Tổng Thống Jimmy Carter và Người Việt tị nạn
#1
Tổng Thống Jimmy Carter và Người Việt tị nạn



Nhân dịp sinh nhật cựu Tổng Thống Carter, người vừa bước sang tuổi 96 vào ngày 1 tháng 10 năm 2020, Tuấn Nguyễn, cựu thành viên của ban biên tập Người Thông Dịch và hiện là người đưa tin độc lập, chuyển ngữ những thông tin về mối liên hệ giữa Carter và những người tị nạn, thuyền nhân Việt Nam. Cuối bài là tiểu sử Carter và tuyên bố của vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ này về người tị nạn.




[Image: 24d15c_213be6d916294f6f859eca9a8c6f33b8~mv2.webp]



CARTER KÊU GỌI HỖ TRỢ ‘THUYỀN NHÂN’

Tác giả: Graham Hovey

Tờ The New York Times đăng tin Ngày 6 tháng 7, năm 1978:

Ngày 5 tháng 7 - Tổng thống Carter ra lệnh các tàu Mỹ phải đưa người tị nạn trên những con thuyền vừa chạy thoát từ khu vực Đông Dương và sẽ cho phép nhóm người tị nạn này tái định cư trên đất Mỹ nếu họ mong muốn, một nhân viên cấp cao Bộ Ngoại giao cho biết.

“Họ sẽ được đối đãi theo từng trường hợp và thủ tục để quyết định nơi họ muốn đến,” ông cho biết, người đã yêu cầu báo không nêu danh tính. “Sở Di Trú và Nhập Tịch sẽ hỗ trợ các chuyến đi của họ đến các địa điểm họ chọn khi tái định cư tại Mỹ.”

Một tuyên bố chính thức về quyết định từ Tổng thống được trông chờ sẽ diễn ra sớm.
Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ tàu sân bay nào của Mỹ hoặc tàu ghi danh với Mỹ, nhiều trong số này trước đây đã từ chối đón người tị nạn để tránh việc cản trở họ đến cảng tiếp theo.

Người từ Bộ Ngoại giao nói rằng quyết định này được đưa ra vì số lượng người tị nạn, hay còn gọi là “thuyền nhân,” gia tăng đột ngột vào tháng 5 và 6 khi họ đến các cảng Á Châu, phần lớn tại Thái Lan, Malaysia, và Úc. Hầu hết người tị nạn đều đến từ Việt Nam.

Những con số tăng gần gấp ba
Đầu năm, khoảng 2,000 người xin tị nạn đến các cảng mỗi tháng, nhưng trong tháng 5 con số này là 5,800 và tiếp tục tăng khi bước vào tháng 6. Các tổ chức hỗ trợ người tị nạn ước tính ít nhất một nửa số người đi tị nạn bằng thuyền đến từ Việt Nam đã thiệt mạng trên biển.

Cho đến nay, thuyền trưởng của các tàu đón người tị nạn trên biển thường bị chính phủ các nước cấm dỡ hàng trên tàu hoặc đưa thủy thủ đoàn vào bờ tại nhiều cảng tiếp theo của nước họ, vì các chính phủ này sợ chịu trách nhiệm với người tị nạn.

Dưới lệnh của Tổng thống Carter, thuyền trưởng tất cả các tàu Mỹ có thể cam kết với quan chức tại cảng rằng trường hợp và thủ tục cho những người tị nạn sẽ nhanh chóng được sắp xếp bởi Sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ và những người tị nạn sẽ sớm lên đường đến nơi họ chọn tái định cư.

Mỹ hy vọng các nước khác sẽ có những chính sách nhân đạo tương tự.

Chính sách này giảm bớt gánh nặng cho Úc, Thái Lan, và Malaysia, vì các nước này dựng nhiều trại cho người tị nạn Đông Dương nhưng vẫn miễn cưỡng trong cam kết tiếp tục việc này khi các con số gia tăng đáng kể trong những tuần gần nhất.

Tranh cãi chính sách về người tị nạn
Chính sách của Mỹ đối với thuyền nhân là chủ đề được tranh luận trong nội bộ Chính quyền Carter đầu năm, với một số viên chức Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao thúc giục nỗ lực quy mô lớn, hiệu lực ngay lập tức để giúp đỡ người tị nạn. Trong khi Bộ Tư pháp và các cơ quan chính phủ đề xuất cách tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng.
Tại thời điểm này, khoảng 172,000 người tị nạn Đông Dương được cấp phép vào nước Mỹ sau biến cố Sài Gòn tháng 4, 1975 theo “thẩm quyền” của Đạo luật Nhập cư năm 1952.

Luật này cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ “tạm thời cho phép vào Mỹ” người tị nạn vì lý do khẩn cấp hoặc lý do “được cho là vì lợi ích công chúng.” Vì thẩm quyền này, thêm nhiều người tị nạn sẽ được đón nhận tại Mỹ theo sắc lệnh mới của Tổng thống.

CƠ QUAN LƯU TRỮ QUỐC GIA VỀ ĐẠO LUẬT NGƯỜI TỊ NẠN 1980
Về Đạo Luật Người Tị Nạn năm 1980:

“Dự luật sửa đổi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch thay đổi các thủ tục tiếp nhận người tị nạn, Đạo luật Hỗ trợ người tị nạn và di dân năm 1962, để tái thiết lập cơ sở thống nhất hơn cho thủ tục hỗ trợ người tị nạn, và cho các mục đích khác, (Luật Công 96-212 - Đạo luật Người tị nạn 1980) được thông qua ngày 17 tháng 3, 1980.”

Cơ quan Lưu trữ quốc gia, Hồ sơ chung của Chính phủ Mỹ.

Vào cuối thời gian Chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ngàn người Việt Nam và Campuchia phải tìm cách thoát khỏi hỗn loạn chính trị nguy hiểm ngay tại quê nhà của mình. Giữa năm 1975 và 1979, khoảng 300,000 trong số người tị nạn này được nhận vào Mỹ theo lệnh Tổng thống. Luật tại thời điểm đó (chú thích: trước 1980) hạn chế việc nhận người tị nạn, và nhiều thành viên Quốc hội muốn có một hệ thống nhập cư và tái định cư mới.
Đạo luật Người tị nạn năm 1980 đã nâng mức trần số người tị nạn được nhận lên 50,000 người, tạo ra thủ tục xem xét và điều chỉnh số lượng người tị nạn nhằm đáp ứng kịp thời các trường hợp khẩn cấp, và luật yêu cầu tham vấn hằng năm giữa Quốc hội và Tổng thống. Luật thay đổi định nghĩa “người tị nạn” thành người có “nỗi sợ hãi chính đáng rằng họ sẽ bị ngược đãi,” một tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi Liên Hiệp Quốc. Luật cũng bảo trợ Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Người Tị Nạn (Office of U.S. Coordinator for Refugee Affairs) và Văn phòng Tái định cư cho Người Tị Nạn (Office of Refugee Resettlement) để giúp những người tị nạn định cư và thích nghi với cuộc sống ở đất nước mới của họ.

BỐN MƯƠI MỐT NĂM TRƯỚC, NƯỚC MỸ ĐÃ ĐÁNH CANH BẠC LỚN VỚI NGƯỜI TỊ NẠN VIỆT NAM

Tác giả: Thu-Huong Ha

*Phần chuyển ngữ chỉ lấy các đoạn từ bài đăng trên Quartz: https://qz.com/670921/forty-one-years-ago-the-us-took-a-big-gamble-on-vietnamese-refugees/

Giữa chúng ta
Khi miền Nam và Mỹ thất thế trong cuộc chiến, những người khá giả ở miền Nam tìm cách thoát khỏi nguy cơ bị ngược đãi. Những người kết hôn với công dân Mỹ, đã từng tham chiến cùng quân đội Mỹ, hoặc có người thân ở Mỹ nằm trong nguy cơ là nạn nhân của chính quyền độc tài mới. Khi Mỹ chuẩn bị rút lực lượng quân sự, giới lãnh đạo Mỹ cảm thấy lương tâm cần phải giúp đỡ những người đó.

Nhưng người dân Mỹ không có chung cảm giác này.

Năm 1975, khi làn sóng tị nạn đầu tiên diễn ra sau khi miền Nam thất thủ, các cuộc thăm dò cho thấy phần trăm người ủng hộ dân tị nạn vào Mỹ là 37% và 49% còn lại chống, với 14% không có câu trả lời chắc chắn. Vào cuối thập niên 1970, nhóm người di cư thứ hai, lớn hơn, những “thuyền nhân,” đã vượt qua biển khơi nguy hiểm để rời Việt Nam. Họ đã phải trả những chi phí cắt cổ, đối mặt nguy cơ bị bắt cóc, cưỡng bức, và thiệt mạng trên biển để thoát khỏi các trại cải tạo mọc lên sau biến cố.

Vào năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tuyên bố ông sẽ gia tăng số lượng người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia, và Lào vào nước Mỹ từ 7,000 người mỗi tháng lên 14,000. Một cuộc khảo sát từ đài CBS và tờ The New York Times vào thời điểm đó cho thấy 62% người Mỹ không đồng tình. Ông vẫn quyết định làm điều đó.

*Tiểu sử Carter và tuyên bố của ông về người tị nạn:

Những bài trên được tổng hợp và chuyển ngữ nhân dịp sinh nhật thứ 96 của cựu Tổng thống Jimmy Carter. Phu nhân là bà Rosalynn Carter. Ông Carter từng phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ, là Trung úy Hạm đội Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, về sau ông trở thành chủ trang trại đậu phộng năm 1953. Ông là người đạo Cơ Đốc, thường đi dạy học vào Chủ Nhật tại Nhà Thờ. Ông là người thuộc Đảng Dân chủ (the Democratic Party), từng giữ chức vụ Thống đốc bang Georgia 1971-1975, và nhận đề cử từ Đảng Dân chủ để ra tranh cử ghế Tổng thống 1976. Sau khi đắc cử, Carter và Quốc hội tách Bộ Y Tế, Giáo dục và Phúc lợi (HEW) thành Bộ Giáo dục và Bộ Y Tế và Dịch vụ Nhân sinh, khiến Bộ Giáo dục có hệ thống độc lập lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Vào tháng 8, 1979, để trấn an người dân Mỹ trước làn sóng người tị nạn, Tổng thống Carter nói:

“Hãy để tôi nhắc quý vị rằng nước Mỹ là một quốc gia của người di dân. Chúng ta là quốc gia của người tị nạn,” Tổng thống nói với hơn 2,000 người tại một cuộc gặp gỡ.

“Người tị nạn bây giờ đang phải rời Đông Nam Á từng là đồng minh của chúng ta trong Chiến Tranh Việt Nam. Họ đang rời khỏi một quốc gia đã tước đi những quyền cơ bản của họ. Họ tin vào giá trị cá nhân, sự sáng tạo cá nhân, và quyền tự do con người. Họ hợp với triết lý của chúng ta hơn là với chế độ cộng sản.”

Phỏng dịch: Tuấn Nguyễn
Biên tập: Derek P.



The Interpreter.
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply