Vì sao vụ kiện của Texas là 'trận đánh lớn' với ông Trump?
#1
Vì sao vụ kiện của Texas là 'trận đá lớn' với ông Trump

Tổng thống Trump gọi vụ kiện của Texas chống lại 4 bang chiến trường nhằm lật ngược cục diện bầu cử là "trận đánh lớn", song cửa thắng cho ông có thể vẫn khép chặt.

Vào cuối ngày 8/12, bang Texas nộp đơn kiện lên Toà án Tối cao Mỹ đòi hủy bỏ kết quả bầu cử ở 4 bang chiến trường Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin. Đây là 4 mang lại chiến thắng vững chắc cho cựu Phó tổng thống Joe Biden.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh 50 bang và thủ đô Washington hoàn thành chứng thực kết quả bầu cử, và ngày đại cử tri bỏ phiếu đang tới rất gần. Bloomberg điểm qua những vấn đề chính của vụ kiện được xem là hy vọng cuối cùng của Tổng thống Trump và đồng minh.




[Image: Trump12121.jpg]
Sau hàng loạt thất bại kiện tụng, ông Trump gọi vụ việc của bang Texas là "vụ kiện lớn" đã chờ đợi từ lâu. Ảnh: NYT.


Mục tiêu của vụ kiện


Theo đơn kiện, việc 4 bang Michigan, Wisonsin, Pennsylvania và Georgia thay đổi luật lệ bầu cử khiến cho quyền hiến định của cử tri Texas bị xâm phạm. Từ đó, đơn kiện yêu cầu Tòa án Tối cao "đóng băng" quy trình chỉ định đại cử tri tại 4 bang trên, tương đương với 62 phiếu.



Thay vào đó, các đại cử tri sẽ được cơ quan lập pháp của 4 bang - vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát - bầu ra. Một phương án khác là sẽ hủy toàn bộ 62 phiếu đại cử tri ở 4 bang này. Dù là phương án nào cũng cần Tòa án Tối cao thụ lý để phân xử.



Texas cũng yêu cầu Tòa án Tối cao trì hoãn ngày các đại cử tri nhóm họp để bỏ phiếu như thông lệ. Nếu không có sự can thiệp của Tòa án Tối cao, các đại cử tri sẽ họp mặt 14/12 và gần như chắc chắc sẽ mang lại chiến thắng cho ông Biden.



Điểm đặc biệt trong vụ kiện của bang Texas là nó được gửi trực tiếp tới Tòa án Tối cao, và nhiều người cánh hữu tin rằng tòa sẽ can thiệp.



Với thế đa số 6 - 3 nghiêng về phe bảo thủ trong Tòa án Tối cao, ông Trump tin rằng cơ quan này sẽ giúp ông có nhiệm kỳ thứ hai.



Theo luật pháp Mỹ, Tòa án Tối cao có thẩm quyền phân xử những vụ kiện cáo giữa các bang.



Sự ủng hộ của đảng Cộng hòa



Vụ kiện của Texas nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa. 17 tiểu bang, với sự dẫn dắt của tổng chưởng lý bang Missouri, lên tiếng ủng hộ vụ kiện và kêu gọi Tòa án Tối cao thụ lý vụ việc.



Tất cả các bang nói trên đều do quan chức đảng Cộng hòa đứng đơn kiện, và phần lớn các bang đều có thống đốc là người của đảng Cộng hòa.


Thêm vào đó, 106 hạ nghị sĩ liên bang thuộc phe Cộng hòa cũng lên tiếng ủng hộ vụ kiện. Họ tuyên bố "những hành vi vi hiến" ở 4 bang chiến trường "làm dấy lên nghi ngờ" về kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và "tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Mỹ".

Đích thân Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng ủng hộ bang Texas trong vụ kiện.

Trên Twitter cá nhân hôm 9/12, ông Trump cho biết: “Chúng tôi sẽ tham gia cùng Texas. Đây là một trận đánh lớn. Chúng ta cần một chiến thắng!”



Cửa thắng khép chặt



Mặc cho sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, khả năng vụ kiện được Tòa án Tối cao thụ lý là không cao, và cửa thắng cho Texas gần như bằng không.



Các chuyên gia pháp lý nhận định khả năng vụ việc được đem ra xem xét là rất thấp, khi đây là một vụ có cơ sở rất yếu nếu xét từ quan điểm hiến pháp.



"Tôi không nghĩ là họ có thể đưa vụ án ra trước tòa (tối cao) được. Tòa có khả năng sẽ bác vụ kiện này trong thời gian còn ngắn hơn vụ kiện ở bang Pennsylvania trước đó", Giáo sư Jessica Levinson (Đại học Loyola) bình luận, ám chỉ việc Tòa Tối cao từng bác đơn phe ông Trump kiện bang Pennsylvania chỉ trong 8 giờ.



Trong trường hợp vụ kiện được xem xét, các thẩm phán có thể nhanh chóng bãi nghị nó. Một số chuyên gia nói cơ sở pháp lý của bang Texas rất yếu, khi khó có thể chứng minh tiểu bang này hứng chịu tổn thất đủ nghiêm trọng để yêu cầu hỗ trợ.



“Không có điểm nào trong những tổn thất mà Texas nêu ra là đặc thù với bang này so với các bang khác. Tòa Tối cao khó có thể nhanh chóng thông qua vụ kiện mà nhiều bang bị ảnh hưởng”, Giáo sư luật Stephen Vladeck (ĐH Texas) bình luận.


Trước đó, nhiều vụ kiện của ông Trump và các đồng minh cũng bị bãi bỏ vì không có lập trường rõ ràng.

[Image: TrumpTexasAG.jpg]
Ông Trump gặp Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton (thứ 2 từ trái qua) hồi đầu năm nay. Ảnh: NYT.


Bên cạnh đó, tòa án có thể tuyên bố những hành động của phe ông Trump có động cơ xấu, muốn thách thức quy trình bầu cử khi kiện tụng chỉ được tiến hành sau khi phiếu bầu đã bỏ và kết quả được công bố.

Một vấn đề khác là bang Texas chỉ khởi kiện 4 bang chiến trường nơi ông Biden chiến thắng, trong khi nhiều bang cũng thay đổi luật bầu cử trong bối cảnh đại dịch.



Thậm chí, trong trường hợp Texas thắng kiện, kết quả cuộc bầu cử vẫn khó thay đổi.



Cụ thể, nếu cả 62 phiếu đại cử tri của 4 bang bị cáo bị hủy bỏ theo yêu cầu của bang Texas thì ông Biden còn 244 phiếu đại cử tri. Số phiếu đại cử tri của ông Trump là 232 phiếu.



Khi đó, phe Cộng hòa cho rằng vụ việc sẽ được đưa ra Hạ viện để định đoạt người trở thành tổng thống, do “không có ứng viên nào được đa số phiều bầu của tổng số đại cử tri” - theo lý thuyết là 270 phiếu.



Dù phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện, cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống ở cơ quan này vẫn có lợi thế nghiêng về phe Cộng hòa, do mỗi bang được tính là một phiếu bầu, chứ không phải mỗi nghị sĩ là một phiếu.



Tuy nhiên, Giáo sư luật Laurence Tribe (Đại học Harvard) cho rằng ván cờ của bang Texas là quá ngây thơ, vì họ không hiểu đúng Tu chính án thứ 12 của nước Mỹ.



"Tu chính án này quy định cục diện bầu cử chỉ đưa ra phân xử tại Hạ viện nếu không ứng viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri", ông Tribe nói.



"Tuy nhiên, con số tổng lúc này chỉ còn 475 - nếu phe Texas thắng kiện - chứ không phải 538 nữa", ông Tribe nhấn mạnh. Tương tự, số phiếu đại cử tri tối thiểu cần vượt qua là 238.


Như vậy, ngay cả trong kịch bản Texas thắng kiện, ông Biden vẫn là người đắc cử tổng thống.

Zing
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply