Phật Học Thường Thức-Trang Hỏi Đáp: Hiểu đúng về chữ "nợ" khi con bất hiếu.
#76
Người ngoại đạo có thể vào chùa tịnh tâm?


GN - HỎI: Tôi là một người theo đạo có nguồn gốc Tây phương. Nay vì hoàn cảnh cuộc sống có phần bế tắc, nhiều lúc thật sự tôi không muốn sống nữa nhưng vì gia đình nên phải cố gắng trong mệt mỏi. Xin hỏi một người ngoại đạo như tôi có thể lên chùa xin ở lại để tịnh tâm một thời gian có được không?

(VÂN NGUYỄN,
sallyn.0311@gmail.com)



[Image: cuathien.jpg]
Cửa thiền nghiêm tịnh - nơi mọi người tìm tới tĩnh tâm một cách tùy duyên - Ảnh minh họa


ĐÁP:

Bạn Vân Nguyễn thân mến!

Một cách tổng quan thì cửa Phật từ bi, luôn rộng mở đón tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, thành phần xã hội. Chùa là của thập phương nên ai cũng có thể đến chùa chiêm bái, tu học, tịnh dưỡng, suy nghiệm, thiền định.

Tuy vậy, thực tiễn thì còn tùy nhân duyên của bạn với ngôi chùa và vị trụ trì. Nếu được vị trụ trì cho phép thì bạn có thể lưu trú tại chùa để tịnh dưỡng, nghiên cứu, tu học. Nếu vị trụ trì chưa cho phép thì xem như mình chưa đủ duyên, cần gieo duyên với chùa khác vậy.

Bạn cứ đến chùa, xin gặp vị trụ trì và trình bày ý nguyện để gieo duyên. Mỗi chùa có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nên phải đủ duyên lành mới được lưu trú, tịnh dưỡng. Thiết nghĩ, những ngôi chùa có điều kiện về cơ sở vật chất, khá đông Phật tử lưu trú tu học (ngắn hoặc dài hạn) sẽ dễ dàng tiếp nhận bạn hơn.

Chúc các bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#77
Vì sao dạo này tôi không tụng kinh được nữa?



GN - HỎI: Tôi là Phật tử, năm nay 23 tui, lúc trưc tôi có ăn chay trưng đưc 4 năm. Gn đây, vì đi học nên tôi không thể ăn chay được, phải ăn uống bình thường. Tôi không biết như vậy có sao không? Có điu này, khi tôi ăn chay, dù không phát nguyn nhưng tôi tụng kinh mỗi ngày. Còn bây giờ khi không ăn chay tôi cũng không tng kinh được nữa. Vì sao?

(HOÀNG SƠN,
lyhoangson199313@yahoo.com.vn)



[Image: img_2978.jpg]
Nhiều thanh niên hiểu được lợi ích tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền đã đến chùa hằng đêm - Ảnh minh họa

ĐÁPBạn Hoàng Sơn thân mến!

Trước đây bạn đã ăn chay trường được 4 năm, nay vì hoàn cảnh đi học nên không duy trì được nữa thì thật tiếc. Tuy nhiên, mỗi tháng bạn nên phát nguyện ăn chay ít nhất từ hai ngày trở lên. Đạo Phật khuyến khích tín đồ Phật tử ăn chay nhưng không bắt buộc trường chay nên bạn cứ giữ chay kỳ (mỗi tháng hai hoặc bốn ngày) rồi yên tâm học hành.

Còn việc siêng năng tụng kinh không phải do ăn chay hay mặn mà chính là do tâm và nguyện của bạn. Ăn chay là một trợ hạnh tích cực cho lộ trình tu học. Thực tiễn của bạn cho thấy, nhờ ăn chay nên bạn giảm bớt tiệc tùng, liên hoan, đàn đúm… với bạn bè; các ngoại duyên không chi phối bạn nhiều nên bạn siêng năng kinh kệ hơn.

Còn bây giờ, bạn đang ở một môi trường học tập mới, bạn bè đông, nhiều lo toan vất vả, nói chung là ngoại duyên chi phối bạn nhiều hơn. Vì bạn chưa đủ sức mạnh nội tại, tâm duyên theo ngoại cảnh nên không ‘trở về’ được với kinh kệ, với chính mình.

Vì thế, bạn cần phải xác định đúng nguyên nhân, không phải vì không ăn chay mà vì ngoại cảnh đang chi phối bạn mãnh liệt, khiến bạn xao lãng. Sau khi thấy rõ rồi, bạn cần mạnh mẽ phát nguyện quay về nương tựa Tam bảo, tinh tấn tụng kinh, ngồi thiền và tu học nói chung. Tốt nhất là bạn hãy gieo duyên tu học với một đạo tràng gần ngôi trường đang học để được trợ duyên mà tiến tu, học tốt.

Chúc các bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#78
Phúc họa cũng từ đây

GN - HỎI: Tôi kêu gọi gây quỹ, đóng góp tiền bạc từ nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước để làm từ thiện, bố thí, phóng sinh, in kinh… và hồi hướng công đức phước báo cho những người đóng góp. Tôi hoàn toàn không dùng tiền bá tánh ấy vào việc riêng tư. Vậy tôi có được phước hay có gì mang tội không? Nếu có thì tội phước ấy theo nhân quả như thế nào?
(HỒNG NGỌC, dhn.hngoc@gmail.com)


[Image: chungtay.jpg]
Chung tay nuôi dưỡng mầm thiện - Ảnh minh họa


ĐÁP: Bạn Hồng Ngọc thân mến!

Dấn thân phụng sự cho tha nhân là điều tốt, việc lành, mọi người đều nên làm. Trong mỗi thiện pháp đều có sự hợp lực, kẻ góp của người giúp công, và tất cả đều được lợi ích. Bạn tuy không góp tiền nhưng đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức cùng uy tín cá nhân mới có thể kêu gọi mọi người chung tay gây quỹ làm việc thiện, dĩ nhiên bạn có phước.

Vấn đề là tâm người vô thường, tâm trước khác với niệm sau, theo thời gian và hoàn cảnh mọi thứ đều thay đổi. Bạn có giữ được tâm nguyện như buổi ban đầu hay không, tất cả tùy thuộc vào bạn. Trong khi hầu hết mọi người tham gia vào việc thiện đều lấy lòng tin, tin vào cái thiện tâm của bạn và mọi người để cùng làm. Nên tuy có báo cáo hoạt động, chứng từ thu chi hàng tháng hay quý/năm nhưng gần như chẳng có thanh tra, kiểm toán một cách chính thức nào cả.

Đứng trước thách thức tiền bạc ngày càng nhiều (nếu hoạt động từ thiện thành công), quá trình quản lý tiền bạc ấy khá lỏng lẻo, tâm tham ái lại luôn dấy khởi thôi thúc… mà bạn vẫn giữ được sơ tâm (tâm thiện lành trong veo lúc mới bắt đầu) thì thật tuyệt vời, bạn gặt hái công đức phước báo vô lượng. Ngược lại, bạn không giữ được sơ tâm, vận dụng tiền bạc của bá tánh sai mục đích thì ngay đó họa liền sinh.

Bạn làm từ thiện đúng pháp thì được phước báo đủ đầy. Bạn làm sai pháp thì phước báo bị tổn giảm, nếu không kịp thời phản tỉnh dừng lại đến khi phước hết thì sự nghiệp bỗng chốc sụp đổ. Vì mắc nợ đàn-na tín thí nên tương lai bạn phải trả báo trong nhiều hình thức cho đến khi hết nợ. Nhân quả luôn nghiêm minh, rõ ràng, không bỏ sót bất cứ ai và việc gì. Bạn có thể tâm niệm câu “Phước hay họa cũng từ đây” để tự răn nhắc mình tỉnh giác trong công việc từ thiện mà dấn thân phụng sự ngày một hiệu quả hơn, để bạn và mọi người cùng xã hội đều được lợi ích.


GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#79
Bên hiếu bên tình

GN - HỎI: Tôi (25 tuổi) và anh (29 tuổi) đều là nam, quen nhau đã được 5 năm và sống chung với nhau gần 2 năm, hiện đã có nghề nghiệp và cuộc sống tạm ổn định. Tôi và anh hiện đã trở thành Phật tử, quy y Tam bảo, giữ gìn 5 giới, sống thủy chung và đồng hành trong tu học cũng như phụng sự. Cách đây 2 năm, khi mối quan hệ của chúng tôi bị phát hiện, cả hai gia đình đều phản đối, bố mẹ đã thẳng thừng tuyến bố từ tôi mãi mãi và cấm tôi quay lại. Chính vì vậy anh đã quyết định bỏ đi và chúng tôi phải vào Nam lập nghiệp.

Thời gian qua, tôi luôn dằn vặt khi nghĩ về bố mẹ. Phải chăng tôi là kẻ tội đồ, làm cho song thân buồn đau, và cũng khiến anh vì tôi mà phải bất hiếu với gia đình, trong khi anh lại là con một, bố mẹ anh cũng đã có tuổi. Tôi luôn tự hỏi liệu chúng tôi có đang sống đúng với lời dạy của Đức Phật hay không? Liệu đây có phải là quả báo cộng nghiệp mà hai đứa phải gánh chịu? Mùa Vu lan đến, ngẫm nghĩ lại càng đau và phiền não hơn. Những dịp lễ Tết quan trọng, anh không muốn về, tôi thì không dám quay về. Chúng tôi chỉ âm thầm cầu nguyện cho song thân khỏe mạnh, bình an.

Chúng tôi mang trong mình mặc cảm tội lỗi bất hiếu, bi quan và bế tắc không biết cách nào giải quyết. Có nhà mà không thể về, cha mẹ ngày một già yếu mà không thể trông lo. Tôi chân thành mong quý Báo Giác Ngộ cho tôi những lời khuyên, để chúng tôi có thể tiếp tục sống, vững tin tu tập theo Chánh pháp. 
(THIỆN PHÚC, hduc…316@gmail.com)



[Image: anhtvabn%202.jpg]
Hôn nhân đồng giới đã được một số quốc gia chấp nhận - Ảnh minh họa



ĐÁP: Bạn Thiện Phúc thân mến!

Chuyện tình cảm của hai bạn tuy có chút khác thường (thực chất là bình thường) vì không giống với số đông nên gia đình phản đối dữ dội, thậm chí có phần giận dữ cực đoan nên các bạn đành phải ly hương viễn xứ. Tận trong bản chất, hai bạn đều tử tế, biết quy Phật và làm thiện, có ăn học, thương kính cha mẹ. Có điều khi sự cố xảy ra, hai bạn đã phản ứng có phần nông nổi, dứt áo ra đi khá vội vàng khiến chuyện hàn gắn tình cảm gia đình ngày càng nan giải.

Hẳn các bạn cũng biết, bố mẹ nào mà chẳng thương con, hy vọng con nên người. Càng thương con, hy vọng vào con bao nhiêu thì khi thất vọng bố mẹ càng khổ đau và tức giận bấy nhiêu. Các bạn có tình yêu đồng tính cũng không có gì lầm lỗi cả nhưng với bố mẹ thì đó là “nghiệp chướng”, “tội đồ”. Do không thấu hiểu để đồng cảm, bố mẹ đã đổ vỡ biết bao niềm hy vọng, sụp đổ bao niềm tự hào, trong cơn giận cùng cực đã buông lời từ con, quyết định tống khứ bạn vĩnh viễn.

Mấu chốt của vấn đề nằm ngay nơi những người có liên quan đưa ra những quyết định quan trọng trong khi tức giận. Dĩ nhiên, những quyết định này không thể sáng suốt và chính xác bằng khi bình tĩnh, lúc cơn giận đã nguôi ngoai. Phải chi ngày đó hai bạn bình tĩnh hơn, phản ứng chậm lại một chút để tìm cách tháo gỡ vấn đề thì không rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như bây giờ.

Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn vì cuối cùng thì hai bạn đã biết hướng tâm về cội nguồn, cha mẹ là tất cả, là lẽ sống mà không có gì có thể thay thế được. Chính thiện tâm, hiếu tâm này là sợi chỉ đỏ soi đường để dẫn dắt hai bạn trở về. Hai bạn phải trở về! Ra đi được thì trở về được. Trở về với cha mẹ thì không có gì phải hổ thẹn, mặc cảm cả. Hai năm bặt vô âm tín là khoảng thời gian đủ để mọi người tự nhìn lại mà bao dung hơn và chấp nhận thực tại.

Các bạn là Phật tử, là người đồng tính. Các bạn yêu thương và thủy chung với nhau cũng không làm gì sai với lời dạy của Đức Phật. Bởi Ngài không cấm đoán, không kỳ thị hôn nhân đồng tính. Xã hội hiện đại cũng đang dần chấp nhận hôn nhân đồng tính trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, bạn hãy sống với giới tính thật của mình, và hãy sống thiện lành với các phẩm chất tốt đẹp của người đệ tử Phật.

Cái “quả báo cộng nghiệp mà hai đứa phải gánh chịu” hiện nay phần lớn là do nơi cái nhân ứng xử thiếu khéo léo trước đây của hai bạn. Nên hai bạn hãy mau chóng trở về sám hối cha mẹ vì sự nông nổi của mình, cầu mong cha mẹ tha thứ cho quyết định sai lầm quyết dứt áo ra đi của ngày xưa. Thiết nghĩ, thời gian qua bố mẹ và gia đình của hai bạn đã hiểu nhiều hơn về người đồng tính để bao dung và yêu thương hơn với chính con cái của mình. Bởi đồng tính cũng như dị tính nên vốn không có lỗi, lầm lỗi ở nơi con người chứ không phải giới tính.

Quan trọng là sự chân thành của hai bạn. Cha mẹ là thiêng liêng và duy nhất. Hiện các vị đã như chiếc lá vàng, như trái chín trên cây. Thời gian sẽ không chờ đợi hai bạn nên cần nhanh chóng làm ngay việc cần làm. Bạn “mặc cảm tội lỗi bất hiếu” là cần thiết nhưng không nên “bi quan và bế tắc” khi chưa trở về sám hối. Nếu trở về một lần chưa được thì nhiều lần. Hãy sám hối và kính thương cha mẹ như bất cứ người con hiếu nào. Hy vọng bố mẹ của hai bạn sẽ thấu hiểu hơn, nguôi ngoai chuyện xưa mà thông cảm chấp nhận sự trở về của hai bạn.

Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#80
Phương thức tu tập chứng đắc bốn quả Thánh

GN - HỎI: Xin cho biết về Bốn quả Thánh? Phương thức tu tập để thành tựu các Thánh quả ấy thế nào?

(HOÀI NAM, Long Phước, Q.9, TP.HCM)

[Image: anhtuvan.jpg]

ĐÁP:

Bạn Hoài Nam thân mến!

Bốn quả Thánh là Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm và Tứ quả A-la-hán. Thành tựu Thánh quả A-la-hán là mục tiêu tối hậu, giải thoát hoàn toàn mọi chi phối của phiền não sanh tử, chứng đắc Niết-bàn. “Sanh đã tận, lậu đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Pháp hành cốt tủy để thành tựu các quả vị Thánh là tu tập Giới-Định-Tuệ. Tu tập Giới tức giữ Giới và Luật, thực hành các phương thức phòng hộ, trợ duyên cho thiền định. Tu tập Định (hay thiền Chỉ) là an trú vào các đề mục để thanh lọc và tịnh hóa tâm. Định tâm tăng tiến theo các cấp độ từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền cho đến Tứ thiền.

Sơ thiền là trạng thái hỷ lạc nhờ sự xả ly (Ly sanh hỷ lạc), hành giả vượt qua rào cản của năm triền cái (Trạo cử, Hôn trầm, Dục, Sân và Nghi).

Tăng cường định lực, hợp nhất chủ thể và đối tượng tư duy (tuy chưa thuần), hỷ lạc sung mãn hơn, hành giả bước vào Nhị thiền (Định sanh hỷ lạc).

Buông xả các cảm thọ lạc do định sanh, an trụ trong tĩnh lặng, hành giả bước vào Tam thiền (Ly hỷ diệu lạc).

Tứ thiền là trạng thái tâm hành giả trở nên bất động, buông xả tuyệt đối, nhất như (Xả niệm thanh tịnh).

Tu tập Tuệ (thiền Quán) là thực hành Bát chánh đạo và Tứ niệm xứ để bước vào bốn quả Thánh. Theo kinh Sư tử hống (Trung A-hàm, 24), từ Tứ thiền, hành giả chuyên tâm tu tập thiền quán Vô thường, Vô ngã, đoạn trừ mười kiết sử (Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục, Sân [hạ phần], Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh [thượng phần]) để lần lượt chứng đắc bốn quả Thánh.

Sơ quả Tu-đà-hoàn, còn gọi Nhập lưu hay Thất lai. Hành giả phát huy tuệ giác thiền quán quét sạch ba kiết sử Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ. Bậc Sơ quả biết rõ thân và tâm vô thường; dứt trừ hoài nghi về Tam bảo, hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng; tin tưởng tuyệt đối vào nhân quả, trì giới, bố thí, tham thiền, không còn mê tín. Bậc Sơ quả còn bảy lần tái sanh nữa để tiếp tục tu tập chứng đạt quả tối thượng.

Nhị quả Tư-đà-hàm, còn gọi Nhất lai, là quả vị đã đoạn trừ ba kiết sử đầu và làm suy yếu hai kiết sử kế tiếp là Dục và Sân. Bậc Nhị quả còn một lần tái sanh nữa để tiếp tục tu tập chứng đạt quả tối thượng.

Tam quả A-na-hàm, còn gọi Bất lai, là quả vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục và Sân). Bậc Tam quả không bị tái sanh vào cõi Dục, thường sanh vào cõi Sắc hoặc Vô sắc, từ đó tu hành và chứng đạt quả tối thượng.

Tứ quả A-la-hán, quả vị đã đoạn trừ hoàn toàn mười kiết sử, gồm năm hạ phần kiết sử nói trên và năm thượng phần kiết sử (Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh). Hữu ái tức luyến ái sự hiện hữu, trú vào cõi Sắc. Vô hữu ái tức ưa thích sự không hiện hữu, trú vào cõi Vô sắc. Mạn là tâm kiêu mạn, chấp thấy có sự chứng đắc. Trạo cử, sự dấy động của tâm, kể cả sự thao thức về chứng ngộ. Vô minh là si mê, mê mờ vì các kiết sử ngăn che. Quả vị A-la-hán còn gọi là Vô sanh, không còn tái sanh, chấm dứt sinh tử luân hồi, chứng đắc giải thoát Niết-bàn.

Ngoài ra, còn một con đường khác hướng đến Niết-bàn bằng cách từ Tứ thiền, hành giả tiếp tục đi sâu vào Định, nhập vào cõi Vô sắc của Tứ không định. Từ định Vô sở hữu xứ tu tập Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), nhập Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu.

Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#81
Trời nóng có được ở trần tọa thiền?


GN - HỎI: Trong những ngày thời tiết quá nóng bức, khi tọa thiền (hoặc niệm Phật), tôi mở quạt lớn cho mát có ảnh hưởng gì đến công phu tu tập không? Tôi biết có một số người tọa thiền trong phòng riêng vì nóng quá nên ở trần, điều đó có nên không? Vì sao?


(NGUYÊN HUY, Q.8, TP.HCM)


[Image: hanhthien.jpg]
Một thời hành thiền của Phật tử



ĐÁP:


Bạn Nguyên Huy thân mến!


Thời tiết là một trong những ngoại duyên quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của buổi tọa thiền. Kham nhẫn với mọi biến động như nóng bức, lạnh lẽo… của thời tiết là phận sự của hành giả tu thiền. Trong những ngày thời tiết quá nóng bức, quả thật không dễ chịu chút nào cho những người mới thực tập tọa thiền (hoặc niệm Phật). Vì thế, nếu nơi ngồi thiền quá nóng, thiền giả vẫn có thể sử dụng quạt.


Tuy nhiên, việc sử dụng quạt trong khi ngồi thiền cũng cần nhiều điều lưu ý. Không nên mở quạt chạy quá mạnh (tốc độ lớn) gây ra ồn náo, rất khó nhiếp tâm. Hạn chế đến tối đa để luồng gió mạnh thổi trực tiếp vào người vì có thể bị trúng gió. Nên mở quạt với tốc độ thấp nhất, hướng gió được đảo đều và vị trí quạt phải cách khá xa nơi ngồi thiền.


Không nên ở trần tọa thiền, dù ở trong mật thất hay phòng riêng, vì thiếu trang nghiêm và nhất là ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Cần chuẩn bị các loại y phục màu trắng sáng, mềm, mỏng, thoáng mát và rộng rãi. Nếu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ lại càng hay.


Đối với những hành giả có kinh nghiệm tọa thiền, sự nóng bức của thời tiết tuy có ảnh hưởng đôi chút lúc nhập thiền nhưng không phải là trở ngại lớn. Sau khi đã điều phục thân tâm và hơi thở thì sự nóng bức sẽ dịu dần, chút mồ hôi rịn ra sẽ làm cho thân trở nên mát, không mấy khó chịu, nói chung là không ảnh hưởng lắm đến sự tu tập dù có quạt hay không.

Chúc bạn tinh tấn

May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#82
Nhân duyên gì mà tôi thường mơ thấy nhà sư?


GN - HỎI: Tôi năm nay 31 tuổi, đã có gia đình. Tôi thỉnh thoảng có đi chùa, không hiểu sao đêm nằm ngủ tôi toàn mơ thấy các vị sư (mà tôi chưa từng gặp trong đời). Có ba lần trong mơ tôi thấy mình chắp tay, cúi đầu đảnh lễ xin sư thầy cho tôi xuống tóc để được đi tu, nhưng sư thầy chỉ im lặng. Quý Báo có thể cho tôi biết giấc mơ đó có ý nghĩa gì, nhân duyên của tôi với đạo Phật thế nào?


(NGỌC TUYỀN, ngoctuyen06...@gmail.com)


[Image: nhasu.jpg]
Ảnh minh họa


ĐÁP:


Bạn Ngọc Tuyền thân mến!


Bạn thường nằm mơ thấy các vị sư mà mình chưa từng gặp trong đời, việc này thực chất cũng không phải là quá lạ lẫm, khá nhiều người cũng có những giấc mơ giống như bạn.

Nguyên nhân đầu tiên, có thể đó là những hạt giống tâm thức (chủng tử, những hình ảnh bạn thấy) mà bạn đã gieo trồng trong quá khứ, đời trước liên hệ đến đời sống xuất gia, đời nay tự động lưu xuất ảnh hiện trong giấc mơ.


Nguyên nhân tiếp theo có thể là những hạt giống mới lưu giữ vào tâm trong hiện đời nhưng có sự nhào nặn, pha trộn khi tái hiện, thành ra những hình ảnh trong mơ trở nên mới mẻ hoàn toàn.


Bạn mơ thấy mình đảnh lễ vị sư xin xuất gia nhưng vị sư chỉ im lặng, thông thường là phản ảnh nội tâm bạn muốn bứt phá, thoát ra một rào cản nào đó trong cuộc sống. Thiết nghĩ, không nên quá chú trọng đến những suy đoán về ý nghĩa giấc mơ này vì hiện nay giấc mơ vẫn còn nhiều điều bí ẩn với nhân loại.


Những giấc mơ như vậy cho thấy chắc chắn bạn có nhân duyên với đạo Phật. Vậy bạn hãy phát huy thiện duyên của mình như quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới, sống hiền thiện, vun bồi cội phước trong khả năng… để được hạnh phúc, an vui.


Chúc các bạn tinh tấn!

GNOL


May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#83
Phát nguyện ăn chay mà không trọn bây giờ phải làm sao?



GN - HỎI: Vì người thân bị bệnh nặng nên ngoài việc chạy chữa, tôi đã phát nguyện trước Tam bảo rằng sẽ ăn chay một tháng để hồi hướng phước đức mong cho người thân bớt bệnh. Trải qua một thời gian, hiện vì nhiều nhân duyên khác nhau tôi biết mình chưa đủ duyên để thực hành trọn vẹn lời nguyện. Xin hỏi, tôi phải làm sao để không mắc tội?

(HOÀNG THIÊN, hoangthien12…@gmail.com)

[Image: ANHMINHHOA%202.jpg]
Khi cảm thấy bản thân không thể làm trọn vẹn lời nguyện,

bạn cần đối trước Tam bảo thành tâm lễ bái, thiết tha sám hối...


ĐÁP: Bạn Hoàng Thiên thân mến!

Bạn đã phát nguyện trước Tam bảo sẽ ăn chay trường nguyên một tháng để hồi hướng phước đức cho người thân đang lâm trọng bệnh. Đây là một trong nhiều cách tạo ra phước đức để hồi hướng mà người Phật tử vẫn hay làm.

Khi cảm thấy bản thân không thể làm trọn vẹn lời nguyện, bạn cần đối trước Tam bảo thành tâm lễ bái, thiết tha sám hối, xin được dừng lại (nếu xin tạm dừng thì sẽ thực hiện vào lúc khác) lời phát nguyện. Sau khi Tam bảo đã chứng minh thì lời nguyện của bạn được xả, bạn có thể ăn uống và sinh hoạt theo cách bình thường.

Điều quan trọng là, còn nhiều cách tạo phước khác (ngoài việc ăn chay) để hồi hướng cho người thân, như: giữ giới, tu tập, lễ bái, tụng niệm, bố thí, cúng dường, phóng sinh, hoan hỷ, hiếu thuận, chăm sóc… Thiết nghĩ nếu không ăn chay được thì bạn có thể thực hành các hạnh lành này để hồi hướng phước báo cho người thân.

Chúc bạn tu hành tinh tấn. 

May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#84
Nhẫn nhục có ích gì?

GN - HỎITheo quan điểm Phật giáo, nhẫn nhục là gì? Nhẫn nhục có ích gì? Nhẫn nhục được dùng trong trường hợp nào? Trường hợp một người bị dồn vào bước đường cùng thì nhẫn nhục có tác dụng gì và có thể cứu giúp được người đó hay không?


(LAN HỒNG, lan6827…@gmail.com)


[Image: nhan%20nhin.jpg]
Nhẫn nhục theo Phật giáo không có nghĩa là co mình chịu trận, ai muốn làm gì mình thì làm - Ảnh minh họa



ĐÁP: Bạn Lan Hồng thân mến!


Nhẫn nhục, theo nghĩa thông thường, nhẫn là nhịn chịu, nhục là tổn thương, bị sỉ nhục. Nhẫn nhục là chịu nhịn những điều mà người khác sỉ nhục, làm cho xấu hổ; chịu đựng tổn thương trước những việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt… nhưng vẫn cố gắng giữ tâm không tức giận, không phản ứng lại và không nghĩ đến việc sẽ báo thù.
Trong đạo Phật, nhẫn nhục nếu phân chia theo ba nghiệp thì có: thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.



Thân nhẫn là sự chịu đựng của thân trước các hoàn cảnh không vừa ý như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát, chỗ ở thiếu tiện nghi, hoặc bị hành hạ đánh đập. Trước những nghịch cảnh như thế, người thực hành thân nhẫn cố gắng chịu đựng không phàn nàn, kêu ca hay bạo động chống trả mà chỉ bình tĩnh giải thích sự việc.


Khẩu nhẫn là im lặng trước các nghịch cảnh như có người chửi mắng, vu oan, đâm thọc, nói sai sự thật, nói lời khiêu khích v.v… Trước những lời trái tai như thế, người thực hành khẩu nhẫn chỉ từ tốn giải thích trong ôn hòa, dù nghe lời không vừa ý nhưng họ vẫn giữ yên lặng, không giận dữ dùng những lời ác mà đối lại hoặc gây gổ cãi lộn, đánh nhau v.v...


Ý nhẫn là tâm nhẫn nhục, trước nghịch cảnh mang đến cho thân và trước những lời nói trái tai họ đều kham nhẫn chịu đựng không có ý nghĩ tức giận, thù oán. Luôn giữ tâm buông xả, an định trước mọi thuận nghịch của đời sống.


Nếu phân chia theo ý nghĩa thì nhẫn nhục có bên ngoài và bên trong.


Nhẫn nhục bên ngoài nghĩa là vì danh lợi, vì có người khen, vì sợ uy quyền, vì chưa đúng thời điểm, vì chưa có đủ điều kiện phản kháng, vì sức yếu thế cô v.v… nên gắng chịu đựng. Tuy có nhẫn nhục nhưng đó chỉ là sự đè nén. Bất cứ sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, khi vượt ngưỡng sẽ bùng vỡ và mang đến hậu quả khôn lường. Theo Phật giáo, nhẫn nhục bên ngoài cũng rất cần, nhưng cần hơn là hướng đến nhẫn nhục thực sự ở bên trong.



Nhẫn nhục bên trong chỉ thành tựu khi trí tuệ và từ bi của hành giả đầy đủ. Hành giả thấy rõ tất cả pháp đều huyễn hóa vô thường, biết rõ mình và người không phải hai, thấy rõ vì người ta đang khổ (do vô minh, tham ái, phiền não) nên mới làm khổ mình, nhờ trí tuệ và từ bi nên hành giả kham nhẫn, chấp nhận và vượt qua tất cả chướng ngại một cách nhẹ nhàng. Nhẫn nhục bên trong một cách trọn vẹn còn được gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật.


Nhẫn nhục theo Phật giáo không có nghĩa là co mình chịu trận, ai muốn làm gì mình thì làm. Nhẫn nhục là bước đệm kham nhẫn cần thiết để tâm an, trí sáng nhằm giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý tiếp theo đó. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm “một điều nhịn, chín điều lành”.  Đây chính là lợi ích của nhẫn nhục. Nhẫn nhịn để được “chín điều lành” là cách ứng xử đầy khôn ngoan, rất nhân văn và trí tuệ.


Nhẫn nhục như đã trình bày được ứng dụng trong tất cả các phương diện cuộc sống. Người học Phật rèn luyện đức tính nhẫn nhục như một phẩm hạnh, một kỹ năng sống trước cuộc đời đầy biến động. Tám ngọn gió đời được-mất, nhục-vinh, khen-chê, khổ-vui (bát phong: lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc) luôn khuấy đảo đời sống của chúng ta. Đối với tất cả những điều trái ý nghịch lòng không phản ứng vội vàng theo bản năng phiền não mà cần bình tĩnh, điềm đạm, suy xét đúng sai rồi mới chọn cách ứng xử thích hợp.


Vấn đề, trong trường hợp bị dồn vào bước đường cùng, nhẫn nhục có tác dụng gì và cứu giúp được gì? Như đã nói, tu hạnh nhẫn nhục chính là ứng xử có trí tuệ và từ bi. Hoàn cảnh “bước đường cùng” thì chịu đựng cũng chết mà chống lại cũng chết thì vẫn rất cần nhẫn nhục với bi trí để tìm ra con đường sống.


Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#85
Thăm mộ cuối năm nên cúng chay hay mặn?

GN - HỎI: Mẹ tôi nay đã già, mỗi lần đến nghĩa trang thăm mộ ba đều cúng mặn. Tôi để ý biết đó là món mà khi còn sinh tiền ba rất thích. Có người khuyên tôi góp ý với mẹ nên cúng chay để ba dễ siêu thoát. Tôi chưa dám nói lời khuyên với mẹ vì chưa thấu đáo vấn đề trên. Cuối năm rồi, sắp đến dịp thăm mộ ba, tôi rất mong được quý Báo chỉ dẫn.

(NGUYỄN TIẾU, tieunguyen…@gmail.com)

[Image: anhminhhoa%203.jpg]
Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Nguyễn Tiếu thân mến!

Thăm mộ người thân mỗi khi có dịp về quê hay vào ngày giỗ chạp hoặc lễ Tết là nét đẹp rất nhân văn của người Việt. Lễ phẩm dâng cúng người đã khuất trong mỗi lần đến thăm mộ như hương hoa… là tấm lòng thành, với một số người thì việc mua sắm những lễ vật đặc thù còn là ân tình, là kỷ niệm riêng với người đã khuất.

Lời khuyên nên cúng chay mỗi lần viếng mộ để người chết dễ siêu thoát chỉ đúng một phần trong trường hợp gia đình trực tiếp sát sinh để làm lễ phẩm dâng cúng. Vì chuyện cúng kiếng mà sát sinh hại vật thì không tốt cho cả người sống lẫn người chết. Còn việc mua thực phẩm đã làm sẵn để cúng khi viếng mộ, trong chừng mực nào đó với nhiều hoàn cảnh khác nhau, thiết nghĩ chấp nhận được.

Cần lưu ý rằng, việc mẹ của bạn mua những món mà lúc sinh tiền ba rất thích để dâng cúng ngoài ý nghĩa lễ phẩm ra, đó còn là cả khung trời kỷ niệm. Nhiều người Việt có quan niệm “trần sao âm vậy”, dâng cúng những gì mà người đã khuất ưa thích mới cảm thấy trọn tình, an tâm, thỏa lòng và thanh thản. Ngay lúc này, người thăm mộ không chỉ thăm người chết mà đích thực sống trong kỷ niệm thiêng liêng như ngày nào họ từng chuyện trò, ăn uống cùng nhau.

Càng lớn tuổi thì người già càng trân quý quá khứ và sống với kỷ niệm. Vì thế, nếu mẹ bạn cúng chay được trong những lần thăm mộ ba là điều tốt. Còn nếu mẹ muốn sống với những kỷ niệm xưa muốn cúng cho ba những món yêu thích thì mình cũng nên tôn trọng, vì cúng kiếng mà tâm bất an, ray rứt vì chưa trọn thì không nên.


Chúc bạn tinh tấn!

GNOL


May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#86
Nên tùy duyên với xác thân tứ đại


GN - HỎICha tôi mất 1996, đến năm 2013, anh em tôi đã bốc mộ cải táng tại nghĩa trang. Nay chúng tôi muốn bốc mộ cha lần nữa để mang tro cốt về chùa. Anh em tôi rất phân vân, không biết theo quan điểm Phật giáo thì có nên làm hay không? Mong quý Báo giúp đỡ.


(KHẮC TÂM, tathti…@gmail.com


[Image: la%20vo%20thuong.jpg]
Con người sau khi chết thì tâm thức theo nghiệp tái sinh, còn thân thể tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trả về với tứ đại


ĐÁP:


Bạn Khắc Tâm thân mến!


Hiện nay, tùy theo phong tục của từng vùng miền mà có cách thức mai táng khác nhau. Một số vùng miền thì sau khi chôn cất, xây lăng đắp mộ là xong. Một số vùng miền khác, sau khi chôn cất một thời gian khoảng vài năm thì cải táng, cải táng xong lập mộ phần cũng được xem là xong. Hiện có khá nhiều nơi ở đô thị chọn phương thức hỏa táng, tro cốt đem thờ ở chùa hoặc nghĩa trang là đã xong.


Nói chung, sau khi đã lo xong, ổn định mộ phần cho người chết theo các cách như trên thì thân nhân không còn lo nghĩ gì thêm, chỉ còn việc thăm viếng hương khói hay sửa sang tu bổ nếu cần. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như giải tỏa nghĩa trang (hay nghĩa trang quá xa nơi ở hiện tại, con cháu không tiện thăm viếng và nhang khói, hoặc muốn thỉnh các cụ về quê cha đất tổ) thì mới tiếp tục dời mộ sang nơi khác, hoặc đem thiêu thờ ở chùa gần nhà. Trường hợp của gia đình bạn, mộ phần của cụ ông được xem là đã ổn định. Nếu không vì nhu cầu thỉnh cụ về gần con cháu (hay về quê) thì cứ để cụ an yên.


Với Phật giáo, con người sau khi chết thì tâm thức theo nghiệp tái sinh, còn thân thể tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trả về với tứ đại. Người chết gửi nắm xương ở nghĩa trang hay chút tro ở chùa đều chẳng khác nhau. Vì thế, người Phật tử chân chính, hiếu thảo thì siêng năng làm phước để hồi hướng công đức phước báo cho người thân đã mất. Còn xương (tro) thuộc thân tứ đại của người chết thì tùy duyên; an táng cách nào cũng được.


Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#87
Quan hệ với người đã có gia đình có bị quả báo?



GN - HỎIViệc quan hệ với người đã có gia đình, tự nguyện dâng hiến cho nhau, cam kết không ai làm tổn hại đến gia đình của ai, theo quan điểm của đạo Phật thì có quả báo gì không? Nếu có thì quả báo đó nặng hay nhẹ? Cách giải trừ quả báo đó thế nào? Nếu yêu nhau, chưa kết hôn mà có quan hệ nam nữ, theo quan điểm của đạo Phật, có bị quả báo?


(Độc giả xin được ẩn tên)


[Image: chuyen%20tinh%203%20nguoi.jpg]
Khi vụ việc đổ bể, rất nhiều hệ lụy, tổn hại, mất mát, thậm chí là tang thương có thể xảy ra cho bản thân, gia đình - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Độc-giả-xin-được-ẩn-tên thân mến!

Mỗi người, mỗi nhà đều có hoàn cảnh riêng, trừ người trong cuộc, còn người ngoài thì khó có thể hiểu hết sự tình. Chuyện ngoại tình, phát xuất từ tính tham lam, thói trăng hoa phóng túng thì thật đáng phê phán. Còn vì hoàn cảnh dẫn đến ngoại tình thì có nhiều vấn đề phải bàn, tùy thuộc pháp luật, văn hóa, phong tục, quan niệm, sự thấu hiểu, bao dung, cảm thông… của mỗi xứ, mỗi người mà có quy kết về tội lỗi, sai trái khác nhau.

Đạo Phật có giới cấm thứ ba, không tà dâm (căn bản là không ngoại tình) cho hàng Phật tử, tuyệt đối thủy chung với bạn đời của mình, không hai lòng, lang chạ. Dĩ nhiên, đã ngoại tình thì tạo nghiệp xấu và phải chịu quả báo. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của sự việc mà có quả báo nặng nhẹ khác biệt nhau. Cụ thể, ngoại tình mà phá nát gia cang của mình và người thì quả báo rất nặng nề. Còn ngoại tình mà “không ai làm tổn hại đến gia đình của ai” thì quả báo có phần nhẹ hơn.

Nhưng “cây kim giấu trong áo cũng có ngày lòi ra” nên “không ai làm tổn hại đến gia đình của ai” chỉ là cam kết tạm thời, nguy cơ của ngoại tình về sau rất khó lường. Khi vụ việc đổ bể, rất nhiều hệ lụy, tổn hại, mất mát, thậm chí là tang thương có thể xảy ra cho bản thân, gia đình. Vì thế, để tránh hậu quả xấu khi chưa quá muộn, cả hai người cần mạnh mẽ chấm dứt ngay. Biết gạt bỏ những niềm riêng để lo cho gia đình, con cái; gìn giữ thanh danh để dạy con và sống an ổn là đức tính quý báu, cần có trong lúc này.

Để giải trừ quả báo của tội ngoại tình, trước bạn phải thấy rõ kết quả xấu ác của nó mà lo chuyển hóa nguyên nhân, chấm dứt ngoại tình. Kế đến bạn cần sám hối (tự tâm sám hối, hướng đến một bậc thầy hay người cao đức sám hối, hướng đến Đức Phật phát lồ lễ lạy sám hối v.v…) và nguyện không tái phạm. Sám hối xong thì phục thiện, thương yêu bạn đời và chăm lo vun bồi mái ấm của mình nhiều hơn.

Quan trọng là bạn cần yên lặng và chiêm nghiệm thật sâu để thấy rõ khoái lạc ái ân chỉ là một phần (lớn hay nhỏ tùy mỗi người) của tổng hạnh phúc trong đời sống con người. Không ai có cuộc sống viên mãn, hoàn hảo cả, được cái này thì mất cái kia, bản chất của cuộc sống là vậy. Mặt khác, quán chiếu về sự vô thường của cảm thọ (lạc thọ) để thấy rõ cảm xúc dù vui nhưng quả thật mong manh, khó tìm mà dễ mất. Nhờ quán chiếu sâu sắc về nhân duyên kiến tạo hạnh phúc cùng với sự sợ hãi quả báo và quyết tâm phục thiện dũng mãnh thì bạn có thể vượt qua chuyện ngoại tình.

Còn vấn đề hai người độc thân có quan hệ nam nữ trước hôn nhân, đạo Phật tuy không điều luật cấm đoán cụ thể nhưng luôn khuyến khích sự tiết dục, không đam mê phóng túng, luôn phòng hộ thân tâm trước cám dỗ của tham dục. Quả báo có hay không, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ còn tùy thuộc tâm ý, hành vi và hậu quả của vấn đề. Thế nên, tiết dục và không buông lung luôn là phẩm hạnh căn bản của người Phật tử.

Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#88
Hiểu Đúng Về “Xả Bỏ Ham Muốn”


GN - HỎI: Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

(MINH HIỆP, vuminhhiep…@gmail.com)


[Image: xabo.jpg]


ĐÁP: Bạn Minh Hiệp thân mến!


Theo Phật giáo, ham muốn (tham lam, tham ái, tham dục, dục vọng) là phiền não căn bản tồn tại trong tất cả mọi người. Tham ái và vô minh chính là cội nguồn của mọi tranh chấp, khổ đau. Vì lòng tham vốn vô hạn, dục vọng không có điểm dừng nên Phật giáo dạy người phát huy tỉnh thức để chuyển hóa, giảm thiểu và buông xả bớt ham muốn nhằm thiết lập bình an, lợi mình và ích người. Xả ly toàn bộ ham muốn vị kỷ chính là bậc Thánh A-la-hán, hoàn toàn giải thoát sinh tử, khổ đau.

Vì bản chất của con người là tham-ái-dục nên xả bỏ ham muốn hoàn toàn (ly tham, đoạn tham) là ước vọng, là cứu cánh, còn sống trong đời thường giảm thiểu ham muốn đã là quý hóa lắm rồi. Nói cụ thể, mục tiêu của người Phật tử là buông xả bớt ham muốn, không bo bo vị kỷ, sống san sẻ vị tha để mình và người đều lợi ích, an vui. Nên phải xác định ly tham là mục tiêu sau cùng, bớt tham là mục tiêu hiện tại.

Ham muốn thì vô cùng, phân loại thì có tham ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ), đắm lục trần (đối tượng của sáu giác quan: sắc- cảnh đẹp, thanh- tiếng hay, hương- mùi thơm, vị- ngon ngọt, xúc- êm ái, pháp- những đối tượng của tâm ý). Dĩ nhiên khó có thể đạt được những tham muốn này, thường thì được cái này lại mất cái kia, dù sao thỏa mãn các tham muốn vẫn là hạnh phúc của thế thường. Thực tiễn đời sống phải có ngũ dục (không có là nguy), phải có đời sống dễ chịu (lục trần, ngoại cảnh không chướng nghịch) nhưng quá tham đắm lại là điều không tốt, nhiều mong cầu sẽ phiền não khổ đau.

Thế nên, người Phật tử cũng có mong muốn chính đáng như sức khỏe, bình an, hạnh phúc; mong muốn đầy đủ phước báo để lợi mình và lợi người. Thực tập buông bớt tham đắm, người Phật tử lập hạnh muốn ít và biết đủ (thiểu dục và tri túc). Muốn ít là vì biết nghĩ đến người, mong muốn được sẻ chia với người nên không gom hết cho mình. Biết đủ là không quá tham cầu, chấp nhận thực tiễn, vui với những gì mình đang có (vì muốn nhiều hơn chưa hẳn đã được mà càng nặng nề, bận tâm thêm).

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống. Chạy theo ngũ dục mà đánh mất bình an bản thân và gia đình là một sự trả giá quá đắt, một sự thiếu trí tuệ. Cho nên, người Phật tử lập hạnh muốn ít và biết đủ không phải là sự thụ động, kìm hãm sự phát triển kinh tế của bản thân và xã hội mà đó chính là thiết lập sự thăng bằng giữa phát triển vật chất và tinh thần, hài hòa giữa sự thành đạt và bình an.

Chúc bạn tinh tấn. 

May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#89
Cưới khi con mất chưa đầy năm có được không?

GN - HỎI: Chúng tôi dự định (khoảng tháng 3 âm lịch, tháng 4-2020) sẽ tổ chức đám cưới cho con trai nhưng còn băn khoăn một việc: Ngày 8-5 (âm lịch, Kỷ Hợi - 2019), con dâu tôi phải bỏ thai hơn 6 tháng vì thai nhi bị bệnh rồi chết lưu trong bụng mẹ. Vấn đề tôi lăn tăn, áy náy là nếu con tôi tổ chức đám cưới vào tháng 3 âm lịch thì cháu mất chưa được một giỗ (chưa đầy năm, còn vướng tang).


(TRỌNG MINH, phantrongminh…@gmail.com)


[Image: wedding.jpg]
Ảnh minh họa



ĐÁP:

Bạn Trọng Minh thân mến!

Theo quan niệm dân gian, ngày cưới tốt đẹp phải không vướng tang. Tuy nhiên, trường hợp bạn hỏi thực sự không vướng tang, vì con cái để tang cha mẹ mà cha mẹ thì không để tang cho con cái. Do đó dẫu chưa qua giỗ đầu của cháu cũng không ảnh hưởng gì cả. Nên bạn hãy tổ chức hôn sự cho con bình thường theo như dự định.


Chúc các bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#90
Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?


GN - HỎITôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?

(MINH CƯỜNG, quexua...@gmail.com)


[Image: candle.jpg]
"Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi..."



ĐÁP:

Bạn Minh Cường thân mến!

Cầu an: Cầu là mong cầu, mong ước, nguyện cầu. An là an ổn, an lành, an lạc, an vui. Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh an lành, không sợ hãi, bớt bệnh khổ, thân khỏe tâm an gọi là cầu an. Cầu an theo tinh thần này bàng bạc trong giáo pháp của đạo Phật.

Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh an lành

Kinh Tiểu bộ (kinh Từ bi), Đức Phật dạy: “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên Trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”.

Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh không sợ hãi

Kinh Tương ưng bộ (chương XI, Tương ưng Sakka, phần III. Dhajaggam: Ðầu lá cờ): “Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, khi các ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: ‘Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn’.

- Này các Tỷ-kheo, khi các ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

- Nếu các ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: ‘Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu’.

- Này các Tỷ-kheo, khi các ông niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

- Nếu các ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: ‘Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như lý hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời’.

- Này các Tỷ-kheo, khi các ông niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt’.

Kinh Tạp A-hàm (số 980, kinh Niệm Tam bảo) có nội dung tương đồng:

“Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác,... cho đến Phật, Thế Tôn’. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ. Lại niệm Pháp sự, ‘Chánh pháp luật của Phật, được thấy trong hiện tại, có thể xa lìa sự thiêu đốt, không đợi thời tiết, được thấu suốt, được thân cận, duyên vào tự mình mà giác tri’. Lại niệm Tăng sự, ‘Đệ tử của Thế Tôn thiện hướng, chánh hướng... cho đến là ruộng phước của thế gian’. Niệm như vậy, thì mọi sự khủng bố đều được tiêu trừ”.

Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh bớt bệnh khổ

Kinh Tương ưng bộ (tập V, chương II - Tương ưng giác chi, phần Bệnh):

“Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa :

- Này Kassapa, ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?

- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.

- Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.

- Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy”.

Còn rất nhiều bài kinh có nội dung cầu an trong Kinh tạng Pali, chúng tôi chỉ trích một số kinh tiêu biểu để xác quyết rằng cầu an chính là pháp của đạo Phật, là Thánh cầu.

Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply