Ông hoàng Vật Lý: Stephen Hawking
#1

Cuộc đời và sự nghiệp của ông hoàng vật lý Stephen Hawking


Nhà vật lý nổi tiếng không ngừng nghiên cứu khoa học dù mắc bệnh hiểm nghèo, đem lại những thành tựu rực rỡ cho khoa học thế giới.

[Image: Stephen-Hawking1-8929-1521014940.jpg]
Stephen Hawking được mệnh danh là "ông hoàng vật lý". Ảnh: Guardian.

Giáo sư Stephen Hawking, nhà vật lý nổi tiếng người Anh với những cống hiến vĩ đại cho khoa học, hôm nay qua đời tại nhà riêng ở Cambridge, Anh, hưởng thọ 76 tuổi, để lại niềm xúc động lớn cho hàng triệu người trên thế giới, theo Guardian.

Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford, Anh. Ông được nhận vào Đại học Oxford năm 17 tuổi. Trong ba năm học tập và nghiên cứu tại đây, Hawking cho biết ông chỉ học khoảng 1.000 giờ, nghĩa là chỉ khoảng một giờ mỗi ngày.

"Bạn hoặc là thiên tài mà không cần nỗ lực, hoặc biết chấp nhận hạn chế của mình", ông viết trong cuốn tự truyện năm 2013.

Trong kỳ thi tốt nghiệp, kết quả học tập của Hawking nằm ở ranh giới giữa tấm bằng hạng nhất và hạng nhì. Ông nói với giám khảo trong buổi thi vấn đáp rằng nếu được trao bằng hạng nhất, ông sẽ sang Đại học Cambridge để học thạc sĩ, nhưng nếu chỉ nhận bằng hạng nhì, ông sẽ tiếp tục ở lại Oxford. Giám khảo đã cho ông bằng hạng nhất. 

Năm 1963, khi mới 21 tuổi và đang theo học cao học, Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, còn gọi là bệnh Lou Gehrig, căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể khiến ông bị liệt. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm hai năm. Tuy nhiên, dạng bệnh ông mắc phải phát triển chậm hơn bình thường, giúp ông tiếp tục sống thêm hơn nửa thế kỷ, trở thành ông hoàng vật lý với những thành tựu khoa học rực rỡ.

"Dưới bóng mây đe dọa của cái chết, tôi ngạc nhiên phát hiện rằng mình tận hưởng cuộc sống còn hơn trước. Tôi bắt đầu đạt được tiến triển trong nghiên cứu của mình", Hawking nói.

Ban đầu ông sử dụng nạng để di chuyển, sau đó phải dùng đến xe lăn. Trong hoàn cảnh như vậy, ông vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học. "Mục tiêu của tôi rất đơn giản. Đó là hiểu toàn bộ về vũ trụ, vì sao vũ trụ lại như vậy và vì sao nó tồn tại", ông chia sẻ.

[Image: U5du3BYM4bXK3nNfLeGN4HUSHZxA4C-5085-3840-1521014940.jpg]
Stephen Hawking trong một hội nghị về vũ trụ. Ảnh: CNSteem.

Bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hawking là năm 1970, khi ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra một điểm kỳ dị không - thời gian vào thời điểm vụ nổ Big Bang xảy ra.

Hawking quyết tâm không để điều gì cản trở ông nghiên cứu. "Ông ấy nghĩ mình không còn sống lâu nữa, và ông ấy thực sự muốn làm được nhiều nhất có thể", Penrose cho biết.

Năm 1974, Hawking nêu giả thuyết về hố đen phát ra "bức xạ Hawking" và cuối cùng sẽ biến mất. Với các hố đen bình thường, quá trình này diễn ra rất chậm, cần thời gian dài hơn tuổi thọ của vũ trụ để một hố đen có khối lượng bằng Mặt Trời bốc hơi. Tuy nhiên, các hố đen nhỏ đến cuối đời sẽ phát ra sức nóng lớn, cuối cùng phát nổ với năng lượng tương đương một triệu quả bom nhiệt hạch một triệu tấn. Những hố đen nhỏ rải rác khắp vũ trụ, mỗi cái nặng đến một tỷ tấn nhưng lại không lớn hơn một proton, ông nhận định.

