Cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh về chiến thắng Tổng thống Biden trong kì bầu cử
#1
Star 
Cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh về 
chiến thắng của Tổng thống Biden trong kì bầu cử 2020



Translated from npr's article We Just Got Our Clearest Picture Yet Of How Biden Won In 2020

Chúng ta ai cũng biết Tổng thống Biden đã đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020 (mặc cho cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông nói thế nào chăng nữa). Thế nhưng ít ai nắm được bức tranh tổng thể về cách ông thắng ra sao.


By DANIELLE KURTZLEBEN, on 01-07-2021, 11:55:00


[Image: be74b3_3b0437de578449cfa09b0d23e23270e3~mv2.webp]



Chúng ta ai cũng biết Tổng thống Biden đã đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020 (mặc cho cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông nói thế nào chăng nữa). Thế nhưng ít ai nắm được bức tranh tổng thể về cách ông thắng ra sao.

Mãi cho tới tận gần đây, chúng ta mới có được những dữ liệu rõ ràng nhất về cách bỏ phiếu của những cộng đồng khác nhau, và quan trọng hơn là cách những lá phiếu đó đã thay đổi như thế nào so với năm 2016. Trung tâm nghiên cứu Pew vừa công bố bản báo cáo cử tri hợp lệ, được xem là một thước đo chuẩn hơn cho số liệu cử tri thay vì dùng phương pháp thăm dò trực tiếp, vốn có khả năng dẫn tới những những sai sót đáng kể.

Dữ liệu mới của Pew cho thấy sự thay đổi trong số các cử tri sống tại ngoại ô, đàn ông da trắng và cử tri độc lập, những người vốn đã giúp Biden giành chiến thắng vào tháng 11, ngay cả khi phụ nữ da trắng và cử tri gốc Mỹ Latin quay sang ủng hộ Trump trong giai đoạn từ 2016 đến 2020.

Để thu thập được dữ liệu, Pew đối chiếu những người tham gia khảo sát với hồ sơ cử tri các bang. Những hồ sơ đó không đề cập về cách cử tri bỏ phiếu, nhưng nó cho phép các nhà nghiên cứu đảm bảo rằng những người này chắc chắn đã đi bầu. Việc này giúp tăng độ chính xác, loại bỏ khả năng những người tham gia khảo sát khai lặp những lần bỏ phiếu của họ.

Đây là một bản báo cáo với nhiều số liệu, nhưng từ đó chúng ta có thể rút tỉa ra những chi tiết quan trọng về những gì đã diễn ra trong năm 2020 (và có thể cho chúng ta biết về năm 2022 và cả những năm sau đó):

Cử tri vùng ngoại ô (đặc biệt là cử tri ngoại ô da trắng) nghiêng về phía ủng hộ Biden
Cử tri vùng ngoại ô dường như đã là một nhân tố quan trọng trong việc giúp Biden thắng cử. Trong khi Pew thấy rằng vào năm 2016 Trump đã thắng các vùng ngoại ô với khoảng cách 2 điểm, thì Biden giành được 11 điểm trong năm 2020, dẫn đến sự thay đổi tổng 13 điểm. Nếu xét tới việc các khu vực ngoại ô chiếm hơn một nửa tổng số cử tri thì đó đúng là một chiến thắng về mặt nhân khẩu cho Biden.

Dù thế, Trump giành được thêm nhiều phiếu từ cả khu vực nông thôn lẫn thành thị. Ông thắng với tỉ lệ 65% cử tri nông thôn, tăng 6 điểm so với năm 2016. Dù số đông ở vùng thành thị ủng hộ đảng Dân chủ, Trump vẫn nhận được sự ủng hộ và tăng 9 điểm, chiếm 33%.

Thêm nhiều cử tri nam (đặc biệt là đàn ông da trắng) chuyển sang ủng hộ Biden
Vào đợt bầu cử 2020, số phiếu bầu từ cử tri nam gần như là bằng nhau, 48% chọn Biden và Trump đạt 50%. Khoảng cách đó đã được rút ngắn so với năm 2016, khi Trump thắng bởi 11 điểm. Ngoài ra, số lượng cử tri rời bỏ Trump đã tăng lên một mức đáng ghi nhận so với năm 2016 — một chỉ dấu cho thấy trong một năm có số cử tri đi bầu cao, số cử tri nam đi bỏ phiếu còn tăng mạnh hơn.

Đàn ông da trắng góp phần quan trọng trong xu hướng chuyển sang ủng hộ Biden. Vào năm 2016, Trump đã thắng 30 điểm với sự ủng hộ của nhóm cử tri này. Trong năm 2020, ông lại một lần nữa giành chiến thắng, nhưng với số điểm thu hẹp chỉ còn 17.

Ngoài ra, Biden có được sự ủng hộ đáng kể từ những cử tri nam đã kết hôn và có trình độ đại học. Các nhóm cử tri này dù đều có sự trùng lặp lẫn nhau, tuy nhiên vẫn có thể giúp phác hoạ một bức tranh chi tiết hơn về các thành phần cử tri nam, những người đổi phe hoặc chỉ vừa mới tham gia vào kì bầu cử 2020.

Tuy vậy, từ những dữ liệu này, chúng ta không thể biết được liệu điều gì đã ảnh hưởng đến sự thay đổi trong lựa chọn của các cử tri nam — ví dụ, chính xác là có bao nhiêu phần trăm cử tri nam có thể đã không đi bầu trong năm 2016, so với năm 2020.

Phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ da trắng) nghiêng về phía ủng hộ Trump
Quan niệm cho rằng phần đông phụ nữ da trắng bỏ phiếu cho Trump đã nhanh chóng trở thành một trong những thống kê được trích dẫn nhiều nhất trong đợt bầu cử năm 2016, khi mà nhiều ủng hộ viên của bà Hillary Clinton — đặc biệt là cử tri nữ — cảm thấy phẫn nộ khi chứng kiến những người phụ nữ khác ủng hộ Trump.

Dù con số đó được nhắc lại nhiều lần, dữ liệu từ Pew cuối cùng cũng chỉ ra rằng nó không chính xác — họ nhận thấy rằng trong năm 2016, tỷ lệ phiếu bầu của phụ nữ da trắng được chia thành 47% và 45%, hơi nghiêng về phía Trump chứ không phải là đại đa số.

Tuy nhiên trong năm 2020, có vẻ như đại đa số cử tri nữ da trắng ủng hộ Trump. Số liệu của Pew chỉ ra rằng 53% số phụ nữ da trắng lựa chon Trump trong kì bầu cử 2020, tăng 6 điểm so với năm 2016.

Làn sóng ủng hộ này đóng góp vào xu hướng chuyển dịch chung của lá phiếu cử tri nữ — trong khi bà Clinton giành chiến thắng trong khối cử tri nữ mọi sắc tộc với 15 điểm cách biệt, con số này của Biden trong năm 2020 là 11 điểm. Kết hợp với sự chuyển dịch trong cách cử tri nam đi bầu, sự khác biệt mang tính lịch sử giữa cử tri nam và nữ trong năm 2016 đã được thu hẹp.

Đáng chú ý, sự chuyển dịch trong lá phiếu của phụ nữ da trắng (tổng cộng 5 điểm) nhỏ hơn đáng kể so với số cử tri nam giới xoay sang ủng hộ Biden ( tổng cộng 13 điểm)

Cử tri gốc Mỹ Latin chuyển sang ủng hộ Trump
Theo số liệu của Pew, Trump giành được 38% số phiếu từ cử tri gốc Mỹ Latin trong năm 2020, tăng so với tỷ lệ 28% vào năm 2016

Tỷ lệ 38% này đưa Trump tiệm cận với thành tích 40% của George W. Bush trong đợt bầu cử năm 2004 — kỉ lục gần đây nhất trong thành tích kiếm phiếu từ khối cử tri Mỹ Latin của đảng Cộng Hoà. Tỷ lệ đó đã giảm đáng kể sau năm 2004, dẫn đến việc các nhà khảo sát và chiến lược gia của đảng Cộng Hoà tự hỏi làm cách nào để có thể lặp lại được thành tích đó. Trump lại khiến mối e ngại này gia tăng vào năm 2016, với những phát ngôn theo xu hướng bản địa bài ngoại và chính sách nhập cư không khoan nhượng.

Có một số khác biệt quan trọng có thể rút tỉa được từ những dữ liệu liên quan tới nhóm cử tri gốc Mỹ Latin này. Đáng chú ý nhất là sự chênh lệch rất lớn về học thức. Biden thắng 39 điểm trong số các cử tri gốc Hispanic có trình độ đại học, nhưng đồng thời đảng Dân Chủ lại chỉ thắng 14 điểm khi xét tới khối cử tri có học vấn tương đương mức đại học hoặc thấp hơn.

Khác biệt này phản ánh đúng sự chênh lệch về học thức vốn thường thấy ở khối cử tri rộng hơn.

Đáng tiếc rằng qui mô mẫu khảo sát của Pew năm 2016 đã không đủ lớn để phân tích số cử tri Mỹ Latin dựa trên giới tính, vì vậy rất khó để biết liệu có sự chênh lệch về giới trong nhóm cử tri này hay không.

Cử tri da màu phần lớn ủng hộ Biden
So với cử tri da trắng và gốc Mỹ Latin, xu hướng đi bầu của cử tri da Đen không thay đổi đáng kể so với năm 2016. Họ vẫn phần lớn ủng hộ đảng Dân Chủ, với 92% bầu chọn Biden — hầu như không có sự thay đổi so với 4 năm trước đó.

Gần ¾ số cử tri gốc Á cũng bầu chọn cho Biden, bên cạnh 6 trên 10 cử tri gốc Mỹ Latin và 56% số cử tri chọn “Khác” khi điền thông tin về chủng tộc của họ. (Mẫu khảo sác ở các nhóm cử tri này trong năm 2016 cũng không đủ lớn để so sánh theo thời gian.)

Xu hướng ở đợt bầu cử năm 2018 vẫn còn … nhưng đã giảm dần
Khi nhìn vào cách cử tri đi bầu trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ, chúng ta sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến những chuyển dịch đáng kể trong năm 2020. Ví dụ, số đàn ông da trắng bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ vào năm 2018 nhiều hơn so với năm 2016, số cử tri sống ở vùng ngoại ô cũng vậy.

Một sự tăng nhẹ trong nhóm cử tri da trắng không có trình độ đại học ủng hộ Biden.

Trong đợt bầu cử 2016, Clinton được 28% những cử tri trong nhóm này ủng hộ. Đây là nhóm cử tri quan trọng trong số những người bầu cho Trump (chiếm hơn 40% số cử tri). Biden đã có cải thiện so với những gì Clinton làm được, giành được 33% số phiếu.

Tuy nhiên, Trump vẫn giữ được vị thế trong nhóm cử tri này, với khoảng hai phần ba số cử tri trong nhóm bỏ phiếu cho ông. Đó là do số cử tri của nhóm có khả năng bầu cho đảng thứ ba có vẻ như đã sụt giảm.

Biden nhận được thêm sự ủng hộ từ nhóm cử tri Công giáo da trắng.

Dữ liệu của Pew cho thấy Trump đã thắng được phần lớn sự ủng hộ của nhóm này, như những gì ông đã làm được vào năm 2016. Tuy nhiên, Biden — vốn là người theo đạo Công giáo — cũng nhận được sự ủng hộ đáng kể, nếu so với Clinton năm 2016. Vào năm 2016, dựa theo số liệu Pew, bà đạt được 31% số phiếu từ cử tri nhóm này. Trong khi đó Biden đã giành được sự ủng hộ của 42% cử tri da trắng theo đạo Công giáo vào năm 2020.

Trong khi đó, nhóm cử tri da trắng theo đạo Tin Lành — một trụ cột trong khối cử tri Cộng Hoà trong suốt nhiều thập kỉ— dường như thậm chí đã bỏ phiếu nhiều hơn cho đảng này. Dữ liệu của Pew cho thấy 84% các cử tri nhóm này đã bỏ phiếu cho Trump năm 2020, tăng so với con số 77% năm 2016.

Thêm một số ít cử tri trẻ tuổi ủng hộ Trump

Xu hướng “già Cộng Hoà, trẻ Dân chủ”  quen thuộc vẫn tiếp diễn trong kì bầu cử 2020. Thêm vào đó, cách thức lựa chọn đảng phái của thế hệ im lặng, thế hệ boomer và thế hệ X cũng không khác nhiều so với năm 2016. Tuy nhiên, có thêm một số ít cử tri 8X bầu cho Trump vào năm 2020, so với năm 2016, phản ánh qua tỷ lệ ủng hộ tăng từ 31% lên 39% trong nhóm cử tri này.

Đặc biệt là lần đầu tiên, cả thế hệ im lặng và boomer trở thành cử tri thiểu số, và thế hệ 6,7 X, 8X và thế hệ Z chiếm đa số.

Điều này có nghĩa gì cho năm 2022.
Số liệu này đã cho thấy đảng Dân Chủ đã không giữ vững được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri gốc Mỹ Latin, nhưng đảng cũng đã thành công khi xâm nhập được vùng ngoại ô, bao gồm việc nhận được sự ủng hộ từ người da trắng sống ở ngoại ô.

Dữ liệu này cũng gợi ý rằng các nhóm cử tri vốn đã là đối tượng chính của cả hai đảng, sẽ tiếp tục như thế vào năm 2020, với việc đảng Cộng Hoà cố gắng củng cố những bước tiến có được với số cử tri gốc Mỹ Latin (trong khi cố giành lại số phiếu của cử tri vùng ngoại ô), còn đảng Dân chủ sẽ tiếp cận cử tri gốc Mỹ Latin, đồng thời giữ vững sự ủng hộ ở vùng ngoại ô.

Dù vậy, không dễ để dự đoán cách bỏ phiếu của cử tri trong tương lai nếu chỉ dựa vào hai đợt bầu cử gần đây do số lượng người đi bầu cao đột biến.

Ruth Igielnik, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết: “Rất khó để diễn giải, bởi vì đợt bầu cử năm 2018 có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, và dữ liệu cũng cho thấy năm 2014 là kì bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục.”



Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân

The Interpreter. 


[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply