Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
#1

Katharina Borchardt - Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Vui mừng chiến thắng và vết hằn của chiến tranh Việt Nam



[Image: Nha-van-NHT.jpg]



Katharina Borchardt (Neue Zürcher Zeitung) [1]
Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21) chuyển ngữ 

Katharina Borchard : Ông Nguyễn, tôi muốn nói chuyện với ông về cuộc chiến Việt Nam…

Nguyễn Huy Thiệp : Vâng, chuyện của nước tôi là vậy. Nói về Việt Nam thì hầu như lúc nào cũng xoay quanh chuyện chiến tranh. Thật ra cũng chẳng có gì làm lạ cả: Chiến tranh ở đất nước chúng tôi đã triền miên từ năm 1946 cho mãi đến năm 1989. Chẳng những chúng tôi trải qua chiến tranh gọi là “cuộc chiến Việt Nam”, như vẫn được gọi ở Tây phương, nhưng còn các cuộc chiến chống thực dân Pháp, cũng như chiến tranh chống Trung Quốc và Cam Bốt. Đó là những thập niên đầy gian khổ.

Katharina Borchard : Ông đi học và học đại học trong thời gian chiến tranh giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Năm 1970 ông thành thầy giáo làng ở vùng núi đông bắc của Việt Nam. Vào thời đó, phần lớn chiến cuộc đã diễn ra ở miền Nam của nước ông.

Nguyễn Huy Thiệp : Tôi bị đưa về làng – nhưng đi về đó không phải là quyết định của tôi. Tại các nước CS người ta luôn nói là, mọi người đều bình đẳng như nhau, nhưng thực tế, gia đình cán bộ và viên chức nhà nước hưởng được nhiều ưu quyền đáng kể. Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo hơn. Ngoài ra, bố tôi có làm việc với Pháp. Gia đình tôi vì vậy bị xếp vào loại “không sạch”.

Katharina Borchard : Nhưng tại sao Ông được làm thầy giáo mà không phải ra chiến trường?

Nguyễn Huy Thiệp : Bởi vì anh tôi đã đi bộ đội. Một gia đình có 2 người con trai, thì một đứa được ở nhà. Nhưng Bà đừng nghĩ như vậy là sướng đâu: Tôi phải vừa lo cho cha mẹ tôi và còn bảo bọc cho gia đình của ông anh tôi cùng ở chung nhà.

Katharina Borchard : Anh của Ông được sống sót trở về sau chiến tranh?

Nguyễn Huy Thiệp : Vâng. Sau chiến tranh anh tôi vẫn còn ở lại trong quân đội. Cha chúng tôi đã hết sức khuyên anh tôi. Về sau anh ấy được lên đến cấp tá.

KB : Mọi người đã trải qua cuộc chiến ở các nơi như thế nào?

Nguyễn Huy Thiệp : Những năm sau Hiệp Định ngưng bắn Paris 1973, các trận đánh nhau chỉ còn diễn ra ở miền Nam. Miền Bắc không còn là vùng chiến đấu nữa. Mặc dù vậy, thời đó cũng là gian đoạn rất gian nan. Chúng tôi bị đói lắm. Điều này tôi cũng đã diễn tả trong các truyện của tôi. Sự thiếu thốn còn theo đuổi chúng tôi một thời gian dài. Mãi lúc tôi 36 tuổi và trở thành nhà văn, thật sự khi đó tôi mới đủ ăn.

Katharina Borchard : Làm thầy giáo làng Ông dạy học cho ai?

Nguyễn Huy Thiệp : Đa số là người lớn. Họ là bộ đội, công chức hành sự ở vùng Đông Bắc trong thời chiến. Đến lúc đó, thật sự họ cũng chưa được học nhiều, không ít người còn chưa biết viết. Tiếc rằng phần lớn họ ở đó chỉ có 3 tháng thôi, do đó tôi không thể chỉ dạy nhiều hơn theo ý của tôi. Một điều may mắn, một vài người học trò của tôi quả thật có ảnh hưởng ở đó. Vì vậy, chúng tôi có một thư viện lớn để dùng. Thư viện này nằm trong một cái hang. Trong 9 năm tôi dạy ở trường, tôi đã đọc gần hết sách của thư viện.

Katharina Borchard : Ở đó có những sách gì ?

Nguyễn Huy Thiệp : Đặc biệt là văn học của những nước có ảnh hưởng đến chúng tôi. Sách của các tác giả Trung Hoa và Nga. Nhưng cũng vẫn còn sách Pháp. Nhất là các sách cổ điển và tôi đã đọc hết tất cả.

Katharina Borchard : Ông đã viết về các thầy giáo làng trong truyện của Ông, thí dụ như “Những người muôn năm cũ”. Các thầy giáo trong truyện của Ông thường có lòng tốt và tận tụy với học trò, nhưng có một chút gì không còn ảo tưởng nữa. Quyển truyện đầu tay của ông ra mắt năm 1987: “Tướng về hưu”. Trong đó Ông nói về một người tướng mà thời huy hoàng của ông ấy đã qua và bây giờ nghỉ hưu quay trở về đời dân thường. Nhưng ở trong gia đình thì ông ấy tỏ ra lóng ngóng, lúng túng. Cuốn truyện hậu anh hùng này đã gây nên dư luận không tốt cũng như hằng trăm bài phê bình văn học và thóa mạ. Thời đó, có gì là xì căng đan trong truyện này ?

Nguyễn Huy Thiệp : Đơn giản, đó là sự thành thật. Tôi chỉ viết những gì mà tôi đã sống và thật sự có xảy ra. Tôi cảnh báo trước sự huyễn tưởng và ảo tưởng! Điều này cũng thể hiện trong lối viết của tôi: tôi viết rất giản dị. Câu tiếng Việt của tôi thường chỉ có chủ thể và đối tượng. Cho đến lúc „Tướng về hưu“ ra đời, văn chương Việt Nam thiếu sự thành thật. Trong thời chiến văn chương chỉ giữ vai trò làm phương tiện cho mục đích. Các truyện viết hoặc nói về những anh hùng, về các trận đánh và về sự chịu đựng gian khổ. Cũng có bài thơ và bài hát diễn tả cuộc chiến như là một lễ hội lớn. Các bài viết này, vào một thời điểm nhất định, lẽ dĩ nhiên có một lợi ích chính trị nào đó, nhưng tôi không thấy có văn chương trong đó.

Katharina Borchard : Chính sách “Đổi mới” năm 1986 không những đưa đến một số đổi mới về chính trị và kinh tế, mà cũng cho phép một vài tự do mới trong lãnh vực văn hóa. Về phần Ông, Ông được thụ hưởng như thế nào?

Nguyễn Huy Thiệp : Vâng, tôi bắt đầu viết và phổ biến đúng lúc. Nếu mà trước đó thì có lẽ tôi đã phải vào tù vì các truyện của mình. Tôi muốn nói rõ thêm là không phải chỉ riêng một mình tôi thử một lối viết mới mà cả các tác giả khác nữa. Đặc biệt nhất, tôi rất nể phục đồng nghiệp Bảo Ninh, ông ấy với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” đã đưa ra một cái gì mới, ngược hẳn với văn chương chiến tranh chính thống.

Katharina Borchard : Tiểu thuyết này xuất bản năm 1991 và nói về người lính trẻ tên Kiên bị vết thương chiến cuộc dày vò lúc trở về từ chiến trường. Bản tiếng Đức được xuất bản năm ngoái – một tác phẩm tuyệt vời.

Nguyễn Huy Thiệp : Bảo Ninh là người đầu tiên dám nói sự thật về cuộc chiến. Ông cũng là lính và biết rõ những gì ông viết. Điều này làm tôi phải thán phục. Nhưng cũng có tác giả ra đời sau chiến tranh Việt Nam mà họ vẫn viết về cuộc chiến này. Tôi không hiểu được điều này. Tôi nghĩ chỉ nên viết về những gì chính mình đã mắt thấy tai nghe.

Katharina Borchard : Ông đã không viết gì về chuyện chiến tranh. Nhưng Ông kể chuyện các ảnh hưởng về sau của chiến tranh lên cuộc sống của người dân.

Nguyễn Huy Thiệp : Chiến tranh đã để lại nhiều tai hại. Tôi không thể nào nói hết ra đây được. Tôi không viết gì về các trận đánh vì tôi không là lính chiến. Ngoài ra tôi ghét chiến tranh. Nhưng mà tôi phải cẩn thận trong cách diễn tả của tôi. Có lần tôi nói với một nữ ký giả ở Thụy Điển là tôi ghê tởm chiến tranh. Ở nhà người ta đã kết án tôi, là tôi than phiền cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên tôi không ám chỉ như vậy! Nhưng đôi khi người ta muốn gán ghép cho tôi.

Katharina Borchard : Ông có được tiền qua những truyện đầu tay của Ông không?

Nguyễn Huy Thiệp : Chẳng được bao nhiêu. Ngay vào thời kỳ Đổi mới, nghèo khó vẫn còn ngự trị ở nước tôi. Nước tôi lúc ấy hoàn toàn bị cô lập và không còn nhận viện trợ từ Liên xô và Trung Quốc. Tại nhà trường, nơi nhà tôi khi đó đang đi dạy, có trường hợp mà hai cô giáo phải chia với nhau một cái quần. Hai cô giáo này không bao giờ có thể đứng trước lớp học cùng một lúc được. Chúng tôi nghèo đến thế đó.

Katharina Borchard : Tác phẩm đầu tay của Ông được in ra sao?

Nguyễn Huy Thiệp : Giấy in tác phẩm đầu tay của tôi xấu đến nỗi trong 10.000 quyển sách in xong , chỉ có 70 quyển còn có thể tạm đọc được. Số còn lại phải thu hồi lại. Trong thời gian này tôi làm đủ các nghề để nuôi sống gia đình tôi. Mãi đến năm 2000, tôi mới được nhiều người biết tới để có thể sống nhờ vào số sách của tôi, mặc dù liên tục có nhiều tranh cãi về sách tôi viết. Tôi cũng thu được tiền từ các ấn bản phiên dịch, nhất là ở Pháp, Ý, Hoa Kỳ và Thụy Điển.

Katharina Borchard : Truyện của Ông có được đưa vào chương trình sách giáo khoa Việt Nam không?

Nguyễn Huy Thiệp : Sách tôi chỉ được đọc ở đại học. Ở trường học, các sách của tôi không được học sinh đọc, mặc dù bố của cô thông dịch viên đây này, Thuy Schmalz, ở Việt Nam vận động tích cực cho việc này!




Katharina Borchard : Tại sao vậy, bà Schmalz [2] ?

Thuy Schmalz : Cha tôi phụ trách việc biên soạn chương trình sách giáo khoa ở Việt Nam.

Katharina Borchard : Lúc còn sống ở Việt Nam Bà đã đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp chưa ?

Thuy Schmalz : Tôi biết đến các tác phẩm của ông qua cha tôi là người chuyên tìm hiểu về văn chương Việt Nam. Tôi đi học từ năm 1988 đến năm 1999 nhưng không hề biết gì về ông ấy trong thời gian này. Ngược lại, ở cấp 3 chúng tôi đã đọc nhiều văn chương chiến tranh và còn phải học thuộc lòng nữa. Đó thường là những truyện kêu gọi mọi người phải sẵn sàng chết cho đất nước của mình. Đến ngày nay cũng vẫn còn như thế.

Katharina Borchard : Người Việt Nam hôm nay nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam, qua đó đất nước bị chia đôi cuối cùng được thống nhất? Đó là thắng người Mỹ, mặc dù sau 1973 người Mỹ không còn trực tiếp tham chiến nữa.

Thuy Schmalz : Chúng tôi rất hãnh diện về điều này. Tuy nhiên, tầm nhìn về cuộc chiến Việt Nam được mở rộng hơn khi sống ở nước ngoài như tôi. Khi đó có một khoảng cách với những gì đã xảy ra trên đất nước tôi và được biết thêm những sự kiện mà ở Việt Nam bị kiểm duyệt.

Katharina Borchard : Ông Nguyễn, sách của Ông đã bị chỉ trích nặng nề. Thái độ của Ông đối với vấn đề kiểm duyệt trước đây và bây giờ như thế nào?

Nguyễn Huy Thiệp : Ở Việt Nam người ta phải có khả năng chờ đợi. Đôi khi, guồng máy chính trị mở ra, rồi lại đóng kín lại. Khi mình bắt được cơ hội đúng lúc – và việc này tôi rất khá – thì nhiều việc không thể ngờ nhưng cũng có thể xảy ra ở nước tôi.



Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Chú thích:

1] Nguyên bản tiếng Đức:

Katharina Borchardt: Interview mit dem Schriftsteller Nguyen Huy Thiep – Triumph und Trauma des Vietnamkrieges, Neue Zürcher Zeitung 07/05/2015

2] Thuy Schmalz đã thông dịch buổi nói chuyện.

diendantheky.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Nỗi cô đơn mang tên Nguyễn Huy Thiệp

Sau khi gây dựng được tên tuổi trong làng văn học Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp bất ngờ tuyên bố ngừng viết để tận hưởng tuổi già nhàn nhã rong chơi.

Hiếm có ai được trời cho lộc văn chương nhiều như Nguyễn Huy Thiệp. Một nhà văn mà chỉ với vài truyện ngắn đầu tiên xuất hiện đã là tâm điểm của mọi ồn ào, mọi tranh luận, và chỉ sau một thời gian ngắn thì tên tuổi của ông đã đóng đinh trong dòng văn học Việt Nam, trở thành một hiện tượng mang tên Nguyễn Huy Thiệp.

Nhưng rồi bỗng một hôm, Nguyễn Huy Thiệp tuyên bố ngừng viết, bán văn nghiệp của mình với giá nửa tỉ cho NXB Trẻ để tận hưởng tuổi già nhàn nhã. Cuộc sống hàng ngày của ông bây giờ là một cuộc rong chơi.

Gặp Nguyễn Huy Thiệp một ngày chớm lạnh của mùa đông Hà Nội, trong quán cà phê rất Hà Nội, ngồi cùng ông ôn lại nhiều chuyện cũ và biết rằng, trong con người đầy lạc quan và (dường như) đầy sự tỉnh táo Nguyễn Huy Thiệp, là một tâm hồn cô đơn không có gì khỏa lấp nổi, như số phận rất nhiều nhân vật, nhiều con người trong tác phẩm của ông.

Bất kể mưa hay nắng, đã bao nhiêu năm nay, chiều nào cũng như chiều nào, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và người bạn vong niên thân thiết Nguyễn Bảo Sinh thường hội ngộ ở quán cà phê Nhân gần Hồ Gươm.

Họ ngồi đó, đốt hết cả buổi chiều với đủ câu chuyện trên trời dưới bể, chuyện văn chương, chuyện cuộc đời, chuyện làm ăn, thậm chí là chuyện về những cô gái đẹp.

Cũng có lúc, những cô gái mê văn chương ở một trường đại học nào đó đến gặp các tác giả để xin phỏng vấn cho luận văn, luận án của mình. Những cô mê văn chương đến gặp Nguyễn Huy Thiệp thì ít mà phần lớn họ “hâm mộ” nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, nghe ông bàn chuyện “chó mèo” và tếu táo chuyện bát phố với nhiều chi tiết hài hước, ly kỳ…

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường ngồi lặng lẽ ở một góc, lắng nghe và mỉm cười. Hỏi đến chuyện mình ông trả lời bâng quơ, trả lời mà như không trả lời, rồi ông lặng lẽ nhâm nhi ly cà phê đặc quánh và quan sát, có khi chẳng biết nghĩ ngợi gì ông ngồi nhìn ra mông lung, gương mặt ông cũ kỹ, đen nhẻm đã hằn những dấu chân chim tuổi tác.

Ông vẫn thế, luôn giản dị và có phần lập dị bởi vì ông dường như vẫn là con người nằm ngoài những quy cách, những sáo rỗng, những phồn hoa, ngay cả lúc ông có nhiều tiền hay ở đỉnh cao của danh vọng.

Ngay cả thời điểm này, ở một quãng thời gian không dành cho sáng tạo, thì Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn nở nụ cười trên môi, chấp nhận thực tại với một nỗi mong cầu: cứ bình an và khỏe mạnh, chiều chiều đưa cháu nội đi học, rồi ngồi cà phê với ông Bảo Sinh, nếu rảnh thì ngồi đến tối rồi cả hai lại bách bộ bát phố cùng nhau.

