Tâm Linh Thiên Hạ Sự - Cô Bác sĩ của tôi - Toại Khanh
#61
CHẾT DẠI
Toại Khanh
Quote: 
Quote:
[Image: 98chetdai.jpg]


Đến tận bây giờ, tuổi cũng đã lớn, vậy mà tôi vẫn không nén được sự hồi hộp mỗi khi tình cờ xem được ở đâu đó một khúc phim, một đoạn văn mô tả thời khắc ai đó đi nhận diện xác chết xem có phải người thân của mình, hoặc những cuộc rình mò để bắt quả tang một sự việc mờ ám nào đó như ngoại tình, gián điệp. Tại sao tôi lại hồi hộp trong những hoàn cảnh như vậy? Xin thưa, thay vì lúc nào cũng mong mình nghĩ đúng, thì cái éo le ở đây là trong những tình huống kiểu đó, tôi thường thầm cầu mong mọi sự chỉ là chuyện nhầm lẫn để cái chết kia không phải là thân nhân của người đã nhận diện, hay kẻ phản bội kia không phải “người phía mình”, tức nhân vật mà mình yêu thích trong cuốn sách hay bộ phim đó.

Thì ra, không phải lúc nào người ta cũng mong mình chính xác, không phải lúc nào người ta cũng yêu sự thật. Và cũng theo Phật pháp thì cái gọi là vấn đề của cuộc luân hồi không chỉ là cái Vô Minh, mà còn là tình yêu của mỗi người đối với cái Vô Minh đó nữa. Chỉ riêng cái nhầm lẫn đã đủ chết người rồi, vậy mà người ta còn thỉnh thoảng e ngại, sợ hãi ngay chính sự đúng đắn.

Gẫm lại, đời sống hình như chỉ là vấn đề của cảm giác. Lắm lúc chính mình trong giây phút bình tĩnh nhất cũng thấy được chuyện đó là bậy, vậy mà khi xắn tay áo nhảy vào thực tế thì “cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”
. Lý do đơn giản là khi làm vậy ta được an lòng hơn, dù có phải mang tiếng là chết dại. Thay vì cứ một lần nghiến răng nhìn thẳng sự thật, để có đau thì cũng một lần thôi, thì không ít người trong thiên hạ lại thường có khuynh hướng bịt bớt một tai, nhắm bớt một mắt để được sống dại khờ hay chết thơ ngây...cho thỏa mộng trầm luân!

Tôi biết em nói dối, tôi đoán em hai lòng, tôi mơ hồ thấy trong tóc mình có chút dấu hiệu của cặp sừng sắp nhú, nhưng khảo kỹ quá, lỡ oan ức cho em, hay em tự ái bỏ đi thiệt thì sao. Thôi thì có được bao nhiêu trí tuệ bẩm sinh và kiến thức trường lớp cũng mặc, thiên hạ trong lúc này thường cứ xếp lại mọi thứ trong góc nhà để mà tha hồ sống u mê theo sở thích. Ai cũng cứ ráng trùm mền mà tụng chú tình yêu, cầu cho tim em đừng quá nhiều lỗ như Tỷ Can tiền bối. Những khi nhắm mắt chịu không thấu thì cứ thò tay bấm nút Ipod cất sẵn trong túi áo bên ngực trái để mà nghe thêm bài sám tăng lực “tôi xin người cứ gian dối, khi tôi hỏi người có yêu tôi, may ra còn một chút tình vui...!”

Gẫm kỹ cũng ngộ thiệt. Theo các chuyên gia của cả ngành thẩm mỹ lẫn y tế, chỉ riêng đối với phụ nữ, số người bận tâm đến việc làm đẹp luôn nhiều hơn những người để ý đến chuyện vệ sinh cơ thể. Lý do ư? Làm đẹp thì lúc nào cũng vui hơn, mắt luôn thấy toàn cái dễ nhìn, mình có xấu tệ thì chỉ riêng mấy món phấn son, nữ trang ngó cũng sướng mắt. Còn chuyện làm vệ sinh thì ngán lắm, phải đối diện với nhiều món thực tế chán mớ đời. Cứ vậy mà người ta khoái làm đẹp nhiều hơn giữ sạch. Và cũng như tôi vừa thưa ở trên, thiên hạ ai cũng khoái mình được thông minh, nhưng có mấy ai thích sống thông minh. Buồn chết bỏ!

Thế đã hết đâu. Cái Vô Minh vốn đã cũ xì từ vô thủy vậy mà trong thời buổi này cũng lại một phen nhuốm mùi high-tech. Xem chừng đã chán chường với mấy thứ có thể sờ chạm, thiên hạ hôm nay có thêm kiểu Vô Minh trong biết bao thứ ảo (virtual). Ai không tin thì xin thỉnh lên Internet sẽ biết ngay, đặc biệt mấy phòng game online. Tiền ảo, tình ảo, giai nhân cũng ảo tuốt.

Vậy mà không biết bao nhiêu người thiên hạ hôm nay còn mê mấy món đó hơn cả đồ thật. Tiền bạc, thời gian, sức khỏe có bao nhiêu cũng chen nhau vào đó mà “cúng dường” cho mấy món ảo. Nói cho cùng, mấy vụ chatting gì đó cũng đâu phải đáng tin gì cho cam. Cả mấy cái blog cũng thế. Thề bồi yêu đương cho lắm vào, nhưng nào có mấy ai thấy được mắt mũi của đối phương ra sao. Một thế giới ảo cho những buồn vui cũng ảo, chỉ có cái hậu quả là thật mà thôi. Tôi có nghe một câu nói rất lạ, nhưng thú vị, là nhiều khi gặp gỡ ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay một kiểu thần tượng nào đó ngoài đời không thú vị bằng đưa hết bọn họ vào trong một cái Archos bé tày gang rồi đi đâu cũng móc ra săm soi một mình vậy mà sướng đáo để. Đại khái ngoài cảm giác sống trong cái gọi là thời thượng gì đó, người ta còn thấy ra một thế giới khác hẳn những gì mình vẫn nghe nhìn mỗi ngày. Vẫn theo lời Phật thì vạn hữu vốn vô thường, ta không kịp thay đổi thì trần cảnh cũng đã đổi thay hay ngược lại. Thế rồi cái dòng chảy của những thứ phù du đó cứ bắt người ta phải một đời đi tìm những cái mới hơn để mà sống gượng qua những ngày tháng lẽ ra là lê thê buồn tẻ.

Bắt chước người ta lý sự cho vui vậy thôi. Hôm qua tôi vào trang blog của mình thấy một cái entry, đọc rồi lòng đau hơn xát muối. Trời mờ sáng, người đang dật dờ sau một đêm dở sống dở chết vì mất ngủ, bỗng một tiếng phone reo (lại cũng một món ảo). Người ta xin lỗi tôi bằng mấy câu thiệt ảo, bảo là đã xóa cái entry sai lầm kia rồi. Biết đó lại cũng là thứ ảo, vậy mà tôi cũng lập tức nghe mình hồi sinh (với một nguồn sinh lực ảo) và băng mình ra bàn viết để viết ngay một cái gì đó...ăn mừng.

Mẹ ơi, 40 tuổi đầu, với manh áo truyền thừa trên vai, con vẫn còn ham chơi. Không phải mấy món đồ chơi bằng đất sét như hồi nào nữa, mà là mấy trò chơi sương khói của một đời phố chợ với giống gì cũng là ảo hết. Chỉ có những nỗi buồn hình như là thật mà thôi...Xin lạy Phật đã đi xa và nhớ mẹ còn ở cuối trời, con bây giờ hình như chỉ còn chừng đó là không ảo.


Toại Khanh

Viettheravada

 
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#62
CHỈ THIẾU MỘT VẦNG TRĂNG
Toại Khanh
 
 
Thầy bắt chước thiên hạ sang Myanmar làm một chuyến du hành (theo thầy là một nửa du lịch cộng một nửa hành hương). Đâu được hơn nửa tháng, thầy nhờ cậy khắp thiên hạ để cuối cùng cũng tậu được cái thẻ simcard bổn xứ rồi email cho đệ tử ở nhà để có gì tiếp ứng. Hôm đó đệ tử gọi sang tận nơi thăm thầy. Phone reo hồi lâu, nghe tiếng thầy nhỏ xíu như vọng lại từ cõi nào.

- Trời ơi, gọi thầy khó quá. Bên đó OK không thầy, nếu thấy không xong thì con đổi vé lập tức cho thầy về nha. Giọng thầy nghe sao vậy ? Thầy bệnh à ? Thầy có cần gì không ?

Vẫn giọng nói xa vắng nghìn trùng từ bên kia đầu dây:
- Gì cũng OK hết con ạ, chỉ thiếu một vầng trăng thôi !

- Thưa, thầy nói sao ạ ? Chỉ thiếu một vầng trăng thôi ạ ? Thầy ở rừng, biển, hồ, núi hay ở đâu thơ mộng quá vậy thầy ? Con qua đó với thầy liền nha !
Vẫn giọng nói thều thào như từ cõi âm:

-Thôi đừng con ạ, thầy muốn nói là ở khắp Myanmar mùa này ở đâu cũng nóng té khói, thầy giờ đen thui rồi, trên trán chỉ thêm một vầng trăng là giống hệt Bao Công !
-Oh my god !

Đệ tử quên cả niệm Phật, chuyển sang kêu Chúa và buông máy há hốc!
 
Toại Khanh

Viettheravada
 
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#63
CHIẾT TỰ
Toại Khanh 


 
Quote:Một anh Phật tử sau một tai nạn dập nát thân thể đã được ghép lại chiếc chân mới lấy từ di hài của một người hiến xác.

Không bị tàn tật, anh mừng lắm, nhưng đêm đêm nhìn lại cái chân ngoại lai kia, anh cứ rùng mình và nghĩ đến người nằm dưới mộ.

Một ngày, nhắm chịu không thấu, anh chạy lên chùa thăm sư phụ là một thiền sư và kể lại nỗi sợ của mình.

Vị hòa thượng nhìn anh rồi mỉm cười: 

- Con thấy sợ cái chân đó vì cho rằng nó không phải là của con, nhưng thử hỏi, cái-chân-xưa-giờ-theo-con-từ-bé có đúng là của con không ? 

Truyện kể rằng anh Phật tử từ đó ngủ ngon, hết sợ.

Và tôi từ lúc biết được câu chuyện này cũng thấy mình ít nhiều an lạc hơn xưa.

Tôi đã hiểu chữ CỦA một cách chu đáo hơn, thấm thía hơn.

Rồi cũng từ đó, tôi nghiệm ra một điều rằng ở đời nhiều lúc chỉ một chữ thôi cũng là một trời suy tư. 

Chiều nay, một người Phật tử gửi tôi cái link để đọc bài viết của một người trẻ chẳng biết trong hay ngoài nước.

Họ nói thích bài đó, khen hay và giới thiệu cho tôi. Tựa đề bài viết đó là Tình Lỡ. Thiệt lạ, đọc hết bài, nhưng tôi không hiểu gì hết. Lòng tôi đã bị cái tựa đề Tình Lỡ kia níu kéo ngay từ phút đầu. Nói chính xác, tôi đã bàng hoàng, ngẩn ngơ chỉ vì một chữ LỠ kia thôi. Nào phải chỉ có tình mới lỡ.

Có gì trên đời này lại không bị lỡ chứ.

Nhìn quanh ta, rồi thì cả thế giới, hình như chẳng gì là trọn vẹn hết.

Này nhé, có ai trên đời này dám nhận đời mình là viên mãn đâu.

Cả một quốc gia cũng thế. 

Nhiều kẻ giàu mà không sang, bởi họ chỉ phú mà không quý.

Tiền bạc rủng rỉnh mà kiểu xài tiền thì ngửi không vô, đó là giàu mà không sang, phú nhưng chưa quý.

Nhìn xa một chút, nước Tàu bây giờ có biết bao tỷ phú, nhưng ở một xã hội nghèo nàn nhân văn sau mấy chục năm Cộng Sản thì khó mà kiếm ra một người thật sự phú quý.

Dám bỏ cả triệu Mỹ kim mua một con chó ngao Tây Tạng về cung phụng như đấng sinh thành, nhưng đố họ dám bỏ ra một phần trăm số tiền đó để làm từ thiện.

Đáng ngại là ở Việt Nam bây giờ cũng có rất nhiều kẻ chỉ phú mà không quý như thế.

Tôi muốn gọi đó là một trường hợp Lỡ:  Lỡ làng, dở dang…

Rồi đến chữ An Lạc.

Biết bao người trên đời này ngó ngon lành vậy, nhưng thiệt ra họ chỉ được An (yên) mà chắc gì được Lạc.

Nhà cửa ổn định, thu nhập ổn định, sức khỏe ổn định, kể cả gia đạo cũng ổn định, nhưng liệu lòng họ có được vui không.

Tôi từng nói rồi, nhiều khi có chuyện để lo toan còn dễ sống hơn là những ngày tháng nhàn cư vô vị, không đắng không ngọt. 

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến mấy bài báo online gần đây nói về làn sóng thực phẩm độc hại của Trung Quốc và Việt Nam đang được xuất khẩu tứ tung thì càng thấm thía chữ Lỡ này.

Nhiều món trong đó là thứ khoái khẩu của người mình, nhưng ngon mà chẳng lành.

Không phải món nào ngon thì cũng lành.

Cũng như nhiều người tuy dễ thương mà cũng đáng sợ vậy.

Hai chữ ngon lành từ đó không phải dễ dùng. 

Ngay đến một chữ rất phổ biến như Phúc Đức cũng khó mà tìm được chỗ dùng.

Nhiều kẻ đời nay chỉ có phúc mà không có đức.

Người học A-Tỳ-Đàm thường thích nói chặt chẽ nên khó chấp nhận điều tôi đang viết.

Một cách nôm na, tôi hiểu Đức ở đây là những đức tánh hàm dưỡng nhân cách của mình.

Một người tiện tay làm một hai chuyện giúp đỡ kẻ khác không sánh được một người thường ngày làm gì cũng biết nghĩ về kẻ khác.

Phúc thì ai cũng làm được, nhưng Đức thì phải là kẻ có tâm cơ. 

Tôi không nhớ là Lão Tử hay Trang Tử đã có câu nói này:

Người thời nay quyền cao tước trọng đến mấy cũng chỉ là hàng quý nhân chứ không phải bậc đại nhân như thời trước.

*Cứ theo kiểu chẻ chữ (chiết tự) đó mà nói thì ta có bao điều thú vị để mà suy gẫm.

Như thánh nhân chỉ có Đau mà không Khổ, phàm phu nhiều khi Thông nhưng chưa chắc đã Minh, Giải nhưng chưa chắc đã Thoát, Tình không hẳn là đi với Yêu, tôi còn muốn nói là Sung chưa chắc đã Sướng, nhưng thôi ! 

Chẻ chừng đó cũng đủ mỏi tay mòn búa rồi, chỉ mong người đời nhớ được bài học Chính Danh của thầy Khổng để mà sống trọn vẹn ngoài đời, trong đạo. Thế còn gì hơn được nữa. Mong thay!

Viettheravada


 

Toại Khanh (Assam, 4/20/10).
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#64
Chuyện liêu trai trong kinh điển Pàli
Toại Khanh

 
 
Một đêm mùa đông, ngồi đọc ngang bài kinh Hemavatasutta (Kinh Tuyết Sơn) số 9 của Kinh Tập (Suttanipàta), phần thứ 5 của Tiểu Bộ Kinh, tôi tò mò tìm vào Chú Sớ xem rõ ngọn ngành. Ô hay, đó là câu chuyện về hai vị đại lực quỷ vương trong Tuyết Sơn, tiền thân là hai bậc long tượng trong tăng-già thời Phật Ca-Diếp. Tôi nghe một cảm giác lạ đi qua lòng mình, không phải vì sợ, mà là chút gì ngậm ngùi, bồi hồi.

Theo chú sớ của Suttanipàta, trong thời mạt pháp của Thế-Tôn Ca-Diếp, tức khi Phật đã viên tịch từ lâu, có hai vị trưởng lão nổi tiếng thạc đức, bác học. Trăm sự trong tăng chúng đều nhờ đến sự chỉ điểm phân giải của các ngài. Rồi thì một hôm trong tăng chúng có xảy ra chuyện cãi cọ giữa hai vị tỷ kheo. Chuyện mỗi lúc một trở nên nghiêm trọng, đến mức cả hai không còn muốn nhìn mặt nhau. Kinh ghi rằng một trong hai vị là tỷ kheo hiền thiện, và vị còn lại thì tuy giới luật tinh nghiêm nhưng lòng tu vẫn còn nhiều chỗ bất cập. Ta cứ gọi thầy là tỷ kheo xấu bụng vậy. Tự biết mình có thể phải gặp rắc rối khi nội vụ được đem ra giải trình trước tăng, nên thầy tỷ kheo xấu bụng đã nhanh chân đến gặp mặt hai vị trưởng lão và ra sức hầu hạ sớm chiều, cung đốn lễ phẩm. Khi thấy đã đến lúc thích hợp, thầy nỉ non thưa lại chuyện bất hoà của mình với những tình tiết thay đổi cần thiết.

Lòng phàm ai cũng có nhược điểm. Và nhiều lúc, đối với người thanh tu chơn chất thì cái nhược điểm đó càng lớn. Hai vị trưỡng lão bỗng thấy xót thương cho một kẻ hậu bối biết điều nên mặc nhiên hứa khả một sự đồng thuận.

Rồi đến cái ngày chư tăng họp mặt để phân giải chuyện xích mích giữa hai thầy tỷ kheo vừa kể. Toàn bộ tăng chúng cung kính ngước nhìn lên chỗ ngồi của hai bậc lão tăng để thỉnh ý. Như ma xui quỷ khiến, hai bậc thượng thủ của tăng-già đã lớn tiếng bênh vực thầy tỷ kheo xấu bụng và như vậy vị tỷ-kheo hiền thiện kia đã rơi vào hoàn cảnh thê thảm, huynh đệ tẩy chay, có người còn bẻ bàng ra mặt. Dù tự hiểu đó chỉ là một cuộc tranh cãi không nhằm mục đích tranh giành danh lợi, nhưng thầy tỷ kheo hiền thiện đã bàng hoàng trước thái độ khó ngờ của hai bậc đại lão. Thầy chỉ mong nghe được một lời cảm thông chí tình và trung thực giữa chốn tòng lâm thánh thiện này thôi, mà vẫn không được sao chứ. Thầy tìm đến hội chúng 1000 tỷ kheo đệ tử của hai vị trưởng lão để thưa chuyện lần nữa. Thế nhưng lòng trung thành tuyệt đối của họ đối với thầy tổ một lần nữa càng khiến thầy tỷ kheo trẻ ngầm hiểu là giáo pháp Phật-Đà đã sắp chìm ngấm trong đêm đời. Thầy vào đảnh lễ hai bậc tôn túc lần cuối rồi khóc:

-Hai ngài đã vì người mà bỏ đạo rồi (sàsanam arakkhitvà puggalam rakkhittha). Hôm nay mới đúng là ngày Thế Tôn thật sự viên tịch !

Lạy xong ba lễ, thầy vĩnh biệt tăng đoàn, về đâu không ai biết. Và chuyện về thầy sau đó cũng nhanh chóng bay biến trong những chuyện đời thời mạt pháp.

Nhưng đó là chuyện của những người trẻ tuổi, họ mau giận rồi cũng mau quên. Đời tu có chút đạo nghiệp xênh xang là đủ vui rồi. Chỉ khổ cho hai vị trưởng lão. Không ai ngờ được rằng từ sau lúc thầy tỷ kheo hiền thiện kia bỏ đi, hai vị trưởng lão đã trải qua những đêm dài mất ngũ. Không phải hai vị thương nhớ gì nhà sư trẻ cứng cõi kia, họ chỉ bị ám ảnh khôn nguôi với câu nói cuối cùng của thầy. Gì mà khó nuốt đến vậy chứ. Vào ra hôm mai, hai vị cứ tự dằn vặt với hồi ức về nét mặt và giọng nói của thầy tỷ kheo trẻ tuổi kia.

Và tuổi già đã lần lượt đưa hai bậc tôn túc đến giường chết. Thật lạ, một đời tu trì nghiêm cẩn nhưng hai vị trong phút thoi thóp cứ nghe văng vẳng câu nói của nhà sư trẻ dạo nào. Với đạo hạnh một đời, lẽ ra hai bậc lão tăng muốn ngự lên tầng trời nào cũng được, nhưng do mối nội kết dằng dai kia thúc đẩy, hai vị đã sinh vào cảnh giới Da-Xoa, một hạng á-thiên không thảnh thơi như chư thiên trên tiên giới nhưng cũng có được những thần lực uy mãnh đủ làm mưa gió một phương. Lãnh địa của hai vị là vùng Tuyết Sơn, mỗi người một ngọn tiểu sơn làm nơi hùng cứ. Và toàn bộ 1000 tỷ kheo đệ tử của hai vị cũng theo nghiệp a-tòng ngày trước mà thác sinh làm một hội chúng lâu la gồm ngàn tiểu quỷ.

Tình tri giao tiền kiếp cộng với lý tưởng tu hành tương đồng nên hai vị quỷ vương tiếp tục nhận ra nhau và tâm đắc thân tình không thua ngày xưa.Kinh ghi mỗi tháng một lần, họ gặp nhau và hàn huyên chuyện cũ. Vùng Tuyết  từ đó càng thêm phần thâm nghiêm ngăn cách nhân gian với những tràng cười sảng khoái dưới trăng hay những tiếng thét gào thống hối vào những buổi mưa khuya trên ngàn. Thời gian cứ vậy trôi đi vùn vụt, sông cạn núi mòn cho qua hết khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai đời Phật.

Rồi hoàng tử Tất-Đạt chào đời ở xứ Ca-Tỳ-La, hơn ba mươi năm sau đã trở thành bậc đại giác làm thầy khắp trời người muôn cõi. Hai vị đại lực quỷ vương kia dĩ nhiên thừa sức biết ngay những đại sự xảy ra chốn nhân gian.Trong một đêm khuya, cả hai cùng hẹn nhau đến vấn đạo Thế-Tôn mà nội dung cuộc đối thoại này chính là kinh Hemavata số 9 của Kinh Tập vừa nhắc ở trên. Trong chánh tạng thì chỉ ngắn gọn chừng đó, tìm vào chú sớ (tức bộ Paramatthajotikà) thì độc giả sẽ thấy ra một trời uẩn khúc nằm sau bài kinh. Sớ ghi vào cuối buổi pháp thoại, cả hai vị quỷ vương đều đã chứng đắc thánh quả Dự-Lưu, nghĩa là vĩnh viễn chẳng quay lui phàm tình, và chắc chắn sẽ viên tịch Niết-Bàn trong một ngày không xa.

Có sống thì có lầm lỗi. Tội khổ trầm luân nằm ngay chỗ đó. Cái quý là mỗi người nên tự có một tư lương cho những dặm đời mù mịt, và chánh pháp luôn là ánh sao mai dẫn đường cho những người lạc lối nhưng vẫn còn niềm tin vào cái thiện trên đời. Dù gì hiền thánh ba đời cũng là những tấm gương cho đời sau ghé mắt trong từng ngày còn trôi nổi trên biển trầm luân. Đáng suy gẫm lắm thay !
 
Toại Khanh
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#65
Ngọn lửa trong chiếc ghè! (thay lời giới thiệu)


Đọc xong "Chuyện Phiếm Thầy Tu" của Toại Khanh, gấp sách lại, tôi thẫn thờ, trầm ngâm... rồi đi tới đi lui trong phòng vắng! Buồn mênh mang! Một nỗi buồn thiên cổ trầm mặc! Cái đọng lại mồn một trong tôi là hình ảnh của một "phong trần khách" trong câu thơ của Trần Thái Tông:

"Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình".

Nếu “phong trần khách" của Trần Thái Tông “ là thân phận lênh đênh của những hữu tồn sanh diệt; là định mệnh tại thế của những khổ đau, vô minh nghiệt ngã; là cái gì tất hữu của cuộc tử sinh lang thang không bến, không bờ; là cuộc ra đi chung thân viễn mộng, mỗi ngày mỗi xa cách quê hương... thì nội hàm “phong trần khách" của Toại Khanh hoàn toàn khác thế! Nó là ánh trăng nguyên sơ “tuỳ hứng" qua lại giữa hai bờ mê giác. Nó là chiếc lá, cánh hoa, là làn khói sương của thơ, văn, ca từ, hình tượng, biểu tượng, tư tưởng... bàng bạc mỹ học lại thích la cà rong chơi khắp tất thảy mọi thiên nhai, hải giác! Nó lại như là một đốm lửa hiu hắt, bập bùng trong hang núi, tự đốt cháy mình để hoàn thành sứ mạng oan khiên, đoạ đày “lao viễn mộng" của sức lửa tâm linh! Nó còn như một tiếng chim hót cô liêu trong bóng núi xa mù lạnh giá, chỉ như là một phụng hiến vô danh, âm thầm nhưng thiết tha và bi tráng đến nao lòng!

Tôi đọc những hàng chữ và cả giữa hai hàng chữ, đọc được cả sau những câu hỏi tu từ và cả bỏ lửng những ngữ nghĩa... để cảm nhận cả những điều mà tác giả không muốn nói tới do ngại đao to, búa lớn, ngại rao giảng ồn ào! Đấy là hoàng hôn thê lương của triết học, của chủ nghĩa, của quan điểm, của tư tưởng nhân loại! Là sự bế tắc của mọi cuộc tìm về, của những cánh buồm nhân sinh dạt trôi không bến đổ! Là sự tha hóa của mọi lý tưởng, của mọi nhân danh chỉ còn là xác chữ khô rỗng, đã mòn trơ sự sống! Là nỗi đau thầm lặng của những trí thức, chân tu trên đời này! Là tuyệt lộ của tất thảy mọi tưởng tri, mọi thức tri tìm kiếm! Là trò chơi thiếu nghiêm túc của trần gian khi họ không tuân thủ luật chơi! Là những luận tri, luận thức ồn ào, đa ngôn, kênh kiệu, từ chương, kinh viện... của một số luận sư bộ phái đã quên mất thông điệp đầu nguồn khái niệm: “ Tri lập tri tức vô minh bổn!". Và còn nhiều nữa, nhiều nữa...

Ôi! Nói là chuyện phiếm nhưng nó chẳng "phiếm" tí nào. Là cái gì quan trọng và thành khẩn nhất cho những người học Phật thời nay vào buổi tăng tàn, pháp mạt, mà cũng là tuyên ngôn muôn đời của giáo pháp: Một sự nhìn ngắm chân thực vào nơi sâu thẳm nhất của lòng mình! Và đây chính là điều cốt lõi, là điểm tựa đầu tiên cho những người học Phật và tu Phật vậy!

Thật đáng mến làm sao khi tác giả tự nhận mình chỉ là kẻ phàm phu, mắt thịt với tất cả cảm xúc dung phàm. Chỉ là một lữ khách lầm lũi bộ hành lang thang khắp trái đất, với tư lương vô sản, bần hàn và chưa hề chọn cho mình một chỗ dừng chân, vì "hành đạo" là "đạo đi", là "đạo đi trên đường ", luôn là trên đường, luôn "bị " xả ly, luôn "bị" buông bỏ, không dính mắc cái gì, không dính mắc bất kỳ đâu! Và một hôm nào đó, đứng trên đỉnh đồi cao của tư tưởng, chợt nhận ra mình là một người "khách lạ" trên mọi quê hương, trên mọi xứ sở, trên mọi chân trời!

Và điều đáng nói nữa, ngòi bút của Toại Khanh là lưỡi kiếm của một dũng sĩ, đã dám xuyên phá đến những cõi miền mà không ai dám đụng tới: Đó là một vài tình cảm, thói, tật rất dễ thương, rất người của chính mình; là một tâm hồn mẫn cảm tha thiết yêu thương cuộc đời nhưng không "dại gì", "ngu gì" mà "vác đá cục nợ trên vai"! Chàng tự tại, tự do thưởng ngoạn cái đẹp của trần gian bằng pháp môn "khách sáo" rất minh triết, "tạm ví" như con ong hút mật nhụy mà không làm tổn thương cánh hoa, nhụy hoa như trong kinh Pháp Cú! Trái tim của chàng lãng tử phong trần này, đáng quý hơn hết là còn cất giấu trong một góc linh thiêng "Đức Phật của lòng mình", hình ảnh "người mẹ viết hoa" cùng quê hương sông nước, lúa rạ đồng chiêm!

Cuối cùng tôi muốn giới thiệu với các bạn rằng: "Chuyện Phiếm Thầy Tu" quả thật là một tác phẩm văn học Phật Giáo rất hiếm thấy trong thời gian ba bốn mươi năm trở lại đây, cả trong và ngoài nước. Với lối viết rất riêng, ngôn ngữ rất riêng, đưa đôi mắt tỉnh táo, tinh tường ngắm nhìn những sự việc, những hiện tượng rất đỗi bình thường, không ai để ý... lại cho ta những cảm nhận tinh tế, dí dỏm, thâm trầm, sâu sắc... Điều ấy chứng tỏ tác giả có cái "học thật" vững chắc, có kiến văn rộng rãi tạm "đủ xài", có tâm hồn nghệ sĩ "mù biên phương", không dẫm theo lối mòn, cứ tiêu sái, thung dung mà đi, theo sự thật mà nói. Như những chú ong tìm mật khẽ đụng cánh hoa nhưng chẳng hề làm người khác đau; mà trái lại, nếu có đau thì cũng ráng căng tai nghe thiên hạ chửi. Không mượn cái đầu của thiên hạ, đôi chân trần của mình cứ trên "đất thực" mà dạo bước, lại còn mài miệt trau dồi ngôn ngữ và học thuật nhưng luôn luôn tự khiêm hơi quá là mình "dốt"!

Đọc xong tác phẩm này, rất cám ơn Toại Khanh đã cho tôi một vài ngọn gió hư vô buốt lạnh, một vài cảm giác tê điếng hoặc nổi gai cả người, rất hiếm, bởi do bao năm đã trơ lì cảm xúc! Tôi lại còn có thể lên gân "dũng cảm" để nhận ra mình vẫn còn là một lãng tử phong trần, một thầy tu còn nhiều bụi bặm, một người làm thơ đang còn ham thích chơi văn, giỡn chữ, một hành nhân sắm thuyền, sắm bè thúc giục mọi người "gate, gate, paragate, parasaṃgate..." nhưng mình lại còn chần chừ chưa muốn sang sông!

Một tác phẩm văn học với vóc dáng khả mảnh mai so với thiên hạ văn mặc, nhưng chắc người có  có cặp mắt xanh sẽ  tâm đắc câu cổ thi:

"Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung!"
Viết tại Mai Trúc Am
Xuân Giáp Ngọ - 2014
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
 
TỰA
Nội dung cuốn sách này là toàn bộ những bài viết của tôi cho mục Tản Mạn trên trang điện tử Nam Tông từ mười năm nay.

Ở tuổi trung niên này, với vô vàn những xây xát dặm đời, và lời kinh Phật trong tim, tôi tuyệt không muốn đặt mình vào một xó riêng nào để nhìn ra hay nói về thiên hạ. Thế giới luôn thay đổi, cái gì cũng là giải pháp tạm thời. Không một nguyên tắc nào trong đạo hay ngoài đời đáng được xem là tuyệt đối cả. Tôi cứ thấy ngạt thở với những chiếu khung, những lồng chậu, những lối mòn. Thế là tôi viết. Trước là cho tôi, sau có thể là ai đó đồng điệu tình cờ đọc được.

Tôi phải nói lời cảm ơn những người đã đọc tôi nhiều năm qua. Tôi không hiểu vì sao họ chịu đọc tôi, nhưng tôi muốn xem họ là những người đồng điệu mà tôi vừa nói.
Người Tây phương có câu này: Vấn đề lớn của thế giới là người ta đã xây lên quá nhiều những bức tường ngăn cách, thay vì là những chiếc cầu cảm thông. Tôi viết và in mấy bài này chính là muốn để lại một chiếc cầu. Cầu khỉ cũng được, miễn là nối được hai bờ cho thiên hạ gần nhau hơn. Những chỗ trong sách dễ gây phiền lòng ai đó, xin được coi là mấy mắt tre không sao gọt sạch. Mong lắm vậy thay!

Toại Khanh
Viettheravada
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#66
CÒN GÌ THẢM HƠN
Toại Khanh
 
Rõ ràng một người trên 18 tuổi không thể ngồi yên chờ thiên hạ bón thức ăn vào miệng mình. Ai cũng phải đi cày để kiếm sống. Nhưng không gì thảm hơn cảnh suốt đời chỉ biết chạy quanh một vòng tròn: Đi làm để sống và sống để đi làm, một ngày lăn đùng ra lạnh ngắt, cứng đơ, vô duyên như một vở kịch dở ẹt !

Một người sống giữa thiên hạ phải có chút hình thức tươm tất, vì ít nhất hai lý do là tự trọng đối với mình và tôn trọng người khác. Nhưng không gì thảm bằng việc suốt đời cứ bận tâm vì vẻ ngoài, sợ bị chê xấu, thích được khen đẹp. Xin vài lần nhìn quanh mình xem, mình ăn mặc trang điểm ra sao thì thiên hạ có ai thèm nhìn đâu, và sau những cái nhìn thoáng qua của họ, có ai về rồi vẫn còn nghĩ đến mình. Trừ phi mình quá sức đặc dị mà thôi. Tin tôi đi !

Làm gì cũng phải có thầy và bạn. Trong chuyện tu học cũng vậy. Nhưng không gì thảm bằng cảnh một người suốt đời nhắm mắt đi theo một pháp môn hành trì mà chính mình chỉ hiểu biết mơ hồ, trong khi lý do của sự đáng tiếc đó chỉ đơn giản là niềm tin hay tình riêng với ai đó. Đời ta rẻ đến vậy hay sao ? Trăm năm đâu phải tấm giẻ rách mà coi thường quá vậy !

Xin làm ơn nhớ giùm chuyện này: Nhẹ dạ, lười suy nghĩ, cuồng tín đều là mẹ ruột của các tín ngưỡng mù quáng, những hệ thống chính trị ngu xuẩn tàn độc. Chính những người dân thiếu suy nghĩ đã dọn chỗ cho bạo chúa, độc tài về đày đọa họ. Hôm nay tôi còn ngờ rằng chính cách nghĩ của mấy bà già trầu mù chữ đã là một góp sức quan trọng cho số phận Việt Nam xưa giờ.

Phật pháp nói chung, hay nói riêng giáo lý A Tỳ Đàm chẳng hạn, hoàn toàn có thể dung nạp được mọi trình độ. Vì vậy không gì thảm bằng việc học đạo theo cách thuộc lòng trả bài rồi đem giới thiệu cho người khác. Đối với một người dạy đạo thiếu Phật duyên và Phật chất thì bằng cấp học vị hay uy tín đối với quần chúng đôi khi chỉ là khối thuốc nổ tăng mức sát thương mà thôi.

Phật pháp qua cách hiểu nông nổi rất dễ bị xem là ngô nghê buồn cười. Thầy trò khi đó giống hệt đám trẻ lấy ngọc quý đem chơi đánh đáo hay trò ô quan. Tinh hoa tuệ giác của một đức Phật đâu phải tầm thường đến thế. Nghĩ mà đau lòng lắm vậy !

Thiền Quán hay Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Toàn bộ kinh điển chỉ có một lý tưởng duy nhất là xác định nhận thức này.

Phật giáo Miến Điện tô đậm nhận thức đó bằng việc dạy và tu Tứ Niệm Xứ. Pháp môn này không phải là đặc sản của riêng họ như cách nói của một phóng viên Tây Phương: Các xứ khác có máy móc hay nông lâm thuỷ khoáng sản để xuất cảng, Miến Điện có thêm pháp môn Tứ Niệm Xứ để đưa ra thế giới bên ngoài.

Người đến Miến Điện tu thiền Quán không giống như kẻ đến Ấn Độ để học Yoga hay qua Tàu học khí công. Ta sang Myanmar để tìm một bối cảnh thích hợp, như ra bờ biển để chạy bộ vậy. Và không gì thảm hơn một người qua đây chỉ vì phong trào: Đi cho sang, cho thỏa tò mò, cho giống người ta.

Ở đâu cũng vậy, tu Quán là để thấy mình là gì và đang ra sao. Đủ duyên thì thành thánh, kém duyên một chút thì cũng được an lạc hiện tiền. Ta khổ vì nhiều hiểu lầm quá, về mình và về người. Tu thiền là để hiểu đúng hơn, về ta và về đời.

Chuyện đã hết đâu. Giáo lý chưa thông, ngôn ngữ bất đồng, người ngoại quốc đến thiền viện Miến Điện phải lệ thuộc người phiên dịch để tương thông với thiền sư. May gặp người dịch có trình độ Phật học thì OK, xui mà gặp tay ngang thì cứ như muốn mua mít chín mà nhờ cậy người nghẹt mũi. Vậy mà nghe đâu có khối người sau một hai khóa tu thiền Quán ngắn hạn ở Miến Điện trở về đã mặc nhiên trở thành những hành giả có cầu chứng ( marque deposee/ trade mark). Thiên hạ thích thì cứ, nhưng bản thân thiền sinh có lẽ nên quên đi. Nếu không thì còn gì thảm hơn !

Viettheravada
 
Toại Khanh
 
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#67
COI CHỪNG LỘN CHỖ
 
Toại Khanh




Họ nói nghe lưu loát cuồn cuộn, ý tứ dào dạt sâu thẳm, thính giả lắng tai nghe mà thân mình cứ nhấp nhỏm với những kích động bất ngờ. Nghe họ nói mà cứ ngỡ bao nhiêu hiền thánh ba đời đều vân tập đầy đủ ở đó. Nghe như bao nhiêu sen đẹp lan quý đều chen nhau mọc đầy chỗ họ ngồi. Hãy lắng nghe và thấm thía, tiêu hoá. Không phải cái gì xuôi tai đều đúng, đều có thể thích hợp với tạng phủ của mình, và không phải ai nói lời thánh cũng đều là thánh. Hãy lắng nghe là đủ. Nhiều khi chỉ chừng đó thôi, là được rồi, đừng đòi hỏi thêm nữa. Bởi có thể kiếp này là giai đoạn họ đang trau luyện tuyệt kỹ Pháp Âm Sư Tử Hống Tam Muội, một trong vô số khả năng phải có của một vị Bồ Tát. Lúc nào việc nấy, nhiều khi kỳ vọng nhiều quá thì dễ thất vọng, rồi thì trách cứ, phàn nàn, và nghi ngờ tất cả mọi giá trị khác trên đời. Thiệt thòi sau cùng vẫn thuộc về người lộn chỗ: Đến quán chè đòi mua cháo !

Họ là những người viết hay, trong tay như có ngọn bút thần. Từng chữ dưới ngòi bút của họ có thể mê hoặc lòng người. Vẫn là chừng ấy chữ nghĩa thôi, họ lắp ghép rồi mặc tình thao túng khuynh loát thiên hạ. Đọc họ mà cứ ngỡ họ nắm gọn hai chữ nhân tâm trong lòng bàn tay. Họ muốn dắt dẫn, đón đưa bá tánh về đâu cũng được. Ngòi bút trong tay họ lúc này chẳng kém ngón Nhất Dương Chỉ giúp ta khai phá những sơn động trân tàng bí kiếp giải thoát. Hãy tìm đọc họ, vì có đọc qua những ngòi bút kiểu đó thì cũng không hoang phí kiếp người. Nhưng dù gì thì độc giả vẫn nên canh cánh câu khẩu quyết căn bản: Coi chừng lộn chỗ. Đọc thấy hay, nhưng hãy tự xét xem nó có đúng không, và lời viết với người viết nhiều khi là hai miền trời đất cách biệt nghìn trùng. Người tìm đạo giải thoát phải biết tự cảnh giác như một chiến sĩ hay xử nử, sơ thất là vong mạng, thất tiết. Viết lách với thiện tâm có thể được xem là món Văn Cú Tam Muội của một người tu Bồ Tát Hạnh. Công phu đó rất đáng trân trọng, nhưng không phải là tất cả đạo nghiệp. Cả người viết lẫn người đọc đều cần biết chỗ phải dừng.

Họ là những người chung thân tịch lặng như cây rừng đá núi, không nói không viết gì cả, nhưng sở đắc của họ thâm hậu như biển lớn. Nhìn họ đi đứng, sinh hoạt cũng có thể hình dung phần nào phong nghi của hiền thánh ba đời. Họ sống trong hiểu và thương, nhưng một đời thủ khẩu như bình. Ngõ vào và lối ra của ngôn ngữ họ đã tự phong bế chỉ vì đôi lúc chỉ có sự im lặng mới diễn tả trọn vẹn được cái cơ mật huyền ẩn của chánh pháp. Đến với họ, đừng kỳ vọng quá nhiều những cái để đọc hay để nghe, hãy lắng tai và chong mắt để nghe thấy những ngôn ngữ khan hiếm của họ. Thấy họ là thấy đạo. Từng lời, từng chữ của họ có thể là châu ngọc. Họ không quen dùng ngôn giáo, và thay vào đó là thân giáo. Nhìn họ ăn uống cũng đủ muốn rũ bỏ phàm tình.

Họ có thể chỉ là một người vô danh ngoài đời trong đạo, nhưng chung thân tinh chuyên dốc lòng với một công phu nào đó như là mật hạnh. Mật hạnh đó có thể là khả năng nhẫn nhục bất động trước mọi tấn công cay độc khốc liệt. Họ lặng lẽ chịu đựng trong sự thinh lặng của riêng mình. Và thử hỏi cái gì cũng có thể om sòm chứ sự nhẫn nhục làm gì có tiếng động. Thế là nhẫn nhục cũng đáng gọi là một mật hạnh. Họ chịu đựng trong niềm thương, trong thấu suốt, không tiếng nói. Mật hạnh cũng có thể là đôi bàn tay luôn xòe mở trong sở hữu. Họ có thể cho ra bất cứ cái gì họ có và cuộc đời cần. Họ có thể lam lũ rách nát, nhưng không thể cam tâm từ chối trước một người cần đến thứ mình đang có. Họ chia sẻ trong sự lặng lẽ, không kèn trống, không bảng vàng bia đá, không ầm ĩ huyên náo, đại khái chẳng cần ai biết và cũng chẳng mong đợi sự đền đáp của người nhận. Họ cho ra bằng bàn tay một người mẹ. Mật hạnh ở đây cũng có thể là một bàn tay không ngại nặng nhọc, dơ bẩn để có thể làm mọi việc lao dịch vô danh nhưng cũng khó làm nhất. Đạo tràng của người tu mật hạnh này đôi khi chỉ là nhà xí, hố rác, cống rãnh. Người tu hạnh này chỉ mong đời thêm sạch, thêm đẹp, đổi lại mình có vì vậy mà dơ xấu một chút cũng vui. Họ nhặt một cọng rác cho đời thêm đẹp và lòng họ thêm sạch. Nhưng đời hiếm người thấy ra ý nghĩa đó, nên công phu của họ được gọi là mật hạnh. Họ là những Bồ Tát đang dồi hạnh Huyền Mặc Tam Muội.

Nói cho cùng, người học đạo kỵ nhất chuyện lụy bóng quên hình. Những dòng chữ thần bút, những câu nói tài hoa, những âm thanh tụng tán mê hồn, những vẻ ngoài chói lòa phong phạm hiền thánh,..Tất thảy đều cần được nhìn ngắm thanh thản và bình tỉnh. Người học đạo có lẽ cũng chẳng nên xem nhẹ những hạnh tu xem chừng vô công, hèn mọn như hốt rác, rửa cầu, nhặt lá, lau bụi. Gì cũng ở lòng người.

Ô hay, người viết đang ra vẻ cao đạo để rao giảng huyền nghĩa chánh pháp khi chính mình chỉ là một hạt bụi sơn môn ? Cho là thế hình như có chút khe khắc với nhau. Sá gì vài ba ghi chép vội vàng mấy lời nghe được từ những tán lá xào xạc sau am. Mùa đông đang tới, vài ba loài chim di trú vừa từ đâu tìm về và hót những tiếng lạ…

TOẠI KHANH

https://www.vietheravada.net/van/88coichungloncho.htm
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#68
Cô Bác sĩ của tôi

Toại Khanh

Nàng có mảnh bằng bác sĩ ở ngoài Việt Nam. Tiếng Việt lơ lớ, chưa bao giờ nói cho đúng một câu tiếng Việt, nhưng chẳng sao hết, đó không phải cái chuyên môn của nàng. Ai gặp nàng cũng đều thông cảm được điểm này, vì hiếm người đồng hương nào ngồi ở ghế đại học ngoại quốc lâu hơn nàng. 

Nàng luôn có vẻ thông minh đặc biệt, có lẽ do nghề dạy, nên rất dễ khiến nhiều người lần đầu gặp gỡ đều có chút e ngại, cứ như đang bị nàng khám bệnh.

Và trong số đó cũng có hắn. Lần đầu quen biết, chỉ trong mươi phút trò chuyện, nàng đã hỏi hắn một câu về Phật học thiệt chuyên nghiệp, như của một tay trí thức bạc tóc. Gần nửa đời tiếp xúc với đủ loại người, đây là một trong không nhiều cơ hội hắn phải nhíu mày. Cái duyên thầm của một người có tí nhan sắc, một chút mùi nước hoa đắt tiền từ một con người có học, cộng với dáng vẻ thành kính của một tín nữ xem chừng ngoan đạo, nàng đã khiến hắn phải sửa lại dáng ngồi và liên tục hắng giọng để tránh làm hỏng cái không khí trang trọng mà hai người đang cố gầy dựng.

Hắn say sưa nói với nàng cả những điều chỉ thuộc vòng ngoài của câu trả lời. Hắn nói thao thao như để trao truyền y bát, để giao phó tâm huyết, phó chúc ý chỉ tông môn cho một truyền nhân có căn khí thượng thừa mà cả đời này của hắn có khi không còn dịp gặp gỡ lần nữa. Nàng thì cứ gật đầu, rồi lại gật đầu, thỉnh thoảng đưa tay vén lại mái tóc cứ vài giây lại chực rũ xuống mặt. Thơm ngát và duyên dáng. Còn hắn thì cứ nói, mặc chiều đang xuống chung quanh.

Tiễn nàng ra chỗ đậu xe, chờ xe đi khuất, hắn quay vào phòng search khẩn tất cả những địa chỉ tham khảo Phật học mà theo hắn là xứng đáng với nàng nhất rồi đưa hết vào một cái mail nặng chịch, bấm send bằng cái lực nhấn của Ngũ tổ lúc ấn mái chèo tiễn chân Lục tổ…..

Hắn chờ đợi nàng phản hồi như đã hứa. Hiểu sao nói vậy, không cần thêm bớt sửa chữa gì hết. Kẻ chân truyền chỉ quý ở chân tâm. Vậy mà một tuần trôi qua, nàng cứ như đã chết ở đâu đó. Tuyệt vô âm tín.
Chiều nay hắn đã quên nàng như đã không còn nhớ gì những kẻ đã gặp trên đường hoằng đạo. Hắn còn bao chuyện khác phải nhớ. Và đúng ngay lúc ngồi vào bàn để đặt cái vé bay đi một bang xa, hắn nghe tiếng keng trên máy báo một email mới vừa được gửi vào.

Chợt nghĩ đến nàng, hắn không cưỡng lại được nỗi tò mò, quên mất chuyện cái vé máy bay, vào ngay hộp thư email và quả nhiên nhìn thấy cái mail của nàng. Ngoài câu xin lỗi và lời hỏi thăm kiểu hành chánh, phần còn lại của cái mail nàng gửi là cái gạch đầu dòng này :

Có thắc mắc nầy muốn hỏi thầy: Mình đâu cần học gì nhiều, nhiều thầy chỉ tụng kinh là đủ rồi. Mỗi lần con nghe tụng kinh, dù không hiểu gì cũng thấy lòng calm down nhiều lắm. Vậy là được rồi. Và con thấy đạo nào cũng tốt như nhau, đâu cần phải phân biệt Chúa với Chùa làm gì cho mệt hả thầy ?

Hắn đau đớn delete địa chỉ email và số phone của nàng để mãi mãi quên mất một lần gặp gỡ còn tệ hơn đi zoo !
 
 Toại Khanh

Viettheravada.org
 
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#69
(2021-04-14, 06:30 PM)Nonregister Wrote:
Cô Bác sĩ của tôi

Toại Khanh

Nàng có mảnh bằng bác sĩ ở ngoài Việt Nam. Tiếng Việt lơ lớ, chưa bao giờ nói cho đúng một câu tiếng Việt, nhưng chẳng sao hết, đó không phải cái chuyên môn của nàng. Ai gặp nàng cũng đều thông cảm được điểm này, vì hiếm người đồng hương nào ngồi ở ghế đại học ngoại quốc lâu hơn nàng. 

Nàng luôn có vẻ thông minh đặc biệt, có lẽ do nghề dạy, nên rất dễ khiến nhiều người lần đầu gặp gỡ đều có chút e ngại, cứ như đang bị nàng khám bệnh.

Và trong số đó cũng có hắn. Lần đầu quen biết, chỉ trong mươi phút trò chuyện, nàng đã hỏi hắn một câu về Phật học thiệt chuyên nghiệp, như của một tay trí thức bạc tóc. Gần nửa đời tiếp xúc với đủ loại người, đây là một trong không nhiều cơ hội hắn phải nhíu mày. Cái duyên thầm của một người có tí nhan sắc, một chút mùi nước hoa đắt tiền từ một con người có học, cộng với dáng vẻ thành kính của một tín nữ xem chừng ngoan đạo, nàng đã khiến hắn phải sửa lại dáng ngồi và liên tục hắng giọng để tránh làm hỏng cái không khí trang trọng mà hai người đang cố gầy dựng.

Hắn say sưa nói với nàng cả những điều chỉ thuộc vòng ngoài của câu trả lời. Hắn nói thao thao như để trao truyền y bát, để giao phó tâm huyết, phó chúc ý chỉ tông môn cho một truyền nhân có căn khí thượng thừa mà cả đời này của hắn có khi không còn dịp gặp gỡ lần nữa. Nàng thì cứ gật đầu, rồi lại gật đầu, thỉnh thoảng đưa tay vén lại mái tóc cứ vài giây lại chực rũ xuống mặt. Thơm ngát và duyên dáng. Còn hắn thì cứ nói, mặc chiều đang xuống chung quanh.

Tiễn nàng ra chỗ đậu xe, chờ xe đi khuất, hắn quay vào phòng search khẩn tất cả những địa chỉ tham khảo Phật học mà theo hắn là xứng đáng với nàng nhất rồi đưa hết vào một cái mail nặng chịch, bấm send bằng cái lực nhấn của Ngũ tổ lúc ấn mái chèo tiễn chân Lục tổ…..

Hắn chờ đợi nàng phản hồi như đã hứa. Hiểu sao nói vậy, không cần thêm bớt sửa chữa gì hết. Kẻ chân truyền chỉ quý ở chân tâm. Vậy mà một tuần trôi qua, nàng cứ như đã chết ở đâu đó. Tuyệt vô âm tín.
Chiều nay hắn đã quên nàng như đã không còn nhớ gì những kẻ đã gặp trên đường hoằng đạo. Hắn còn bao chuyện khác phải nhớ. Và đúng ngay lúc ngồi vào bàn để đặt cái vé bay đi một bang xa, hắn nghe tiếng keng trên máy báo một email mới vừa được gửi vào.

Chợt nghĩ đến nàng, hắn không cưỡng lại được nỗi tò mò, quên mất chuyện cái vé máy bay, vào ngay hộp thư email và quả nhiên nhìn thấy cái mail của nàng. Ngoài câu xin lỗi và lời hỏi thăm kiểu hành chánh, phần còn lại của cái mail nàng gửi là cái gạch đầu dòng này :

Có thắc mắc nầy muốn hỏi thầy: Mình đâu cần học gì nhiều, nhiều thầy chỉ tụng kinh là đủ rồi. Mỗi lần con nghe tụng kinh, dù không hiểu gì cũng thấy lòng calm down nhiều lắm. Vậy là được rồi. Và con thấy đạo nào cũng tốt như nhau, đâu cần phải phân biệt Chúa với Chùa làm gì cho mệt hả thầy ?

Hắn đau đớn delete địa chỉ email và số phone của nàng để mãi mãi quên mất một lần gặp gỡ còn tệ hơn đi zoo !
 
 Toại Khanh

Viettheravada.org
 


A case of "Cưỡi Ngựa Xem Hoa"

Thất vọng này, LTP từng gặp nhiều lần . Lại mới gặp hôm qua đây .  Smiling-face-with-halo4

Chị là người viết sách, văn chương bóng bẩy, rất hãnh diện được độc giả khen chị hiểu sâu về đạo Phật .  Chị nói chị tu hàng ngày .  Hỏi ra, mới biết chị tìm đọc tài liệu Phật giáo để viết sách và để đàm đạo trong lúc trà dư tửu hậu trên bàn tiệc .
Reply