ohitabhāra
#1
Dục ái, Sân, Kiến, Nghi, Mạn, Hữu ái, Vô minh.


Người mà chấm dứt 7 phiền não này thì họ không có ghét ai hết, ai họ cũng thương hết. Chỉ xét về mặt tình cảm thì cái vị mà chấm dứt 7 phiền não này đã đáng kính rồi. Vị ấy có khả năng từ bi với tất cả chúng sinh. Với tất cả những người đã giết hụt Ngài và lát nữa sẽ giết Ngài, Ngài vẫn thương y như là con ruột của Ngài vậy. 

Nói về mặt lý trí, người chấm dứt 7 phiền não này đáng kính bởi vì vị này là một trong hàng ngàn tỷ chúng sanh mới làm được việc này. Trong hàng ngàn tỷ chúng sanh mới có một chúng sinh mà không có gì để thích và cũng không có gì để bất mãn hết. Ngài không trốn chạy, tống khứ, đối kháng bất cứ cái gì trong đời và Ngài cũng không có đam mê, thích thú, đầu tư, huân tập, kiếm tìm, tích lũy bất cứ cái gì trên đời này.

Trong khi tất cả chúng ta ở đây có nhiều người tự nhận mình là tu hành, là hành giả, chứ thật ra cái đôi dép mình mang mình cũng có lựa rồi, mình cũng có đầu tư ít nhiều, cái tâm ý trong chuyện lựa đôi dép mang trong nhà, đôi giày mang ngoài phố. Rồi mình nói mình tu chứ cái nón này mình thích hơn cái nón kia, cái áo này mình thích hơn cái áo kia, cái đồng hồ này mình thích hơn cái đồng hồ kia, rồi cái tấm trải để ngồi thiền mình cũng thích cái tấm này hơn cái tấm kia, cái màu này mình thích hơn cái màu kia. Đừng có nói là không có. Phải có, có hết. Mà tôi đang nói về người tu đó nha. Chỉ nói những món thiết yếu thôi đó, mà mình cũng còn có những lựa chọn, còn có cái thích và không thích trong đó.

Riêng cái vị mà chấm dứt 7 phiền não này thì không còn cái chuyện thích cái này ghét cái kia. Không còn. Chính vì không có thích không có ghét nên không có cái gì trên đời này có thể làm cho vị ấy buồn hay làm cho vị ấy vui. Vị ấy có an lạc thì cái an lạc đó đến không phải đến từ ngoại trần mà vị ấy an lạc là bởi vì phiền não không còn nữa. Vị ấy an lạc là vì vị ấy không còn cái để thích và ghét. Còn hạnh phúc của mình là do mình trốn được cái ghét và có được cái thích.

Phàm phu an lạc, hạnh phúc, sung sướng vì tránh được cái mình ghét và có được cái mình thích. Còn thánh nhân an lạc là vì người ta không còn cái thích, không còn cái ghét. Cái an lạc này chỉ có hành giả loại hơi miên mật thì may ra lờ mờ hình dung được. Chớ còn không học đạo, không hành đạo thì nghe cái này là điếc. "Trên đời sao có loại an lạc kỳ vậy ta? An lạc là do mình tránh được cái mình ghét, mình có được cái mình thích. Chứ có đâu mà an lạc lạ vậy?" Mà thật ra có, có loại an lạc thứ 3 là do không còn cái thích và cũng không còn cái ghét, họ nhẹ dữ lắm.

Tôi chỉ biết hình dung dùm quí vị một chuyện, có lúc mình khiêng nặng quá mình bỏ xuống mình thấy sung sướng. Mặc dù mình buông xuống trên tay mình không còn cái gì hết nhưng sung sướng là vì mình không còn nó. Mỏi quá mỏi, đau quá đau không còn nữa. Mình sung sướng là vì mình không còn mang vác, khiêng cõng cái gì hết.


Trường hợp 2 mình hạnh phúc vì mình cầm được, mình cõng, mình vác được, mình ôm được cái món mà mình thích. Có loại hạnh phúc đó. Nhưng có hạnh phúc là do mình buông hết nó sướng. Khi mình đặt chân tới chỗ mình thích đó là một sự hạnh phúc, mình gặp được người mà mình muốn gặp, đến chỗ mình muốn đến, ăn được món mình muốn ăn, nhìn được cái mình muốn nhìn, nghe được cái mình muốn nghe, v.v ... Đó là hạnh phúc. 

Nhưng tôi biết có trường hợp này, tôi có trải qua cái này. Trong đời tôi có rất nhiều và nhiều lần tôi hạnh phúc khi mà tôi rời cái chỗ mà tôi không có muốn ở nữa. Và tôi cũng cực kỳ hạnh phúc khi tôi chia tay cái người mà tôi không có muốn tiếp tục trò chuyện nữa, quay lưng đi một cái nghe nó nhẹ thấy rõ. Nuốt hết được cái chén đồ ăn mà mình nuốt không nỗi, bỏ thì kỳ mà ráng lùa lùa miếng cuối cùng cho xong nó nhẹ làm sao. Giống như uống thuốc bắc ực miếng cuối cùng nó khỏe liền vậy đó.

Mình hiểu nôm na thánh nhân họ hạnh phúc như vậy. Có nghĩa là khi họ không còn bị ám ảnh bởi thích và ghét nữa, cái chuyện mà để gánh nặng xuống.

Trong kinh Đức Phật Ngài dạy ohitabharo, chữ này nó sang không có tả được, có nghĩa là gánh nặng được để xuống. Gánh nặng được để xuống hạnh phúc lắm.

TK
Reply