Tâm Ác
#1
Đời Phật Ca Diếp, Ngài Hatthisāriputta là một tỳ kheo và có một ông sư bạn tu chung. Cái ông này ổng do cái phước riêng ổng có một ít y bát và mấy cái đồ dùng cá nhân, không có nhiều nhưng mà cũng là đồ tốt, thí dụ như vậy. Rồi vị đó có ý hoàn tục. Thì Ngài Hatthisāriputta mới suy nghĩ, chỉ nghĩ thoáng qua thôi. Ngài nghĩ: "Ông này bây giờ có giữ ổng lại cũng đâu có được mà bây giờ ổng ra, mấy cái này ổng để lại cho mình chứ ai". Bởi vậy cho nên là Ngài có cái ý, Ngài nói: "Ờ thì thôi, tôi thấy ở hỏng được thì ra chớ ở đây làm gì, lỡ chợ lỡ quê, lỡ thầy lỡ thợ." Nhưng mà ngay sau đó Ngài hối hận. Hối hận nên Ngài nói: "Không, không, không. Hôm qua tôi thấy ông muốn quá nên tôi nói vậy thôi, chứ ông tưởng tượng mình từ dưới sình mình đã leo lên bờ, tắm rửa sạch sẽ rồi, bây giờ mình nhảy xuống sình nữa hay sao? Thôi thôi, tôi can, tôi can." Tức là có chuộc lỗi, có nói sửa lại. Nhưng mà hồi đầu có cái ý hơi ác, mà nói cũng có lý lắm: "Lỡ thầy lỡ thợ, lỡ chợ lỡ quê, thôi bây giờ ra đi cho thoải mái, làm cư sĩ tốt còn hơn làm ông sư xấu." Quất cho thằng nhỏ một thời moral vậy, cuối cùng thấy kỳ kỳ mới chỉnh lại, may là chỉnh kịp. Cho nên bây giờ nghiệp trổ mới hoàn tục có 7 lần thôi. Nếu mà không chỉnh là nó có thể quất 14 lần luôn.

Cho nên là mình học cái bài kinh này nó sâu dữ lắm. Là mình thấy chỉ một câu nói nhẹ nhàng xúi dại người ta để lại cái nghiệp không có tả được.
Giống như tôi nhớ ở Việt nam, hồi tôi còn nhỏ, có chú tiểu đó học chậm lắm. Chú học ngoài trường đời, học chậm rồi ở lại lớp, lưu ban một hai năm gì đó. Rồi ông sư trong chùa ổng nói đùa, ổng nói: "Thấy người ta học thấy ham. Người ta một năm ba lớp, còn cái chú này một lớp làm ba năm". Thì nói đùa cho cả đám cười cho vui vậy thôi. Nhưng mà nếu chú đó mà là một vị đại căn bồ tát mà mình trêu chọc kiểu đó là cũng mệt mỏi lắm chớ không phải không. Mệt mỏi à. Bởi vì mình không biết cái người mà mình đang đùa giỡn đây, mình đang tấn công đây, họ là cái loại nào, cái cỡ nào, cái tầm nào mình không có biết. Con chó, con heo trước mặt mình nó cũng hoàn toàn có thể là bồ tát nhằm cái lúc mắc đọa. Đâu có biết chắc được. Ngay cả con chó, con heo mình cũng đâu có chắc được.
Việt Nam mình họ nói có nhiều câu mà họ không có hiểu là “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Đó là nói hẹp. Còn nói rộng là bất cứ cái nghề gì mà có thể xâm phạm đời sống, chỗ ở, sự thoải mái, an lạc của chúng sanh khác đều rất nguy hiểm, rất tổn đức. Bởi trong cái nghề đánh lưới, bắt cá, săn bắn, đốn cây của mình, mình đã không biết mình xâm phạm biết bao nhiêu cái quyền lợi, lợi ích của các loài mà mình thấy được và không thấy được. Trong ngôn ngữ bình thường cũng vậy. Mình xâm phạm, mình tấn công cho nó đã nư, đã tức, hoặc nhiều khi chỉ là mua lấy một trận cười của anh em mà mình gieo một cái nghiệp mình không có lường được.
Cho nên cũng xin nói riêng với bà con, có giận ai thì giận, có nhiều lắm thì hãy để nằm trong cái ý nghiệp thôi, chớ đừng có đưa nó ra thân nghiệp và khẩu nghiệp cũng phiền. Bởi mai này, người chịu cái đó là mình chớ có ai. Mà có cái vụ này hơi mệt. Là ở trong đạo mình, mình mà đụng cái người mà họ không có ý ác với mình thì tội nó nặng lắm. Quí vị biết không?
Trong Kinh Pháp Cú ghi rất rõ: Ai mà dùng cái tâm ác mà tấn công người không có ý ác thì cái tội đó nó trổ ra rất là nặng. Nó trổ ra những cái quả, thí dụ như: sẽ bị hình phạt, tù tội, do quả nó khiến chớ không ai tố mình hết; hoặc là sẽ bị trọng bịnh và chết bị mê loạn, hoảng hốt rồi sa đọa. Dùng tâm ác mà tấn công người lành sẽ bị cái đó. Và trong đó có cái ớn là khi mà chết thì tâm hoảng loạn, và đặc biệt trong hiện tại rất dễ bị mắc trọng bịnh. Nhiều khi mình không có ngờ ở đâu mà có cái bịnh đó, bịnh đó không phải là tiền nghiệp xa xôi mà nhiều khi nó chỉ là nghiệp ngay trong đời này thôi. Khi mà có tâm ác như vậy.
Giống như Kokàlika, học trò của Đề bà đạt đa, ổng có tâm ác với Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Có người tới khuyên ổng ba lần mà ổng không nghe. Sau đó một hai ngày là cả người ổng nổi lên những mụt nhọt. Lúc đầu nó nhỏ như mụn bọc, trong kinh tả bằng hột mè, lên tới hột đậu, đậu xanh rồi lên tới đậu phộng, bắt đầu nó bể ra, vỡ ra, cả người ổng tanh hôi, đau đớn, rên xiết, ổng chết đọa địa ngục, là do dùng tâm ác tấn công người khác. Trường hợp đó quá tệ.
Còn trường hợp nhẹ hơn là nhiều khi chỉ là cái nghiệp trong lúc vui đùa, hoặc như Ngài Hatthisāriputta chỉ là cái nghiệp trong lúc Ngài có ý thích. Chỉ thích nhẹ nhẹ thôi, thích một hai món đồ tốt của ông kia để xài. lúc mình nghĩ nhanh, mình nghĩ hơi ác một chút, mình nghĩ "Ổng ra rồi cái này của mình chớ của ai". Nhưng ngay sau đó là Ngài hối hận liền tức thì; trong ba nốt nhạc là hối hận rồi. Mà vậy đó, các vị coi cái quả nó trổ ra hoàn tục 7 lần. Phiền lắm.

TK
Reply