ĐƯA ĐẾN ĐOẠN TẬN: Tương Ưng Bộ Kinh.
#1
Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Paltalk

TƯƠNG ƯNG BỘ KINH

TK Giác Nguyên giảng

Nhị Tường ghi chép

===//===

 
Quote: 
TẬP I: THIÊN CÓ KỆ.
CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN



Quote:CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN

l. PHẨM CÂY LAU

Kính thưa quí vị, tôi hy vọng có đủ thì giờ để thưa chuyện với quí vị một chút và thời gian còn lại dành cho bài Tương Ưng Bộ kinh đầu tiên. Mục đích của lớp học này chúng tôi đã nói rõ trên facebook. Từ lâu và rất lâu, trên mười năm nay, nhiều lần để ý trên youtube hoặc các băng giảng ấn tống phát hành rộng rãi đến được tay chúng tôi, chúng tôi rất ưu tư khi chưa bao giờ thấy một vị pháp sư nào dù là Nam Tông hay Bắc phái, giảng về kinh tạng Nikāya mà y cứ vào chánh sớ Aṭṭhakathā cả. Chắc chắn câu nói này sẽ làm phiền rất nhiều vị, nhưng tôi xin thưa thiệt chưa bao giờ tôi được nghe một vị nào giảng về Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, Tiểu Bộ, mà y cứ vào chánh sớ Aṭṭhakathā. Tôi rất tiếc là chư tăng Nam Tông lẫn Bắc Tông giảng về Kinh tạng, nhất là Trung Bộ Kinh chưa vị nào nhắc về chánh sớ Aṭṭhakathā. Vị nào biết Vi diệu pháp thì giải thích theo Vi diệu pháp, vị nào không mặn mà lắm với Vi diệu pháp thì giải thích theo cách hiểu của mình dựa trên bản dịch của HT Thích Minh Châu, chỉ vậy mà thôi. Ví dụ như, bài kinh Lõi Cây, bản dịch cũ gọi là kinh Tài Dụ. Nếu quí vị cảm thấy rằng chúng tôi nói quá lời, có vẻ cường điệu thì quí vị cứ thử hỏi quí thầy Bắc Tông Nam Tông nào thường giảng kinh Trung Bộ. Hỏi rằng trong bài kinh đó, Đức Phật có ví dụ: danh lợi, lợi lộc trong đời tu, giới luật, thiền định v.v..., những thứ đó nếu mình không khéo, nó sẽ cám dỗ đời tu của mình như người đi tìm lõi cây tưởng đó là lõi cây và sớm hài lòng với nó. Có người tìm được vỏ ngoài của cây, có người tìm được vỏ trong của cây. Có những tỳ kheo xuất gia trong giáo pháp này chưa gì hết được lợi lộc danh xưng, được tôn kính, quyền lực, họ dừng lại ở đó và không đi xa hơn. Có vị không bị quyền lực danh lợi cám dỗ nhưng vị đó sau khi giữ giới luật thanh tịnh thì thấy rằng mình là số một, “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” và vị đó coi nhẹ người khác. Trong trường hợp này vị đó được xem là bị mắc kẹt trong giới luật. Phật pháp mênh mông mà chỉ mới có giới luật trong sạch mà đã coi mình là số một. Xin hỏi quí vị, danh lợi là cành lá, giới luật trong sạch là vỏ ngoài, vỏ trong chính là thiền định. Vị nào chứng đạt được tầng thiền này thiền kia rồi cho đó là tất cả những gì mình cần phải chứng đạt trong giáo pháp này, thế là vị đó vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn mà thôi. Đức Phật dạy rằng, có vị vượt qua được vỏ ngoài, vượt qua được vỏ trong, đến phần giác cây, phần thịt gần lõi nhất. Quý vị đã bao giờ nghe quí thầy Nam truyền Bắc phái giải thích giác cây là gì không? Làm ơn mở giùm tôi bài kinh Ví Dụ Lõi Cây. Tôi muốn hỏi, Đức Phật đã nói ẩn dụ: danh lợi như cành lá, vỏ ngoài như giới hạnh, vỏ trong như thiền định, còn giác cây, nó là cái gì? Đó chính là lý do sau nhiều trăn trở thao thức, tôi quyết định phải có một lớp học như thế này. Chưa hết, bài kinh đầu tiên của mỗi bộ kinh có một điều thú vị mà tôi ngờ rằng đó là dụng ý của các vị A-la-hán kiết tập. Đó là, trong cả 5 bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi, Tiểu Bộ, bài kinh số một bao giờ cũng là bài kinh phải nói rằng là sâu sắc, đáng được xem là tinh hoa của Phật pháp. Đó là lý do tại sao tôi muốn chiều nay cùng các vị bắt đầu lớp học này, để từ nay về sau, diễn giải kinh tạng có nguồn có gốc một chút. Đừng nói chi lời Phật, chỉ riêng truyện Kiều, nếu hôm nay chúng ta không có bản chú giải của cụ Bùi Kỷ hay cụ Đào Duy Anh mà chỉ đọc của Trương Vĩnh Ký thôi thì không thể hiểu được. Cũng vậy, đọc kinh tạng mà không đọc Aṭṭhakathā chỉ có chết thôi. Để khỏi mất thì giờ của quí vị, tôi xin đi thẳng vào bài kinh. Tôi chỉ giảng mười lăm phút, vì đường truyền chiều nay rất là hên xui.

BỘC LƯU

Vào một ngày kia có vị thiên nhân xuống đảnh lễ Đức Phật và hỏi Ngài một câu: “Làm sao ngài vượt thoát bộc lưu?”. Hiểu theo ngôn ngữ thời nay là “bằng cách nào ngài chấm dứt phiền não, bằng cách nào ngài chấm dứt sanh tử?”.

[1] Bộc lưu

Bộc lưu có thể hiểu theo hai nghĩa: Bộc lưu là ‘ogha’, là dòng nước lớn dòng nước mạnh (cuồng lưu, bộc lưu, bạo lưu). Phiền não của mình, có thể gọi là “bốn dòng bộc lưu” hoặc bốn dòng bạo lưu, cuồng lưu cuốn phăng hết mọi thứ. Dòng sanh tử là một dòng chảy. Danh sắc cũng vô thường biến dịch như một dòng chảy. Trong Duy thức có một câu là: “Hằng chuyển như bộc lưu”, là để chỉ cho tình trạng biến dịch không ngừng của danh sắc, của 5 uẩn. Như vậy ‘bộc lưu’ chỉ cho sanh tử luân hồi, phiền não, dòng chảy liên tục của danh sắc của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới.

“Vị thiên nhân” tức là ‘vị trời’. Xin mở ngoặc chỗ này một chút, chúng ta thường nói câu này rất sai: “một vị chư thiên”. Chư Phật là phải từ hai vị trở lên; chư tăng, chư thiên cũng vậy, cũng từ hai vị trở lên. Cũng như vậy, trong tiếng Hán, chữ Chúa và Chủ giống nhau, nhưng bên Cơ Đốc giáo, ‘Sunday’ là ngày Chúa Nhật - ngày của Chúa. Người VN vẫn gọi là ngày Chúa Nhật mà lẽ ra phải gọi là ngày Chủ Nhật. Tương tự, người ta gọi “Năm 600 “trước Tây Lịch” hay “trước Công Nguyên”. ‘Công’ là ‘chung’, ‘Nguyên’ là ‘gốc’. ‘Công nguyên’ là gốc chung. Khi nào mình nhìn nhận có ba ngôi Chúa - Thánh - Thần, tin vạn vật do Chúa tạo ra, có Adam, Eva v.v... thì mới nên gọi là Công Nguyên. Còn lịch sử nhân loại bắt đầu từ trước khi Cơ Đốc giáo ra đời, tại sao mình gọi lịch 2014 là Công Nguyên được? Đó là của người Cơ Đốc nghĩ ra. Tôi vẫn dùng chữ ‘Tây Lịch’, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tương truyền ra đời năm 623 ‘trước Tây Lịch’. Mặc dù tiếng Anh họ ghi là BC tức là Before Christmas, mình là người VN, và là theo đạo Phật nữa, không thể xài chữ ‘trước Giáng Sinh’, hay ‘trước Công Nguyên’ mà phải xài là ‘trước Tây lịch’. Lâu nay mình là người VN mình thường niệm là “Mô Phật”, Nam Tông niệm “Namo Buddhaya” (Con xin đảnh lễ Đức Phật), nhưng trong chú giải Aṭṭhakathā có một câu niệm rất là hay, không có niệm “Namo Buddhaya” mà là “Namo Buddhanam” (Con xin đảnh lễ Chư Phật). Đó là sớ giải Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasādaniya) trong Trường Bộ Kinh.

Đức Phật biết rõ rằng vị Trời này từng gặp Đức Phật Ca Diếp và có lòng kiêu ngạo rất lớn, đến hỏi Ngài theo kiểu “dân nhà nghề” nên Ngài cũng trả lời theo cách đặc biệt. Ngài dạy rằng: “Ta vượt khỏi phiền não, ta vượt khỏi sanh tử (vượt khỏi bộc lưu) bằng cách rất riêng, ta không phải bước tới, mà cũng không đứng lại”.

Thông thường, nói tu hành nghĩa là mình có mặt trên một con đường; hành đạo là đi theo một phương pháp; sống đời là đang có mặt trên một hành trình. Sống đời hay hành đạo có nghĩa là đang có mặt trên một cuộc hành trình dù là đường bộ hay đường thủy. “Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”. Đi trên bờ phải đi bằng ngựa, đi dưới nước phải đi bằng thuyền. Sau khi nghe Đức Phật nói “ta có mặt trên con đường đó nhưng ta có mặt theo cách của ta, ta không bước tới mà ta cũng không đứng yên”, vị thiên nhân ấy lập tức chứng quả Tu-đà-hoàn. Đó là do vị này có túc duyên từ đời trước.

Sẵn đây xin nói qua chữ ‘Túc’. ‘Túc’ có ba nghĩa: (1) ở nhờ qua đêm (tá túc), (2) đầy đủ (thọ cụ túc giới), (3) đời xưa (túc duyên).

“Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi dạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.”

Bước tới thì bị trôi dạt đứng yên thì bị chìm xuống. Theo chú giải:

Sự có mặt của phiền não là trôi dạt. Sự có mặt của pháp hành là chìm xuống. Sự có mặt của tham ái và tà kiến (taṇhādiṭṭhī ) là trôi dạt. Sự có mặt của các phiền não còn lại (avasesakilesā) là chìm xuống. Sự có mặt của thường kiến (Sassatadiṭṭhi) là trôi dạt. Sự có mặt của đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) là chìm xuống.

Thái độ sống tiêu cực (Olīyanā) là trôi dạt. Thái độ sống quá khích (atidhāvanā) là chìm xuống. Những thái độ sống này đều có vấn đề. Không biết đi đâu làm gì, tìm ai, gặp ai; hoặc có trường hợp quá lăng xăng, cũng không tốt. “Thái độ sống cũng là thái độ hành đạo”

Hôn thụy là trôi dạtTrạo hối là chìm xuống

Lợi dưỡng là trôi dạtKhổ hạnh là chìm xuống

Ác pháp (ākusalā) là trôi dạtThiện hiệp thế (lokiyakusula) là chìm xuống.

[2] Vô minh - Hành

I. Bốn vô minh

Có 4 thứ vô minh:

1. Không biết mọi hiện hữu là khổ là: vô minh trong khổ đế

2. Không biết 6 ái là nhân sanh khổ đế: vô minh trong tập đế

3. Không biết rằng có một cứu cánh vắng mặt hoàn toàn cả khổ và tập đế: vô minh trong diệt đế

4. Không biết rằng Bát chánh đạo là con đường dẫn đến Diệt Đế: Vô minh trong đạo đế

Người có 4 vô minh này (tất cả chúng ta, kẻ đang nghe và người đang nói đều có đủ 4 vô minh này hết), dứt khoát chọn một trong ba con đường sau đây để đi:

II. Ba hành

1. Phi phúc hành: khổ quá, sống trong bất thiện. Mượn tham, mượn sân, mượn si để làm các điều bất thiện. Ví dụ đói quá đi câu cá, đói quá đi ăn cướp, lừa đảo… Người sống bất thiện trốn khổ tìm vui gọi là người sống theo con đường Phi phúc hành

2. Phúc hành: Khổ quá nhưng nhờ có trí tuệ nên không làm việc bất thiện, mà làm thiện. Làm thiện thấp là bố thí, trì giới, hồi hướng, phục vụ. Cao hơn một chút là đắc được sơ, nhị, tam, tứ, thiền. Trường hợp này gọi là đi theo con đường phúc hành, tức con đường thiện là thiện Dục và thiện Sắc Giới. Rồi có một số ít người cũng có 4 vô minh này nhưng có trình độ. Trình độ ở đây là gồm 4 điều: (1) Thân cận hiền trí, (2) Phước xưa sẵn dành, (3) Có dịp học hỏi lắng nghe, (4) Hành trì theo điều học hỏi lắng nghe. Bốn điều này cho phép họ đời này được ly dục. Ly dục cấp thấp thì chứng được thiền Sắc. Ly dục cấp cao thì đắc được thiền Vô Sắc.

3. Bất động hành: Tu tập chứng được các tầng thiền Vô Sắc Giới, gọi là hành trình bất động hành.

Chỉ có người biết Phật pháp mới đi con đường ngoài ba nẻo đó. Người kiến văn hiểu biết, người biết đạo, trầm tư chín chắn, sẽ không thích thú trong việc đầu tư trong các cõi dục sắc và vô sắc. Một người không biết đạo thì chìm sâu vào con đường tội lỗi hoặc tạo được phước để sanh vào các cõi nhân thiên, ngũ uẩn. Riêng hạng cao nhất cũng có vô minh trong Bốn Đế nhưng có trình độ ly dục cao nhất sanh thì về cõi trời Vô Sắc. Dầu cõi Dục, Sắc hay Vô Sắc thì vẫn là tam giới như hỏa trạch, như ngôi nhà đang cháy. Hiểu được vô minh trong Tứ Đế dẫn đến ba hành thì mới hiểu được bài kinh Bộc Lưu này.

Nội dung bài kinh này là vị Trời hỏi Đức Phật bằng cách nào Ngài vượt được bộc lưu sanh tử, bộc lưu phiền não. Đức Phật biết đây là một người hiền trí nên Ngài đã trả lời theo cách vị này muốn: Ta đã vượt khỏi bộc lưu phiền não, ta đã vượt khỏi bộc lưu sanh tử bằng con đường rất là riêng, đó là ta đi trên đường mà ta không thèm bước tới ta cũng không thèm đứng yên; vì bước tới là trôi dạt và đứng yên là chìm xuống.

Ở đây các vị A-la-hán giải thích cho chúng ta, thế nào là trôi dạt và thế nào là chìm xuống. Trong hành trình tu chứng của Đức Phật, Ngài không bị chìm trong lợi dưỡng và khổ hạnh. Ngay trong thời pháp đầu tiên, bài kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã xác nhận: Này các tỳ kheo, có hai con đường cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh: một là lợi dưỡng, hai là khổ hạnh. Ở đây ta thuyết giảng con đường Trung Đạo gồm có Bát Chánh Đạo… Ngay thông điệp đầu tiên Đức Phật gởi đến nhân thiên, theo kinh nói, có đến 18 triệu vị Phạm thiên đã chứng quả trong lúc Ngài giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân.

Trong bài kinh Vượt Bộc Lưu này Ngài cũng xác định Ngài là người đã lìa bỏ cả thường kiến và đoạn kiến. Tôi nhớ cách đây không lâu, trong một bài viết ngắn tôi có nhắc đến điểm này: Hiểu được vạn hữu do duyên mà có thì bỏ được đoạn kiến. Hiểu được vạn hữu do duyên mà diệt thì bỏ được thường kiến. Ai bỏ được cả hai thì người đó có được chánh kiến. Chánh kiến là bước đầu tiên của Bát chánh đạo. Đầu tiên ở đây nghĩa là cái được kể đầu tiên trong Bát Chánh Đạo. Chánh kiến là gì? Trí hiểu tam tướng và trí hiểu luật nhân quả gọi chung là chánh kiến.

Ác pháp (ākusalā) là trôi dạt; thiện hiệp thế (lokiyakusula) là chìm xuống nghĩa là sao? Do vô minh trong tam tướng nên cứ tưởng ở đây khổ chạy lại kia hết khổ. Sợ cái khổ này quá, lại đi đầu tư cái khổ khác. Ví dụ như tôi cô đơn quá tôi đi tìm một mối tình. Người ta bỏ tôi đi, tôi thất tình, thế là tôi tìm đến người khác… gọi là tránh ô mồ gặp ô mã, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hoặc, tôi ham tiền quá, tôi làm ăn bị chúng gạt, buồn quá, tôi đi uống rượu, bị đụng xe, nằm một chỗ. Mình tưởng người như vậy là ngu, nhưng thật ra không có ai là phàm phu mà không ngu hết, cứ đi trốn cái khổ này bằng cái khổ khác. Anh thứ nhất hèn nhất, trốn khổ bằng sát sanh trộm cướp, đầu tư tham sân si đến sa đọa. Anh thứ hai sang hơn một chút, trốn khổ bằng cách làm lành để sanh vào cõi Dục Thiên hay Phạm thiên Hữu Sắc. Anh thứ ba trốn khổ bằng cách chứng đắc các tầng thiền Vô Sắc. Nhưng Phạm thiên Vô Sắc sống lâu cho lắm rồi 84 ngàn đại kiếp ở cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cũng sanh trở lại kiếp trầm luân mà thôi. Tất cả chúng ta ngồi đây cũng như tất cả những chúng sinh chúng ta nhìn thấy như con ong cái kiến…không một loài nào, cá nhân cá thể nào mà chưa từng đặt chân lên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Trong dòng sinh tử luân hồi thì chỗ nào mình cũng từng ghé qua. Chỉ có một chỗ mình chưa tới thôi, đó là cõi Ngũ Tịnh Cư dành cho các vị A-na-hàm, mình vô đó rồi thì không ra nữa mà đi luôn. Cõi địa ngục dành cho những người đoạn kiến bất trị, thì từng người từng người trong tất cả chúng ta ở đây, cũng đã từng vào ra trong đó như hoàng tử vào cung. Vì mình luân hồi lâu quá, dài quá nên mình không tin. Chỗ nào mình cũng từng vào. Khổ nỗi, bạn lành thì ít mà bạn ác thì nhiều. Vì vậy, đã xuống rồi thì cơ hội quay trở về đường cũ, cõi Phạm thiên bị mất lối. “Tùng thiện như đăng tùng ác như băng” (làm thiện khó như leo núi, làm ác dễ như trượt tuyết).

Tại sao khi bước ra đường mình thấy cảnh khổ nhiều hơn cảnh vui, người giàu ít hơn người nghèo, người đẹp ít hơn người xấu, người khỏe ít hơn người bệnh, người có vấn đề về gia đạo luôn luôn nhiều hơn người bách niên hạnh phúc trăm năm hảo hợp? Vì sao nhìn đâu cũng cảnh khổ? Chỉ vì một ngày mỗi chúng sinh tâm thiện ít hơn tâm bất thiện. Ngay trong đời này đã vậy nói chi trong vô số kiếp quá khứ. Tâm bất thiện nhiều thì làm sao niềm vui nhiều hơn nỗi buồn được. Ác nhiều thì khổ phải nhiều. Đó là lý do vì sao chúng ta gọi đời này là bể khổ.

Có những cảnh giới người ta không có cơ hội để nhìn thấy những nỗi khổ. Ở cảnh Dục thì cơ hội nhìn thấy những nỗi khổ rất nhiều, bởi vì đây là một cảnh giới có những môi trường để tất cả ác nghiệp nảy sinh. Cõi trời như khói như sương thì làm gì có bịnh, làm gì có tai nạn. Như mình ở đây, chỉ riêng bịnh ngoài da thôi, cứ vào bệnh viện da liễu mà nhìn là hết muốn tái sinh. Vô viện Ung Bướu thì càng lạnh xương sống nữa. Ai muốn tu hành tinh tấn, cứ vô bệnh viện đảo một vòng, hoặc vô nhà xác, nghĩa trang, đảo một vòng là về đổi tánh liền. Còn vô chùa nghe pháp, gặp gỡ tăng chúng trong tình trạng vui vẻ thì không thấm được đời là khổ đâu.

Bài kinh này rất sâu, phủ nhận toàn bộ: lợi dưỡng là không chấp nhận được, khổ hạnh cũng không chấp nhận được, thường kiến đoạn kiến không chấp nhận được. Và cuối cùng, một phủ nhận mang tính toàn triệt, quyết định tuyệt đối, đó là, tất cả ác pháp phải bỏ đã đành mà tất cả thiện pháp hiệp thế cũng phải bỏ luôn. Thiện hiệp thế ở đây bao gồm: thiện Dục Giới, thiện Sắc Giới và thiện Vô Sắc Giới. ‘Bỏ’ ở đây không có nghĩa là không làm, mà làm trong một ý thức rất rõ rằng đây chỉ là phương tiện. Có câu này: Đồng tiền là một ông chủ tồi nhưng là một nô lệ tốt. Nghĩa là nếu mình coi đồng tiền là tất cả thì tệ lắm. Người thờ tiền thì chơi không vô. Người nào coi tiền là phương tiện sống, là món đồ để sinh hoạt, thì đó là người rất dễ thương. Thiện pháp cũng vậy, nếu coi thiện pháp là phương tiện để dẫn đến phước báu Ba-la-mật thì ok; nhưng nếu làm lành làm phước với tâm nguyện cầu được sinh về nơi này chốn nọ thì đó là ta đang đầu tư vào cái khổ - tức ba hành.

Quí vị có biết tại sao mình ăn ngon? Trong kinh nói rõ lắm. Có những người quán tưởng rằng món ăn này vốn không dơ nhưng cơ thể mình bất tịnh nên chỉ chạm vào cơ thể bất tịnh của mình, dính tí nước bọt thì đã dơ rồi. Nói gì là nó đã đi qua đường ruột đường bài tiết. Người hạ căn nghĩ như vậy thì mới ly tham trong chuyện ăn uống. Bậc thượng căn thì nghĩ mình ăn ngon là do nghiệp dục giới mình đã sanh vào thân người, không ăn thì sẽ chết. Con cú thích ăn thịt chuột, con cá thích ăn rong, con nai thích ăn cỏ, con người thích ăn lung tung. Như vậy cái ngon ở đây chỉ là một thứ nhu cầu rất là sinh học, rất là khoa học và thuần túy mang tính kỹ thuật mà thôi. Chúng ta thấy ngon vì nghiệp đẩy mình làm thân người, hễ mang thân người thì có nhu cầu ăn uống. Nếu ăn không thấy ngon làm sao nuốt được. Do nghiệp khiến cho mình đói, thèm ăn. Đến giờ thì cơ thể cần thêm dưỡng tố để sống. Ăn chỉ là chuyện trả bài mà thôi, ăn để sống để tiếp tục trả nợ đời trăm năm, trả nợ kiếp người. Hiểu như vậy mới thấy ăn là một thứ cực hình chớ không phải là một thứ khoái lạc để mình hưởng thụ.

Có người thấy rằng, được sống trong nhung lụa, sống trong điều kiện mình muốn là hạnh phúc; phải bị sống trong điều kiện bất toại thì đó là đau khổ. Nhưng có hạng người đặc biệt, họ thấy rằng, hễ có mặt trên đời này là một gánh nặng. Vì vậy, trong bài kệ này Đức Phật dạy một câu “bước tới là trôi dạt, đứng lại là chìm xuống”. Lời giải thích của vị A-la-hán: Ác pháp là trôi dạt, thiện hiệp thế là chìm xuống, nghĩa là hễ còn mang thân người trong điều kiện sống như thế nào đi nữa thì cũng là khổ. Tám chục tuổi rồi thì dù ông cụ ăn mày hay giáo hoàng cũng phải đi đứng khó khăn; cơ thể không còn nghe lời mình nữa dù đó là cư sĩ hay hòa thượng, dù có mười lăm bằng tiến sĩ hay không biết đọc biết viết. Voltaire có nói: Nếu muốn khóc thì hãy khóc khi một đứa bé chào đời chứ đừng khóc khi một ông già nằm xuống. Đó là một câu nói rất là thông minh. Điều đáng trách là biết đời là khổ sao còn chui ra làm gì.

[3] Tam Tướng

Người hiểu lời Phật thì biết rằng, có mặt trong điều kiện hoàn cảnh môi trường nào cũng đều khổ, vì ít nhất ba lý do:

III. Tam tướng

1. Vô thường. Cái gì cũng vô thường

2. Khổ: Là cái gì đó bị thúc đẩy (giống như áp suất) dầu muốn dầu không cũng bị đẩy về phía trước.

Dukha: Khổ. Kham không nổi (Du: xấu, khó chịu, Kha: sự chịu đựng). Chữ “kham” trong tiếng Việt hiểu như thế nào thì đúng là chữ “kha” này.

Dầu muốn dầu không mọi thứ luôn luôn bị đẩy về phía trước. Dầu muốn dầu không thì nhân thiện cho quả vui, nhân ác cho quả khổ. Dầu muốn dầu không thì quạ phải đen, cò phải trắng. Dầu muốn dầu không thì ngày vẫn trôi qua, xuân hạ thu đông vẫn xảy đến. Dầu muốn dầu không thì các pháp cứ theo duyên diễn ra. Đó gọi là khổ, mình không cưỡng lại được.

3. Vô ngã: mọi thứ do duyên, không do bàn tay nào hết.

IV. Ba khổ

Có 3 cái khổ:

1/ Sự có mặt của khổ là khổ khổ (dukkha dukkha)

2/ Sự vắng mặt của hạnh phúc là hoại khổ (vipariṇāma dukkha)

3/ Tất cả mọi hiện hữu ở đời là hành khổ (abhisaṅkhāra dukkha)

Người đời không biết đạo, chỉ hiểu khổ theo nghĩa thứ nhất, những gì khó chịu thuộc thân tâm. Cái khổ này chỉ là một phần ba cái khổ trong đạo Phật. Buổi trưa trời nóng quá, nóng là khổ khổ. Mở quạt mát mẻ bỗng bị cúp điện là hoại khổ. Sự có mặt của mình ở xứ nhiệt đới là hành khổ. Sự nóng nực ở đó là khổ khổ. Xa nhau là khổ khổ. Gặp rồi chia tay là hoại khổ. Sự quen biết giữa hai người là hành khổ.

Nói cách khác, sống trong tam giới này mà ở điều kiện bất toại gọi là khổ khổ. Được cái gì đó mà mất đi là hoại khổ. Sự có mặt trong tam giới này chính là hành khổ. Hành ở đây chính là pháp hành, nghĩa là các pháp do điều kiện mà có, do điều kiện mà diệt. Hễ có sanh phải có diệt, bản thân sự lệ thuộc nhân, duyên để sanh diệt là khổ. Một người học đạo phải biết, dù có sanh về cõi nào đi nữa, sống lâu bao nhiêu đi nữa, cũng có lúc lìa bỏ nó mà đi. Niềm vui nỗi buồn ở cõi này, qua cõi khác, với môi trường điều kiện khác, nhìn lại nó không bằng nhận thức cũ nữa, như vậy nên hạnh phúc hay nỗi buồn đó chỉ là đồ giả. Ví dụ có người nhìn thấy mâm cỗ ê hề thì ngán nhưng nhìn dĩa rau luộc thì thích, có người thì ngược lại. Có người thấy sống quạnh hiu là cực hình, nhưng có người thấy có thêm người thứ hai thì đó là cực hình. Có người thấy hoa hòe hoa sói thì thích, có người thấy diêm dúa thì sợ. Như vậy, hạnh phúc là vô thường, chỉ là giá trị ước lệ, biến kế sở chấp, thi thiết giả định mà thôi. Cùng một món ăn, lúc mình no, nhìn thấy khác, đói nhìn thấy khác. Cùng món ăn đó mà dọn chỗ dơ dáy mình ăn không được, dọn chỗ mâm cao cỗ đầy sạch sẽ, thì mình ăn được. Nói như vậy để thấy rằng những gì trong đời sống mình thấy là hay là dở, là ngon là không ngon, là vui là buồn là lệ thuộc vô số nhân duyên. Chính vì vậy ở đây Đức Phật dạy rằng, ác pháp Ngài bỏ đã đành mà đến cả thiện hiệp thế Ngài cũng bỏ là vì cả hai thứ này đều là những chất xúc tác dẫn đến sự có mặt trong ba cõi.

Tôi nói điều này sẽ làm phiền lòng không dưới 95% những người thờ Phật; nhưng tôi không thể không nói. Đó là, miệng mình nói mình tin Phật, miệng mình nói là mình cầu giải thoát, nhưng theo chỗ tôi nhận xét, 95% những người nói như vậy, 95% những người thờ Phật trên đầu hay thờ Phật trong lòng không sợ sinh tử. Họ không sợ chết từ kiếp này đi về kiếp khác, bấp bênh vô định. Hãy hỏi lòng mình, tu tập làm lành lánh dữ là để ‘được’ hay là để ‘bỏ’? Tu hành với lý tưởng là được thì xin thưa, những người này khó ưa lắm. Họ giữ được giới, họ thấy giới đó hay ghê lắm, họ bố thí được ba mớ họ thấy họ hay ghê lắm. Họ quen biết các vị cao tăng trưởng lão, họ thấy điều đó hay ghê lắm. Tu mà hướng đến chữ ‘bỏ’ thì lợi lắm. Thay vì hiểu thành Phật hoặc thành thánh thì được trí, được phước, được huệ…, mình hiểu thành thánh thì bỏ được phiền não, bỏ được tái sinh, lợi hơn biết bao nhiêu. Nếu mình nhắm lý tưởng bỏ thì chỉ cần mình có một chút kiêu ngạo là mình đã tự thấy xấu hổ rồi. Nếu tu hướng đến chữ được thì rất trẻ con, được người lớn xoa đầu thì vui, được khen ngoan thì thấy vui…

Chúng ta trưởng thành, có gia đình, tóc bạc hoa râm, muối tiêu; từ từ thấm thía chuyện đời, một ngày nào đó sẽ thấm thía rằng: thì ra đời sống này tất cả những cái mình có chỉ là để bỏ lại sau lưng chớ không phải để cầm. Bởi nếu cầm thì mình cầm được bao lâu? Trong một bài viết của tôi, tôi có thưa với độc giả: Chỉ hai động từ thôi: ‘được’ và ‘bỏ’. Tu để được cái gì và tu để bỏ được cái gì. Chỉ hai động từ này thôi đủ để làm thay đổi lịch sử Phật giáo suốt 2500 năm. Thay vì nghĩ A-la-hán được cái gì thì hãy nghĩ A-la-hán bỏ được cái gì. Tu hướng tới chữ ‘bỏ’ thì an toàn hơn. Trên hình thức, người tu nhắm đến chữ ‘được’ và chữ ‘bỏ’ giống nhau y chang, không khác gì hết; cũng làm lành lánh dữ, bố thí trì giới. Phật tử của mình nói chung nhắm đến chữ được nhiều, vì thế từ chỗ đạo tràng bát nhã biến thành bát nháo chỉ một xê xích nhỏ. Tôi nhớ một câu chuyện tôi kể hoài, ai mà Phật tử chùa Phật Pháp chắc thường nghe. Ngoài Bắc có một hòa thượng thấy trong chùa gây gổ hoài bèn họp chúng lại, quyên tiền đúc cái chuông mới. Mọi người mới hỏi chuông tốt quá rồi sao đúc thêm chuông khác. Hòa thượng nói, mỗi ngày khi tụng kinh kẻ đánh chuông bon bon, người đánh khánh kêu chen chen, tu hành mà cứ bon chen thì không khá. Mọi người hỏi vậy đúc chuông mới sẽ nghe ra sao, hòa thượng nói đúc chuông thế nào mà đánh vào nghe chữ ‘buông’ thì là chuông đúng. Có một anh đệ tử nghe vậy rất thích, anh ta đúc chuông rồi một thời gian sau hoàn tục. Thầy hỏi vì sao, anh ta nói, dạ thưa thầy khi đúc chuông đánh cho ra chữ Buông, con quên chữ G, nên con thành thương gia.

Ở mấy tiệm tạp hóa của Mỹ hay có câu này chỗ cửa toilet: “No merchandise beyond this point” (Đừng mang hàng hóa qua cánh cửa này). Người ta sợ khách đem đồ bỏ vào trong đó hoặc sợ khách tráo đồ bên trong toilet. Câu đó còn có ý nghĩa: “Bên trong cánh cửa này không có chuyện buôn bán”. Trong chùa cũng nên có câu này, người tu hành đừng có chuyện mặc cả, đừng có chuyện buôn bán. Tu hành mà nghĩ đến chữ ‘được’ có nghĩa là buôn bán rồi. Tu là để buông, cái cần thiết nhất trên đường sinh tử không phải là được mà là buông. Nếu cho chọn lựa hoặc có nhiều thức ăn để khi nào đói thì có cái ăn, hoặc cho không biết cảm giác đói mà vẫn sống được, thì tôi chọn lựa không đói vẫn sống được chứ không phải là đói có đồ ăn. Có người muốn đói là phải có ăn, có những món ăn; nhưng có người chỉ muốn đừng bao giờ đói. Đời sống chỉ là một sự lựa chọn. Cũng vấn đề đó nhưng tùy cách nhìn. Có người nói hạnh phúc là phải được cái gì đó (nhan sắc, tiền bạc, quyền lực...). Còn có người nói hạnh phúc là không có cái gì đó (không nợ, không oán thù, không vướng pháp luật…).

Hôm nay trong lớp học này có nhiều vấn đề bà con nuốt không nổi nhưng dù sao tôi vẫn tin là có người hiểu tôi muốn nói cái gì, đặc biệt là câu tôi vừa nói. “Có người nói hạnh phúc là được cái gì đó, có người nói hạnh phúc là không có cái gì đó. Có người nói tu là được cái gì đó, có người nói tu là bỏ cái gì đó”. Đó cũng chính là lời kết thúc của tôi trong buổi giảng chiều nay. Chúc các vị một ngày vô cùng an lạc, xin hẹn gặp lại ngày mai.

Nhị Tường ghi chép


Cập nhật 28/3/2017


:78: :78: :78:
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#2
sư giảng lúc nào cũng hay , nghe đi nghe lại , nghe tới nghe lui .... mà làm theo thì tui chưa tới đâu

hời
Reply
#3
(2020-04-14, 12:26 AM)abc Wrote: sư giảng lúc nào cũng hay , nghe đi nghe lại , nghe tới nghe lui .... mà làm theo thì tui chưa tới đâu

hời

Dạ, chắc phải nghe nhiều lần thì mới thấm á huynh.  Smiling-face-with-halo4
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#4
(2020-04-14, 12:26 AM)abc Wrote: sư giảng lúc nào cũng hay , nghe đi nghe lại , nghe tới nghe lui .... mà làm theo thì tui chưa tới đâu

hời


LTP được nhắc: nghiệp chúng ta sâu dày nên phải mất thời gian.

Ngài U Jotika ví tâm chúng ta như cái ao dầy đặc bèo, khi đưa tay gạt bèo sang một bên, chúng ta thấy được chút nước, nhưng lập tức bèo phủ mặt nước liền. Vì thế, LTP phải cố gắng vật lộn với đám bèo trong tâm mình.

Nhờ học rất kỹ (cũng như rất chậm) các bài giảng của Sư Giác Nguyên ít lâu nay, LTP cảm thấy mình khá hơn trước một chút, còn thấy được le lói ánh đèn ở cuối đường hầm.

Cám ơn bác abc đã giới thiệu Sư Toại Khanh Giác Nguyên trong trang Phật giáo. Hiện giờ, Phật tử LTP cảm thấy mình như đứa trẻ sơ sinh, phải sống nương tựa vào người thân (là Phật, Pháp, Tăng) nhiều.
Reply
#5
Quote:
Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Paltalk


TƯƠNG ƯNG BỘ KINH

TK Giác Nguyên giảng

Nhị Tường ghi chép


===//===


Quote:TẬP I: THIÊN CÓ KỆ.

CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN

I. PHẨM CÂY LAU




 
[size=undefined]
 
[/size]

Bài giảng ngày 23-5-2014

GIẢI THOÁT

“.. Ở Sāvatthi. Rồi một vị thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn.. -- Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không? -- Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh. -- Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?

Vị thiên đó hỏi Thế Tôn biết cách nào để giải thoát, thoát ly, viễn ly hay không. Và Ngài đã trả lời:

Hỷ, tái sanh đoạn tận,

Tưởng, thức được trừ diệt,

Các thọ diệt, tịch tịnh,

Như vậy này Hiền giả,

Ta biết sự giải thoát,

Thoát ly và viễn ly,

Cho các loại chúng sanh.”

Có một chuyện rất quan trọng ở đây là nếu chúng ta đọc chánh kinh mà không hiểu gì hết hoặc hiểu một cách nghèo nàn khô khan thì khó bề có hứng thú đọc sang bài khác. Hiểu theo như trong chú giải thì bài kinh này có ý nghĩa rất sâu rộng, mênh mông, nhiều điều thú vị và có những vấn đề giáo lý phải biết, phải nhớ, phải học chứ không phải đơn giản như thấy trên mặt chữ của bài chánh kinh này.

Nandī: hỷ. Bhava: tái sanh. Bhavaparikkhayāti: tái sanh đoạn tận. Nandībhavaparikkhayāti: “Hỷ, tái sanh đoạn tận”

Theo bản dịch của HT Minh Châu, chữ ‘giải thoát’ – chỉ trong chỗ này của bài kinh này thôi – từ chữ Pāḷi là danh từ nimokkha, (động từ là nimuccati), nghĩa là “Sự giải thoát bằng tâm thánh đạo”. Chữ ‘thoát ly’ là pamokkha, (động từ là pamuccati) nghĩa là “Sự giải thoát bằng tâm thánh quả”. Nghe thấy hai chữ ‘giải thoát’, ‘thoát ly’ khác nhau nhưng đây là cách giải thích chung chung, vì tâm đạo và tâm quả dính liền nhau, khi sát na thánh đạo xuất hiện thì lập tức ngay sau đó phải là sát na thánh quả. Vì vậy, ngay giây phút đó vừa là nimuccati vừa là pamuccati. Đây chỉ là một cách chơi chữ chứ thật ra hai chữ đồng nghĩa nhau. ‘Viễn ly’ (viveka) ám chỉ cho Niết bàn.

Hỷ tái sinh đoạn tận (Nandībhavaparikkhayāti) nghĩa là sự chấm dứt niềm hoan hỉ trong việc tái sinh. Muốn thoát khổ, đầu tiên phải bỏ ý muốn tái sinh. Hôm qua tôi đã nói, 95% những người nói mình là con Phật, tin Phật, thờ Phật và tu Phật không sợ tái sinh. Nhờ hoàn cảnh nào đó họ biết đến chùa chiền, tăng ni, biết làm phước, đi nghe pháp, đi tu thiền trong nước ngoài nước. Nhìn quanh thấy kẻ nghèo người giàu, kẻ khỏe người bệnh; thấy con trùn con dế lúc nhúc loi nhoi trong nhà xí ống cống dơ dáy; thấy cảnh tử biệt sinh ly, vợ chồng gây gổ, con cái bất hiếu, vô bệnh viện thấy thương tích máu me…thì ớn tái sinh. Nhưng đừng tưởng thấy vậy mà sợ tái sinh. Nếu như bây giờ, mình có mặt trong căn hộ triệu đô, có kẻ hầu người hạ, ăn của ngon vật lạ, muốn trai đẹp gái đẹp đều có được, đi chơi trên du thuyền mỗi ngày có trực thăng đem nhật báo đến để đọc, đang tắm biển thì có người đem rượu, đem trái cây tươi dâng tận miệng, trong điều kiện như vậy thì có còn sợ tái sinh hay không? Hoặc muốn có mặt ở đâu thì lập tức có mặt ở đó, sống thọ nhiều tỷ năm, thì có sợ tái sinh khộng? Chỉ có bậc hiền trí thứ thiệt, khi sống chánh niệm, họ thấy rằng hạnh phúc hay đau khổ chỉ là ảo giác. Có đói ăn mới ngon, có khát uống mới đã khát, đó chỉ là mặt khác của đau khổ. Người Mỹ có câu “Hạnh phúc là giây phút tạm dừng (pause) của đau khổ”. Nói rốt ráo, toàn bộ cái gọi là hạnh phúc vốn không có thực mà chỉ là giải pháp cho đau khổ. Vì sao gọi là giải pháp? Khi ngồi lâu quá, thay đổi tư thế, thấy hết mỏi, đó cũng là giải pháp. Khi đói quá, kiếm gì bỏ bụng, đó chỉ là giải pháp. Khi đó cái khổ được giải quyết nên mình thấy hạnh phúc.

Khi Đức Phật mới thành đạo, Ngài thấy để hiểu thấu, để giác ngộ đạo của Ngài rất khó khăn. Ngài không có ý đi hoằng pháp vì thấy chúng sinh tuyệt đại đa số chịu không nổi, hiểu không nổi lời dạy của Ngài. Khi Ngài nói, không có hạnh phúc, chỉ có giải pháp, làm sao họ chịu nổi. Họ sẽ nghĩ rằng: Tôi thương cô đó, tôi cưới cô đó về, tôi rất là hạnh phúc sao lại nói là không có hạnh phúc. Thật ra không phải là không có lạc thọ, hỉ thọ; nhưng hai thứ đó có được từ sự hiểu lầm. Có chuyện này khá kỳ cục, ngoài đời người ta nói rằng: tôi hiểu cô đó, cô đó hiểu tôi, chúng tôi coi nhau là tri kỷ, chúng yêu nhau và lấy nhau, nhưng thật ra nếu nói theo tinh thần Phật pháp, vì không hiểu nhau, vì hiểu lầm nhau hoặc không hiểu nhau nên mới lấy nhau. Nếu hiểu nhau tới nơi tới chốn thì không cách chi lấy nhau được. Nếu biết rõ mọi sự đang diễn ra trong tấm thân, trong tư tưởng của người kia thì khó mà lấy nhau lắm. Vì cứ nghĩ người kia đẹp, có ánh mắt đẹp, có nụ cười đẹp, vì ảo giác đó nên người ta mới cưu mang gồng gánh nhau một đời. Niềm an lạc của phàm phu trong đời này là do sự hiểu lầm, do nghiệp và khuynh hướng tâm lý. Do nghiệp nên người ta phải chấp nhận hoàn cảnh sống. Chấp nhận được hoàn cảnh thì họ thấy hạnh phúc. Con chim cú thấy hạnh phúc khi bắt được con chuột chù để ăn vì nghiệp đẩy nó làm con chim cú, nó thấy ngon miệng nó mới ăn được hoài.

Vì vậy, trong bài kinh này, Đức Phật dạy rằng, ta biết cách dạy chúng sinh muốn giải thoát, thoát ly, viễn ly khỏi tam giới là phải chấm dứt cái thích trong tái sinh. Đứa bé thích chơi tượng trâu bò bằng đất sét vì nó thích theo cái nhận thức non nớt của một đứa bé. Khi lớn hơn một chút nó sẽ chán vì biết đó chỉ là đất sét, đó chỉ là trò chơi nhạt nhẽo vô vị. Một người hiểu đạo một ngày nào đó cũng sẽ thấy như vậy đối với tất cả các pháp ở đời. Có những cái được gọi là ngọt vì là do so sánh với cái đắng. Tôi nhớ có câu chuyện, một thiền sinh đến hỏi thiền sư: Thưa ngài, ngài có thể thu gọn Phật pháp trong một câu nói cho con nghe được không? Vị thiền sư đó lấy một que vạch một đường trên đất, rồi hỏi thiền sinh: Đường vạch này dài hay ngắn? Thiền sinh trả lời: Ngài mới chỉ vạch một đường thôi làm sao con biết nó dài hay ngắn. Vị thiền sư đáp: Phật pháp là vậy đó! Lập tức thiền sinh liễu ngộ. Chúng ta nghe câu chuyện này mà mơ hồ chẳng biết thiền sinh đó ngộ ra điều gì. Thực ra câu chuyện này rất sâu, chỉ một đường vạch thôi thì làm sao biết được dài hay ngắn. Muốn biết dài hay ngắn cần phải có các đường khác để so sánh. Đời sống của chúng sinh chỉ là sự so sánh. Cái này được gọi là hạnh phúc vì so với cái kia. Cái này được gọi là dài vì so với cái khác ngắn hơn. Cái này được gọi là đẹp bởi vì so với cái xấu hơn. Trong khi đó, theo tinh thần Phật pháp, một vị hành giả Tứ Niệm Xứ phải biết rằng: thấy chỉ biết thấy mà thôi, nghe chỉ biết nghe mà thôi, như vậy mới không có phiền não. Chúng ta có tham có ưu, có thương thích ghét sợ bởi vì chúng ta có so sánh. Có những người mình thích họ vì khi nhìn họ mình có cảm giác họ là người thân máu mủ. Có người mình ghét chỉ vì mặt họ giống ai đó mình không ưa. Sống trong cuộc đời, chúng ta sống bằng ảo giác. Trong ảo giác đó, chúng ta tìm đến sự so sánh. Từ so sánh mới có thương thích ghét sợ. Hành giả Tứ Niệm Xứ phải sống với cái nhìn như thật, nó như thế nào phải thấy như thế ấy. Không thêm bớt, không vẽ vời, không suy diễn, không liên tưởng. Điều đó rất quan trọng. Chính vì vậy khi vị thiền sư vẽ một đường vạch trên mặt đất bảo so sánh, thiền sinh đã liễu ngộ: À thì ra, nó như thế nào thì thấy nó như vậy, đó chính là con đường giác ngộ. Chỉ cần mình thêm mắm dặm muối, suy diễn, liên tưởng, vẽ vời, tô điểm thì lập tức nảy sinh vấn đề ngay. Việc đầu tiên để hướng đến giải thoát là không thích tái sinh. Muốn không thích tái sinh thì việc đầu tiên phải thực hiện cho bằng được là con đường Tứ Niệm Xứ. Chỉ có thực hành Tứ Niệm Xứ mới cho mình thấy được sự có mặt của mình thật sự là cái gì. Phải thấy sự có mặt của mình trên đời thật sự là một gánh nặng. Gánh nặng bởi vì cuộc đời là vô thường vô ngã; sự có mặt của mình trong mỗi kiếp sống đều rất mong manh; chỗ đi về của một người phàm phu thì vô cùng bất trắc. Ngay khi còn gồng gánh tấm thân mấy chục ký lô này, chúng ta đã làm biết bao nhiêu chuyện để sống ở đời, để giáp mặt với xã hội. Có mặt ở đời thì không biết có mặt được bao lâu; sáng còn chiều mất. Thiện khó làm hơn ác, trong một ngày tâm thiện ít hơn tâm ác vì vậy lúc ra đi thì cõi tái sinh của chúng ta thật vô cùng khó lường. Trong dòng sinh tử luân hồi, gặp được minh sư thiện hữu không phải là chuyện, cơ hội làm lành không phải là chuyện dễ, khuynh hướng ác luôn mạnh hơn khuynh hướng thiện nên cơ hội sa đọa là rất lớn. Hiểu được những điều này mới thấy chuyện tái sinh rất đáng sợ.

Tưởngthức được trừ diệt. Các thọ diệt, tịch tịnh”. Người từng học Vi diệu pháp liếc sơ qua bài kinh này sẽ thấy rõ ràng Đức Phật nói đến tứ danh uẩnTưởng ở đây là tưởng uẩnThức ở đây là thức uẩnthọ ở đây là thọ uẩn. Vậy hành uẩn nằm ở đâu?

“Hỷ, tái sanh đoạn tận,

Tưởng, thức được trừ diệt”

‘Hỷ, tái sanh’ chính là hành uẩn. Tùy trường hợp của từng người, Đức Phật có nhiều cách nói, có người Ngài nói “chấm dứt 5 uẩn là giải thoát” không hề nói gì về phiền não, bát chánh đạo. Có người Ngài nói “chấm dứt tham sân si là giải thoát”. Có người Ngài nói “thấy rõ Niết bàn là giải thoát” hoặc “tu tập hoàn mãn Bát chánh đạo là giải thoát”, hoặc “tu tập hoàn mãn thất giác chi là giải thoát”. Cách khác nhau nhưng ý nghĩa giống hệt nhau. Trong bài kinh này Đức Phật dạy rằng: giải quyết được bốn danh uẩn là giải quyết toàn bộ hành trình sanh tử. Quí vị từng học Vi diệu pháp có thấy điều này đúng hay không? Sắc uẩn là những gì thuộc vật chất. Thọ uẩn là tâm sở thọ. Tưởng uẩn là tâm sở tưởng. Hành uẩn là 50 tâm sở còn lại. Trong 50 tâm sở đó, yếu tố quyết định tâm một người là phàm hay thánh, thiện hay bất thiện hoàn toàn nằm ở hành uẩn. Trong trường hợp bài kinh này hành uẩn chỉ cho tâm tham ái thích thú trong sự tái sinh.

Chữ hành (sankhāra) trong kinh nghĩa rộng vô cùng. Hành trong hành uẩn là 50 tâm sở ngoài thọ, tưởng. Còn khi nói “Các hành là vô thường” thì ‘hành’ ở đây ám chỉ tất cả danh sắc hữu vi nói chung.

Trong bài kinh này Đức Phật dạy con đường dẫn đến sự giải thoát chính là giải quyết trọn vẹn được danh uẩn. Bốn danh uẩn không còn nữa thì con đường tái sanh chấm dứt. Trong sớ giải có nói thêm, sở dĩ không nói đến sắc uẩn vì đối tượng trước mặt Ngài chỉ muốn nghe 4 danh uẩn mà thôi. Vị trời này đủ trí để hiểu rằng hễ 4 danh uẩn còn có mặt thì sắc uẩn hoàn toàn có cơ hội tồn tại. Ví dụ, chỉ trừ trường hợp một vị A-la-hán ở cõi trời Vô Sắc mà thôi, chứ còn đối với phàm phu, chúng ta từng sanh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng là cõi Phạm thiên cao nhất của tầng trời Vô Sắc. Miễn là còn có điều kiện để có tứ danh uẩn cho đời sau kiếp khác thì chúng ta cũng còn có cơ hội trở lại được sắc uẩn. Và hễ nói đến tứ danh uẩn thì không thể nào không nói sắc uẩn, nên trong trường hợp này chỉ cần nói tứ danh uẩn là đủ. Tôi tuyệt đối đồng ý với cách giải thích này trong chú giải, vì đây là cách nói hợp với người nghe. Có bao giờ xem kinh tạng quí vị có cảm giác, tại sao Đức Phật không nói như mình muốn, có cảm giác chỗ này Ngài nói khác một chút sẽ hay hơn hay không? Ví dụ, có lần một nông dân thấy Đức Phật ngồi một mình, sau giờ ăn, với chiếc bình bát rỗng đã rửa sạch ở bên cạnh, ông ta nói bài kệ đại ý rằng: Tôi tưởng tôi nghèo nhất, ai ngờ có người nghèo hơn tôi. Tôi đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương tần tảo sớm chiều, nghèo thật, nhưng ít ra tôi cũng còn có mái nhà, còn có vợ, có mấy con bò, còn có con cái sớm hôm. Không ngờ trên đời có người khỏe mạnh như vậy mà chẳng có chút tài sản. Sao mà hạnh phúc vui vẻ được?. Đức Phật trả lời y hệt như bài kệ của ông ta, chỉ thêm một chữ “không”. Ngươi hạnh phúc vì người có nhà, có vợ, có bò, có con. Như Lai hạnh phúc vì không nhà, không vợ, không bò, không con. Ngày xưa khi đọc chỗ này, tôi không hiểu vì sao Đức Phật lại trả lời đơn giản đến vậy. Sau này tôi mới ngộ ra, món ngon trên đời này chưa hẳn là món đắt tiền nhất, mà là món mình thích ăn nhất, hợp với mình nhất. Tôi là gốc nhà quê, thấy cái gì đắt tiền tôi không khoái. Tôi thích bụi cỏ dại mọc trên tường. Tôi thích nhánh hoa dại li ti mọc trên vách đá, gỗ mục, những nhánh lan dại trong rừng, hơn là những chậu hoa to tướng chưng trong các đại sảnh khách sạn sang trọng. Phật pháp cũng vậy, Đức Phật tùy duyên. Có những đối tượng Ngài giảng sâu rộng, có những người Ngài trả lời đơn giản nhưng đối với họ là cả trời bao la.

Bài kinh này cũng vậy, cái độc đáo là Đức Phật chỉ đề cập đến 4 danh uẩn. Giải quyết được 4 danh uẩn là chấm dứt sinh tử. Cái thú vị của bài kinh này là tôi muốn mượn buổi giảng sáng hôm nay để gởi đến quí vị những định nghĩa có thể rất là quen thuộc hoặc có thể rất là mới lạ, có thể là kỳ cục về tứ danh uẩn. Ryan Nong là một Phật tử thân quen với chúng tôi trên 20 năm ở Đà Nẵng. Anh ta hiện giờ là tiến sĩ toán, sống ở Mỹ, hiền như con gái. Tôi nhờ ảnh vào mở giùm room thì ảnh loay hoay làm cả buổi không được, cuối cùng tôi phải nhờ cô Tín Hạnh làm giúp. Trong đầu tôi cứ tưởng ảnh là tiến sĩ toán thì phải giỏi lắm. Nghĩa là tôi áp đặt lên con người đó một ký ức cũ, đây là một người giỏi, và ký ức đó đánh lừa tôi. Tôi có nói với anh ta đợi tôi ăn chén cháo. Trong lúc ngồi ăn cháo tôi ngộ được một chuyện thú vị. Tôi không phải là họa sĩ, nhưng đôi khi nhìn trong sân đầy lá tôi rất dễ dàng nhìn cái thảm lá đó xếp ra hình dáng một cụ già, một đứa bé, một chiếc xe đạp hay một con chó con. Khi nhìn những đám mây bay trên trời cũng vậy. Lúc ăn cháo, khi tôi xịt xì dầu lên dĩa cháo, nó tạo ra một bức hình rất đẹp đến nỗi tôi muốn chụp lại. Thì ra, cái gọi là nghệ thuật là do sự áp đặt của mình. Âm nhạc cũng vậy, người mê cổ nhạc thì thà nghe Dạ cổ hoài lang chớ không nghe được những bản giao hưởng của Tây phương. Nghe cải lương thì được chứ nghe nhạc thính phòng thì chịu thua. Cảm quan của mỗi người rõ ràng tùy thuộc vào nhiều yếu tố nền tảng như bản tính bẩm sinh, nơi sinh trưởng, trình độ giáo dục, bối cảnh gia đình, môi trường xã hội mình đang có mặt. Tất thảy những điều đó tạo nên không gian cảm nhận thế giới của mình.

[4] Thế giới này là thế giới của Thọ, Tưởng, Hành, Thức

1. Thế giới này là thế giới của tưởng

Chữ Tưởng trong tưởng uẩn, từ chữ Pāḷi là Saññā. Chúng ta có nhiều cái biết: biết bằng trí, biết bằng thức, biết bằng tưởng. Biết bằng trí nghĩa là biết cái này là nhân, cái này là quả, cái này là thiện, cái này là ác, cái này là nên, cái này là không nên, cái này là tín tấn niệm định tuệ, cái này là tham sân si hoài nghi phóng dật... Những cái biết phải do huân tập từ trí văn, trí tư, trí tu cộng lại mới có được là cái biết của trí. Biết bằng thức là cái biết của năm giác quan. Biết của tưởng là biết dựa trên hồi ức, kinh nghiệm, trí nhớ cũ. Đại đa số phần lớn thời gian trong cuộc đời này chúng ta chỉ sống bằng tưởng. Đó chính là bi kịch nhân gian. Ví dụ, tôi là người Cơ đốc giáo, học giáo lý nhà thờ từ hồi nhỏ. Từ đó tôi nhìn thế giới này qua nhãn quan lăng kính của một tín hữu công giáo. Tôi là một Phật tử Bắc Tông, từ bé đã được dạy niệm Phật Di Đà, niệm Quán Âm để thoát nạn. Khi vào đời dù tôi nghiên cứu bao nhiêu kinh sách đi nữa thì ám ảnh trong đầu tôi vẫn là niệm Phật Đi Đà cầu vãng sinh, niệm Quán Âm cầu tai qua nạn khỏi, niệm Địa Tạng để thoát địa ngục. Tôi là một người Hồi Giáo, mỗi ngày tôi quỳ cầu nguyện năm lần, suy nghĩ gì cũng dựa trên kinh Qur’an. Tôi là người Do Thái giáo, tôi học sách Talmud từ bé, tôi không ăn các loại cá da trơn. Tất cả nền tảng suy nghĩ của tôi lúc nào cũng dựa trên kinh Talmud. Người Phật tử Nam Tông có học Vi diệu pháp suy nghĩ gì cũng không ra khỏi A-tỳ-đàm. Đời sống của chúng ta suy cho cùng đều y cứ trên những hồi ức, kỷ niệm, kinh nghiệm mình đã trải qua. Hiếm bao giờ mình dành thì giờ suy nghĩ lại để biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Tôn giáo đã vậy, chính trị, văn hóa cũng thế. Chúng ta được ăn học, được đào tạo trong một môi trường nào đó, thế rồi chúng ta không dám nghi ngờ nó vì cứ sợ mình lầm đường lạc lối để rồi cứ vậy mà sống cho đến ngày tàn hơi. Người như vậy thì không có khá. Khổ một nỗi, nếu sống mà không có hồi ức thì chúng ta tự cho rằng mình không có kiến thức, không có học thức, không có đủ kinh nghiệm. Thật ra, toàn bộ kiến thức học đường chỉ là kinh nghiệm của người khác trao truyền cho mình. Sau khi ra trường thành bác sĩ, thành kỹ sư rồi cộng thêm một số kinh nghiệm mới nữa thông qua những cái biết mới nhưng đời sống của mình vẫn dựa vào cái biết cũ, đó gọi là tưởng. Hôm nay tôi nói tưởng uẩn là những kinh nghiệm thì có nhiều người chịu không nổi, nhất là những người có học A-tỳ-đàm. Đối với những người đó tôi phải nói riêng vào tai của họ lời thầm thì rất nhỏ rằng là: tôi vẫn giữ nguyên cái biết của anh. Đúng rồi, tưởng uẩn là tâm sở tưởng. Nhưng anh phải làm ơn nhớ rằng hiểu như vậy nó nghèo lắm anh biết không. Tưởng uẩn, phải hiểu rằng nó là toàn bộ ký ức, kinh nghiệm, hồi ức của chúng ta trong đời sống. Cái biết bằng tưởng là như vậy đó! Tại sao chúng ta nghe âm thanh đó chúng ta thích? Vì dựa vào ký ức cũ nào đó! Ghét thương hay sợ cũng vậy, do hồi ức. Cả hành trình sống của chúng ta chỉ toàn là hiểu lầm. Tức là nhìn cái này mình cứ nghĩ đến cái khác, cứ vậy mà sống. Có người vợ chết rồi cưới vợ khác, vẫn tìm bóng dáng người vợ cũ trên hình hài người vợ mới. Có người cứ thích một kiểu chưng hoa hay một kinh nghiệm nấu ăn nào đó, chỉ vì nó gắn liền với ký ức nào đó của người thân người thương cũ. Có những loại nhạc người ta chỉ nghe vào đêm khuya. Có người nói với tôi rằng họ thèm một đêm mưa nằm nghe Khánh Ly hát nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, mà phải nghe đúng ca sĩ đó, vào thời điểm đó. Đó chính là tưởng. Có người thích hoàng hôn, có người sợ hoàng hôn. Có người thích mưa khuya, có người rất sợ mưa khuya. Có người sợ mùa đông tuyết trắng, còn tôi yêu châu Âu vì tôi yêu mùa đông ở đây nhưng có người muốn bỏ châu Âu mà đi vì họ sợ mùa đông ở đây. Đó là tưởng. Có người hỏi Trịnh Công Sơn nắng khuya là gì (trong câu hát “có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”). Từ lúc tôi biết câu trả lời của Trịnh Công Sơn: nắng khuya là đèn đường, tôi yêu đèn đường hơn bao giờ hết. Chỗ ở của tôi bên Đức bây giờ có bốn ngọn đèn đường. Thỉnh thoảng những đêm không ngủ được tôi ngồi nhìn bốn ngọn đèn đường trước nhà mà thấy nắng khuya đang lên. Đó là tưởng! Khi Đức Phật ra đời, thấy điều đó, Ngài dạy rằng: Thay vì chạy theo những kinh nghiệm những hồi ức rất đỗi phàm phu không có lợi, ta dạy cho các ngươi những cái tưởng có lợi hơn, đó là tưởng bất tịnh: tưởng về sự chết, tưởng về hài cốt. Tại sao Ngài vẫn xài chữ tưởng? Vì Ngài biết trước khi giác ngộ, trước khi có được thánh trí thì hành giả vẫn tiếp tục sử dụng cái hồi ức. Thay vì sử dụng những hồi ức rất là phàm phu không lợi ích, thì bây giờ tưởng có lợi hơn. Vị hành giả ngồi tưởng tượng đây là xương. Một tấm thân người đẹp cách mấy, trắng cách mấy, đen cách mấy, mập ốm cách mấy, khi chết rồi thì một hai ngày sẽ trương sình lên, chảy nước, bốc mùi. Bảy mươi phần trăm cơ thể là nước nên nó sẽ rã tan rất nhanh sau đó chỉ còn lại một bộ xương trắng và một nhúm nội tạng, rất lâu mới phân hủy hết. Nhúm xương trắng đó mới đầu là bộ xương, sau rời ra từng lóng từng đốt nhỏ. Theo thời gian từ màu trắng muốt chuyển qua màu xám. Qua nhiều năm sẽ mục rã thành bột và đi vào đất như là chưa từng xuất hiện bao giờ. Tất cả những suy tư đó chỉ là tưởng. Nói theo Vi diệu pháp, đó chính là cái biết thông qua khía cạnh tục đế, chế định, biến kế sở chấp, thi thiết. Biết đó là đồ giả, nhưng vẫn cứ quán niệm thân này từ đầu đến chân gồm 32 thứ dơ bẩn (tóc, lông, móng, gân, xương, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu v.v...), tất cả những thứ dơ này được gói gọn trong túi da có chèn thịt bên trong. Nếu chúng ta lấy những thứ thức ăn thức uống trong một ngày nhai rồi nhả vào một bị ny-lon và đeo trước ngực liệu chúng ta có gần nhau nổi không. Nhưng cũng thức ăn đó nuốt tất cả vào bụng, đánh răng sạch sẽ thơm tho, thiên hạ nhìn nhau vẫn hấp dẫn như thường. Có những pháp môn tu chỉ là tưởng, nhưng trau dồi nhiều ngày thì từ cái tưởng tục đế chuyển qua cái biết bằng trí tuệ để thấy được cái chân đế, bản chất thực của các pháp. Bản chất thực của các pháp vốn không dơ, không sạch, không xa, không gần, không sớm, không muộn, không lớn, không nhỏ, không trong, không ngoài. Nhưng khi chưa được tới giai đoạn nhìn thấy các pháp như vậy thì trước mắt chúng ta phải tùy thuộc vào các pháp tục đế, nhìn thấy mọi sự theo cách trẻ con. Nói đến chữ tưởng ta phải tâm niệm một điều: toàn bộ đời sống này y cứ vào hồi ức, vào kinh nghiệm cũ, cái biết cũ; y cứ vào suy diễn và liên tưởng. Suy diễn và liên tưởng là nội dung của tâm sở tưởng, tức là sở hữu tưởng. Hội họa, âm nhạc, thi ca cũng là liên tưởng là suy diễn. Một tòa nhà được xây dựng cũng y cứ trên sự suy diễn và liên tưởng của ai đó. Kẻ phàm phu thích cái này cái kia trong năm trần, người ly dục thì không thích cái này cái kia, họ muốn tu thiền. Tu thiền là ngó vô các đề mục, cũng chính là tưởng.

2. Thế giới này là thế giới của thọ

Thọ, nếu nói một cách đơn giản, thọ tức là tâm sở thọ trong 52 trong tâm sở thì nghèo nàn quá. Thế giới này không chỉ là thế giới của tưởng mà còn là thế giới của cảm giác. Từ lúc trong bụng mẹ đến lúc đi vào quan tài chúng ta luôn theo đuổi cảm giác. Đứa bé khóc vì đói, vì lạnh, vì ngứa; cười khi cảm thấy thoải mái. Cứ thế nó lớn lên và đến khi già thì toàn bộ đời sống cũng chỉ là cảm giác; hoặc là như ý hoặc là bất toại. Điều quan trọng là hành giả Tứ Niệm Xứ biết cái gì đang xảy ra, cái biết này quí hơn kim cương. Vì sao mình có tâm tham? Bởi khi có cảm giác như ý thì mình thích. Tại sao mình có tâm sân? Vì khi có chuyện trái ý nghịch lòng thì khởi lên tâm sân. Một hành giả đúng mức khi thấy mọi sự diễn ra như vậy đừng thêm bớt gì hết, đừng để mình chìm sâu trong cái tưởng. Người không chìm sâu trong tưởng thì mới tự chủ trong thọ, trong cảm giác. Người sống để cái tưởng làm chủ thì không làm chủ được trong đời sống cảm thọ. Có một vị sư kia, ngẫu nhiên trong bữa cơm, không hiểu sao vị trí của vị này luôn luôn là một cái chén mẻ. Nếu không để ý thì không sao, còn nếu cứ để ý thì nghĩ là người dọn cơm có ác ý. Vấn đề ở chỗ là mình để ý, mình coi chuyện đó là quan trọng thì cái chén mẻ đó thành ra nỗi buồn của mình, nhưng nếu mình không để ý thì nó chẳng là gì hết. Nếu dùng cái tưởng nhiều quá thì cái thọ nảy sinh vấn đề. Tu chính là đừng để cho cái tưởng làm chủ. Tu cũng cũng chính là làm chủ cái thọ. Khi chưa biết đạo, cái làm cho ta vui toàn là chuyện tào lao, khi biết đạo rồi, cái tào lao làm cho vui thì ta không có vui, vậy là tu cái thọ. Khi chưa biết đạo, có nhiều chuyện làm ta bực mình, nhưng khi biết đạo rồi thì chuyện bực mình không giống như ngày xưa nữa. Ngày xưa ai chửi tôi, tôi chịu không được, bây giờ thì ok. Ngày xưa tôi nhịn đói không được, nhưng bây giờ, chuyện đói lạnh cũng ok. Nghĩa là mình đang làm chủ cảm thọ của mình. Với người đời, có những chuyện họ rất thích, nhưng với người tu, chuyện đó không nên, mình không tiếp tục thích nữa, như vậy là đang tu cái thọ. Nếu định nghĩa tu là tu cái xúc cũng được. Ngày xưa mắt mình muốn nhìn gì thì cứ nhìn, tai muốn nghe gì thì cứ nghe, chân muốn đi đâu thì cứ đi, bây giờ thì không; hạn chế tối đa. Vậy là tu xúc. Ngày xưa cái gì làm cho mình vui thì mình bất kể trời đất, hôm nay thì mình phải chọn lựa lại. Không phải bất cứ trò vui nào cũng tham gia được. Phải là cái gì được phép, hợp pháp, vô tội, có lợi. Có những nơi chốn mà tu sĩ không được đặt chân vào. Tôi là một con mọt sách. Tôi đi Miến Điện, Thái Lan, VN hay Thụy Sĩ, Đức, ở đâu tôi cũng hỏi thăm tiệm sách trước cái đã. Bên Thái Lan ngoài chuyện mua sách, có hai món tôi thích đi tìm. Bên đó có nhiều tượng Phật đẹp lắm. Thứ hai là có vài món mà ở Mỹ tôi dám mua nhưng ở Thái thì không dám, đó như những món bằng lụa, tôi muốn mua làm quà cho vài người ơn nghĩa. Xui cho họ, tôi đang đứng ở xứ kinh đô của lụa mà không dám bước vào.

Nếu nói rằng, hành tinh này, thế giới này, vũ trụ này, và vô lượng vũ trụ khác là cảnh giới của cảm thọ thì hoàn toàn không sai. Niềm vui nỗi buồn ở cõi Dục không giống như ở cõi Phạm thiên. Ở cõi Phạm thiên họ không có tâm sân, chỉ có niềm vui. Cái vui ở đó không có liên hệ đến năm dục như ở cõi Dục giới. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ riêng cảm thọ thôi đã là cả vấn đề rất lớn. Một người có giáo dục không có niềm vui bệnh hoạn, còn người không được giáo dưỡng thì họ không từ nan bất cứ niềm vui nào miễn là họ thấy thích. Vì vậy, có những niềm vui của người cư sĩ mà một vị xuất gia không nên bắt chước hay để tâm kiếm tìm.

3. Thế giới này là thế giới của thức

Đức Phật dạy rằng: Con chim có điều kiện thì bay về trời, con cá có điều kiện thì nhảy xuống nước, chồn cáo có điều kiện sẽ trốn về hang, con rắn có điều kiện thì chui xuống đất. Cũng vậy, 6 căn của một người không tu tập luôn có khuynh hướng đi tìm 6 cảnh. Dù là anh em cùng một nhà nhưng sở thích khác nhau. Có người tìm niềm vui qua con mắt. Có người tìm niềm vui qua những gì họ nghe được. Có người tìm niềm vui qua những gì họ ngửi. Có người coi nặng hình thức, trang phục quần là áo lụa, đồng hồ, mắt kính, nước hoa đắt tiền. Nước hoa cả ngàn đô la họ vẫn mua, những chai nước hoa đắt tiền mạ vàng cẩn hột trên nắp. Có người có mê âm nhạc, đầu tư cho những cặp loa rất đắt tiền, cho những đĩa nhạc. Có người mê ẩm thực, ghiền ăn và nơi nào có món ăn ngon là tìm đến. Có cô Phật tử bên Mỹ, cô ấy ở nhà lớn hay nhà nhỏ không thành vấn đề, xe tốt hay xe xấu không thành vấn đề, nhưng thành phố này có nhà hàng nào đó ngon lành, ngon miệng ra đời mà cô không biết tới, thì đó là vấn đề. Có người nặng về xúc, giường nằm phải êm ái, áo quần phải mịn màng họ mới chịu. Có người thích thiền định, trầm tư mặc tưởng. Thế giới này là thế giới của 6 thức là vậy đó. Có người muốn nhìn thế giới này qua cửa mắt, có người muốn nhìn thế giới này qua cửa mũi, cửa tai, cửa lưỡi, cửa thân, cửa ý.

4. Thế giới này là thế giới của hành

Thế nào là thế giới của hành? Chỗ này tôi nói sơ qua cho những người có học A tỳ đàm. Trong 50 tâm sở hành uẩn có thiện có ác. Trong tâm của một vị A-la-hán, cái thọ uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn giống hệt của mình, nhưng hành uẩn thì khác mình. Hành uẩn là yếu tố thiện ác trong tâm thức một người. Quí vị nấu ăn thì biết, có những thứ mình bỏ vô, nó không can dự vào mùi vị của món ăn, nhưng có những thứ thật sự tạo ra mùi vị đặc biệt. Trong một viên thuốc tây, chất trị bệnh không nhiều, nhưng tinh bột để làm nên viên thuốc thì nhiều. Trong một dĩa cơm thì thức ăn không nhiều bằng cơm. Trong tâm thức của mình có 4 danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó thọ, tưởng và thức không mang yếu tố quyết định phàm, thánh, thiện, ác. Cái danh uẩn đảm nhiệm vai trò yếu tố quyết định cho thiện ác phàm thánh ở một sát na tâm chính là hành uẩn. Ở tâm thức của một phàm phu có 14 tâm sở bất thiện tùy lúc mà có cái nào. Trong một tâm thiện cũng vậy, 25 tâm sở tịnh hảo cũng tùy lúc mà có cái nào. Riêng trong tâm của một vị A-la-hán thì không phải như vậy, không có tâm bất thiện đã đành rồi mà các tâm sở xuất hiện trong tâm của các ngài cũng không phải là tâm sở thiện mà là những tâm sở mang tính cách duy tác. Trong tâm vị A-la-hán cũng có tâm sở tư nhưng nó không tạo nghiệp. Trong tâm vị A-la-hán vẫn có phần, vẫn có vô lượng phần; vẫn có tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân y chang như tâm đại thiện của phàm phu, gọi là thánh hữu học, nhưng những cái này như hạt thóc bị luộc không để lại di hậu, hay kết quả. Hành uẩn là một thành tố tâm lý của chúng sinh mà chính cái này quyết định tâm thiện hay là ác.

Nói thế giới này là thế giới của tưởng uẩn, là thế giới của thọ uẩn, là thế giới của thức uẩn, hay là thế giới của hành uẩn đều đúng hết. Nói rằng thế giới này là thế giới của thọ uẩn thì ta cũng phải nhớ rằng luôn luôn có sự can thiệp của hành uẩn. Nói rằng thế giới này là thế giới của tưởng uẩn thì chúng ta cũng đừng quên rằng nó luôn có sự can thiệp của hành uẩn. Nói rằng thế giới này là thế giới của thức uẩn thì ta cũng luôn luôn phải nhớ rằng có sự can thiệp của hành uẩn. Tu tập là tưởng cũng tu được, thọ cũng tu được, thức cũng tu được.

Thế nào là tu thức? Nếu tôi không phải là nhà sư, tôi không phải là Phật tử, tôi muốn nhìn gì thì tôi nhìn. Nhưng tôi là nhà sư, là Phật tử, là người tin Phật, là hành giả, nên tôi hạn chế chuyện nhìn. Tôi sống trong thiền viện, trong chùa, hay trong nhà với vợ chồng con cái, tôi hạn chế tối đa chuyện lui tới để nghe, để nhìn những thứ tôi cho rằng không thực sự cần thiết cho đời sống chánh niệm của tôi. Như vậy là tôi đang tu với 6 thức. Ngay trong lúc đó cũng là lúc tôi đang tu với 6 thọ. Có những niềm vui tôi không muốn có nữa, vì nó là con đường dẫn đến đọa lạc, cũng như có những nỗi buồn giờ tôi không còn bận tâm nữa. Hạn chế tối đa những gì không thực sự cần thiết trong đời sống, đó là đang tu thọ, đang tu tưởng, đang tu thức.

Nội dung bài kinh này, Đức Phật dạy rằng: Con đường đi đến giải thoát là hành trình giải quyết dứt điểm tứ danh uẩn là như vậy. Quí vị nào không hiểu thì có thể hỏi thêm, đếm tới 3 không hỏi thì tôi đi. Bây giờ là 8 giờ, tôi chỉ còn có một ít thời gian là phải đi đến chỗ người ta cắt cây. Ở cái xứ này, muốn bỏ cây phải thuê người ta đem xe tới chở đi quăng. Một chỗ kiếm củi đốt không có, một chỗ muốn bỏ cây phải trả tiền, đúng là thế giới của cảm thọ. Xin chào đại chúng.  


:78: :78: :78:

Nhị Tường ghi chép

Cập nhật 27/3/2017

===//===

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#6
Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Paltalk

TƯƠNG ƯNG BỘ KINH

 

TK Giác Nguyên giảng

Nhị Tường ghi chép

===//===

Quote:
TẬP I: THIÊN CÓ KỆ.
CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN
I. PHẨM CÂY LAU

 

Bài giảng ngày 24-5-2014
ĐƯA ĐẾN ĐOẠN TẬN










Có một chuyện tôi nhắc tới nhắc lui tính đến hôm nay là ba ngàn tỷ lần rồi mà tôi vẫn thấy cần thiết phải nhắc lại đó là có bốn thứ vô minh[1], những ai có lòng cầu giải thoát cần phải nhớ. Không chịu hiểu rằng mọi hiện hữu trên đời này là khổ. Dầu là chúng ta hiện hữu trong hình thức nào đi nữa thì nó cũng là khổ. Con ong cái kiến khổ đã đành rồi mà cả Phạm Thiên, Đế Thích cũng khổ bởi vì hễ còn là phàm phu thì sống hết tuổi thọ trên đó rồi cũng phải quay trở xuống cõi khổ. Vì sao? Bởi vì mỗi người chúng ta trong vô số kiếp luân hồi đã tạo rất nhiều nghiệp thiện, rất nhiều nghiệp ác và có một chuyện ai cũng phải nhìn nhận đó là nghiệp thiện luôn luôn là số lẻ của nghiệp ác. Ví dụ, mình có tất cả là 1400 cái tiền nghiệp thiện ác thì trong đó thiện nghiệp nhiều lắm thì chỉ có 400 thôi, còn lại bao nhiêu là ác nghiệp. Vì sao? Vì khuynh hướng tâm lý sinh tử của phàm phu lúc nào cũng hướng về cái ác nhiều hơn là cái thiện. Bạn lành khó kiếm hơn bạn ác, điều kiện làm lành khó kiếm hơn điều kiện làm ác. Nếu không tin thì quý vị ngồi xếp bằng lại một ngày đi, coi trong hăm bốn giờ đồng hồ đó cái giây phút mình có thiện tâm được bao nhiêu phần trăm thời gian so với giây phút mình sống bằng tham lam, sân hận, si mê, ganh tị, bỏn xẻn, nhỏ mọn, ích kỷ? Trong một ngày như vậy có thể nói là chín mươi chín phần trăm thời gian của chúng ta là điều bất thiện. Thử nghĩ xem, mình đã biết Phật pháp, đã là tu sĩ, đã là Phật tử rồi mà còn tệ như vậy thì những kiếp mình không phải là tu sĩ hay Phật tử, không biết đến chánh pháp, những kiếp mình không mang thân nhân loại, những kiếp mình làm trùn dế, ruồi muỗi, cọp beo, heo bò đó ác nghiệp còn nhiều cỡ nào nữa. Thế nên, trong vòng luân hồi thỉnh thoảng chúng ta có được những thiện nghiệp và nhờ vậy thỉnh thoảng chúng ta được sanh về các cõi Nhân, Thiên, và sau những lần thỉnh thoảng sung sướng đó chúng ta quay trở về sự sa đọa thường trực chắc chắn của mình, cho nên nói gì thì nói hễ còn luân hồi là còn khổ.

Bất cứ một cảnh giới nào cũng nằm trong vòng kềm tỏa chi phối ảnh hưởng của tam tướng. Có sanh thì có diệt. Có mặt thì phải có vô thường. Mọi thứ luôn luôn trong tình trạng trở thành một cái khác, và mọi thứ, những gì chúng ta nhìn thấy trước mặt, khi chúng ta nhận ra nó là cái gì thì nó đã không còn nữa. Mọi thứ biến diệt mau lẹ hơn sự tưởng tượng của chúng ta nữa. Vì vậy hễ còn có mặt hiện hữu trên đời này thì chúng ta còn dây dưa với hằng hà vô số cái khổ.

Hôm qua tôi đã nói rồi, khổ có 3: Tất cả những gì làm cho mình khổ thân khổ tâm: khổ khổ. Sự biến mất những gì làm cho mình sung sướng: hoại khổ. Chính sự có mặt trong tam giới này mới có cơ hội cho chúng ta gánh hai cái khổ trước: hành khổ. Có mặt trong tam giới này dù ở hình thức nào cũng là khổ. Đừng nghĩ rằng sanh ra ở cõi này thì khổ mà sanh ra ở cõi kia thì sướng thôi bây giờ ta bỏ cõi này ta cầu nguyện vãng sanh ở cõi kia, đó là một thứ lầm lạc. Không biết rằng mọi hiện hữu là khổ, cứ cho rằng có chỗ này đáng ở, chỗ kia đáng sống, suy nghĩ như vậy được gọi là vô minh trong khổ đế.

Tất cả cái khổ của khổ đế được khởi đi, được gầy dựng từ 6 ái. Sáu ái là gì? Là thích trong những gì thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và suy tư. Nếu thích trong cảnh dục thì chết sẽ trở về cõi Dục tiếp tục sống trong cõi Dục; nếu thích trong thiền Sắc giới thì (phải ly dục, tu các đề mục) sau đó chết sẽ trở về cõi Phạm Thiên Sắc giới. Đắc thiền Sắc giới rồi nhưng không vừa lòng thỏa mãn với thiền Sắc giới thì tiếp tục ly dục để tu tập thiền Vô sắc để sanh về cõi Vô sắc cao hơn. Nói gom lại, dù thích cái gì cũng là tham ái, thích cái gì cũng là nằm trong 6 ái. Chính 6 ái này là nguồn cội để chúng ta tái sanh về các cảnh giới, và chính 6 ái này là lý do, điều kiện, nguyên nhân, yếu tố để chúng ta tiếp tục có mặt, tiếp tục hiện hữu. Tất cả mọi hiện hữu đều là khổ, không hiểu được mọi hiện hữu đều là khổ gọi là vô minh trong khổ đếKhông hiểu được 6 ái là gốc tạo ra khổ đế là vô minh trong tập đế. Không hiểu được có một trạng thái nằm ngoài khổ đế và tập đế là vô minh trong diệt đế. Muốn chấm dứt khổ, chấm dứt tái sinh nhưng cứ loay hoay trong những pháp môn nằm ngoài Bát chánh đạo, giống như khát nước mà uống nước muối. Vấn đề ở đây không phải mình là người Phật tử nghe giảng Bát chánh đạo rồi tôn sùng Bát chánh đạo là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Tác dụng dẫn đến giải thoát của Bát chánh đạo không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề khoa học. Sẽ có những người không tin Phật nói với chúng ta: Tu thì có nhiều con đường giải thoát lắm mà đạo Phật thì chỉ biết có Bát chánh đạo thôi cho nên đạo Phật cho rằng Bát chánh đạo là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát thật ra các tôn giáo khác cũng có đường hướng tu hành dẫn đến giải thoát. Họ nói gì thì nói nhưng chúng ta phải biết lý do vì sao đạo Phật đặt nặng Bát chánh đạo. Vì tất cả cái khổ của chúng ta khởi đi từ sự hiểu lầm, Bát chánh đạo là con đường giúp chúng ta lìa bỏ sự hiểu lầm đó. Mọi thứ trong trời đất vũ trụ này chỉ là những gì rất đỗi mong manh, có mặt chớp nhoáng, tồn tại hư ảo, phù du, ngắn hạn; tùy duyên mà có tùy duyên mà mất, nên không có gì đáng cho chúng ta ghét hay thích. Và trong con người cũng vậy, không có con người nào đáng để cho chúng ta ghét hay đáng để chúng ta yêu. Trong toàn bộ vũ trụ này chỉ có hai hạng chúng sinh: người đáng thương và người dễ thương, chứ không ai dễ ghét cả. Người đáng thương là những người đang sống trong bất thiện, đang chịu khổ. Những người đang thiện, đang sướng là người dễ thương. Vì không biết Tứ đế nên mình cứ ghét cái này, thích cái kia, từ chuyên môn trong đạo Phật gọi là tham ưu. Trong Tứ Niệm Xứ, Phật dạy: Vị tỳ kheo sống quán thân trên thân, tinh cần tỉnh giác chánh niệm, diệt trừ tham ưu ở đời. Tham nghĩa là chạy theo, ôm ấp, thích thú, đam mê; ưu là chống đối, bất mãn, ghét sợ. Một người sống chánh niệm thì không chạy theo thích thú cũng không bất mãn chống đối. Chỉ có Bát chánh đạo mới cho người ta một nhận thức đúng đắn về bản chất thực sự của vũ trụ, của thế giới. Đó là lý do tại sao Bát chánh đạo là đạo đế, là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát.

Chính vì vô minh trong Bốn đế nên mới có 3 hành. (phi phúc hành, phúc hành và bất động hành)[2] để tiếp tục tái sinh trong tam giới (Dục, Sắc và Vô sắc giới). Có nhiều vị trời, nhìn thấy dấu hiệu báo tin Bồ tát vừa nhận lời giáng trần tu hành thành Phật độ sinh thì nghĩ ngay: ta sẽ đến gặp ngài. Có vị thấy Bồ tát đản sinh ở vườn Lumbini thì cũng nghĩ rằng: ta sẽ đến khi ngài thành đạo. Có vị thấy Bồ tát bỏ ngai đi tu trong Khổ hạnh lâm thì nghĩ: ta sẽ đến nghe ngài thuyết pháp. Nhiều người đã nghĩ như vậy, nhưng tuổi thọ của loài người ngắn quá. Cõi Dục Thiên thấp nhất là cõi Tứ thiên vương cũng sống được 9 triệu năm nhân loại. Năm mươi năm của cõi nhân loại bằng một ngày đêm ở cõi Tứ thiên vương, một trăm năm của nhân loại bằng một ngày đêm của cõi Đao Lợi, hai trăm năm của nhân loại bằng một ngày đêm của cõi Dạ Ma… Họ sống lâu quá nên khái niệm thời gian không giống cõi Nhân loại nên từ khi họ nhìn thấy Bồ tát và dự định đến gặp Ngài đến khi họ chợt nhớ ra và đến hầu Ngài thì chỉ còn dịp nhìn thấy Ngài lần cuối cùng trong đêm Niết bàn mà thôi (Theo chú giải Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh). Dân sang nhất thế giới này là dân VN, từ cõi trời đi xuống nên mình rất thong thả, “không ăn đậu không phải người Mễ, không đi trễ không phải người VN”. Thông báo giảng từ 5 giờ sáng mà giờ này chỉ có chừng này người, một lát nữa các vị vô thì tôi đã không còn nữa. Chính vì vậy mà vị Phạm thiên nói: Mạng sống bị dắt dẫn, Tuổi thọ chẳng là bao, Bị dẫn đến già nua, Không có nơi dừng bước. Ai đem tâm quán tưởng, Sợ hãi tử vong này. Tôi chọn giảng năm giờ sáng để sau đó tôi còn có nguyên một ngày. Giảng càng trễ thì dở dang không đi đến đâu. Tôi chọn cách làm việc của người Âu Mỹ, đúng giờ là làm việc. Thậm chí ngày mai không ai vào lớp tôi vẫn tiếp tục giảng, bên cạnh tôi có người, tôi giảng cho một người nghe cũng được. Tôi học ở Đức Phật câu chuyện này: Chỉ vì để gặp du sĩ ngoại đạo tên là Upaka mà từ gốc bồ đề đi về thành Vương Xá Ngài cố ý đi bộ thay vì dùng thần thông. Ông Upaka thấy Ngài đẹp nên hỏi: “Ngài có phải là thần tiên?”. Đức Phật trả lời: Ta chỉ là một người tỉnh thức, một người giác ngộ. Nghe vậy, Upaka nói: Vậy cũng hay. Đức Phật nói: Mai sau khi nào nhớ đến ta, cứ đi tìm ta và hỏi “bậc chiến thắng đang ở đâu”, sẽ có người chỉ đường. Về sau Upaka đi lang thang và được một người thợ săn đem về hộ độ. Con gái của người thợ săn chăm sóc ông và lửa đã gần rơm. Gia đình người thợ săn thấy Upaka không có nghề nghiệp gì nên kêu ông đi theo cuộc săn để lượm thú về. Cô vợ ở nhà chế ra một khúc hát[3] ru con: “Nín đi con, nín đi con, đứa con trai của người du sĩ, vì một chút tình bỏ hết nợ nước mây, giờ trở về đi lượm thú, lượm chim trong rừng cây để sống. Nín đi con, nín đi con, đứa con trai của người du sĩ ngày nào giờ đã bỏ mộng nước mây…”. Upaka nghe khúc hát bỗng thấy sốc. Ngày xưa trời rộng bao la giờ thương một người đàn bà dốt nát quê mùa, mượn lời hát ru con mà mỉa mai chồng. Upaka nhớ lời đức Phật, lên đường đi tìm Ngài. Khi đến chùa Kỳ Viên, ông xin xuất gia và đắc quả A-la-hán. Vợ ông dắt con đi tìm chồng, cũng xuất gia và đắc quả A-la-hán. Chỉ vì một chút nhân duyên của vị này thôi mà Đức Thế Tôn đã đi bộ từ gốc Bồ đề về thành Vương Xá để chuyển pháp luân. Trong đời Đức Phật có nhiều trường hợp như vậy, trường hợp cuối cùng là một chút từ bi đối với thợ rèn Cunda. Trong bữa ăn cuối cùng đó, thay vì nhận của nhiều người tiếng tăm, đại thí chủ, Đức Thế Tôn chọn nơi hẻo lánh và nhận bữa ăn cuối cùng từ một người thợ rèn. Những hình ảnh đẹp nhất trong đời Đức Phật mà tôi lưu ý chính là những gì nhỏ nhặt nhất. Chúng ta cứ tưởng một Bậc đại giác như vậy trước khi Niết bàn sẽ có những sắp xếp ghê gớm cho đại sự về sau, nhưng không, Ngài chú ý những chuyện rất nhỏ nhặt. Chuyện lớn đã giải quyết rồi, trước đó mấy ngày, Ngài liên tục thuyết những pháp bất thối để gìn giữ giềng mối tăng già mai hậu, nhưng trong những ngày tháng cuối, Đức Phật vẫn để ý những chuyện chi li sắp xếp cho đời sau. Ngài dặn ngài A Nan “Sau này ta mất rồi, chúng tỳ kheo gọi có tôn ti một chút, nhỏ gọi lớn là Bhante, lớn gọi nhỏ là Avuso”. Tôi nghĩ đó là chuyện nhỏ vậy mà Ngài bận tâm chuyện đó. Ngài còn dặn ngài Ananda: “Sau khi ta mất rồi sẽ có tiếng đồn xấu cho Cunda, rằng thì là ta trọng bệnh vì ăn bữa cơm cuối cùng của Cunda. Hãy an ủi rằng, trong đời Như Lai chỉ có hai bữa cơm công đức vô lượng là của nàng Sujātā, nhờ bữa cơm đó mà ta có sức lực để thiền định và trở thành vị Chánh Đẳng Giác, bữa cơm thứ hai là của Cunda, bữa cơm cuối cùng trong đời của một vị Chánh Đẳng Giác, sau bữa cơm này ta viên tịch Niết bàn. Hãy nói với Cunda đó là hai bữa cơm quan trọng nhất trong đời vị Chánh Đẳng Giác”. Chưa hết, Ngài còn dặn ngài Ānanda, “Sau khi ta mất, tỳ kheo Channa xưa giờ rất kiêu ngạo, ỷ công đánh xe đưa ta đi xuất gia, từ đó sanh tâm kiêu ngạo không tôn trọng, không nhận lời nhắc nhở của ai hết, khi ta mất rồi, để giúp đỡ Channa, hãy dặn chư tăng bỏ lơ Channa một thời gian (tiếng Phạn gọi là “phạm đàn” nghĩa là đừng dòm ngó gì hết), đợi đến khi nào Channa cảm thấy hối hận đến ăn năn sám hối mới nhìn mặt và giúp đỡ”. Ngài dặn thêm ngài Ananda: “Khi ta mất rồi, tăng chúng tỳ kheo đừng quan tâm cúng dường thân xá lợi của ta, mà hãy dành việc đó cho cư sĩ, những người có niềm tin, việc quan trọng mà chúng tỳ kheo phải làm là tu tập 37 pháp Trợ bồ đề”. Những giây phút cuối cùng của vị Chánh Đẳng Chánh Giác đẹp như vậy đó. Đẹp không phải vì những chuyện ghê gớm to tát mà đẹp là vì quan tâm đến những việc cần thiết bất kể chuyện đó lớn nhỏ thế nào trong mắt người đời nhận xét. Trong lý tưởng đó, tôi nghĩ mọi người chúng ta nếu cái gì cần làm thì làm, còn điều kiện bối cảnh ra sao thì tùy duyên vậy. Khi mình nói với nhau là năm giờ mình bắt đầu học, thì dù chỉ có một người tôi cũng nói. Thật ra mà nói, tôi nghĩ rằng cho đến hôm nay, tất cả mọi người trong room vẫn có nhiều người không hiểu lý do tại sao có lớp học này, thậm chí có người còn ngờ những lý do rất là bất thiện nữa. Xin thưa rằng, chỉ một lý do duy nhất: hơn mười năm nay thỉnh thoảng tôi vào room Phật pháp, hoặc nghe youtube, hoặc các trang web có audio giảng pháp, tôi có một chút giựt mình, sợ hãi vừa chạnh lòng khi thấy rằng thật là khó hiểu khi Phật tử Nam Tông Bắc phái số người hiểu Phật pháp biết ngoại ngữ nhiều lắm vậy mà khi giảng Kinh Tạng người ta hoàn toàn không đả động gì đến cái gọi là chú giải hết. Tôi rất lấy làm lạ khi họ chỉ lật Trung Bộ Kinh ra, nhìn bản dịch của HT Minh Châu, họ dùng kiến thức tiếng Việt của họ, họ nghĩ ra làm sao thì họ dịch y chang như vậy. Chẳng hạn như bài kinh sáng nay, trong bài kinh có chữ “công đức”: “Ai đem tâm quán tưởng, Sợ hãi tử vong này, Hãy làm các công đức…”. Tăng ni, Phật tử ai mà chẳng hiểu chữ công đức này, thế là cứ giảng “công đức” là bố thí, trì giới v.v... Giảng như vậy không đến nỗi sai, nhưng không sát với nội dung bài kinh. Chỗ này có lệch một chút cũng không sao, nhưng có những bài kinh rất là quan trọng mà trình bày theo cách nghĩ cá nhân thì kẹt ghê lắm. Thứ nhất là bản thân mình không có điều kiện tiếp xúc được cái gọi là pháp nhũ, Phật thân. Thứ hai là mình không cho người nghe có cơ hội tiếp cận lời dạy uy nguyên của Đức Phật. Không có gì đáng tiếc cho bằng tuệ giác của một vị Chánh Đẳng Giác mà được diễn dịch bằng trí tuệ phàm phu. Đó là một trong những điều thiệt là đáng tức và thực là đáng tiếc. Chính HT Thích Nhất Hạnh trong một bài viết ngắn, hình như là bài Đi như một dòng sông, có nói một câu mà tôi rất tâm đắc: Điều đáng tiếc nhất là thành tựu trí tuệ, suy tư sâu sắc và cực kỳ minh triết của Đức Phật đã bị phàm phu đời sau diễn dịch theo nhãn quan thiển cận của họ và áp đặt lên những diễn dịch đó, bằng hai chữ “Phật ngôn” rất đỗi ngậm ngùi. Phật không có nói như vậy, mình cứ giải thích theo ý của mình rồi gắn chữ Phật ngôn lên đó có phải là mình đổ oan cho Ngài không, Ngài có tầm thường như vậy không, Ngài có nông cạn thiển cận như vậy không mà mình cứ tùy hứng và một phần là nghĩ đến thính chúng là dốt nên tha hồ muốn nói sao thì nói? Tôi nhớ VN có cái này vui lắm, mình nói hay nói dở gì họ cũng lên cúng bao thơ, nói hay nói dở gì họ cũng vỗ tay, nói hay nói dở gì họ cũng “sadhu” bể cái chùa, nói hay nói dở gì cứ thuyết trên ba thời pháp thì gọi là pháp sư, nói hay nói dở gì miễn có một lớp học thì được gọi là giảng sư. Nhiều khi chỉ giảng cách đọc kinh Pāḷi hoặc Pháp cú, cứ đem câu chuyện ra mà kể xong rồi tán hươu tán vượn chút xíu là có lớp học Pháp cú. Kể cũng lạ, kinh điển rất là nhiều nhưng không hiểu sao cứ coi Pháp cú như là lá cờ của Nam Tông. Có một ông ở Jacksonville bên Mỹ nói với tôi thế này: “Thầy nói con Bắc tông chớ con đọc kinh Nam tông. Quyển Đức Phật và Phật pháp với quyển Pháp cú con đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu lần”. Ổng tưởng nói vậy cho tôi vui, nhưng tôi nghe tôi càng thêm hận, bởi vì hai quyển đó đâu đủ để đại diện tiêu biểu cho giáo lý nguyên thủy, giáo lý Pāḷi đâu. Sau này tôi phát hiện ra là do ổng vào trong mấy cái room chỉ nghe được chừng đó thôi. Mình đánh giá, nhận xét về Phật pháp mà thông qua hai cuốn đó thì… không phải tôi chê, nhưng mà hơi nghèo. Gia tài ông bố mình để lại gồm có tám muôn bốn ngàn công đất, trong đó có hằng hà sa số những nhà kho chứa đầy châu báu, tự nhiên mình hốt ra có một thau một thúng, thì uổng quá. Lý do ra đời của lớp học này chỉ là một chuyện rất là nhỏ thôi; mong sao nó là một chút gợi ý cho những vị đang hoặc sẽ giảng Kinh Tạng sau này. Tôi mong lớp học này chỉ là một que diêm, chỉ là một tiếng động nhỏ, nhắc nhớ cho thiên hạ hãy giải thích kinh tạng theo chú giải đi, rồi mai mốt giải Luật tạng, A-tỳ-đàm tạng theo chú giải đi, chứ còn mình suy diễn, diễn dịch theo ý mình thì sau này sẽ không còn gì hết. Trong kinh, Đức Phật dạy rằng: Này các tỳ kheo, thuở xưa có một địa phương tên là Amaka có cái trống bằng da rất tốt, mỗi lần trong làng có chuyện gì cần hội họp thì người ta đánh cái trống đó lên. Lâu ngày cái trống đó có cái tên là trống Amaka, giống như mình có trống Ngọc Lũ, Đông Sơn vậy. Trống này bằng da nên lâu dần nó bị lủng, người ta dùng da vá lại, vá nhiều lần nhiều lỗ, dù vá bao nhiêu đi nữa nó vẫn mang tên là Trống Amaka. Này các tỳ kheo, rồi một ngày kia hình dáng chất lượng của trống cũ không còn nữa nhưng người ta vẫn gọi đó là trống Amaka. Này các tỳ kheo, sẽ có một ngày, sẽ có một thời, giáo pháp của Như Lai bị hiểu sai, bị xuyên tạc báng bổ nhưng người ta không biết và người ta vẫn cứ gọi đó là lời dạy của Đức Phật, lời dạy của Như Lai. Sẽ có một ngày chúng ta vào chùa thấy cúng bái xin xăm gieo quẻ thờ phụng tào lao nhưng vẫn để tấm biển to là Chùa, Đạo Tràng… Có chuyện rất lạ lùng khó hiểu và rất đáng tiếc là toàn bộ PG hôm nay được đặt trên nền tảng của Tam tạng dầu là Hán Tạng hay Pāḷi tạng nhưng tủ Kinh Tạng trong mỗi chùa là một nơi chốn mà hiếm được người ta chú ý đến nhất. Đó là một điều rất là đáng buồn. Cho tôi nói câu này dễ ghét một chút, ví dụ thôi, nếu đúng là chùa của tôi, và Phật tử đúng là đệ tử, học trò của tôi, thứ nhất là trong chùa tôi, tôi sẽ dành cho đại tạng một vị trí quan trọng cực kỳ, và thay vì làm tháp thờ xá lợi tôi sẽ làm tháp thờ Tam tạng. Vì sao, vì tôi không tin xá lợi, không phải vì tôi không tin Phật mà vì tôi quá quí Đức Phật, tôi nghĩ nhiều lắm Ngài để lại 5kg xá lợi. Thử nghĩ trong hằng hà sa số vũ trụ biết bao nhiêu người có thần thông có đức độ họ muốn thờ xá lợi của Đức Phật, họ xứng đáng hơn mình nhiều; Chư thiên Phạm thiên trong hằng hà sa số vũ trụ, đến cả trong kinh nói lá y Ngài mặc người ta cũng đem thờ, cái nắm tóc Ngài bỏ đi trong lúc đi xuất gia Đế thích cũng đem về thờ, có nghĩa là chút xương của Ngài khi đã thành Phật còn quí cỡ nào nữa; mình tu hành đàng hoàng chư thiên còn cho mình thờ chứ mình tu tào lao đời nào chư thiên họ để cho mình. Tôi không tin là hôm nay trên hành tinh này còn xá lợi Đức Phật. Nếu có thì hiếm ghê lắm chỗ đó phải có cao tăng thạc đức tu hành mới có, dù quí vị nghe rất là phiền nhưng tôi vẫn phải nói là tôi không tin xá lợi. Có là có ở đâu chứ ở trên hành tinh này tu kiểu cà chớn làm gì chư Thiên để cho mình thờ, cái quan trọng hơn chính là Tam Tạng. Nhưng khổ một chỗ, tủ Tam Tạng thì chùa có chùa không, mà nếu có thì Phật tử không biết trong đó là cái gì, không ai thèm dòm ngó. Chỗ đáng dâng hoa dâng hương quỳ lạy đó chính là Tam Tạng, vì đó là gốc của PG. Nếu là đệ tử của tôi thì tôi cũng sẽ hướng dẫn họ chú trọng Tam Tạng hơn hết, vì họ chỉ là Phật tử khi họ biết dòm ngó Tam Tạng. Chuyện vô cùng quan trọng nữa là càng hiểu nhiều Phật pháp thì công đức lúc bố thí trì giới sẽ lớn hơn. Trong A-tỳ-đàm có nói thiện hợp trí và thiện ly trí, tức là tâm thiện có trí đi cùng. Đừng tưởng tâm thiện hợp trí của tôi, của ông A, và ông B giống nhau. Cái tâm đại thiện hợp trí của ông A khác ông B vì cái biết của ông A nhiều hơn hoặc ít hơn ông B. Càng biết nhiều về Đức Phật thì khi lạy Phật công đức nhiều hơn, còn mù tịt về Đức Phật thì khi lạy Phật cũng giống như lạy một ông thần. Khổ một chỗ là Phật tử không được nhắc những chỗ này, cứ cắm đầu cắm cổ làm phước, cứ móc túi móc tiền ra cúng. Càng dốt Phật pháp chừng nào thì tâm hợp trí càng nhỏ càng bé, càng ít tác dụng chừng nấy. Mắc chứng gì vô chùa sợ Tam Tạng sợ kinh điển, sợ kinh cắn hay sao mà không dám học. Đi nói xấu tăng ni thì dám nói mà đi học đạo thì sợ bị la, vì sao, bởi vì mình là người cõi trên xuống, coi thường thời gian, coi trăm năm chỉ là rác, coi thường cơ hội gặp Chánh pháp. Đối với người Miến, họ quý cơ hội học Phật pháp, cơ hội trau dồi trí tuệ, cơ hội hành thiền lắm. Ý thức thời gian là mong manh, làm ơn làm cái gì đó cho đáng. Cơ hội của con rùa mù 100 năm trồi lên mặt biển một lần mà chui đầu vô lỗ ván là cơ hội khả thể (possibility) rất thấp. Cơ hội làm người còn khó hơn. Ngày xưa tôi nghĩ trong kinh dọa thôi, giờ già thì mới tin. Một ngày mình sống bằng tâm con người không nhiều, mà bằng tâm thú nhiều hơn: đói ăn khát uống, đực cái, trống mái, nam nữ tìm nhau. Ai đụng tới mình thì mình phản ứng tự vệ “cẩu xực xí quách”; dù mình có là tiến sĩ, bác sĩ, luật sư gì đi nữa cũng chỉ quẩn quanh cách sống đó thôi. Nếu mình sống như cái gì thì khi chết về với cảnh giới đó, mình sống với tâm của loài nào thì mai mốt mình về cộng trú với loài đó. Kiếp người ngắn ngủi và làm ơn nhớ điều này, chúng ta có 100 đồng, chia ra thành 5 tờ 20 đồng, giá trị của tờ nào cũng ngang nhau. Nhưng 100 năm của kiếp người thì không giống như vậy, 20 năm đầu đời mình có biết gì đâu, mình chỉ chớm trưởng thành, từ 20-60 thì chững chạc ngon lành, nhưng từ 60-80 thì hai mươi năm đó sẽ không như giai đoạn 20 năm của những năm trước đó, khi đó bệnh tật già nua tràn về, còn từ 80 -100 thì chờ vất đi.

Nhớ cái so sánh trên mới thấy bài kinh này là bài kinh đáng để lưu tâm, Phạm Thiên nói sống ít quá chứ nếu ráng tu thiền về cõi Trời sống lâu hơn. Đức Phật mới nói rằng: Sợ chết rồi tu thiền về cõi trên, sống hết tuổi thọ rồi cũng về cõi yểu nữa. Vì vậy Ngài sửa lại bài kệ của Phạm Thiên một câu thay vì: “Ai đem tâm quán tưởng, Sợ hãi tử vong này, Hãy làm các công đứcÐưa đến chơn an lạc” Ngài nói: Ai đem tâm quán tưởng, Sợ hãi tử vong này, Hãy bỏ mọi thế lợi, Tâm hướng cầu tịch tịnh.” Theo chú giải, “Làm các công đức” ở đây là tu tập các tầng thiền định để về Phạm thiên. Thế lợi là Lokāmisaṃ. Nếu không đọc chú giải, chỉ dùng kiến thức Hán Việt sẽ giảng “thế lợi” là danh lợi, lợi ích vật chất của thế gian. Thế lợi ở đây trong tiếng Pāḷi chỉ cho 3 hành[4]. Ba hành là từ 4 vô minh mà ra. Tịch tịnh là Niết bàn. Cái quan trọng nhất của người Phật tử là phải biết 4 thứ vô minh này. Bốn đế là toàn bộ vấn đề của vũ trụ, là toàn bộ vấn đề của sinh tử, là toàn bộ vấn đề của phàm và thánh. Nội dung bài kinh Chuyển Pháp Luân nói gì? Bốn thánh đế là nội dung chính của bài kinh Chuyển pháp luân. Nếu Bốn thánh đế là một vấn đề nhỏ, tầm thường thì một vị Chánh Đẳng Chánh Giác nhất thiết trí như vậy sao lại lấy làm đề tài để chuyển pháp luân? Khi Ngài giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân thì cả ngàn vũ trụ bị chấn động. Sau buổi học này, mong là bà con dù Nam hay Bắc tông hãy nhớ khái niệm căn bản về Bốn đế. Hôm trước tôi về Sài Gòn gặp mấy cô tu nữ. Tôi nói với họ rằng, chúng ta còn rất nhiều chuyện phải làm trong việc học hiểu Phật pháp. Tôi hỏi một cô Phật tử: Giữ giới là sao? Cô ấm a ấm ớ đại khái là “không phạm giới”. Hiểu như vậy là chết rồi. Một đứa bé còn bú nằm trong nôi làm sao phạm giới, vậy nói là nó đang giữ giới hay sao? Giữ giới có nghĩa là gặp hoàn cảnh thử thách cám dỗ, lẽ ra phải phạm nhưng mình không phạm, đó mới gọi là giây phút giữ giới. Mình không nhớ mình là tỳ kheo, sa di, cư sĩ.., đang chạy xe ngoài đường, giây phút đó đâu phải là giữ giới. Giới chỉ được kể là giới khi mình có lòng tác ý mà thôi. Nếu như mình sống bình thường, vẫn nghe pháp, vẫn xem kinh, vẫn kinh hành, vẫn tọa thiền, nhưng bỗng có tiếng nhạc đâu đó vọng tới đúng ngay bài nhạc mình thích mà mình vẫn chánh niệm; hoặc buổi chiều đói lắm, mình nghe mùi chiên xào mình có thể ăn mà người ta không biết mà mình vẫn không ăn, đó là giữ giới. Tôi còn hỏi vị đó: Thế nào là chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng? Các vị có tin nổi không, 4 cô tu nữ lanh lẹ xông xáo của chùa Phước Sơn, đi chung một xe khoảng hai chục cô, xung phong trả lời. Một cô trả lời: Chánh nghiệp là nghề nghiệp chơn chánh. Trời nóng mà nghe câu trả lời tôi càng nóng hơn. Tôi hỏi một cô im lặng: Cô có học Vi diệu pháp không. Cô đáp: dạ có. Tôi nói cô trả lời, cô nói, “Chánh ngữ là nói lời chân chánh”. Người ngồi kế bên hích cùi chõ cô một cái “Không phải nói lời chân chánh mà lời nói chân chánh”. Còn chánh mạng thì suy nghĩ cả buổi rồi trả lời: “Nghề nghiệp chân chánh”; chánh nghiệp thì trả lời là “hành động chân chánh”. Xin hỏi bà con, ba cái định nghĩa đó có đúng chưa, có đủ chưa? Tôi gợi ý cho quí vị một chuyện, cái định nghĩa Bát chánh đạo từ hồi đó đến giờ tăng ni Phật tử VN phổ biến trao truyền cho nhau cứ giải thích như vậy đó. Nếu quí vị nói đúng thì tôi cũng đồng ý là đúng nhưng không đủ. Vì sao? Ở đây ai có học A-tỳ-đàm thì biết, Bát chánh đạo có mặt đầy đủ trong một sát na thánh đạo; khi mình từ phàm sang thánh thì diễn biến tâm lý lúc đó phải có xuất hiện một tâm thánh đạo, thí dụ như tâm Sơ đạo, Nhị đạo, Tam đạo, Tứ đạo. Ngay trong tâm Sơ đạo có đủ Bát chánh đạo; nếu định nghĩa “chánh ngữ là lời nói chân chánh, chánh nghiệp là hành động chân chánh, chánh mạng là nghề nghiệp chân chánh” thì tôi xin hỏi, trong một sát na tâm, (theo A-tỳ-đàm giải thích, chỉ một búng ngón tay là vô số sát na tâm sanh diệt) thì 3 thứ định nghĩa này làm sao lọt vô được một sát na? Hiện giờ tôi đang uống một loại thuốc, Herba S, thuốc này chiết suất từ bông và trái Artichaut. Bên cạnh đó tôi cũng đi chợ mua bông Artichaut. Khi tôi cầm hộp thuốc Herba S này tôi thấy có ghi chữ Artichaut nhưng Artichaut này không giống như cái Artichaut tôi nấu trong nồi. Nó vừa giống và vừa khác. Cái viên thuốc nhỏ xíu mà tôi uống nó cũng là Artichaut, mà cái bông tôi bỏ vào nồi nấu cũng là Artichaut. Cái bông nó to cỡ nào mà viên thuốc nhỏ cỡ nào. Chánh ngữ chánh nghiệp chánh mạng nói ở trên cũng vậy… Bữa nay tôi lên trú xứ trên núi để làm cỏ, cưa cây khô, hôm qua mới mua cây cưa điện, giờ tôi phải đi rồi, khổ lắm chớ không phải sướng như bà con tưởng. Chúc bà con một ngày vui, ngày mai gặp lại.


[1] Xem bốn vô minh trong bài giảng ngày 22-5-2014
 
[2] Xem 3 hành trong bài Kinh Bộc Lưu giảng ngày 22-5-2014
[3] Một bản dịch khác:
"- Ầu ơ... ru con, con ngủ cho ngoan
Cha con ẩn sĩ... lượm thịt săn giữa rừng
Ầu ơ... ẩn sĩ rớt bát nửa chừng
Vì con, vì vợ còng lưng tháng ngày."
(Ngàn xưa hương bối- Minh đức Triều Tâm Ảnh)
[4] Xem 3 hành trong bài kinh Bộc Lưu

(Nhị Tường ghi chép)


[Image: flower-7-smiley-emoticon-emoji.png][Image: flower-7-smiley-emoticon-emoji.png][Image: flower-7-smiley-emoticon-emoji.png]



[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply