại trước xét xử. Nhưng vào ngày 26 tháng 10, bà đã trả tự do cho Sibick, viện lý do Sibick được chẩn đoán gần đây có bệnh tâm thần, đồng thời được nhân viên quản giáo khen ngợi có hành vi mẫu mực khi ở tù và có nỗ lực giữ khoảng cách với những tù nhân cực đoan hơn. Trong một bức thư viết tay từ nhà tù, Sibick nói với thẩm phán rằng các sự kiện xảy ra vào ngày 6 tháng 1 là "một sự ô nhục đối với quốc gia của chúng ta."




Sibick nói, tội lỗi “cuối cùng” nằm ở vị tổng thống mà anh từng theo chân tới Điện Capitol.




Sibick viết: “Trong khi nhiều người ca ngợi Trump, tôi ghét ông ấy, những lời nói và hành động của ông ấy bất chính, gây ra đau đớn và tổn hại. Tôi đã thề sẽ không bao giờ tham dự một cuộc biểu tình chính trị nào khác trong đời, đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng! Ngoài ra, tôi sẽ không bao giờ cho phép mình bị cuốn theo tâm lý đám đông, điều đó rất nguy hiểm.”




Từ “không bao giờ” được anh gạch dưới hai lần.




Người dịch: Trang Vo




Biên tập: Bảo TrânRen Dinh




The Interpreter

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply