Emmy Noether: Nữ Toán học Tài hoa Bạc mệnh
#1

Emmy Noether: cuộc đời và sự nghiệp

Amalie Emmy Noether sinh ngày 23-03-1882 tại thị trấn Bavarian thuộc Erlangen, Đức, trong một gia đình trung lưu Đức gốc Do Thái. Bố của Emmy, Max Noether, cũng từng là một nhà toán học xuất sắc, giáo sư tại Đại Học Erlangen.

          Xuất thân trong một gia đình Do Thái buôn bán ở Đức, Max Noether bị bệnh bại liệt năm 14 tuổi; Sau khi hồi phục được cử động, ông vẫn bị tật nguyền một chân. Hầu hết là tự học, ông đã nhận được bằng tiến sĩ của Đại Học Heidelberg năm 1868. Sau khi dạy học ở đó 7 năm, ông kiếm được công việc tại Bavarian thuộc Erlangen, tại đây ông gặp và cưới Ida Amalia Kaufmann, con gái một thương gia Do Thái giầu có. Với tư cách một nhà toán học, Max Noether đóng góp chủ yếu cho hình học đại số, đi theo con đường của Alfred Clebsch. Thành tựu nổi tiếng nhất của ông là định lý Brill–Noether và định lý AF+BG; Tuy nhiên ông cũng nổi tiếng vì một số định lý khác.

          Emmy Noether là con đầu trong 4 người con trong gia đình. Tên đầu tiên của bà là Amalie, đặt theo tên mẹ và bà nội, nhưng bà đã sử dụng tên giữa ngay từ khi còn trẻ.

          Lúc nhỏ, thông minh và tính tình cởi mở, Emmy bị cận thị và nói ngọng. Nhiều năm về sau, một người bạn của gia đình kể lại một câu chuyện về Emmy lúc nhỏ, rằng cô bé này giải rất nhanh những trò đố vui thách thức trí não trong một cuộc hội hè của trẻ con, thể hiện một sự nhậy bén về lôgích như một cô gái lớn tuổi. Emmy cũng được dạy học nấu ăn và nội trợ – như hầu hết các cô gái thời đó – và học piano. Nhưng Emmy không thích thú những môn học đó, mặc dù cô thích khiêu vũ. Trong 3 em trai, chỉ có Fritz Noether, sinh năm 1884 là có những thành tựu về nghiên cứu khoa học. Sau khi học ở Munich, Fritz nổi tiếng trong lĩnh vực toán ứng dụng. Cậu em lớn nhất, Alfred, sinh năm 1883, đậu tiến sĩ hoá học tại ĐH Erlangen năm 1909, và mất chín năm sau. Cậu em út, Gustav Robert, sinh năm 1889, ốm đau kinh niên và mất năm 1928.

[Image: Noether08.jpg]
Amalie Emmy Noether (1882-1935)


Nhưng giống như Marie Curie, Emmy Noether đã mất những năm quý báu thời trẻ chỉ vì là phụ nữ. Không ai trong gia đình Noether nghĩ rằng Noether có thể làm được gì nhiều hơn là hoàn thành một nền giáo dục dành cho con gái những gia đình trung lưu vào thời bấy giờ. Muốn học tiếp, Noether phải tự thân vận động. Cô mất ba năm để theo một chương trình sư phạm, một trong một vài cơ hội hiếm hoi dành cho phụ nữ lúc đó. Hoàn thành chương trình này, Noether nhắm tới Đại Học Erlangen, nơi cha cô là giáo sư.

Nhưng đại học ở Đức lúc đó không nhận sinh viên nữ. Nhờ sự thông cảm của một số giáo sư tốt bụng, Noether chỉ được ngồi trong lớp với tư cách dự thính viên, thay vì trở thành sinh viên chính thức. Dẫu sao thì đó vẫn là một may mắn, vì đa số giáo sư Đức thời đó vẫn cho rằng chương trình đại học vượt quá khả năng tư duy của phụ nữ.

          Trong cuốn Pythagoras’ Trousers (Dịch ý: Những môn đệ của Pythagore), Margaret Wertheim viết: “Giống như trong thời trung cổ, một nhà hàn lâm đã tuyên bố rằng việc để cho phụ nữ xâm lăng vào các trường đại học là … một biểu hiện đáng xấu hổ của sự yếu kém về đạo đức” (!).

          Tuy nhiên sau 5 năm dự thính, niềm say mê khao khát học hỏi của Noether đã làm các giáo sư cảm động, và cô được nhận làm sinh viên chính thức. Chẳng bao lâu sau Noether đã hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học tại Đại Học Erlangen một cách xuất sắc kèm theo phần thưởng danh dự. Nhưng giành được mảnh bằng không có nghĩa là sẽ kiếm được một việc làm chính thức: 8 năm tiếp theo kể từ khi có bằng tiến sĩ, Noether phải làm việc không lương cho trường đại học mà cha của bà đang là giáo sư. Bà đã hướng dẫn luận án tiến sĩ cho nhiều sinh viên, giảng bài cho họ, tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu của riêng mình. Khi bệnh tình của cha nặng lên, bà đã đảm nhiệm luôn nhiệm vụ của ông tại trường đại học nhưng vẫn không được công nhận chính thức. Bà không được đa số đồng nghiệp ủng hộ. Vì sao vậy?

          Theo nhà viết tiểu sử Sharon McGrayne, Noether là một người phụ nữ đáng yêu, cởi mở, không hề kiêu căng tự phụ, tính tình thoải mái, không bận tâm đến những quy ước nữ tính đương thời, ăn mặc giản dị, không màng đến thời trang, người to béo quá khổ, tính tình nồng nhiệt, hăng hái phát biểu ý kiến, khá bừa bộn, lúc nào cũng bù đầu vì công việc.

          McGrayne nhận xét rằng Einstein cũng có những tính cách tương tự, nhưng trong khi tính giản dị luộm thuộm của Einstein được người đời tán tụng là biểu hiện “đãng trí bác học” thì Noether lại bị người đời chế giễu là thiếu nữ tính và bị xa lánh. Đa số các giáo sư không thích chia sẻ với một người phụ nữ mà họ cho là thiếu nữ tính.

          Năm 1914, David Hilbert cùng cộng sự của ông là Felix Klein đã “để mắt” tới những nghiên cứu của Noether. Họ mời Noether về Đại Học Gottingen, đại học số 1 Châu Âu thời đó, để cộng tác nghiên cứu. Trong suốt 5 năm trời tại Gottingen, Noether đã sản xuất ra những công trình vĩ đại nhất trong sự nghiệp sáng tạo của bà, trong đó có việc giúp đỡ cả Hilbert lẫn Einstein trong việc hoàn thiện Phương Trình Trường. Nhưng đến lúc đó bà vẫn phải làm việc không công, không được trả lương! Đơn giản vì bà vẫn không được công nhận làm giáo sư chính thức. Thực tế bà đã đứng trên bục giảng của trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới này để giảng bài như một giáo sư, nhưng lại phải đội tên Hilbert: Giáo sư Hilbert phải đứng tên trên các thông báo chính thức về lớp học do bà đứng giảng. Suốt thời gian đó, bà chỉ có một thu nhập nhỏ nhoi từ một quỹ đóng góp của các nhà hảo tâm do mẹ của bà đứng ra vận động mà thôi.
          Cả Hilbert lẫn Klein đều thấy rõ sự bất công trong việc đối xử của trường đại học với Noether và cả hai đều ra sức vận động công nhận chức giáo sư chính thức cho bà. Nhưng ngay cả những tiếng nói có uy tín nhất như thế cũng không làm thay đổi nổi tình hình. Sự chống đối Noether vẫn tiếp tục. Thậm chí trong những cuộc tranh luận về việc công nhận Noether, vẫn có những ý kiến cho rằng chức năng của phụ nữ là ở nhà trông nom nuôi dạy con cái chứ không phải đứng trên bục giảng đại học!

          Nhưng trước sự hối thúc của Hilbert, cuối cùng thì khoa toán đã thông báo ý định bổ nhiệm Noether vào một chức phó giáo sư (junior position). Nhưng lập tức ý định này bị các giáo sư ở khoa khác phản đối. Một vị lên tiếng: “Được vào Hội đồng giáo sư thì rồi bà ấy sẽ trở thành một giáo sư và trở thành một thành viên của ban giám hiệu nhà trường. Nên chăng để cho một phụ nữ trở thành thành viên ban giám hiệu một trường đại học?”. Hilbert trả lời: “Thưa quý vị, tôi không nghĩ rằng vấn đề giới tính lại trở thành một lý do để chống lại việc tiếp nhận bà ấy. Và sau hết, ban giám hiệu không phải là một nhà tắm (ý nói chỉ ở nhà tắm mới cần phân biệt giới tính)”.

          Bất chấp lời biện hộ của Hilbert, Bộ Giáo Dục Đức đồng ý với ý kiến chống đối Noether. Phải đợi mãi đến năm 1921, sau khi nước Đức thua trận trong cuộc Đại Chiến Thế Giới I, tình hình xã hội và chính trị ở Đức có những thay đổi căn bản, ý thức xã hội có phần cởi mở hơn thì lúc đó Noether mới được công nhận chức phó giáo sư, nhưng vẫn là một phó giáo sư làm việc không công, không được trả lương (!!!). Điều này quả là quá khó hiểu đối với chúng ta ngày nay.

          Tóm lại, trong suốt 18 năm làm việc tại Đại Học Gottingen, Noether chưa bao giờ được công nhận giáo sư chính thức và được hưởng một đồng lương chính thức. Bà cũng chưa bao giờ nhận được sự tài trợ từ bất kỳ một cơ quan nào thuộc hệ thống nhà nước hoặc xã hội, không được hưởng tiền hưu trí hay một khoản bảo trợ xã hội nào khác.

          Và bất chấp những đóng góp khoa học mà một người như Hilbert cũng phải chịu ơn và kính phục, Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Gottingen đã từ chối bầu Noether làm viện sĩ. Tệ hơn nữa, tên tuổi Emmy Noether cũng không bao giờ được đưa vào danh sách những nhà toán học hàng đầu trên các tạp chí toán học quốc tế mà chính bà đã từng giúp đỡ việc biên tập!

          Năm 1933, Hitler lên nắm chính quyền ở Đức, chủ nghĩa quốc xã phát động một cao trào bài Do Thái chưa từng có. Tất cả các nhà bác học Đức gốc Do Thái như Albert Einstein, Herman Weyl, Lise Meitner, Emmy Noether, … đều phải tìm đường trốn ra ngoại quốc. Nhưng trong khi những người như Einstein, Weyl lập tức được người Mỹ trọng vọng, phong chức giáo sư tại Viện nghiên cứu tiên tiến Princeton (Institute for Advanced Study, Princeton) thì Noether không được một trường đại học nào tiếp nhận. Cuối cùng bà chỉ tìm được một công việc bình thường tại một trường cao đẳng dành cho phụ nữ mang tên Bryn Mawr. Bà vẫn vui vẻ làm việc, vì thực ra bà chỉ cần có một chỗ làm để tiếp tục những nghiên cứu của mình mà thôi.

          Năm 1935, đúng vào lúc Viện nghiên cứu tiên tiến Princeton có ý định mời Noether vào làm việc thì bà lâm bệnh và đột ngột ra đi – Bà mất sau một ca mổ cắt bỏ khối u nang buồng trứng. Trước khi mổ, bà vẫn đùa: “Tôi sẽ giảm cân!”, vì bà vốn có khổ người to béo. Tính hài hước của bà và “sự may mắn” do Viện Princeton mang đến đúng lúc bà ra đi đã làm dấy lên trong lòng nhiều người một cảm giác chua chát. “Lúc vui nhất là lúc nên về”, lời bất hủ này của William Sheakspere mấy trăm năm trước dường như ứng vào định mệnh của Emmy Noether!

          Hơn bất kỳ một vở bi kịch nào khác, cuộc đời của Emmy Noether là một sự tương phản đầy nghịch lý giữa một tài năng siêu phàm với một cương vị thấp kém, giữa một cống hiến vĩ đại với một đền đáp bạc bẽo.

          “Ca mổ của Emmy Noether làm cho thế giới không chỉ mất đi một nhà toán học vĩ đại, mà còn mất đi một người phụ nữ vĩ đại!”, đó là lời điếu của nhà bác học trứ danh Herman Weyl dành cho người phụ nữ tài hoa bạc mệnh này.

Kết:

          ● Emmy Noether mất ngày 23-04-1935. Vài ngày sau, ngày 5-5-1935, tờ New York Times công bố điếu văn của Albert Einstein dành cho người phụ nữ thiên tài bậc nhất, trong đó viết:

          Cố gắng của hầu hết mọi người đều bị tiêu hao trong cuộc đấu tranh giành giật cơm áo hàng ngày, … nhưng may mắn thay, có một số ít người sớm nhận thấy rằng những trải nghiệm đẹp nhất và thoả mãn nhất trong đời họ không đến từ thế giới bên ngoài, mà nẩy sinh từ nội tâm – từ sự phát triển của cảm xúc, tư duy và hành động của cá nhân mình. Những nghệ sĩ chân chính, những nhà nghiên cứu và những nhà tư tưởng luôn luôn nằm trong số đó. Bất luận số phận của họ ra sao, kết qủa của những nỗ lực của họ là phần đóng góp có giá trị nhất mà mỗi thế hệ có thể tạo ra cho thế hệ kế tiếp. Vài ngày trước đây, một nhà toán học xuất chúng, Giáo sư Emmy Noether, một người trước đây từng làm việc tại Đại Học Göttingen và hai năm qua tại trường Cao Đẳng Bryn Mawr, đã mất ở tuổi 53. Theo nhận định của những nhà toán học giỏi nhất đang còn sống, Fraulein Noether là thiên tài sáng tạo toán học đáng kể nhất, kể từ khi nền giáo dục cao cấp dành cho phụ nữ bắt đầu …

          ● Năm 1983, Grace Quinn viết trên một biểu trưng tôn vinh Emmy Noether: Emmy Noether được nhớ đến như một tư tưởng chói sáng, một tính cách đẹp đẽ, lòng can đảm bất khuất, thiên hướng dân chủ, một người tràn đầy tình yêu đối với cuộc sống và toán học.
 

        ● Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia nhận định:

          Emmy Noether là một nhà toán học nữ người Đức gốc Do Thái, nổi tiếng vì những đóng góp có ảnh hưởng sâu xa trong đại số trừu tượng. Thường được mô tả như người phụ nữ quan trọng nhất trong lịch sử toán học, bà đã tạo nên cuộc cách mạng về lý thuyết vòng, trường và đại số. Bà cũng nổi tiếng vì những đóng góp trong vật lý hiện đại; hai định lý Noether đã giải thích mối liên hệ giữa tính đối xứng với các định luật bảo toàn, và là công cụ chủ yếu trong nghiên cứu của các nhà vật lý toán.

          ● Trong một bài báo nhan đề “Creative Mathematical Genius” (Thiên Tài Sáng Tạo Toán Học), Trung Tâm Siêu Computer San Diego (San Diego Super Computer Center) của Mỹ nhận định[1]: Emmy Noether là người được sinh ra để trở thành nhà toán học vĩ đại.

          ● Ngày 11 tháng 3 năm 2008, nhà vật lý Georg von Hippel viết[2]:

          Sự hiểu biết về đối xứng như một nền tảng căn bản của các lý thuyết vật lý đã được trình bầy bởi chính Emmy Noether, một phụ nữ đã trở thành nhà toán học vào thời kỳ mà tại nước Đức quê hương của bà, phụ nữ không được tham gia vào công việc tại các trường đại học nếu không có sự cho phép đặc biệt, và không được đứng trên bục giảng dạy sinh viên … Chính sự tổng quát hoá các tính chất đối xứng đã tạo nên cơ sở của Mô Hình Tiêu Chuẩn Standard Model) của vật lý các hạt cơ bản và của hầu hết các vật lý lý huyết hiện đại. 

          ● Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Lee Smolin nhận định:

          Mối liên hệ giữa tính đối xứng và các định luật bảo toàn là một trong những khám phá vĩ đại nhất của vật lý thế kỷ 20. Nhưng tôi nghĩ rất ít chuyên gia đã được biết điều đó hoặc biết người khám phá ra điều đó — Emily Noether, một nhà toán học Đức (gốc Do Thái). Đó là một tư tưởng cốt yếu của vật lý thế kỷ 20, ngang với tư tưởng cho rằng không thể vượt qua tốc độ ánh sáng …

          ● Thay cho lời kết là một nhận định của trang mạng[3] Answers.com :

          Noether là một phần của khoa toán thuộc Đại Học Göttingen trong những năm 1920, khi mà danh tiếng của đại học này về nghiên cứu và giảng dạy toán học được coi là cao nhất thế giới. Mặc dù vậy, ngay cả với sự giúp đỡ của nhà toán học khả kính Hermann Weyl, Noether vẫn không sao có được một vị trí giảng dạy chính thức ở đó, tương đương với những đồng nghiệp nam của bà. Một lần chính Weyl phải thốt lên: “Tôi lấy làm xấu hổ vì đã chiếm một vị trí được ưu đãi hơn so với bà, người mà tôi biết là giỏi hơn tôi với tư cách một nhà toán học rất đáng kính”.

PhamVietHung
Theo Vietsciences.org

Chú thích:
(1) Nguyên văn: “It might be that Emmy Noether was designed for mathematical greatness”. Xem trang web:  http://www.astr.ua.edu/4000WS/NOETHER.html

(2) Xem “Emmy Noether, symmetry and conservation laws”
http://www.scientificblogging.com/lattice_points/emmy_noether_symmetry_and_conservation_laws
(3) http://www.answers.com/topic/emmy-noether-1

Reply