Gương mặt báo hiệu ông Biden sẽ 'xoay trục' sang châu Á
#1
Gương mặt báo hiệu ông Biden sẽ 'xoay trục' sang châu Á



Người được ông Biden chọn phụ trách châu Á - Thái Bình Dương được cho là sẽ ủng hộ xây dựng các liên minh và theo đuổi một cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Trung Quốc.

Một trong những chuyên gia được kính trọng nhất của Mỹ về châu Á vừa được Tổng thống đắc cử Joe Biden bổ nhiệm làm điều phối viên đặc trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo báo Asia Times, đây là một dấu hiệu cho thấy chính quyền sắp tới của Mỹ có thể sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong khi tìm cách xây dựng các liên minh bền vững và lâu dài hơn với khu vực.





[Image: tin-hieu-ong-biden-se-xoay-truc-sang-chau-a.jpg]

Ông Kurt Campbell. Ảnh: Asia Times





Kurt Campbell, một người có nền tảng về kinh doanh và học thuật, từng là trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Barack Obama. Ông được coi là kiến trúc sư trí tuệ đằng sau chính sách "xoay trục sang châu Á" của Tổng thống Obama vào đầu những năm 2010.


Theo Asia Times, Kurt Campbell rất có thể sẽ là vị khách thường xuyên đến Đông Nam Á trong 4 năm tới. Công việc trước đây của ông ở Bộ Ngoại giao và ở một số tổ chức cố vấn tập trung vào châu Á có nghĩa là giờ đây, ông đang có trong tay một danh sách liên lạc dài gồm các chính trị gia và nhà hoạch định quan điểm có ảnh hưởng nhất trong khu vực.


Ông Campbell đã thành lập Trung tâm An ninh Mỹ mới vào năm 2007 cùng với Michele Flournoy, một nhân vật diều hâu về Trung Quốc, người mà nhiều nhà quan sát từng nghĩ sẽ là bộ trưởng quốc phòng của Joe Biden trước khi Tổng thống đắc cử chọn Tướng Lloyd Austin. Tiếp đó, ông thành lập Asia Group - tập đoàn tư vấn chiến lược và quản lý vốn, và đảm nhận vị trí chủ tịch.


Vai trò mới của Campbell sẽ là tại Hội đồng An ninh quốc gia, chứ không phải ở Bộ Ngoại giao. Ông dự kiến sẽ hợp tác chặt chẽ với cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Biden là Jake Sullivan, người cùng ông viết nhiều bài luận trong những năm gần đây, báo hiệu họ có một tầm nhìn chung về chính sách Mỹ ở châu Á.


Hai người từng viết chung một bài báo xuất bản cuối năm 2019 trên tạp chí Foreign Affairs có tựa đề "Cạnh tranh không thảm họa: Cách Mỹ có thể thách thức và cùng tồn tại với Trung Quốc". Nội dung của bài cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đúng khi thay đổi quan điểm của Mỹ về việc Trung Quốc trở thành "đối thủ cạnh tranh chiến lược nhưng kêu gọi cách tiếp cận ít đối đầu hơn và thông điệp nhất quán hơn.


Tuần này, ông Campbell cũng có một bài viết khác trên Foreign Affairs, trong đó ông lập luận rằng chính quyền Biden phải mở rộng các liên minh ở châu Á, từ đó có thể hợp tác đẩy lùi sự quyết đoán của Trung Quốc. Trong bài, ông cho rằng việc tái tham gia sâu rộng ở châu Á được thiết kế để làm cho các liên minh đặc biệt của Mỹ trở nên toàn diện và có hệ thống hơn, nhằm đối phó với những nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc muốn sắp xếp lại chính trị khu vực và toàn cầu.


Trong khi chính quyền Trump chuyển hướng chính sách của Washington theo đường lối cứng rắn hơn trước các hành động của Trung Quốc, quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á đã xấu đi kể từ năm 2019, khi Trump ngừng cử quan chức cấp cao tới các hội nghị khu vực hàng năm. Một số nhà lãnh đạo của khu vực đã từ chối các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu bên lề hội nghị thượng đỉnh. Nhiều chính phủ Đông Nam Á khác nhìn nhận chính quyền Trump đã theo đuổi lập trường quá tập trung vào Trung Quốc, không can dự vào khu vực về bất kỳ vấn đề nào ngoài vấn đề liên quan đến Bắc Kinh.


Campbell có thể nhanh chóng nhân cách hóa chính sách của chính quyền Biden ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều đó có thể có nghĩa là sẽ kết hợp chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc và mức độ hợp tác mới đáng tin cậy với các đối tác châu Á khác. Trong cuốn sách "Xoay trục" năm 2016 của mình, ông Campbell lập luận rằng Mỹ phải nhanh chóng mở rộng liên minh với Ấn Độ và đặc biệt là Indonesia.


Quan hệ Mỹ-Indonesia đã được cải thiện dưới thời Obama sau gần một thập niên gắn bó. Sự can thiệp của chính quyền George W Bush ở Trung Đông bị phản đối mạnh mẽ ở quốc gia đông dân Hồi giáo này, mặc dù hai bên hợp tác trong các vấn đề chống khủng bố. Tuy nhiên, dưới chính quyền Trump, Indonesia được cho là đã bị bỏ qua.

Tháng trước, ông Campbell khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á là "tấm vé tham dự cuộc chơi lớn" của nước này, đặc biệt như một phương tiện để ngăn chặn sức mạnh cứng rắn của Trung Quốc. Ông có thể sẽ lập luận rằng chính quyền Biden cần duy trì các cuộc đàm phán với Manila về Thỏa thuận Các Lực lượng thăm viếng, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự và luân chuyển quân ở Philippines. 


Có lẽ quan trọng nhất, ông Campbell dường như cũng hiểu rằng các chính phủ ở Đông Nam Á không muốn buộc phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, kiểu "theo chúng tôi hoặc chống chúng tôi" mà một số ý kiến cho rằng chính quyền Trump đã theo đuổi. 


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, vốn được nhiều người coi như một phát ngôn viên của khu vực về vấn đề này, từng bày tỏ vào cuối năm 2019: "Nếu bạn yêu cầu họ lựa chọn và nói 'tôi phải cắt đứt liên kết với đối tác thương mại lớn nhất của mình', tôi nghĩ bạn sẽ đặt họ vào tình thế vô cùng khó khăn".


Ông Cambell đã nêu trong bài báo trên Foreign Affairs trong tháng 1 rằng, "mặc dù các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để duy trì quyền tự chủ của họ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ nhận thấy việc gạt bỏ Bắc Kinh khỏi tương lai sôi động của châu Á là không thực tế và cũng không có lợi. Các quốc gia trong khu vực không muốn bị buộc phải 'lựa chọn' giữa hai siêu cường.


"Giải pháp tốt hơn sẽ là Mỹ và các đối tác thuyết phục Trung Quốc rằng có những lợi ích cho một khu vực cạnh tranh nhưng phải hòa bình", ông nhấn mạnh.

Asia Times kết luận, sau bốn năm viết về chủ đề này, kiến trúc sư ban đầu của "trục xoay" Mỹ đến châu Á giờ đây đã có đủ quyền lực để đưa những suy nghĩ của ông thành hiện thực.

Thanh Hảo

Vietnam.net
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply