ĐƯỜNG DÀI.
#1
Truyện ngắn: ĐƯỜNG DÀI.
Tác giả: Hoàng My


Không phải lúc nào chém người thì đương nhiên cũng bị đi tù.

Cái chân lý lạ lùng ấy, tôi nhìn thấy vào năm mình lên chín. Tôi nhớ lúc đó mình đang tha thẩn giữa sân trường với đám bạn, dùng cục đá nhỏ đập mấy cái hột điệp khô cong ra để lấy nhân ăn, có tiếng ai đó gọi vóng qua hàng rào dâm bụt:

– Hà ơi, về ngay đi, mẹ mày chém người rồi!

Phải mấy phút sau tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu ấy. Rồi nháo nhào hoảng loạn, tôi chạy băng qua những dãy phố nhấp nhoáng cuối chiều về phía nhà mình. Chẳng phải phản xạ của bất kỳ ai khi hữu sự đều thôi thúc vang lên hai chữ “về nhà” đó sao? Rồi tôi chưng hửng khi biết hiện trường không phải ở đấy. Mà tuốt trong ngõ chợ xóm Chùa, nơi hằng ngày nạn nhân của mẹ tôi vẫn buôn bán lặt vặt phụ giúp gia đình.

Người phụ nữ ấy chắc nhỏ hơn mẹ tôi dăm bảy tuổi, đang đau đớn ôm tấm thân đầy máu. Không có vết thương nào nguy hiểm đến tính mạng, bởi sức một người đàn bà đang vất vả nuôi con mọn chắc cũng chỉ cỡ con cua mới lột. Nhưng sau này tôi cứ thầm tự hỏi với sự căm thù ngút ngàn cỡ ấy, mẹ tôi dứt dạt xuống tay như vậy, mà hầu như chỉ ngoài da, ngoại trừ cánh tay phải là chạm tới xương thật ư?

Tưởng thế, hóa ra không đơn giản. Cơ thể con người không phải dễ dàng liền lạc mất dấu, mà biến thành nhiều vết sẹo xấu xí. Chỉ bên ngoài thôi cũng đủ để ái ngại đặt câu hỏi: chị kia vì đâu mà người ngợm sứt mẻ thế này? Nhìn mặt có vẻ không thuộc thành phần đâm thuê chém mướn, vậy chắc là bồ bịch lăng nhăng, giật chồng người ta nên mới ra nông nỗi đây mà!

Vế sau cùng này thì đúng. Dì Thi (chữ “dì” là sau này tôi thêm vào) lúc ấy lén lút cặp bồ với ba tôi nên bị mẹ tôi, mới sinh em gái tôi được gần một năm, cầm dao chém tới tấp. Mở ngoặc nói rõ mẹ tôi vốn là cô thợ may áo hiền như đất, cả đời chắc nhiều lắm là cắt cổ vịt nấu chao là cùng chứ chưa từng dám nghĩ tới việc làm tổn hại ai bao giờ. Vậy mà khi cơn ghen làm người ta điên loạn, mẹ đã một mình xách dao tới hỏi tội tình địch.

Thuở ấy lạ lắm. Không ai bênh vực dì Thi đâu. Càng chẳng có lời nào trách mẹ tôi ác cả. Người ta chỉ xúm xít lại can ngăn và buông một câu rõ rành: Đáng đời cái thứ đàn bà con gái mất nết, đường rộng không đi, cứ đâm quàng vào bụi rậm. Tha cho nó đi chị, đừng giết người mang tội.

Mẹ tôi giống như bừng tỉnh, buông dao bỏ về. Phải như bây giờ là sẽ rầm rộ có clip quăng lên mạng, ngay và luôn. Rồi thì mẹ tôi sẽ nhận hàng tấn gạch đá, đủ xây lại căn nhà cấp bốn của mình chứ chẳng vừa. Sau đó sẽ được mời ra xã làm việc, cầu xin nạn nhân bãi nại bỏ qua, chí ít cũng đền bù sặc mũi mới mong khỏi vướng lao lý. Thế nhưng, vào cái thời điện thoại thông minh còn chưa có trong từ điển và người ta còn lấy đạo lý và sĩ diện con người làm đầu, mẹ tôi chẳng hề hấn gì cả. Chỉ không thể thản nhiên mà sống như trước kia được thôi.

Bởi vì ba tôi, sau trận đánh ghen đình đám của vợ với người đàn bà trong bóng tối của ông, đã chính thức lật bài. Rằng chúng ta thật ra sống chung chẳng hợp. Tại lỡ có con Ti nên tôi tính là cố đợi. Ai ngờ bà dữ dằn vậy. Thì mấy mẹ con cứ ở lại căn nhà này đi…

Ba tôi dọn hẳn qua nhà dì Thi. Mẹ tôi, chắc sau đận thấy máu đổ cũng chùn lòng, chỉ thi thoảng mới đến ngõ chợ mà chửi rủa ít câu. Chừng như mẹ tôi cũng hiểu khi người ta đã muốn đi thì không gì có thể giữ được. Huống chi mấy nhát dao hỏi tội kia của mẹ tôi gây ra hậu quả khá nặng nề. Cánh tay thuận của dì Thi bị tật vĩnh viễn, không thể làm việc nặng nhọc hay cầm viết, cầm kim tỉ mỉ gì được nữa. May mà còn có thể bưng bê mấy thứ vừa vừa.

Nghe mấy thím, mấy cô trong chợ xóm Chùa kể ít nhất cũng ba bốn cái sẹo lồi để lại trên cơ thể người phụ nữ chưa chồng con, cam tâm làm người đàn bà trong bóng tối để cuối cùng phải nhận lãnh. Coi như xong đời, chứ còn ai dám tiến tới cưới xin gì nữa. Xóm Chùa bé lắm, loay hoay có vài cái ngõ bán linh tinh mớ than củi, thạp củ cải muối mặn hay mớ bánh bông lan tự nướng mà thôi. Nên giấu giếm được ai cái quá khứ thanh xuân nhuốm máu và cả nước mắt của mình…

Sau này tôi cứ thử tưởng tượng ra một lý do gì đấy dễ nghe hơn cho cuộc tình của ba tôi và dì Thi. Kiểu như hai người đã quen biết nhau từ bé, yêu nhau hồi mới lớn nhưng bị bà nội tôi cấm cản. Hoặc mẹ tôi bỗng dưng xuất hiện, khiến ba tôi ham của lạ mà choáng ngợp. Mãi sau ba mới nhận ra đấy chẳng phải nhân duyên của đời mình nên đành lén lút sửa sai. Đại khái vậy. Nhưng cách nào cũng không đúng sự thật là trong giai đoạn mẹ tôi bầu bì rồi sinh con, ba tôi mới gặp dì Thi, phát sinh tình cảm trai gái rồi vụng trộm với nhau. Kết thúc của cái đoạn khó nghe ấy là ba tôi nhất quyết ly hôn, cưới dì Thi, người đàn bà với thân thể không còn óng nuột bình thường, cộng thêm con mắt trái bị hư hẳn.

Nguyên nhân dì Thi trở thành độc nhãn long thì không liên quan tới mẹ tôi. Hồi đó nhà nước chưa cấm pháo nên ngoài mấy món tạp hóa, nhà dì có bán thêm pháo đập. Chẳng biết xui khiến thế nào mà một hộp pháo dì đang cầm trên tay đã rớt văng xuống đất phát nổ, khiến cho dì nhận lãnh tai họa từ trên trời rơi xuống: mù đi một mắt.

Sau đợt đó, mẹ tôi chính thức buông tay. Hẳn mẹ tôi, cũng như những người đàn bà xứ ấy, đều nghĩ rằng thôi thì cô ta cũng đã nhận lãnh đủ phần của mình rồi. Nhân quả đâu cần phải đợi tới kiếp sau. Nếu ai đó cam tâm ở bên một người đàn bà đã coi như tàn phế, không màng tới nhan sắc quặt quẹo của cô ta nữa, thì chắc chắn người đó không bao giờ thuộc về mình. Có tranh giành thì cũng vô nghĩa.

Vấn đề là từ đó tôi bỗng không còn nhận ra mẹ tôi nữa. Hoặc giả trước đây tôi còn quá bé để nhận biết mẹ tôi thế nào. Chỉ biết rằng người mẹ đang sống và một mình nuôi hai đứa con gái kia dường như ngày càng bất thường. Mẹ tôi căm ghét đàn ông, coi tình yêu là thứ chưa bao giờ tồn tại, và hạnh phúc khi được trốn tránh trong cái xó riêng tư của mình. Suốt tuổi ấu thơ của hai chị em tôi, mẹ hầu như không có khái niệm “đi chơi” hoặc “bạn bè” gì cả. Quanh quẩn và thui thủi. Ngay cả các cử chỉ âu yếm, yêu thương mẹ con cũng hiếm hoi tận cùng. Mấy dịp họa hoằn chúng tôi nhận được cảm giác ấm êm vui vầy, trớ trêu thay lại đến từ ba tôi và người đàn bà phía bên kia chiến tuyến: dì Thi.

Mẹ cấm ba tôi lai vãng quanh cuộc sống của mấy mẹ con. Nhưng ba tôi, dẫu đã có tổ ấm mới, vẫn để mắt tới hai đứa con gái côi cút của mình. Dường như ba cũng biết chúng tôi cô độc bên cạnh người mẹ không mấy bình thường của mình. Những dịp tết hay Trung thu, sinh nhật của hai chị em, chúng tôi vẫn nhận được bánh kẹo của ba. Lâu lâu còn có mấy tờ tiền nhét vội để chúng tôi ăn quà hay mua sắm thêm vài thứ linh tinh thời thiếu nữ. Tôi đinh ninh rằng ba tôi hẳn phải nín nhịn giấu giếm lắm mới có thể dấm dúi cho con riêng của mình như vậy. Hóa ra chẳng phải.

Chỉ ít lâu sau ngày ba tôi rời khỏi, ông đã giấu mẹ chở hai chị em tôi tới nhà mới của mình. Tôi vẫn nhớ hình ảnh dì Thi trong bộ đồ mặc nhà tầm thường bưng từ nhà sau lên mấy tô bánh canh ngọt cho ba cha con tôi ăn. Rồi dì lì xì cho chúng tôi, thậm chí còn cắt tóc cho em Ti tôi nữa. Những lần len lén ấy còn lặp đi lặp lại nhiều lần, cho tới khi tôi xong trung học rời khỏi xóm Chùa mà lên thành phố, đi tiếp đoạn đời trưởng thành của mình.

Khôi là người đàn ông đã có vợ con lâu rồi. Anh đậm người, phong thái mạnh mẽ và lịch lãm. Anh bảo hồi nhỏ từng là đồng hương của tôi, trước khi theo mẹ lên đây lập nghiệp, trở thành sếp phó của một tập đoàn lớn. Những lần sát cánh bên nhau trong công việc đã khiến chúng tôi hiểu và thân thiết với nhau. Anh tuyên bố sẽ yêu tôi cho bằng được, bất chấp thái độ dửng dưng và có phần xem nhẹ của một cô gái lớn lên trong một mái nhà có mẹ từng bị phản bội, có cha bỏ đi, và có một thời ấu thơ căm ghét những kẻ thứ ba thừa thãi…

Thế nhưng, tận sâu thẳm trong lòng, tôi biết mình yếu đuối. Tôi thèm được yêu thương, mơ khát một bờ vai mạnh mẽ. Trong những giấc mơ mỏng manh thời thiếu nữ, tôi vẫn ước gì mình có anh trai. Người đủ sức để leo lên mái nhà lợp lại tấm tôn bị dột, sửa lại tiếng nước rỉ rả chảy triền miên ở sàn bếp, hay thay mấy cái bóng đèn mà không phải thắc thỏm sợ sệt. Tôi thèm trong nhà có ai đó để yên tâm chìm vào giấc ngủ, không vì tiếng chó sủa vu vơ mà bất an trong ngôi nhà không có đàn ông. Mẹ tôi sau này lấy kinh kệ làm vui, mặc kệ chị em tôi lớn lên như cây cỏ. Mọi mệnh lệnh chỉ là cấm đoán. Không trai gái, không yêu đương, không tụ tập hội nhóm gì hết. Tất cả đều là xấu xa, tội lỗi dơ bẩn, hiểu chưa?

Chẳng khó khăn gì để người đàn ông từng trải ấy hiểu ra tâm ý của tôi. Cũng không tới mức quá vất vả để chinh phục một cô gái sống trọ một mình giữa cái thành phố náo nhiệt này, hằng tháng gửi tiền về quê nuôi mẹ, cho em gái chút đỉnh để nó đi học, và vẫn đang loay hoay tìm cách khẳng định mình. Quá khứ ít kinh nghiệm sống lẫn thiếu thốn cảm xúc ấy khiến tôi, dù gắng gượng chống đỡ, cũng không thoát được lưới tình.

Cái que thử thai hiện lên hai vạch rành rành. Không ngu ngơ tới mức cái gì cũng chẳng biết, nhưng tôi vẫn thấy mình như lịm đi vì choáng váng trước ý nghĩ kinh khủng: mình sắp sinh con với một người đàn ông không phải là chồng…

Từng có nhiều năm dài tôi nuôi ý nghĩ rằng một con hồ ly tinh đả đớn, xấu xa với cái đuôi dài đã cướp mất mái ấm gia đình mà lẽ ra mấy mẹ con tôi được hưởng. Tôi căm ghét hạng người ấy. Đoạn đời dằng dặc ấy, lẽ ra gia đình tôi phải được ấm êm sum vầy. Tôi không thể nào nguôi mối hận mà mẹ ròng rã rót vào tai lẫn tâm trí chị em tôi. Tôi làm sao bình thường cho được, dẫu người đàn bà ấy từng tắm rửa, cho chị em tôi ăn, mua cho chúng tôi vài ba bộ đồ mặc nhà, dấm dúi dắt tôi đi xem hát ở hội chợ, trong những ngày mẹ tôi thờ ơ quên nhớ. Ba tôi và dì có thêm một cặp con trai sinh đôi nữa, họ cũng chật vật để sống. Phải như thế nào thì người đàn bà đến sau kia mới có thể đối đãi với con riêng của chồng như thế, khi mẹ của chúng từng gây thương tích đớn đau lẫn nhục nhã cho mình…

Có một câu chuyện tôi từng được nghe là người đàn ông nào đó vì yêu cô nàng độc nhãn đã tuyên bố rằng: Tôi đâu thấy cô ấy xấu xí vì thiếu một mắt. Mà là đàn bà trong thiên hạ tất thảy đều bị dư một mắt đấy chứ. Phụ nữ chỉ cần đẹp trong mắt người đàn ông si tình yêu họ là đủ… Khi tôi lớn hơn, trải đời hơn, khi tôi đứng giữa đoạn đường nhiều xảo trá, tôi bỗng đau khổ nhận ra ba chưa bao giờ phù hợp với mẹ tôi, mà mái ấm kia mới là nơi ông ấy thực sự thuộc về.

Tiếc thay, khi hiểu ra điều ấy cũng là lúc tôi phải loay hoay chọn cho mình một ngã rẽ dứt dạt. Hình ảnh dì Thi với cái tay đầy máu oằn mình trong buổi nhập nhoạng chiều hiện lên trong tâm trí tôi mồn một. Tôi sẽ đi lại con đường bẽ bàng, khốn khổ đó ư, mang nhẫn nhịn, bao dung để đổi lấy chút tình? Thế gian còn được mấy người đàn ông dám sống như ba tôi để mà bất chấp mong chờ?

– Con ơi, dì mất rồi!

Tôi bàng hoàng, suýt nữa làm rớt điện thoại. Khoảnh khắc ấy tôi bất giác rùng mình nghĩ tới ngôi nhà thui thủi của ba người đàn ông hai trẻ một già. Vài lần trước gọi ba, tôi có nghe kể rằng dì Thi bệnh, phải tới lui chữa trị. Bệnh gì tôi không hỏi kỹ, cũng chẳng mấy bận tâm bởi đã đủ các rối rắm của riêng mình. Giờ thì mọi lời thốt ra cũng là đã muộn. Tôi đón chuyến xe cuối ngày để về với ba. Em Ti theo cùng. Chúng tôi muốn khi ba tiễn dì, tất cả các con của hai người đều có mặt dù chỉ là đoạn cuối.

Tôi cũng cần gặp ba để có thể mạnh mẽ và cô độc đi tiếp con đường xa. Một mình.
Reply