tâm và đạo
#1
"Chúng ta thường dễ dãi cho là mình đã biết nhiều về tôn giáo vì ảnh hưởng của tôn giáo thấm rất sâu vào đời sống văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, nhín chút thì giờ để quán tưởng về mục đích và mục tiêu thật sự của tôn giáo vẫn là điều hữu ích.


Nhiều người thường xem tôn giáo là niềm tin vào một Đấng Thượng Đế hay những vị thần linh và từ đó, họ cho rằng bất cứ tôn giáo nào chủ trương tin vào thần thánh, hay nói khác đi, có quan điểm hữu thần, mới thật sự là tôn giáo. Vì thế, các tôn giáo hửu thần thường cho đạo Phật là đạo vô thần hay thậm chí không phải là tôn giáo. Họ xem Đạo Phật chỉ là một khoa triết học hay tâm lý học vì đạo Phật không chủ trương tin vào thần linh hay thượng đế. Đạo Phật không dựa trên một lý thuyết siêu hình hay một giáo điều nào đó mà chỉ dựa trên một kinh nghiệm chung của toàn thể nhân loại -- đó là sự đau khổ. Tư tưởng nền tảng của Đạo Phật là qua việc quán niệm, suy tưởng và hiểu biết về kinh nghiệm khổ đau chung đó, con người có thể vượt lên trên những ảo tưởng tâm lý đã tạo nên chính sự khổ đau của họ.

Từ "tôn giáo" hay "religion" có gốc từ tiếng La tinh "religio" có nghĩa là "mối liên hệ", "sự nối kết" hay "sự kết hợp." Nó hàm ý về quan hệ giữa con người với một đối tượng thiêng liêng và ảnh hưởng bao trùm của quan hệ nầy trên toàn bộ nhân cách của người đó. Để trở thành một người thật sự "tôn giáo", bạn phải tìm cầu và thiết lập quan hệ với một đối tượng thiêng liêng, hay một thực tại tuyệt đối, dâng hiến đời mình và sống trọn vẹn với quan hệ đó cho đến lúc bạn đạt được sự hiểu biết tối thượng.Tất cả tôn giáo đều nói về "sự giải thoát" và "sự cứu rỗi." Những danh từ đại loại như thế nhằm truyền đạt ý nghĩa về sự tự do và giải thoát khỏi những mê lầm và ảo tưởng tâm lý, về sự tự do tuyệt đối và viên mãn, và về sự hiểu biết toàn bộ thực tại tuyệt đối. Trong đạo Phật, chúng ta gọi đó là sự giác ngộ." 

Ajahn Sumedho 


Một quyển sách hay của sư Ajahn Sumedho , link audio : tâm và đạo
Thở ra nhẹ một kiếp người
Buông tay bỏ lại một đời phù vân
Reply