Stephen Hawking được chọn vào Hội Hoàng gia, hội khoa học lâu đời và có uy tín lớn trên thế giới, khi mới 32 tuổi. 5 năm sau, ông trở thành Giáo sư toán Lucasian tại Đại học Cambridge, một chức vụ quan trọng ở Anh từng được Isaac Newton đảm nhiệm. Hawking giữ vị trí này trong suốt 30 năm, sau đó trở thành giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học Lý thuyết.

Ông tiếp tục có những cống hiến vĩ đại cho khoa học thế giới những năm 1980. Lý thuyết về sự phình to của vũ trụ cho rằng vũ trụ thời sơ khai trải qua quá trình mở rộng mạnh mẽ. Năm 1982, Hawking trở thành một trong những người đầu tiên chỉ ra cách các dao động lượng tử, những biến đổi rất nhỏ trong sự phân bố vật chất, có thể tác động đến sự trải rộng của các thiên hà trong vũ trụ.

Với cuốn sách "A Brief History of Time" (Lược sử thời gian) xuất bản lần đầu năm 1988, Stephen Hawking trở nên đặc biệt nổi tiếng. Cuốn sách lập kỷ lục khi trụ vững trong danh sách bán chạy nhất của tạp chí Sunday Times suốt 237 tuần. Cuốn sách đã bán được 10 triệu bản và được dịch sang 40 ngôn ngữ.

[Image: 3-663711-1368804405-500x0-3920-1521014940.jpg]
Stephen Hawking cùng người vợ đầu tiên, Jane Wilde. Ảnh: Telegraph.

Người vợ đầu tiên của Stephen Hawking là Jane Wilde. Ông kết hôn với Wilde năm 1965, hai năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động. Họ sinh được ba người con là Robert, Lucy, và Timothy.

Năm 1985, trong một chuyến thăm tới Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), Hawking phải nhập viện vì bị nhiễm trùng. Tình trạng của ông nguy kịch đến mức các bác sĩ đề nghị bà Jane cho phép rút ống thở của ông, nhưng bà không đồng ý và ông được chuyển về Cambridge để điều trị. Ca phẫu thuật cứu mạng ông, nhưng khiến ông bị mất giọng và chỉ có thể nói thông qua sự hỗ trợ của máy móc.

Ông và Jane ly dị vào năm 1991, sau thời gian dài chung sống. Năm 1995, ông kết hôn lần thứ hai với Elaine Mason, một nữ y tá. Cuộc hôn nhân này kéo dài 11 năm.

Stephen Hawking từng giành nhiều giải thưởng danh giá như giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley và giải Vật lý Cơ bản. Năm 2009, ông được tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống.

Năm 2012, các nhà khoa học tập trung tại Cambridge để chúc mừng Stephen Hawking bước sang tuổi 70, điều ít người kỳ vọng ông làm được. Dù không thể đến tham dự vì lý do sức khỏe, ông gửi tới các đồng nghiệp lời nhắn nhủ cần tiếp tục công cuộc khám phá vũ trụ vì tương lai nhân loại.

Năm 2015, Stephen Hawking cùng tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak và nhiều chuyên gia khác cảnh báo về nguy cơ trí thông minh nhân tạo hủy diệt thế giới.

Những năm cuối đời, "ông hoàng vật lý" vẫn không ngừng nghiên cứu và đóng góp cho khoa học thế giới. Với những cống hiến của mình, Stephen Hawking được coi là một tượng đài trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.

Thu Thảo
VnExpess.net

Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Stephen Hawking dự đoán kết thúc của vũ trụ trước khi qua đời

Một giả thuyết về vũ trụ song song và dự đoán kết cục vũ trụ được giáo sư Stephen Hawking hoàn thành  chỉ trước khi qua đời hai tuần.

[Image: VNE-Hawking-5757-1521446697.jpg]
Giáo sư Hawking qua đời hôm 14/3, hưởng thọ 76 tuổi. Ảnh: Church Times.

Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Stephen Hawking vẫn làm việc cho đến khi qua đời vào tuần trước với công trình mang tên "A Smooth Exit from Eternal Inflation" đang được một tạp chí khoa học hàng đầu đánh giá, Independent hôm qua đưa tin. Trong công trình cuối cùng này, giáo sư Hawking dự đoán vũ trụ thực sự sẽ kết thúc khi những ngôi sao cạn kiệt năng lượng.