Nếu các con ông bận thì ông lại tiếp tục đón cháu nội về nhà để quây quần bên mâm cơm gia đình. Một tháng đôi lần, ông sang lò gốm quen ở Bát Tràng vẽ trên gốm, rồi nung, rồi lạch cạch thuê chở về Hà Nội bán tác phẩm của mình kiếm thêm đồng ra đồng vào đưa vợ.

Một đời văn, Nguyễn Huy Thiệp được coi là thành công vì đã đóng đinh tên tuổi trở thành một hiện tượng trên văn đàn Việt Nam. Thời điểm Nguyễn Huy Thiệp đang là một cái tên được nhắc đến ở nhiều cuộc trò chuyện, nhiều cuộc bàn luận, trở thành tâm điểm của báo chí, truyền thông, nhà ông lúc nào cũng có khách, bạn văn xa gần đến chật chỗ để sẻ chia, các phóng viên báo đài cũng tìm đến ngọn nguồn gia cảnh của nhà văn kỳ tài.

Tôi vẫn nhớ có lần đến xin được phỏng vấn, đã gặp rất nhiều nhà văn nổi tiếng ở nhà ông. Nhưng dường như mọi thứ trong căn nhà ông chẳng có gì xáo trộn. Ông không tô thêm phấn son màu mè cho cuộc sống của mình.

Thậm chí, mỗi lần khách khứa đến chơi, người vợ lam lũ tảo tần của ông bận rộn hơn khi cứ thêm việc nước nôi, cơm cháo thết đãi bạn văn của chồng.

Trong căn nhà ở Khương Hạ rộng rãi, đầy thiên nhiên, tuồng như mọi thứ đều cũ kỹ, kể cả những chiếc bát ăn cơm sứt sẹo, những đôi đũa tre đã mòn theo thời gian, những chiếc nồi bằng nhôm vung đã méo xẹo…

Nhưng bữa cơm đạm bạc, cà pháo, con cá mà ngon đến lạ lùng. Ngon vì người vợ đảm đang của ông nấu bằng cả tấm lòng, ngon vì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường không cầu kỳ trong ăn uống đã ăn ngon lành vài bát cơm thơm thảo. Và ngon bởi vì chúng tôi vừa ăn vừa được ông kể cho nghe những câu chuyện ngoài lề văn chương đầy thú vị. Nguyễn Huy Thiệp có tài nhớ và tài kể chuyện, có lẽ vì thế mà ông đã nhặt nhạnh đủ những câu chuyện ở đời sống để khéo léo đưa nó vào đấy.

Chuyện nào cũng có một chút thật, một chút hư cấu, một chút ma mị, một chút tếu táo… Bởi vậy mà trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện rất nhiều nghịch lý: Ở hiền chưa chắc đã gặp lành, đi tìm cái tốt đẹp thì gặp toàn những cái xấu xa, bỉ ổi, tìm thiện thì gặp ác. Nguyễn Huy Thiệp thường khai thác con người bằng cách khám phá nội tâm nhiều chiều, chằng chịt và đi vào cái cốt lõi chân - thiện - mĩ.

Nhiều người thích truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và cũng nhiều học giả nhận định rằng, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên một thứ văn học không phải để đáp ứng thói quen thưởng thức văn chương theo lối "thánh thư” mà cái nhìn dân chủ hóa của người kể chuyện ở đây chính là ở chỗ: người kể chuyện tin rằng, mình không phải mách nước cho ai, lên lớp cho ai, thậm chí ở nhiều chỗ đứng thấp hơn nhân vật và bạn đọc.

Mới đây, để sự nghiệp văn học của mình được êm ấm, ông đã quyết định ký hợp đồng chuyển giao toàn bộ tác phẩm cho NXB Trẻ sử dụng trong vòng 5 năm trị giá 500 triệu đồng. Các tác phẩm được ký tác quyền gồm 44 truyện ngắn và tuyển tập truyện nổi tiếng của nhà văn như: Tướng về hưu, Không có vua, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, tiểu luận Giăng lưới bắt chim và 10 vở kịch trong đó có các tác phẩm như: Còn lại tình yêu, Nhà Osin, Nhà tiên tri...

Trong thời hạn hợp đồng, ngoài khai thác hình thức sách giấy, Nhà xuất bản Trẻ còn được quyền khai thác tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp dưới các dạng sách nói, sách điện tử...Tuy nhiên, kết thúc kỳ khởi sắc của truyện ngắn, sau tiểu thuyết Vong bướm, một thể nghiệm với chèo cổ, Nguyễn Huy Thiệp đã quyết định dừng hẳn nghiệp sáng tác ở tuổi 65.

Tôi hỏi Nguyễn Huy Thiệp, liệu ông có nuối tiếc vì phát ngôn trên của mình, ông cười chia sẻ: không phải ông chán viết hay cạn ý tưởng bởi vì cuộc sống vẫn còn tiếp diễn với rất nhiều biến động, ông ngừng viết vì mọi cố gắng cách tân, đổi mới cuối cùng cũng chỉ đến được thế.

Có lần ông cũng đã từng chia sẻ rằng: ông không có gì ân hận về đời văn của mình. Ông cũng đi được từ đầu đến cuối trong suốt 25 năm đổi mới, từ một tay không tên tuổi gì dần được coi là một trong những nhà văn gọi là có thành tựu trong nước và nước ngoài. Nhờ viết văn mà ông đi được bao nhiêu nước, được huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008).

Bây giờ, cuộc sống của Nguyễn Huy Thiệp thực sự nhẹ nhõm, ông cảm thấy không phải phiền lòng, nỗ lực, trăn trở vì những trang văn. Dù chưa bao giờ, nói thì nói vậy, nhưng ông khó có thể bỏ bút hẳn để an tâm với tuổi già. Ông vẫn sáng tạo trong những thứ mình đang có, trên gốm, bằng hội họa.

Đó là một cách sáng tạo khác đầy khó khăn mà ông vẫn phải mày mò để tìm cho mình một lối sáng tạo riêng. Hàng ngày, niềm vui của ông là đưa đón cháu nội. Người con trai cả của ông là họa sĩ Nguyễn Phan Bách có được gen trội của bố, nên đam mê nghệ thuật và đã tìm được một con đường đi của mình, dù chắc chắn anh sẽ phải chật vật và khó khăn nhiều trong thời buổi công nghệ này.

Tôi hỏi một câu cũ rích về dự định sắp tới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông trả lời tôi bằng câu chuyện khá dài dòng: Tôi là một nhà văn sinh ra ở nông thôn. Hồi còn bé, khi mới tập viết văn, ông ngoại tôi (vốn là nhà Nho) có kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi.

Câu chuyện như sau: Ở nơi kia cây cối xum xuê, con người thuần phác, có một đạo sĩ rất thánh thiện. Ông ta ngồi viết văn, dạy trẻ con học và tự mình gieo trồng để lấy cái ăn. Mọi người đều quý mến ông, luôn đến hỏi ý kiến ông về mọi việc và ông thường cho họ những lời khuyên rất chí thánh.

Cuộc sống của ông nghèo túng, ông chỉ trùm một cái chăn để che thân người. Khi ngồi làm việc, những con chuột hôi hám, quái ác vẫn thường chạy đến cắn rách cái chăn, chúng làm ông rất khổ sở bực mình. Thấy vậy, có một người đi qua thương tình bèn biếu cho ông đạo sĩ một con mèo để nó bắt chuột. Dân làng vốn thương ông nên thương luôn con mèo, họ vẫn thường mang sữa đến cho con mèo uống.

Một ngày kia, có một bà hành hương giàu có nghe tiếng thơm nhân đức của ông đạo sĩ bèn mang đến tặng cho ông đạo sĩ một con bò sữa để nuôi con mèo. Dân làng thấy vậy mới làm cho con bò một cái chuồng để nó có chỗ ở khi mưa khi nắng.

"Nhưng bò có nhà mà đạo sĩ lại không có nhà! Để thế sao được?”- Dân làng nói với nhau như thế và họ xúm lại làm cho ông đạo sĩ một cái am nhỏ để ở.

Từ ngày ấy, ông đạo sĩ không còn nhiều thời giờ để tu niệm và viết văn nữa, ông phải bận rộn để nuôi con bò, con bò lấy sữa nuôi con mèo, còn con mèo đi đuổi lũ chuột.

Thấy ông đạo sĩ bận rộn không có thời giờ tu niệm và viết văn như trước, dân làng tốt bụng lại gửi đến cho ông đạo sĩ một người đàn bà để nuôi con bò. Thế là vị đạo sĩ đã có tấm vải che thân, đã có con mèo bắt chuột, đã có con bò cho sữa, lại có cả người đàn bà săn sóc cho cuộc đời mình.

Vị đạo sĩ không còn giữ được sự yên ổn ở trong lòng mình. Ông ta có hết cả rồi, ông ta trở nên đầy đủ như một phú ông. Ông ta lấy người đàn bà làm vợ. Ít lâu sau, ông ta bắt đầu hay cáu gắt, hay văng tục và nói nhảm nhí, ông ta còn uống rượu, đánh người và đuổi theo các cô gái bằng tuổi con mình. Con đường hạnh tu của ông đạo sĩ đến đây chấm dứt.

Tôi không hi vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được!


Trần Hoàng Thiên Kim
Theo Zing.vn
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#3
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi chỉ là người 'độc hành kỳ đạo'


Thứ Năm, 19/07/2018

Một thông tin khá thú vị: tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang được xem xét để đưa vào sách giáo khoa (SGK) và giảng dạy trên ghế nhà trường. Thông tin này được cung cấp tại lớp tập huấn Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình ngữ văn (Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 16/7 vừa qua).

Cụ thể, theo nhà phê bình văn học Văn Giá, tới đây trong chương trình văn học cải cách, truyện ngắn Muối của Rừng có thể sẽ xuất hiện trong giáo trình văn học dành cho học sinh Trung Học Phổ Thông.

Và, tại lớp tập huấn này, ngoài các nhà văn, nhà thơ đã có tác phẩm trong SGK như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê..., Nguyễn Huy Thiệp - tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam kể từ 1986 đến nay – cũng có mặt.

Tong buổi “lên lớp” này, nhiều “bí mật” về chuyện đời, chuyện nghề cũng như những quan điểm của ông về chính “đứa con tinh thần” mang tên Muối của rừng, về cách dạy và học văn trong nhà trường... đã được nhà văn chia sẻ một cách thẳng thắn.

“Muối của Rừng” ra đời nhờ “Ông già và biển cả”

Muối của rừng được nhà văn viết trong giai đoạn “chân ướt chân ráo” bước vào con đường văn chương (giai đoạn 1986 - 1991) sau khi đã kinh qua rất nhiều nghề. Giai đoạn sung sức ấy, cùng với Muối của rừng, ông còn cho ra đời hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang khác như Tướng về hưu, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát...

“Giai đoạn ấy tôi viết rất nhiều, viết nhanh và viết rất đa dạng”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể. “Dẫu vậy, Muối của rừng thực ra không phải là truyện mà bản thân tôi thích nhất lúc bấy giờ. Nó chỉ là một tác phẩm rất đẹp. Một tác phẩm mà tôi cẩn thận từng từ, từng câu, rất nuột nà chứ không vạm vỡ tựa những nhát rìu như là Tướng về Hưu, Không có vua, Giọt máu...



[Image: U36A6040.jpg]
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ngồi chính giữa) chụp ảnh kỷ niệm với các học viên lớp tập huấn - Ảnh: Huy Thông


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn tiết lộ, khởi nguồn cho Muối của rừng chính là tác phẩm Ông già và biển cả của Hemingway. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ là đến tận ngày hôm nay, tác giả Muối của rừng vẫn... chưa đọc tác phẩm này. “Tôi chỉ nghe người khác kể lại nội dung của Ông già và biển cả, đại ý có một ông đi câu được một con cá rất to nhưng khi kéo được vào bờ thì chỉ còn trơ bộ xương. Hồi đấy, tôi ở trên Tây Bắc, không phải lúc nào cũng có sách để đọc. Đến giờ tôi cũng chưa có dịp đọc truyện ấy”.

Một thú vị khác được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ với các giáo viên dạy văn là Muối của Rừng được ông viết tay rất cẩn thận, chữ nghĩa rất đẹp, gần như không phải sửa bởi “lúc ấy tất cả như trào ra từ trong lòng”, ông nói. “Điều này rất giống với quan điểm của nhà văn Lê Lựu rằng, viết văn cũng giống như là phụ nữ đi đẻ, nếu mà đẻ nhanh, đẻ gọn là rất tốt. Quá trình sáng tạo văn chương nghệ thuật cũng thế, trong lòng anh đầy ắp kiến thức, đầy ắp các ngôn ngữ rồi thì khi ngồi vào viết là viết và gần như không có tẩy xóa”.



[Image: U36A5969.JPG]
Theo nhà văn Ngô Văn Giá: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một 'ông lớn' trong nền văn học Việt Nam kể từ 1986 đến nay"
- Ảnh: Huy Thông


Sống tử tế và viết thôi

Được đề nghị “tổng kết” về sự nghiệp lao động văn chương của mình, nhà văn nói rằng, đến nay ông cũng không thể lý giải được quá trình đến với văn chương của mình, thậm chí đôi khi thấy... sợ.

Ông tâm sự: “Không nói duy tâm đâu nhưng mà ngày xưa các cụ sinh ra tôi, nói là tôi đi theo con đường văn chương. Trong tử vi của tôi thậm chí còn "phán" tôi là vua văn chương, điều đó là điều làm tôi rất lo sợ chứ không phải là chuyện hay ho gì. Tôi không sắc sảo, không khéo ăn nói và hiểu biết bằng nhiều nhà văn khác.

Số phận tôi có lẽ như lời Mẹ Teresa, rằng "Tôi chỉ là một người viết trong tay Thượng đế". Tôi chỉ luôn luôn tâm niệm là sống chân thực, thiện tâm, tử tế trong điều kiện của mình và viết thôi. Tôi ở ngay Hà Nội nhưng đồng nghiệp văn chương ông nào mà danh lớn quá hoặc là nhiều tiền quá thì tôi cũng ngại gần vì tôi nghĩ cái nghề văn là cái nghề "độc hành kỳ đạo", tức là cái nghề tu luyện một mình thôi.

Kinh nghiệm về dạy và học văn trong nhà trường

Trả lời những băn khoăn của các giáo viên ngữ văn về việc chiếm lĩnh và giảng dạy tác phẩm văn học trong SGK thế nào cho hiệu quả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm, đó không phải là nghiệp của ông.

Dẫu vậy, từ những gì được chứng kiến ở một số quốc gia mà ông đã từng đến liên quan đến vấn đề này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “mách nước”: “Nhiều nước tôi từng có dịp đến ngoài dạy văn học bằng cách cho học sinh đọc rất nhiều sách văn học, họ gần như là có quy định mỗi tháng học sinh phải đọc được bao nhiêu cuốn sách, sau đó người ta mới kiểm tra lại bằng những câu hỏi để xem nhận thức của các em học sinh ấy như thế nào?! Hay như ở Mỹ, Đức, những cuốn sách văn học giá trị các thầy cô đều có hướng dẫn để lái học sinh đọc những tác phẩm đấy và tìm cách kiểm tra lại học sinh với mục đích là để nuôi dưỡng tình yêu văn học cho các em”.

Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người lớn khi ra hiệu sách cũng cần phải có kinh nghiệm chọn sách, tìm hiểu kỹ về sách trước khi mua hoặc “tư vấn” cho trẻ em tìm đọc những tác phẩm phù hợp.

“Ngay bản thân tôi, có nhiều tác giả có những cuốn sách khi cầm lên tôi thấy ghê tay, không đáng hoặc không nên đọc. Cho nên tôi nghĩ các giáo viên, nhất là giáo viên văn nên có sự hướng dẫn, bằng các kinh nghiệm, hiểu biết, trực giác, cách đọc của mình để hướng cho trẻ thì mới cải thiện được. Đây cũng là kinh nghiệm của giáo viên văn học trên toàn thế giới chứ không phải ở ta hay bây giờ tôi mới nhắc đến” – nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói.


Theo Thethaovanhoa.vn
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply