Làm thế nào để chánh niệm liên tục?
#1
Làm thế nào chánh niệm liên tục trong đời sống mưu sinh của người cư sĩ?


1-Trước hết chúng ta cần xác nhận lại thế nào là chánh niệm liên tục:

Sự thấy biết liên tục trong quan sát ghi nhận bên trong và bên ngoài thân tâm chính là chánh niệm liên tục. Tâm sẽ thất niệm hay mất chánh niệm khi không hay biết về nó hay đối tượng của chính nó. Có sự nhầm lẫn rằng khi biết tâm có tham, có sân, có si thì không phải là chánh niệm. Dẫn đến việc khi thấy biết tâm tham, sân, si sinh khởi là hành giả cho rằng mình vẫn bị tham, bị sân, bị si và không hài lòng với việc thực hành quan sát. Chúng ta phải biết rằng chúng ta chưa phải là bậc Thánh nên các tâm tham, sân, si sinh lên theo duyên và cảnh của chúng, không theo ý muốn của ai. Nhưng ngay khi quan sát được các tâm này sinh lên và diệt đi thì cũng chính là đang chánh niệm. 

Đức Phật dạy quán Tâm trong Tứ Niệm Xứ như sau:
“Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo: “Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham”; hay “Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham”; hay “Với tâm có sân, biết rằng tâm có sân”; hay “Với tâm không sân, biết rằng tâm không sân”; hay “Với tâm có si, biết rằng tâm có si”; hay “Với tâm không si, biết rằng tâm không si…”

Tập chánh niệm chính là tập làm quen, hay tạo thói quen quan sát, ghi nhận với sự “THẤY BIẾT” của tâm. Sống với sự thấy biết ấy chính là sống trong chánh niệm. Chứ không phải sống với tâm tham hay không tham, sân hay không sân, si hay không si khi chúng xuất hiện. Các tâm này khi bị quan sát chúng sẽ trở thành đối tượng hay đề mục chứ không còn là chủ thể trong suy nghĩ, lời nói và hành động nữa. Tâm chánh niệm đồng sinh với tâm trí tuệ tỉnh giác trở thành chủ thể của sự THẤY BIẾT trong chánh niệm. Chức năng của tâm sở Chánh Niệm là thấy biết (quan sát, ghi nhận) đối tượng. Chức năng của tâm sở Trí Tuệ là thấy biết (ghi nhận, quan sát) sự vô thường, khổ, vô ngã của đối tượng cũng như chủ thể. Các tâm chủ thể này cũng sinh diệt liên tục theo đối tượng của nó nên cho chúng ta tưởng có “tánh thấy”, “tánh biết” thường hằng, thường trú. Nhưng thật ra không phải như vậy vì trong mỗi giây có hàng tỷ sát na tâm sinh diệt liên tục nối tiếp nhau. Nghĩa là không có gì là chính nó trong chớp mắt.

Như vậy chánh niệm liên tục chính là quan sát ghi nhận liên tục trên bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp), chính là toàn bộ đời sống bên trong và bên ngoài thân tâm chúng ta. Bất cứ điều gì xảy ra mà tâm thấy biết thì đó là chánh niệm. Thấy biết từ những hơi thở, cử chỉ oai nghi, sinh hoạt, ăn uống nhai nuốt, cho đến các cảm giác, sự hay biết của các loại tâm, các đối tượng sinh khởi qua 6 giác quan… Mọi ý muốn, mong cầu, chán nản, thất vọng, lo âu, nghi ngờ, lờ đờ, buồn ngủ, phóng dật,… đều bị quan sát bởi chính sự THẤY BIẾT của tâm chánh niệm và tỉnh giác.

Trong quyển Mặt Hồ Tĩnh Lặng, ngài Ajahn Chah kể lại rằng Đức Phật đã khích lệ Chư Tăng khi Ngài xác quyết: “Người nào kiên trì nỗ lực hành thiền thì sẽ đắc quả trong vòng bảy ngày. Nếu bảy ngày không thành thì sẽ thành đạo trong vòng bảy tháng hay bảy năm. Một nhà sư trẻ tuổi Hoa kỳ nghe vậy hỏi Ajahn Chah điều đó có thật hay không? Ajahn Chah nói chắc rằng nếu thầy chánh niệm liên tục trong vòng bảy ngày thì thầy sẽ thành đạo.” Điều này xác quyết thực hành CHÁNH NIỆM LIÊN TỤC chính là chúng ta đang trên con đường của Thánh đạo. Vậy tại sao chúng ta lại còn chần chừ hay loay hoay ở chỗ này hay chỗ khác, có chỗ nào nằm ngoài thân tâm mình đâu, cho dù chúng ta đang làm gì, đang ở đâu đi chăng nữa.

2-Bây giờ chúng ta cùng trao đổi xem phương cách nào để hỗ trợ chánh niệm liên tục trong đời sống mưu sinh của người cư sĩ:

Không phải bất cứ việc gì xảy ra cũng chánh niệm dễ dàng, vì chúng ta chưa phải là bậc Thánh, hơn nữa nếu việc thực hành chánh niệm của chúng ta còn chưa thuần thục, tự nhiên. Trong đời sống mưu sinh với nhiều lo toan và ràng buộc với người thân, người cư sĩ đối diện với rất nhiều tâm tham, sân, si sinh khởi liên tục. Có nhiều cách đối trị để hỗ trợ cho chánh niệm sinh khởi. Ở đây chúng ta có thể học tập lời dạy trong kinh Tất Cả Lậu Hoặc. Trong bài kinh này, Đức Phật đã trao cho chúng ta 7 cách để đoạn trừ lậu hoặc, chính là các phương pháp giúp chúng ta duy trì và hoàn thiện việc chánh niệm và chánh niệm liên tục.

Trích dẫn từ Kho Tàng Pháp Học:

“1. Đoạn trừ do tri kiến (Dassanā pahātabbā), tức là biết tác ý pháp cần tác ý, và không tác ý pháp không cần tác ý, nhờ vậy mà các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh bị trừ diệt.

2. Đoạn trừ do thu thúc (Saṃvarā pahātabbā), tức là thúc liễm sáu căn như mắt, tai… nhờ vậy các lậu hoặc không có.

3. Đoạn trừ do thọ dụng (Paṭisevanā pahātabbā), tức là khi thọ dụng tứ sự có chơn chánh giác sát, khéo quán tưởng, nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.

4. Đoạn trừ do kham nhẫn (Adhivāsanā pahā tabbā), tức là biết chịu đựng nhẫn nại với nghịch cảnh, nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.

5. Đoạn trừ do né tránh (Parivajjanā pahātabbā), tức là biết thận trọng, tránh né mối hiểm họa có thể sanh phiền não như bạn xấu, thú dữ, chỗ lai vảng không thích hợp… nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.

6. Đoạn trừ do dẹp bỏ (Vinodanā pahātabbā), tức là biết từ bỏ, từ khước, không chấp nhận các tà niệm sanh khởi như dục tầm, sân tầm và hại tầm, nhờ vậy các lậu hoặc không khởi lên hoặc không còn nữa.

7. Đoạn trừ do tu tập (Bhāvanā pahātabbā), tức là khéo tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, cần, hỷ, tịnh, định và xả, dựa trên viễn ly vô nhiễm, đoạn diệt, phóng thích. Nhờ tu tập như vậy các lậu hoặc không có hoặc không còn nữa.” (Hết trích dẫn)


Nếu chúng ta không biết né tránh, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn…thì rất khó để chánh niệm sinh khởi. Việc áp dụng 7 phương pháp đoạn trừ sẽ hộ trì, giúp chúng ta trong quan sát chánh niệm liên tục ở mọi lúc mọi nơi, trong công việc mưu sinh cũng như trong mọi sinh hoạt của đời sống. Chánh Niệm (quan sát, ghi nhận) là pháp hành không phải là pháp học, nên chúng ta chỉ thấy được Chánh Niệm khi bước vào quan sát thân tâm liên tục, lúc đó các hoài nghi sẽ chấm dứt theo thời gian. Tất nhiên việc thực hành đạt tới đâu, mức độ nào còn tùy thuộc vào ba la mật và sự tinh tấn của mỗi người trong kiếp sống này.

(Thấy Biết)
Reply
#2
Thanks-sign-smiley-emoticon Admire Admire Admire
Reply