Sắc đẹp dịu dàng của minh tinh 'Cuốn theo chiều gió', tình địch của Scarlett O'Hara
#1
Sắc đẹp dịu dàng của minh tinh 'Cuốn theo chiều gió', tình địch của Scarlett O'Hara
27/07/2020 17:01


 - Minh tinh Olivia de Havilland (vừa qua đời ngày 26-7) đẹp lộng lẫy trong vai nàng Melanie Hamilton hiền dịu, tình địch của nhân vật chính Scarlett O'Hara.

[Image: olivia-15958376554621382562772.png]

Olivia de Havilland (1916-2020) là một trong những ngôi sao cuối cùng của Hollywood thời hoàng kim - Ảnh: PINTEREST
Olivia de Havilland, người được coi là minh tinh cuối cùng của Hollywood thời hoàng kim, qua đời ngày 26-7 tại Paris (Pháp). Ở tuổi 104, bà được báo chí phương Tây nhớ đến không chỉ bởi nhan sắc tuyệt vời mà còn vì lòng dũng cảm dám đấu tranh cho quyền lợi của diễn viên và nữ quyền ở Hollywood cách đây hàng thập kỷ.
Theo ABC News, không ai hợp hơn Olivia de Havilland để vào vai tiểu thư Melanie Hamilton (về sau là phu nhân Melanie Wilkes khi kết hôn với anh họ Ashley Wilkes) trong phim Cuốn theo chiều gió (1939). Bà và nhân vật đều có vẻ đẹp dịu hiền nhưng tính cách kiên cường.

Hình ảnh Olivia de Havilland thời xuân sắc - Ảnh: ALLSTARS/MGM/GUARDIAN
[Image: cuon-theo-chieu-gio-1-1595835216386156733338.jpg]
Olivia de Havilland (giữa) cùng hai diễn viên huyền thoại Hattie McDaniel và Vivien Leigh trong Cuốn theo chiều gió. Cả McDaniel và Leigh đều dành giải Oscar cho vai diễn của họ trong phim, còn De Havilland cũng gây dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Bà cũng được đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhưng thất bại trước McDaniel. Nhưng đến năm 1946 và 1949, De Havilland cũng có được hai giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc cho hai vai trong phim To Each His Own và The Heiress.

[Image: olivia-5-15958361910981596762732.jpg]
Vẻ đẹp đài các của nàng Melanie Hamilton trong Cuốn theo chiều gió. Melanie là con gái trong một gia đình địa chủ giàu có và học thức. Để giữ truyền thống gia đình, cô kết hôn với Ashley Wilkes mà không hề hay biết Ashley là người tình trong mộng của tiểu thư Scarlett O'Hara (Vivien Leigh đóng). Đau khổ vì thông tin này, Scarlett trở nên căm ghét và quyết trả thù Melanie. Ngược lại, Melania luôn yêu quý và đối xử tốt với Scarlett. Sau rất nhiều bi kịch, hai người phụ nữ trở nên gần gũi và đồng hành cùng nhau để vượt qua sóng gió thời cuộc.

[Image: olivia-9-15958369088811048358983.jpg]
Nét đẹp ngây thơ của de Havilland vào năm 1938, khi bà mới 22 tuổi và đóng trong bộ phim The Adventures of Robin Hood bên cạnh tài tử Errol Flynn. 1938 là năm nữ diễn viên bắt đầu tỏa sáng, trở thành một ngôi sao. Bà được đích thân chủ tịch Jack L. Warner của Hãng Warner Bros. chọn cho vai này. The Adventures of Robin Hood thành công về thương mại lẫn nghệ thuật, được đề cử Oscar Phim hay nhất. Mặc dù vậy, những vai diễn tiếp theo của de Havilland ở Hãng Warner Bros. bị đóng đinh hình tượng và thiếu thử thách. Một trong những lý do cho việc này là de Havilland quá xinh đẹp nên hãng chỉ muốn giao cho bà những vai bình hoa di động.

[Image: olivia-4-1595836081706826417993.jpg]
Bức xúc vì phải nhận những vai diễn dưới tầm, Olivia de Havilland đâm đơn kiện Hãng Warner Bros. vào năm 1943. Lúc đó, hợp đồng giữa hai bên đã kết hạn nhưng hãng vẫn cố giữ bà lại với lý do bà đã từ chối nhiều vai diễn trước đó. Thắng vụ kiện, nữ diễn viên tạo ra tiền lệ tốt ở Hollywood, giúp diễn viên không bị ép kéo dài hợp đồng và nhận những vai diễn ngoài ý muốn. Phán quyết này của tòa án California vẫn được công chúng gọi là "luật de Havilland", với ý vinh danh sự đấu tranh của nữ diễn viên.

[Image: olivia-6-15958362064141596122870.jpg]
Mặc dù vậy, sau khi thắng kiện Warner Bros., de Havilland cũng mất hai năm bị Hollywood tẩy chay dưới sức ép của hãng phim lớn này. Trong hai năm đó, bà bị cho vào "danh sách đen", không có cơ hội diễn xuất, đến năm 1945 mới trở lại với phim To Each His Own của Hãng Paramount. Đây cũng là bộ phim giúp bà giành giải Oscar đầu tiên. Những trải nghiệm với Hollywood vừa ngọt bùi, vừa man trá nhưng đủ khiến de Havilland rời nước Mỹ vào năm 1953 để sang Paris (Pháp) sinh sống. Bà từng nói không muốn trở lại nước Mỹ vì Hollywood là nơi "ảm đạm, bi kịch".

[Image: olivia-3-15958360234441022147886.jpg]
Trong sự nghiệp kéo dài hơn 70 năm, de Havilland được ngưỡng mộ vì thử thách bản thân với nhiều dạng vai, từ người vợ kiên cường, người mẹ đơn thân đến bệnh nhân tâm thần (trong phim The Snake Pit). Đôi mắt nai ngây thơ của bà có thể diễn tả cả sự dịu dàng, ấm áp lẫn sự kiên cường và tinh nghịch, khiến khán giả bị lôi cuốn. Tài diễn xuất của Olivia de Havilland khiến nhà phê bình nổi tiếng James Agee cảm thấy ấn tượng và xúc động.

[Image: olivia-13-15958374443642011923496.png]
Về mặt hình ảnh, từ thập niên 1940, nữ diễn viên có lối trang điểm và phục sức hiện đại, ấn tượng. Phong cách thời trang của de Havilland không lỗi mốt so với ngày nay. Về tính cách, de Havilland tự nhận bên trong mình có một Scarlett O’Hara vì bà là người phụ nữ của sự nghiệp, luôn biết mình muốn gì và biết cách giành lấy nó. Nhưng một phần khác trong tâm hồn bà có bóng dáng Melanie Hamilton vì hướng đến tâm linh và sự cân bằng nội tại.

[Image: olivia-11-1595836893198961208143.jpg]
Joan Fontaine (tên thật Joan de Beauvoir de Havilland) chính là cô em gái nổi danh không kém của Olivia de Havilland. Tình chị em, tình bạn và sự kình địch giữa cả hai được biết đến rộng rãi ở Hollywood. Fontaine và de Havilland là cặp chị em ruột duy nhất cùng đoạt giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc. Sự kèn cựa giữa hai chị em được cho là xuất phát từ cách đối xử thiên vị của người mẹ đối với de Havilland. Khi theo nghiệp diễn, Fontaine không được mẹ ủng hộ như với chị gái nên phải đổi nghệ danh thành tên họ khác. Họ từng đối đầu trực diện ở giải Oscar 1942, khi Fontaine chiến thắng với vai diễn trong phim Suspicion của đạo diễn Alfred Hitchcock.

[Image: olivia-7-1595836851766501055435.jpg]
Về cuối đời, Olivia de Havilland vẫn rất xinh đẹp và trẻ trung so với lứa tuổi. Nét đẹp đặc trưng là khuôn mặt bầu bĩnh không mất đi. Trong ảnh, bà tự hào khoe hai giải Oscar. Từ năm 1953, do kết hôn với nhà văn Pháp Pierre Galante, bà gắn bó với "kinh đô ánh sáng" Paris để rồi trút hơi thở cuối cùng tại đây. Năm 2016, bà một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn Hãng AP từ không gian sống xa hoa của mình. de Havilland nói cuộc đời bà sống vì ba chữ cái "L": love (tình yêu), laughter (tiếng cười) và learning (học hỏi). - Ảnh: GETTY IMAGES

Reply
#2
Olivia de Havilland - nữ diễn viên Cuốn theo chiều gió qua đời ở tuổi 104

 - Bà Olivia de Havilland, nữ diễn viên kỳ cựu của điện ảnh thế giới, vừa qua đời trong bình yên vào ngày 26-7, tại nhà riêng ở Paris, thủ đô nước Pháp.
  •  
[Image: ba-o-1595807634909866770044.jpeg]

Olivia de Havilland - nữ diễn viên đóng phim Cuốn theo chiều gió thời trẻ - Ảnh: The hindu.com

Lisa Goldberg, người đại diện của huyền thoại Olivia, xác nhận tin buồn với Đài ABC News và xác nhận nữ diễn viên qua đời vì tuổi già.
Theo Hãng tin Reuters, trong sự nghiệp của mình, đại minh tinh Olivia de Havilland là chủ nhân của hai giải Oscar, lần đầu năm 1946 với bộ phim To Each His Own, và lần thứ hai năm 1949 với bộ phim The Heiress.
Vai diễn đầu tiên của bà là vào những năm 1930 nhưng bà được nhớ đến nhiều nhất với vai diễn Melanie "Mellie" Hamilton trong bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió dựa trên tiểu thuyết cùng tên công chiếu năm 1939.
Khi tác phẩm Cuốn theo chiều gió của nữ văn sĩ Margaret Mitchell chuẩn bị dựng thành phim, tất cả các nữ diễn viên hàng đầu của Hollywood đều đã ao ước có thể vào vai chính Scarlett O’Hara, một cô gái đẹp, cứng đầu.

[Image: 2020-07-26t221419z355993466rc2a1i92l301r...861951.jpg]
Bà Olivia de Havilland tại lễ trao tặng huân chương Bắc đẩu Bội Tinh tại điện Elysee Pháp - Ảnh: REUTERS.
Trả lời phóng vấn trên báo New York Times năm 2004, bà Olivia chia sẻ ngược lại với tâm lý chung, bà thích vai Melanie, người em họ của Scarlett, một người dịu dàng, đầy lòng nhân hậu và bà đã được như ý.

Bà Olivia de Havilland không chỉ được nhớ tới với tư cách là một nữ diễn viên mà tài năng đã đi vào huyền thoại, mà còn là một biểu tượng về đấu tranh đòi quyền lợi cho các diễn viên.
Năm 1943, bà Olivia kiện Hãng phim Warner’s Brother về quy định không trả lương cho nghệ sĩ bị "vào danh sách đen" nếu từ chối vai diễn mà họ không thích.
Mặc dù nếu thua kiện, bà có thể bị "cấm cửa" với việc diễn xuất đến ba năm nhưng bà vẫn làm và thắng kiện. Vụ kiện giúp các diễn viên thoát khỏi sự kìm kẹp của các công ty phim.
"Tôi hãnh diện với quyết định khởi kiện để chống lại sự lạm dụng trong ngành điện ảnh giai đoạn đó", bà Olivia chia sẻ với tổ chức nghiệp đoàn diễn viên điện ảnh Screen Actors Guild năm 1994.
[Image: 2020-07-26t164515z493188890rc241i9m6toxr...622931.jpg]
Tổng thống George W. Bush trao tặng bà Olivia de Havilland huân chương Nghệ thuật quốc gia - Ảnh: REUTERS

Bà Olivia de Havilland còn nhận được nhiều huân chương và tước hiệu từ các nhà lãnh đạo:
- Năm 2008, Tổng thống George W. Bush trao tặng huân chương Nghệ thuật quốc gia
- Năm 2010, Tổng Thống Pháp Nicholas Sarkozy trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.
- Năm 2017, Nữ hoàng Anh ban tước hiệu "Dame" khi bà được 101 tuổi.
Từ năm 1953, bà sống ở Pháp. Sau khi giải nghệ, bà chỉ xuất hiện trước công chúng một đôi lần. Trong đó, có lần xuất hiện tại lễ trao giải Oscar lần thứ 75 năm 2003.

Reply