TẶNG VẬT…
#1
TẶNG VẬT… 

Tác Giả: Minh Nguyệt

:rose4: :rose4: :rose4:


“Đêm qua lúc ở trong vườn anh mời em ly rượu, rượu thanh xuân đời mình. Nâng lên môi, em nhắm mắt mỉm cười. Anh đưa tay vén mạng, gỡ trâm cài để tóc xõa rơi, rồi ghì em vào lòng. Khuôn mặt dịu hiền im lặng dưới trăng mơ ngập tràn thế giới mộng lành.

Hôm nay trời êm ả, bình minh ướt sũng sương mai.
Em nhẹ bước đến đền thờ, toàn thân trắng tinh, tay bưng rổ hoa đẹp. Anh cúi đầu đứng dưới tàn cây.

Sớm mai tịch mịch, con đường hiu quạnh chạy tới giáo đường…”

-Tặng Vật. Rabindranath Tagore


Ông cụ ngừng ngâm nga. Sáng thứ bẩy thức dậy, cô gái đứng tưới nước dưới làn nắng sớm. Những giọt nước sáng lấp loáng chiếc cầu vồng ngũ sắc. Tóc cô dài xõa lưng, đen tuyền và mượt mà như dòng suối. Đôi mắt của cô đen to làm ông liên tưởng đến những cô gái người Ấn Độ mà ông thường gặp ở Tân Đề Li mỗi lần ông đi công tác ở quốc gia đó. Chính vì vậy, ông đã ngâm thơ Tagore, và cô gái sống cạnh nhà ông đã ngửng lên nhìn ông mỉm cười. Vâng, cô đã thấy ông nhiều lần. Cô cũng đã thường nghe ông ngâm nga những vần thơ hay. Có lẽ, người Mỹ già này rất thích những vần thơ tuyệt mỹ của Đại thi sĩ Tagore. Bà vợ của ông cũng yêu thơ Tagore. Có lẽ, bài thơ mà ông ngâm sáng thứ bẩy này ông muốn nhắn gởi tặng người vợ mà ông luôn hết lòng yêu thương.

Cô đã thấy đôi vợ chồng già người Mỹ này mỗi sáng sớm hay thường cùng nắm tay nhau đi lễ. Cuối con đường dài có một ngôi nhà thờ với chiếc tháp chuông cao chót vót và họ thường đến đó sau khi băng qua một đoạn đường ngắn. Mỗi sáng, cô đi làm, trước khi de xe ra, cô thấy ông nắm tay bà, trên đầu ông vẫn mang một chiếc nón đen như thường lệ, còn bà thì thích quấn quanh cổ một chiếc khăn lụa mầu hồng. Có một lần, bà khoe với cô là chiếc khăn này, chồng của bà đã mua được ở Ấn Độ mười năm về trước. Chiếc khăn lụa thật sặc sỡ. Bà thường đùa với cô rằng với mầu sắc sặc sỡ đó, người lái xe trên đường sẽ thấy được vợ chồng bà mà tránh hai vợ chồng bà. Và mỗi một sáng sớm, khi cỏ vẫn còn ngậm hơi sương, khi mặt trời chưa ló dạng thì cô đã thấy hình ảnh của đôi vợ chồng già này trên con đường đầy lá. Hình như họ không bao giờ bỏ lễ. Họ vẫn vậy mỗi ngày, và vẫn như vậy đã bao năm rồi. Tình yêu của họ mỗi ngày như thêm đậm đà hơn. Bà kể cho cô nghe như vậy, và bà kết luận, “Tình yêu của vợ chồng tôi như thơ của Tagore, bất hủ với thời gian.” Cô đã mỉm cười khi nghe bà nói như vậy. Trên đôi mắt nhăn nheo của bà, lấp lánh nụ cười nhưng lời nói thì rất thật, và tất nhiên cô tin lời nói này của bà.

Cô đã ngẩng lên khi nghe bà phụ họa ông, cùng ông ngâm nga những vần thơ dễ thương của nhà thơ Tagore. Âm thanh của ông dữ dội, mạnh mẽ và đầy lôi cuốn, nhưng âm thanh của bà thật dịu dàng, thật ngọt ngào như âm thanh của dòng suối mềm mại chảy êm đềm cạnh những con sóng cuồng nộ của biển lớn. Họ muốn cô nghe những dòng thơ này. Họ biết cô cũng yêu thơ Tagore., và sáng hôm nay, dòng thơ “Tậng Vật” của thi sĩ này như bay bổng, lả lướt vi vu cùng nắng sớm.

“Ngay lúc còn trẻ đã nghe tiếng nói: Chờ anh từ tháng năm, lòng bồn chồn khôn tả. Thời gian ấy nụ cười biến thành nước mắt, giờ khắc tê tái lạ lùng vì bài ca chưa hát lần nào.

Đến với tôi qua dấu vết tuổi đời phai lạt, hay đường đi dẫn vào cõi chết không sao. Vì mộng đẹp sẽ tàn phai, hy vọng sẽ tiêu tan, hoa trái sẽ héo khô, nhưng tôi là sự thật muôn thuở anh sẽ gặp trong chuyến du hành qua cuộc đời từ bờ này đến bờ kia.”

--Tặng Vật. Rabindranath Tagore


Ông bà Mỹ vẫy tay. Cô tắt nước, nhìn vào nhà. Mọi người vẫn còn ngủ. Mẹ cô vẫn còn yên giấc điệp vì những đứa bé cháu của cô đã đến với cha mẹ chúng và trò chuyện với mẹ cô suốt đêm. Cô vẫy tay lại và bước vào nhà. Cô lục tủ lấy vài gói trà và băng qua đường. Bà đã đợi sẵn, mở cửa cho cô vào. Ông đã vào nhà. Ông đang rữa sạch bình trà. Bà đón nhận những gói trà từ tay cô, cẩn thận tháo gói ra, bỏ vào bình trà mà ông mới rữa xong. Ông chêm nước nóng từ bình thủy vào chung trà, lắc lắc bình cho đến khi mầu nước đổi thành nâu nâu rồi ông cẩn thận rót ra ba chung. Bà lấy một chung đưa cho cô. Bà kéo ghế cho cô ngồi. Cả ba chụm đầu vào tập thơ Tagore, vừa thưởng thức chung trà vừa đồng ngâm lớn.

“Tạo vật tụ tập trên trời rồi cười vang. Cát bụi như trẻ thơ quay cuồng múa hát. Huyên náo khiến con người bừng tỉnh, lòng ao ước làm bạn để cùng rong chơi.

Bồng bềnh trên suối mơ hồ, mộng trong ta vươn ghì trái đất... mọi cố gắng biến thành sỏi đá, rồi cứ thế xây đô thị nhân sinh.

Từ quá khứ xa xăm tiếng người nườm nượp vọng lại ... tìm trong hiện tại câu trả lời. Như chim vỗ cánh trong bóng mờ lung linh, tiếng ấy lan khắp không gian.

Tơ tưởng trong ta thao thức, trằn trọc rời tổ ấm bay qua sa mạc lờ mờ thiết tha tìm hình thức. Tiếng ấy là khách hành hương không đèn mò đường trong đêm tối đến bờ ánh sáng xa xôi để thấy mình trong lòng tạo vật.

Thi nhân sẽ đưa tiếng ấy vào rừng thơ và tiếng ấy sẽ nằm nghỉ trong tháp cao đô thị chửa hình thành.”

-Tặng Vật. Rabindranath Tagore


[Image: khaakNw.jpg]


Và khi dòng thơ chấm dứt. Ông bắt đầu kể chuyện…

Chúng tôi đã quen nhau lúc còn đang học trung học. Lúc còn trẻ, Dora, vợ tôi là một cô gái rất đẹp. Cô có đôi mắt xanh như mầu nước của đại dương bao la vô tận. Cô rất là xinh đẹp. Nét đẹp cao khiết của cô đã làm cho tôi lao chao ngày đêm. Tôi đã làm quen được với nàng khi nàng yêu cầu tôi hái cho nàng đóa hoa hồng ở nhà hàng xóm dù có con chó thật dữ đã rượt tôi quanh vườn cho đến khi tôi nhảy được qua rào. Khi tôi đem được đóa hoa hồng này về cho nàng thì đóa hoa đó đã tả tơi chỉ còn rơi rớt lại vài cánh hoa. Nàng đã cười ngặt nghẽo khi nhìn đóa hoa đó, nhưng tôi đã thuyết phục được nàng ở mối tình chân thực của tôi.

Cả hai chúng tôi đều xuât thân từ hai gia đình mà cha mẹ chỉ là công nhân nên rất nghèo. Sau khi ra trung học rồi, chúng tôi đã kết hôn. Lễ kết hôn của chúng tôi rất đơn giản. Dora với chiếc áo cưới mà mẹ cô đã sửa lại từ chiếc áo cưới của bà. Còn tôi thì xúng xính trong bộ áo vét mượn được từ người chú của tôi. Lễ kết hôn của chúng tôi chỉ như vậy, nhưng chúng tôi lại hạnh phúc vô cùng.

Tôi là một người thanh niên mười chín tuổi, không biết gì về trách nhiệm gia đình. Tôi chỉ biết lặn ngụp trong hạnh phúc mà không biết cuộc đời khó khăn đến mức nào. Chúng tôi chạy cơm từng bữa. Với số tiền khiêm nhượng mà tôi kiếm được mỗi hai tuần lãnh lương không đủ trang trải tiền nhà, tiền ăn, và vợ tôi phải xin làm việc ở một công xưởng đóng đồ hộp. Đời sống chật vật và khốn khổ vô ngần. Chúng tôi thiếu thốn đủ thứ. Người vợ xinh đẹp của tôi đã lo lắng đến dường nào, nhưng tôi thì vẫn vô tâm và vẫn say sưa đắm chìm trong hạnh phúc của mình.

Vào trước mùa lễ giáng sinh, kỷ niệm hai năm kết hôn của chúng tôi. Chúng tôi biết là với mùa lễ này, số tiền mà chúng tôi có được rất là khiêm nhượng, ngoài tiền nhà điện nước ra, chúng tôi chỉ có thể có được một bữa ăn thịnh soạn hơn, nhưng không thể có được cả cây giáng sinh với những bóng đèn nhỏ giăng mắc trên cây nô- en, và những sợi dây kim tuyến lấp lánh quấn quanh thân cây. Đối với chúng tôi, đó là một xa xí phẩm mà chúng tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Chúng tôi chỉ dám ngắm những món hàng trong các cửa tiệm, nhưng không bao giờ dám nghĩ đến việc đụng đến huống chi là mua. Và thứ bẩy hôm đó, chúng tôi đã nắm tay nhau đi dạo phố. Chúng tôi đi hết tiệm này đến tiệm khác chỉ để ngắm mà thôi. Lúc đó, nàng muốn ăn kem nên tôi đã chạy đi mua cho nàng. Khi trở lại, tôi thấy vợ tôi đứng trước một cửa tiệm, đang loay hoay và săm soi những chiếc áo đầm xinh xắn mà cửa tiệm đã giảm giá đến mức tối đa rồi. Tôi nghĩ là những chiếc áo đầm này đã khá lỗi thời, không còn ai mua nữa nên cửa tiệm đã cho để trước cửa tiệm với giá rẽ cùng tột để dẹp đi những món hàng cũ kỹ.
 

Vợ tôi đã ngắm nghía săm soi những chiếc áo đầm đó. Nàng có vẻ rất thích thú khi ngắm hết chiếc áo đầm này đến áo đầm khác. Cuối cùng, nàng lôi ra được một chiếc áo đầm mầu hồng rất dễ thương, dù đã bị đứt mất một cái nút trên cổ. Nàng lấy ra, săm soi và bảo tôi,

“Em muốn được thử chiếc áo này.” Tôi nhìn nàng gật đầu, dù rất muốn nhìn cái giá trên áo, nhưng sợ nàng không vui nên tôi đã không dám nói gì thêm.

“Em thử đi.” Nàng chạy thật nhanh vào cửa tiệm. Tôi theo vào. Một cô gái bán hàng nhìn tôi mỉm cười. Tôi do dự nhìn hai ly kem đã chảy nước trên tay tôi. Có lẽ phải đem về bỏ lại trong tủ lạnh để ăn rồi. Người đẹp của tôi mê áo đến mức không còn muốn ăn kem nữa.

Khi nàng bước ra. Chiếc áo thật vừa vặn, thật xinh xắn trên vóc dáng xinh đẹp của nàng. Tôi ngắm nhìn nàng, cảm giác mình như đang ngắm nhìn một nàng công chúa trong một truyện phim thần thoại. Nàng đẹp như người đẹp trong tranh vẽ trong các câu chuyện cổ tích, dù cổ áo bị đứt mất một cái nút và nàng đã ngượng nghịu kéo cổ áo lại cho vừa với chiếc cổ trắng muốt như ngọc của nàng.

“Anh thấy đẹp không?’ Tôi ngắm nàng một lần nữa. “Đẹp vô cùng.” Nàng hỏi lại với vẻ nghi ngờ. “Thật không?”

Tôi đáp, “Dĩ nhiên là thật rồi. Người đẹp của anh mặc chiếc áo này xinh đẹp không thua gì một nàng công chúa vậy.”

Nàng cười, xoay mình một vòng cho tôi ngắm thật kỹ lần nữa.
“Em cũng rất thích. Chiếc áo này mà mặc vào đêm Giáng sinh lúc chúng ta đi thăm cha mẹ của chúng ta thì tuyệt vời vô cùng. Em thật là thích nó lắm.”

Tôi cố nhìn giá tiền, nhưng nàng cứ xoay mình ngắm hoài trong gương nên tôi không thể nào nhìn được giá tiền.
“Anh cũng phải công nhận là chiếc áo đầm này rất đẹp. Em mặc thật vừa vặn.”

Cô bán hàng cũng xen vào, “Chiếc áo đầm này vì bị đứt một cái nút nên chúng tôi đã đại hạ giá. Chị bận rất đẹp và cũng rất vừa. Anh nên mua cho chị đi.”

Nàng nhìn tôi. Tôi cố chống chế.
“Nhưng chiếc áo này bị đứt mất một cái nút rồi thì không tốt lắm đâu.”

Dora nhìn tôi một chút rồi nói,
“Em có thể lấy mua một cái nút khác thay vào. Chiếc áo đầm này bình thường, nếu không bị đứt nút thì chúng ta không thể mua nổi đâu.”
Không tránh được nữa, tôi hỏi,
“Cái áo này giá bao nhiêu vậy em cưng?” Nàng nhìn giá tiền rồi bảo,
“Bốn đồng hai mươi xu.” Tôi nghe giá tiền mà phát run.
“Bình thường là giá bao nhiêu?’ Tôi hỏi. Cô bán hàng đáp.
“Chiếc áo này là đồ hiệu. Chỉ có nhà giàu mới mặc nổi thôi. Nếu không bị đứt nút thì chúng tôi bán với giá ba chục đó.”

Trời đất ơi! Nghe mà tôi muốn xỉu ngay tại` chỗ. Lương của hai vợ chồng tôi mỗi tháng chưa đến mười lăm đồng. Áo gì mà đắt quá vậy?

Nàng lại nhìn tôi. Cô bán hàng cũng nhìn tôi. Tôi biết là tôi không thể nào kham nổi. Trong cái bóp đen bạc mầu của tôi, tôi chỉ còn vỏn vẹn một đồng mười tám xu, làm sao mà tôi có thể mua được cho nàng chiếc áo đầm bốn đồng hai mươi xu đó.

Tôi cười gượng bảo,
“Thôi để khi nào anh sẽ mua cho em chiếc áo khác. Chiếc áo này đại hạ giá như vậy, còn bị đứt nút nữa thì mua về ít bữa cũng sẽ bị rách mà thôi.”

Nàng im lặng nhìn tôi. Tôi biết nàng hiểu. Cô bán hàng nhăn mặt,
“Đồ hiệu mà làm gì dễ rách được. Chúng tôi đại hạ giá lắm rồi. Nhưng nếu bà thích như vậy, chúng tôi xuống còn ba đồng rưỡi vì chúng tôi muốn dẹp đi số hàng cũ. Đó là giá chót đó. Chúng tôi không thể xuống được nữa đâu.”

Tôi im lặng, nhìn nàng lắc đầu. Nàng không nói gì nữa, quay trở vào trong phòng thử quần áo. Cô bán hàng bảo,

“Vợ ông xem ra rất thích chiếc áo đó. Sao ông không mua làm quà giáng sinh tặng cho bà?” Tôi làm như không nghe lời cô nói. Nhìn vào mắt cô bán hàng, tôi thấy rõ sự chê trách trong mắt của cô. Tôi thật sự muốn độn thổ, nhưng vì tôi không độn thổ được nên đành đứng đó trơ mắt ngó loanh quanh cho đỡ mắc cở. Khi nàng bước ra, treo chiếc áo đầm trở lại chỗ cũ. Khi ra cửa tiệm rồi, nàng còn quay đầu nhìn lại chiếc áo với một chút tiếc nuối thầm lặng nào đó trong đôi mắt.

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã ra về trong im lặng. Lòng tôi trĩu nặng. Tuy nàng không nói gì cả, nhưng tôi đã cảm giác có một cái gì đó bất ổn trong lương tâm. Chúng tôi ăn cơm chiều và hai vợ chồng cùng ngâm nga những vần thơ hay như mọi khi. Nàng vẫn nói cười tự nhiên. Tôi vẫn nói cười với nàng, nhưng tôi đã cảm giác như mảnh đất bằng dưới chân tôi đã hoàn toàn sụp đổ.

Khi tôi rữa chén và nàng loay hoay dọn dẹp căn nhà. Tôi ngắm nhìn người vợ của tôi. Nàng thật xinh đẹp vô ngần. Tôi đã từng nguyện với lòng là sẽ yêu thương nàng suốt đời, sẽ chăm lo cho nàng đầy đủ, nhưng câu chuyện của ngày hôm nay cho thấy được nỗi bất lực của tôi trước cái nghèo kinh khủng của mình và nỗi đau lòng khi tôi không thể nào mua được cho người vợ chiếc áo mà nàng yêu thích trong mùa lễ Giáng Sinh này. Và đêm đó, khi nàng đã chìm trong giấc điệp, tôi đã bước ra ngoài, ngồi xuống bục cửa, nhìn đêm đen bao phủ quanh tôi, nhìn những đốm sao sáng lấp lánh trên bầu trời đen, và lần đầu tiên trong cuộc đời của tôi, sau hai năm lặn ngụp trong hạnh phúc vợ chồng, tôi đã không cầm được nước mắt… 



[Image: couple-walking-woods-graphic-painting-te...022121.jpg]


Ông ngừng lại, hớp một chút trà và mỉm cười. Bà im lặng nhìn xuống chung trà. Cô gái nhìn ông bà, trong lòng xúc động. Cô hỏi, “Rồi sau đó ra sao hở ông?”

Bà mỉm cười.
“Cô không thể nào tưởng tượng được. Sau ngày đó, chồng của tôi siêng năng một cách không ngờ. Anh vừa đi làm vừa đi học thêm. Ngoài việc suốt ngày đi làm và giúp đỡ tôi trong công việc nhà, anh mượn sách thêm ở thư viện về nhà học, và sau ba năm rưỡi cần cù như vậy, anh đã tốt nghiệp đại học tối ưu và đã có một việc làm khá tốt.”

Ông cũng mỉm cười, “Kể ra cũng khá gian nan. Tôi đã thức tỉnh từ cái ngày đó. Tôi không còn là một thanh niên vô tư trong hạnh phúc gia đình nữa, mà là một người đàn ông trưởng thành, biết phấn đấu và sẽ không bao giờ để vợ tôi phải ray rứt quay mình đi trước một chiếc áo đầm quá đẹp đó nữa.”

Bà bật cười. “Thật ra, ngày hôm đó tôi cũng tiếc lắm. Tuy buồn, nhưng biết chúng tôi không kham nổi nên tôi đã không nói gì thêm. Thật ra, tình yêu của anh dành cho tôi gấp cả nghìn lần những chiếc áo xinh đẹp lộng lẫy như vậy.”

Cô gái hỏi, “Và sau đó, tặng vật của ông dành cho bà mỗi mùa Giáng sinh?”

Bà nheo mắt. “Mỗi kỳ tiền lương của ông mang về, tôi được quyền lấy ra mười phần trăm để mua sắm quần áo cho mình. Đó là tặng vật suốt đời mà ông đã dành cho tôi.”

Đôi vợ chồng già nhìn cô gái mỉm cười. Ông có vẻ rất hài lòng. “Tôi đã thay đổi rất nhiều sau ngày đó. Chỉ bốn năm sau, chúng tôi đã có một đời sống sung túc hơn, và ba đứa con của chúng tôi không phải khốn khổ như cha mẹ nó trước kia nữa.”

Người con gái đứng lên. Mặt trời đã soi sáng vạn vật, nhảy múa trên lá cỏ và hàng cây xanh. Cô cảm ơn vợ chồng người Mỹ già đã kể cho cô nghe một câu chuyện hay của họ và chung trà nóng buổi sáng. Mẹ cô đang đợi cô ở nhà. Cô băng qua đường. Tiếng ngâm thơ của đôi vợ chồng người Mỹ đó như bay vút trong không gian hòa lẫn cùng tiếng chim hót líu lo trong bình minh rực rỡ…

“Sách dạy đến tuổi năm mươi nên giã từ xã hội ồn ào lên rừng ở ẩn. Ngược lại, thi nhân nói cuộc sống ẩn dật chỉ dành cho mái đầu xanh.
Vì rừng là quê hương hoa lá, ong bướm, chim muông.
Ở đó hẻo lánh tình nhân, thì thầm tâm sự.
Ở đó trăng đêm hôn yêu lan rừng thao thức cô đơn.
Ở đó người hiểu lòng nhau tóc chưa ngả màu.
Nhưng, hỡi ơi, tuổi trẻ thường non dại, bông lông. Bởi thế, người cao niên nên ở lại trông nhà mặc đầu xanh vào rừng theo tiếng gọi nghệ thuật trao tình…”

-Tặng Vật. Rabindranath Tagore


Hết

Minh Nguyệt

Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Reply