Sự yếu thế của Trump trước Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên
#1
Sự yếu thế của Trump trước Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên

[Image: cute-smiling-smiley-emoticon.gif]


[Image: 5-6028-1531800732.jpg]
Trump (trái) bắt tay cùng Putin tại họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki. Ảnh: AFP.




Những người quen biết Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hàng chục năm qua đều nói rằng cựu tỷ phú bất động sản này sợ nhất hai điều: bị coi thường và trông yếu đuối. Nhưng trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua tại Helsinki, Trump dường như đã hứng chịu cả hai điều này, theo Time.


Dù hai lãnh đạo gặp nhau ở quốc gia trung lập Phần Lan, Putin đã điều hành cuộc họp báo chung sau hội nghị như thể ông là tổng thống nước chủ nhà. Ông chủ Điện Kremlin phát biểu trước và cũng là người mời phóng viên đầu tiên đặt câu hỏi. Là người luôn muốn thể hiện uy thế trước đối phương, Trump lần này lại gần như để Putin điều chỉnh nhịp độ của cuộc họp báo.


Theo bình luận viên Chris Cillizza của CNN, cuộc họp báo với sự tham gia của các phóng viên quốc tế này là "cơ hội vàng" để Trump thể hiện ưu thế với Putin, nói với lãnh đạo Nga bằng những ngôn từ đanh thép rằng việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 là hoàn toàn không thể chấp nhận được, và nếu hành vi này tiếp diễn, Mỹ sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt nặng nề.

[Image: trump-putin-talk_o_7176432.jpg]


Nhưng suốt 46 phút họp báo, Trump không đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào với Nga vì đã can thiệp bầu cử Mỹ, cũng không lên án việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea hay bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh. Trump tung ra những lời chỉ trích và hoài nghi, nhưng không phải nhắm vào Putin, mà vào chính các cơ quan tình báo của Mỹ.


"Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats đã tới gặp tôi, nhiều người khác cũng vậy. Họ nói rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng ở đây tôi có Tổng thống Putin. Ngài ấy nói rằng không phải Nga. Tôi sẽ nói điều này: Tôi không thấy có lý do gì để đổ lỗi cho Nga", Trump nói. "Tôi có niềm tin vào cả hai phía".


"Tôi cho rằng nước Mỹ là gã ngốc. Tất cả chúng ta đều ngốc nghếch. Chúng ta đều có lỗi", Tổng thống Mỹ nói tiếp, đồng thời gọi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử là "thảm hoạ".


Cillizza gọi đây là khoảnh khắc "đáng xấu hổ" với nước Mỹ, khi Trump thể hiện một cách rõ ràng rằng ông tin tưởng Putin không kém gì – nếu không muốn nói là hơn – chính các quan chức tình báo của mình.


"Sự bác bỏ cáo buộc của Putin là rất mạnh mẽ", Trump nêu lý do ông từ chối chỉ trích Nga can thiệp bầu cử Mỹ bất chấp kết luận của cộng đồng tình báo nước này. Tuyên bố của Trump gây sốc đến mức Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Coats ngay sau đó đã phải ra một tuyên bố bất thường để bảo vệ kết luận của cơ quan này.


Nhưng Trump không dừng lại ở đó. Ông thậm chí còn chấp nhận ý tưởng của Putin về việc để các điều tra viên của Mueller tới Nga thẩm vấn các đặc vụ Nga, còn Moskva sẽ được tiếp cận với các quan chức tình báo Mỹ để tiến hành cuộc điều tra của riêng mình.


Theo quan điểm của Trump, hai giờ họp kín với Putin là "cuộc đối thoại rất hiệu quả" có thể cứu vãn quan hệ Nga – Mỹ vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng. "Quan hệ đó đã thay đổi cách đây 4 giờ", Trump tuyên bố. "Tôi thực sự tin vào điều đó".


"Những lời lẽ công kích bộc phát, trực diện nhắm vào các cơ quan tình báo, đảng phái chính trị Mỹ được đưa ra ngay cạnh lãnh đạo một quốc gia đối thủ như vậy là điều chưa từng thấy trong lịch sử", nhà sử học Julian Zelizer nhận xét về tuyên bố của Trump. "Ông ấy chỉ trích cộng đồng tình báo của mình và FBI ngay trước mặt lãnh đạo từng có những hành động chống lại Mỹ".


Putin 'khôn khéo và quyết liệt'

[Image: 4-1988-1531800732.jpg]
Putin (phải) tặng quả bóng World Cup cho Trump tại họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AFP.



Trong khi Trump thể hiện sự nhún nhường, Tổng thống Nga lại thể hiện mình là một người khéo léo khi đối mặt với các câu hỏi hóc búa, nhưng vẫn quyết liệt bảo vệ quan điểm của Moskva.


Khi một phóng viên Mỹ hỏi rằng Nga có thu thập những tài liệu để "khống chế" Trump hay không, Putin không thẳng thừng bác bỏ, mà né tránh vấn đề bằng cách nói rằng ông có nghe "những tin đồn" về việc Điện Kremlin nắm trong tay những dữ liệu bất lợi cho Trump trong chuyến thăm Moskva năm 2013, nhưng tuyên bố mọi người "không nên để ý" thông tin này.


Trước câu hỏi về "quả bóng trách nhiệm" ở Syria, Putin bất ngờ lấy ra một quả bóng World Cup tặng cho Trump, với lời gửi gắm đầy ẩn ý "giờ đây quả bóng đang ở phía ngài".


Trong khi Trump liên tục gọi người đồng cấp của mình là "Tổng thống Putin", lãnh đạo Nga lại gọi ông bằng cái tên thân mật là "Donald".

Phong cách này của Trump trước Putin hoàn toàn trái ngược so với những gì mà ông thể hiện trước các lãnh đạo châu Âu chỉ vài ngày trước đó. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Trump lên án Thủ tướng Đức Angela Merkel vì không chịu tăng ngân sách quốc phòng, sau đó chỉ trích Thủ tướng Anh Theresa May vì chính sách Brexit, thậm chí sau đó còn tuyên bố Liên minh châu Âu là "kẻ thù" của Mỹ.


Những người ủng hộ Trump từ lâu cho rằng phong cách cứng rắn của ông trước các lãnh đạo nước ngoài là điều cần thiết để khắc phục sự "yếu đuối" của các đời tổng thống Mỹ trước đây, trong khi Trump tuyên bố đây là một phần trong chiến lược "Nước Mỹ trên hết" đối với thế giới.


Nhưng người ta không nhìn thấy phong cách đó của Trump ở Helsinki, trước một Putin được đánh giá là dày dặn kinh nghiệm đối ngoại. "Lần này, Trump không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài chính mình", bình luận viên Brian Bennett của Time nhận định.

[b]Thành Nguyễn[/b]

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply