Nghiệp Trổ
#1
Trong vô số kiếp luân hồi mình tạo vô số nghiệp và những cái nghiệp đó đến lúc thích hợp thì nó trổ. Trong kinh nói nó giống như một cái chuồng bò nhiều con. Mỗi sáng khi mở cửa ra thì con nào nó đứng gần cửa chuồng nhất thì con đó đi ra trước. Khi mà mình cả đời tu hành mình làm phước hoặc cả đời mình ác ôn côn đồ, cà chớn, lưu manh thì cái đó không quan trọng. Mà quan trọng nhất là lúc mà cận tử, ngáp ngáp. Lúc đó trong vô số cái nghiệp kiếp trước, cái nghiệp nào mà nó trổ nhằm ngay lúc đó là chính nó dắt mình đi. Cho nên nhiều khi cả đời mình tu hành rất là khả kính, nhưng tắt thở lại đi đọa. Còn cái thằng kia nó cà chớn nhưng mà nó chết rồi nó lại đi lên. Là tại vì ngay cái lúc nó tắt thở là nhằm cái lúc mà cái quả lành kiếp trước nó trổ. Quý vị hiểu không?

Cho nên đừng có lấy làm lạ là tại sao nhiều người cực kỳ ác ôn mà coi như đời nó may mắn vô cùng. Còn có nhiều người nó hiền lương vậy, mà nó xui banh xác luôn. Là tại sao? Là như thế này.
Mười năm về trước tôi siêng vô cùng. Tôi trồng nào là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, ổi, tùm lum hết. Mấy năm nay tôi lại làm biếng. Nhưng sau đủ 10 năm thì mấy cái cây mà 10 năm trước tôi trồng đó bây giờ là lúc tôi thu hoạch. Đúng không? Còn cái bà này 10 năm trước bả làm biếng không có tả xiết. Nhưng mấy năm gần đây thì bả lại rất là siêng. Thì năm nay tôi có sầu riêng ăn, mặc dầu tôi rất làm biếng. Còn bả năm nay tuy bả rất là siêng nhưng bả có sầu riêng ăn không? Không. Vì sao? Chưa tới lúc. Chính xác! Cho nên người không có rành, đi ngang thấy bả quần quật, quần quật. Tôi thì tôi cứ dật dựa vầy mà sầu riêng đầy nhà hết trơn, ăn hỏng hết, vừa ăn vừa bán, vừa cho vừa tặng mà hỏng kịp luôn. Còn bả là bả ra bả lạy cây sầu riêng mà cũng nó không có được một cái bông nữa. Tại sao? Vì nó chưa có đến lúc.
Cho nên là cứ mỗi lần mà ta có một thiện niệm hay ác niệm thì ta đã kín đáo tạo ta một cái tâm đầu thai cho kiếp khác. Và cái tâm đầu thai đó nó sẽ xuất hiện vào một cái thời điểm nào đó tùy vào cái lực mạnh của lúc mình tạo nghiệp. Có ba cái làm nên cái lực mạnh và yếu cho một nghiệp:
  1. đối tượng tạo nghiệp là cá nhân hay tập thể.
  2. đức độ hay không đức độ.
  3. tâm trạng của mình lúc tạo nghiệp mạnh hay yếu.
Thí dụ như mình cố ý cắt cổ gà cái tội nó khác. Còn đằng này mình cầm cái ly nước sôi mình tráng rồi mình hất ra đường, nó nhẹ hơn cắt cổ gà, đúng không? Nhưng mà khi mình hất một ly nước sôi vậy thì nó chết lũ phũ ở ngoải. Cho nên có hai loại nghiệp: vô ý và cố ý. Nghiệp cố ý có nghĩa là hôm nay mình cố ý mình giết người ta thì mai mốt mình bị đứa khác nó cố ý nó giết lại. Còn nghiệp vô ý là hôm nay mình vô ý mình giết cái con gì đó, mai mốt mình cũng bị một tai bay họa gở nào đó mình chết. Như đang đi cột điện ngã, chết. Hoặc là đường đèo đá bị lở không hay, lái xe đi luôn. Và ngày xưa tạo nghiệp vô tình, hôm nay chết cũng một cách ngẫu nhiên. Hay lắm. Có nghĩa là cái nghiệp nó rất là chặt chẽ.
Trong kinh Đức Phật dạy thế này: Có trường hợp nghiệp trắng thì cho quả trắng, nghiệp đen thì cho quả đen, nhưng có trường hợp trắng đen nó trộn nhau thì sẽ cho quả lẫn lộn cả đen lẫn trắng.
Trong kinh dạy có cái cô đó cổ gặp một vị A La Hán ôm bát đứng trước nhà cổ. Các vị đã đắc A La Hán rồi thì cái lòng từ của các Ngài lớn lắm, các Ngài không có làm cái chuyện nhóm lửa hoặc là đào đất bởi vì như vậy nó sẽ gây thương tổn cho chúng sanh. Thì cái vị A La Hán này Ngài ở trên núi Ngài cần một cục đất sét tốt để làm việc nên buổi chiều đó Ngài mới đi xuống cái lò gốm. A La Hán thì buổi chiều không có đi bát. Nhưng mà Ngài ôm bình bát Ngài đứng chỗ lò gốm. Mục đích của Ngài là Ngài xin đất sét thôi. Thì cô con gái của ông chủ lò, cổ dòm Ngài cổ nói: "Muốn xin đất hả?" Thì cổ nhìn Ngài cổ hỏi Ngài muốn cái gì thì Ngài trả lới muốn xin một ít đất. Thì cổ mới nói câu này: "Đàn ông con trai, sức vóc như vậy, một cục đất sét cũng không kiếm được mà tới đây xin. Tưởng xin cái gì quí hiếm, ai ngờ đất sét mà cũng lại chỗ có sẵn mà xin, sao không ra bờ sông, bờ suối mà lấy." Miệng thì nói vậy mà tay vẫn lựa cái cục ngon nhất bỏ vô bát cho. Nhưng miệng cũng phải đớp vài câu cho nó đã, nó hả cái nư của bà. Mà cổ không hề biết rằng cái người mà cổ cho cục đất là một vị A La Hán. Cổ miệng thì cầu nhầu mà tay thì vẫn lựa cục đất tốt nhất mà cho. Thì cổ không biết là cổ vừa tạo cái nghiệp vừa đen lẫn trắng. Do cái tâm cầu nhầu một vị A La Hán nên sanh ra đời đời kiếp kiếp cổ xấu hơn tôi nữa. Nhưng cổ tạo cái phước là cổ lựa miếng đất mà tốt, mịn, không có sạn, không có tạp chất; lúc cổ lựa cổ có ý tìm cái mịn, không tạp chất; thì lúc cổ nghĩ tốt cổ mới lấy. Thì khi cổ tái sanh cổ xấu ma chê quỉ hờn do cái cầu nhầu vị A La Hán đó, nhưng mà do cái tâm lựa cái mịn cho nên cổ lại có cái phước rất là lạ: ai mà chạm cổ rồi thì về bán nhà đội bàn thờ đi theo.
Cho nên có nhiều ông mê vợ bé mà vợ bé xấu hơn vợ cả. Chuyện ấy vì sao, chỉ có chàng biết. Bây giờ các vị hiểu rồi chứ? Có nhiều cái người lạ lắm, họ có một cái mùi nói rằng thơm thì không được nhưng mà nó như lia thia quen chậu, hương gây mùi nhớ. Nó có một cái gì đó rất là riêng mà nó quến một cái là kẻ kia không cách chi bỏ được.

TK
Reply