Tuy nhiên, giáo sư Hawking cũng đặt giả thuyết các nhà khoa học có thể tìm thấy vũ trụ song song bằng cách sử dụng tàu thăm dò trên phi thuyền không gian, cho phép con người hình thành hiểu biết sâu sắc hơn về vũ trụ của chúng ta, những thế giới bên ngoài và vị trí của chúng ta trong đó.

Nghiên cứu của giáo sư Hawking được xuất bản cùng với đồng tác giả là giáo sư Thomas Hertog ở Đại học KU Leuven tại Bỉ. "Ông ấy thường được đề cử giải Nobel và đáng ra nên được trao giải. Giờ thì ông ấy không bao giờ có thể nhận giải nữa", giáo sư Hertog chia sẻ về đồng nghiệp quá cố của mình.

Giáo sư Hawking qua đời hôm 14/3 tại nhà riêng ở Cambridge, Anh, hưởng thọ 76 tuổi. Ông mắc dạng hiếm gặp của bệnh neuron thần kinh vận động từ năm 1964, khiến ông phải ngồi xe lăn và chỉ có thể cử động một chút ngón tay.

Để giao tiếp với người khác, giáo sư Hawking sử dụng một thiết bị tổng hợp tiếng nói cho phép ông trò chuyện bằng giọng vi tính với âm điệu Mỹ. Ông trở nên nổi tiếng sau khi xuất bản cuốn sách Lược sử thời gian năm 1988 với hơn 10 triệu bản bán ra trên khắp thế giới. 

Phương Hoa
VnExpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#3
Phương trình giáo sư Stephen Hawking yêu cầu khắc trên bia mộ

Phương trình đơn giản nhưng tóm lược tất cả về hố đen và bức xạ Hawking, là thứ ông hoàng vật lý muốn lưu giữ trên bia mộ của mình.

[Image: VNE-Stephen-Hawking-Equation-9469-1521097471.jpg]
Phương trình tóm tắt phát hiện lớn nhất trong sự nghiệp của giáo sư Hawking về hố đen. Ảnh: Independent.


Trước khi qua đời ở tuổi 76, giáo sư Stephen Hawking đã bày tỏ ý nguyện về dòng chữ ông muốn khắc trên bia mộ. Đó là phương trình hàm chứa mọi phần quan trọng nhất từ phát hiện lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Phương trình mô tả ngắn gọn giả thuyết hố đen không hoàn toàn là màu đen mà phát ra ánh sáng mang tên bức xạ Hawking, theo Independent.

Phát hiện đột phá của giáo sư Hawking không chỉ giúp con người có thêm cách hiểu mới về hố đen mà cả cách vũ trụ phát triển và thay đổi theo thời gian. Phương trình được trình bày chỉ với một vài ký tự như dưới đây:

Chữ S ở vế trái của phương trình  là entropy, một phần phức tạp nhưng không thể thiếu của hố đen, có thể hiểu như thước đo mức độ mất trật tự của một hệ thống. Đôi khi, ký hiệu này được viết kèm chữ "BH" nhỏ ở bên cạnh, viết tắt cho họ của giáo sư Hawking và Jacob Bekenstein, một nhà khoa học khác có nhiều đóng góp giúp con người hiểu rõ hơn về hố đen.


Phần còn lại của phương trình là những đại lượng cần thiết để tính toán entropy. Ký hiệu h là hằng số Planck rất quan trọng trong cơ học lượng tử; G là hằng số Newton, được sử dụng để đại diện cho lực hấp dẫn; A là vùng chân trời sự kiện; c là vận tốc ánh sáng nổi tiếng trong công thức của Albert Einstein; k là hằng số Boltzmann thể hiện quan hệ giữa năng lượng và nhiệt độ.

Phương trình có vẻ hơi phức tạp. Tuy nhiên, giáo sư Hawking đã đưa ra một giải thích vô cùng đơn giản về quá trình ông rút ra công thức này.

"Tôi băn khoăn liệu có thể tồn tại những nguyên tử, trong đó hạt nhân là một hố đen nguyên thủy tí hon, hình thành trong vũ trụ thuở sơ khai hay không?", giáo sư Hawking viết nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60. "Để giải đáp vấn đề này, tôi nghiên cứu các trường lượng tử có thể phân tán một hố đen như thế nào. Tôi dự đoán một phần sóng tới sẽ bị hấp thụ và phần còn lại sẽ bị phân tán".

"Nhưng tôi vô cùng kinh ngạc khi nhận thấy dường như có bức xạ phát ra từ hố đen. Lúc đầu, tôi nghĩ đó hẳn là sai lầm trong khi tính toán của tôi. Nhưng tôi bị thuyết phục bức xạ này có thật bởi nó chính xác là những gì cần thiết để xác định chân trời sự kiện bằng entropy của một hố đen. Tôi muốn khắc công thức đơn giản này lên bia mộ của tôi", giáo sư Hawking chia sẻ.

Phương Hoa 
VnExpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#4
Con gái nuôi Việt Nam kể về những ngày bên Stephen Hawking

Biết tin cha đỡ đầu Stephen Hawking qua đời, chị Thu Nhàn sững người, buồn và hụt hẫng dù không gặp lại ông gần 20 năm qua.

Xé tờ lịch treo tường ngày 14/3/2018, chị Nguyễn Thị Thu Nhàn xếp cạnh những bức ảnh kỷ niệm với ông Stephen Hawking chị đã giữ gìn cẩn thận 20 năm qua. "Để luôn nhớ ngày này bố mình ra đi", chị cho biết. Dù trên giấy tờ, chị là con đỡ đầu của ông, nhưng ông luôn gọi chị là con nuôi.

Sáng hôm đó, đang đứng trong bếp, chị sững người khi được một phóng viên báo về sự việc xảy ra cách đây hơn 9.000 km. Người bố thứ hai c ủa chị qua đời ở tuổi 76 vào rạng sáng 14/3 tại Cambridge, Anh. Ông Hawking sinh trùng ngày mất của nhà thiên văn học, vật lý học Italy Galileo (8/1) và mất trùng ngày sinh của thiên tài vật lý Đức Albert Einstein, cũng là ngày kỷ niệm số Pi (14/3).

Với chị Nhàn, ông không chỉ là một nhà vật lý, thiên văn học nổi tiếng thế giới, mà còn là một người bố nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu chiều con. Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân nhiều năm nay, chị vẫn để ảnh hai bố con chụp chung, để cứ mở máy ra là thấy bố. "Càng lúc này, tôi càng muốn thấy ông lần cuối, nhưng điều đó không thể thực hiện được vì điều kiện kinh tế không cho phép", chị Nhàn cho biết, hai ngày sau khi ông qua đời.

Năm 1989, bố mẹ ruột chị Nhàn mất cùng một ngày trong một vụ đắm đò, khiến chị mồ côi từ nhỏ. Một năm sau, 4 anh em chị được vào làng trẻ em SOS ở Hà Nội. Mỗi đứa trẻ ở làng đều có cha, mẹ đỡ đầu, và khi Stephen Hawking ngỏ ý muốn nhận con đỡ đầu người Việt Nam, chị Nhàn ngẫu nhiên được chọn. Với chị, được làm con của ông là "điều ngẫu nhiên tuyệt diệu nhất".

[Image: hawking-9852-1521292074.jpg]
Ông Hawking biểu diễn màn xoay vòng với xe lăn tại làng trẻ em SOS. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau thời gian trao đổi thư qua lại với chị Nhàn thông qua quản lý làng SOS, nhân một chuyến công tác ở Nhật Bản, ông Hawking bí mật cùng vợ Elaine Mason đến Việt Nam cuối năm 1997, lần đầu gặp chị Nhàn tại làng trẻ. Khi đó, ông Hawking biểu diễn cho trẻ mẫu giáo trong làng bằng cách bấm nút điều khiển xe lăn, quay tròn, làm các cháu vỗ tay thích thú.

Trước đó chỉ nhìn qua hình ảnh, chị Nhàn, khi đó mới khoảng 16 tuổi, ngỡ ngàng khi thấy bố giỏi đến vậy dù tứ chi hầu như không cử động được. Lòng cảm phục trước nghị lực phi thường của bố, chị ôm ông, đỡ đầu ông dậy để thể hiện tình cảm. Còn ông nói chuyện với chị bằng tiếng nói giả phát ra từ máy tính và qua một người phiên dịch. Có lúc ông nhướn mày, dùng ánh mắt để giao tiếp.

Trong chuyến thăm, vợ chồng ông dẫn chị đi chơi Bờ Hồ, mua từ điển tiếng Anh. Ông chọn vải, chọn dáng cho chiếc áo dài đầu tiên của chị ở một cửa hiệu nổi tiếng tại Hà Nội. Còn chị tặng bố mẹ đỡ đầu món đồ trang trí tự tay làm từ những dải ruy băng.

Ba ngày ngắn ngủi trôi qua, cuộc chia tay ở làng SOS đẫm nước mắt, khi cả hai bố con cùng khóc, nắm tay, níu kéo mãi không rời. Cảnh tượng cũng khiến mẹ nuôi, người trợ lý và nhiều người xung quanh không khỏi xúc động.

Hai năm sau, vì ông Hawking là trường hợp đặc biệt, chị Nhàn được đưa tới Anh trong gần hai tháng ở cùng cha mẹ đỡ đầu. Trong hành lý của chị khi đó có bánh đa, nấm hương và mộc nhĩ để chị trổ tài rán nem Việt Nam thết đãi gia đình. Tuy nhiên, ông Hawking ăn bằng ống xông nên không thể ăn thử nem chị làm.

Vì thời gian bên con ngắn ngủi, ông tận dụng triệt để đưa con đi mua sắm quần áo, đi thuyền ở Cambridge, thăm vườn thú, lên đu quay London khổng lồ. Trong thời gian ở Anh, chị còn có cơ hội học tiếng tại đại học Cambridge, nơi ông Hawking giảng dạy. Ông Hawking lo cho con từ giấc ngủ, cứ 21h là con phải đi ngủ.

Còn mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, ông điều khiển xe lăn tới cầu thang với gọi con, khi chị Nhàn đang ở tầng hai. "Thu Nhàn, Thu Nhàn. Bố đi làm", tiếng nói phát ra từ cỗ máy thông minh. Lúc đó, chị chạy ngay xuống gặp bố để tạm biệt. 

Không hiểu nhiều về những lý thuyết hố đen vũ trụ ông nghiên cứu, nhưng chị Nhàn nhớ như in lời căn dặn người bố bác học: "Bằng nghị lực của mình, con phải cố gắng học. Muốn trưởng thành, chỉ có con đường duy nhất là phải học, không được dựa dẫm vào điều gì mà không phấn đấu học. Bố như thế này nhưng vẫn không ngừng cố gắng, phấn đấu".

Thời gian ở Anh với chị Nhàn như một giấc mơ đẹp không thể quên trong cuộc đời. Về Việt Nam, chị vẫn tiếp tục liên lạc qua thư với bố mẹ. Dịp lễ tết, Giáng sinh, chị vẫn được vợ chồng ông gửi thư, thiệp mừng, đôi lúc có cả tiền.
[Image: thu-nhan-2-3534-1521292074.jpg]
Chị Nhàn cùng ông Hawking, bà Elaine tại Anh năm 2000. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Bố con đang yếu hơn một chút Thu Nhàn ạ, nhưng bố vẫn làm việc và du lịch (bố mẹ đã đến Trung Quốc hồi tháng 8). Bố vẫn đầy lòng quyết tâm làm việc hết sức mình", bà Elaine viết thư gửi chị Nhàn ngày 19/9/2002.

Hai ông bà dành phần lớn bức thư để hỏi thăm tình hình cuộc sống của con gái nuôi. "Giờ con đang sống ở đâu? Con định thuê nhà và ở chung với người khác ư? Con có những người bạn nào? Con được trả bao nhiêu tiền cho khoảng thời gian dài đi làm? Tiền thuê nhà con sẽ phải trả bao nhiêu? Bố con và mẹ muốn biết điều đó để hiểu rõ hơn những khó khăn có thể con đang phải trải qua. Bố mẹ gửi tình thương yêu đến con Thu Nhàn", bà viết.

Từ năm 2006, chị mất liên lạc với cha mẹ đỡ đầu sau khi bà Elaine ly hôn với ông. Điều kiện địa lý và kinh tế cũng khiến chị khó tới Anh thăm lại cha từ đó đến nay. Năm 2015, cả nhà cùng đi xem phim về cuộc đời ông tại Hà Nội.

Người phụ nữ 39 tuổi hiện sống cùng chồng và hai con nhỏ trong một căn nhà hai tầng trên đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Hai vợ chồng kiếm sống bằng nghề kinh doanh quán ăn.

Có lần xem ảnh Hawking, con chị hỏi: "Ông ngoại đây hả mẹ?". Chị gật đầu: "Các con thấy đấy, ông ngoại tàn tật là thế nhưng rất giỏi, khiến bao người phải nể phục". Chị Nhàn căn dặn con cố gắng học tập, mong con được dù chỉ một phần như ông ngoại. Cô con gái cả của chị hiện học lớp 7, nhiều năm là học sinh giỏi.

Bày những kỷ vật của cha đỡ đầu ra bàn, chị ngăn con trai nghịch chiếc máy ảnh phim mua ở Anh vì sợ hỏng. Với chị, nó như báu vật, cất giữ kỹ như "bảo tàng". Cuốn từ điển cha mẹ tặng được chị truyền cho em gái, trước khi gửi lại làng SOS cho các em học tiếng Anh. Còn chiếc áo dài tuổi đời 20 năm trông vẫn còn mới nhờ được gìn giữ cẩn thận, thỉnh thoảng chị vẫn diện. Chị mong muốn sau này con gái lớn sẽ mặc chiếc áo dài ông Hawking tặng chị.

Quote:
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 ở Oxford, Anh. Ông được nhận vào Đại học Oxford để nghiên cứu khoa học tự nhiên năm 1959 trước khi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại học Cambridge. Giáo sư Hawking bị bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ASL) và mất hoàn toàn khả năng nói năm 1985. Ông nêu giả thuyết về hố đen phát ra "bức xạ Hawking" năm 1974. Giáo sư Hawking xuất bản cuốn sách Lược sử thời gian năm 1988 với hơn 10 triệu bản bán ra. Câu chuyện cuộc đời ông là chủ đề của bộ phim Thuyết Vạn vật năm 2014 do Eddie Redmayne thủ vai.

Trọng Giáp
VnExpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#5
Bức xạ Hawking - giả thuyết làm nên tên tuổi ông hoàng vật lý

Nhiều nghiên cứu của Stephen Hawking có sức ảnh hưởng lớn đối với khoa học thế giới, trong đó có giả thuyết hố đen phát ra bức xạ Hawking. 
 
[Image: SH-trong-bai-3245-1521100704.jpg]
Stephen Hawking có những đóng góp lớn cho khoa học vũ trụ. Ảnh: Unilad.

Một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất của giáo sư Stephen Hawking là giả thuyết về hố đen phát ra bức xạ Hawking, góp phần mang đến cái nhìn mới về vũ trụ, Independent hôm qua đưa tin. Theo đó, hố đen không hoàn toàn đen mà phát ra một số loại bức xạ nhất định.

Bức xạ Hawking mới chỉ là lý thuyết và chưa được chứng minh trong thực tế. Những nét sơ lược của giả thuyết này được đưa ra lần đầu năm 1974. Nó miêu tả các hiệu ứng kỳ lạ có thể được nhìn thấy, đặc biệt là xung quanh những hố đen rất nhỏ, nơi bức xạ phát ra.

"Phát hiện của Stephen đã hé lộ mối liên kết sâu sắc và bất ngờ giữa lực hấp dẫn và thuyết lượng tử. Ông ấy dự đoán hố đen không hoàn toàn đen mà phát ra bức xạ một cách đặc thù", Martin Rees, giáo sư danh dự về vũ trụ và vật lý học thiên thể tại Đại học Cambridge, giải thích.

"Bức xạ này chỉ đáng kể với những hố đen nhỏ hơn các ngôi sao nhiều lần, và chúng vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, bức xạ Hawking có liên quan mật thiết đến vật lý toán học. Thực chất, một trong những thành tựu chính của lý thuyết dây là củng cố cho ý tưởng của ông. Đó vẫn là lý thuyết giành được sự quan tâm lớn, là chủ đề gây tranh luận suốt hơn 40 năm sau khi được ông phát hiện", giáo sư Rees bổ sung.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để biến lý thuyết đó thành các quan sát thực tiễn. Tuy nhiên, vì hố đen xuất hiện rất đặc biệt và khó quan sát nên họ vẫn chưa thể nhìn thấy bức xạ được cho là bao quanh chúng.

