TRUYỆN MA
#16
(2021-09-04, 11:06 AM)Green Grass Wrote: Anh Duke lần sau cầm theo đèn cầy, lung linh thấp thoáng ... trên tường. Rollin

Mấy truyện trên là Cỏ lúc tối khuya hôm qua đó chứ, mà vẫn lần theo bóng tối đi lấy ly sữa, có ánh sáng của tủ lạnh nên cũng chẳng mở đèn. Cỏ hay ngồi giữa đêm khuya ngoài vườn ngắm sao mà. Nên quen rồi.

Nhưng búp bê là vẻ đẹp của thiên thần kia mà. Smiling-face-with-halo4

Nhớ đọc từng truyện ma duke post nhé Admire  10_point 

Rồi đêm nào cũng ra vườn ...ngắm sao, nhớ mang theo đèn cầy trắng / đỏ để đốt, thêm vài cây nhang cho ma nó dzui ... tụi nó tới tâm sự với Cỏ ... Biggrin  Themdoan  Rollin
Reply
#17
(2021-09-04, 11:31 AM)duke Wrote: Heart,
Truyện  Heavy-black-heart4 đọc không hồi hộp như truyện ma  Biggrin Lol

Chời duck ơi
Truyện tình yêu cũng hồi hộp lắm cơ.
Cái lúc mà ngày birthday của chàng, nàng tặng cho chàng cái thai ...i mean a tie     Biggrin Đừng nói duke khg hồi hộp à  Lol
~~~~~~~~~~
God, grant me the serenity to accept the things I cannot change.🦋
Reply
#18
(2021-09-04, 11:34 AM)duke Wrote: Nhớ đọc từng truyện ma duke post nhé Admire  10_point 

Rồi đêm nào cũng ra vườn ...ngắm sao, nhớ mang theo đèn cầy trắng / đỏ để đốt, thêm vài cây nhang cho ma nó dzui ... tụi nó tới tâm sự với Cỏ ... Biggrin  Themdoan  Rollin

Đọc anh Duke viết mà ớn lạnh hơn đó. Rollin

Có thêm đèn cầy cho nó dzồ mên tịt, nhang cho khỏi bị muỗi cắn. Rollin
.
.
.[Image: caeb7acbb406d4a771315fc46fadb8c3_w200.webp]
Keep your face always toward the sunshine,
and shadows will fall behind you
- Walt Whitman



Reply
#19
(2021-09-04, 11:30 AM)Heart Wrote: “Cỏ hay ngồi giữa đêm khuya ngoài vườn ngắm sao mà”

Heart cũng hay làm chuyện này. Có nhiều lúc ban ngày trong cuộc sống có lắm nhọc nhằn.. thì khi về đêm ta ngồi một mình trong khu vườn vắng ... lòng ta cảm nhận rất nhẹ nhàn.

GG cứ bảo Heart lớn tiếng khi vào thì khg được bạn ơi à.
Vì Heart khg có hơi kkkkkkk Biggrin hơi của Heart rất ngắn.

Hơi  Heavy-black-heart4 ngắn vì thoi thóp canh dài
Đêm đen thùi sao le lói trăng phai
Heavy-black-heart4 không ngủ, riêng mình trong thanh vắng ...
Năm canh dài chờ đợi tiếng than ...AI?    Suytu 

[Image: 241479303_205532174836496_76155019272790...e=61387D73]
Reply
#20
(2021-09-04, 11:45 AM)Heart Wrote: Chời duck ơi
Truyện tình yêu cũng hồi hộp lắm cơ.
Cái lúc mà ngày birthday của chàng, nàng tặng cho chàng cái thai ...i mean a tie     Biggrin Đừng nói duke khg hồi hộp à  Lol

Sợ ma quá nên phải kiếm cớ  Rollin cho bớt sợ ...?  Suytu Rollin
Reply
#21
(2021-09-04, 11:45 AM)Green Grass Wrote: Đọc anh Duke viết mà ớn lạnh hơn đó. Rollin

Có thêm đèn cầy cho nó dzồ mên tịt, nhang cho khỏi bị muỗi cắn. Rollin

Cỏ cũng giống  Heavy-black-heart4  sợ quá nên  Rollin

banana-skipping-rope-smiley-emoticon banana-skipping-rope-smiley-emoticon banana-skipping-rope-smiley-emoticon
Reply
#22
Bạn duke làm thơ như thấu hiểu được lòng ai.
Thơ rất có duyên.
Nhưng!
Cái hình thì rất vô duyên nghe duke  Lol
À quên .. ta đang ở trong nhà maaaaaaaa  Rollin
~~~~~~~~~~
God, grant me the serenity to accept the things I cannot change.🦋
Reply
#23
(2021-09-04, 11:50 AM)duke Wrote: Sợ ma quá nên phải kiếm cớ  Rollin cho bớt sợ ...?  Suytu Rollin

Truyện tình yêu Heart kể nguy hiễm hồi hộp hơn ngàn lần truyện ma  Rollin Rollin Rollin
~~~~~~~~~~
God, grant me the serenity to accept the things I cannot change.🦋
Reply
#24
Những Người Đàn Bà Mắt Đen
Nguyễn Thanh Việt

Ian Bùi dịch từ nguyên tác Black-Eyed Women
truyện ngắn đầu tiên trong The Refugees


[Image: 241837367_216700587052988_32857426564929...e=61441F52]

Tiếng tăm, loại mà người bình thường ít ai mong có, thường ập đến một cách bất ngờ khi vì bị bắt cóc giam cầm nhiều năm, lúc vì dính phải xì-căng-đan lăng nhăng tình ái, hoặc nhờ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhiều người sống sót sau mấy tình huống như vậy hay kiếm văn sĩ ma để viết hồi ký giùm mình. Những nhân viên agent đại diện cho họ thỉnh thoảng tìm thấy tên tôi. Một lần nọ Má bảo, "Cũng may tên tuổi con ít ai biết tới." Khi tôi trả lời mình sẽ không phiền lòng nếu được nêu danh trong mục cảm tạ, bà nói, "Để Má kể con nghe chuyện này." Đó là lần đầu, nhưng không là lần cuối. "Hồi xưa ở bên nhà," Má nói, "có tay phóng viên nọ hay tố cáo chính quyền việc tra tấn tù nhân. Thế là nhà nước quay lại làm đúng điều đó với hắn. Họ đem anh ta đi đâu không ai biết, mất biệt luôn tới giờ. Đó là số phận những người viết có can đảm đề tên mình lên sách báo."

Khi ông Victor Devoto thuê tôi, tôi đã chấp nhận thân phận một kẻ viết mướn không bao giờ được thấy tên mình trên bìa sách. Agent của Victor đưa cho ông ta coi một cuốn sách do tôi chấp bút. "Tác giả" quyển sách ấy là một người cha có đứa con một hôm xách súng vào trường, nã đạn giết chết mấy người. "Tôi hiểu mặc cảm tội lỗi của ông ta," Victor nói với tôi. Bản thân ông là người duy nhất sống sót trong một tai nạn máy bay. 170 người kia, luôn cả vợ con ông, đều chết hết. Phần người còn lại của ông thường hay xuất hiện trên các chương trình TV, một cái xác biết đi không hơn kém. Giọng nói của ông nhỏ nhẹ và đơn điệu. Đôi mắt, khi bất chợt nhìn lên, như chứa đựng những hình bóng thê lương. Nhàxuất bản cho ông hay phải viết xong quyển sách thật nhanh, trước khi thảm kịch trôi vào quên lãng. Và đó là công việc mà tôi đang dồn hết tâm trí vào khi người anh đã chết của tôi bỗng dưng trở về.

Má đánh thức tôi dậy, bên ngoài trời tối om, "Con đừng có sợ."

Cửa phòng tôi mở toang hoang, đèn từ hàng lang làm tôi chói mắt, "Chuyện gì mà con phải sợ?"

Khi Má nói tên anh, tôi không nghĩ đến anh. Anh mất lâu lắm rồi. Tôi nhắm mắt lại và trả lời mình không biết người nào có tên đó, nhưng Má quả quyết. "Nó về thăm Má con mình," bà lật chăn khỏi người kéo tôi ra. Tôi miễn cưỡng trèo xuống giường, mắt nhắm mắt mở. Má tôi năm ấy mới sáu mươi ba, chưa lú lẫn lắm. Bà dắt tôi ra phòng khách rồi bật khóc, tôi không hề ngạc nhiên. "Nó mới ngay đây," bà quỳ xuống bên cạnh chiếc ghế bành, sờ soạng tấm thảm. "Còn ướt nè." Trong bộ đồ ngủ, Má tôi bò lần theo vệt ẩm ra tới cửa trước. Tôi chạm tay lên thảm, thấy ươn ướt. Giật mình trong tích tắc, tôi chợt nghĩ biết đâu có thật. Im ắng bao trùm căn nhà lúc bốn giờ sáng, dự báo điềm gì không hay. Nhưng rồi tôi nghe có tiếng mưa trên máng xối. Cần cổ tôi nãy giờ cứng ngắc vì sợ từ từ giãn ra. Chắc là Má vừa mở cửa ra ngoài, mắc mưa, rồi đi chân ướt vào nhà. Tôi quỳ xuống bên Má đang cúi gập người trên thảm, tay còn đang bám chặt nắm cửa, "Má chỉ giỏi tưởng tượng."

"Má biết Má thấy gì mà. Nó đi qua đi lại. Nó nói chuyện. Nó nói nó muốn gặp con."

"Vậy ảnh đâu rồi hả Má? Con có thấy ai đâu!"

"Làm sao con thấy được," Má thở dài, như thể tôi quá đần độn để hiểu một điều hết sức hiển nhiên. "Nó là ma mà, đúng không?"

*

Từ khi Ba mất cách đây vài năm, hai má con tôi sống chung một cách lịch sự. Chúng tôi chia sẻ niềm đam mê chữ nghĩa, nhưng tôi thì thích sự im lặng của nghề viết, còn Má tôi lại thích nói. Bà không ngừng tiếp cho tôi những lời đồn đãi, những câu chuyện về một người cha mà tôi không hề biết, lúc ông còn vui vẻ trẻ trung. Kế đến là những chuyện kinh khiếp, giống chuyện người phóng viên nọ, ví chừng đời sống là hệ thống cảnh sát, thỉnh thoảng nó lại nổi hứng đánh đập người ta. Và cuối cùng là loại chuyện Má tôi thích nhất chuyện ma, có chuyện chính mắt bà thấy.

"Bà Sáu bị đột quỵ mất năm 76 tuổi," Má tôi kể một hay hai ba lần gì đó, tôi không nhớ vì bà có thói quen lặp đi lặp lại. Mà tôi cũng ít để tâm những câu chuyện Má tôi hay kể. "Bà ở Vũng Tàu, còn nhà mình ở Nha Trang. Má đang dọn cơm ra bàn bỗng thấy Bà Sáu ngồi thù lù trong bộ áo ngủ. Mái tóc bạc trắng mà Bà hay búi lên xoã xuống dưới vai, che nửa bên mặt. Xém chút nữa Má làm đổ hết chén dĩa. Má hỏi Bà làm gì đây vậy, Bà chỉ mỉm cười. Xong Bà đứng dậy, hôn Má rồi xoay người Má vô bếp. Lúc Má quay lại thì Bà đã đi mất. Đó là hồn ma của Bà. Má gọi liền cho Ông Sáu, ông nói đúng là Bà vừa mới mất bữa đó, trên giường."

Bà Sáu ra đi nhẹ nhàng thanh thản, Má nói, ngay trong nhà của mình với người thân bên cạnh. Hồn bà bay đi khắp nơi chia tay với bà con. Má tôi nhắc lại chuyện Bà Sáu vào buổi sáng, sau cái đêm bà thấy con trai bà, anh tôi, hiện về. Hai Má con tôi ngồi trong bếp, bên chiếc bàn ăn. Tôi pha cho Má ấm trà xanh. Mặc dù bị phản đối dữ dội, tôi nhất định đo nhiệt độ cho Má, và như bà báo trước, kết quả bình thường. Quơ quơ cái ống nhiệt kế trước mặt tôi, Má nói có lẽ vì mệt nên anh tôi không ở lâu được. Dù gì thì thằng con của bà cũng đã phải vượt mấy ngàn dặm trường.

"Vậy ảnh tới đây bằng cách nào?"

"Thì bơi chớ sao," Má nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại. "Tại vậy nên nó mới ướt chèm nhẹp đó."

"Ảnh bơi giỏi ghê hén," tôi đùa. "Má thấy ảnh sao?"

"Y chang như hồi đó."

"Hăm lăm năm rồi. Bộ ảnh không thay đổi gì hết à?"

"Lần cuối mình thấy người ta ra sao thì giờ mình sẽ thấy họ y vậy."

Tôi nhớ lại hình ảnh cuối cùng của anh, bỗng dưng tôi không còn thấy mắc cười nữa. Nét mặt sửng sốt, cặp mắt trợn trừng không chớp, mảnh ván gãy của chiếc ghe áp sát vào má tôi thật tình không muốn nhìn thấy anh tôi lần nữa, giả dụ như vẫn còn cái gì đó, hay ai đó, để mà nhìn. Sau khi Má lái xe ra tiệm nail đi làm, tôi leo lên giường cố ngủ lại nhưng không tài nào chợp mắt. Mỗi lần nhắm mắt lại là tôi thấy anh nhìn mình trừng trừng. Tôi chợt nhớ đã mấy tháng mình không nghĩ đến anh. Nhiều lần tôi đã cố quên anh, nhưng chỉ cần rẽ một khúc quanh trong thế giới này, hay là trong tâm tưởng, là tôi bắt gặp anh, người bạn thân nhất đời mình. Trong ký ức sâu thẳm nhất của tôi đã có tiếng anh gọi từ sân ngoài. Chỉ cần nghe nhiêu đó là tôi nhào ra, chạy ù theo anh qua những con đường làng ngóc ngách, xuyên những vườn xoài vườn mít, né mấy thân dừa tàu lá xác xơ, leo lên con đê dựa lưng cánh đồng đầy hố bom lồi lõm.

Nhưng giờ nhìn lại tôi mới thấy, tuổi thơ của mình đã sống trên một mảnh đất bị ma ám. Ba tôi bị bắt đi quân dịch, cả nhà lo sẽ chẳng bao giờ gặp lại ông. Trước khi lên đường nhập ngũ ông cho đào một căn hầm bên hông nhà, mái lợp chống bằng gỗ và bao cát tấn chung quanh. Nó ngộp, nóng, hăng mùi đất ẩm và đầy côn trùng lổm ngổm, nhưng lúc còn bé hai anh em tôi rất thích trốn vào đó chơi. Lớn hơn một chút, tụi tôi hay chui xuống hầm để học bài và kể chuyện cho nhau nghe. Tôi là đứa học trò giỏi nhất lớp, đủ để thâày giáo dạy thêm cho tôi tiếng Anh sau giờ học, và tôi truyền lại cho anh tôi những bài học đó. Bù lại, anh kể tôi nghe những truyện dân gian, chuyện thần thoại, ba tin đồn vớ vẩn. Những khi chúng tôi phải núp trong hầm với Má để tránh oanh tạc hay pháo kích, anh thường thủ thỉ rót chuyện ma vào tai tôi để tôi chia trí. Nhưng anh bảo đó không phải là chuyện ma, mà là những điều tai nghe mắt thấy của mấy bà già ngoài chợ chuyên canh củi lửa hoặc buôn gánh bán bưng, họ ngồi chồm hổm nhai trầu rồi nhổ nước bọt đỏ choé. Cư dân chính thức trong làng, theo lời họ kể, có nửa thân trên của một anh trung uý Đại Hàn được phóng đi bằng một quả mìn, văng dính lên cây cao su; có anh lính Mỹ đen bị lột da đầu trôi trên con rạch gần chỗ chiếc trực thăng của anh ta bị bắn rớt, cặp mắt trắng dã, chiếc sọ hình bán nguyệt lòi óc phêu phếu dưới trăng; một anh binh nhì người Nhật không đầu, sục sạo hằng đêm trên giồng khoai mì để kiếm cái đầu của mình. Mấy thằng xâm lược đến chinh phục nước ta rồi ở lại luôn không chịu hồi hương, mấy bà già trầu vừa kể vừa cười khanh khách, khoe bộ răng đen nhánh. Anh thuật lại như vậy. Trong bầu không khí ảm đạm lúc ấy tôi sướng tê người vì được nghe những mẩu chuyện đến từ những người đàn bà với cặp mắt đen láy. Tôi cũng lờ mờ đoán rằng mình sẽ không bao giờ kể được những câu chuyện như thế.

*
Thế nhưng, có phải trớ trêu là tôi lại sống bằng nghề tác giả ma? Tôi nằm trên giường giữa thanh thiên bạch nhật, vắt tay lên trán tự chất vấn mình, nhưng những người đàn bà răng đen mắt đen kia lại nghe được. Cái mà cô đang có gọi là cuộc sống được à? Họ cười khùng khục qua kẽ răng. Tôi kéo chăn trùm lên tận mũi, như hồi mới qua Mỹ vẫn hay làm vì sợ mấy con quái vật đang rình rập ngoài hành lang và xung quanh nhà. Mỗi khi có tiếng gõ cửa Ba Má phải núp sau rèm nhìn ra xem là ai, sợ nhất là đám thanh niên đồng hương, lớn lên trong bạo lực chiến tranh, kéo tới quấy phá. "Không được mở cửa nếu thấy người lạ," Má dặn tới dặn lui. "Đừng để như gia đình nọ, bọn cướp mang súng xông vào trói ké. Tụi nó lấy đầu thuốc lá dí đốt thằng bé cho tới khi bà mẹ chịu khai chỗ giấu tiền mới thôi." Tuổi mới lớn của tôi đầy dẫy những chuyện đau lòng giống vậy, chúng càng làm cho tôi tin lời Má, rằng gia đình mình không được chấp nhận ở cái xứ này. Trong một đất nước mà của cải là tất cả, chúng tôi chả có gì ngoài những câu chuyện.

Khi tôi nghe tiếng gõ cửa thì trời bên ngoài đã tối. Đồng hồ trên tay chỉ 6:35. Tiếng gõ tiếp tục, ngập ngừng, nhè nhẹ. Dù không muốn tin chính mình nhưng tôi vẫn biết đó là ai. Tôi đã khoá chặt cửa từ trước để đề phòng, giờ thì tôi kéo chăn lên trùm đầu kín mít, tim tôi đập mạnh. Tôi vận dụng hết trí lực để đuổi người ấy đi, nhưng khi cánh cửa rung lên bần bật tôi biết đã đến lúc phải ngồi dậy. Những sợi lông măng trên người tôi dựng đứng, mắt tôi mở to nhìn nắm cửa rung rinh dưới sức mạnh của bàn tay anh. Sực nhớ anh đã liều mạng cứu mình, tôi không thể nào không ra mở cửa.

Mặt anh trắng nhách, hơi bị phù, da ngăm đen, đầu tóc lưa thưa. Anh mặc quần đùi đen và cái áo thun xám nhàu nát, tay chân xương xẩu khẳng khiu. Lần cuối tôi thấy anh, anh cao hơn tôi một cái đầu; giờ thì ngược lại. Anh gọi tên tôi, giọng anh khàn đục không giống chất giọng thanh tao thời mới lớn. Nhưng đôi mắt vẫn vậy, tò mò, và cặp môi hở ra như lúc nào cũng sẵn sàng bắt chuyện. Một vết bầm tím sẫm đen loang loáng bên thái dương, nhưng vệt máu như tôi vẫn nhớ thì không còn nữa, có lẽ nó đã được rửa sạch bởi bão mưa và nước mặn. Mưa đã tạnh nhưng người anh ướt sũng. Tôi nghe mùi biển từ anh, và khủng khiếp hơn nữa, cái mùi xú uế trên chiếc ghe ngập ngụa mồ hôi và tiêu tiểu.

Tôi run lên khi anh gọi tên mình, nhưng đây là hồn ma của một người mà tôi yêu quý, người tôi không bao giờ làm hại, của một con ma mà, như Má hay nói, sẽ không bao giờ hãm hại tôi. "Vô đi," tôi lắp bắp và cảm thấy đó là câu nói can đảm nhất của mình. Anh đứng yên, nhìn xuống tấm thảm bị nhễu đầy nước. Khi tôi đưa cho anh cái áo thun sạch và cái quần short cùng với chiếc khăn, anh ngần ngừ chờ tôi quay mặt đi để anh thay đồ. Đây là bộ đồ nhỏ nhất của tôi nhưng nó vẫn quá khổ đối với anh. Quần short thì dài tới đầu gối, áo thun rộng thùng thình. Tôi ra dấu kêu anh vào, lần này thì anh làm theo, leo ngồi lên chiếc giường bùi nhùi chăn gối. Anh tránh nhìn vào mắt tôi, có vẻ như anh sợ tôi hơn là tôi sợ anh. Anh vẫn là một cậu bé mười lăm tuổi nhưng tôi thì đã ba mươi tám, không còn là một con bé nghịch ngợm, sung sức chỉ thích nói chuyện khi cần như khi tôi phỏng vấn ông Victor chẳng hạn. Làm một nhà văn, dù chỉ hạng ba hay hạng tư, phải rành những câu lịch sự tối thiểu mà tôi đây dư sức. Nhưng nói gì đây với một hồn ma, ngoại trừ hỏi tại sao nó đến? Có lẽ vì sợ nghe câu trả lời đó nên tôi hỏi né, "Sao bây giờ anh mới tới?"

Anh nhìn xuống đôi chân của tôi, mười móng chân trần không sơn phết. Chắc anh cảm nhận được tôi không có khiếu với trẻ con. Thiên chức làm mẹ đòi hỏi nơi tôi một sự thân mật vượt ngoài khả năng, chẳng khác nào cuộc tình dài hơn một đêm.

"Anh phải bơi một quãng xa như vậy, chắc tốn thì giờ lắm hả?"

"Ừ." Miệng anh vẫn mở, như còn muốn nói thêm nhưng không biết nói gì hoặc nói bằng cách nào. Biết đâu chuyện anh hiện hồn về là hệ quả đầu tiên của điều mà Má thường gọi là cái nhân tánh bất bình thường của tôi, độc thân và không con cái. Biết đâu anh không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng tôi mà là triệu chứng của một điềm gở. Như căn bệnh ung thư của Ba tôi chẳng hạn. Cái chết của ông cũng khá tốt, Má nói vậy. Ông mất tại gia, với người thân tề tựu, không như cái chết của đứa con trai bà và, xém chút nữa, của tôi. Cơn hốt hoảng trào lên từ đáy giếng sâu bao lâu nay tôi tưởng mình đã đổ xi-măng lên bít kín. May hồn, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe tiếng cửa trước xịch mở. "Má sẽ muốn gặp anh," tôi bảo. "Anh chờ ngay đây, em quay lại liền."

Khi chúng tôi bước trở vào phòng, chỉ còn cái áo thun sũng nước và chiếc khăn ướt. Má cầm nó lên săm soi, đúng là cái áo anh mặc hôm đó, trên chiếc ghe màu xanh với cặp mắt đỏ khè.

"Giờ con biết rồi đó," Má nói. "Chớ quay lưng lại với bóng ma."

*

[Image: ann-phong-nhung-nguoi-dan-ba-mat-den-1.jpg]
Chiếc quần đen và cái áo thun hôi rình mùi biển, nặng nhiều hơn lượng nước bên trong. Khi tôi rinh bộ quần áo vô bếp, nó oằn trọng lượng của một chứng tích. Tôi từng thấy anh mặc bộ đồ này cả chục lần. Tôi nhớ cả khi chiếc quần còn xanh mới, chưa bị bùn đất biến thành đen, cái áo chưa ngả sang xám, còn trắng muốt phẳng phiu. "Giờ thì con tin chưa?" Má mở nắp máy giặt. Tôi ngần ngừ. Nhiều người tả niềm tin cháy bỏng, nhưng cái niềm tin tôi vừa khám phá lại lạnh cóng. "Dạ," tôi nói. "Con tin rồi."

Tiếng máy giặt chạy rì rầm sau nhà, hai má con tôi ngồi ăn trong bếp. Không gian phảng phất mùi gừng và hồi. "Tại vậy mà nó đi lâu quá chừng," Má vừa thổi vừa húp tô súp nóng hổi. Chẳng có gì có thể làm cho Má tôi ăn không ngon hoặc nuốt không trôi, kể cả cái chuyện trên ghe hay chuyện thằng con của Má hiện về. "Nó phải bơi tuốt từ bên đó qua đây lận mà."

"Bà Sáu chết cách mấy trăm dặm mà Má còn thấy cùng ngày."

"Ma đâu tuân theo quy luật của người sống con. Mỗi hồn ma mỗi khác. Có ma hiền, ma dữ, ma buồn, ma vui. Ma người chết già, ma người chết trẻ, chết khi còn thơ. Con nghĩ coi, ma con nít cư xử giống ma ông già không?"

Tôi chẳng biết gì về ma quỷ. Hồi đó tôi không tin có ma, mà cũng chẳng quen ai tin ngoại trừ Má, và Victor, một con người sống gần giống như ma. Cơn viêm nhiệt của nỗi đau làm cho da ông ta trắng nhợt, nhìn dám xuyên qua được. Sắc màu duy nhất trên người ông là chòm tóc đỏ bờm xờm không chải. Ông nói với tôi về thế giới bên kia chỉ hai lần, một lần qua điện thoại, lần thứ nhì tại phòng khách tư gia. Từ hôm gia đình ông rời nhà ra phi trường, mọi thứ trong căn phòng ấy đều được giữ nguyên không ai đụng đến, kể cả những lớp bụi bặm u ám.

Tôi có cảm tưởng dãy cửa sổ chưa hề được mở ra từ đó, như thể Victor muốn đóng hộp khoảng không khí ít ỏi cuối cùng của vợ con trước khi họ lao mình vào cái chết xa nhà. "Người chết tiếp tục cuộc du hành," ông thu mình trong chiếc ghế bành, hai bàn tay kẹp giữa đùi. "Nhưng người sống phải ở lại."

Đó là câu mở đầu cho chương cuối quyển hồi ký. Sau khi Má đi ngủ, tôi xuống phòng làm việc dưới căn hầm sáng choang ánh đèn néon và bắt đầu viết. Xong được một câu tôi lại dừng bút, chờ nghe tiếng gõ cửa hay tiếng chân trên cầu thang. Qua đêm đầu tôi tạo được cho mình một tiết nhịp, cứ hết vài câu thì ngừng, chờ đợi một điều không bao giờ đến. Những đêm sau cứ y như thế. Một hôm, khi tôi viết gần đến đoạn cuối, Má từ tiệm nail về, tay xách mấy bịch ny-lông mua ở phố Tàu. Một bịch là đồ ăn. Bịch kia đựng đồ lót, bộ đồ ngủ, cái quần bò, chiếc áo da, đôi vớ, cặp găng tay, và chiếc mũ bóng chày. Má xếp mớ đồ mới bên cạnh cái áo thun và quần cộc đen của anh đã được giặt ủi khô sạch, phân trần, "Đâu để cho nó lang thang ngoài đường với bộ đồ của con hoài vậy được, nhìn giống dân không nhà hay là bọn nhập cư từ đâu tới." Tôi nói mình chưa bao giờ nghĩ xa tới đó. Má xì hơi mũi, tỏ vẻ bực mình vì cái dốt của tôi về nhu cầu của ma. Đến bữa cơm tối Má mới vui vẻ trở lại. Nhờ là thay vì chui xuống phòng làm việc như mọi bữa, tôi ngồi nán lại để cùng coi với Má một cuốn phim bộ tình cảm xã hội mà bà mướn hàng tá, với những cô chàng Hàn Quốc đẹp rực rỡ hay gặp rắc rối trong yêu đương. Bằng một âm điệu nuối tiếc nhưng kéo tôi đến gần, Má nói, "Nếu không bị chiến tranh thì nước mình giờ cũng giống như Nam Hàn. Sài Gòn sẽ giống như Seoul. Ba con vẫn còn sống, con có chồng có con, Má làm bà nội trợ về hưu, không phải làm nail cực khổ." Má để chén hột dưa lên đùi, đầu cuốn đầy mấy ống nhựa uốn tóc. "Má sẽ đi thăm bè bạn mỗi ngày, hoặc là họ đến thăm Má. Khi Má mất sẽ có cả trăm người đưa đám. Kiểu con lo cho Má như vầy, may lắm được hai chục người tới. Đó là cái làm Má sợ hơn gì hết. Đổ rác hàng tuần hay trả tiền bill hàng tháng con còn không nhớ. Ra chợ mua đồ ăn còn không đi."

"Con sẽ nhớ lo cho vong hồn của Má."

"Con sẽ quàn Má ở đâu? Giỗ Má là ngày nào? Con sẽ khấn vái cái gì?"

"Thì Má cứ ghi xuống," tôi trả lời, "những gì con cần phải nói."

"Anh con mà còn sống nó sẽ biết phải làm gì," Má nói. "Con trai là vậy."

Tôi cứng họng.

*

Đợi tới mười một giờ vẫn chẳng thấy ai, Má đi ngủ. Tôi xuống nhà dưới, chuẩn bị viết. Công việc cầm bút chẳng khác nào lần bước trong chốn sương mù, mò mẫm tìm một lối đi từ cõi con người sang thế giới con chữ. Không phải ngày nào cũng dễ tìm được lối ra. Trên vai tôi là con két với một câu hỏi hóc búa, tại sao tôi sống mà anh phải chết? Tôi nhỏ hơn, yếu đuối hơn, vậy mà anh lại là người bị chôn trên biển, chìm vào đại dương không một bó chiếu, không một lời vĩnh biệt đến từ tôi. Tiếng gào của Má và tiếng nấc của Ba không lấp nổi âm vang của thinh lặng trong tôi. Đã đến lúc phải nói vài lời để gọi anh về cho anh toại nguyện, nhưng tôi không tìm được chữ. Tưởng một đêm nữa sẽ trôi qua anh không đến, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa trên đầu cầu thang. Mình tin mà, tôi tự nhủ lòng. Mình tin là anh sẽ không hại mình mà.

"Anh không cần gõ," tôi mở cửa ra và nói. "Nhà này cũng là của anh."

Anh nhìn tôi trân trân. Cả hai lúng túng trong im lặng. Cuối cùng anh nói, "Cám ơn mày nghen." Lần này tiếng anh mạnh mẽ, chất giọng thanh cao của thời mới lớn, và anh nhìn thẳng vào mắt tôi. Anh vẫn mặc cái áo thun và quần short tôi đưa hôm bữa, nhưng khi tôi chỉ anh những thứ Má mới mua, anh nói, "Tao không cần mấy cái này."

"Anh đang mặc đồ em đưa."

Anh im lặng. Sự im lặng kéo dài đến nỗi tôi tưởng anh không nghe tôi nói.

Cuối cùng anh trả lời, "Người chết mặc đồ cho người sống. Không phải cho họ."

"Đó giờ mình vẫn biết là có ma," anh nói tiếp.

"Em thì không tin hoàn toàn." Tôi cầm tay anh.

"Sao anh trở về?"

"Tao đâu có trở về. Tao đi tới đây."

"Anh chưa hề rời bỏ cõi đời này?"

Anh gật đầu.

"Tại sao không?"

Anh lại im lặng hồi lâu. Rồi anh hỏi, "Mày nghĩ tại sao?"

Tôi nhìn ra hướng khác. "Em đã ráng quên."

"Nhưng mày chưa quên."

"Em không thể."

Tôi nhớ rất rõ chiếc thuyền không tên màu xanh, và nó cũng không bao giờ quên tôi, cặp mắt đỏ lè sơn trên mũi ghe lúc nào cũng trừng trừng nhìn xuống đời mình. Sau bốn ngày khá êm trên biển, đêm trời quang mưa tạnh, ngày mây trắng nắng xanh, những hòn đảo bắt đầu xuất hiện, li ti chấm phá phía chân trời. Bỗng dưng từ xa một chiếc thuyền lớn nhắm ngay ghe của chúng tôi thẳng tiến. Tốc độ của nó cực kỳ nhanh. Thuyền chúng tôi dĩ nhiên đi rất chậm vì chỉ là chiếc ghe đánh cá nhỏ nhưng phải chở cả trăm mạng thay vì chỉ vài người thuỷ thủ và những con cá mòi. Anh lôi tôi xuống buồng lái, tiếng động cơ kêu rền rĩ. Móc con dao nhỏ trong túi ra, anh cắt mái tóc tôi thành lởm chởm ngắn ngủn như con trai, kiểu tóc mà tôi vẫn giữ cho đến bây giờ. "Nhớ đừng mở miệng." Lúc ấy anh mười lăm tuổi, tôi mới mười ba. "Giọng mày con gái lắm. Cởi áo ra."

Lúc nào tôi cũng nghe lời anh, dù lần này tôi hơi mắc cỡ. Anh liếc thoáng qua xong nhanh tay xé áo tôi ra từng mảnh, quấn chặt bộ ngực vừa bắt đầu nhú lên của tôi. Anh cởi áo ngoài của mình ra mặc vào cho tôi rồi cài nút lại, trên người anh còn độc chiếc áo thun sờn bạc. Rồi anh lấy dầu máy bôi lên mặt tôi, chúng tôi ngồi thu mình dưới đó cho đến khi bọn hải tặc áp tới. Chúng cũng dân chài giống như người mình, đen đủi và gân guốc, chỉ khác ở chỗ chúng có rựa và súng máy. Mọi người tháo hết vòng vàng, bông tai, nhẫn cưới đưa cho chúng. Xong chúng gom hết đàn bà con gái lại, không quên bắn chết một ông chồng và một người cha dám mở miệng phản đối. Ai nấy im thin thít trừ những người đang bị lôi đi kêu la thảm thiết. Tôi không quen biết ai trong đám người đó, những đứa con gái này đến từ làng khác. Điều này có lẽ làm giảm phần nào mặc cảm tội lỗi khi tôi núp mặt vào cánh tay anh cầu trời cho mình không bị bắt. Tôi ráng nín thở cho tới khi tất cả phụ nữ đã bị tống lên ghe bên kia và bọn hải tặc lục tục lên theo.

Tên cuối cùng nhìn phớt qua tôi. Hắn cỡ tuổi Ba, chiếc mũi thù lù như cái móng heo bị nắng thiêu, nồng nặc mùi mồ hôi trộn với ruột cá. Người nhỏ thó, hắn biết vài chữ tiếng Việt, bước tới gần nâng mặt tôi lên hắn nói, "Thằng này đẹp trai." Sau khi anh rút dao đâm hắn, cả ba chúng tôi đứng sững không chớp mắt nhìn xuống lưỡi dao nhỏ xíu còn đang nhễu máu. Sau vài giây, hắn phá tan sự im lặng bằng một tiếng thét lanh lảnh, đau đớn. Nhanh như chớp, gã đàn ông nhỏ ấy rút báng súng quất một cú trời giáng vào đầu anh tôi. Thanh âm chát chúa tôi vẫn còn nghe rõ mồn một. Anh ngã xuống với sức nặng của một xác chết, máu tuôn từ chân mày. Quai hàm và thái dương anh va vào thân tàu, tiếng đập khủng khiếp ấy dội mãi trong đầu tôi.

Tôi sờ lên vết thương, "Anh còn đau không?"

"Hết rồi. Nó còn làm mày đau không?"

Một lần nữa, tôi giả vờ nghĩ đến một câu hỏi mà mình đã biết câu trả lời. Cuối cùng tôi nói, "Còn." Khi gã đàn ông nhỏ đó ném tôi xuống, đầu tôi đập vào sàn tàu u một cục.

Khi hắn xé toạc áo tôi, những chiếc móng nhọn làm tôi chảy máu. Lúc tôi quay mặt sang một bên và thấy Ba Má đang gào rú, tai tôi như ù đi vì không còn nghe được gì nữa. Ngay cả lúc đang khóc thét tôi cũng không nghe được âm thanh của chính mình dù biết rõ miệng mình đang mở ra khép lại. Thế giới bị câm tiếng từ đó, cũng như mãi mãi về sau, giữa Ba Má và tôi. Không ai hé răng nói thêm một lời về chuyện này. Sự im lặng của Ba Má, và của tôi, là những vết cứa trong lòng không hề dứt. Nhưng điều làm tôi đau đớn hơn hết không phải là chuyện đó, cũng không phải là sức nặng của những tên đàn ông đè lên người. Mà là cái ánh sáng chói loà đã rọi vào mắt tôi đen thẳm, khi tôi ngước mặt lên bầu trời và nhìn thấy đầu ngọn thuốc lá đỏ hồng của Thượng Đế dừng lại chốc lát trước khi dí vào da thịt mình.

*

[Image: ann-phong-nhung-nguoi-dan-ba-mat-den.jpg]
Kể từ đó tôi tránh ban ngày và ánh nắng. Anh cũng nhận ra điều này khi đặt cánh tay tôi cạnh tay anh để chỉ cho thấy da tôi trắng hơn cỡ nào. Hồi nhỏ, những khi phải núp dưới hầm để tránh bom, tụi tôi cũng hay xoè bàn tay ra trước mặt nhau để xem có thấy được nhau trong bóng tối. Cứ mỗi trái bom làm rung rinh mặt đất là bụi và cát theo nhau đổ lên mặt lên mày, chúng tôi phải ra dấu bằng tay như vậy để biết mình vẫn còn nguyên vẹn. Trong ký ức, tiếng rít ghê hồn của những chiếc oanh tạc cơ vẫn làm tôi nổi da gà. Lần đầu tiên nghe thấy âm thanh rùng rợn đó anh rỉ vào tai tôi, đừng có sợ, chỉ là mấy con Phantom ma.

"Anh biết hồi đó em thích nhất cái gì không?" Anh lắc đầu. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế sofa trong phòng làm việc của tôi, tháng 11 dưới đây ấm hơn trên phòng khách. "Sau mỗi đêm bị thả bom như vậy anh em mình lại leo ra ngoài, em nắm tay anh đứng nheo mắt nhìn nắng. Em thích nhất là sau bóng tối và sự trốn tránh là ánh sáng. Sau cơn sấm sét là thinh lặng."

Anh gật đầu, mắt không chớp, ngồi cuộn mình trên ghế như tôi, đầu gối hai đứa chạm vào nhau. Con két làm tổ trên vai tôi từ ngày anh chìm vào lòng biển tự dưng cựa quậy. Tôi bỗng nghiệm ra, muốn đuổi nó đi chỉ có cách để cho nó nói.

"Giải thích giùm em," nó hỏi, "tại sao em được sống mà anh phải chết?"

Anh nhìn tôi chằm chằm, bằng cặp mắt không bao giờ khô dù phải mở hoài không chớp. Má đã sai. Anh có thay đổi. Bằng chứng là đôi mắt, bị ngâm muối quá lâu chúng luôn luôn ướt dẫu không nhắm lại được nữa.

"Mày cũng đã chết. Nhưng mày không biết đó thôi."

Tôi sực nhớ một cuộc nói chuyện với Victor. Một câu hỏi nảy ra trong đầu, cấp bách đến độ tôi phải gọi ông ta lúc mười một giờ đêm, giờ mà tôi biết ông ta vẫn còn thức. "Vâng, tôi tin là có ma," ông trả lời, không có vẻ gì ngạc nhiên trước câu hỏi. Tôi mường tượng ông đang ngồi thu mình trên chiếc ghế bành, chiếc đầu tóc đỏ gắn trên thân hình trắng sáp, như thể những hồi tưởng về tai nạn thảm khốc cướp mất vợ con đang làm ông bốc lửa. Khi tôi hỏi chính ông có thấy ma bao giờ chưa, ông trả lời, "Lúc nào cũng thấy. Mỗi khi nhắm mắt là vợ con tôi hiện ra như khi còn sống. Khi mở mắt ra tôi có thể thấy họ thoáng qua nơi khoé mắt. Họ di chuyển rất nhanh và biến mất trước khi tôi kịp nhìn rõ. Tôi còn ngửi được họ. Mùi dầu thơm của vợ tôi khi bà ấy lướt ngang qua, mùi thuốc gội đầu của đứa con gái, mùi mồ hôi trong chiếc áo thể thao của thằng con. Tôi còn cảm nhận được họ bằng xúc giác. Đứa con trai hay vuốt tay tôi, vợ tôi thở lên gáy tôi như còn đang trên giường ngủ, cô con gái thì ôm lấy chân tôi. Ta có thể nghe tiếng của ma. Vợ tôi luôn nhắc đừng quên chìa khoá khi rời nhà. Cô con gái nhắc đừng để bánh mì cháy trong máy nướng. Thằng con thì nhắc tôi cào đống lá cho nó nhảy lên. Họ còn hát mừng sinh nhật tôi nữa."

Sinh nhật của Victor vừa đến hai tuần trước. Giống như tôi tưởng tượng Victor ngồi một mình trong bóng tối, mắt nhắm, tai lắng nghe tiếng vọng từ những mùa sinh nhật xưa đó là câu mở đầu cho quyển hồi ký của ông.

"Ông không sợ ma à?" Tôi hỏi.

Trong im lặng, tiếng nhiễu xạ của điện thoại kêu rè rè.

"Không ai sợ điều mình tin cả," Victor trả lời.

Câu này cũng được tôi cho vào hồi ký, mặc dù lúc đó tôi không hiểu hết ý của ông.

Giờ thì tôi đã hiểu rồi. Tôi gập người lại khóc hả hê, khóc không biết xấu hổ, không biết sợ. Bằng cặp mắt tò mò anh nhìn tôi khóc, khóc cho anh, khóc cho tôi, cho những năm tháng đáng lẽ chúng tôi đã có được với nhau, cho bao nhiêu lời chưa từng được nói giữa tôi và Ba Má. Nhưng trên hết, tôi khóc cho các cô gái bị bắt đi biệt tăm không bao giờ trở lại, trong đó có cả chính mình.

*
Vài tháng sau đó cuốn hồi ký của Victor ra đời và bán khá chạy. Giới phê bình dành nhiều lời khen tặng. Tên tôi không xuất hiện bất cứ nơi nào trong sách, nhưng tiếng tăm nhỏ bé của tôi cũng vang thêm được một chút trong cái bóng khuất của giới xuất bản sách. Người agent đại diện gọi điện thoại, cho hay cô ta vừa kiếm được cho tôi một mối mới còn bộn bạc hơn, hồi ký một anh binh sĩ bị mất hai tay hai chân vì tháo gỡ mìn. Nhưng tôi từ chối. Tôi đang bận viết một tác phẩm cho chính mình.

"Chuyện ma hả?" Cô ta hỏi, giọng phấn khích. "Tôi có thể lăng-xê chuyện ma. Ai cũng thích bị nhát."

Tôi không muốn nói với cô ta là tôi không có ý định làm cho người sống phải khiếp sợ. Không phải ma nào cũng rắp tâm trả thù hay gây rối. Ma của tôi là những vong linh hiền lành ít nói như anh tôi, là các linh khí u uẩn hiện về trong các câu chuyện của Má tôi. Chính Má, chuyên gia về ma, đã báo cho tôi hay là anh sẽ không trở lại. Lúc tôi quay sang bên cạnh để lấy hộp khăn giấy, anh biến mất, để lại một vệt lõm lành lạnh trên sofa. Tôi lên lầu đánh thức Má dậy. Sau khi bắc ấm nước nấu trà, Má ngồi vào bàn nghe tôi kể chuyện anh về. Sau bao nhiêu năm khóc cho đứa con trai, lần này mắt Má ráo hoảnh.
"Con biết nó đi luôn rồi phải không? Nó chỉ về để nói hết những gì nó muốn nói."

Ấm nước bắt đầu sôi, hơi nước thở phì phì qua cái lỗ mũi sắt.

"Má," tôi trả lời. "Con chưa nói hết những gì con muốn nói."

Má tôi, người đã không tránh chú mục vào đứa con gái của bà lúc trên ghe, giờ lại quay đầu nhìn sang hướng khác. Trong số những chuyện ma Má thuộc nằm lòng, có một câu chuyện bà không bao giờ muốn kể, một loại khách bà không bao giờ muốn mời. Nhưng họ đang tựu về trong bếp. Hồn ma của thuyền nhân, của hải tặc, của chiếc ghe lúc nào cũng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt không bao giờ khép, và của đứa con gái trong tôi những hồn ma duy nhất mà Má tôi sợ.

"Kể chuyện nữa đi Má," tôi nói. "Con đang muốn nghe."

Y như rằng, Má đào ra chuyện hết sức dễ dàng. "Ngày xưa có một người đàn bà," Má bắt đầu kể, "yêu chồng tha thiết. Chồng bà là một quân nhân bị mất tích sau một điệp vụ sâu trong lòng địch. Bản báo cáo nói anh ta đã tử trận; bà nhất định không tin. Chiến tranh chấm dứt, bà di cư sang
đây và tái giá sau vài chục năm chờ đợi. Bà sống rất hạnh phúc, cho đến một hôm người chồng cũ trở về từ cõi chết, ông ta được thả ra từ một trại tù tối mật sau ba mươi năm khổ ải." Để chứng minh, Má đưa tôi xem một trang báo cách đây nhiều năm, có hình hai người gặp lại nhau ở phi trường. Họ không nhìn vào mắt nhau. Trông họ rụt rè, ê chề, không thoải mái tự nhiên. Nhiều bạn bè và phóng viên vây quanh, nhưng chẳng ai nhận ra giữa cuộc tái ngộ thê lương này là hai con ma, hai cái bóng hoen ố của những con người đẹp đẽ một thời.

"Mấy chuyện kiểu vầy thiếu gì," Má vừa nói vừa rót trà vào tách cho tôi. Buổi gọi hồn hôm đó đã thành thông lệ mỗi tối của hai má con tôi, một bà già và một bà chưa già nhưng cũng sắp già. "Ghi chép làm chi cho mệt vậy?"

"Con không làm thì ai làm?" Tôi trả lời, quyển tập trên đùi, viết mực sẵn sàng.

"Đúng là văn sĩ," Má lắc đầu, nhưng tôi biết trong bụng bà vui. "Ít ra con không phải đặt điều như mọi khi."

Những câu chuyện đôi khi đến với tôi như vậy, qua Má. "Để Má kể con nghe chuyện này," bà vẫn nói, một hay hai ba lần gì đó. Nhưng thường thường là do tôi đi săn lùng những hồn ma. Họ lai vãng trong cõi người ta cũng như ta vãng lai đến thế giới của họ. Là vật thể yếu ớt xanh xao, họ sợ ta hơn ta sợ họ. Cho nên họ khi ẩn khi hiện khó thấy, ta phải bỏ công truy tìm. Trên bàn viết của tôi có một chiếc quần cộc đen cũ mèm và một cái áo thun xám sờn rách nhưng sạch sẽ, thẳng thớm. Chúng là lá bùa nhắc nhở tôi rằng Má nói đúng. Truyện chỉ là hư cấu không hơn kém. Ta đi tìm truyện trong một thế giới song phương, xong bỏ chúng lại đây cho người khác chứng nghiệm, như y phục trút bỏ bởi hồn ma.


Nguyễn Thanh Việt
Reply
#25
[Image: 241825118_216728177050229_98981189306981...e=61446EDD]

𝐍𝐆Ủ 𝐂Ù𝐍𝐆 N𝐆ƯỜI 𝐂𝐇𝐄̂́𝐓   - Kinh Dị Buôn Người
_______________
𝐏𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝟏
Tháng bảy cô hồn năm ấy đến trong cơn mưa dầm rả rích. Mới đầu tháng nhưng mà tro tàn của đống vàng mã đã bay khắp nơi. Người dân thị trấn quê tôi có tục lệ, từ ngày mồng một đến ngày mười bốn âm lịch, người ta sẽ cúng cháo trắng và đốt tiền giấy đều đặn để cho vong hồn của những người chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ được an ủi phần nào.

Nhiều người ở dưới thành phố đi ngang nơi đây, thấy chúng tôi cúng kiếng chỉn chu như thế thì cười, bảo rằng ở đây quanh năm yên bình, đường xá vắng vẻ, chẳng mấy khi có tai nạn giao thông thì cúng vong ngoài đường làm gì cho tốn kém?

Người khác có thể không tin, chứ riêng dân bản địa như chúng tôi thì biết rất rõ, nơi này nhiều vong hơn bất kỳ chỗ nào khác, âu cũng là bởi nhiều nguyên do.
Quê tôi vốn nằm trên trục đường quốc lộ, ngay đằng sau thị trấn là những rặng núi trùng trùng điệp điệp. Chúng đều hoang vu hẻo lánh đến mức, muốn đi từ nhà này sang nhà khác phải mất nửa ngày đường. Tôi còn nhớ, có những năm lũ quét bất ngờ ập đến, từ trên cao ùn ùn đổ xuống dòng sông cuồn cuộn chảy toàn là đất đá, cây cối, lợn gà của người dân trên bản.
Trong dòng nước đục ngầu ấy, còn có cả những xác chết bị cuốn. Cơn lũ quét đi qua, mấy chú bộ đội biên phòng cùng tổ công tác cứu nạn lại căng mình tìm kiếm trong đống bùn đất đổ nát hoang tàn ấy những xác người còn xót lại.

Có lần, chính mắt tôi trông thấy hai cái xác bị cụt đầu mắc kẹt giữa hai thân cây cổ thụ, hai tay vẫn còn chột chặt với nhau, chân bị kẹp trong đống đất đá. Chú Bảo làm nhiệm vụ kiểm lâm ở sát vách nhà tôi phải huy động thêm hai anh em nữa, bê hết khối đá dưới chân họ, sau đó mới dùng kéo để cắt đứt sợi dây cột trên tay, cuối cùng mới hạ được cỗ thi hài kia xuống. Mọi người suy đoán rằng, có lẽ hai người này không muốn bị lạc mất nhau khi chạy lũ, nên mới cột chặt hai tay lại như vậy, cuối cùng đành chết oan cả đôi. Ngoài hai xác chết ấy, tôi còn thấy cơ man thi hài của đồng bào sống ở thượng nguồn, thậm chí có khi người ta còn vớt được những người lái buôn xấu số, không may bỏ mạng giữa đường. Mỗi một cơn lũ qua là bãi tha ma dành cho xác chết vô danh lại có thêm nhiều nấm mồ mới. Có nhiều thi hài được người nhà lặn lội lên nhận diện, cũng có thi hài bị bỏ lại mãi mãi nơi đại ngàn, có khi cũng chẳng còn ai nhớ đến.

Chính vì thế mà cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, trong thị trấn lúc nào cũng nghi ngút khói nhang, giấy tiền vàng mã bay khắp nơi. Vào ngày đúng ngày rằm, các cụ bô lão sẽ trịnh trọng điều hành lễ tế vong hồn vất vưởng, sau đó sẽ đốt một thuyền chở đầy hình nhân rồi để mặc cho gió bay khắp nơi. Đến sáng ngày mười sáu âm lịch thì pháp sự mới được xem là viên mãn.
…………………………
Tháng cô hồn năm tôi học lớp mười, trời đổ mưa liên tục. Cơn mưa dầm dề kéo dài mấy ngày, việc đi học của tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vào những ngày trời khô ráo, tôi hay đạp xe băng qua con đường mòn trong rừng để đi tới trường. Con đường này tuy vắng vẻ, nhưng lại rút ngắn quãng đường đi học của tôi đáng kể. Những ngày trời mưa, dù chỉ lác đác vài hạt mưa thôi, tôi cũng vẫn phải đạp xe trên đường quốc lộ, cũng là con đường băng ngang qua căn nhà quỷ trạch của gia đình tôi. Đường này tuy dễ đi, nhưng lại xa hơn hẳn đường mòn. Thêm vào đó, việc đi trong rừng vào ngày mưa sẽ nguy hiểm hơn gấp bội.
Người ta có câu nói “Người đi biển sợ bão, người đi rừng sợ mưa”, giông bão ngoài khơi xa như thế nào, thực tình tôi không biết rõ. Thế nhưng với cánh cửu vạn lấy hàng ngoài biên giới thì mưa rừng lúc nào cũng là một cơn ác mộng. Mưa sẽ làm cho đất dưới chân trở nên lầy lội, trơn trượt khó đi. Sau khi mưa, khí hậu ẩm ướt, rắn rết bò ra ngoài hang kiếm ăn khiến cho cánh đi rừng lại càng phải cảnh giác hơn gấp bội, vì đôi khi chỉ cần sơ sảy một chút mà đạp nhầm vào rắn thì chỉ còn nước vong mạng. Ngày trước khi bố mẹ tôi còn sống, lúc nào trong tủ thuốc của gia đình cũng có sẵn một bộ giác hút nọc rắn, phòng trường hợp không may.
Thế nhưng đối với tôi, những rủi ro đó đều chẳng là gì khi mỗi lần đi đến trường, tôi lại phải đi ngang căn nhà cũ đã từng ở trước đây. Bao nhiêu năm qua nó vẫn vậy, vẫn là ngôi nhà có giàn hoa hồng leo ở phía trước, chỉ có điều giờ không còn ai dám lai vãng nữa. Tôi đã cố tình đạp xe qua nhiều lần, nhất là vào những đêm rằm trăng sáng, nhưng chẳng hề thấy vong hồn của bố mẹ tôi như người ta đã đồn thổi. Cả mười lần đều không thấy cả mười, lâu dần tôi thất vọng, không còn muốn đứng ngoài cửa ngóng đợi bố mẹ hiện về nữa. Mỗi lần như thế, bà nội tôi đều biết cả. Cho đến một ngày nọ….
……………………………….
Tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy, lúc tôi đang ở trong trường thì đột nhiên bác bảo vệ hớt hải vào lớp gọi váng lên:
“Linh ơi! Về! Về mau! Nhà cháu cháy rồi!”
Cô giáo ngừng giảng bài, đám bạn trong lớp bỗng xôn xao, mọi ánh mặt đổ dồn về phía tôi. Tôi vùng dậy, quên cả mang cặp sách, vội vàng chạy xuống khu nhà để xe sau trường. Thầy giáo tôi thấy vậy thì rít lên:
“Con bé này! Đi xe đạp làm gì? Lên xe thầy đèo về!”
Tôi luống cuống chỉ biết răm rắp nghe theo. Ngồi sau lưng người thầy tóc đã bạc trắng, tôi run bần bật. Hàng loạt ý nghĩ vút nhanh qua đầu tôi. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là bà nội. Không biết bà nội có chạy thoát không, không biết giờ này bà có ở nhà hay không, có ai kịp cứu bà không. Tôi chắp hai tay trước ngực, giọt nước mắt lăn trên má bị gió thổi vù vù tạt ra đằng sau.
Khi hai thầy trò tôi về đến nhà thì đã thấy đám đông xúm đen xúm đỏ ở phía trước. Căn nhà nhỏ của hai bà cháu tôi một nửa bị cháy đen, mảng tường trắng tinh ngày nào bị khói ám cho đen kịt, gian hiên nhà có mái ngói giờ ướt nhẹp, khói bốc lên nghi ngút. Ở góc phía tây của căn nhà, nơi ấy bà tôi thường hay để đống vàng mã hình nhân, khung cửa gỗ vẫn còn bốc cháy. Tôi thấy rõ, bác Hòa hàng xóm đang đứng trên mái nhà, xối thẳng cái vòi nước xuống để dập lửa. Mọi người nhốn nháo vây quanh. Hai mắt tôi nhòe đi, tôi nhảy phóc xuống đất rồi chen vào bên trong, luôn miệng gọi lớn:
“Bà ơi! Bà ơi! Huhu…”
Chú Bảo hàng xóm giữ tôi lại:
“Đừng! Đừng vào đấy! Mày muốn cháy thành than à?”
Tôi gào ầm lên:
“Bà ơi! Bà! Chú bỏ ra, cháu phải vào cứu bà cháu....”
Tôi giật thật mạnh cánh tay để thoát khỏi chú Bảo, rồi toan chạy vào trong. Vừa đi được mấy bước, tôi nghe thấy tiếng bà nội kêu lên:
“Linh! Linh ơi! Đừng vào! Bà ở đây!”
Nghe thấy giọng nói quen thuộc, người tôi khựng lại nhìn ra đằng sau. Bà nội tôi tập tễnh chống cái nạng rẽ đám đông đi ra, bên cạnh là vợ chú Bảo đỡ bà. Tôi chạy ào đến bên bà nội rồi luống cuống xem tay bà, miệng méo xệch đi vì mếu:
“Bà có làm sao không bà? Có chảy máu ở chỗ nào không bà?”
Thấy cháu khóc, bà tôi cũng rươm rướm nước mắt:
“Không! Bà không bị sao. May mà có các bác hàng xóm sang kịp. Nếu không thì…”
Đúng lúc này, chú út tôi dẫn theo mấy chú công an đồng đội chạy tới. Vừa thấy bà nội, chú hớt hải chạy vào, gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt hệt như đứa trẻ con. Chú rối rít hỏi thăm rồi lật đật cõng bà tôi lên ngồi ở trên ghế. Hàng xóm vẫn xúm xít xung quanh theo dõi. Hỏi thăm bà một lát, chú tất tả chạy theo đồng đội vào bên trong để xem xét. Mọi người trong thị trấn lúc này thi nhau đồn đoán:
“Làm sao mà căn nhà đang yên đang lành bỗng dưng cháy được nhỉ?”Cô bán thịt sát nhà tôi tỏ ra không hiểu.
“Hay là bà cụ nấu nướng cái gì trên bếp rồi quên không tắt đi?” Một người khác tiếp lời.
“Cũng may là người không làm sao. Chỉ cháy một góc nhà. Khổ thật đấy, cháy vào giữa tháng cô hồn thế này. Không biết chừng… ma làm cũng nên…” Ai đó dè dặt trả lời rồi bỏ lửng câu nói.
Tôi ôm chặt vai bà, hai bà cháu chỉ lẳng lặng nhìn căn nhà đen xì một góc mà không trả lời ai. Một lúc sau, tôi thấy thầy Phòng ôn tồn nói với bà tôi:
“Cụ không sao là may rồi cụ ạ. Căn nhà này tạm thời phải sửa chữa lại thì mới ở tiếp được. Có khi… cụ cùng với cháu Linh về tạm căn nhà cũ trước đây mà ở tạm.”
Đám đông đang bàn tán rôm rả, nghe thấy thầy Phòng nhắc tới căn nhà quỷ trạch thì bỗng im bặt, tất cả đồng loạt nhìn bà tôi chờ đợi. Đúng lúc tôi đang lúng túng không biết phải nói sao thì chú Long nhà tôi chạy đến, lưng áo ướt đẫm, mồ hôi lấm tấm đầy trên gương mặt. Chú vừa lau mồ hôi vừa nói:
“Mẹ ơi! Khả năng là do đống tro tàn vàng mã thổi sang, bắt lửa vào đám vàng mã mẹ để ở tầng trên, nên mới bị bùng lên như vậy. Rườm cửa cháy hết cả, điện trong nhà cũng cháy, bốc mùi cao su khét lẹt.”
Bà nội tôi run run bám lấy tay chú:
“Vậy… vậy bàn thờ bố mày với anh chị mày thì sao hả con?”
Chú Long thở hắt ra, giọng chú trầm hẳn lại:
“Cháy gần hết rồi mẹ ạ!”
Toàn thân bà tôi mềm oặt, ngả vào người tôi, từ trong khóe mắt của bà hai hàng nước mắt chảy ra, lăn trên gò má. Chú Long sợ bà ở lại thêm đau lòng, thế là nhờ thầy Phòng đưa tôi và bà tới nhà trọ dưới huyện, ấy vậy mà bà lại khăng khăng muốn về căn nhà cũ của gia đình tôi. Mọi người khuyên ngăn mãi không được, nên cuối cùng đành chiều theo ý bà. Thực tình trong lòng tôi lúc đó cũng muốn trở lại căn nhà cũ, biết đâu tôi sẽ gặp lại hai người mà tôi hằng mong nhớ. Tôi mang cảm giác vừa khấp khởi, vừa lo lắng, vừa nuối tiếc căn nhà bị cháy trên chuyến xe đi về nơi mình đã từng sống. Mãi đến một thời gian dài sau đó, tôi mới biết được rằng, mọi quỷ sự tôi gặp sau này đều bắt đầu từ lúc ấy.
…………………………………….
Tôi đứng tần ngần trước căn nhà cũ kỹ, cảm giác như mình lại trở thành một đứa bé con ngày nào vẫn thường cùng mẹ cắt tỉa cho giàn hồng leo ở đằng trước. Căn nhà này, bao nhiêu năm qua không có người lai vãng. Thỉnh thoảng vào ngày lễ tết hay ngày giỗ của bố mẹ tôi, chú Long lại đưa tôi qua thắp nhang một lát rồi đi ngay. Nay trở lại căn nhà, ký ức về cái đêm mưa bão, gió giật đùng đùng hòa lẫn với tiếng hét thảm khốc của bố mẹ lại tràn ngập trong tâm trí. Hàng xóm xung quanh thấy bà cháu tôi quay về thì ngạc nhiên lắm, họ đứng trước cửa nhà chỉ trỏ bàn tán. Tôi bực mình, bèn mở toang cánh cửa rồi đập thật mạnh tấm thảm để cho bụi mù mịt bay tứ phía. Đám đông thấy vậy thì giải tán, có một người còn cố ý nói thật to:
“Ở nhà quỷ trạch! Để xem hôm nay có quỷ về bóp cổ không.”
Tôi lập tức nhìn theo người vừa nói, phát hiện người vừa nói vừa cười hô hố ấy là thằng Minh, nhà nó có tiệm vàng ở ngay đầu thị trấn. Thằng Minh này tôi vốn không lạ, vì nó vốn dĩ học cùng trường với tôi. Tôi vẫn thường nghe bạn bè cùng lớp kể lại, nhà nó trước đây nghèo lắm, thế nhưng chẳng hiểu sao mấy năm nay giàu lên trông thấy. Người ta bảo rằng bố nó làm cửu vạn, vô tình một lần vào trong rừng đào được vàng nên mới có tiền mua đất làm nhà, mở cửa hàng rồi phất lên nhanh chóng. Lạ một cái là bố nó vẫn tiếp tục làm nghề cửu vạn vác hàng qua đường mòn biên giới cho đám lái buôn. Người khác có hỏi thì bố nó chỉ cười hề hề rồi trả lời qua chuyện.
Thằng Minh có lần còn viết thư nhờ đứa khác gửi cho tôi. Thế nhưng tôi không màng, bởi vì tôi chẳng có tình cảm gì với kẻ hợm hĩnh như nó. Trong trường, con gái thích nó nhiều không đếm được. Có lẽ vì gương mặt điển trai, lại thêm việc nó là người đầu tiên có chiếc xe Sirius màu đỏ rực phóng thẳng đến trường. Những năm 2000, ở thị trấn nhỏ quê tôi, nhà nào khá giả lắm mới mua được chiếc xe Dream, còn không thì chỉ có chiếc Minsk cũ nát dùng để chạy xuyên rừng. Ấy thế mà thằng Minh đi học bằng chiếc xe mới cóng, nghe bạn nó nói là chuyển từ Hà Nội lên tận đây.
Cái tin nó tỏ tình với tôi khiến cho đám con gái trong trường nhìn tôi đầy oán hận, thế nhưng tôi không màng. Trong lòng tôi chỉ muốn học thật giỏi để có thể trở thành một chiến sỹ công an như chú ruột tôi, nhờ thế tôi mới có thể điều tra được về cái chết của bố mẹ mình. Trong sâu thẳm lòng tôi chưa bao giờ quên giọng nói khò khè lành lạnh của người đàn ông, cùng gương mặt của thằng bé con có nốt ruồi ở giữa mũi. Nhất định cuộc đời này, tôi phải tìm ra bọn họ.
Khi tôi ngẩng lên thì thấy trời đã ngả bóng về chiều từ lúc nào, tiếng bà nội ho húng hắng bên trong khiến cho tôi quay về với thực tại. Tôi dọn dẹp gian phòng ngủ bên trong cho bà nằm nghỉ, rồi quét dọn gian phòng ngủ bên ngoài. Chú Long có lẽ sẽ tạm thời ở đồn công an dưới thị trấn. Để vơi bớt cảm giác lạnh lẽo, tôi lôi từ trong chiếc thùng đựng đồ mang từ nhà cũ tới đây một chiếc đài cát xét nhỏ xíu. Tôi khẽ xoay cái nút dò đài, âm thanh rè rè từ đài vang lên rồi có tiếng cô phát thanh viên đang đọc một bản tin nào đó.
Lau dọn xong xuôi căn phòng, tôi mệt nhoài ngồi xuống giường nhìn quanh. Chỗ này trước đây kê một cái ghế đẩu mà bố tôi vẫn thường ngồi đọc báo, chỗ kia có một chiếc ghế dựa đung đưa nơi mẹ tôi ngồi đan lát. Dưới mặt đất cách tôi chỉ vài bước chân là nơi bố mẹ đã gục xuống.
Tôi còn nhớ như in cái áo màu trắng của mẹ bị nhuộm đỏ bởi máu, còn cái bàn trang điểm đen kịt vì thứ chất lỏng phun ra đông lại. Sau này, pháp y mới nói cho chú tôi biết, ấy là máu của mẹ tôi. Cả hai người trước khi chết đều không hề gọi tên tôi một tiếng nào, nếu không thì giờ này tôi chẳng còn trên đời này nữa. Đôi mắt tôi nhòe đi. Lần thứ hai trong ngày, tôi khóc nức nở, toàn thân mệt đến mức chỉ muốn chết đi cho xong. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Cánh cửa sổ trông ra bên ngoài vẫn mở toang.
…………………………………..
Khoảng bốn giờ sáng, tôi giật mình thức giấc. Chiếc đài radio vẫn vang lên một bài hát có nhịp điệu chầm chậm. Đêm cuối hè đầu thu ở mạn biên giới lúc nào cũng dài hơn bình thường. Tôi ngước nhìn ra cửa sổ chỉ thấy trời còn tờ mờ sáng, ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn trong nhà tôi cũng chỉ đủ soi tỏ tàn cây rung rinh kề bên cánh cửa. Đúng lúc tôi đang ngái ngủ thì đột nhiên tôi thấy một cái đầu người lấp ló ở trên cành cây nhìn vào bên trong. Tôi giật mình kêu lên khe khẽ:
“Ai? Ai đấy?”
Cái đầu tròn vo vẫn nhìn chằm chằm, khiến tôi có cảm giác nếu như trời sáng rõ mặt người, bốn mắt chúng tôi nhất định sẽ chạm nhau. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, tôi lại hỏi:
“Ai làm gì ngoài đấy thế?”
Không có tiếng ai trả lời, chỉ có tiếng nhạc thê lương phát ra từ tiếng đài radio nghe rờn rợn. Tôi nhìn ra cửa thêm một lúc, nghĩ rằng mình hoa mắt rồi trông gà hóa cuốc nên thở phào rồi với tay đóng lấy cái cửa. Thấy trời vẫn còn tối, tôi quyết định sẽ lên giường nằm thêm một lúc nữa vì trời cũng chẳng có việc gì làm. Đúng lúc tôi vừa nhắm mắt thì lại có tiếng động vang lên…
Cộp…
Cộp… cộp…
Cộp…
Tôi điếng người nằm im trong chăn nghe ngóng. Có khi nào là bà tôi khó ngủ nên dậy đi đi lại lại ở trong phòng hay không? Tôi thầm nghĩ như thế trong lòng rồi lại lắc đầu phủ nhận: “Không thể nào! Bà nội từ trước đến giờ vẫn bị đau chân, làm sao có thể khua guốc mộc như thế được? Mà… mà bà nội có đôi guốc mộc nào đâu.”
Nghĩ thế cho nên tôi khẽ thò đầu ra khỏi chăn để gọi bà:
“Bà ơi! Bà dậy rồi ạ?”
Vẫn không có tiếng trả lời. Làn gió heo may hiếm hoi đầu thu thổi hun hút luồn qua khe cửa tạo thành âm thanh như ai đó đang than khóc. Tấm rèm cửa màu trắng khẽ đung đưa theo gió, hệt như có người nào đó thấp thoáng bước từ trong phòng để ra ngoài cửa sổ. Tôi khấn vái Trời Phật, khấn vái bố mẹ để cho sự lạ biến mất. Đến khoảng 4h30 phút sáng, tiếng lộc cộc ở trong nhà chợt biến mất, cứ như thể nó chưa từng xảy ra. Tôi khẽ lau mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi trùm chăn không dám hé mặt ra ngoài. Trong lòng tôi lúc này tràn ngập một câu hỏi: “Lẽ nào nhà tôi là quỷ trạch?” Tôi băn khoăn không biết phải giải thích sao vì cảm giác đêm hôm qua thì lại ngủ thiếp đi một lần nữa. Sự lạ thứ hai bắt đầu xuất hiện.
Trong cơn mơ mơ màng màng, tôi thấy có ai đó lẳng lặng trèo lên trên giường mình, rồi luồn tay qua mái tóc dài của tôi. Bàn tay của người ấy lạnh toát, khẽ vuốt ve mái tóc rồi lướt nhẹ qua vành tai tôi. Tôi lẩm nhẩm nói gì đó rồi lại xoay mình ngủ tiếp. Bất chợt lúc này, một giấc mơ ập đến.
Trong mơ, tôi thấy chính mình đứng ở trước cửa phòng của bố mẹ tôi, vào cái đêm cả hai bị giết. Con chó nhỏ giãy dụa đòi chạy ra phía trước. Tôi chạy đuổi theo nó, nhưng lạ lùng một điều là tôi không thấy thi thể của người thân đâu cả, trên sàn chỉ lênh láng một vũng máu đỏ au. Tôi vùng ra khỏi nhà, đi tới gian trọ phía ngoài thì nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông cao lớn bước đi tập tễnh, một người đàn bà phốp pháp trên lưng có một cái bướu khiến bà ta lom khom như người già. Cả hai người xác một cái bao tải đi đằng trước, theo sau là thằng bé con đã tha cho tôi một mạng. Dường như cảm thấy có người đang ngóng theo mình, thằng nhóc kia quay lại nhìn tôi rồi mỉm cười. Một ánh chớp lóe lên, tôi lại nhìn thấy nốt ruồi trên mũi nó. Thế rồi tôi choàng tỉnh dậy, chân tôi đã thò ra khỏi giường khi nào không hay.
Ở bên ngoài trời đã sáng rõ, ánh nắng đầu tiên của buổi sáng mùa đông chiếu vào khe cửa khiến tôi chói mắt. Tôi vội vàng đi tìm bà, thì thấy bà đã ngồi dưới bếp đun ấm nước nóng. Khoảng mười lăm phút sau, hai bà cháu tôi xì xụp ăn mì tôm. Bà chỉ ăn rất ít rồi nhìn tôi, tôi ăn tới bát thứ hai cũng chưa thấy no bụng. Chờ cho tôi ăn xong, bà nội nhẹ nhàng nói:
“Đêm qua bố mẹ mày về đấy Linh ạ?”
Tôi giật mình, đánh rơi đôi đũa đang cầm trên tay, vội vàng hỏi lại:
“Bố mẹ cháu về ấy ạ? Lúc nào hả bà?”
Bà khẽ thở dài rồi nói tiếp:
“Đêm hôm qua bà có ngủ được đâu, đến khoảng 3 giờ sáng thì thấy tiếng chó nhà bên sủa từng tiếng. Người ta cứ bảo, chó sủa một tiếng là ma, ba tiếng là người, nên bà nghe ngóng tiếp. Một lúc sau, bà nghe thấy có tiếng đi loẹt xoẹt ở dưới bếp, hệt như tiếng bước chân của mẹ mày. Sau đó từ cửa sổ bà thấy rõ ràng một người đàn ông ngồi vắt vẻo trên cây, tay còn đưa lên miệng hệt như đang cầm điếu thuốc lá. Cái dáng người đó, hệt như bố mày..”
Tôi bàng hoàng cả người:
“Rồi sao nữa hả bà? Có phải bố cháu không? Mà sao bà lại nhìn thấy bố cháu, trời lúc ấy tối lắm mà.”
Bà tôi lại lắc đầu:
“Có ánh đèn ngoài cột điện rọi vào nên bà nhìn thấy, cái dáng ngồi ấy của bố mày thì làm sao mà lẫn đi đâu được. Lúc ấy bà đã ngủ đâu. Một lúc sau thì bà thấy bóng người ấy biến mất. Ở dưới bếp lại có tiếng ho hệt như mẹ mày hồi còn sống.”
Bà tôi ngừng một lúc rồi thở dài:
“Lúc đầu bà không tin, vì nghĩ rằng mình nghe nhầm, có khi tiếng động ấy phát ra từ cái đài radio của mày ở trong phòng. Thế nhưng, tiếng ho mỗi lúc một lớn hơn, lại có tiếng dép đi loẹt xoẹt… Đến tầm 4 giờ sáng thì không thấy đâu nữa, bà tranh thủ chợp mắt một chút. Giờ ngẫm lại mới biết, đúng thật là đêm qua bố mẹ mày về đấy. Chắc là về để xem xem hai bà cháu sống thế nào.”
Tôi nghe bà nói mà ngẩn ngơ nghĩ về giấc mộng mị đêm qua, về bàn tay dịu dàng vuốt tóc tôi rồi bóng người lấp ló ngoài cửa sổ. Chẳng lẽ là bố mẹ của tôi hiện về đêm qua? Tôi khẽ lắc đầu để xua đi cảm giác băn khoăn trong lòng. Nếu như những gì bà tôi nói là đúng, thì giấc mơ đêm qua của tôi có một ý nghĩa hết sức rõ ràng: Bố mẹ muốn tôi biết được vóc dáng của hai người đã giết họ vào đêm mưa bão năm ấy.
……………………………………………………….
Tối hôm ấy, tôi cố tình đi ngủ từ sớm, trong lòng thầm hy vọng có thể nhìn rõ gương mặt của hai người kia một lần nữa. Khi tôi vừa trèo lên giường thì bà tôi lụ khụ từ bên ngoài bước vào. Bà lật úp cái dép tôi xuống, rồi ngồi bên cạnh giường tôi dặn dò:
“Nghe bà dặn đây này: Từ giờ trước khi đi ngủ, không được mở cửa sổ ra nữa, rèm phải kéo kín lạ, không được để mũi dép hướng lên giường, nhất là không được thò chân ra khỏi chăn. Nhớ chưa?”
Tôi ngây ra không hiểu. Bà nội tôi lắc đầu chép miệng:
“Cứ làm theo làm bà. Nhà này không được yên ổn, từ cái thời bố mẹ mày chuyển về đây sống bà đã dặn rồi. Thế mà có nghe đâu? Giờ nhà của bà cháu mình đang sửa chữa, chưa biết khi nào xong. Mày nghe bà, nếu muốn yên ổn thì đừng có quên đấy. Ngộ nhỡ…”
Bà tôi bỏ lửng câu nói, cả hai bà cháu cùng im lặng hồi lâu. Tôi toan định hỏi bà lý do thì tiếng chuông điện thoại di động vang lên một điệu nhạc vui tai, chẳng phù hợp với không khí lúc này. Chiếc điện thoại ấy vốn là của chú Long mua cho bà, bởi lẽ chú thường xuyên ở cơ quan nên muốn ngày nào cũng có thể hỏi thăm mẹ. Tiếng bà nói chuyện với chú ở đầu dây bên kia vọng ra phòng tôi, vài phút sau, tôi thấy bà lên giường nằm rồi tắt điện.
Tôi ngước mắt nhìn ra ngoài bầu trời tháng bảy âm hồn. Sắp đến đêm rằm rồi, bảo sao mà trời sáng trăng đến thế. Khác hẳn với đêm qua, mặt trăng bị mây đen che phủ nên chẳng nhìn rõ được bóng người ngoài cửa sổ. Tôi nằm trong chăn, ngẫm nghĩ về những lời bà dặn dò. Bà nội tôi từ xưa đến giờ lúc nào cũng là người thâm trầm ít nói, nhưng đặc biệt là người thông minh. Tôi còn nhớ, hồi mới về ở với bà sau biến cố ập đến với gia đình, đêm nào tôi cũng khóc. Bà thấy vậy nên ngủ cùng tôi, kể chuyện cho tôi nghe, rồi thỉnh thoảng dạy tôi bài ca hóa trị. Chẳng thế mà đến khi lớn, tôi lại học giỏi hóa hơn hẳn những môn học khác.
Nghĩ ngợi chán chê, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ rồi đột nhiên nảy ra một ý tưởng. Tôi mở cái cửa he hé, rồi thò tay xuống gầm giường để mũi dép hướng lên trên, xong xuôi tôi thò chân ra khỏi chăn. Không phải là tôi không tin lời bà nội dặn dò, mà bởi tôi muốn biết điều gì sẽ xảy ra khi tôi phạm cả ba điều cấm kỵ ấy một lúc. Tôi chờ đợi một lúc rồi lăn ra ngủ. Có lẽ cả đời này tôi sẽ không bao giờ có thể ngờ được. Đêm hôm ấy, thằng bé kia vào leo lên tận giường rồi nhìn tôi chòng chọc. Ánh mắt nó sáng rực lên trong đêm tối.
……………………………………………
Hết phần 1.
Reply
#26
**Ngủ Cùng Người Chết - Kinh Dị Buôn Người
__________________________________________________
Phần thứ hai
**
Tôi còn nhớ như in, lúc ấy vào khoảng 3h sáng, tôi đang miên man ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn. Vài hạt mưa theo gió bay lất phất rơi vào mặt tôi. Cảm nhận được hơi lạnh, tôi choàng tỉnh giấc. Theo phản xạ, tôi với tay để đóng cánh cửa sổ rồi định chùm chăn ngủ tiếp. Thế nhưng khi tôi chưa kịp thực hiện ý định ấy thì đột nhiên bên ngoài có tia chớp lóe lên, rồi tiếng sét đánh ầm ầm giữa đêm.
Trong giây phút chớp nhoáng ấy, tôi nhìn thấy cuối giường tôi có một người đang ngồi nhìn tôi chăm chú. Nhờ ánh đèn vàng vọt ngoài đường hắt vào, tôi thấy rõ người ấy khom chân, gương mặt kề lên trên đầu gối, cái đầu nghiêng sang một bên như thể đang ngắm nghía tôi. Đôi mắt sáng rực trong đêm hệt như mắt mèo. Nhiệt độ trong căn phòng dường như giảm đi vài độ.
Tôi giật thót mình, hốt hoảng kêu ré lên một tiếng rồi nhoài người sang bên cạnh để bật ngọn đèn bàn. Toàn thân bắt đầu run như cầy sấy. Ánh sáng màu vàng ấm áp vừa soi tỏ căn phòng, thì cũng là lúc bóng người cũng đột nhiên biến mất. Tôi dụi mắt nhìn quanh, chẳng lẽ tôi nhìn nhầm, hay vẫn còn mơ ngủ? Tiếng bà tôi từ bên trong vọng ra:
“Sao thế? Sao thế Linh ơi?”
Tôi lắp ba lắp trả lời:
“Không… không có gì đâu bà ạ. Cháu nằm mơ thôi.”
Bà nội im lặng không nói gì nữa. Tôi nằm xuống, hai chân co quắp không dám duỗi thẳng xuống cuối giường. Lúc này tôi rất muốn vùng dậy khỏi chăn để chạy sang ngủ với bà nội, nhưng lại sợ bà hỏi nên tôi cố kìm nỗi sợ hãi của mình xuống. Trong đầu hiện lên hàng loạt câu hỏi:
“Người ấy là ai? Chẳng lẽ mình nhìn nhầm? Nhưng rõ ràng mình thấy rõ có người ngồi hẳn trên giường mình cơ mà. Làm sao mà có thể nhầm được nhỉ?”
Tôi khẽ lắc đầu phủ nhận:
“Không! Không đúng! Trước khi đi ngủ mình đã đóng chặt cửa rồi cơ mà. Làm sao có ai vào đây được!! Nếu có thì phải có tiếng động chứ…Hay là… hay là có ma….”
Trong đầu tôi bỗng nhiên vang lên lời dặn dò của bà nội. Không được để dép hướng lên giường, không được mở cửa sổ và càng không được thò chân ra khỏi chăn. Cảm giác rờn rợn trong lòng tôi lại trỗi dậy, khi nhận ra một điều rằng, trong căn nhà này có thứ gì đó vẫn đang tồn tại song song với chúng tôi. Chỉ cần một phút bất cẩn, tôi không biết mình sẽ phải đối diện với những gì.
Nằm thao thức một lúc, cơn buồn ngủ kéo đến khiến cho hai mắt tôi nặng trĩu. Tôi ngủ thiếp đi rồi lại rơi vào một cơn mộng mị lạ kỳ.
Trong giấc mơ, tôi thấy mình đứng ở một ngôi làng nho nhỏ vắng tanh vắng ngắt. Trời mưa rả rích hệt như ở thị trấn quê tôi. Tôi luống cuống chạy vào trú mưa dưới một căn nhà có mái hiên cũ kỹ. Phải đến lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ xung quanh. Con đường nho nhỏ chạy thẳng xuống cuối làng, hai bên là những ngôi nhà mọc lên san sát. Trước cửa mỗi nhà đều dán câu đối đỏ mừng năm mới. Có vài cánh cửa còn treo chữ Phúc lộn ngược ( gọi là Phúc đáo), một vài nhà khác treo bức tranh vẽ một vị quan mặc áo đỏ. Nơi này quá lạ lẫm, quang cảnh chung quanh khiến tôi ngờ ngợ rằng nơi này nhất định không phải ở Việt Nam.
Đang mải mê suy nghĩ, bỗng nhiên bầu trời tối sụp xuống. Tôi giật mình kinh ngạc, khẽ lẩm bẩm một mình:
“Quái lạ! Sao ở đây trời mau tối thế?”
Khi tôi đang không biết phải làm gì, thì có vài cánh cửa ở mấy ngôi nhà đối diện đồng loạt mở ra. Có vài bóng người kéo chiếc đèn lồng treo trước cửa xuống để thắp nến, sau đó lại treo lên. Ánh sáng tù mù từ trước đèn lồng gần như chẳng soi sáng được gì. Thế nhưng, có người xuất hiện vẫn hơn là khung cảnh hoang vắng, không một bóng người như lúc nãy. Nghĩ thế nên tôi vội vàng chạy ra khỏi mái hiên, tới gần một người dáng thấp bé đang cặm cụi treo đèn lồng. Trời vẫn mưa to dữ dội. Khi tôi đến được nơi thì người ấy đã lúi húi bước vào bên trong rồi định đóng cửa. Tôi vội vã kêu lên:
“Từ từ đã cô gì ơi!!”
Nghe thấy tiếng gọi, người kia dừng lại nhưng gương mặt vẫn không quay lại. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, tôi chỉ nhìn thấy vạt áo màu nâu nhạt của người ấy thấm ướt vì nước mưa. Tôi vội nói ngay:
“Cho…cho cháu hỏi. Đây là đâu thế ạ? Cháu muốn ra khỏi làng thì đi lối nào.”
Người kia nín thinh, không trả lời, cũng chẳng quay đầu lại. Tôi hơi lúng túng vì không biết phải làm gì trong trường hợp ấy. Tôi khẽ năn nỉ:
“Cô ơi! Cô giúp cháu với ạ! Trời tối rồi! Cháu phải về nhà.”
Người kia vẫn đứng im như tượng. Bàn tay trắng toát hệt như bôi vôi của người ấy vẫn đặt lên trên cánh cửa gỗ mòn vẹt. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn:
“Cô quay lại đi ạ. Cô giúp cháu với!”
Lần này thì người kia có phản ứng. Cô ta chầm chậm ngoái đầu lại. Giây phút nhìn cận mặt cô ta, hồn vía tôi như bay lên mây. Gương mặt của người ấy không còn có thể nhận dạng được nữa. Toàn mặt bê bết máu và giòi bọ. Dường như có kẻ nào đó đã lấy dao băm vằm mặt của cô gái ấy ra. Trên gương mặt lúc này máu, thịt, mỡ, xương và lớp sụn ở mũi trộn lẫn với nhau giống hệt như thau tiết canh lợn mà ngày trước bố tôi vẫn thường pha. Từng con giòi trôi theo dòng máu chảy trên mặt cô ta, rồi men theo xuống cổ. Tôi giật mình hét toáng lên một tiếng, rồi ngã sõng soài xuống con đường ngập nước mưa. Cô gái kia hướng mặt về tôi một lúc rồi nhẹ nhàng đóng sầm cánh cửa lại, mặc cho tôi đang ú ớ sợ đến ngây dại.
Trời càng lúc càng mưa to. Đúng lúc này tôi phát hiện ra một điều. Nơi này hoàn toàn im lìm, ngay cả một tiếng chó sủa cũng không có. Vừa nãy tôi hét lớn như thế, đáng lẽ đám chó trông nhà phải sủa mới phải. Đằng này… một tiếng động cũng không, hệt như là một ngôi làng chết chóc. Tôi vùng dậy đập cửa hết nhà này đến nhà khác nhưng hoàn toàn không thấy ai trả lời.
Tâm trạng tôi lúc này tuyệt vọng đến cùng cực, nước mắt tôi nhòe đi bởi cơn mưa tầm tã. Đúng lúc đó, tôi thấy có một người con trai đi tới. Người ấy cất giọng u ám hỏi tôi:
“Nguyễn Thị Linh… sinh ngày mồng bảy tháng bảy, đinh mão niên phải không?”
Tôi hơi giật mình nhưng vẫn gật đầu. Người ấy quay lưng lại rồi nói với tôi:
“Đi theo tôi! Ở đây cách xa nhà lắm rồi!”
Tôi đờ đẫn nhìn theo bóng lưng của người ấy, trong lòng cảm thấy vô cùng bất an. Thế nhưng, cuối cùng tôi vẫn quyết định chạy theo. Có vẻ như người con trai kia biết tôi, nhưng tôi nghĩ mãi không ra giọng nói ấy, bóng lưng ấy của ai, chỉ biết một điều rằng, chắc chắn người này tôi đã từng nhìn thấy ở đâu đó.
Cơn mưa vừa nãy dường như đã chuyển thành một cơn bão. Sấm sét đánh đì đùng trên cao nhưng người kia vẫn đi không hề dừng lại. Tôi cắn răng chạy theo, mặc kệ cho từng cơn gió thốc vào mặt. Dù có thế nào, tôi cũng phải rời khỏi ngôi làng quái dị nay, vì tôi ngửi được trong không khí có mùi tử khí phảng phất đâu đây.
Người ấy đi là là đằng trước, tôi chạy hộc tốc ở phía sau, tiếng bước chân của tôi đạp xuống nước tạo thành những âm thanh lõm bõm. Càng đi, tôi càng cảm thấy kỳ lạ. Người con trai kia lúc nào cũng bình thản cầm ô đi phía trước. Có nhiều đoạn đường rất trơn, lại có ổ gà nhưng người ấy cứ đi êm như ru. Tôi căng mắt nhìn xuống phần chân người ấy thì chỉ thấy một lớp sương mù phảng phất che khuất tầm nhìn. Đi được một lúc, tôi đã thấm mệt vì lạnh và đói, tôi thều thào hỏi:
“Anh…à… bạn gì ơi! Dừng chân một chút được không? Mệt quá...”
Người kia ngừng lại một lúc rồi khẽ nói:
“Không được! Đường về vẫn còn xa lắm.”
Tôi sợ rằng mình sẽ chết trước khi về được đến nhà, nhưng nghĩ đến cảnh bà nội đang chờ tôi lại cắn răng đi tiếp. Người ấy dẫn tôi đi qua một cánh rừng âm u, tịch mịch. Tôi bặm mười đầu ngón chân xuống đất rồi bám thật chắc vào mấy cành cây chìa ra bên đường. Tôi thầm nhẩm tính trong đầu, con đường này dễ phải dốc hơn 30 độ.
Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến những con đường mà những người cửu vạn ở biên giới phải men theo để tránh đội tuần tra biên phòng. Trên lưng đoàn cửu vạn ấy lúc nào cũng hàng chục cân hàng, phần lớn đều là hàng lậu, đương nhiên chúng chẳng có thuế, cũng không có bảo hiểm. Nếu như gặp phải thổ phỉ hay bị biên phòng bắt gặp, họ sẽ quẳng gánh hàng lại rồi bỏ chạy. Dẫu sao, mạng người vẫn là trên hết.
Hai chân tôi sưng phồng đau đớn, nhưng tôi không dám kêu ca, cũng không dám dừng chân nghỉ ngơi lấy một phút nào. Trong lòng tôi chỉ sợ, nếu không đuổi theo kịp người kia, tôi sẽ bị bỏ lại ở giữa rừng này.
Phải mất hơn một tiếng sau, chúng tôi mới thoát khỏi cánh rừng rồi bắt vào một con đường quốc lộ. Tôi nhìn thấy một cột mốc lộ giới ghi Phó Bảng – 10 km. Tôi điếng người thốt lên kinh hãi:
“Cửa khẩu Phó Bảng? Sao mình lại đi xa thế này?”
Người con trai nghe tiếng tôi thì dừng lại, đôi chân của anh ta vẫn lẫn trong màn sương dày đặc. Tôi muốn nhìn rõ gương mặt người ta đặng nói lời cảm ơn, thế nhưng khi tôi chưa kịp mở lời thì người ấy đã thì thầm:
“Đi về phía trước đi! Ở đấy sẽ gặp một đám ma khô.”
Tôi ngây người ra không hiểu, vội quay sang nhìn cảnh vật xung quanh, cho đến khi quay lại thì người ấy đã biến mất từ lúc nào. Tôi sững sờ đến mức không tin nổi vào mắt mình. Phía trước và phía sau tôi là con đường lớn chạy dài tít tắp, hai bên là cánh đồng trồng ngô nhưng giờ đã trống không. Ở giữa nơi đồng không mông quạnh thế này, người kia trốn đi đâu được? Tôi hoang mang tìm kiếm, nhưng chẳng thấy gì. Rõ ràng người con trai vừa mới nói chuyện với tôi cách đây vài giây trước, giờ cứ như thể đã tan biến vào hư vô. Da gà, gai ốc của tôi nổi khắp người. Chẳng lẽ tôi vừa gặp ma?
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn cố gắng để đi tiếp. Nhà tôi cách đây mấy trăm cây số, nếu không về sớm thì có khi tôi sẽ chết ở dọc đường. Trời vẫn âm u hệt như lúc tôi gặp người con gái bị băm vằm nát mặt kia. Đi suốt cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng mà không hiểu sao trời vẫn chưa sáng. Càng lúc tôi càng cảm thấy lo lắng đến cực độ, con đường này vắng tanh không có xe cộ qua lại, cũng chẳng thấy đám ma khô như người con trai kia nói. Tôi đi mãi, đi mãi, hết cả con đường lớn, vòng vào một con đường mòn trên núi vẫn không gặp một người nào.
Đúng lúc tôi đang cảm thấy nản lòng, muốn gục xuống đường thì đột nhiên tai tôi nghe văng vẳng lại tiếng khèn. Có khi nào tiếng khèn ở đám ma vọng tới?
Thấy có dấu hiệu của người sống, tôi mừng lắm, vội vã chạy về hướng phát ra tiếng động. Chỉ một lúc sau, tôi nhìn thấy một căn nhà nằm cheo leo trên núi. Bên ngoài thấp thoáng vài người phụ nữ đang tất bật nấu nướng, một vài người đàn ông khác đang túm tụm nói chuyện. Mừng hơn bắt được vàng, tôi nhào tới để xin họ ngụm nước. Mặc dù hơi ngạc nhiên, cũng chẳng hiểu tôi nói gì, nhưng người phụ nữ kia vẫn mỉm cười gật đầu đưa cho tôi một bát nước. Tôi tu ừng ực đến mức quên cả cảm ơn người ấy.
Để tránh làm phiền gia chủ, tôi nép vào một góc để nghỉ ngơi, cũng vừa là để quan sát xung quanh. Nhìn trang phục của mọi người, tôi nhận ra đây là bản làng của người H’Mông. Tục lệ làm đám ma khô của người Mông vốn chẳng xa lạ gì với tôi. Họ thường sống quần tụ trên lưng chừng núi cao, khi một nhà nào đó trong bản có việc là cả làng sẽ cùng chung tay giúp việc.
Nhìn chiếc mẹt nhỏ đựng đầy mèn mén ( thức ăn chính của người Mông làm từ ngô xay), để lẫn cùng với thịt luộc, bánh gạo tẻ và một tấm áo cũ của người chết treo trên cành tre cắm ở giữa mâm, tôi đoán rằng người chết trong nhà này là một đứa bé trai còn rất nhỏ tuổi. Người Mông tổ chức đám ma khô sau khi người thân trong gia đình đã chết được một năm. Tôi nghe người ta nói, mục đích của đám ma này là để hỏi xem người chết đã vui vẻ lên đường về với tổ tiên hay chưa, hay vẫn còn vương vấn chốn trần gian này. Nhà nào có người chết đều phải làm như vậy.
Những người trong làng kéo đến uống rượu, ăn thịt ngày càng nhiều. Tiếng khèn vang lên dìu dặt, âm u càng làm cho tôi nhớ đến người con trai hôm qua. Rõ ràng người này tôi đã từng gặp ở đâu, nhưng nhất thời chưa thể nhớ nổi. Khi tôi còn đang miên man suy nghĩ thì thấy ông thầy cúng kính cẩn tung hai nửa dóng tre để hỏi ý người chết. Hai nửa dóng tre được hất lên trên không trung rồi rơi xuống đất. Cả hai nửa đều giống nhau, người chết vẫn chưa muốn rời khỏi đây.
Gương mặt ông thầy cúng hơi ngạc nhiên, ông lại lầm rầm cúng rồi tung thêm một lần nữa. Vẫn giống nhau y đúc. Đám đông xúm lại xem xét rồi chỉ trỏ, dường như họ chưa từng thấy chuyện quái dị như thế này trước đây. Tôi cũng tò mò dõi theo.
Mồ hôi trên trán ông thầy cúng đã lăn dài, ông ta tung thêm vài lần nữa nhưng kết quả chẳng thay đổi. Ngay cả một đứa con gái chẳng hiểu gì như tôi cũng cảm thấy kỳ quái. Xác suất để hai nửa dóng tre kia rơi mặt sấp mặt ngửa là 50:50, làm sao có thể lạ lùng như thế được. Một ai đó thốt lên bằng giọng Kinh lơ lớ:
“Con ma nhà A Tú chưa muốn đi rồi! Mấy năm rồi vẫn chưa đi! Sắp thành ma của bản rồi.”
Đám đông nhốn nháo nhìn nhau. Đột nhiên tôi phát hiện trên góc nhà có một người ngồi vắt vẻo phía trên, mặt dửng dưng nhìn xuống dưới. Ban đầu tôi không để tâm lắm, định xoay người bỏ đi, bất chợt tôi giật mình phát hiện ra một điều khiến bản thân mình choáng váng. Người con trai ấy, có một nốt ruồi ở giữa mũi. Tôi hoảng hồn quay lại, nhưng chẳng còn thấy gì nữa. Thế rồi, tôi choàng tỉnh dậy.
………………………………………………….
Trong nhà tôi lúc này có tiếng người nói ồn ào. Tôi nghe thấy chú Long gọi điện thoại cho ai đó, tiếng bà sụt sịt khóc, rồi cả mùi nhang khói len lỏi vào trong phòng. Tôi cố gắng đứng dậy nhưng toàn thân đau nhức, miệng khẽ gọi bà:
“Bà ơi! Bà!”
Nghe tiếng tôi gọi, cả bà nội và chú Long đều lật đật chạy vào. Vừa nhìn thấy tôi, bà vội vàng hỏi luôn:
“Trời ơi! Cháu tôi. Sao giờ này mày mới tỉnh? Bà với chú mày cứ tưởng là….”
Tôi ngơ ngác nhìn hai người đối diện rồi khẽ hỏi:
“Ơ… tưởng gì hả bà? Cháu mới ngủ dậy thôi mà, chứ có bị làm sao đâu.”
Chú Long ngẩn người nhìn tôi:
“Bốn giờ chiều rồi! Gọi thế nào cũng không đánh thức được mày dậy. Chú còn sợ… mày bị hôn mê ấy.”
Tôi giật mình nhìn đồng hồ. Rõ ràng tôi bị đánh thức giữa đêm qua vì cơn mưa bất chợt, sau đó là bóng người mắt sáng rực ngồi thu lu ở dưới giường. Lúc tôi ngủ tiếp, trời vẫn còn chưa sáng hẳn, sao giờ đã là bốn giờ chiều?
Tôi ngẩn ngơ nhìn bà rồi nhìn chú. Thấy tôi không sao, chú Long lại phải đi ngay. Chú lúc nào cũng vội vội vàng vàng như thế. Khi chỉ còn hai bà cháu ở lại trong phòng, bà mới lân la hỏi dò:
“Đêm qua mày có làm theo đúng lời bà dặn không? Có đóng cửa cẩn thận không đấy?”
Tôi gật đầu xác nhận:
“Cháu có làm theo ạ.”
“Thế mày có mơ thấy gì không?” Bà lại hỏi.
Lần này thì tôi tiếp tục nói dối:
“Cháu chẳng mơ thấy gì hết cả.”
Gương mặt bà thoáng nghi ngờ, nhưng cũng không hỏi tôi thêm nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vì từ trước đến giờ tôi vốn dĩ nói dối rất tệ. Tôi trở dậy đánh răng rửa mặt rồi đi xuống dưới bếp để nấu nướng. Bà tôi năm nay đã cao tuổi rồi, ngoại trừ thỉnh thoảng bà quét dọn nhà để vận động đôi chút, thì mọi việc tôi chẳng để bà phải động tay.
Lúc tôi đang lúi húi nhặt rau sau bếp thì cái Châu bạn thân của tôi đi tới. Từ trước đến giờ, chỉ có nó mới dám đến căn nhà quỷ trạch của gia đình tôi, mà không hề sợ hãi. Bố nó vốn làm chiến sĩ biên phòng, cho nên ngay từ khi còn bé nó đã quen với việc sống một mình một nhà để bố thường xuyên đi công tác. Những năm tháng tuổi thơ ấy đã tôi luyện con bé trở nên mạnh mẽ và gan dạ. Hễ thấy ai nói gì xì xầm về vụ án bố mẹ tôi cùng số vàng mất tăm mất tích, nó đều gạt đi, không muốn người đời bàn tán thêm về nỗi buồn của tôi nữa. Chính vì thế mà tôi quý nó lắm.
Mấy hôm nay tôi quyết định nghỉ học, phần vì muốn ổn định chỗ ở tại căn nhà cũ, phần vì không muốn đám học sinh trong trường có dịp tò mò về trận hỏa hoạn hôm trước. Có lẽ cái Châu lo lắng cho tôi nên tìm đến tận nơi để hỏi thăm. Vừa trông thấy tôi, nó đã mỉm cười rạng rỡ. Hai đứa hàn huyên một lúc, tôi nói chuyện với nó về giấc mơ dài đằng đẵng đêm qua. Chỉ duy có chi tiết tôi nhìn thấy người con trai trong mơ có nốt ruồi hệt như thằng bé năm nào thì tôi giấu biệt đi, không hề kể lại. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng mình lo lắng, và mệt mỏi nên mới sinh ra mộng mị như thế. Nào ngờ vừa nghe xong, cái Châu kinh hãi nhìn tôi rồi thì thầm:
“Mày có biết mơ như kiểu mày người ta gọi là gì không?”
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
“Là gì? Chỉ là giấc mơ thôi chứ là gì?”
Cái Châu lắc đầu đáp lại:
“Không! Là duyên âm đấy! Mày có duyên âm đi theo rồi.”
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến thứ lạ lùng như thế. Tôi trả lời nhát gừng:
“Tao có ai đâu mà duyên mới chẳng âm. Mày đừng có nghĩ linh tinh.”
Cái Châu vẫn khăng khăng:
“Không! Nhất định mày có. Duyên âm còn đi theo mày như thế chứng tỏ không phải ngày một ngày hai đâu. Tao… tao nghe nói, có người còn bị bắt đi nữa cơ.”
Lần này thì tôi có phần kinh ngạc, tôi hỏi nó:
“Bắt đi là như thế nào?”
Con bé phán một câu xanh rờn:
“Là chết! Chết theo người ấy.”
Rổ rau tuột khỏi tay tôi rơi xuống, đống rau sắng bên trong vương vãi trên nền đất. Tôi không trả lời lúi húi nhặt rau trở lại. Cái Châu biết rằng tôi vẫn chưa tin, nó lại hỏi:
“Mày có muốn kiểm tra xem có thực là có duyên âm đi theo mình không?”
Nghe thấy thế tôi gật đầu ngay:
“Kiểm tra bằng cách nào?”
Cái Châu khẽ thì thầm vào tai tôi. Tôi cảm thấy cách làm này có phần hơi quái dị nhưng cũng không quá khó để thực hiện. Đêm hôm ấy, tôi quyết định làm theo. Cho tới mãi về sau này, tôi vẫn không hề xác định được rằng, việc tôi làm đêm ấy là ngu ngốc hay đã cứu tôi một mạng. Chỉ biết rằng, cuộc sống của tôi khi ấy đã không còn bình thường như trước.
…………………………………………
Còn tiếp
Reply
#27
Lúc còn đi học, tới nhà bạn chơi. Nhỏ bạn ôm con mèo, con mèo nhìn mình, cặp mắt nó sáng, trong suốt, nhìn như xuyên qua tim gan phèo ruột biết mình đang nghĩ cái gì. Mà lạ mình lại cứ đăm đăm không thể tách rời khỏi ánh nhìn của con mèo.

Nhỏ bạn hỏi muốn ôm con mẻo không, mình lắc đầu. Nó cười rồi liệng còn mèo về phía mình. Theo phản ứng, mình vội chụp. Vì ôm vội nên hơi siết chặt. Cảm giác ôm 1 cái gì mềm èo uột, chỉ có da và lông. Một làn hơi lạnh chạy dọc theo xương sống lưng và cảm giác khó thở, tim như ngừng đập. Chỉ thoáng tít tắt rồi con mèo vẫy tuột ra khỏi tay và nhảy đi.

Chỉ có thế mà từ đó tới tận bây giờ, mình không bao giờ dám lại gần bất cứ một con mẻo nào, chỉ dám đứng xa trong khoảng cách an toàn nhìn vào cặp mắt để dò phản ứng, để lở nó có nhảy tới thì mình lo dọt lẹ. Rollin
.
.
.[Image: caeb7acbb406d4a771315fc46fadb8c3_w200.webp]
Keep your face always toward the sunshine,
and shadows will fall behind you
- Walt Whitman



Reply
#28
(2021-09-12, 11:39 PM)Green Grass Wrote: Lúc còn đi học, tới nhà bạn chơi. Nhỏ bạn ôm con mèo, con mèo nhìn mình, cặp mắt nó sáng, trong suốt, nhìn như xuyên qua tim gan phèo ruột biết mình đang nghĩ cái gì. Mà lạ mình lại cứ đăm đăm không thể tách rời khỏi ánh nhìn của con mèo.

Nhỏ bạn hỏi muốn ôm con mẻo không, mình lắc đầu. Nó cười rồi liệng còn mèo về phía mình. Theo phản ứng, mình vội chụp. Vì ôm vội nên hơi siết chặt. Cảm giác ôm 1 cái gì mềm èo uột, chỉ có da và lông. Một làn hơi lạnh chạy dọc theo xương sống lưng và cảm giác khó thở, tim như ngừng đập. Chỉ thoáng tít tắt rồi con mèo vẫy tuột ra khỏi tay và nhảy đi.

Chỉ có thế mà từ đó tới tận bây giờ, mình không bao giờ dám lại gần bất cứ một con mẻo nào, chỉ dám đứng xa trong khoảng cách an toàn nhìn vào cặp mắt để dò phản ứng, để lở nó có nhảy tới thì mình lo dọt lẹ. Rollin

Coi chừng chú mèo đó là người tềnh trong mộng của GG đó  Biggrin banana-skipping-rope-smiley-emoticon
Reply
#29
Mèng ui...đọc truyện ma hồi hộp quá, đi ngủ trễ không à  Biggrin Shy Admire

[Image: 242057061_218296086893438_79565496209440...e=61453EA4]

𝐍𝐆𝐔̉ 𝐂𝐔̀𝐍𝐆 𝐍𝐆𝐔̛𝐎̛̀𝐈 𝐂𝐇𝐄̂́𝐓 - 𝐊𝐈𝐍𝐇 𝐃𝐈̣ 𝐁𝐔𝐎̂𝐍 𝐍𝐆𝐔̛𝐎̛̀𝐈
________________________
𝐏𝐡𝐚̂̀𝐧 𝟒 - 𝐓𝐡𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠
………………………………………..
Những năm 2000, việc đi du lịch Hà Khẩu chưa thuận tiện như bây giờ. Thời đó, để xin được giấy thông hành cả lớp chúng tôi phải mất hơn một ngày. Vì đa phần người đi du lịch đều là trẻ vị thành niên, cho nên ngoài vấn đề ủy quyền, thì các thầy cô giáo chúng tôi phải đảm bảo tình hình kiểm soát chúng tôi tới mức tối đa. Tại khu vực cửa khẩu ở đầu phía Việt Nam còn ghim những thông tin để công dân cần liên lạc trong tình huống khẩn cấp. Mấy đứa con trai trong lớp nhìn nhau cười cười, chúng bảo rằng người ta chỉ hứng thú bắt cóc đám con gái, còn đám con trai như chúng nó chẳng hề là mục tiêu của bọn buôn người. Mấy lời đùa cợt ấy lọt tới tai thầy Phòng và cô giáo chủ nhiệm của tôi, kết cục đám con trai bị mắng té tát. Cái Châu và tôi nghe thấy thế thì trong lòng có chút lo lắng. Tôi đứng im lặng đọc tờ hướng dẫn thông báo thật lâu, trong đầu cố gắng nhớ toàn bộ những con số điện thoại ở trên đó, mãi cho tới khi cái Châu giục tôi mới rời bước đi.

Khi đi đến biên giới, đặt chân sang nước bạn, trong lòng tôi cảm thấy háo hức lắm. Tôi vẫn nhớ đến lời dặn của bà Cúc điên cùng với cảnh báo của A Phong trong giấc mơ. Thế rồi chính tôi lại tự thuyết phục mình rằng nơi này không quá xa nhà, bản thân tôi lại luôn luôn đi cùng với thầy cô giáo cùng các bạn nên chắc chắn sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Trong một khoảnh khắc tôi đã từng lưỡng lự định ở nhà không đi, ấy vậy mà cuối cùng tôi lại tặc lưỡi rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Mãi đến sau này, trong giây phút tuyệt vọng nhất, tôi mới cảm thấy hối hận vì đã không nghe lời người thanh niên trong giấc mơ lúc trước.

Quay trở lại cái ngày cả lớp tôi đi du lịch Hà Khẩu. Theo lịch chúng tôi sẽ đi qua biên giới vào lúc 5 giờ chiều, sau đó nghỉ đêm tại đây rồi chiều hôm sau về sớm. Chúng tôi đi vào đúng dịp nơi này tổ chức lễ hội đèn lồng, khắp nơi phủ một màu đỏ rực rỡ hệt như trong phim. Trời mùa đông ở Trung Quốc rất lạnh, mặc dù đã chuẩn bị áo ấm từ trước nhưng cả đám vẫn co ro trước cái lạnh khô khốc như muốn cào xé da thịt. Ở hai bên đường kê san sát những quán vỉa hè, người bán thịt dê nướng, người bán màn thầu, lại có cả những người vác cây kẹo hồ lô đỏ rực khổng lồ trên vai đi đi lại lại nữa. Lũ học sinh chúng tôi như bị mê hoặc trước cảnh tượng ấy. Bấy lâu nay tôi cứ tò mò mãi về những cây kẹo hồ lô, nay có dịp nếm thử mới biết rằng thứ kẹo đỏ rực ấy được làm bằng quả sơn tra, phủ bên ngoài một lớp đường mỏng dính. Tôi rút tiền ra mua hai que kẹo, vừa mới định quay lại để khoe với cái Châu thì đã thấy nó đang đứng trước một quầy bán ven đường. Thì ra con bé đang đứng cạnh tội thì đột nhiên thấy một hàng bán bánh nướng rất thơm, kề bên tiệm thịt nướng mà lớp tôi đang tụ tập, thế là chạy tới đó ngay.

Trời càng về tối người đổ dồn về nơi này càng đông. Tôi nhìn thấy cái Châu đứng cạnh cô giáo, nên vội vàng gọi với theo. Không biết có phải nó không nghe thấy tôi hay không, mà vẫn quay lưng về phía tôi cười đùa với mấy đứa bạn khác. Tôi cố hết sức để chen lấn giữa dòng người để đổ về phía ấy, thế nhưng người có vóc dáng nhỏ xíu như tôi không thể nào chen được. Tôi gọi cái Châu, gọi cô giáo nhưng cứ như thể có ai đó che mắt họ. Khoảng cách giữa họ và tôi ngày càng xa, tôi có cảm giác như mình giống hệt một con cá đang bơi ngược dòng, càng cố gắng bơi gần đến bờ thì càng bị đẩy ra xa. Khi tôi chen đến một khúc quanh, thì vô tình vấp vào một hòn đá nên ngã sõng soài xuống đất. Cú ngã khiến cho đầu óc tôi choáng váng, tôi ngồi phịch xuống đất để định thần lại, từ trong khoang miệng rỉ ra một ít máu tươi chảy từ chân răng. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy một chiếc ví màu xanh nhạt nằm lẫn dưới đống lá cây xơ xác. Tôi với tay ra để lấy chiếc ví, bên trong khá dày. Tôi không kịp phủi bụi bẩn trên quần áo mình, cũng chẳng kịp xem xét cái ví đó kỹ càng hơn, tôi vội vàng đứng dậy để tìm kiếm bóng dáng đám bạn cùng lớp giữa dòng người đông nghịt. Đám bạn tôi đã đi đâu mất hút, tôi nhìn bốn xung quanh nhưng không thấy nổi một ai quen thuộc. Tôi lớn tiếng gọi cái Châu, cũng chẳng có ai trả lời. Không một ai để ý đến tôi, không một ai tỏ vẻ là đã mất cái ví, người ta ùn ùn kéo tới những hàng quán dọc bên đường. Không khí lạnh lẽo lúc tôi mới đến dường như bị thân nhiệt của những người nơi đây làm cho biến mất. Trong lòng tôi sợ hãi vô cùng. Tôi bàng hoàng nhận ra, mình đã bị lạc mất cả đoàn.

Từ trước đến giờ, chú Long đã từng rất nhiều lần dạy cho tôi cùng với cái Châu cách ứng phó khi bị đi lạc. Trong tình huống ấy, đột nhiên tôi trấn tĩnh lại rồi nhớ đến những gì ông chú ruột đã từng chỉ bảo. Đầu tiên, tuyệt đối không được tỏ ra hoảng loạn. Tôi hít một hơi dài để trấn tĩnh, sau đó nhét thẳng chiếc ví màu xanh nhạt vào trong túi áo khoác, cố gắng làm ra vẻ thật tự nhiên không để ai biết mình đi lạc. Bước tiếp theo, không được chạy lung tung, hãy ở một nơi thật an toàn để tìm cách liên lạc với người thân. Tôi nhìn dọc theo con phố đông đúc, xung quanh là hàng quán đông nghịt, chỗ nào cũng đầy rẫy những người ăn uống cười nói oang oang. Tôi đi vừa đi bộ vừa quan sát, bất chợt tôi nhìn thấy một tiệm mì có khá đông đúc người ngồi cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi quyết định bước vào, tìm một bàn trống. Thằng bé đứng bên ngoài quán có lẽ chỉ bằng tuổi chúng tôi, vừa nhìn thấy tôi nó vội vàng sà vào hỏi, nói một tràng bằng tiếng Trung. Đầu óc tôi lúc đó chợt tỉnh táo lạ thường, tôi đoán rằng nó đang hỏi tôi muốn ăn gì, hoặc đi mấy người. Tôi giơ ba ngón tay lên trước mặt nó, thằng bé phục vụ tươi cười gật đầu rồi dẫn tôi tới một cái bàn nằm trong góc. Tôi run run gật đầu, cố tỏ ra vẻ tự nhiên rồi đi thẳng tới đó.

Vừa ngồi ở bàn, tôi vừa quan sát xung quanh. Nơi này giống như một tiệm ăn Trung Hoa điển hình, có bàn ghế gỗ, có một quầy bán mì, lại còn kèm thêm cả một kệ để đầy rượu, bên trên có đặt một ban thờ Quan Công bằng gỗ đỏ. Thằng bé đi một lúc, nói chuyện gì đó với người đầu bếp đang ở sau quầy, hai người liếc mắt về phía tôi rồi quay đi ngay. Trong lòng tôi lúc này cảm thấy có chút lo lắng, nếu như tôi đứng dậy mà bỏ đi lúc này thì chưa chắc đã yên ổn. Tôi ngoái đầu về phía sau, chợt nhìn thấy cánh cửa có đề hai chữ WC màu đỏ. Ngay lập tức tôi đứng dậy, bước đi vào trong nhà vệ sinh đó. Khi chỉ còn một mình, tôi ngồi phịch xuống bồn cầu, hai tay bụm lên miệng, cố gắng ngăn bản thân mình bật khóc thành tiếng, tự nhủ với lòng mình rằng từ lúc mình đi lạc đến giờ vẫn chưa quá lâu, hoàn toàn có thể tìm lại được đoàn du lịch. Nghĩ đến thế cho nên tâm trạng tôi cũng dần dần bình ổn trở lại. Tôi cầm chiếc ví mình nhặt được để kiểm tra. Bên trong chứa khá nhiều tiền, toàn là tờ có số 100, có lẽ là 100 tệ. Tôi đếm sơ qua, phải được hơn 10.000 tệ. Tôi ngẩn người nhìn đống tiền trên tay mình, không hiểu chủ nhân của nó gặp rắc rối gì mà lại làm rơi mất số tiền lớn thế này. Tôi dự định sẽ đem chiếc ví về để tới đồn công an trả cho người bị mất, nhưng cuối cùng lại đổi ý.

Tôi nhẩm đếm số tiền mình có trong túi, tất cả chưa đến 100 tệ. Sau một vài giây cân nhắc, tôi quyết định vất cái ví này xuống thùng rác bên cạnh bồn cầu, sau đó chia đống tiền ra làm hai phần rồi nhét ở dưới tất. Tiền của tôi vẫn để trong túi áo, tôi tuyệt nhiên không muốn động đến số tiền không phải có mình. Ngộ nhỡ nếu ai đó phát hiện ra tôi đang giữ chiếc ví này thì không chừng sẽ cho rằng tôi trộm mất của người khác. Số tiền tôi mang đi đủ để gọi điện thoại về phòng thông tin ở Việt Nam ngay cạnh cửa khẩu. Tôi thở hắt ra, cảm thấy mình thật may mắn khi chí ít tôi có thể nhớ được số điện thoại đó trước khi sang tới đây.

Phía bên ngoài có tiếng phụ nữ gắt gỏng đòi vào, tôi vội vã mở cửa bước ra, gương mặt vẫn tỏ ra bình thường như không có gì. Thằng bé phục vụ khi nãy nhìn thấy tôi trở ra thì vội vàng bưng bát mì đến cho tôi, lúc nó đặt khay đựng mì xuống, vô tình làm rơi cái bút bi xuống dưới bàn. Tôi vội vàng cầm lấy chiếc bút viết thật nhanh số điện thoại liên lạc của phòng thông tin vào lòng bàn tay. Tôi viết đi viết lại tới 3 lần, trong lòng chỉ sợ mình quên mất. Thằng bé phục vụ thấy lạ, nó trợn mắt ngó theo tôi nhưng không nói gì. Bụng tôi bắt đầu réo lên vì đói, tôi hơi ngần ngừ nhìn bát mì loang loáng dầu trước mặt, định sẽ không ăn, thế nhưng lại sợ rằng hành động của mình sẽ khiến người khác để ý cho nên tôi đành cúi đầu ăn thật chậm rãi. Vừa ăn tôi vừa toan tính mình sẽ làm gì tiếp theo. Tôi không nhớ địa chỉ chính xác nơi nghỉ trọ của lớp tôi đêm nay, bởi lẽ lúc nhận phòng cất hành lý, mấy đứa chúng tôi tíu tít nói chuyện với nhau, chỉ trỏ cảnh vật bên ngoài nên chẳng có đứa nào không để ý. Tôi thầm oán trách mình đã quá bất cẩn, nếu tôi giữ lấy địa chỉ ở quán trọ đó thì giờ này mọi chuyện đã đơn giản hơn rất nhiều. Thế nhưng, trên đời này làm gì có nhiều từ giá như đến thế?

Vừa mới nghĩ đến đó, tâm trạng tôi chùng hẳn xuống. Tôi ngước lên nhìn bên ngoài, bầu trời bây giờ đã lác đác mưa. Con đường rộng lớ vừa lúc nãy còn tràn ngập người qua kẻ lại, ấy thế mà bây giờ người ta đã nhốn nháo thu dọn hàng, không ai còn muốn nấn ná thêm nữa. Tôi đứng hẳn dậy để ngóng ra bên ngoài, chẳng thấy bóng dáng của bạn bè đâu cả. Trong giây phút đó, đột nhiên tôi phát hiện thấy một bóng người đứng bên kia đường nhìn chằm chằm vào trong cửa tiệm, ánh sáng hắt ra từ mấy cửa hàng cho tôi biết người ấy mặc một chiếc váy đỏ mỏng manh, hai chân đi đất.

Khi tôi còn đang ngây người ra nhìn thì từ trên không trung có một tia chớp giật rồi tiếng sấm đùng đùng vang lên, mấy đứa trẻ con theo bố mẹ đi ăn mì giật mình khóc thét. Tôi hét lên một tiếng rồi bật lùi ra sau, trong một tích tắc, tôi phát hiện ra người mặc váy đỏ loang loáng máu đang nhìn tôi chằm chằm không phải ai khác mà là người đàn bà đã chết từ hôm rằm tháng bảy.

............................................

Toàn thân tôi lúc này sợ đến run cầm cập. Một vài người khách quay lại nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Tôi không muốn thu hút sự chú ý về phía mình, cho nên đành ngồi xuống, mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong đầu tôi lúc này hiện lên hàng loạt suy nghĩ. Tại sao bà ấy lại ở đâu? Tại sao vong hồn này cứ ám theo mình mãi thế này? Giờ phải làm sao đây? Khi tôi còn đang bần thần thì điện sáng lúc này đột nhiên tắt ngúm, thực khách trong quán đồng loạt ồ lên một tiếng. Thằng bé phục vụ lên tiếng trấn an, rồi cùng ông già đầu bếp lúi húi thắp mấy ngọn nến đỏ rực mang đến các bàn. Tôi cầm chắc chiếc bút mà khi nãy thằng bé ấy bỏ quên, như thể có nó tôi cảm thấy vững dạ hơn rất nhiều. Tôi hơi mím môi, tiện tay kéo ống quần lên rồi nhét luôn chiếc bút trong tất bên chân phải. Vào lúc tôi còn đang suy nghĩ thì có một người thanh niên còn rất trẻ bước vào cửa tiệm. Người này nói chuyện với thằng bé phục vụ vài ba câu, không rõ là nói gì nhưng tôi thấy thằng bé kia chỉ vào nơi tôi đang ngồi. Người thanh niên đi tới bàn của tôi, thả mình xuống ghế rồi chăm chú đọc tờ thực đơn dính mỡ bóng nhẫy dán ở trên bàn. Tôi cúi đầu vờ im lặng ăn tiếp, bên ngoài cố tỏ ra bình tĩnh không có gì, nhưng trong tim tôi đập thình thịch vì lo sợ. Người thanh niên nhìn tôi rồi mở lời trước:

“Sao ăn ở đây một mình thế này?”

Thấy anh ta nói tiếng Việt, tôi khẽ ngẩng lên để nhìn nhưng rồi lại cúi xuống. Tôi vẫn còn nhớ lời chú Long dặn dò, khi đi lạc không được tùy tiện nói chuyện với người lạ. Thấy tôi không nói gì, chỉ cắm cúi ăn, người thanh niên kia lấy trong túi ra một chiếc điện thoại di động. Anh ta nhoay nhoáy nhắn tin một hồi rồi gọi điện thoại cho ai đó. Giọng nói của người này không lớn lắm, nhưng vẫn đủ cho tôi nghe rõ mồn một:

“Ừ! Bên đó đã báo tin có người đi lạc rồi. Nhưng chưa có thông tin cụ thể...”

Vừa nghe đến đó, tôi lập tức buông đũa, ngẩng đầu lên rồi vội vàng hỏi:

“Anh đang đi tìm người đi lạc à? Anh là người Việt Nam sao?”

Người thanh niên trước mặt nhìn tôi rồi gật đầu. Anh ta hơi nhíu mày hỏi tôi:

“Nãy giờ cứ tưởng là người Trung đấy. Hóa ra cùng là người Việt cả. Trời tối rồi, ở khu vực cửa khẩu này không an toàn chút nào, sao còn ở đây?”

Trong lòng tôi lúc này mừng hơn bắt được vàng, tôi định nói tình hình của mình hiện giờ, nhưng cuối cùng tôi hỏi ngược lại:

“Anh là cảnh sát hay là người của biên phòng? Sao lại có nhiệm vụ tìm người đi lạc?”

Người kia nhìn tôi rồi bật cười. Anh ta không trả lời câu hỏi của tôi vội mà lấy từ trong túi áo ra một bao thuốc, rồi châm một điếu vào cây nến đỏ rực trước mặt. Mùi thuốc thơm thơm bay trong không khí, tôi khẽ khịt mũi vài cái,rồi lấy tay xua làn khói đang lởn vởn xung quanh. Lúc này tôi nghe giọng anh ta lẫn với tiếng cười nhạt:

“Cô em đi lạc phải không? Dân trong nghề nhìn là biết ngay...”

Câu nói ấy khiến tôi điếng người, vẻ mặt anh ta thay đổi ngay lập tức, không còn là dáng vẻ bụi bặm như trước, mà thay vào đó là ánh mắt gian tà cùng đôi mắt hơi xếch về đằng sau. Trên khóe miệng anh ta có một nốt ruồi, khiến cho tổng thể gương mặt càng trở lên khó coi. Mùi thuốc lá càng tỏa ra dữ dội, hương thơm ngòn ngọt, lờ lợ khiến cho tôi cảm thấy lợm giọng. Ánh nến đỏ bập bùng trước mắt tôi mờ dần. Thế rồi trời đất xung quanh như đổ sập, mọi thứ tối sầm, tôi lịm đi không còn biết trời trăng gì nữa. Từ trước đến giờ, tôi cứ nghĩ rằng những đêm nằm mộng mị mơ thấy A Phong hay người đàn bà mặc váy đỏ chết trước sân nhà tôi đã là ghê gớm lắm. Có nằm mơ tôi cũng không biết được, đêm ấy khi tỉnh lại, tôi đang nằm ở ghế đằng sau một chiếc xe bán tải, bên cạnh tôi lúc ấy là một đứa bé gái người cứng đờ, hai mắt trợn ngược. Phần đầu của con bé dựa vào người tôi, toàn thân nó lạnh toát cứ như thể vừa ngâm mình trong một chậu nước đá. Cơn đau đầu chuếnh choáng khiến tôi đờ đẫn đến mức ngẩn ngơ như người mất hồn. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra mình vừa mới ngủ cùng một người chết. Tôi rú lên kinh hoàng rồi phẩy tay đẩy cái xác của đứa bé gái ấy sang bên cạnh, cái xác đập vào cửa kính xe rồi lại lăn về phía tôi. Một người đàn ông nói giọng lơ lớ nhoài người về phía sau gằn giọng:

“Mẹ con chó! Làm ồn nữa là cái xe này có hai cái xác đấy, nghe chưa?”

Tôi run run không nói gì thêm nữa, vừa liếc mắt nhìn cái xác trợ mắt trừng trừng ở bên cạnh, vừa nhìn khắp nơi. Đây là đâu thế này? Chẳng lẽ tôi đã rơi vào tay bọn buôn người?

....................................................

Hết phần 4 thượng
Reply
#30
[Image: 242089356_218297450226635_78397555880049...e=614556AD]
𝐍𝐆𝐔̉ 𝐂𝐔̀𝐍𝐆 𝐍𝐆𝐔̛𝐎̛̀𝐈 𝐂𝐇𝐄̂́𝐓 - 𝐊𝐈𝐍𝐇 𝐃𝐈̣ 𝐁𝐔𝐎̂𝐍 𝐍𝐆𝐔̛𝐎̛̀𝐈
______________________________________
𝐏𝐇𝐀̂̀𝐍 𝐓𝐇𝐔̛́ 𝟒 𝐇𝐀̣
Chiếc xe chạy bon bon ở trên đường, trời lúc này đã gần sáng, hai bên đường vắng tanh vắng ngắt không có lấy nổi một nóc nhà. Dường như chúng tôi đang lái xe băng . Người thanh niên bụi bặm vừa nãy ngồi nói chuyện với tôi trong tiệm mì đã ngủ gật ở trên ghế phụ từ bao giờ. Gã béo im lặng lái xe, thỉnh thoảng lại phì phèo hút thuốc lá.
Trong xe tràn ngập mùi khói thuốc, mùi hôi hám từ người gã béo, mùi thức ăn còn sót lại và cả mùi của tử thi. Tôi nhận ra mình đã rơi vào tay bọn buôn người. Bi kịch về những người phụ nữ bị bán tới vùng hẻo lánh ở biên giới mà tôi từng nghe trước đây, giờ chính bản thân tôi lại trở thành nạn nhân.
Xe chuyển hướng khiến cái xác cứng ngoắc đập vào người tôi, mùi máu tanh ngai ngái từ miệng cái xác tỏa ra thoang thoảng. Toàn thân tôi không ngừng run rẩy, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, cố gắng không nhìn vào xác chết của đứa bé gái lạnh ngắt ở bên cạnh. Đôi mắt nó mở trừng trừng nhìn thẳng về phía trước. Nó chết mà không nhắm mắt.
Tôi không biết nó là ai, cũng không biết vì sao nó lại ra nông nỗi thế này, chỉ biết rằng cả hai chúng tôi đều rơi vào tay bọn bắt cóc. Tôi khẽ lau nước mắt, vì giờ có khóc cũng không giải quyết được gì. Bụng dạ tôi cồn cào vì đói, thế nhưng cổ họng lại muốn ói ra. Đống mùi hỗn tạp trên xe khiến người tôi nôn nao khó chịu, cơn say xe ập đến khiến mắt tôi mờ đi trông thấy. Tôi bụm miệng nôn khan một tiếng, gã béo nghe thấy thì ném cho tôi một đống túi giấy nilon rồi cằn nhằn một câu tiếng Trung gì đó. Mùi hôi hôi từ miệng hắn phả ra khiến tôi không tài nào chịu được nữa, đành vục mặt vào túi nôn thốc nôn tháo. Từ lúc bé đến giờ tôi chưa khi nào nôn dữ dội như vậy. Khoảng 10 phút sau, dạ dày của tôi lúc này đã trống rỗng, vài sợi mì đầy dầu mỡ mà tôi cố ăn khi ở tiệm đã tiêu hóa từ đời nào. Không khí lạnh làm tôi rùng cả mình, rồi ho một tràng dài.

Nghe thấy tiếng động, người thanh niên kia giật mình tỉnh giấc. Hắn thảy cho tôi một miếng kẹo gừng và một chai nước lọc, rồi tiện tay mở cửa kính vất túi nôn của tôi đi. Vốn dĩ tôi định sẽ mở cửa bên cạnh mình để vất, thế nhưng tôi phát hiện cửa kính này không mở được, cánh cửa ghế sau cũng không tài nào mở chốt. Tôi thầm hiểu, chắc chắn đây là chiếc xe chuyên để chở những người bắt cóc như tôi và cái xác kia, vậy nên bọn chúng mới phải chỉnh sửa để tránh trường hợp người ngồi đằng sau thoát ra ngoài. Tôi nôn xong cũng cảm thấy dễ chịu đi ít nhiều. Gã thanh niên bụi bặm nhìn tôi một lúc rồi mở lời:
“Cô em xinh đấy, lại ít khóc lóc. Con chó chết đang ngồi cạnh cô em khóc nhiều quá, nó lại đập đầu vào cửa kính để tìm đường thoát thân, thế nên mới bị bọn anh trói lại. Quay đi quay lại thế nào mà nó cắn lưỡi tử tự. Con mẹ nhà nó! Làm bố mày phải lau hết máu ở miệng nó đi. Ngộ nhỡ trên đường nhìn thấy thì chết dở.”
Tôi vừa nghe mà trong lòng điếng người vì sợ hãi. Thấy tôi không có phản ứng gì, gã béo lại quay lại nhìn tôi cười khả ố rồi nói bằng giọng lơ lớ tiếng Việt:
“Đẹp thế này mà không hưởng trước thì hơi phí nhỉ? Cô em tên gì?”
Tôi lợm giọng trước thái độ của gã. Thấy tôi không trả lời, gã béo lại tiếp tục lái xe rồi chửi tục:
“Mẹ con chó. Tao đang hỏi mày đấy!”
Người thanh niên ngồi ghế phụ ngoái lại nhìn tôi rồi hất hàm:
“Em nói đi! Đã rơi vào tay bọn anh rồi thì một cái tên có đáng gì...”
Giá như bây giờ có một con dao ở trong tay, tôi nhất định sẽ băm vằm hai thằng đểu cáng này hơi hả dạ. Thế nhưng tôi nuốt nước bọt một cái rồi thì thào trả lời:
“Linh. Tên tôi là Linh.”
“Tên đầy đủ là gì?”
“Nguyễn Phương Linh”
Gã béo lại hỏi tiếp:
“Bao nhiêu tuổi?”
Tôi nghiến răng trả lời: “ Mười bảy tuổi!”
Hai gã ồ lên cười khoái trá. Gã béo đang lái xe nhưng vẫn quay lại nhìn tôi rồi liếm mép. Tôi biết tỏng trong lòng chúng đang muốn gì. Cho đến tận mãi về sau này, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh mắt của chúng lúc ấy. Tôi cắn chặt môi để giữ cho mình bình tĩnh. Nhất định phải bình tĩnh, nhất định không được hoảng loạn. Nếu như tôi mất bình tĩnh vào thời điểm then chốt này, thì không bao giờ có thể gặp lại được gia đình tôi lần nữa. Trong xe rất tối, chỉ có ánh đèn đường vàng vọt chiếu vào hệt như ánh đèn trước cửa nhà tôi vào mỗi đêm.
Tôi cố gắng quan sát thi hài nhỏ nhắn ngồi bên cạnh mình. Cô bé ấy mới chừng 6 – 7 tuổi, tóc dài, làn da hơi ngăm, mặc một chiếc áo khoác đã bạc màu, trên cổ còn đeo một chiếc kiềng nho nhỏ. Nhìn vóc dáng của thi hài, tôi đoán cô bé này cũng là người Việt bị bắt cóc đem qua biên giới. Càng nhìn vào ánh mắt vô hồn của cỗ thi hài đáng thương ấy, tôi càng cảm thấy gai ốc nổi lên liên tục. Cuối cùng, tôi kéo một tấm vải bẩn thỉu dưới sàn, phủ lên trên gương mặt của người đã khuất. Gã béo liếc nhìn theo hành động của tôi, rồi lại quay đi không nói gì.
Tôi cố gắng nhìn ra ngoài cửa sổ, trời mùa đông lạnh nên màn sương mù lảng bảng bay xung quanh khiến cho cảnh vật mờ mờ ảo ảo. Chiếc đồng hồ điện tử trên xe nhấp nháy con số 2 giờ 30 phút sáng. Tôi nhẩm tính trong đầu, từ lúc tôi gặp người thanh niên kia cho tới giờ cũng phải hơn 8 giờ đồng hồ. Không biết giờ này thầy cô giáo và đám bạn tôi thế nào rồi? Không biết cái Châu có khóc nhiều không? Không biết đến bao giờ thì bà nội tôi mới biết tin? Bà năm nay đã già rồi, chỉ sợ hung tin này sẽ làm cho bà không tài nào chịu được. Tôi thở dài, nước mắt lại lặng lẽ rơi. Nỗi sợ hãi những gì sắp xảy đến với mình ở phía trước dường như chẳng thấm vào đâu so với nỗi lo sợ chuyện bất trắc xảy đến cho người thân của mình. Đương mải mê suy nghĩ, đột nhiên tôi nhớ tới đống tiền trong túi áo và đôi tất. Tôi lục lọi để tìm kiếm, tiền trong túi áo khoác đã biến mất, thế nhưng chiếc bút bi và một vạn nhân dân tệ tôi giấu ở dưới tất vẫn còn. Biết được điều đó, tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm, bọn chúng chỉ lục soát được quần áo tôi, chứ không mảy may nghi ngờ người ở dưới tất. Có sẵn tiền trong túi, tâm trạng tôi bình ổn hơn một chút. Trong đầu tôi lúc này bắt đầu lên kế hoạch, tôi nhất định phải thoát khỏi tay bọn chúng, nhất định phải trở về.
....................................................
Xe cứ chạy mãi, chạy mãi. Tôi tranh thủ chợp mắt một chút. Một giấc mơ lại ập đến. Trong mơ tôi nhìn thấy A Phong nhìn tôi buồn rười rượi, anh ta đứng cách tôi một đoạn, xung quanh là sương mù dày đặc. Nhìn thấy A Phong trong mơ, tôi vừa mừng vừa lo, vì rõ ràng anh ta đã dặn đi dặn lại tôi không được đi đâu xa nhà. Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, A Phong lên tiếng trách móc:
“Anh đã nói em như thế nào? Tại sao em còn cố tình đi?”
Tôi cúi gằm mặt không biết phải trả lời làm sao. A Phong lắc đầu nhìn xuống dưới chân, khẩu khí nhẹ hơi một chút:
“Thôi! Cũng khó trách. Đại hạn đến người trần làm sao mà chống trả được.”
Tôi ngẩng đầu lên cầu xin anh ta. Giọng nghẹn lại:
“Xin giúp tôi. Xin anh đưa đường chỉ lối cho tôi trở về nhà. Tôi nhất định sẽ báo đáp.”
Nước mắt tôi chảy dài, lần đầu tiên kể từ khi đi lạc đến giờ, tôi trở nên yếu đuối như thế. A Phong ngẩn ngơ nhìn gương mặt của tôi rồi khẽ gật đầu một cách máy móc. Khung cảnh trước mắt tôi nhòe đi, bất chợt tôi nhìn thấy một người con gái nhỏ bé mặc áo màu xanh nhạt. Gương mặt cô bé này rất quen, dường như tôi đã gặp ở đâu rồi. Tôi nhìn xung quanh thì chẳng thấy A Phong đâu nữa, chỉ có đứa bé gái kia nhìn tôi chằm chằm Tôi mon men lại gần hỏi nó:
“Em là ai?”
Nó không trả lời mà chỉ nhìn tôi chằm chằm. Bầu trời xung quanh đang tối sầm bỗng sáng lóe lên một cách quái lạ, tôi giật mình lùi về phía sau vài bước. Trong giây phút ấy, tôi bàng hoàng nhận ra đứa trẻ ấy chính là thi hài vẫn đang ngồi bên cạnh tôi từ tối đến giờ. Tôi sợ đến nỗi không nhấc được chân bỏ chạy. Đứa bé áo xanh chậm rãi đi đến cạnh tôi, đôi mắt nó đen láy nhưng chẳng hề thấy chút ánh sáng nào trong đó, chỉ toàn là một màu đen đặc quánh. Nó khẽ chạm vào người tôi, bàn tay nhỏ lạnh toát khiến tôi rùng cả mình. Thể rồi tôi nghe thấy một giọng nói trẻ con khàn đặc vang lên:
“Đưa em về nhé. Đưa em về với bố mẹ em.”
Không hiểu sao ánh mắt âm u của nó khiến tôi nhớ đến những cái hố chôn người hẻo lánh nằm sâu bên trong đại ngàn Tây Bắc. Tôi gật đầu một cách máy móc, rồi nhìn nó đi khuất dần trong màn sương mù bay lảng bảng. Một hồi còi xe ô tô vang lên đánh thức tôi. Khi tôi mở mắt ra thì trời đã sáng. Tôi giật mình nhìn xung quanh, cái xác vẫn còn đó nhưng xe đã dừng ở một trạm xăng nhỏ ven đường. Gã béo đang nhai kẹo cao su, còn người thanh niên kia thì vẫn ngủ say như chết. Tôi định bụng sẽ gào lên để đánh động cho người ở trạm xăng biết. Thế nhưng khi thấy gã béo rì rầm to nhỏ với tên nhân viên đổ xăng, ánh mắt của chúng hướng về phía tôi, thì tôi lập tức hiểu rằng trạm xăng này cũng nằm trong đường dây của chúng. Tim tôi đập thình thịch, thật may là vừa rồi tôi đã không hành động dại dột.
Chiếc đồng hồ trên xe nhấp nháy con số 6 giờ 20 phút. Tức là tôi đã bị cuốn vào cơn mộng mị kia gần ba tiếng. Tôi im lặng nhìn cái xác của con bé con. Rõ ràng nó vừa báo mộng cho tôi biết, nó muốn tôi đưa nó về nhà. Nhìn cái xác chết nhỏ xíu ấy, cùng với bộ dạng của hai kẻ buôn người ở phía trước, trong lòng tôi chợt dâng lên một cơn căm phẫn đến nghẹt thở. Tôi biết chắc, chúng tôi không phải là nạn nhân đầu tiên, càng không phải là nạn nhân cuối cùng. Nếu những kẻ táng tận lương tâm này không chết đi, thì sẽ còn nhiều người lâm vào cảnh ngộ như tôi sau đó. Lần đầu tiên trong đời tôi muốn được giết người, tôi muốn dồn hết sức mình để đâm thẳng vào yết hầu của hai thằng chó má kia, để tiễn chúng xuống địa ngục. Tôi vừa mới nghĩ đến đó thì gã thanh niên ngồi ghế phụ giật mình tỉnh dậy. Theo phản xạ, gã quay lại nhìn tôi rồi lè nhè cười đểu:
“Cô em dậy rồi à? Đã đói chưa?”
Tôi gật đầu không chút khách khí. Tôi quyết định tỏ ra ngoan ngoãn để chúng lơ là cảnh giác. Gã béo lại ngoái lại nhìn tôi tỏ ý thèm thuồng. Tôi cố tản lờ coi như không để ý. Chiếc bút bi vẫn được giấu trong tất, trong trường hợp xấu nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà đâm thẳng vào kẻ nào định giở trò.
Tôi ngước mắt nhìn sang hai bên đường, ở đây dường như vẫn là một vùng nông thôn gần với biên giới. Tôi cố gắng nhớ từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ để sau này nếu có trốn thoát thì tôi còn biết mình đang ở đâu. Thế nhưng, những biển hiệu ở nơi này có rất ít biển có ký tự chữ cái latin, phần lớn đều là chữ Trung Quốc. Càng nhìn tôi càng cảm thấy nản lòng.
Xe đi thêm được một tiếng đồng hồ thì đột ngột rời đường quốc lộ, rẽ vào một con đường vắng vẻ ít người qua lại. Càng đi đường càng hẹp. Người thanh niên ở phía trước nhìn tôi rồi cười:
“Này! Anh đây chưa thấy đứa con gái nào như cô em đấy.”
Tôi hiểu hắn muốn nói gì, chỉ lạnh lùng trả lời:
“Như tôi là sao?”
Lần này thì gã béo nhanh nhẩu cướp lời:
“Con chó chết nào bị bắt đi cũng khóc lóc đến điên cả đầu. Riêng có con nhỏ này là khóc một lúc rồi im thin thít. Thái độ của mày không bình thường một chút nào. Mày toan tính gì đấy hả, con kia?”
Tôi biết rằng chúng nghi ngờ mình, nên chỉ đành giả bộ sợ sệt đáp lại:
“Tôi khóc cũng không có tác dụng gì. Hơn nữa, nếu khóc nhiều thì sẽ bị đánh. Tôi… tôi không muốn bị đánh… Với lại ở quê tôi, người ta quan niệm nếu để nước mắt dính vào thi hài người chết thì sẽ gặp họa chẳng lành… Tôi sợ..”
Thấy tôi ấp úng, gã thanh niên ngồi ghế phụ nạt gã béo:
“Mày đa nghi quá đấy Tiểu Triệu. Có cái xác chết sờ sờ ra đó, đứa nào còn dám ho he gì?”
Gã béo Tiểu Triệu nghe xong thì không nói thêm gì nữa chỉ tập trung lái xe. Tôi nhìn ra bên ngoài, quang cảnh xung quanh mỗi lúc một heo hút, thỉnh thoảng lại có vài người nông dân thồ hàng bằng xe máy đi qua. Điều tôi lo lắng nhất đã xảy đến, nơi này hẻo lánh không có nhà dân ở, đã vậy lại chỉ có một con đường độc đạo. Ví như tôi có tìm được đường để thoát thân thì cũng rất dễ bị tóm lại.
Phải độ mười phút sau, chiếc xe oto mới vượt qua đoạn đường đầy ổ gà gập ghềnh. Xe dừng lại ở một căn nhà nằm lọt thỏm trong một khu vực đầy mồ mả xung quanh. Căn nhà giống hệt như một nấm mồ khổng lồ bên cạnh những ngôi mộ liền kề. Người thanh niên kia xuống xe lấy chìa khóa mở cửa xe chỗ tôi ngồi. Tôi chưa kịp phản ứng thì đã bị gã kéo xềnh xệch xuống đất, riêng cái xác của con bé con nằm kề bên tôi thì bị gã béo Tiểu Triệu chụp bao tải lên rồi khệ nệ khuân ra lối cửa sau.
Tôi cố sức vùng vẫy để tự đi một mình, thế nhưng gã thanh niên lại lo tôi bỏ chạy. Gã túm lấy cánh tay khiến tôi đau nhói. Xem chừng kẻ này không hề đơn giản như vẻ mặt hay cười cợt của mình.
…………………………………………………..
Tôi bị dắt đi vào bên trong. Căn nhà có hai tầng, trong nhà bẩn thỉu và chật chội, không hề có đồ đạc gì cả ngoài một bộ bàn ghế. Mùi hôi hám của phân chuột chết quyện cùng mùi tanh tanh của máu người khiến tôi cảm thấy bụng mình quặn lên như vừa nãy. Một người phụ nữ trông có vẻ lam lũ khổ sở ra đón chúng tôi. Gã thanh niên lè nhè nói với mụ bằng mấy câu tiếng Trung, mụ quắc mắt rồi đốp chát lại. Tôi nghe mà không hiểu gì, chỉ thấy gã thanh niên đang túm chặt tay tôi bèn nhảy xồ vào đạp cho người đàn bà kia mấy cái. Bị tình huống bất ngờ làm cho sợ hãi, tôi co rúm người lại, lưng ép chặt vào tường. Người đàn bà kia bị đòn đau thì gào lên đầy phẫn uất, ánh mắt mụ long lên sòng sọc nhìn theo gã thanh niên kéo tôi lên trên căn phòng ở tầng hai. Tôi chới với vùng vẫy nhưng không được, ánh mắt của tôi chạm ánh mắt vằn đỏ của người đàn bà vẫn quỳ rạp người dưới đất. Tôi khóc không thành tiếng, cố gắng kháng cự lại gã thanh niên đang lôi cổ tôi xềnh xệch.
Gã mở cánh cửa một cách thô bạo rồi đẩy tôi vào bên trong, sau đó cười hềnh hệch rồi nói:

..........................
Reply