Hôm qua ,hôm nay và tương lai
#1
Star 
  N. Ý mở topic chủ đề về :"Hôm qua ,hôm nay và ngày mai " với ý định gom và sưu tầm những bài viết ngắn thú vị ,hay  và đôi khi Ý có ngẫu hứng cũng chia sẻ những suy tư riêng của mình  trong ngôi nhà nho nhỏ này .

 AC có rảnh cứ tự nhiên ghé thăm  thư giãn món ăn tinh thần mỗi ngày nha .
 Cuối tuần chúc các AC và các bạn thật vui nhé !

Thân ái 

Như Ý 
03/03/2018


[Image: 99f336f52baf9ae0fa7efb22a217b9e8.gif]
Reply
#2
Photo 
Sài gòn và tuổi thơ tôi


Tôi xa quê hương ở vào tuổi không quá trẻ dại để dễ quên và cũng không quá già để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn. Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ.
Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.

Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.
Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười rồi chia ly với Sài Gòn.


Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blancy( Hai Bà Trưng,) sau lưng Bưu Điện.
Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hòa Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ dĩ nhiên là người Nam, hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen. Sơ đọc chính (chánh) tả:
Hoa hường phết (phết là dấu phẩy)

Cái tai của con bé con Bắc kỳ không quen với phát âm miền Nam nên “hoa hường” thành “qua tường” và phết thành một chữ nữa. tôi viết: Qua tường phết.
Bài chính tả dài một trang của tôi chắc chắn là ăn một con số 0 mầu đỏ to tướng vì nguyên bài bị gạch xóa bằng mực đỏ lè.


 Tôi như một người ngoại quốc nghe tiếng Việt.
Nhưng tôi học thuộc lòng trong sách thì giỏi và thuộc nhanh lắm. Khi khảo bài tôi được điểm tốt, mặc dù bạn học chung lớp khó hiểu con nhỏ Bắc kỳ đọc cái gì. Ma sơ cứ nhìn sách, nghe tôi đọc làu làu, biết là tôi có thuộc bài. Tôi nhớ một bài học thuộc lòng về thành phố Sài Gòn như thế này:

Sài Gòn vòi nước bùng binh
Này bảng báo hiệu này vòng chỉ tên
Trụ đèn, giây thép, tượng hình
Lính canh, cảnh sát giữ gìn công an
Mặc dầu đường rộng thênh thang
Mặc dầu đường rộng mênh mông

Mũi tên chỉ rõ bảng trông dễ tìm
Trần Hưng, Lê Lợi, Chu Trinh…

Trần Hưng là đường Trần Hưng Đạo, Chu Trinh là đường Phan Chu Trinh, viết tắt trong bài học thuộc lòng. Từ bài học đó, tôi hiểu được hai chữ “bùng binh” là gì.
Ngôi trường đó tôi chỉ học hết lớp ba, sau đó Ba Mẹ tôi tìm được nhà ở bên Thị Nghè, tôi được đi học lớp nhì, lớp nhất ở trường Thạnh Mỹ Tây, có rất nhiều bạn cũng Bắc kỳ di cư như tôi.

Kỷ niệm về Sài Gòn tôi nhớ nhất là lần đầu tiên con bé Bắc kỳ tròn xoe mắt, nhìn thấy đồng bạc xé làm hai, nếu chỉ muốn tiêu một nửa. Mua cái bánh, gói kẹo nào cũng chỉ xé hai đồng bạc. Xé rất tự nhiên, tiền mới hay tiền cũ gì cũng xé.
Người mua xé, mua; người bán xé để trả (thối) lại. 

Tôi đã biết bao lần, vào những buổi tối mùa hè, mẹ cho một đồng, hai chị em mua ngô (bắp) nướng của người đàn bà, ngồi dưới chân cột đèn điện trước cửa sở Địa Chánh với cái lò than nhỏ xíu, bán bắp nướng quẹt hành mỡ. 

Dưới ánh sáng hắt lờ mờ của bóng đèn từ trên cao xuống, cái lò than nhỏ xíu, thơm lừng mùi bắp non.
Gọi là lò, thực sự chỉ có mấy cục than hồng để trong một miếng sắt cong cong, bên trên có cái vỉ bằng giây thép, rối tung, những cái bắp được xếp lên đó, bà bán hàng trở qua, lật lại.

Đôi khi cũng là một cái lò gạch nhỏ đã vỡ, mẻ mất mấy miếng rồi, không thể kê nồi trên đó, bà hàng mang ra để nướng bắp. 
Hai chị em đứng líu ríu vào nhau (anh và chị lớn không có tham dự vào những sinh hoạt của hai đứa em nhỏ này), cầm tờ giấy bạc một đồng, đưa ra.

Tôi luôn luôn ngần ngừ không dám xé, đưa cho bà bán hàng; bà cầm lấy, xé toạc làm hai, khi tôi chỉ mua một cái bắp. Bà đưa phần nửa tiền còn lại để chúng tôi có thể cất đi, tối mai lại ra mua bắp nữa.
Mỗi lần thấy đồng bạc bị xé, tuy không phát ra tiếng động, tôi cũng giật mình đánh thót một cái như nghe thấy đồng bạc của mình bị bể hay bị gẫy.

Cảm tưởng như mất luôn cả phần tiền đưa ra và phần giữ lại. Phải mất bao nhiêu lần nhìn đồng tiền bị xé mới quen mắt cái hình ảnh “Đồng bạc xé hai” này và tin là nửa kia vẫn dùng mua bán được.
Bẻ cái bắp làm đôi, tôi với em tôi chia nhau. Ngon ơi là ngon! Bắp dẻo, thơm mùi lửa than, thơm mùi hành mỡ.
Chị em tôi ăn dè xẻn từng hạt bắp một. Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác. 

Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn, đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà.

Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn. 
Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác.
Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. 
Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác.

Sài Gòn còn cho tuổi thơ của chúng tôi biết thế nào là cái ngọt ngào, thơm, mát của nước đá nhận. 
Trong sân trường tiểu học của trường Thạnh Mỹ Tây, tôi được ăn cái đá nhận đầy mầu sắc đầu tiên. Một khối nước đá nhỏ, đặt trên một lưỡi dao bào, bào vào cái ly bên dưới, khi đầy ly, ông bán hàng ấn (nhận) nước đá ép xuống, đổ ngược ly lại, lấy cái khối nước đá xôm xốp, có hình dáng cái ly ra.
Rắc si-rô xanh đỏ, có khi còn có mầu vàng và mầu xanh lá cây với vị bạc hà nữa.

Gọi là nước đá nhận. Học trò trẻ con, bạn thân, sung sướng chia nhau ở sân trường, mỗi đứa mút một cái, chuyền tay nhau. Nước đá nhận, bánh kẹo ở sân trường trong những giờ ra chơi đều được mua bằng đồng bạc xé hai này.

Ba tôi bảo cầm đồng tiền xé hai một cách tự nhiên như thế quả là một điều rất dung dị, xuề xòa, dễ dãi mà chỉ người miền Nam mới có được.
Xé tiền mà như xé một tờ giấy gói hàng, giấy gói bánh, như xé một tờ báo. Mảnh xé ra có giá trị lúc đó, mảnh còn lại cũng vẫn còn giá trị sau này.
Người Hà Nội cầm tờ giấy bạc rách, thì vuốt cho thẳng thắn lại, có khi lấy hạt cơm dẻo miết lên chỗ rách cho dính vào nhau, rồi cẩn thận gấp lại trước khi cho vào túi.

Một thời gian sau, tiền không xé nữa, được thay bằng đồng bạc 50 su bằng nhôm, hình tròn, một mặt có hình tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt sau là hình khóm trúc. (Biểu hiệu cho:Tiết Trực Tâm Hư)
Cuộc di cư 1954 đó giúp cho người Việt hai miền Nam, Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc.

Tôi đã được nghe một người miền Nam nói: Sau 1975 thì chỉ có những người Bắc di cư 54 là đồng bào của người miền Nam mà thôi.
Hóa ra những người Bắc sau này ở ngoài cái bọc (đồng bào) của bà Âu Cơ hay sao?
 Nếu thật sự như thế thì thật đáng buồn!
Sài Gòn đầu thập niên sáu mươi vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. 

Tôi nhớ có chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua, hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.
Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambreta, velo, mobilette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt.
  Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai, Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi 
Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy.
 Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè.

Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới.
 Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.
   Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… 
Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.
Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường.

Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường.
Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai,với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.
    SaiGòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.
  Sài Gòn khi đổi chủ chẳng khác nào như một bức tranh bị lật ngược, muốn xem cứ phải cong người, uốn cổ ngược với thân, nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thủy của bức tranh.
     Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.

Trần Mộng Tú

[Image: tram1-2708-1390819967.jpg]
Reply
#3
[Image: Tram-9873-9652-1390559180.jpg]

Lời thầm thì mùa Xuân 

Nghe tiếng pháo rộn rã
Mình em  ngồi lặng lẽ 
 Giao thừa năm nay 
Chạnh lòng và xót xa 
Ôi nhớ sao là nhớ 
Ký ức quay về 
Giao thừa năm xưa 
Anh và em 
Tay trong tay 
Thì thầm nguyện ước 
An lành và may mắn 
Hạnh phúc tràn đầy .
Văng vẳng bài :"Xuân yêu thương  "
Chợt nghe tiếng thở dài 

Như Ý 
Spring 2018
Reply
#4




 Nào ,chúng ta cùng  nghe nhạc không lời saxo thay đổi không khí nha
Reply
#5
[Image: 2a20dx.jpg]

LỜI HAY Ý ĐẸP

Đôi khi con người ta cần dừng lại..
Dừng lại để rồi bước nhanh hơn..
Đôi khi con người ta cần buông tay.

Cần cho đi để rồi có nhiều hơn
Đôi khi con người ta cần khóc..
Khóc thật lớn để rồi cười thật to

Đôi khi con người ta cần một mình..
Một mình là để biết có nhau quan trọng như thế nào ?

♥..♥Nếu nụ hôn là một giọt nước, tôi sẽ trao bạn biển cả ♥..

♥.:.♥Nếu cái ôm là một chiếc lá, tôi sẽ trao bạn cả một rừng cây.♥.

♥..♥Nếu cuộc sống là một hành tinh, tôi sẽ trao bạn cả một thiên hà.♥.

♥:.♥Nếu tình bạn là cuộc sống, tôi sẽ trao bạn chính tôi.♥.♥ 


Sưu tầm 
Reply
#6
[Image: smallpic1.jpg][Image: tetbury_chipping_steps.jpg]

CÓ MỘT ĐÀ LẠT Ở PHÍA NAM LUÂN ĐÔN


Đó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).
Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi.
Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.Tất cả đều sạch sẻ, sang trọng. Khí hậu mùa thu, ra khỏi nhà không thể thiếu áo ấm. 

Trên một con đường có ngôi nhà mang tên High Grove của thái tử Charles ở trước đây, nay làm nơi bán hàng lưu niệm cho quỹ từ thiện.

Với phong cảnh và khí hậu như thế làm sao không nhớ Đà Lạt cho được, dù cho Café 53của Tetbury không thể so sánh với Café Tùng Đà Lạt, nhưng khi đã ngồi trong quán, cầm tách cà phê bằng sứ trắng, nhìn ra con đường vắng hoe trước mặt, có lúc ta mơ hồ lẩn lộn giữa hai không gian.
Chúng tôi ở trong một nhà nghỉ chỉ có 4 phòng dưới một con đường dốc, rất tiện nghi, rộng rãi. Chủ nhân là một người Úc sang đây lập nghiệp đã lâu, không có gia đình. 
Trước nhà, ông ta chỉ đặt một phiến gỗ nhỏ ghi mấy chữ : Old Fox House. Trong ba bữa ăn sáng chỉ có một thực đơn duy nhất, được bày biện kiểu cách!. 
Ông nói chuyên, phần lớn kể về các hoàng tử William và Harry những dịp họ đến đây, trong lúc khách ăn.
Trường Westonbird đồ sộ, uy nghi, nơi dành cho nữ sinh trung học nội trú, chỉ cách thành phố mười phút lái xe. Mùa hè, học sinh về nhà nghỉ, trường trống, nơi đây được dùng cho dich vụ đám cưới.
Như ngoại vi Đà Lạt có Đơn Dương, Đức Trọng, thì ở Tetbury có Bourton-on-the-Water, ngôi làng mà du khách khi đã đến Tetbury không thể không ghé! Hai bên đường san sát quán ăn, quán cà phê, nước giải khát. 


Đi sâu vào sẽ gặp Birdland- Park & Gardens- rộng lớn với đủ loài chim quý hiếm, từ hoàng yến, chim họ sẻ, chim ác là (marpie), cho đến chim cánh cụt (penguin), cú tuyết (snow owl), vẹt đuôi dài (macaw), chim hồng hạc (flamingo),chim bồ nông (pelican)….
Giữa làng du lịch là một con sông nhân tạo, bề ngang khoảng hơn mười mét được đặt tên Venice, nước trong veo, có cầu bắc qua và ghế đá trên bờ. Rời Bourton-on-the-Water, về đến Tetbury trời vừa tối. 

Phần lớn quán xá ở đây đóng cửa sớm, sau năm giờ, dù cho ngày còn dài. 
Thế là bữa ăn tối của mọi người là bánh mì và thịt nguội, vừa mua được từ một siêu thị nhỏ. Đêm cuối cùng ở Tetbury, tôi lặng lẽ mặc áo ấm, đội mũ, quàng khăn xuống đ ường. 

Trời lạnh, phố vắng, những con đường dốc in bóng đèn vàng.
Tôi vừa đi vừa nhớ Đà Lạt năm nào, lúc họa sĩ Tôn Thất Văn còn sống, chúng tôi lên đó, ở nhà khách đường Hồ Tùng Mậu.


 Nửa đêm thức giấc, không ngủ lại được, bỗng cảm thấy thèm cái lạnh và đốm lửa của những gánh hàng đêm trước chợ, tôi bèn mang khăn độ mũ, leo qua cổng đi bộ dọc theo Hồ Xuân Hương lúc ba giờ sáng, trong cái lạnh rát mặt của đêm. 
Sáng hôm sau gặp nhau, tôi nhận ngay câu chào của Văn : Quỳnh điên rồi!
Đà Lạt, Tetbury. 

Bên này và bên kia. Cái buốt giá của những đêm. Sao chỉ có một đốm lửa trong trái tim mình.

Lữ Quỳnh
Reply
#7
-Album ảnh  cho bìa CD của cố NS Trịnh Công Sơn do  anh Tuấn Trịnh( -Tuấn Trịnh Production ) thân hữu của anh share choi netter

[Image: 06.jpg]
Reply
#8
Diễm của những ngày xưa 

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua.
Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ.

Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung
. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc.
Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên.
Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết.
Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy.
Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia.
Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình
Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. 
Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường.
Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường.
Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên.

 Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Trịnh Công Sơn


[Image: 22.jpg]
Reply
#9
(2018-03-03, 05:18 PM)Như Ý Wrote: Sài gòn và tuổi thơ tôi


Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.
Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười rồi chia ly với Sài Gòn.

Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường. Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về ?


[Image: 17638009372_394044a0b2_b.jpg]

Đề tài thread này của Như Ý rất thú vi ... Clap
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam ...

Reply
#10
[Image: Hoa%20D%C3%A3%20Qu%E1%BB%B3%20%C4%90%C3%...(1)(1).jpg]

Đà lạt,Đà lạt 

 Đà Lạt đang vào mùa dã quỳ. Tôi biết, giờ này, giữa cái nắng gay gắt đến phỏng da của Sài Gòn thì ở xứ núi, màu vàng của dã quỳ không làm buổi trưa thêm chói chang mà thêm phần lung linh, huyền hoặc. Tôi nhớ Đà Lạt với những trảng đồi dài rộng thênh thang, nơi tôi hình dung mình nhẹ như gió, có thể bay lướt vào đại ngàn, trên những vàng rực dã quỳ, những dịu dàng tường vi, chân không chạm đất. 

Tôi nhớ Đà Lạt với những con dốc nhỏ quanh co đổ xuống thung lũng, nơi những khu nhà lồng ẩn hiện những đoá hoa sao nhái và bồ công anh xôn xao. Tôi nhớ Đà Lạt với những gốc trạng nguyên xù xì, già cỗi, đỏ thẫm âm trầm giữa những cúc trắng tinh khôi… Tôi nhớ Đà Lạt của tôi, những đoá hoa thơ dại của tôi, những nỗi buồn vương vất trên bờ dậu, những phù phiếm mọc lay lắt ven đường…

     Tôi nhớ Đà Lạt năm tôi 8 tuổi. Hồi đó, quanh Hồ Xuân Hương còn đầy hoa và cỏ dại. Những cội mai anh đào lặng im toả bóng xuống mặt nước xanh màu tảo. Tôi nhớ thung lũng Kim Khuê, nơi tôi lần đầu tiên nhìn thấy một bụi hoa arum trắng và hiểu thế nào là giản dị mà quý phái. 

Buổi chiều, sau khi nhảy dây với bọn trẻ con hàng xóm, tôi thường đạp xe ra bờ hồ, lên đồi thông nhặt quả khô về chơi. Mười năm sau quay trở lại, những hoa dại, những cây cà độc dược trái tròn nhỏ xíu như dưa gang quanh hồ đã biến mất, đồi thông thành sân vận động. 

Lối vào thung lũng nhỏ Kim Khuê cũng đã được cải tạo để không còn những hoang dại thiên nhiên, mà là những khóm hoa trồng ngay hàng thẳng lối, vài tháng thay một lần và đương nhiên là tốn rất nhiều tiền. Tôi nghĩ, quan niệm về cái đẹp có lẽ cũng nên chia ra hai trường phái hay hai phe: Tự Nhiên và Nhân Tạo, hoặc phe Mất Trật Tự và phe Thẳng Hàng. Tôi chắc chắn sẽ theo phe Mất Trật Tự.

     Đùa chút thôi. Tôi đang rất nhớ Đà Lạt. Tôi thèm buổi sớm bước xuống khỏi chuyến xe khách chạy xuyên đêm, đi thẳng tới phía sau khu Hoà Bình và ngồi vào quán cà phê cóc quen thuộc chỉ lèo tèo vài cái ghế gỗ con con ở góc phố lúc 6h sáng. 
Tôi thèm phóng xe như bay trên đường lên Trại Mát để nhìn toàn cảnh Đà Lạt từ trên cao, để ngắm những biệt thự bỏ hoang (nay đã chính thức không được hoang nữa) nằm duyên dáng ẩn hiện sau những lùm cây um tùm (hiện đã cắt tỉa gọn gàng).

 Tôi nhớ quãng đường lên Cầu Đất, băng xuyên qua rừng thông, con đường dài hun hút như đi sâu vào lòng núi, nơi những đám mây thỉnh thoảng choàng lấy tôi với hơi sương âm ẩm lạnh, vừa ma quái vừa cuốn hút. 
Tôi nhớ khu nhà lồng kính trồng rau, trồng hoa rực sáng cả một vùng trời đêm ở Thung lũng Tình yêu, nơi tôi chạy xe len lỏi, luồn lách khắp các con đường nhỏ tăm tối để tìm một chỗ đứng đẹp nhất mà ghi lại thứ ánh sáng ồn ào trong thinh lặng đó.
     Tôi từng đến Đà Lạt với nhiều người, có khi là bạn, có khi là người yêu. Tôi tha thiết rủ họ đi như một người thiết tha mời khách quý về nhà.
   Tôi cũng từng đến Đà Lạt chỉ một mình. Những lần ấy, tôi như cô đặc lại. Tôi lặng lờ trôi khắp nơi trong thành phố và những vùng ngoại ô như một giọt nước trong suốt, trần trụi và không e dè. Đà Lạt là nơi thích hợp nhất để đến một mình, vì tôi sẽ không thể buồn được. Tôi có thể vui phát điên lên khi bất chợt nhìn thấy một dốc hoa vàng thoai thoải lượn theo sườn đồi, có thể bật cười thích thú vì cơn gió luồn qua khe áo vào đùa trên ngực mình. 
Tôi thậm chí nghĩ đến việc chết đi cho rồi khi nhận ra cánh hoa phù dung mọc dại ven đường sao lại có thể mịn màng đến thế…
     Tôi nhớ cả những ngày hè ẩm ướt, Đà Lạt chìm trong những cơn mưa phùn, hoặc mưa bóng mây. Tôi nhớ trận sốt 40 độ trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, một mình giữa đống chăn chiếu nhàu nhĩ, giữa ngổn ngang đống sách truyện thuê về đọc, nhìn ra ngoài trời mưa và tưởng đâu mình đã đến chốn tận cùng thế giới. T
  Tôi nhớ cả những đêm uống rượu trên đồi đến say lâng lâng, đi bộ về khách sạn một mình, vừa đi vừa cười và thậm chí hét váng cả đêm vì nhận ra cuộc đời đẹp quá.

Tôi nhớ Đà Lạt, Đà Lạt của nắng hanh vàng và gió se se, của những đoá hoa dại, những con đường dốc quanh co không hề có đèn xanh đèn đỏ, những căn nhà cất cao cất thấp. Tôi nhớ cả những bóng cây đã mất. Đà Lạt trong suy nghĩ của tôi giống như một tấm thảm với chất liệu tuyệt đẹp và hoạ tiết xấu xí. 

Tôi không còn muốn nói nhiều về những gì người ta đã lấy đi khỏi nơi này, và những thứ người ta đã mang đến nơi này. Tôi chỉ muốn nói đến một thành phố, nơi tôi có những người bạn quen mà như không quen, nơi mỗi người tôi gặp trên phố đều lạ mà như không lạ. 
Đó là nơi tôi đến, đi, tồn tại, vui sướng, đau buồn, hạnh phúc, tuyệt vọng… sau rất nhiều chặng đường, và vùng đất này nuốt chửng hết, vứt tất cả vào một vũng thời gian trong suốt, đặc sệt và bất động – một bảo tàng của những kỷ niệm đã bị vô hiệu hoá sức ảnh hưởng.

     Đi Đà Lạt đi, cưng. Khi cưng chán ngán những món nợ, những việc phải làm, những điều phải lo nghĩ, những bất công, oan trái, bế tắc.... thì đi đi, để nhớ nhung dịu dàng về quá khứ, trút bỏ những lo âu hiện tại. 
Buông thả mình đi, để gió ôm lấy hình hài, và những đoá hoa ve vuốt tâm hồn, nhắm mắt lại và cưng sẽ nhìn thấy nắng nơi da thịt mình ấm lên. Ở đó, cưng sẽ được tái sinh trong một cơn hoan lạc tràn đầy. Đi đi!
 
Khương Hà 
Reply
#11




Thank anh G ủng hộ ngôi nhà nho nhỏ này , mời AC VBest nghe Vũ Khanh hát nhé
Reply
#12
[Image: che1.jpg]


Trời Nóng Ăn Chè Chợ Lớn 

Bất kể là ngày nghỉ cuối tuần hay ngày thường trong tuần, cái giờ ăn chè lý tưởng nhất của dân Chợ Lớn là khoảng từ 8 giờ tối cho đến nửa đêm. 
Ðêm mùa Hè ở Sài Gòn mà vào giờ này không đi ra đường thì trước sau gì cũng thấy mình bị hấp chín và bốc mùi mồ hôi chua lè. Một người bạn trẻ rủ chúng tôi tới đường Châu Văn Liêm (Tổng Ðốc Phương cũ), anh này nói,
“Chè ở quán này vừa ngon vừa mắc tiền, nhưng được cái mấy cô phục vụ bưng chè người Việt gốc Hoa dễ thương hết ý.”
Hiệu chè Hải Ký vốn là một tiệm chè nổi tiếng trước những năm 1975. Về mặt vệ sinh - tươm tất của tiệm chè này thì khỏi phải chê. Về các món chè thì không đâu đủ vị bằng tiệm này.
Từ chè hột gà, đậu hũ hột gà đến chè bạch quả, chè hột sen, chè phục linh, chè thạch... toàn là những món chè độc đáo mà bí quyết chỉ nằm trong tay cộng đồng Hoa kiều.
Chúng tôi kêu thử một món chè Phục Linh lạnh. Cô chạy bàn của quán mặc váy đầm xanh màu nước biển, bưng ra một cục đen đen như cục sưng sáu cùng với chút sữa trắng nõn.
Một người bạn cùng đi hỏi, “Nè cô ơi, đây là món sưng sáu sao lại gọi là chè phục linh?”
Cô A Muối cười rất tươi nói, “Lỵ hỏng biết dồi, sưng sáu là sưng sáu, phục linh là phục linh, ngộ đâu có gạt lỵ làm gì, lỵ nếm thử biết liền hà.”
Người bạn trẻ đi cùng tôi nói, “Cô này có nụ cười giống Chung Tử Di quá, bác cứ nuốt đại đi, thắc mắc sưng sáu với phục linh làm gì.”
Người bạn trẻ này đang ăn ngon lành chén chè trà hột gà lạnh, tôi quen khẩu vị ăn mặn, ăn cay nên khi nhìn anh ăn mà không tưởng tượng nổi sao người ta có thể nuốt trôi hột gà với trà, với nước đường, nước đá cho được.
Ăn chè sâm bửu lượng
Nhiều người cho rằng từ thời Sài Gòn-Chợ Lớn còn hoang sơ đã có những xe, những tiệm, những gánh bán chè của người Hoa. Người Việt sống ở khu Chợ Lớn hoặc vô khu Chợ Lớn chơi thay vì nói đi ăn chè lại quen miệng nói đi ăn sâm bửu lượng.

Cái chuyện mời nhau đi ăn sâm bửu lượng mới nghe qua ai cũng cảm thấy có vẻ “đế vương Tàu,” vì người Việt có ăn chè thì chỉ ăn chè đậu, chè bắp, chè khoai chứ đâu có món chè nào mà có tên mấy vị thuốc Bắc.

Tôi nhớ lần đầu tiên vô chợ Thiếc, được ngồi ghế xếp bằng sắt của cái xe bán chè đêm, ngó mấy bức tranh kiếng tả cảnh Tào Tháo suýt bị chết chém dưới tay Quan Vân Trường, kêu một ly sâm bửu lượng, ăn mấy cọng phổ tai, mấy cục táo tàu, củ năn và nhai mấy hột bo bo nhỏ xíu. Lúc đó, tôi mới té ngửa là sâm bửu lượng đây sao, thiệt là sống trong khu vực ảnh hưởng ăn uống Trung Hoa, hệ lụy truyện tàu, phim chưởng... có khi cũng hay hay mà cũng có khi tào lao hết sức.
Trong cái ly sâm bửu lượng mà tôi ăn, tôi có ấn tượng nhất với mấy hột bo bo, bởi thời bao cấp, tôi từng phải xếp hàng mua bo bo về ăn cho khỏi chết đói.


Bây giờ ăn lại hột bo bo bóc vỏ trắng tinh được nấu với đường phèn ngọt lịm tôi mới có cảm giác là bo bo - một thứ dành cho súc vật ăn - nếu chế biến đúng cách, cộng thêm việc trang điểm một tí màu sắc lịch sử - văn hóa Trung Hoa thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, nhất là bị tính tiền giá cao mà không ai dám phiền hà gì.
Nhưng một người bạn trí thức người miền Nam, dân nghiên cứu Hán-Nôm lại không đồng tình. Anh nói, 
“Thời tiết nóng nực, bữa nào tôi ăn ly sâm bửu lượng là tối ngủ êm mình, êm giấc.


Còn chuyện gọi món đó là sâm tôi không cố chấp, như trà Việt Nam so với trà Trung Hoa cũng xem xem chớ có kém cạnh gì mấy nhưng được cái những nhà văn nhân, văn hóa của người ta thay nhau tán dương thành ra cao quí. 


Tới bây giờ xứ mình cũng chỉ biết bán tài nguyên, bán hàng thô là chính, mấy ông tổ sư quơ quào được cái gì bán y cái đó.”
Ngay trên “thánh địa” các món ăn, món chè người Hoa ở Chợ Lớn, nhất là trên đường Nguyễn Tri Phương, món chè Thái đang thời phát triển rất hung.


Nhưng thật ra trừ cái chuyện màu mè lòe loẹt tràn ngập ly chè hút thực khách trẻ tuổi, chè Thái không có cửa về vị ngon, về sự đa dạng và tinh tế nếu so với chè Chợ Lớn.
Chúng tôi tìm đến một quán chè Chợ Lớn ở một con hẻm trên đường 3 tháng 2 (Trần Quốc Toản cũ). 


Tất cả những thực khách đến đây đều được hỏi bằng tiếng Quảng Ðông và được cái tận tình, tất bật của nhhững người dân chính hiệu Chợ Lớn hết lòng phục vụ, thêm điều thú vị là tuy hàng chè Chợ Lớn trong hẻm nghèo nhưng lại đầy đủ các loại chè “cao lương mỹ vị.”
Chúng tôi ăn qua món chè hạt sen lạnh. 

  Thật là mát ruột mát gan khi ngồi vỉa hè hóng chút gió và nhâm nhi cái vị ngọt bùi của từng hạt sen, nhâm nhi và nhớ không biết rồi đây dân Việt mình có còn hạt sen để ăn không, khi mà những đầm sen bát ngát ở các huyện ngoại thành Sài Gòn đã biến mất, ngay cả đầm sen mênh mông của Ðồng Tháp Mười cũng dần tàn lụi.
Bất giác chúng tôi quay qua hỏi cô bán chè rằng, hạt sen cô mua của miệt nào mà bùi quá vậy, cô gái người Hoa Chợ Lớn trả lời, “Ngộ xài hột sen Camphuchia không hà!”


Trần Tiến Dũng 
Reply
#13
Trái Tim Hoàn Hảo 

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có tì vết hay rạng nứt nào.
Đám đông điều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói:" Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!".
Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẻ nhưng đã đầy những vết sẹo.
Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhung không vừa khít nên tạo ra một bề mặt sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế.
Chàng trai cưòi nói :" Chắc là cụ nói đùa !


Trái tim của tôi hoàn hảo, còn trái tim của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt. "
Mỗi vết cắt trong tim tôi tượng trưng cho một nguời mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ , anh chị , bạn bè... 
Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. 
Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tim tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi va con cái tôi.

Không bằng nhau nên chúng tạo ra những vết sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúnh nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. 
Thỉng thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúnh tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc không cần sự đền đáp qua lại.
Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng mộtngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoản trống mà tôi luôn chờ đợi.
Chàng trai đứng yêu với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. 
Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai.

Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai.
Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu của cụ già đã chảy trong tim anh...

theo baihocthanhcong


[Image: 400_F_11531589_NyyYC8Icsqd4tN9fN2RNk0lyUmuPueP7.jpg]
Reply
#14
Clap Clap  Thank you sis Nhu Ý

Reply
#15
03 Ảnh chụp dịp du lịch VNam Huế ,Phú quốc of anh 5 nhà Ý ,share với Vb.

[Image: 10118033-md.jpg]

Cầu Tràng Tiền -Huế về đêm 

[Image: 10737252-md.jpg]

Hoàng hôn ở Phú quốc thanh bình và yên tĩnh 

[Image: 11089850-md.jpg]

Không rõ là Shanghai hay Taiwan , quên rồi anh 5 ui
Reply