VẤN ĐẠO với Nữ Thiền Sư Achaan Naeb
#1
[Image: Thi%25E1%25BB%2581n%2Bs%25C6%25B0%2BAchaan%2BNaeb.jpg]


A: Achaan Naeb; 
T: Thiền sinh.



(Thiền sinh thứ nhất là một vị sư đã hành thiền ở đây được khoảng một tháng)

A: - Sư biết sắc ngồi, sắc đi bằng cách nào?
T: - Tôi biết bằng tâm.

A: - Sư nói bằng tâm nghĩa là thế nào?
T: - Dáng tôi ngồi, là sắc ngồi. Dáng tôi đi, là sắc đi.

A: - Sắc ngồi, sắc đi - có phải bằng mắt thấy không?
T: - Mắt chỉ nhìn thấy màu sắc hay hình dáng. Mắt không thể thấy sắc ngồi,... Chỉ có tâm mới biết sắc ngồi, sắc đứng,... thôi.

A: - Khi sư biết sắc ngồi, là sư suy nghĩ hay sư biết bằng cách nào khác?
T: - Tôi biết bằng sự tỉnh thức (chánh niệm - tỉnh giác) rằng đó là sắc ngồi.

A: - Suy nghĩ và tỉnh thức khác nhau hay giống nhau?
T: - Suy nghĩ có nghĩa là nghĩ đi nghĩ lại mãi sắc ngồi ở trong tâm. Còn tỉnh thức nghĩa là biết cái dáng ta đang ngồi - và dáng đó là sắc ngồi.

A: - Phải rồi.

(Ngày hôm sau)


A: - Từ khi đến đây thực hành, sư cảm thấy thế nào?
T: - Dường như tôi không ý thức được Danh và Sắc thường xuyên lắm.

A: - Nhận biết Danh-Sắc liên tục không phải là việc quan trọng. Ðiều quan trọng là lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng sư đang thực hành đúng phương pháp. Ðừng nghĩ đến kết quả. Nếu sư gieo nhân đúng, sư sẽ gặt quả đúng. Thực hành đúng hay sai tuỳ thuộc vào sự hiểu biết đúng về pháp hành. Nếu sư hiểu đúng, sư sẽ biết tỉnh thức là gì. Nếu sư không hiểu về pháp hành sư sẽ không biết tỉnh thức là thế nào. Nếu sư hiểu thông pháp hành là sư có tác ý chân chánh (yoniso), còn nếu sư không biết làm thế nào để ngăn ngừa phiền não, là sư đã có tác ý không chân chánh (ayoniso). Trong lúc thực hành, sư quán sát cái nào nhiều hơn - Danh (nāma) hay Sắc (rūpa)?
T: - Tôi quán Sắc - Sắc đi.
A: - Tại sao?
T: - Bởi vì sắc đi dễ thấy hơn. Sắc đi "lớn" hơn nên dễ nắm bắt hơn các sắc khác.

A: - Sư muốn đi, bởi vì đối với sư, đi dễ thấy hơn chứ gì?
T: - Có lúc thế, có lúc không.

A: - Nếu sư quyết định đi vì một lý do nào khác (hơn là để chữa khổ), điều đó có nghĩa là sư thích sắc đi, và như vậy sư đã không còn thực hành minh sát (vipassanā) nữa. Sư có biết là tại sao sư được bảo là phải quán sắc trong bốn oai nghi không?
T: - Ðể biết rõ bốn oai nghi và khổ buộc chúng phải thay đổi.

A: - Khi sư thay đổi oai nghi, làm thế nào để sư yoniso (tác ý chân chánh) một cách chính xác?
T: - Ta phải biết oai nghi cũ là khổ (dukkha) và cái khổ này buộc oai nghi phải thay đổi.

A: - Khi đi hay ngồi, sư có biết tại sao sư đi hay sư ngồi không?
T: - Ðể chữa khổ từ oai nghi cũ.

A: - Ðúng rồi. Sư biết như thế là đúng. Ði không phải để cho thoải mái hay để thấy Pháp, hoặc chỉ vì sắc đi dễ thấy hơn. Ði như thế là sai. Khi sư hành sai, sư không thể nào đạt đến sự thực (thực tánh pháp). Với pháp hành sai như vậy, sư không thể nào có kết quả đúng được. Vấn đề quan trọng là sư phải biết rõ mỗi khi thay đổi oai nghi. Sư phải biết lý do thay đổi oai nghi là để chữa khổ. Sư càng biết nhiều về lý do thay đổi oai nghi này, sư sẽ càng tiến bộ hơn trong thiền minh sát. Việc biết lý do phải thay đổi oai nghi sẽ giúp cho sư nhận ra khổ, và sư càng nhận rõ khổ, sư sẽ càng nhàm chán (yếm ly) đối với khổ -- điều này dẫn đến sự xả ly đối với Danh-Sắc (năm uẩn). Sư có muốn thấy pháp từ việc đi không?
T: - Có.

A: - Sư muốn thấy pháp nào từ việc đi này?
T: - Khi tôi đi, tôi cảm thấy rằng tôi thấy sắc đi rõ hơn ở các oai nghi khác. Tôi biết rằng khổ buộc tôi phải đi, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng mình muốn đi nữa.

A: - Ði với ước muốn như vậy không thể ngăn được phiền não (kilesa), vì thế mà phiền não sẽ theo sư trong từng bước chân. Nếu sư nghĩ đi sẽ đem lại lợi ích cho sư, sư không thể nào thấy pháp. Lý do tôi nói như vậy là, để thấy được Pháp (Dhamma) trong khi đi, sư phải biết sắc đi là khổ, sắc đi là vô thường, sắc đi là vô ngã, không thể kiểm soát được. Trước khi đi, sư đã tác ý không đúng (ayoniso), vì thế mà sư nghĩ đi là tốt, đi là quan trọng, do đó phiền não xen vào trong cái đi và che khuất thực tánh. Bởi lẽ đó, yoniso rất quan trọng trong thiền minh sát.

(Ngày hôm sau)


A: - Bây giờ sư đã hiểu rõ pháp hành. Sư có tin là bốn oai nghi sẽ chỉ cho sư thấy sự thực (thực tánh) và sự thực ấy là khổ không?
T: - Có. Bởi vì có khổ thọ trong mỗi oai nghi, và nó luôn luôn sanh, khi cái đau phát sanh thì sắc phải thay đổi.

(Một ngày khác)

A: - Sư có bị phóng tâm không?
T: - Rất thường. Có những ngày phóng tâm quá nhiều, nhưng cũng có những ngày không nhiều lắm.

A: - Sư có biết tại sao sư có phóng tâm không?
T: - Không.

A: - Bởi vì vào lúc ấy (phóng tâm), sư không còn ở trong sát-na hiện tại. Chánh niệm -- tỉnh giác của sư đã rời khỏi Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Vì thế phóng tâm (là một loại phiền não) nảy sanh.
T: - Khi phóng tâm xảy ra, làm thế nào để tôi có thể trở lại sát-na hiện tại?

A: - Sư biết phóng tâm là Danh. Nó không phải là sư phóng tâm. Phóng tâm là pháp. Sư không thích phóng tâm, có phải không?
T: - Vâng, đúng vậy.

A: - Sư đã hiểu sai rồi, bởi vì nếu sư biết phóng tâm cũng có lợi, thì khi sư nhận ra phóng tâm, sư biết mình không còn ở trong sát-na hiện tại và như vậy sư có thể trở lại với Danh và Sắc. Sư muốn tâm trú trong sắc ngồi lâu hơn, đúng không?
T: - Vâng, đúng vậy.

A: - Phóng tâm là Danh hay Sắc?
T: - Phóng tâm là Danh.

A: - Nếu sư biết phóng tâm là Danh, sư không nên quán Danh phóng tâm, bởi vì Danh rất vi tế. Nó không hợp với hành giả sơ cơ. Khi sư nhận ra phóng tâm, sư đừng ngưng lại và phân tích nó. Sư chỉ việc trở lại với sát-na hiện tại của Sắc ngồi thôi - hoặc nếu phóng tâm trở nên quá mạnh, hãy thay đổi oai nghi. Sư có muốn phóng tâm biến mất không?
T: - Có chứ. Bởi vì phóng tâm rất khó quán. Nó không giống như bốn oai nghi.

A: - Ðúng vậy. Danh rất là vi tế. Ðối với hành giả sơ cơ, quán danh là điều rất khó. Hành giả thường hay bị phóng tâm, vì chánh niệm -- tỉnh giác còn yếu. Nếu như có chánh niệm -- tỉnh giác trong sát-na hiện tại, sư sẽ không có phóng tâm. Do đó sư phải cố gắng duy trì sự tỉnh thức đối với Danh-Sắc trong sát-na hiện tại nhiều hơn nữa. Và sư cũng cần phải biết những đặc tánh của chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajañña) nữa (đặc tánh của sati là biết oai nghi và sampajañña biết oai nghi đó là sắc ngồi ). Nhờ vậy, khi sư rời khỏi sát-na hiện tại, sư sẽ nhận ra ngay và trở lại. Nếu sư có phóng tâm thường xuyên và sư cảm thấy khó chịu, sư sẽ càng phóng tâm hơn. Sư không thích phóng tâm, muốn phóng tâm biến mất đi, nhưng không được. Phóng tâm ấy có sân (dosa) làm duyên (paccaya) cho phóng tâm khác khởi lên. Không biết rằng phóng tâm chỉ là danh sẽ tạo ra sân và sân này sẽ ngăn không cho chúng ta quay về với sát-na hiện tại.
Thở ra nhẹ một kiếp người
Buông tay bỏ lại một đời phù vân
Reply