Sự khốc liệt của luật pháp Nhật Bản với người nhập cư b
#1
Sự khốc liệt của luật pháp Nhật Bản với người nhập cư
07/07/2016 09:50 AM | Thời sự


Người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, sinh con trên đất Mỹ, em bé sẽ là công dân Mỹ. Nếu đứa trẻ đó sinh ra trên đất Nhật, có thể em sẽ bị trục xuất về nước cùng cha mẹ.

[Image: 21235535376-ab1e9d1905-o-1467859090847-c...817213.jpg]


Những ngày mùa thu nắng đẹp tại bang California, Mỹ. Cậu bé Miguel Ángel ngày nào còn nhỏ nay đã có công ăn việc làm tử tế tại một siêu thị địa phương, và quan trọng cậu đã có quốc tịch Mỹ.

Cách đây 23 năm khi cậu còn chưa ra đời, cha mẹ cậu đã bắt đầu cuộc hành hương đầy khốn khổ vượt biên giới Mexico vào Mỹ. Theo lời kể lại, thời điểm đó, họ đã trả mỗi người khoảng 4.000 USD để được đưa qua biên giới bằng thuyền.

Hành trình đầy gian nan và sợ hãi với rủi ro bị bắt thường trực bất kỳ lúc nào đã ám ảnh họ suốt nhiều ngày. Thế nhưng những hy sinh ấy cũng đã mang lại cho họ chút may mắn khi được sống trên đất Mỹ, xa rời cuộc sống nghèo khổ không cách mưu sinh ở Mexico. Dần dà, cha mẹ cậu xin được việc làm trong ngành xây dựng.

Vài năm sau khi đến Mỹ, họ sinh ra Miguel Ángel, và theo quy định Mỹ, tất nhiên cậu cũng được mang quốc tịch của mình để bảo lãnh cho cuộc sống của bố mẹ.

Miguel Ángel không phải trường hợp cá biệt. Tại Mỹ ở thời điểm năm 2012, có đến 7% học sinh cấp 1 và cấp 2 có ít nhất một người hoặc là cha hoặc là mẹ không có giấy tờ hợp pháp ở Mỹ.

Trong nhóm sinh viên này, cứ 10 em thì có đến 8 em được sinh ra tại Mỹ. Tại bang Nevada, 20% trẻ em có ít nhất một cha hoặc mẹ không có giấy tờ hợp lệ, tỷ lệ cao nhất tại Mỹ. Những bang khác có tỷ lệ này cao tại Mỹ bao gồm California (13%), Texas (13%), và Arizona (11%).

Tại đất nước láng giềng của Mỹ là Canada, bố mẹ của Liam John đến Canada năm 1990 sau khi đi hành trình dài trên biển từ Philippines. Và tất nhiên, họ vào Canada theo diện nhập cư bất hợp pháp. Khi đến đây, họ làm đủ các công việc, từ rửa bát, chạy bàn, nấu nướng cho đến bán hàng. Khi có chút tiền tiết kiệm, họ lần lượt sinh 2 đứa con.

Và dù bố mẹ không được có giấy tờ nhưng theo luật của Canada, khi cậu và em trai được sinh ra trên đất Canada, họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi về chăm sóc y tế cũng như giáo dục, và sau này cũng được có quốc tịch.

Tuy nhiên, câu chuyện dưới đây của một cậu bé nhập cư vào Nhật lại không cho thấy sự may mắn như vậy. Có thể nói rằng người nhập cư nước nào cũng là nhập cư, nhưng có những người nhập cư may mắn hơn, vì đất nước họ chọn có những chính vì đất nước họ chọn có những chính sách đỡ khốc liệt hơn.

Tòa án Tokyo đã từ chối đề nghị xin tị nạn của một thanh niên người Thái Lan và đồng thời cũng có cha mẹ người Thái. Quyết định này của tòa án dù được được đại diện tòa cho là đúng luật nhưng nó khiến không ít người theo dõi vụ việc cảm thấy tức tưởi thay cho cậu bé.

Cụ thể, tòa án Tokyo và Bộ Tư pháp Nhật ra thông báo: cậu bé 16 tuổi Utinan Won sẽ bị trục xuất khỏi Nhật. Tuy nhiên trên thực tế, theo đánh giá của không ít chuyên gia tư pháp, nó đi ngược lại với chính những nguyên tắc trước đây của Bộ Tư pháp Nhật, theo đó một cá nhân sẽ được cấp phép ở lại Nhật trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt là khi người đó đã sống ở Nhật thời gian rất lâu.

Trong buổi họp báo để chia sẻ về vụ việc, cậu bé Utinan Won nói trong nước mắt: “Tôi thực sự thất vọng vì phán quyết của tòa. Xin hãy cho tôi được ở lại Nhật.”

Theo hồ sơ của tòa án Tokyo, mẹ của Won đã sống và làm việc tại Nhật từ tháng 9/1995. Khi đó bà đến Nhật vì bị lừa. Những kẻ môi giới đã nói với bà rằng chúng sẽ đưa bà sang Nhật làm việc bằng visa 3 ngày, sau khi đến Nhật lập tức sẽ xin gia hạn visa để bà có thể tiếp tục có tiền sống. Thế nhưng khi hết hạn visa lập tức chúng đã biến mất để lại bà ở Nhật không người thân và gần như không có một đồng nào trong người.

Và cuộc sống của người phụ nữ tội nghiệp thay đổi từ lúc đó. Bà làm tất cả các công việc bán thời gian mà bà có thể tìm được ở Nhật. Sau đó bà kết hôn với một người đàn ông Thái Lan ở Nhật, người này cũng không có giấy tờ cư trú hợp pháp và họ sinh ra Utinan Won.

Cuộc sống quá nhiều khó khăn khiến họ ly hôn. Thế rồi bà mẹ và cậu con trai bắt đầu chuỗi ngày sống lang bạt tại hàng loạt các tỉnh bao gồm Yamanashi, Nagano và Aichi. Họ luôn thường trực nỗi sợ hãi sẽ bị cảnh sát phát hiện và trục xuất.

Suốt quãng đời tuổi thơ cho đến năm 12 tuổi, Won không thể đi học và chỉ học tại nhà nhờ mấy quyển sách mà mẹ cậu có thể kiếm được. Cậu gần như bị cách ly khỏi cuộc sống, không bạn bè cùng trang lứa, không có bất kỳ người thân thích nào khác ngoài mẹ.

Và cuối cùng đến một ngày, điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Cảnh sát bắt được hai mẹ con và tòa án yêu cầu phải trục xuất cả hai người họ về Thái Lan. Dù tòa án khẳng định mẹ của Won sẽ không gặp vấn đề gì khi tái hòa nhập với cuộc sống tại Thái Lan, bởi bà vẫn còn nói tiếng Thái. Nhưng tòa buộc phải thừa nhận rằng chắc chắn cuộc sống mới của Won tại Thái sẽ không hề dễ dàng bởi cậu không hề biết tiếng Thái và chưa bao giờ rời khỏi Nhật.

Tuy nhiên tòa án lại tuyên bố họ phải gửi trả Won về Thái Lan bởi cậu còn quá nhỏ, không thể tự sống tại Nhật nếu không có người giám hộ.

“Cuộc sống của tôi là ở Nhật, nơi tôi được sống từ nhỏ đến giờ, tôi không biết bất kỳ một ai ở Thái Lan và cũng không biết tiếng Thái”, Won nói trong tâm trạng vô cùng buồn rầu và thất vọng.

Ai cũng có thể hình dung cuộc sống của hai mẹ con cậu sẽ khó khăn đến chừng nào khi mà mẹ cậu đã rời Thái Lan, cắt đứt mọi liên lạc đến hơn 20 năm, nay quay lại, họ không có nhà cửa, không người thân, cậu bé thậm chí còn không biết một chữ tiếng Thái nào.

Ngọc Thanh
Theo Trí Thức Trẻ
Reply