Chứng khoán tăng trưởng, doanh nghiệp đổ xô huy động vốn qua cổ phiếu
#1
Mùa đại hội cổ đông 2021 dần kết thúc, tuy nhiên câu chuyện tăng vốn mới chỉ bắt đầu sôi nổi. SSI Research nhận định việc tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho giá cổ phiếu của ngành ngân hàng và bất động sản từ nay đến cuối năm 2021.
Theo dữ liệu từ SSI Reseach, nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank (TCB), VPBank (VPB), TPBank (TPB)... đã có những đợt tăng vốn để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) được tăng vốn trong năm 2019.
Sau những đợt tăng vốn, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.
Hiện có khoảng 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong năm 2021.
Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỉ đồng (+31% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó 61.800 đồng (chiếm 75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu, 18.300 tỉ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ - phát hành quyền mua cổ phiếu, 2.600 tỉ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP (cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên).
Từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt, khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam).
Ngoại lệ đối với trả cổ tức tiền mặt là các ngân hàng quốc doanh Vietcombank (VCB), BIDV (BID) và Vietinbank (CTG) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Mặt khác, cổ tức cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 được hỗ trợ bởi nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỉ lệ sở hữu nhà nước trên 50%.
Techcombank (TCB), VPBbank (VPB) và Sacombank (STB) không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ năm 2018. Trong khi hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần có tỉ lệ cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn so với quá khứ, do NHNN không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong năm 2020 và 2021.
Một số ngân hàng như HDBank (HDB), MSB (MSB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020 và có thể trả cổ tức cổ phiếu.
Lưu ý, phần lớn việc các ngân hàng phát hành mới cổ phiếu đã nằm trong kế hoạch trước đây và được tái khởi động trong năm nay.
Trước khi nghị định 81 được ban hành để điều chỉnh sức nóng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), việc phát hành TPDN được công ty BĐS ưa thích để tăng vốn.
Giá trị phát hành TPDN năm 2020 của các công ty BĐS là 191.000 tỉ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị phát hành mới của các công ty BĐS đạt 53.000 tỉ đồng.
Năm 2021, thị trường chứng khoán thuận lợi hơn đối với top 20 cổ phiếu BĐS dân cư lớn nhất.
SSI Research nhận thấy 7 công ty lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, số tiền dự kiến là 18.700 tỉ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 434 tỉ đồng thông qua cổ phiếu ESOP. Phần còn lại là kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức cổ phiếu.
Việc tăng vốn trong năm 2021 kể trên sẽ hỗ trợ đáng kể cho khả năng tăng trưởng trong trung hạn của các công ty.
5 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất bao gồm Chứng khoán SSI, Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán TP.HCM (HCM), Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán MB (MBS) lên kế hoạch tăng vốn. Trong đó 6.400 tỉ đồng từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ - trái phiếu chuyển đổi và 813 tỉ đồng qua ESOP.
Điều này giúp công ty chứng khoán mở rộng kinh doanh, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ (margin) với giới hạn theo luật định là hai lần vốn chủ sở hữu.
"Hiện tại, với tâm lý thị trường tích cực, đây có thể là thời điểm thuận lợi để tăng vốn cổ phần", SSI Research nhận định.
Reply