Điều đó không có nghĩa là các nhà khoa học sẽ không bao giờ tìm ra những bằng chứng cụ thể. Những nghiên cứu nhờ Máy Gia tốc Hạt lớn của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) và việc phát hiện sóng hấp dẫn đã mang đến nhiều thông tin quý giá về hố đen. Nhờ đó, nhiều người hy vọng lý thuyết nổi tiếng của Stephen Hawking sẽ được chứng minh trong những năm tới.

Thu Thảo
3/2018
vnexpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#6
Ông hoàng vật lý Stephen Hawking: 'Tôi không sợ chết'

Hơn nửa thế kỷ chung sống với căn bệnh hiểm nghèo mang đến cho ông hoàng vật lý thái độ bình thản trước cái chết.


[Image: VNE-Hawking-3823-1521103966.jpg]
Giáo sư Hawking chia sẻ ông còn nhiều điều muốn làm trước khi chết. Ảnh: Telegraph.

Giáo sư Stephen Hawking qua đời tại nhà riêng ở Cambridge, Anh, vào sáng hôm qua, hưởng thọ 76 tuổi. Ông đã sống với tinh thần sẵn sàng đón nhận cái chết trong gần suốt cuộc đời. Khi giáo sư Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh neuron thần kinh vận động ở tuổi 21, các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm vài năm nữa. Nhưng giáo sư Hawking đã sống tiếp hơn 50 năm, tiếp tục khám phá những bí mật sâu thẳm của vũ trụ đồng thời trở thành một phép màu của y học, theo Independent.

Giáo sư Hawking nói nhiều năm chung sống với bệnh tật cùng với chẩn đoán kèm theo mang đến cho ông cách tiếp nhận bình thản với cái chết của chính mình. Nhưng ông luôn có quá nhiều điều muốn làm thêm trước khi cái chết đến. "Tôi đã sống với chẩn đoán sẽ chết trẻ trong 49 năm qua. Tôi không sợ chết, nhưng tôi không vội chết. Tôi có quá nhiều việc muốn làm trước", giáo sư Hawking chia sẻ với Guardian trong một cuộc phỏng vấn năm 2011.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, giáo sư Hawking phủ nhận niềm tin vào thế giới bên kia, và cho biết ông không mong chờ đón nhận bất kỳ điều gì sau khi chết. "Tôi xem bộ não như một chiếc máy vi tính sẽ ngừng hoạt động khi linh kiện hỏng hóc. Không có thiên đường hay thế giới bên kia cho những cỗ máy vi tính bị hỏng. Đó là truyện thần tiên dành cho những người sợ bóng tối", giáo sư Hawking nói.

Theo giáo sư Hawking, cuộc sống ở thế giới bên kia không phải là lý do để mọi người cư xử tốt khi còn sống. "Chúng ta nên tìm cách để mỗi hành động của chúng ta có giá trị lớn nhất", giáo sư Hawking nhấn mạnh.

Giáo sư Hawking từ lâu đã trở thành một nhà phê phán đối với những quan niệm về cuộc sống ở thế giới bên kia và Thượng đế toàn năng. Ông nói việc tin vào thần thánh trước khi có hiểu biết về khoa học là điều tự nhiên, nhưng khoa học ngày nay mang đến những lý giải rõ ràng hơn.


Một số người mê tín từng sử dụng tác phẩm của giáo sư Hawking để khuyến khích niềm tin vào Thượng đế. Giáo sư Hawking từng khép lại cuốn sách Lược sử thời gian nổi tiếng bằng dòng chữ: "Đây sẽ là chiến thắng tối hậu cho lý luận của con người, bởi vì khi đó chúng ta sẽ biết được ý nghĩ của Thượng đế".

Nhưng giáo sư từng giải thích trong cuốn Thiết kế vĩ đại (The Grand Design) xuất bản năm 2010 rằng bình luận đó chỉ mang tính ẩn dụ. "Khi viết 'chúng ta sẽ biết được ý nghĩ của Chúa', ý tôi là chúng ta sẽ biết mọi điều mà Thượng đế biết, nếu thực sự có Thượng đế. Nhưng vốn không có Thượng đế nào cả. Tôi là người theo chủ nghĩa vô thần", El Mundo dẫn lời giáo sư Hawking.

Phương Hoa
vnexpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply