Natural State: Tánh Tự Nhiên
#1
Có một thành viên VB gợi ý anatta đăng lại loạt bài kinh nghiệm giác ngộ của ông UG (Uppalori Gopala Krishnamurti) để tham khảo -- xin đừng lầm lẫn với Jiddu Krishnamurti -- mà ông đã tường thuật lại quá trình giác ngộ kéo dài trong 7 ngày. Đây chỉ là phần nhỏ được trích ra và phỏng dịch từ tài liệu The Mystique of Enlightenment (ugkrishnamurti.net). Trước đây anatta đã có đăng ở trang THTG của VF và đã bị mất vì VF đã đóng, và mấy tháng trước cũng có đăng lại ở LSV, nhưng đăng nửa chừng thì phải dừng lại. Kinh nghiệm khai ngộ của UG chỉ giới hạn ở phần thân thể (physical), và cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của tấm thân này (body) trong mọi người.  Cái mà tác động khiến ông giác ngộ được ông gọi là TÁNH TỰ NHIÊN -- Natural State -- nó, cái lực lượng vô hình, kỳ bí và khủng khiếp này đang hiện hữu trong thiên nhiên, đất trời. UG phủ nhận những thế giới siêu hình vì ông chưa thể nghiệm được nó chăng?! Ông cho rằng, sau khi chết thể xác sẽ tan rả thành những phân tử, nguyên tử và hòa vào thiên nhiên. Có thể gọi ông là sư tổ duy vật, tổ sư của mấy ông cộng sản cũng không sai. Theo ông, thiên nhiên, môi trường có những luật mà tự nó cân bằng và điều hành thế giới vật chất này, vũ trụ này mà chúng ta không cần phải xen vào; xen vào chỉ là phá hoại. Một điểm độc đáo ở sự giác ngộ của UG là ông không còn cái tôi (ego, self), cái trung tâm chi phối hành động của mỗi người chúng ta. Và ông không còn sợ hãi, thậm chí cái chết. Ông phú nhận tất cả mọi thần tượng, thẩm quyền về tâm linh.

Theo tôi, nếu Phật tử hay ai cần học hỏi về đạo lý, tâm linh để tìm cho mình sự an lạc giữa đời sống xô bồ, bất toại nguyện này thì nên tìm đến kinh sách của Phật pháp Nguyên thủy (Theravada). Lời dạy của Đức Phật thì đầy đủ và hoàn hảo hơn. Kinh nghiệm giác ngộ của UG là chỉ để tham khảo, để biết thêm về những điều lạ lùng, huyền diệu của thân thể mình (body).



********

Sự Huyền Bí của Khai Ngộ
 The Mystique Of Enlightenment



[Image: UG7.jpg]
UG (1918 - 2007)



Sơ Lược tiểu sử U.G. Krishnamurti

Tên đầy đủ của UG là Uppalori Gopala Krishnamurti. Bạn bè và những người ngưỡng mộ ông thường gọi ông một cách thân thương là UG. Ông sanh ngày 9 tháng 7 năm 1918 trong một gia đình dòng dõi Bà la môn ở Masulipatam, một thị xã miền ven biển thuộc tỉnh Andhra Pradesh, Ấn Độ. Khi UG chỉ vừa chào đời được 7 ngày thì mẹ của UG qua đời, và UG được nuôi dưỡng, dạy dỗ bởi ông ngoại. Ngoại của UG là một luật sư danh tiếng, giàu có, và là một thành viên nổi bật của hội Thông Thiên Học. UG trưởng thành trong môi trường đặc thù của Thông Thiên Học và lại có tín ngưỡng, thực hành theo Ấn độ giáo chính thống. Thậm chí khi còn là một cậu bé, UG là một kẻ hay nổi loạn, chống đối, lỗ mãng nhưng thật thà đối với những gì anh ta đã làm.

UG hoàn tất tiểu học và trung học ở thị xã Gudivada và sau đó lấy bằng cử nhân danh dự về Tâm lý và Triết học tại Đại Học Madras. Nhưng, sự học hỏi nghiên cứu về các hệ thống triết lý đa dạng và tâm lý học tây phương chỉ gây chút ít ấn tượng đối với UG. “Cái tâm thức mà mấy cha nội này đang lý giải thì nó nằm ở đâu vậy?”, có một lần UG đã hỏi vị giáo sư Tâm Lý học của mình như thế. Có điều gì đó lạ thường nơi một sinh viên chỉ vừa mới 20 tuổi đầu, đặc biệt là học thuyết của Freud đã được xem như là thành tựu mới nhất nói về tâm thức nhân loại vào thời đó.

Khoảng thời gian từ 14 tuổi đến 21 tuổi, UG thỉnh thoảng đến học và thực hành thiền định và yoga với Swami Sivananda ở Rishikesh.  UG có nhiều thể nghiệm và linh ảnh kỳ diệu khi tu tập ở đó, tuy nhiên UG đã đặt nghi vấn về tính chất thực hư của những kinh nghiệm tâm linh này, vì UG nghĩ rằng anh có thể nhận thức ra được chúng chính là nền tảng kiến thức mà UG đã có trước đó rồi.

Năm 1939, khi được 21 tuổi, UG đến gặp gỡ vị đạo sư Sri Ramana Maharshi và hỏi ông, "ông có thể trao cho cho tôi cái gọi là giải thoát không?” Ramana đáp, “tôi có thể trao cho anh cái-đó, nhưng anh có khả năng nắm bắt cái-đó được không?” Câu trả lời của Ramana gây chấn động UG như “tiếng sét” và khiến cho UG quyết định bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm chân lý không mệt mỏi và nản lòng, và cuối cùng không ngờ UG giác ngộ giải thoát hoàn toàn vào năm UG 49 tuổi (năm 1967).

Sau khi rời đại học, UG gia nhập hội Thông Thiên Học với vai trò diễn giả và ông đi vòng quanh Ấn độ để thuyết giảng về Huyền bí học. Ngay cả sau khi lập gia đình với bà Kusuma Kumari vào năm 1943, ông vẩn còn tiếp tục làm việc cho hội Thông Thiên Học và đã có nhiều buổi thuyết giảng ở các quốc gia Châu Âu. Mãi đến năm 1953 ông nhận thức ra được là những chuyện ông đang làm là sai lầm đối với việc tìm kiếm chân lý, nên ông đã phẫn nộ rời bỏ chức vụ. Sau đó ông gặp Jiddu Krishnamuri, là bậc đạo sư tâm linh khét tiếng về việc truyền bá tư tưởng phủ nhận mọi truyền thống, tập tục, thần tượng, quy ước xã hội vào lúc bấy giờ. Trong vòng 2 năm, UG thường hay có những cuộc hội thoại với  J. Krishnamurti, và hai người đã có nhiều cuộc tranh luận dữ dội về những vấn đề tâm linh. Sau cùng UG đã từ chối đường lối của J. Krishnamurti.

Trong suốt khoảng thời gian này, UG cũng có trải qua một thể nghiệm biến đổi thân tâm thần kỳ, mà ông gọi đó là “kinh nghiệm về Cái Chết”. Nhưng ông xem nhẹ kinh nghiệm đó và “quét sạch nó sang một bên”, và tiếp tục thăm dò, tra xét, kiểm nghiệm và hoài nghi mỗi một kinh nghiệm cho đến khi nào ông đạt được giác ngộ thực sự.

Khoảng thời gian trước năm 1967 (năm ông đạt được giác ngộ giải thoát) ông có rất nhiều kinh nghiệm tâm linh, ông có năng lực có thể nhìn thấy tiền kiếp, hiện tại và tương lai của người khác. Ông nói: “Cái khoảng khắc mà tôi gặp một người, tôi có thể thấy được toàn bộ quá khứ, hiện tại, và vị lai của người đó. Nhưng tôi không sử dụng năng lực này". Tôi tự hỏi, “tại sao tôi lại có năng lực này?”. Thỉnh thoảng tôi nói những điều nào đó, và chúng xảy ra đúng như vậy.  Tôi không hiểu tại sao? Tôi không hứng thú với những năng lực này. Làm thế nào mà tôi nói điều gì đó, và nó luôn xảy ra y như vậy? Tuy nhiên, nó mang lại vài hậu quả không vui lòng, gây nên sự đau khổ cho một ít người.
 
Năm 1955, UG đưa gia đình sang Hoa Kỳ để chữa bệnh cho con trai của ông. Khi nguồn tài chánh của ông cạn kiệt, ông để gia đình vợ con trở về Ấn Độ, còn ông thì ở lại tiếp tục hành trình tâm linh. Không tiền không bạc, ông sống lang thang, trôi nổi từ nơi này đến nơi khác, London, Paris... Sau cùng tình cờ ông quen biết với cô Valentine de Kerven, và tạm trú thân ở nhà cô Valentine ở Saanen, Thụy Sĩ. Vào khoảng thời gian trú ngụ tại nhà cô Valentine, những kinh nghiệm tâm linh lạ thường đã xảy đến cho ông, nó là sự khai mào cho “cái chết – thoát thai hoán cốt” vào ngày sinh nhật ông đúng 49 tuổi (1967), và là sự bắt đầu khó thể tin được về những thể nghiệm thay đổi chuyển hóa bên trong cơ thể ông đã khiến ông, cái Tâm Thái mà cho đến nay vẫn còn khó hiểu trong khuôn khổ hiểu biết về truyền thống huyền bí và khai ngộ của chúng ta. Liên tục trong 7 ngày, sau bảy lần thay đổi xảy ra, một trạng thái mà ông gọi là “Tánh Tự Nhiên”, Natural State. Nó là một sự biến đổi tế bào, một cơ thể được chuyển hóa, tái sinh, mới mẻ toàn diện.

UG rời thế giới này vào lúc 2:30 PM ngày 22 tháng 3 năm 2007 tại Vallecrosia, Ý Đại Lợi. Ông hưởng thọ được 88 tuổi. Bạn bè và nhiều người ngưỡng mộ ông khắp nơi trên thế giới đều bày tỏ lòng thương tiếc sự ra đi của ông.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Lời kể lại của U.G. Krishnamurti về kinh nghiệm giác ngộ

Cơ duyên đưa UG đến khai ngộ -- July 1967:
(UG bắt đầu tạm ngụ tại nhà của cô Valentine ở Saanen, Thụy Sĩ vào khoảng cuối năm 1964 hay đầu năm 1965)

Suốt trong khoảng thời gian đó -- tôi gọi nó là thời kỳ thai nghén -- đủ mọi thứ loại thể nghiệm tâm linh xảy đến bên trong cơ thể tôi – nhức đầu, những cơn đau đầu liên tục không ngừng nghỉ, những cơn đau khủng khiếp bên trong não bộ. Tôi đã nuốt hàng ngàn viên thuốc Aspirin, nhưng thuốc men không giúp ích cho tôi bớt đau chút nào cả. Đó không phải là chứng “đau nhức nửa đầu” (migraine) hoặc những triệu chứng đau đầu mà y học đã biết, nhưng là những cơn nhức đầu như búa bổ. Trong thời gian bị cơn đau đầu hành hạ, ngày nào tôi cũng đều uống nhiều viên Aspirin và từ 15 cho đến 20 tách cà phê để mong giảm bớt cơn đau phần nào! Có một ngày Valentine than phiền “Anh làm cái gì vậy! Ngày nào anh cũng uống tới 15 tách cà phê. Anh có biết nó cũng là tiền bạc không? Từ 300 cho đến 400 francs mỗi tháng đó.” Dù thế nào đi nữa, nó cũng là một điều dễ sợ cho tôi.

Có nhiều chuyện buồn cười xảy đến cho tôi. Tôi còn nhớ là khi tôi chà sát trên thân thể tôi, thì có đốm sáng lóe lên giống như chất lân tinh phát sáng lên vậy. Valentine đã từng có lần chạy ra khỏi phòng ngủ của cô để xem xét – vì cô cứ nghĩ là có chiếc xe nào đó chạy đến con đường trước cửa nhà vào giữa đêm. Hể mỗi lần tôi trở mình lăn trên gường thì có ánh sáng lấp lánh phát ra, (UG cười ) thật ngộ nghĩnh –  “Cái gì đây vậy?” Nó là điện – đó là tại sao tôi lại bảo nó là từ trường điện. Tôi cứ tưởng nguyên nhân do bởi chất ni-lon của áo quần tôi mặc có tích chứa tĩnh điện gây ra, rồi tôi tạm dừng sử dụng đồ vật có chất ni-lon. Tôi là người thuộc chủ nghĩa hoài nghi cực đoan, “từ đầu tới chân”, tôi không bao giờ tin tưởng bất cứ điều gì cả; thậm chí nếu tôi thấy phép lạ xảy ra trước mặt tôi, tôi cũng không vội chấp nhận – chẳng hạn như sự cấu tạo, bản chất của tôi đây. Sự kiện trên hoặc điều nào tương tự như thế chưa bao giờ được tạo ra và xảy đến cho tôi trước đây.

Những sự thể rất lạ lùng xảy đến với tôi, nhưng tôi chưa bao giờ cho là chúng có liên quan đến những điều gọi là tự-do tự tại hoặc giải thoát, bởi vì vào thời gian đó toàn thể mọi sự biến mất khỏi cơ thể tôi. Tôi đã vươn tới cái điểm mà tôi tự nhủ: “Tất cả các bậc minh sư và cứu thế đều là vớ vẩn – vì vậy tôi không còn thích thú điều gì tương tự như vậy nữa,” vì thế chúng biến mất khỏi bản thân tôi hoàn toàn. Những điều kỳ dị khác thường vẫn tiếp tục diễn biến, nhưng tôi không bao tự nhủ là: “Ô, (UG cười) tôi đang đi đến nơi ĐÓ, tôi gần tới Đó.” Cái ĐÓ không có xa hay gần, cũng không có sự cận kề hay sát bên chỗ Đó. Không có ai tiến gần tới nơi Đó được, bởi vì anh ta chuẩn bị, nên anh ta khác biệt với Nó. Không thể có sự sẵn sàng để đạt được cái Đó. Nó chỉ hích trúng vào bạn, giáng mạnh vào bạn như là sức nặng một tấn gạch vậy.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#3
Natural State


Vào tháng 4 năm 1967, tôi tình cờ đến Paris trong khi J. Krishnamurti cũng ngẫu nhiên có mặt ở đó. Một vài người bạn của tôi gợi ý, “Tại sao tôi không đi lắng nghe bạn cũ (J.K) của tôi giảng thuyết? Anh ta có một buổi hội thảo ở Paris.” Tôi nói, “Được thôi, tôi đã không nghe anh ấy nói chuyện nhiều năm rồi – gần như đã 20 năm – để tôi đến đó nghe thử.” Khi tôi đến hội trường, họ yêu cầu tôi trả hai đồng francs (tiền Pháp) để vào cửa. Tôi nói, “Tôi không bằng lòng trả hai đồng francs để nghe J. Krishnamutri giảng thuyết. Không, thôi chúng ta hãy đi nơi khác và làm chuyện gì vớ vẩn chơi. Hãy đến sòng bạc xem vũ thoát y. Đi nào, chúng ta chỉ mất hai mươi đồng francs để đến đó.” Vì vậy, chúng tôi đến sòng bạc “Casino de Paris” xem chương trình khiêu vũ. Tôi có được một kinh nghiệm rất lạ lùng vào thời gian đó: Tôi không biết được rõ tôi chính là người vũ công hay là có một người vũ công nào khác đang khiêu vũ trên sàn nhảy. Một kinh nghiệm rất là kỳ quặc đến với tôi: có một loại chuyển động kỳ dị như thế nào đó bên trong người tôi. (Sự chuyển động kỳ dị này bây giờ đã trở thành quen thuộc tự nhiên đối với tôi rồi.) Không có sự phân cách lúc đó: không có người quan sát đang nhìn ngắm người vũ công. Vấn đề là tôi không biết có phải tôi chính là người vũ công trên sàn nhảy hay là một người vũ công nào khác trên sàn nhảy đã khiến tôi nghĩ nhức óc, làm phiền phức tôi lúc đó – sau đó chúng tôi rời khỏi sòng bạc.

Câu hỏi “Cái trạng thái đó là gì?” đã tạo nên một cường độ mãnh liệt trong tôi – không phải cường độ về cảm xúc – tôi càng cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi thì tôi càng thất bại, và cường độ của câu hỏi lại càng tăng lên mạnh mẽ thêm. Nó cũng giống như là (tôi luôn luôn dùng sự so sánh như vầy) vỏ hạt gạo (trấu): Nếu có một đống trấu bắt lửa, nó tiếp tục cháy ngầm âm ỉ bên trong; bạn không nhìn thấy lửa cháy ra phía ngoài, nhưng khi bạn chạm vào, dĩ nhiên, nó sẽ làm bạn bị phỏng. Giống y cách thức như thế, câu hỏi vẫn cứ tiếp tục diễn tiến: “Cái trạng thái đó là gì? Tôi muốn hiểu, đạt được nó. Chỉ thế thôi. J. Krishnamurti có lần nói rằng  ‘Không có đường lối hay phương pháp nào để tôi có thể đạt đến được’, nhưng tôi vẫn cứ muốn biết cái trạng thái đó nó như thế nào, cái Tâm thái (state) mà Phật Thích Ca, Sankara, và các vị đạo sư khác đã hội nhập vào trong nó.”

********

Sau đó, một giai đoạn khác xảy ra vào tháng 7 năm 1967. J. Krishnamurti lại đến Saneen thuyết giảng. Các bạn của tôi lôi kéo tôi đến đó và nói “buổi nói chuyện của J. Krishnamurti lần này miễn phí, tại sao tôi không đi nghe thử xem sao?” Tôi nói “Cũng được, tôi sẽ đi nghe J.Krishnamurti giảng thuyết.”  Khi tôi lắng nghe J. Krishnamurti nói, thì có cái gì đó là lạ, khôi hài xảy đến cho tôi – cái cảm giác kỳ lạ mà J. Krishnamurti đang diễn tả là trạng thái của tôi, chứ không phải của J. Krishnamurti. Tại sao tôi lại muốn biết tâm thái của J. Krishnamurti chứ? Anh ta đang diễn tả một trạng thái gì đó, vừa vận hành, vừa tỉnh thức, vừa tịch lặng – “Trong trạng thái tịch lặng đó, không có tâm ý; chỉ có hành-động mà thôi” – tất cả mọi thứ đại loại như vậy. Vậy là, “Tôi hiện đang ở trong tâm thái đó. Thật là quái quỉ gì đâu, tại sao tôi lại phải tiêu phí hết ba bốn mươi năm để đi nghe những người khác thuyết giảng, và cố gắng cứ muốn đi tìm hiểu cái tâm thái của J. Krishnamurti hay là của một ai khác, như  Phật Thích Ca, Chúa Giê-su? Tôi ở trong tâm thái, cảnh giới đó mà. Bây giờ tôi đang an trú trong tâm thái đó.” Thế nên, tôi bước ra khỏi hội trường và không bao giờ trở lại nữa.

Kế đến – rất lạ kỳ là – câu hỏi “Cái tâm thái đó là gì?” tự chuyển biến thành câu hỏi khác: “Làm thế nào để tôi biết được là mình đang an trú trong tâm thái đó, cái tâm thái của Phật, cái tâm thái mà tôi rất muốn biết và mong cầu từ mọi người? Nhưng mà làm thế nào tôi biết được là tôi hiện ở trong tâm thái đó đây?”

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#4
...

Ngày kế tiếp (ngày sinh nhật năm 49 tuổi của UG  - ngày 9 tháng 7 năm 1967 ) tôi đang ngồi trên một chiếc ghế dài dưới một cội cây ngắm nhìn một trong những địa điểm thắng cảnh tuyệt đẹp của thế giới, “bảy ngọn đồi và bảy thung lũng” của miền đất Saanen. Tôi đang ngồi yên vị nơi đó. Câu hỏi không còn trong trí nữa, mà toàn thể thân xác và tâm trí tôi chính là câu hỏi đó: “Làm thế nào tôi biết được rằng tôi ở trong Tâm thái đó? Có một sự phân chia thật lạ kỳ bên trong bản thể tôi: có một kẻ nào đó biết được rằng hắn ta đang ở trong tâm thái đó. Kiến thức về tâm thái – cái mà tôi đã đọc qua sách vở, qua kinh nghiệm, qua việc nghe thiên hạ nói về nó – chính kiến thức này đang quan sát cái tâm-thái đó, vì vậy tâm-thái đó chỉ là sự phóng chiếu (vọng tưởng) từ kiến thức này ra mà thôi.”  Nhận nhức được như thế tôi mới tự nhủ: “Nhìn đây ông thần, sau bốn mươi năm ông chẳng có tiến thêm được một bước nào hết; ông chỉ dậm chân tại chỗ thôi. Khi ông đặt câu hỏi trên, thì cái kiến thức này phác họa và phóng tưởng lên tâm trí ông (kiến thức tạo ra cái tâm thái và kẻ đang quan sát hay đang ở trong tâm thái đó). Tương tự như thế, ông ở trong cái tình cảnh mà kiến thức tự nó đặt câu hỏi đối với chính nó, ‘Làm thế nào tôi biết (tâm thái chứng ngộ)?’ bởi vì nó chính là kiến thức này mà, là sự diễn tả của mọi người về cái tâm-thái đó như thế nào đó đã tạo ra tâm-thái này bên trong ông. Ông đang đùa cợt với chính mình. Ông đúng là một kẻ ngu xuẩn.” Thế thì chẳng còn gì cả, mất sạch hết rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có một loại cảm giác kỳ dị bên trong tôi, cái cảm giác lạ lùng là  cái tâm-thái này.

Câu hỏi kế tiếp là, “Làm thế nào tôi biết cái cảm giác kỳ lạ chính là tâm-thái này?” – Tôi không có bất cứ câu trả lời nào cho câu hỏi đó cả -- câu hỏi giống như là rơi vào trong vùng nước xoáy, câu hỏi đó lại hiện lên và xoáy nước cuốn mất, và tình trạng cứ diễn tiến tiếp tục lặp đi lặp lại như vậy .v.v… Kế đến, thình lình câu hỏi biến mất hoàn toàn. Không có gì xảy ra cả; câu hỏi chỉ đơn thuần biến mất hẳn thôi. Tôi cũng không tự bảo “Ồ, trời ơi! Bây giờ tôi đã tìm được câu trả lời rồi.” Thậm chí tâm-thái đó cũng biến mất luôn – tâm-thái mà tôi nghĩ là tôi đang ngộ nhập trong nó, cái Tâm Thái của Phật, Chúa Giê-su – nó cũng biến mất. Câu hỏi đã biến mất, toàn thể mọi sự vong bặt hoàn toàn trong tôi. Tất cả là như vậy, bạn thấy đó.

 Kể từ lúc đó trở đi, tôi không bao giờ tự nói với chính mình “Bây giờ ta đã tìm được giải đáp cho mọi vấn đề rồi.” Tâm-thái mà tôi đã từng nói “Chính là Tâm thái này đây” – tâm thái đó cũng biến mất luôn. Câu hỏi biến mất. Mọi sự vắng bặt. Cái còn lại, nó không phải là hư-không, không phải là trống-rỗng, cũng không phải là khoảng-không, nó không phải là những thứ vừa kể trên. Câu hỏi bất thình lình biến mất hoàn toàn, chỉ thế thôi.

(UG nói: Câu hỏi nền tảng biến mất,  tôi  phát hiện ra rằng nó không có câu trả lời, là một hiện tượng sinh học. Tiếp theo là “một sự bùng nổ” bất thình lình xảy ra  bên trong tôi, dường như  chấn động vang dội đến mỗi  tế bào, mỗi sợi thần kinh, và mỗi  tuyến trong thân thể.” Cùng với sự “bùng nổ” đó đó, ảo tưởng có sự liên tục của tư tưởng,  có một trung tâm mà cái “Tôi” liên kết với tư tưởng, không còn hiện hữu nữa.)

Sau sự bùng nổ, tư tưởng không thể liên kết được. Tình trạng liên kết bị bẻ gẫy, và một khi nó bị gẫy vỡ, thì sự liên kết này chấm dứt. Thế nhưng không phải là sự liên kết tư tưởng tương tục đó bùng vỡ một lần mà thôi đâu; mỗi lần có một ý tưởng, ý nghĩ, hay ý niệm nổi lên, là nó tự nổ tan ra. Kết cuộc là sự liên tục của tư tưởng đi đến chỗ chấm dứt, và tư tưởng bắt đầu vận hành theo “nhịp điệu tự nhiên” của nó.

Kể từ đó tôi không có bất cứ câu hỏi hay vấn đề nào hết, vì những câu hỏi không thể lưu lại trong tình trạng đó nữa. Những câu hỏi hiện tại mà tôi có rất đơn giản (thí dụ như: “Làm thế nào tôi có thể đi tới Hyderabad?” – Hyderabad là một thành phố trung tâm ở miền nam Ấn Độ) để có thể sinh hoạt ở thế giới này. Còn đối với những loại câu hỏi vấn đề tâm linh (tâm thái giác ngộ) thì không có ai có thể trả lời được – vì vậy chúng không còn nữa.

Mọi thứ trong đầu óc tôi bị nén chặt lại – không còn khoảng trống cho cho bất cứ điều gì len lỏi vào trong bộ não tôi được cả. Lần đầu tiên tôi ý thức được là mọi thứ, mọi điều trong đầu óc tôi bị “siết chặt” lại. Vì vậy, những ấn tượng (ý nghĩ, cảm giác .v.v…) trong quá khứ hoặc bất cứ gì bạn có thể gọi tên về chúng –  thỉnh thoảng chúng cố gắng ngoi lên để chứng tỏ sự hiện diện quan trọng của chúng – nhưng những tế bào não bị “ép chặt” đến nỗi chúng không có cơ may nào giỡ trò vớ vẩn trong đó nữa. Sự phân cách không thể tồn tại trong đó – điều này thực tế không thể nào xảy ra được. Bạn không cần phải làm một điều gì với nó, bạn thấy đó, nó chỉ xảy ra thôi. Đó là lý do tôi nói khi sự “bùng nổ” này xảy ra (Tôi dùng chữ “bùng nổ” (explosion) bởi vì nó giống như là một vụ nổ bom nguyên tử) nó để lại những phản ứng hạt nhân nổ dây chuyền tiếp theo sau đó. Mỗi tế bào trong cơ thể bạn, những tế bào ở ngay chính bên trong tủy xương của bạn, phải chịu đựng, trải qua sự “thay đổi” này – tôi không muốn sử dụng từ ngữ “thay đổi” – nó là một sự thay đổi bắt buộc phải xảy ra, không thể đảo ngược lại được. Không có cái chuyện bạn muốn trở lại tình trạng trước đây được nữa; cũng không có cái vấn đề bị “tiêu tùng” đối với người chân chính trải qua tình trạng này. Và không thể đảo ngược lại được: một hợp chất đã được chế luyện từ một vài loại kim loại nào đó.

Nó giống như một vụ nổ phản ứng hạt nhân nguyên tử, bạn thấy đó – nó tàn phá, đảo lộn toàn bộ cơ thể. Nó không phải là một điều dễ chịu thoải mái gì đâu; nó là sự chấm dứt sau cùng của kẻ chân chính – một sự càn quét mãnh liệt như vậy, nó đánh phá từng tế bào, từng dây thần kinh trong cơ thể bạn. Cơ thể tôi đã trải qua sự đau đớn oằn oại khủng khiếp vào khoảng thời gian đó. Không phải là bạn kinh nghiệm sự “bùng nổ” đó, bạn không thể kinh nghiệm sự “bùng nổ” – mà là hậu-quả, “chất phóng xạ nguyên tử” của nó thay đổi toàn bộ cơ cấu hóa học trong cơ thể bạn.

...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#5
(2020-06-10, 11:46 PM)LeThanhPhong Wrote: Bác anatta,

Chữ "giác ngộ" có nhiều nghĩa, tùy thuộc vào từng tôn giáo (Phật giáo, Ấn giáo, ...); văn hoá (enlightenment).  Đã thế, trình độ hiểu biết của chư Thánh cùng một tôn giáo (ví dụ Phật giáo) cũng khác nhau. Ngài Xá Lợi Phất khác với ngài Mục Liền Liên, ngài A Nan Đa chẳng hạn.

Hơn nữa, phàm nhân như LTP không hề biết giác ngộ nó dài ngắn vuông tròn ra sao. Vì thế, khi ai đó vỗ ngực tuyên bố mình đã giác ngộ, hay có một số người chạy theo tung hô khen tặng, hoặc người đó nói vài câu nghe "phê phê"  là chúng ta có thể tin theo?

Theo vài đoạn bác post ở trên, UG trình bày sự giác ngộ của mình rất chủ quan qua những cảm giác ông cảm nhận được mà thôi.

Tóm lại, LTP thắc mắc: Qua những tiêu chuẩn gì chúng ta có thể tạm dùng làm thước đo để biết người đó "giác ngộ" (không được định nghĩa rõ rệt) mà không bị gạt?

(Đức Phật dạy Phật tử bài Kinh Kalama. Giác ngộ của Phật giáo là diệt bỏ hoàn toàn Tham Sân Si.)

Cám ơn bác.

Tulip4


Bạn LTP,

Như anatta đã có nói trong cái post đầu tiên là UG chỉ khai ngộ, đả thông ở phần thể xác vật lý. Nói theo Phật pháp thì UG chỉ giác ngộ ở lãnh vực thuộc về Sắc. Theo cá nhân anatta suy nghĩ thì UG cái đắc của ông tương đương với một vị sơ quả là trừ được Thân Kiến, tức là cái ngã, nhưng ông thườnh hay phủ nhận tâm, thì cũng khá giống như các vị đắc thiền (định) Sắc giới và chán về Danh (tức là Tâm). Vì thế, có lẽ UG tục sanh ở cõi Vô Tưởng. Sự giác ngộ của UG vì thế chưa trọn vẹn theo cái nhìn của những người theo Phật pháp Nam Tông (Theravada), như anatta đây chẳng hạn. Sự khai ngộ dù chỉ là thuần là Sắc, nhưng ông cũng có những nét lạ lùng và độc đáo. Trưóc khi biết đến Phật pháp Nguyên thuỷ (Theravada) cách nay 5 năm, thì anatta đã đọc và làm quen tư tưởng của UG (gồm cả ông K trước UG nữa). Phải nói là nhờ K và UG mà anatta mới mày mò và sau cùng tìm đến giáo pháp nguyên thuỷ của đức Phật trong mấy năm vừa qua. Nên anatta xem UG và K là những vị ân nhân tinh thần của mình. Và dĩ nhiên là sự giác ngộ của UG không thể so sánh với đức Phật hay các vị thánh tứ quả được.

Đăng loạt bài kinh nghiệm giác ngộ của UG là để cho ai muốn biết thêm về chức năng, khả năng kỳ lạ của thân thể mình. Chỉ thế thôi. Thêm một điều là tư tưởng, cái nhìn của UG cũng có nhiều cái đặc biệt lắm.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#6
(2020-06-11, 04:08 PM)LeThanhPhong Wrote: Bác anatta,

LTP có đọc những post bác đăng ở trên về UG rồi, và cũng thấy nhắc đến UG giác ngộ về Thân.  Quả thật, đây là lần đầu tiên LTP được nghe Thân (Sắc) được giác ngộ, vì Phật giáo dạy về Tâm như câu "Tâm dẫn đầu các pháp".

Cám ơn bác đã giải thích.

Vi đã làm loãng đề tài của bác nhiều rồi nên LTP xin rút lui có trật tự vậy.   Hello

Cheer


Bạn LTP,

Hồi nảy khi chưa thấy bạn trả lời thì anatta có edit, viết thêm vài chữ về sự giác ngộ của UG trong cái post vừa qua. Có thể anatta cần nói thêm một chút. Bạn đọc xong thì sau đó anatta sẽ xoá đi post này. Sở dĩ nói thuần chỉ là Sắc thì không hẳn vậy, vì thân tâm làm việc với nhau. Tuy nhiên, khi UG đạt ngộ thì ông chỉ chú trọng về thể xác vật lý, mà không chú trọng nhiều đến phần tâm. Theo ông, chính tư tưởng tạo ra phiền não, đau khổ, hổn loạn ở thế gian này. Nên ông hầu như xem nhẹ hay chán chường về nó. Mỗi người đều có cơ duyên, khuynh hướng tâm lý, lối sống, bối cảnh, cách nghĩ chênh lệch, sai biệt nhau hiện nay là do nhiều đời kết tụ và điều này thấy rõ ở UG sau khi đạt ngộ. Theo anatta, thì cái đắc của ông có thể tương đương với một vị sơ quả ở chỗ là ông trừ được thân kiến, tức là cái ngã. Nhưng, vì ông không biết hay không có dịp đọc về giáo pháp nguyên thuỷ, nên ông dừng ở đó; và vì do không mặn mà những yếu tố của tâm như đã nói nên đối với giáo pháp nguyên thuỷ, thì có lẽ ông sẽ tục sanh về cõi Vô tưởng.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#7
(2020-06-11, 05:27 PM)anatta Wrote: Bạn LTP,

Hồi nảy khi chưa thấy bạn trả lời thì anatta có edit, viết thêm vài chữ về sự giác ngộ của UG trong cái post vừa qua. Có thể anatta cần nói thêm một chút. Bạn đọc xong thì sau đó anatta sẽ xoá đi post này. Sở dĩ nói thuần chỉ là Sắc thì không hẳn vậy, vì thân tâm làm việc với nhau. Tuy nhiên, khi UG đạt ngộ thì ông chỉ chú trọng về thể xác vật lý, mà không chú trọng nhiều đến phần tâm. Theo ông, chính tư tưởng tạo ra phiền não, đau khổ, hổn loạn ở thế gian này. Nên ông hầu như xem nhẹ hay chán chường về nó. Mỗi người đều có cơ duyên, khuynh hướng tâm lý, lối sống, bối cảnh, cách nghĩ chênh lệch, sai biệt nhau hiện nay là do nhiều đời kết tụ và điều này thấy rõ ở UG sau khi đạt ngộ. Theo anatta, thì cái đắc của ông có thể tương đương với một vị sơ quả ở chỗ là ông trừ được thân kiến, tức là cái ngã. Nhưng, vì ông không biết hay không có dịp đọc về giáo pháp nguyên thuỷ, nên ông dừng ở đó; và vì do không mặn mà những yếu tố của tâm như đã nói nên đối với giáo pháp nguyên thuỷ, thì có lẽ ông sẽ tục sanh về cõi Vô tưởng.

Cám ơn bác anatta đã giải thích thêm .  Có thời LTP cũng thích đọc hai ông K. này lắm và vài vị thiền sư Ấn giáo, nhưng không mấy kết vì lúc đó cũng đang học Phật pháp .  Có lẽ vì vậy nên LTP không hiểu các ông này nhiều .

LTP sẽ xoá hết các post của LTP nằm trong thread này để không làm loãng đề tài của bác .
Reply
#8
Bạn LTP cứ để các posts của bạn lại đi, đừng xoá. Vì anatta chỉ cần đăng 3 - 4 posts nữa là xong phần UG kể về quá trình kinh nghiệm mà ông đã trải qua trong 7 ngày. Và sau đó anatta sẽ nhờ mod đưa mấy posts đó lên chèn vào kế cái post sau cùng mà UG đang thuật lại đó. Bởi vì cũng phải có trao đổi thảo luận để cùng giúp nhau hiểu biết thêm, hay để tránh hiểu lầm. Trong tương lai gần, khi có cảm hứng anatta cũng sẽ trích vài đoạn khác của UG nói thêm về cái Tánh Tự Nhiên, hay những vấn đề khác. Cho nên bạn LTP hoặc các bạn khác cứ tự nhiên mai này vào trao đổi. Quyết định vậy ha.
Cheer
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#9
The Mystique of Enlightenment...

Questioner: Thưa ngài, ắt hẳn ngài đã có kinh nghiệm, tôi mạn phép dùng từ ngữ: những “giai tầng” cao hơn…

UG: Bạn nói về “giai tầng”? Không có giai tầng hay là đẳng cấp gì cả. Bạn nên hiểu là có một sự kiện rất kỳ lạ xảy đến như là hệ quả của vụ “bùng nổ”, hoặc bạn muốn gọi nó là gì cũng được: không có một sát na (kẻ hở) nào mà tư tưởng có thể trổi lên trong tâm thức này cho là tôi khác với bạn. Không bao giờ. Sau vụ bùng vỡ đó, tư tưởng không còn hiện lên trong ý thức tôi và bảo rằng bạn khác biệt với tôi, hoặc tôi khác nhau với bạn, bởi vì không có bất cứ “điểm” nào hiện hữu ở đây, không còn có “trung tâm” (tự ngã, cái Tôi) ở trong đây nữa. Chỉ có sự liên hệ đến “trung tâm” này, bạn mới tạo tác nên những điểm, những vấn đề khác.

Q: Ở một vài khía cạnh nào đó, nhất định ngài hẳn phải khác với mọi người.

UG: Về mặt hoạt động trong thân thể, có lẽ thế.

Q: Ngài nói rằng những sự biến đổi dữ dội đã xảy ra trong bản thân ngài. Làm thế nào ngài biết được điều này? Có ai đã khám sát, kiểm tra tình trạng này của ngài chưa, hoặc đây chỉ là sự suy luận mà thôi?

UG: Những tác động, ảnh hưởng từ hậu quả vụ “bùng nổ” đó, cái cách thức những giác quan đang hoạt động (độc lập) hiện giờ thì không còn cần đến bất cứ một trung tâm hay tác nhân nào để kết hợp nữa – đó là tất cả những gì tôi có thể cho bạn biết. Thêm một điều khác: cơ cấu hóa học đã biến đổi – tôi có thể quả quyết rằng trừ phi có sự hoán chuyển hay thay đổi toàn thể cấu trúc hóa học xảy ra, nếu không thì không có cách nào để các cơ quan thân thể giải thoát khỏi được sự điều khiển của tư tưởng, sự tương tục của tư tưởng. Cho nên, vì sự liên tục của tư tưởng không còn nữa, bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng một điều gì đó mới lạ xuất sinh, nhưng cái-gì thật sự đã xuất sinh đây? Tôi không có phương cách nào để thể nghiệm truyền đạt nó cả.

Q: Rất có thể là cái tâm trí đang giở trò vẽ vời rằng “tôi chỉ cần nghĩ tôi là một kẻ bùng-nổ”? (tưởng tượng lâu dần thì sự bùng nổ này sẽ xảy ra)

UG: Tôi không cố ý làm cái việc thương mại buôn bán, đổi chác bất cứ cái gì ở đây. Bạn không thể nào bắt chước sự bùng vỡ này được. Sự thể mà nó xảy ra thì nằm vượt ngoài lĩnh vực, phạm vi mà tôi trông chờ, mơ ước, và mong muốn thay đổi trước đây. Vì vậy, tôi không gọi nó là một sự “thay đổi”; tôi thực sự không biết cái gì đã xảy đến cho tôi. Điều mà tôi có thể nói với bạn là cái cách thức mà tôi đang “hoạt động” (hành động và đáp ứng). Dường như có đôi chút khác biệt về cách thức bạn hoạt động và cách thức tôi hoạt động, nhưng căn bản thì không có khác nhau chi cả. Làm thế nào lại có bất cứ sự khác nhau giữa bạn và tôi? Không thể nào. Nhưng mà từ cái cách thức, đường lối chúng ta cố gắng diễn đạt, bày tỏ một điều gì, dường như là có sự khác biệt. Tôi cảm nhận là có một ít khác biệt nào đó, và cái gì mà sự khác biệt đó hàm chứa thì tôi đang cố gắng hiểu biết.  Vì thế, đây là cách thức tôi “hoạt động.”

cont.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#10
UG để ý rằng những thay đổi căn nguyên, nền tảng của chức năng các giác quan diễn ra tuần tự trong suốt một tuần lễ tiếp theo sau ngay vụ “bùng nổ”. Vào ngày cuối cùng, ngày thứ 7, thân thể ông đã trải qua “một tiến trình của cái Chết về thể xác – Nirvikalpa samadhi” , và sau đó những sự thay đổi hay chuyển hóa này của cơ thể đã trở nên thường tồn vĩnh viễn.


Những biến đổi trong 7 ngày tiếp theo ngay sau sự “bùng nổ”

UG kể:

Những thay đổi bắt đầu: Kể từ ngày sau vụ bùng nổ trở đi, trong 7 ngày – mỗi ngày có một thay đổi diễn ra. Đầu tiên tôi phát hiện ra nét mềm mại của làn da trên toàn cơ thể; hiện tượng chớp (nháy) mắt dừng lại, chấm dứt hẳn; và sau đó là những thay đổi về vị giác, khứu giác, thính giác – tôi nhận biết được năm sự biến đổi này. Có thể, thậm chí chúng đã biến đổi trước đó rồi, và tôi chỉ vừa nhận ra lần đầu tiên.

NGÀY THỨ 1: Tôi để ý thấy là làn da của tôi mềm như tơ lụa và phát ra ánh sáng kỳ dị, ánh sáng màu vàng kim. Trong khi tôi cạo râu, cứ mỗi lần tôi cố gắng cạo thì lưỡi dao cạo bị trơn trợt đi. Tôi thay đổi lưỡi dao cạo râu khác, nhưng nó cũng vô dụng. Khi tôi chạm vào mặt tôi, xúc giác tôi đã khác biệt so với trước đây, bạn thấy đó, cách thức tôi cầm giữ dao để cạo râu cũng vậy. Đặc biệt là làn da của tôi – nó mềm như nhung lụa và phát ra ánh sáng màu vàng kim. Tôi chẳng có liên kết sự thay đổi này với bất cứ điều gì khác chút nào cả; tôi chỉ quán sát nó thôi.

NGÀY THỨ 2: Lần đấu tiên tôi nhận thức được tâm trí ở trong tình trạng mà tôi gọi là “buông xả” thả lỏng hoàn toàn. Tôi đang ở trong nhà bếp của tầng lầu trên, và Valentine đang làm món xúp cà tô-mát. Tôi nhìn món xúp và không biết nó là món gì. Cô ấy bảo đó là món xúp cà tô-mát. Tôi nếm thử món xúp và mới nhận biết được, “À, mùi vị của món xúp cà tô-mát là như thế này đây.” Kế đến tôi nuốt món xúp, và sau đó tôi lại quay trở về cái khung tâm trí kỳ oặc – dùng chữ “khung tâm trí” cũng không đúng, mà phải nói rằng nó một cái “khung không có tâm trí (tịch lặng, không có suy nghĩ)” – nên tôi lại quên khuấy mất đi tên món xúp. Tôi lại hỏi Valentine “Đó là món gì vậy?” Cô ta lặp lại, “đó là món xúp cà tô-mát.” Tôi nếm lại món xúp, rồi tôi nuốt nó và sau đó lại quên mất đi tên món xúp. Tôi đã chơi đùa với tình trạng này một lát. Nó đúng là một việc khôi hài với tôi khi đó, cái “trạng thái buông xả”. Bây giờ trạng thái này đã trở nên bình thường rồi. Tôi hiện giờ không còn tiêu phí thời gian cho việc mơ màng mộng tưởng, lo lắng, quan niệm hóa và những suy nghĩ khác mà hầu hết mọi người làm khi họ cô độc. Tâm trí tôi giờ đây chỉ đáp ứng khi nó được cần đến, thí dụ khi bạn đặt câu hỏi, hoặc khi tôi phải sửa chữa hay lắp gắn cái máy thâu băng, hoặc một điều gì tương tự như thế. Thời gian còn lại thì tâm trí tôi ở trong tình trạng “buông xả”. Dĩ nhiên hiện giờ ký ức tôi hồi phục trở lại – đầu tiên tôi bị mất nó, nhưng bây giờ tôi đã có nó trở lại – nhưng trí nhớ hay ký ức tôi thì nằm trong “nền, chỗ” của riêng nó và chỉ hiển hiện hoạt động khi nó được cần đến, một cách tự động. Khi nó không được cần đến, thì không có tâm trí hiển hiện, không có tư tưởng (vô niệm), chỉ có cái Sống mà thôi.

NGÀY THỨ 3: Một vài người bạn muốn hỏi ý muốn đến dùng buổi ăn tối với chúng tôi, và tôi nói “Được mà, tôi sẽ nấu một vài món.” Nhưng, vì một lý do nào đó, tôi đã không thể nêm nếm thức ăn một cách đúng mức, thích hợp được. Tôi đã dần dần nhận thấy là vị giác và khứu giác đã được chuyển hóa rồi. Mỗi lần có mùi gì đó đi vào trong lỗ mũi tôi, nó gây kích thích khó chịu đến tận trung tâm khứu giác, trong cùng một tình trạng giống nhau – dù cho cái mùi đó là mùi hương thơm đắt tiền nhất hoặc là phân bò, sự gây kích thích đó cũng giống y nhau, không khác. Và khi đó, mỗi khi tôi nếm một món gì, tôi chỉ nếm được cái gia vị nào trội nhất mà thôi – và những thành phần gia vị khác của món đó thì từ từ kế tiếp đó tôi mới cảm nhận. Kể từ lúc đó, mùi hương nước hoa không còn nghĩa lý gì với tôi, và thức ăn nêm nếm gia vị thơm ngon cũng không còn hấp dẫn tôi nữa. Tôi có thể nếm đúng được thành phần gia vị trội nhất, ớt hay bất cứ gia vị nào đó.

NGÀY THỨ 4: Có cái gì đó đã chuyển biến nơi đôi mắt. Chúng tôi đang ngồi trong nhà hàng “Rialto”, và tôi bắt đầu nhận thức được tầm nhìn to lớn kỳ lạ của đôi mắt, phóng nhìn cảnh vật từ xa theo một lối thu hẹp giống như nhìn qua ống kính có bề mặt gương lõm vậy. Cảnh vật di chuyển đến về phía tôi, đi vào bên trong tôi, và sau đó hình ảnh sự vật đi ra khỏi bản thân tôi, dường như nó xuất phát ra từ bên trong tôi. Hiện trạng cách nhìn của mắt thay đổi quả thật là một vấn đề nan giải cho tôi khi đó – mắt của tôi dường như giống một cái máy thu hình khổng lồ, nó tự thay đổi tiêu điểm hay tụ điểm mà tôi không cần phải làm gì cả. Bây giờ thì tôi quen với cách nhìn này của đôi mắt rồi và đó cũng là cách thức mà tôi nhìn xem mọi sự mọi vật. Khi bạn lái xe Mini Van đưa tôi đi dạo, tôi giống như là một thợ nhiếp ảnh và quay phim đang vác máy ảnh (đôi mắt) đi cùng chiếc xe. Những chiếc xe chạy từ hướng khác hay ngược chiều đi thẳng vào trong bản thân tôi, và khi những xe đó vượt qua xe chúng tôi, thì chúng di chuyển ra từ trong bản thân tôi. Mỗi khi mắt tôi nhìn cố định lên một cảnh vật gì, thì nó nhìn dính chặt vào sự vật đó với sự chú tâm trọn vẹn, giống như là chiếc máy ảnh vậy. Một sự kiện khác nữa về đôi mắt của tôi: khi chúng tôi rời nhà hàng trở về đến nhà, tôi nhìn vào trong gương để xem có điều gì kỳ lạ về đôi mắt tôi, và xem nó đã được biến đổi, “lắp đặt, ổn định” ra sao. Tôi nhìn vào trong gương một thời gian dài, và sau đó nhận thấy là mi mắt không còn chớp, nháy nữa. Tôi  nhìn vào trong gương trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 45 phút – đôi mắt vẫn bất động không còn nhấp nháy nữa. Bản năng chớp nháy của mi mắt đã biến mất, không còn tồn tại nữa, và bây giờ cũng vậy.

cont.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#11
...

NGÀY THỨ 5: Tôi nhận biết được sự thay đổi về thính giác. Khi tôi nghe tiếng chó sủa, âm thanh đó bắt nguồn phát ra từ bên trong tôi. Và cũng giống như vậy khi tôi nghe tiếng rống của con bò, tiếng kèn xe lửa – bất thình lình, tất cả những âm thanh đó xuất phát ra từ bên trong nội tâm mình, bắt nguồn từ nội giới chứ không phải ngoại giới – hiện giờ tình trạng vẫn như thế.

NGÀY THỨ 6: Năm giác quan đã thay đổi trong 5 ngày, và ngày thứ 6 trong khi tôi đang nằm trên ghế sofa – Valentine đang ở trong nhà bếp – và … bất chợt, thân thể tôi biến mất. Thể xác đã không còn hiện hữu. Tôi nhìn vào tay tôi (Chuyện vớ vẩn điên khùng phải không – bạn có thể muốn nhốt tôi vào nhà thương tâm thần lắm), tôi đã quan sát nó – “đây là tay tôi sao?” Tôi không có đặt câu hỏi vào lúc đó, nhưng toàn thể tình cảnh thì tương tự như thế -- đó là tất cả mọi sự việc tôi hiện đang diễn tả lại cho bạn nghe. Vì vậy, tôi đã thử chạm vào cơ thể tôi – không có gì hết – tôi cảm giác không có bất cứ cái gì thuộc thân thể hiện hữu khi đó ngoại trừ sự va chạm, điểm tiếp xúc mà thôi. Kế đến, tôi gọi Valentine và hỏi: “Cô có thấy thể xác tôi đang nằm trên ghế sofa hay không?” Không có tín hiệu nào trong nội tâm cho biết rằng đây là thân thể tôi cả.” Cô ấy đến và chạm vào thân thể tôi: “Đây là thân thể của anh.” Tuy nhiên sự xác định của Valentine không khiến tôi thoải mái và thỏa mãn – “Cái gì mà khôi hài kỳ khôi như thế này đây? Thể xác tôi đang vắng mất.” Thân thể tôi đã ra đi rồi và không bao giờ trở lại. Chỉ có những điểm va chạm tiếp xúc mà tôi cảm giác được là còn tồn tại mà tôi – ngoài ra thì không có gì khác nữa – bởi vì sự nhìn, xem thì độc lập, không lệ thuộc vào xúc giác. Vì vậy, thậm chí muốn tạo ra bức ảnh thân thể tôi, tôi không thể nào làm được, vì nơi đâu mà không có xúc giác (điểm va chạm), thì trong ý thức tôi không có những điểm tiếp xúc đó.

NGÀY THỨ 7: Tôi đang nằm cùng trên chiếc ghế sofa như hôm qua, thư giãn và tận hưởng trạng thái “buông xả”. Valentine bước đến gần, tôi nhận ra được cô là Valentine; rồi cô đi ra khỏi phòng – vong bặt, trống rỗng, không có Valentine hiện hữu – “Đây là cái gì vậy? Thậm chí tôi không thể tưởng tượng ra được Valentine trông có vẻ như thế nào. Tôi lắng nghe được những âm thanh xuất phát ra từ bên trong nội tâm.” Nhưng, tôi không thể liên hợp nối kết được mọi sự việc lại. Tôi phát hiện là tất cả các giác quan hoạt động mà không cần sự kết hợp của bất cứ tác nhân nào bên trong nội giới cả: tác nhân liên kết, phối hợp đã vắng bặt.

Tôi cảm giác tình trạng gì đó đang xảy ra bên trong bản thân mình: sinh lực từ khắp các phần khác nhau của cơ thể đang bị thu rút hội tụ về một tâm điểm nào đó. Tôi tự nói với chính mình, “Bây giờ nhà ngươi đang tiến gần đến sự kết liễu mạng sống rồi. Ngươi sẽ chết.” Thế nên tôi gọi Valentine và nói, “Valentine, tôi sắp chết đến nơi rồi, cô sẽ phải làm gì đó với thể xác này. Chuyển thể xác này đến cho các bác sĩ, có thể họ sẽ có chỗ nào dùng đến nó. Tôi không tin ba cái chuyện hỏa táng hay chôn cất gì cả, hoặc gì gì tương tự vây. Để tốt cho cô, cô phải vứt bỏ cái thể xác này đi – qua vài ngày nó sẽ bốc mùi – vì vậy, sao lại không liệng bỏ nó đi chứ? ” Cô nói, “Anh là người ngoại quốc. Chính phủ Thụy Sĩ sẽ không tiếp nhận thể xác của anh đâu. Bỏ qua chuyện này đi,” rồi cô bỏ đi. Và tiếp theo đó, toàn bộ lực lượng kinh khiếp này trong cơ thể di chuyển về một điểm, có thể nói là như vậy. Tôi đang nằm trên xôfa. Chiếc gường của Valentine thì trống, vì vậy tôi đi qua nằm trên gường đó và nằm duỗi thẳng mình ra, sẵn sàng chờ cái chết đến. Valentine bỏ mặc tôi nằm đó và đi ra. Cô nói, “Một hôm anh nói là cái này đã biến đổi, ngày kế đến cái kia thay đổi, ngày thứ ba thì cái nọ đã thay đổi. Toàn bộ sự thể là gì vậy chứ?”

Valentine thì không thích thú đến những điều đó – cô không bao giờ quan tâm đến những vấn đề tâm linh, tôn giáo – cô chưa bao giờ nghe biết được những điều đó.

Cô nói tiếp, “Anh nói là anh sắp chết đến nơi rồi. Anh sẽ không chết. Anh không sao cả, anh vẫn khỏe mạnh và tráng kiện kia mà.” Nói xong, cô bỏ đi.

Sau đó, tôi nới giãn cơ thể, duỗi mình nằm yên vị … Toàn bộ năng lực trong thân thể đang di chuyển quy về một tụ điểm nào đó – tụ điểm này nằm ở đâu thì tôi không biết được. Kế tiếp, điểm này tiến đến nơi chỗ – diễn tiến sự việc xảy ra cũng giống như là lỗ (cửa, nắp) ống kính máy ảnh đang tự động đóng lại chính nó. (Đây là sự so sánh duy nhất mà tôi có thể dùng để diễn tả. Sự diễn tả này thì khác xa với sự kiện đã xảy ra vào thời gian đó, bởi vì vào lúc đó thì không có chủ thể để suy nghĩ những lời lẽ như vậy. Toàn bộ sự kiện này là một phần trong kinh nghiệm của tôi, nếu không tôi sẽ không có thể nào nói được về nó.) Trong khi cửa ống kính máy ảnh đang cố gắng tự đóng kín lại, thì có một tác nhân nào khác ở tại đó đang cố kềm giữ duy trì cánh cửa mở ra (điểm sáng). Một lúc sau, không còn ý chí nào để làm bất kỳ gì nữa hết, thậm chí cũng không còn ý muốn ngăn cản cái cửa đang tự đóng lại chính nó… Và bất thình lình, có thể cho là như thế, nó đóng sập lại. Tôi không biết được điều gì đã xảy ra sau đó.

Tiến trình này kéo dài 45 phút – tiến trình của cái Chết. Nó là sự chết về cơ thể, bạn thấy đó. Thậm chí hiện tại nó cũng hay xảy đến với tôi: bàn tay, bàn chân trở nên rất lạnh, thân thể trở nên cứng, nhịp tim đập chậm lại, hơi thở chậm xuống dần dần, và từ từ chỉ còn hớp được một hơi thở sau cùng. Vươn tới một điểm đích, bạn hít một hơi thở sau cùng của bạn, có thể nói như thế, và tiếp đến bạn chấm dứt cuộc sống mình. Điều gì xảy ra sau đó, không có ai biết được.

Khi tôi tỉnh lại, ai đó nói rằng có người gọi điện thoại cho tôi. Tôi rời khỏi gường và đi xuống thang lầu để trả lời điện thoại. Tôi vẫn còn ở trong tình cảnh mê mê màng màng. Tôi không biết điều gì đã xảy ra. Nó là cái Chết của cơ thể. Cái gì đã mang tôi trở về cuộc sống. Tôi không biết. Tiến trình cái Chết đã kéo dài bao lâu, tôi cũng không biết. Tôi không thể nói được gì về tiến trình sự chết trong lúc đó, bởi vì kẻ kinh nghiệm đã vong bặt, đã chết: không có kẻ nào hiện hữu để kinh nghiệm sự Chết cả… Vì vậy, đó là sự chấm dứt, tận cùng của cái Chết. Và tôi đã phục sinh!

********

cont.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#12
Tánh Tự Nhiên
Natural State


Tôi không cảm thấy mình là một em bé vừa mới được sinh ra – cũng không có đặt ra vấn đề giác ngộ gì cả -- tuy nhiên, những sự kiện làm tôi kinh ngạc suốt trong một tuần lễ đó, những thay đổi vị giác, thị giác .v.v… đã trở nên cố định vĩnh viễn. Tôi gọi những sự kiện này là “thảm họa”. Tôi gọi nó là “thảm họa” bởi vì theo quan điểm của một người nào đó nghĩ rằng nó thì tuyệt dịu, tràn đầy ân phúc, hỷ lạc, tình yêu, ngây ngất và những trạng thái tương tự như vậy. Nhìn theo chiều hướng khác thì nó lại là một sự tra tấn, cực hình về thể chất. Nó không là thảm họa đối với tôi, nhưng là thảm họa đối với ai tưởng tượng rằng có cái gì đó kỳ diệu, phi thường sẽ xảy đến. Giống như là: bạn tưởng tượng về thành phố Nữu Ước, bạn mơ mộng về nó, và muốn đến đó. Khi bạn thực sự ở đó, những gì bạn mơ tưởng không tồn tại ở đó; nó là một nơi chốn tầm thường, tiêu điều, và thậm chí những kẻ khốn cùng cũng có thể muốn từ bỏ chốn đó mà đi. Nó không phải là cái điều mà bạn truy tìm và đặt hết kỳ vọng vào, trái lại nó hoàn toàn khác hẳn. Cái gì ở đó, bạn thực sự không biết – bạn không có cách thức nào để biết bất cứ gì về Cái Đó – không có bất kỳ hình ảnh gì về Nó cả. Theo ý nghĩa đó, tôi không bao giờ bảo chính tôi hay một ai khác, “Tôi là một người giác ngộ, một người tự do tự tại, một người giải thoát, hay tôi sẽ giúp mọi người được tự do, giải thoát.” Giải thoát khỏi cái gì? Làm thế nào tôi có thể giải thoát một ai khác. Không có vấn đề giải thoát bất cứ ai hết. Vì thế cho nên, tôi buộc phải có một hình ảnh rằng tôi là một người giải thoát, bạn có hiểu không?


********

Ngày Thứ 8 trở đi : Tôi đang ngồi trên ghế sofa và thình lình có một năng lực mạnh mẽ kinh hồn bộc phát – năng lực khủng khiếp này làm rung chuyển, lay động toàn bộ thân thể, và cùng với thân thể, có thể nói như thế, cả ghế sofa, ngôi nhà và toàn thể vũ trụ cũng đều rung rinh, chấn động, lung lay theo. Bạn không thể nào tạo tác ra được sự chuyển động đó cả. Nó chỉ đến đột nhiên thôi. Nó đến từ ngoại giới hay nội giới, từ ở phía dưới hay bên trên, tôi không biết – tôi không thể xác định được nơi chốn đó; tất cả đã qua rồi. Cơn bùng phát năng lực to lớn, hãi hùng đó đã kéo dài từ giờ này qua giờ khác. Tôi không thể nào chịu đựng nỗi với nó được, nhưng không có cách nào để tôi có thể chặn đứng nó lại; tôi hoàn toàn bó tay bất lực. Tình trạng này diễn tiến liên tục, ngày này qua ngày khác, ngày nọ kế tiếp ngày kia… Hễ mỗi khi tôi ngồi xuống là năng lực kinh khiếp đó bắt đầu khởi động – sự chấn động này giống như là cơn động kinh (bệnh kinh phong) hoặc một tình trạng gì tương tự thế. Thậm chí cũng không giống hẳn cơn động kinh, vì nó tiếp tục xảy ra hết ngày này đến ngày khác.


********

( UG nằm trên gường trong 3 ngày, thân thể ông vặn vẹo, co quắp lại bởi cơn đau đớn hành hạ - ông nói, ông cảm thấy sự đau đớn y như thể ở trong mỗi tế bào trong cơ thể ông, hết tế bào này đến tế bào khác. Tương tự như vậy, hễ mỗi khi ông nằm xuống hoặc nghỉ ngơi thư giãn thì lại có những cơn bộc phát của năng lực kinh hồn đó lại xảy ra từng hồi, từng chập xuyên suốt trong 6 tháng kế tiếp sau đó.)

Thân thể không có khả năng để... Thân thể cảm giác cơn đau. Đó là một tiến trình rất đau đớn. Rất đau đớn khổ sở. Nó là sự đau đớn của thể chất, bởi vì thể chất thì chỉ chịu đựng có hạn định nào đó thôi – thân thể có vóc dáng, hình hài của chính nó, vì vậy khi có cơn bộc phát của năng lực, không phải là năng lực của bạn, của tôi, hoặc năng lực của Thượng Đế (bạn có thể gọi bất cứ tên gì bạn thích), năng lực này giống như con sông đang trong mùa nước lũ lụt dâng tràn lên. Năng lực này khi đang hoạt động, nó không cảm biết được những giới hạn của thân thể; nó không quan tâm để ý đến; nó có năng lượng (động lượng) riêng của nó. Đó là một sự đau đớn tột cùng. Tình cảnh đau đớn này không có ngây ngất, sung sướng, phúc lạc và tất cả mọi điều diễn tả vô lý tương tự như thế đâu – nhảm nhí và vô nghĩa! – thực là một sự đau đớn vô cùng. Ồ, tôi đã chịu đựng cơn đau hết tháng này đến tháng khác sau đó, trước đó cũng vậy. Mỗi người đều phải trải qua tình trạng này. Thậm chí đạo sư Ramana Maharshi cũng đã chịu đựng sự đau đớn sau đó (sau khi chứng ngộ).

Năng lực này giống như một thác nước to lớn – không phải chỉ là một thác nước, nhưng mà hàng ngàn thác nước – nó tuôn trào đổ xuống liên tục trong nhiều tháng trời. Đó là một kinh nghiệm đau đớn khổ sở tột cùng – sự đau đớn theo cách nhìn là cái năng lực này có sự vận hành hoạt động kỳ dị của chính nó. Hùm, chắc bạn biết tấm bảng quảng cáo thuốc lá Wills ở phi trường. Có hình mẫu nguyên tử trên đó: những đường, lằn được vẽ uốn lượn như thế này (UG dùng tay phác họa), theo chiều kim đồng hồ, ngược chiều kim đồng hồ, và theo hướng này, hướng nọ, rồi hướng kia. Cũng giống như nguyên tử di chuyển bên trong thân thể – không chỉ ở trong một phần của cơ thể bạn, mà là toàn thể cơ thể bạn. Cũng y như cái khăn tắm bị ướt sũng đang bị vắt, vặn siết lại cho khô ráo nước – năng lực đó cũng tác động tương tự như thế đối với toàn thân thể bạn – hết sức đau đớn. Nó vẫn tiếp tục, thậm chí ngay bây giờ (thời điểm UG kể lại). Bạn không thể mời gọi nó được đâu; bạn không thể yêu cầu nó đến; bạn không thể làm được bất kỳ điều gì với nó được cả. Nó khiến cho bạn có cảm giác là nó đang bao bọc bạn lại, nó đang hạ xuống, rơi xuống trên bạn. Rơi xuống từ đâu? Nó từ đâu đến? Nó đến như thế nào? Mỗi lần nó hiển hiện là mỗi lần mới mẻ -- nó hết sức là lạ lùng – mỗi lần nó đến là đến bằng những đường lối, hình thức khác nhau, vì vậy bạn không biết cái gì đang xảy ra. Bạn nằm thả mình trên gường, và đột nhiên nó bắt đầu phát động – nó bắt đầu di động chầm chậm như là kiến bò. Tôi cứ nghĩ là có rận rệp trên gường nên tôi nhảy ra khỏi gường – (UG cười ) không có rận rệp gì cả -- rồi tôi trở lại gường nằm – nó bắt đầu phát khởi trở lại… Lông tóc bị nhiễm điện, và rồi năng lực đó từ từ di động.

Khắp cả mình mẩy cơ thể đều bị đau nhức. Tư tưởng chỉ kiềm chế thân thể đến một chừng mực tối đa nào đó thôi, và khi đến mực độ đó tư tưởng lơi ra thì toàn thể sự trao đổi chất của các cơ quan trong thân thể bắt đầu bừng dậy và hoạt động mãnh liệt cao độ. Toàn bộ sự thể đang tự thay đổi theo phương cách riêng của nó mà tôi không cần phải làm gì cả. Và rồi sự chuyển động của bàn tay tôi đã thay đổi. Thông thường bàn tay của bạn xoay theo chiều hướng này. (UG đưa bàn tay ra để biểu lộ…). Đây này, khớp xương cổ tay này đã bị đau khủng khiếp trong sáu tháng cho đến khi nó tự xoay chuyển, co duỗi được, và bây giờ tất cả những sự chuyển động đôi tay giống như thế này đây. Đó là lý do mọi người nói rằng sự vận động, xoay trở của tay tôi giống như là những cử chỉ phác họa mang dấu hiệu huyền bí. Sự chuyển động, xoay trở của bàn tay tôi bây giờ hoàn toàn khác hẳn trước đây. Rồi tiếp theo là những cơn đau bên trong tủy xương. Mỗi tế bào bắt đầu thay đổi, và tiến trình này kéo dài liên tục trong sáu tháng.

Tất cả mọi thứ, mọi điều -- tôi không muốn đi sâu vào chi tiết -- đều đã có hồ sơ ghi chép lại đầy đủ những sự việc đã xảy ra. Tiến tình thay đổi cứ diễn biến tiếp tục và tiếp tục. Phải mất hết ba năm trời để cho thân thể tôi bình ổn trở lại và bắt đầu hoạt động theo nhịp điệu sống mới lạ và tinh khôi của riêng chính nó.

***
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#13
Tánh Tự Nhiên

Hỏi: Chúng tôi có thể hiểu biết được “cách thức” Nó xảy ra thế nào với ông không?

UG: Rất tiếc là không được.

Hỏi: Chúng tôi có thể hiểu biết được “cái gì” đã xảy ra với ông chứ?

UG: Bạn có thể đọc những sự kiện diễn tả về cuộc đời của tôi, chỉ có vậy thôi. Một ngày nọ vào khoảng sinh nhật 49 tuổi của tôi, điều gì đó xảy ra; ngày kế tiếp thì có một giác quan đã thay đổi; ngày thứ ba thì giác quan khác thay đổi… Tiến trình mọi sự đã xảy đến cho tôi đã được ghi chép lưu trữ lại. Điều đó có giá trị gì đối với bạn? Tuyệt đối là không có giá trị chút nào cả. Mặt khác nó rất nguy hiểm bởi vì bạn cố gắng bắt chước những biểu lộ hình tướng bên ngoài. Người ta thường hay bắt chước những điều này và tin rằng điều gì đó sẽ xảy đến với họ -- đó là cái điều mà những người này thường hay làm. Tôi đã hành xử một cách bình thường, tự nhiên. Tôi cũng không biết cái gì đang xảy ra. Nó là một tình cảnh lạ lùng. Nó không để lại, lưu lại bất cứ dấu vết gì hết – mọi người sẽ chỉ bắt chước những hình tướng bên ngoài mà thôi. Trạng thái đó là một tình trạng hoàn toàn tự nhiên.

*****

(Từ trên đi xuống phần thân trên của UG, đầu và cổ, có những vị trí mà những người Ấn Độ sùng đạo gọi là “luân xa”, bạn của UG quan sát thì thấy có những chỗ phồng lên với những hình nét và màu sắc đa dạng. Những chỗ phình lên này lúc thì ẩn lúc thì hiện theo từng khoảng thời gian. Ở vùng bụng dưới của ông nổi lên một đường có hình dáng cỡ điếu thuốc xì-gà vắt ngang qua. Phía trên rún một chút thì có một chỗ nổi u lên, rắn cứng, có hình nét giống như quả hạnh (almond). Ở giữa ngực thì nổi phồng lên một dấu hiệu hình nét như tấm huy chương lớn, cứng rắn và có màu xanh. Một hình nét tương tự như thế, nhưng nhỏ hơn có màu đỏ nâu nổi phủ lên ở chỗ lõm cổ họng. Hai cái hình “huy chương” này dường như thể là hai khoen tròn phình lên treo lơ lững xung quanh cổ của ông, màu sắc biến đổi đa dạng – xanh dương, nâu và vàng lợt, y như là trong các bức tranh thượng đế của Ấn giáo. Hơn nữa có sự tương đồng giữa những chỗ nổi lồi lên này với những bức họa mô tả của nghệ thuật tôn giáo Ấn Độ: cổ họng của ông nổi phồng lên khối u mà khi nhìn vào thì trông giống như là cằm của ông đang tựa nghỉ trên đầu của con rắn mang bành, như là trong những hình tượng huyền thoại cổ truyền về thần Shiva. Ở ngay phía trên chót sống mũi ông có một hình hoa sen màu trắng nổi đụn lên. Trải khắp ở trên đầu ông, những mạch máu nhỏ trương phồng lên bện lại, kết thành mạng giống như kiểu mẫu trên đầu của những tượng Phật. Và cũng trên đầu ông có hai chỗ sưng u lên, lớn và cứng rắn, khi ẩn khi hiện, hình dáng giống như hai chiếc sừng của Môi-sen hay biểu tượng huyền nhiệm phần âm phần dương của đồ hình thái cực. Những động mạch trên cổ ông trương phù lên, màu xanh dương và có hình dáng giống như con rắn đi thẳng lên trên đầu của ông.) 



[Image: ug6.jpg]

Hình minh họa


Tôi không phải là kẻ thích phô trương, nhưng bạn là bác sĩ; có những hình nét so với ý thức hệ biểu tượng ở Ấn Độ - hình tượng con rắn mang bành. Bạn có thấy những chỗ sưng phồng lên này không? Chúng nó có hình dáng của loại rắn mang bành. Hôm qua là ngày trăng non (những ngày đầu tháng âm lịch). Thân thể bị ảnh hưởng bởi mọi sự đang xảy ra xung quanh bạn; nó không tách rời khỏi sự thể đang xảy ra chung quanh bạn. Bất cứ sự thể gì xảy đến ở đó thì cũng xảy ra ở đây, chỉ là sự đáp ứng của thân thể. Đây là sự tác động. Thân thể bạn bị ảnh hưởng bởi mọi sự đang xảy ra xung quanh bạn, và bạn không thể ngăn chận sự kiện này được. Lý do đơn giản là chiếc áo giáp (ý nghĩ, ý tưởng) mà bạn tạo nên bao bọc xung quanh bạn sẽ bị vô hiệu hóa đi, vì thế nó dễ dàng bị xâm nhập bởi mọi điều đang xảy ra ở đó. Với những chu kỳ của mặt trăng – trăng tròn, trăng khuyết – những chỗ nổi phình lên này đây sẽ có hình tượng của rắn mang bành. Có thể đây là lý do tại sao một số người đã sáng tạo nên tất cả những hình ảnh này – thần Shiva và những hình ảnh tương tự như thế. Tại sao nó có hình dáng con rắn? Tôi đã hỏi nhiều bác sĩ tại sao lại nổi phồng lên ở đây, nhưng không có bác sĩ nào cho tôi câu trả lời thỏa mãn cả. Tôi không biết là có những tuyến hoặc cái gì đó ở đây chăng.

*****

Có những tuyến nhất định nào đó… Tôi đã thảo luận vấn đề này nhiều lần với các bác sĩ đang nghiên cứu về tuyến nội tiết. Những người Ấn giáo gọi những tuyến đó là những “luân xa” (chakra). Vị trí của những tuyến nội tiết này được định rõ một cách chính xác giống như những vị trí mà người Ấn giáo suy đoán là những “luân xa”. Có một tuyến ở cổ được gọi là “cơ quan tuyến nội tiết” (thymus gland). Tuyến này rất năng động khi bạn còn là một đứa bé – rất là năng động – nó có cảm xúc, nhạy cảm đặc biệt lạ thường. Khi bạn đến tuổi dậy thì tuyến này trở nên thụ động, đó là những gì các bác sĩ, nhà nghiên cứu nói. Khi bạn có được thể nghiệm khai ngộ, khi bạn được phục sinh, tuyến đó sẽ tự động hoạt động trở lại. Vì vậy tất cả cảm giác đều nằm ở đó. Sự mẫn cảm không phải là tư tưởng, không phải là tình cảm xúc động ủy mị, bạn cảm thông cho một ai, chẳng hạn vậy. Nếu một người khiến chính anh ta bị thương tích đau nơi nào đó trên thân thể anh ta, bạn cảm được nỗi đau này đúng ngay nơi chốn đó trên chính thân thể bạn – không giống như là cơn đau đớn, nhưng mà là cảm giác, bạn hiểu chứ -- bạn tự động cảm nhận ra và nói “Ah!”

Điều này quả thật đã xảy ra khi tôi lưu trú ở trong một đồn điền cà phê: người mẹ đánh đứa con, đứa trẻ nhỏ. Bà ấy đang nổi khùng, cơn giận dữ chết người, và bà ấy đánh đứa trẻ rất nặng tay, đứa bé hầu như sợ hãi xanh mặt. Có một người hỏi tôi, “tại sao tôi không ngăn can bà ấy lại?” Tôi đang đứng đó, hết sức bối rối, bạn hiểu chứ. Tôi mới trả lời người hỏi: “Tôi nên thương xót ai đây, người mẹ hay đứa con?” “Ai chịu trách nhiệm?” Cả hai người họ ở trong tình cảnh kỳ cục: người mẹ không thể kiềm chế cơn nóng giận, và đứa bé thì bất lực và vô tội. Tình trạng đó diễn biến tiếp tục – nó di chuyển từ người mẹ đến người con – và sau đó tôi phát hiện có những dấu vết (của đứa bé bị đánh) trên lưng của tôi. Thế nên tôi cũng là một phần của họ. (Không phải tôi nói những điều này để yêu sách điều gì). Sự thể là như vậy đó, bởi vì tâm thức thì không thể tách rời ra được. Bất cứ điều gì đang xảy ra ở đó sẽ tác động lên bạn, đây là ảnh hưởng, bạn hiểu không? Đừng có ngồi đó mà phán đoán, xét xử ai. Hoàn cảnh tình cờ xảy ra thế đó, và bạn bị ảnh hưởng bởi nó. Bạn bị ảnh hưởng bởi mọi sự đang xảy ra nơi đó.

Hỏi: Trong toàn thể vũ trụ chăng?

UG: Điều đó thì quá to tát, bạn hiểu chứ. Bất cứ sự việc gì đang xảy ra trong phạm vi tâm thức của bạn. Tâm thức, dĩ nhiên là không có giới hạn rồi. Nếu đứa bé bị đau ở đó, bạn cũng sẽ bị đau ở đây. Nếu bạn bị đau ở đây, thì lập tức có sự đáp ứng ở đó. Tôi không thể nói về vũ trụ, toàn thể vũ trụ vạn vật. Nhưng tôi có thể nói về tầm ảnh hưởng trong phạm vi tâm thức của bạn, trong phạm vi giới hạn mà bạn đang hoạt động trong một khoảnh khắc riêng biệt nào đó, bạn đang đáp ứng – chứ không phải là bạn đang phản ứng.

Và có nhiều tuyến khác cũng ở tại đây… Rất nhiều tuyến. Thí dụ “tuyến yên” – “mắt thứ ba” (Ajna chakra), họ nói thế. Khi mà sự quấy nhiễu của tư tưởng không còn nữa, luân xa này được điều khiển bởi tuyến yên. Chính tuyến yên này đưa ra chỉ thị hay mệnh lệnh cho cơ thể; tư tưởng không còn ra chỉ thị nữa, tư tưởng không thể xen vào quấy nhiễu, gây trở ngại được. (Có thể đó là lý do tại sao họ gọi nó là Ajna – mệnh lệnh. Tôi không muốn dịch giải nó hoặc bất cứ sự việc gì như vậy; có thể qua điều diễn giải này bạn có một ý tưởng về nó). Tuy nhiên ý tưởng này đã tạo tác nên chiếc áo giáp bao phủ quanh bạn, và chính nó không để cho bạn bị ảnh hưởng bởi mọi sự vật.

*****
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#14
...

Trạng thái Tự nhiên (Natural State) này ắt hẳn xảy đến với nhiều người. Tôi nói Nó xảy đến theo tỉ lệ một trong một tỉ người, và bạn là một trong một tỉ người đó. Nó không phải là điều mà ta chuẩn bị một cách đặc biệt để đón nhận. Không cần thiết đến những phương pháp thanh lọc, thiền tập để sự khai ngộ này xảy ra – không cần bất cứ phương pháp chuẩn bị nào cả. Bản thể tâm thức (consciousness) thì vô cùng thanh tịnh đến nỗi nếu bạn làm bất cứ điều gì có ý hướng muốn làm trong sạch nó thì bạn lại làm ô nhiễm nó thêm.

Tâm thức tự tẩy uế chính nó: nó phải gội rửa mọi thứ ra khỏi nó: mỗi một dấu vết thánh thiện hay không thánh thiện. Thậm chí điều mà bạn cho là ‘thiêng liêng bất khả xâm phạm’ và ‘linh thánh’ cũng là một sự ô uế trong tâm thức này. Nó xảy đến không phải do xuyên qua bất cứ ý định nào của bạn, không phải do bất cứ nỗ lực, ý muốn nào của bạn, một khi những lằn ranh biên giới rào chắn bị đổ vỡ - khi đó những cánh cửa đê, đập giữ nước của sông hồ mở toang và mọi thứ tuôn chảy ra. Trong tiến tình tuôn chảy ra ào ạt đó, bạn sẽ thấy được những linh ảnh (spiritual visions). Không phải là linh ảnh bên ngoài hay bên trong của bạn ở đó; thốt nhiên bạn, chính bản thân bạn, toàn thể tâm thức hóa hiện hình dáng của các bậc thánh nhân, đạo sư trong quá khứ – chỉ có những người mà họ đạt được trạng thái khai ngộ; điều rất lạ lùng lại không là phải những vĩ nhân, những nhà lãnh đạo nhân loại – nhưng chỉ là những người mà trạng thái khai ngộ xảy đến với họ mà thôi.

Một người trong những linh ảnh mà tôi thấy là người da đen (không hẳn là người da đen hoàn toàn), và suốt trong thời gian đó tôi có thể nói cho mọi người biết ông ta trông ra sao. Kế đến, là linh ảnh một người đàn bà với bộ ngực và mái tóc rủ xòa xuống – khỏa thân. Tôi nghe kể rằng có hai vị thánh Ấn độ - Akkamahadevi và Lalleswari – họ là đàn bà, những người đàn bà trần truồng. Tuy nhiên vẫn còn có sự phân cách lúc đó, bạn và cái hình tướng mà tâm thức tạo lập, hình thức của Phật, chúa Jesus, Mahavira, Krishna .v.v... Cũng cái tình cảnh tương tự: “Làm thế nào tôi biết mình đang hội nhập trong tâm thái đó?” Nhưng sự phân cách không thể tồn tại lâu; nó biến mất và sự thể khác xảy đến. Hằng trăm người – có lẽ điều đó đã xảy đến cho mấy trăm người. Đây là một phần của lịch sử -- hằng trăm vị tiên tri hay sứ giả, một số là người Tây phương, những vị tăng, rất nhiều người nữ, và đôi khi có những điều rất lạ kỳ. Bạn thấy đó, tất cả những người đó đã khai ngộ trước bạn cũng là một phần trong tâm thức của bạn. Tôi xử dụng cụm từ “những vị thánh đi đều bước ra” (the saints go marching out); Ki-tô giáo có bài thánh ca “Khi những vị Thánh Đi Đều Bước” (When the Saints Go Marching In). Họ đi ra khỏi tâm thức của bạn, bởi vì họ không thể ở lại đó được nữa, bởi vì toàn bộ tình trạng đó thì không trong lành, một sự ô nhiễm ở tâm thức.

Tôi có thể nói là (dù rằng tôi không thể xác quyết) bởi vì tác động mạnh mẽ trên tâm thức nhân loại từ sự bùng nổ (explosion) của những vị thánh, hiền giả, và cứu thế của nhân loại,  chính bên trong tâm thức bạn có cái gì đó không thỏa ý, nó thúc giục bạn, bất cứ sự gì tồn tại ở trong tâm thức đó luôn luôn cố bức phá ra ngoài, nó là như thế. Có lẽ sự thể là vậy, tôi không thể nói thêm được gì về nó. Bạn có thể nói rằng, họ hiện hữu ở đó vì họ đang đẩy bạn tới trạng thái này, và một khi mục đích được hoàn thành, công việc họ đã xong, thì họ sẽ đi ra khỏi tâm thức bạn – đó là sự phỏng đoán (speculation) của tôi. Và cái dòng tuôn chảy ồ ạt ra khỏi tâm thức nó cuốn phăng đi tất cả mọi điều thánh thiện và không thánh thiện, tốt và xấu, thiêng liêng và phàm tục, sự kiện này bắt buộc phải xảy ra. Trái lại, tâm thức (consciousness) của bạn vẫn còn bị ô nhiễm, vẫn chưa được trong sạch. Trong suốt thời gian đó, dòng chảy này tiếp tục ồ ạt tuôn ra – có hằng trăm hằng ngàn những vị đó – sau đó bạn sẽ nhận thấy là bạn được trở về trong trạng thái tâm thức uyên nguyên đơn sơ, cái tâm thức từ thuở hồng hoang, từ thuở tạo thiên lập địa. Một khi mà tâm thức này trở nên thanh khiết như của chính nó, thì không có gì có thể chạm đến nó được nữa, không có gì có thể làm ô nhiễm nó nữa. Toàn bộ quá khứ của bạn cho đến thời điểm ấy thì vẫn tồn tại ở đó, nhưng quá khứ đó không thể nào gây ảnh hưởng đến hành động của bạn được nữa.

Tất cả những linh ảnh và mọi thứ đã xảy ra trong ba năm trời sau cuộc “thảm họa” đó với tôi. Toàn bộ mọi sự giờ đây đã chấm dứt. Tình trạng phân chia của tâm thức không còn nữa; tâm thức luôn luôn ở trong trạng thái nhất thể – không còn gì có thể chạm đến nó được nữa. Bất cứ điều gì xảy đến – tư tưởng có thể là ý tốt, ý xấu, hoặc số điện thoại của Lữ Điếm ở Luân đôn… Trong suốt thời gian tôi lang thang ở Luân đôn, tôi thường hay nhìn các số điện thoại đó gắn trên các thân cây. Tôi không thích thú đi tìm kỹ nữ, nhưng những con số đó, các con số khiến tôi thích thú. Tôi không có gì khác phải làm, không có sách để đọc, không có gì để làm ngoại trừ ngắm nhìn các con số điện thoại đó. Một số điện thoại được gắn ở đó, nó hiện đến đó, và nó hiện đi hiện lại như vậy bởi chính nó. Bất kỳ cái gì hiện đến đó – tốt, xấu, thánh thiện, dung tục – không thành vấn đề. Đâu có cá nhân nào hiện hữu ở đó để mà nói “cái này tốt”, “cái kia xấu” đâu – toàn bộ mọi sự đã chấm dứt. Đó là lý do tại sao tôi phải sử dụng cụm từ “kinh nghiệm tôn giáo” (không phải trong ý nghĩa của từ “tôn giáo” mà bạn xử dụng): “nó đưa bạn trở về nguồn cội ban sơ.” Bạn được trở về trong tâm thức nguyên sơ, cái tâm thức hồi thuở khai thiên lập địa, trạng thái vô cùng thanh sạch tĩnh lặng của tâm thức – gọi nó là “tỉnh thức” hoặc trạng thái gì mà bạn thích. Trong trạng thái đó sự sự vật vật đang diễn ra xảy ra mà không có ai đang quan tâm thích thú đến chúng, không có ai đang nhìn ngắm chúng. Mọi sự đến và đi theo đường lối của chúng, giống như là dòng sông Hằng đang trôi chảy: nước thải, những xác chết vừa chỉ thiêu được một nửa tuôn vào dòng sông, những vật sạch sẽ và ghê tởm – mọi thứ -- nhưng dòng sông vẫn luôn luôn trong lành.

Cái điều hoang mang khó hiểu của toàn bộ trạng thái thạnh tịnh đó là khi hoạt động của các giác quan bắt đầu làm việc độc lập riêng rẽ. Không có nhân tố nào để liên kết các cảm giác của chúng, vì vậy chúng tôi vô cùng bị phiền phức – Valentine đã gánh vác toàn bộ sự việc này. Chúng tôi đi tản bộ, tôi nhìn bông hoa và hỏi “Cái gì vậy?” Cô trả lời, “Đó là bông hoa.” Đi thêm vài bước nữa, thấy con bò và tôi hỏi “Cái gì vậy?” Giống như đứa trẻ, tôi phải học lại mọi thứ (thật sự không phải là học lại, nhưng mà tất cả kiến thức nằm sâu trong hậu trường trí nhớ chưa khởi lên lại). Toàn bộ sự thể bắt đầu lại từ đầu – “Sự thể điên khùng này là gì vậy?” Tôi phải diễn đạt nó bằng ngôn từ là tôi cảm nhận là mình không có đang ở trong trạng thái mất trí. Tôi là người đàn ông rất lành mạnh, hành động ôn hòa đúng mực, mọi sự cứ tiếp diễn như thế, rất buồn cười, “Cái này là gì?” “Cái kia là gì?” Chỉ vậy thôi, ngoài ra không có câu hỏi nào khác nữa.

Valentine cũng không biết phải xử lý ra sao trong tình trạng hoang mang ngớ ngẩn của tôi. Cô ta thậm chí đi gặp một bác sĩ tâm thần hàng đầu ở Thụy Sĩ. Cô vội vã gặp bác sĩ – cô muốn hiểu biết tình cảnh, nhưng đồng thời cô cảm nhận rằng tôi bình thường, không có bị điên. Nếu tôi đã làm một hành động điên dại nào đó với cô, hẳn là cô đã rời bỏ tôi rồi. Không bao giờ tôi có hành động gàn điên, chỉ là những sự việc lạ lùng xảy ra thôi. “Đó là cái gì?” “Đó là con bò.” “Cái kia là gì?”, “Cái kia là cái đó.” Tình trạng cứ tiếp diễn, quá sức chịu đựng cho cô và cũng qua sức cho tôi. Khi cô gặp bác sĩ tâm thần, vị bác sĩ nói ông ta không thể nói được gì trừ phi gặp tôi, ông bảo cô đem tôi đến gặp ông. Nhưng, tôi biết rằng một cái gì đó kỳ quái đã xảy ra bên trong tôi – cái đó là gì, tôi không biết, nhưng nó không làm phiền hà gì tôi cả. “Tại sao phải hỏi đó là con bò làm chi? Con bò, con khỉ, hoặc con ngựa thì có gì khác nhau?” – cái tình trạng hoang mang mơ hồ đó tiếp tục một thời gian dài – tất cả kiến thức của tôi vẫn còn nằm sâu trong trí. Thậm chí tình cảnh hiện tại ngay bây giờ khi tôi đang nói chuyện với bạn đây cũng giống như vậy, nhưng tôi không còn hỏi các câu hỏi giống như thế trước đây nữa. Khi tôi nhìn một vật gì đó, tôi thực sự không biết tôi đang nhìn gì – đó là điều tại sao tôi nói nó là trạng thái phi nhận thức (state of not knowing). Tôi thật sự không biết. Đó là lý do tại sao tôi nói, một khi mà bạn ở trong tâm thức vô cùng thanh tịnh đó, do bởi một sự may mắn, một cơ hội lạ lùng, kỳ hoặc nào đó. Kể từ đó mọi sự mọi vật diễn biến theo đường lối riêng của nó. Bạn luôn luôn ở trong trạng thái Tịch Lặng, không còn câu hỏi hay vấn đề nào đi vào và đi ra từ nó; bạn luôn luôn ở đó. Tôi không muốn sử dụng từ ngữ tĩnh lặng – Samadhi -- nên tôi gọi nó là trạng thái phi nhận thức (*).

*****

(*) ND: Khi UG không có tiếp xúc với ai, khi ông ở một mình, thì tâm thức ông ở trong trạng thái thanh tịnh. Khi có đối tượng, khi ông nói năng, giao tiếp với ngoại cảnh, thì khi đó sự tịch lặng của tâm tạm dừng lại, và kiến thức trong trí nhớ mới khởi lên làm việc.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#15
Tánh Tự Nhiên
Sự Thông Minh & Cái Sợ


Thân thể (U.G. đề cập đến thân thể ông) vốn đã được quy định trong một chiều hướng mà nó hoạt động một cách thông minh sẵn có. Sự mặc định (conditioning) ở đây là sự thông minh. Không cần bạn phải dụng công suy nghĩ.
 
HỎI: Nhưng không có sự quy định (conditioning) cuả thân thể mà.

UG: Sự mặc định của thân thể là sự thông minh (intelligence) của nó. Đó là sự thông minh bẩm sinh của thân thể. Không cần bạn phải dụng công suy nghĩ. Tôi không nói về cái bản năng (instinct). Sự thông minh của cơ thể cần thiết cho sự sống còn của nó. Sự thông minh đó thì hoàn toàn khác hẳn cái tri thức (intellect) mà chúng ta đã tích lũy, phát triển. Tri thức của chúng ta thì không đối chọi được với sự thông minh đó đâu. Nếu bạn không suy nghĩ, thì thể xác này có thể tự chăm sóc cho nó trong hoàn cảnh mà nó tự phát hiện ra nó ở trong tình huống nguy hiểm. Mỗi khi thân thể đối mặt với hiểm nguy, nó tự phản ứng trên chính nó chứ không phải do sự suy nghĩ hay tri thức của bạn. Nếu trái lại, bạn vừa bắt đầu nghĩ ngợi, thì bạn sẽ bị lo sợ. Cái sợ khiến cho bạn hành động trở nên khó khăn. Người ta hỏi tôi, “Làm thế nào mà ông đi tản bộ với những con rắn hỗ mang (cobras) được vậy?” Tôi chưa từng tản bộ với con cọp hoặc bất cứ thú vật hoang dại khác. Nhưng tôi cho rằng tôi cũng sẽ không khiếp sợ về chúng. Nếu không có sự sợ hãi trong bạn, thế thì bạn có thể đi bách bộ với chúng được. Trạng thái sợ hãi tiết ra cái mùi hơi nhất định nào đó mà rắn hỗ mang cảm giác được. Rồi con rắn hỗ mang cảm nhận rằng bạn một vật nguy hiểm. Và một cách tự nhiên, con rắn hỗ mang đó sẽ tấn công bạn trước thôi. Chứ thật ra, nó là một trong những tạo vật đẹp đẽ mà thiên nhiên đã sáng tạo. Chúng nó là những tạo vật dễ yêu nhất. Bạn có thể đi tản bộ với nó và nói chuyện với nó.

HỎI: Chúng nó có nói chuyện lại với mình không?

UG: Giống như là hội nghị một chiều (như xem phim xi-nê ). Tôi không biết (U.G. cười). Có một lần một người bạn của tôi, cô là minh tinh điện ảnh, đến viếng tôi tại một đạo tràng mà tôi đang lưu trú. Cô ta hỏi tôi rằng có phải là tôi cường điệu quá chăng khi nói rằng thỉnh thoảng có những con rắn hỗ mang đến thăm tôi, và tôi đi tản bộ với chúng. Tôi nói, “cô đợi đến chiều sụp tối, hoặc về đêm thì cô sẽ bị ngạc nhiên.” Sau đó khi hai chúng tôi đi tản bộ vào lúc trời chạng vạng tối, thì không chỉ là có một con rắn hỗ mang xuất hiện thôi đâu, mà còn có vợ nó, con cái và cháu của nó, cả thảy mười lăm (15) con rắn hỗ mang xuất hiện không biết từ đâu.

HỎI: Toàn bộ gia đình chúng?

UG: Toàn bộ gia đình rắn hỗ mang. Vị khách của tôi chạy biến mất tiêu. Nếu bạn cố thử giở trò với nó (nẩy ý muốn nói chuyện với các con rắn hỗ mang), bạn sẽ chuốc lấy phiền lụy. Chính nỗi sợ hãi chịu trách nhiệm cho tình huống mà bạn tự lâm vào. Nỗi sợ của bạn tạo nên vấn đề cho con rắn hỗ mang, thế nên nó phải tấn công bạn ngay bước đầu tiên. Nếu con rắn hỗ mang cắn chết bạn, thì chỉ có một người chết thôi. Trái lại, chúng ta giết hằng trăm hằng ngàn rắn hỗ mang một cách phi lý, không lý do. Nếu bạn tiêu diệt những con rắn hỗ mang này, thì những con chuột đồng ruộng sẽ có một bửa no nê, và bạn sẽ phát hiện ra chuột hủy hoại vụ mùa thu hoạch. Có một sự quân bình kinh khiếp trong tự nhiên. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự mất quân bình trong tự nhiên bởi những hành động lỗ mãng của mình. Nếu tôi phát hiện con rắn hỗ mang đang cố hại đứa bé hoặc một ai, thì tôi sẽ bảo đứa trẻ tránh xa (tôi có thể không giết con rắn, bạn thấy không), hoặc bảo con rắn hỗ mang đi chỗ khác. (UG cười ). Rồi con rắn hỗ sẽ rời khỏi ngay. Nhưng ngược lại thì bạn phải giết con rắn. Tại sao bạn phải giết hằng trăm và hằng ngàn con rắn hỗ mang khơi khơi vậy? Bạn lo sợ rằng trong tương lai sẽ bị chúng hãm hại, bạn phải chịu trách nhiệm cho những hành động đó. Chúng ta đang tạo nên một sự mất quân bình trong tự nhiên; thế rồi bạn cũng buộc phải giết những con chuột đồng. Bạn nuôi mèo bằng những chất bổ hoặc thực phẩm đặc biệt gì cho chúng, và nếu con mèo cố giết con chuột, rồi có đôi khi bạn lại muốn cứu mạng con chuột. Với mục đích gì vậy? Thậm chí mèo không ăn thịt chuột nữa, vì chúng đã quen với thức ăn mua về từ các chợ siêu thị. Nhưng mèo vẫn tiếp tục vờn với chuột và giết chúng, và để lại xác chuột chết trên đồng cỏ. Thật là lạ lùng. Tôi đã lưu ý nhiều lần như vậy rồi.


...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply