Phim xã hội đen Hong Kong: “tẩy trắng” và “thải độc”
#1
Phim xã hội đen Hong Kong: “tẩy trắng” và “thải độc” để kiếm Nhân Dân Tệ 
15/10/2017, 01:27


Khái niệm “tẩy trắng” vốn được biết đến là cách Hollywood biến nhân vật da màu trở thành người da trắng trong lịch sử điện ảnh của họ. Thực tế, phim Hong Kong cũng vấp phải vấn nạn này, khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đại lục.

Ra mắt ở Hong Kong vào ngày 28.09.2017, Truy Long (Chasing the Dragon, Tên phát hành tại Việt Nam: Trùm Hương Cảng) của đạo diễn Vương Tinh cũng trình chiếu ở Trung Quốc chỉ hai ngày sau đó. Theo nhận định của trang báo tiếng Anh South China Morning Post, đây là một sự kiến hiếm hoi và kì lạ. Bởi thể loại gangster bạo lực của Hong Kong vốn rất khó khăn, thậm chí gần như không có cơ hội để tiếp cận công chúng đại lục. Hơn nữa, công chiếu một ngày trước dịp lễ Quốc khánh và chỉ một tháng trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc càng là một chuyện phi thường khó tưởng.

[Image: Phim-xa-hoi-den-Hong-Kong-phat-hanh-tai-...uoc-06.jpg]
“Truy Long” thuận lợi phát hành tại Trung Quốc, là một trường hợp hiếm gặp của dòng phim hình sự Hong Kong. (Phim này nằm trong mục phim online của VietBestforum. Grinning-face-with-smiling-eyes4 )


Lật lại những câu chuyện xưa cũ, báo chí từng nhiều lần nhắc tới cửa ải khó khăn mang tên kiểm duyệt của phim hắc bang Hong Kong, khi bắc tiến sang thị trường đại lục.

South China Morning Post cho hay, các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, phim gangster Hong Kong quá bạo lực, nội dung lại phóng khoáng, thể hiện một xã hội nhiễu loạn thiếu an ninh, và đôi khi có nhiều cảnh tình dục nóng bỏng. Vì những lí do này, dòng phim hình sự - xã hội đen vốn nổi tiếng nhất của Hong Kong thường bị từ chối tại Trung Quốc.
Giang Hồ (Blood Brothers) do Lưu Đức Hoa đóng cùng Trương Học Hữu, sản xuất năm 2004, hay Sự Kiện Shinjuku (Shinjuku Incident) của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng thực hiện năm 2009, là hai trường hợp đáng tiếc trong số đó.

Để chiều lòng cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc, phim xã hội đen Hong Kong buộc phải chỉnh sửa từ nhiều phương diện, mà theo cách ví von của trang tin Net Ease là “muốn kiếm Nhân Dân Tệ, đành phải phẫu thuật thuẩm mĩ”. Theo đó, các tác phẩm bước vào quy trình “tẩy trắng – thải độc” vô cùng nghiêm ngặt.

“Tẩy trắng” trong điện ảnh Hoa ngữ được hiểu là việc thay đổi tên gọi, xuất thân, hình tượng nhân vật, hoặc biến đổi chi tiết, kết thúc phim. Còn “thải độc” ám chỉ việc xoá bỏ các chi tiết miêu tả trực diện thế giới ngầm – những yếu tố bị xem là tuyên truyền văn hoá thiếu lành mạnh.

Xoay quanh đề tài điệp vụ nội gián, Vô Gian Đạo (Infernal Affairs) được yêu thích bởi cách khai thác sự nhập nhằng giữa hai thế giới trắng – đen và cuộc chiến nội tâm giữa lằn ranh chính – tà của các nhân vật. Tuy nhiên, điều này không được chấp thuận trên màn ảnh Trung Quốc.

Kết quả, bộ phim buộc phải sử dụng hai phiên bản cho hai thị trường phim. Ở cuối bản phim gốc, nhân vật xã hội đen hoạt động ngầm trong ngành cảnh sát do Lưu Đức Hoa thể hiện đã bắn chết một cấp dưới (Lâm Gia Đống đóng), xem như thế thân để anh thoát tội.
[Image: Phim-xa-hoi-den-Hong-Kong-phat-hanh-tai-...uoc-02.jpg]
“Vô Gian Đạo” bản gốc kết thúc bằng hình ảnh Lưu Đức Hoa giết đồng nghiệp làm thế thân cho mình.

Tuy nhiên, trong bản chiếu Trung Quốc, Lưu Đức Hoa bước ra khỏi thang máy, bị còng tay và được đưa lên xe cảnh sát. Một cái kết trái ngược hoàn toàn! Net Ease phân tích, hình ảnh khép lại bộ phim phản ánh tinh thần chính nghĩa, thế lực hùng mạnh của chính phủ, trong việc trấn áp an ninh của Hong Kong.

Xã Hội Đen (Election) của Đỗ Kỳ Phong thậm chí còn kém may mắn hơn thế. Với mục đích vẽ nên thế giới ngầm đa chiều với lòng quả cảm, nghĩa hiệp và cả những thủ đoạn, mặt tối, bộ phim bao phủ tinh thần hắc bang trọn vẹn từ tựa đề tới kịch bản. Đáng tiếc, khi đặt chân lên mảnh đất Trung Quốc, thứ màu đen mà Đỗ Kỳ Phong kì vọng đã hoá trắng gần như hoàn toàn.

Tên phim đổi thành Long Thành Tuế Nguyệt. Các đoạn thoại, cảnh phim khắc hoạ băng đảng xã hội đen bị cắt bỏ. Tuyến vai cảnh sát do diễn viên lão niên Khương Đại Vệ đảm nhận có thêm nhiều đất diễn. Tệ nhất là nam chính Cổ Thiên Lạc – một tay trùm tội phạm bất ngờ được hé lộ là cảnh sát nằm vùng trong những cảnh phim cuối cùng.


“Xã Hội Đen” của Đỗ Kỳ Phong gần như trở thành một bộ phim khác khi trình chiếu ở Trung Quốc.

Không ít người hâm mộ phim Hong Kong tại Trung Quốc khi ấy đều chỉ biết kêu trời, vì Long Thành Tuế Nguyệt gần như là một phim hoàn toàn khác, đánh mất tinh thần tổng thể mà Xã Hội Đen xây dựng. Về phía Đỗ Kỳ Phong – đạo diễn chuyên trị thể loại phim hắc bang của Hong Kong – từ đó tới nay cũng không có thêm bất cứ sản phẩm nào ra mắt ở Trung Quốc.

Chung một số phận với Vô Gian Đạo và Xã Hội Đen, Màn Đêm Vượng Giác (One Nite in Mongkok) của cặp đôi Ngô Ngạn Tổ và Trương Bá Chi còn bị biến tấu trở nên đầy rẫy vô lí.

Bản phim trình chiếu ở đại lục được mở đầu với dòng chữ “Năm 1996”. Net Ease cho rằng, đây giống như kí hiệu để khẳng định thời điểm diễn ra truyện phim là trước năm 1997 (dù phim phát hành năm 2004). Vậy nên, tình hình xã hội rối ren, bạo lực, hắc bang hoành hành chỉ xảy ra trước dấu mốc Hong Kong được trao trả về Trung Quốc.

Trong kịch bản gốc, nhân vật của Ngô Ngạn Tổ vốn là người Hồ Nam, Trung Quốc. Nhưng khi đem chiếu ở đại lục, vai diễn này bị biến tấu thành dân nhập cư đến từ Đông Nam Á. Vậy mà, ở một cảnh phim khác, trên lá thư nhân vật gửi về quê cho người yêu, vẫn đề rõ địa chỉ ở Hồ Nam. Hay một tình huống khác, anh về quê đón bà nội, vùng quê này cũng được nhắc đến là Ngũ Nguyệt Câu – một địa danh của tỉnh Hồ Nam. Các chi tiết trong cùng một bộ phim trở nên mâu thuẫn một cách khó hiểu.

Một trường đoạn đẫm máu theo phong cách bạo lực Hong Kong đã bị cắt giảm tới khoảng 80%. Một cảnh phim khác, đơn giản chỉ là nam nhân vật phụ bị chai bia đập vào đầu cũng bị lược bỏ hoàn toàn. Câu thoại “Ngũ Nguyệt Câu nghèo quá” của nam chính bị đổi thành “Ngũ Nguyệt Câu đẹp quá”, ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Danh từ dùng để chỉ cảnh sát từ “sở trưởng” bị đổi thành thủ trưởng cho phù hợp với công an Trung Quốc…
[Image: Phim-xa-hoi-den-Hong-Kong-phat-hanh-tai-...-03(1).jpg]
Phim “Màn Đêm Vượng Giác”.

Trở lại với Truy Long được nhắc tới đầu tiên. South China Morning Post bình luận, lí do giúp bộ phim trở thành ngoại lệ khi kiểm duyệt ở Trung Quốc nằm ở bối cảnh thời đại cùng cách gài cắm yếu tố chính trị trong phim.

Đề cập đến xã hội Hong Kong thập niên 1960 – rất xa trước năm 1997, bộ phim được xem là an toàn khi miêu tả sự thoái hoá biến chất của cảnh sát và thái độ lộng hành của tội phạm.

[Image: Phim-xa-hoi-den-Hong-Kong-phat-hanh-tai-...uoc-04.jpg]
“Truy Long” có bối cảnh thời đại ở vùng an toàn, còn kịch bản thì khéo léo lồng ghép quan điểm chính trị.

Các dòng chữ mở đầu và khép lại phim cho thấy, các nhân vật đã chịu nhiều áp bức dưới chế tài chính trị độc quyền và nhiều hắc ám của thực dân Anh. Bản thân đạo diễn Vương Tinh cũng từng nhấn mạnh, Truy Long mang tham vọng trả lại nguyên bản diện mạo của Hong Kong dưới sự cai quản của Anh Quốc.

“Nhiều bạn trẻ khờ dại hiện giờ đều tưởng đâu người Anh tốt đẹp với Hong Kong lắm. Sự thật, Chính phủ Anh không đem lại điều gì tử tế cho người Hong Kong. Mấy chuyện tham ô giống như trong phim, nếu không có sự thao túng của người Anh thì đâu thể bành trướng như vậy”. Phát biểu này của Vương Tinh cùng quan điểm ông thể hiện trong phim được xem là phù hợp với lập trường chính trị của Bắc Kinh. Đó là yếu tố quan trọng để Truy Long thuận lợi ra mắt tại các rạp chiếu Trung Quốc những ngày cuối tháng 9 vừa qua.

Phong Kiều
Reply