Nhật Ký Chép Bằng Kinh
#76
(2020-07-09, 08:27 AM)abc Wrote: tui có hỏi sư Viên Minh , đời này mình phải làm sao , làm gì để kiếp sau mình biết đâu là chánh pháp để mà tu .... mà Sư không trả lời tui

Câu trả lời của Ngài Ledi Sayadaw trong cuốn "37 Phẩm Trợ Đạo":

https://www.budsas.org/uni/u-37bd/37bd-00.htm

Vijjà (Minh) và Carana (Hạnh)


Sìla (giới) và samàdhi (định) hợp thành carana (Hạnh) trong khi pannà là vijjà (Minh). Như vậy, giới, định, tuệ là Minh Hạnh. Minh (vijjà) giống như đôi mắt của chúng sanh, Hạnh (carana) như cặp chân. Vijjà giống như mắt của chim, carana như cánh. Người có đủ Giới và Ðịnh nhưng thiếu Tuệ giống như có đầy đủ hai chân nhưng mù mắt. Người có Minh (vijjà) nhưng thiếu Hạnh (carana) giống như có mắt tốt nhưng hai chân bệnh tật. Một người có đầy đủ cả hai, Minh (vijjà) và Hạnh (carana), giống như người đầy đủ hai mắt sáng và cặp chân khoẻ mạnh. Thiếu cả hai, Minh và Hạnh, thì giống như người mù mà chân cẳng què quặt, không đáng được gọi là người.


Ðiểm Chánh Yếu


Tóm lược, điều chánh yếu là, chỉ khi nào ta hội đủ những hột giống Minh (vijjà) và Hạnh (carana) mới có thể giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống trong một kiếp tới. Nếu chỉ có hột giống Minh (vijjà), thiếu hột giống Hạnh (carana) như bố thí và trì giới, ta sẽ không được bảo đảm có cơ hội gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, Buddha Sàsana. Nếu đàng khác, hội đủ những hột giống Hạnh (carana) nhưng thiếu hột giống Minh (vijjà), mặc dầu ta có thể gặp được Giáo Huấn của vị Phật tương lai, nhưng không thể giải thoát. Do đó những người ở hạng padaparama ngày nay, dầu nam hay nữ, có chú nguyện được gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, phải cố gắng tích trữ trong thời Phật Giáo, Buddha Sàsana, hiện tại những hột giống Hạnh (carana) bằng cách thực hành bố thí (dàna), trì giới (sìla), và thiền vắng lặng (samatha bhàvanà), và cũng phải, tối thiểu, cố gắng minh sát Bốn Nguyên Tố Chánh Yếu Căn Bản, Tứ Ðại, nhờ đó được bảo đảm sẽ gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, và khi đã gặp, có hy vọng sẽ thành tựu giải thoát.

--ooOoo--

Bác abc,

Như vậy, cho dù có Hạnh nhờ giữ Giới và Định, người không học Giáo Pháp của Đức Phật hiện tại (Đức Thích Ca Mâu Ni) không thể có hột giống Minh để có thể được bảo đảm sẽ gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai . 

Nói cách khác, cho dù có đầy đủ Hạnh, nhưng thiếu Minh (vì tà kiến do chạy theo tà đạo) sẽ rất khó gặp Chánh Pháp .
Reply
#77
bạn LTP,

có lẽ do trăn trở nhiều về kiếp lai sinh nên tui hỏi , mong rằng có một sự an lòng từ lời khuyên bảo dạy dổ của một bậc tôn trưởng trong tăng già Phật giáo nguyên thuỷ thời nay 

trở lại vấn đề , dĩ nhiên là nếu minh-hạnh hay giới-đinh-tuệ tròn đầy thì còn gì bằng

nhưng vấn đề là mình có giới-đinh-tuệ ở một chừng mực nào đó thì khi bỏ thân này ... cuộc luân hồi đưa ta tới một kiếp sống khác , liệu những giới-định-tuệ ở mức văn-tư và một ít tu thì có đưa ta trở lại còn đường hướng thiện hay vì nhiều tiền nghiệp xấu + đủ duyên trong môi trường xấu  đưa ta tới hành động , một nhân mới không đẹp và vòng luẩn quẩn lại tiếp tục

tui thấy cái cận tử nghiệp quan trọng nếu nghĩ theo hướng này 

.... mai mốt tiếp , bạn LTP nghĩ sao
Reply
#78
Bác abc,

Theo tiêu chuẩn của câu răn dạy:

"Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn,
"Địa ngục vô môn hữu khách tầm."

Đường lên cảnh Trời và Người vắng vẻ ít người như hai cái sừng bò.  Trái lại, người ta chen chúc nhau xuống 4 đường ác đạo nhiều như lông bò.   Cheer

Trong xóm LTP ở, rất ít người đi chùa.  Trong số những người đi chùa, chỉ một số là có pháp danh (ha ha ha,  quan trọng lắm đó nha vì nếu không có pháp danh sẽ có người cho là đồ giả có mưu đồ phá Phật Giáo).  Trong số những người đi chùa, bao nhiêu người là lo văn-tư?  Bao nhiêu đi xa hơn một chút là cố gắng thực hành (tu)?

Sư Toại Khanh nhận xét trong 100 người đi chùa, chỉ có 1 hay 2 tạm gọi là xứng danh Phật tử.

Bác yên tâm đi.  Với nhận xét riêng của LTP, bác vững tâm tiếp tục đi trên đường đạo là bác dư sức qua cầu.

Thật ra, tất cả chúng ta chỉ biết cố gắng hết mình vì có nhiều yếu tố liên hệ với nhau để cho một kết quả mong muốn là được gặp Chánh Pháp trong kiếp tới. Cũng may chúng ta có cơ hội để tạo NHÂN lành nhờ hiện giờ đi đúng đường. 

Nói vậy chứ vì đức tin nơi Tam Bảo còn yếu vì chưa đắc đạo quả, nên ngay kiếp sống này đây, LTP có thể bị tà kiến dẫn dắt, rất dễ nghi ngờ Giáo Pháp, chạy theo tà giáo nhanh như chớp. :nhongnheo: Vì thể, LTP phải coi chừng canh giữ cái tâm tào lao của mình rất nhiều, bác ạ.
Reply
#79
Đối với người bình thường thì đời sống tẻ nhạt là một cái gì đó đáng ngại, đáng ghét, đáng sợ; nhưng đối với người tu hành hay đối với bậc thánh thì khía cạnh tẻ nhạt đó chính là khía cạnh chân thật và đáng có của đời sống.

Bởi vì, khi chúng ta thấy nó một cách trung thực không có vẽ vời thì ở đó chúng ta không có đi kèm với bất mãn, không có đi kèm với đam mê. Bất mãn và đam mê là cái gì mà đáng sợ dữ vậy? Muốn mà không được là khổ, ghét mà tránh không được là khổ. Chỉ những ai có cái nhìn trung thực thì mới có thể an lạc. Bậc thánh hay là hành giả Tứ Niệm Xứ có một điểm giống nhau là các ngài nhìn thấy thế giới này vô cùng tẻ nhạt.

Ý nghĩa cao nhất, rốt ráo nhất của đời sống là thấy ra sự vô nghĩa của nó. Thấy ra như vậy được cái gì? Được nhiều lắm. Khi thấy ra cái sự vô nghĩa của nó thì ta sẽ không thấy ở đời này có cái gì đáng để mình nặng lòng theo đuổi; và cũng không có gì đáng để nặng lòng chống đối, đập đổ, hủy hoại. Vì tất cả là vô nghĩa! Có ai siêng mà ra rừng bẻ cành rồi vặt từng chiếc lá nhỏ ra mà đếm không? Hay là ra ngoài bờ sông, bến bãi, ghềnh thác, lấy cây que đập nát từng cái bọt nước? Nó là bọt nước thì sớm muộn gì tự nó cũng vỡ thôi, việc gì phải can thiệp vào cái sự hiện hữu phù du của nó cho mệt. Bản chất của bọt nước là một hiện hữu rất đỗi phù du ngắn hạn thì mình can thiệp làm gì. Chính vì chúng ta thấy nó lớn chuyện cho nên chúng ta mới theo đuổi nó. Chính vì chúng ta thấy nó lớn chuyện nên chúng ta mới bất mãn, mới chống đối, đập đổ nó.

Còn đằng này, trong cái nhìn của một bậc thánh, cái nhìn của một hành giả Tứ niệm xứ, cái nhìn của một người hiểu chuyện, biết chuyện, thì mọi sự bản thân nó đã là vô nghĩa rồi. Bản thân cái sự có mặt của mình đã là vô nghĩa rồi. Chúng ta có thời gian đâu để mà theo đuổi, để mà nặng lòng, để mà cực lòng với cái vô nghĩa ấy của đời sống, khi bản thân mình đã là một khối vô nghĩa rồi. Người ta nói mọi thứ đều phù du, tại sao là phù du? Vì thứ nhất, không có cái gì tồn tại quá một sát na; thứ hai, cái ý nghĩa rốt ráo nhất của mọi hiện hữu là gì? Có để mà có vậy thôi. Khi các duyên hội thì mọi thứ có mặt, khi duyên tán (hết duyên) thì mọi thứ biến mất. Vô nghĩa như vậy đó.
Reply
#80
TỨ DIỆU ĐẾ

Thứ nhất niệm Phật không đúng cách là điều đáng tiếc. Thứ hai cho dầu niệm Phật đúng cách thì pháp môn niệm Phật không thể thay thế pháp môn Tứ Niệm Xứ. Bởi vì pháp môn niệm Phật nó hơi máy móc, nó chỉ đem lại cho mình niềm tin nhất thời, chứ còn để thấu suốt bản chất của cuộc đời, của bản thân mình thì pháp môn niệm Phật không phải là cách tốt nhất. 

Có một chuyện mà phải nhắc nhở ở đây là tôi đã nhắc không dưới mười ngàn lần đó là : Người Phật tử không thể nào mơ hồ giáo lý Tứ Diệu Đế, bởi vì đó chính là giáo lý căn bản của Phật pháp mà cũng là nguyên tắc căn bản của vũ trụ. 

Tứ Diệu Đế Là Gì ?
Tứ Diệu Đế là 4 sự thật .
-Sự thật thứ nhất là mọi thứ trên đời này đều là khổ.
-Sự thật thứ hai chính vì mọi thứ đều là khổ, nên những gì ta thích đều là thích trong khổ.
-Sự thật thứ ba muốn hết khổ thì đừng tiếp tục thích trong khổ nữa. Thích khổ thì ta sẽ đầu tư cái khổ mới. Thích cõi dục thì trở về với cõi dục. Mê thiền định thì sẽ trở về cõi Phạm Thiên. Sống hết tuổi thọ rồi thì cũng trở về cái chỗ thấp nhất. Sự vắng mặt của niềm đam mê ưa thích đó là Niết-bàn.
-Sự thật thứ tư là muốn không đam mê nữa, lìa bỏ đam mê thì ta phải hành trì đúng cách thì mới buông được . 

Buông có hai cách :
-Buông chỉ vì không cần nữa, đơn giản vậy thôi.
-Buông là vì mình biết rõ tại sao mình buông.

Hành trì đúng cách đó là hành trì theo tinh thần Bát Chánh Đạo. Mà rốt ráo ngắn gọn dễ nhớ nhất chính là tinh thần của Chánh Niệm. Để luôn luôn biết rằng cái gọi là “Tôi“ chỉ là sự lắp ráp về vật chất của  đất, nước, gió, lửa.
Còn về tinh thần nó là chỗ lắp ráp gặp gỡ hội tụ của Thiện, Ác, Buồn, Vui. Chỉ vậy thôi không có gì nhiều hơn nữa. 

Mong là các vị làm thử, tôi không dám mong là các vị tin tôi. Tôi không phải là thiền sư, càng không phải là hành giả, tôi là người sợ chết, chết nhát, tôi là người rất dễ bị tổn thương, có nhiều mặc cảm tự ti, và chính pháp môn Tứ Niệm Xứ giúp tôi tháo gỡ tất cả những thứ đó.

Không đi tìm cái ngọt, cái béo, cái thơm, mà cũng không trốn chạy cái đắng, cái chua, cái chát, thanh thản đi giữa cuộc đời này, nó làm sao thì nhận như vậy. Như người Mỹ họ nói : “Kẻ giàu nhất không phải là người muốn gì có nấy, mà chính là người có thể sống được với mọi hoàn cảnh“.

Sư Toại Khanh
Reply
#81
CHỚ HẸN NGÀY MAI


Một trong những sai lầm lớn nhất của người tu dù là cư sĩ hay xuất gia là một lời tự hẹn với mình sẽ tu thiền khi lớn tuổi. Sai lầm là vì mình không biết mình sống được tới già hay không. Tuổi trẻ là thời điểm tốt nhất để tu tập thiền định, nếu có nhu cầu nghiên cứu Phật pháp thì tốt, nhưng làm gì làm thì phải bỏ tư tưởng về già mới tu thiền. Một nội tâm không được tôi luyện từ trẻ thì già khó dạy lắm. Từ chỗ đó, việc ra đi thanh thản e khó. 

Đừng có lòng thơ ngây cho rằng cạo đầu đắp y là tu, hoặc có pháp danh, có bố thí cúng dường, lui tới chùa miểu tự viện gặp gỡ tăng ni là tu. Khi con bò không chạy thì đánh con bò chứ không phải đánh thùng xe, kiểu tu của mình là đánh thùng xe chứ không phải đánh con bò. Đánh con bò là giải quyết cái tâm chứ không phải là hình thức. Ngay lúc sống hãy nghĩ đến lúc chết, lúc trẻ phải nghĩ đến lúc già, lúc khỏe phải nghĩ đến lúc yếu, lúc đang còn điều kiện tu học phải nghĩ đến lúc không còn điều kiện.

Trong Tăng Chi, Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, đây là thời điểm thích hợp nhất để các ngươi tinh tấn nỗ lực thiền định, nỗ lực tu tập, đó là thời điểm các ngươi còn trẻ còn khỏe chưa có bệnh hoạn, tăng chúng chưa chia rẽ nhau, thời điểm nhân gian chưa có chiến tranh loạn lạc, thời điểm mà các ngươi còn khất thực dễ dàng… Quí vị hãy tưởng tượng nếu giờ đây quí vị bị một chứng bệnh nào đó, cao huyết áp, tiểu đường, sạn thận v.v... Chỉ đau răng, chóng mặt là khó khăn rồi. Cách đây mấy hôm tôi có đi bộ với mấy người Phật tử, họ đâu có lớn tuổi hơn tôi mà đi bộ không nổi, tay cầm có mấy ký mà đi không nổi. Tôi nghĩ, yếu như thế này thì sau này làm sao đối phó với bệnh hoạn trầm kha khốc liệt. Tuổi già đang gõ cửa, tu làm sao để thấy quan tài nằm trước mặt mình chớ không phải nằm ngoài rừng cây. Nằm ngoài rừng cây nghĩa là khi mình nằm xuống, con cháu sẽ đốn cây này làm quan tài cho mình thì còn xa lắm, còn thấy quan tài nằm trong thân cây chưa xẻ gỗ thì chưa khá. Phải thấy quan tài đã được xẻ gỗ, đóng rồi, sơn phết, sắp đặt rồi, chờ khiêng bỏ vô thôi, thì mới khá.

Trong chú giải kể một vị thánh A-la-hán lúc lâm trọng bệnh, Đức Phật có đến thăm, Ngài hỏi: Có chịu nổi không, có dấu hiệu khá hơn không? Vị ấy trả lời: “Bạch Thế Tôn, đối với con, chuyện nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, con không sợ hãi tiếc nuối nữa. Có điều con nghĩ, nếu ngày trước con có tu tập thiền Chỉ thì khả năng chịu đựng của con tốt hơn, cơn đau ít hoành hành hơn”.

Thiền Quán giúp cho mình sự trực nhận, hiểu thấu bản chất của các pháp, lìa bỏ phiền não. Xét về mặt tu hành giải thoát thì thiền Quán là lựa chọn số một, tối ưu, duy nhất và tốt nhất. Tuy nhiên, thiền Chỉ cũng có tác dụng đặc biệt trị bệnh, nhưng không phủ nhận giá trị của thuốc tê, thuốc mê, là phương tiện hỗ trợ trong quá trình trị liệu. Những ngày tôi làm răng, tôi nghĩ nếu không có thuốc tê chắc chết. Một lần tôi đi làm răng về, thuốc tê chưa tan, đói bụng quá, mở tủ lạnh thấy miếng dưa hấu, tôi ăn ngon lành mà sao nghe cái miệng có cảm giác rất kỳ, có cái gì đó hơi đau, tanh tanh nồng nồng, nhổ ra toàn máu thì mới biết đã nhai phần thịt mặt trong gò má mình, vì có thuốc tê nên nó không đau.

Giới luật là hành trang để mình trang bị; thiền định cũng là một thứ trang bị; thiền Quán cũng là thứ trang bị; kiến thức Phật pháp là một thứ trang bị và sự tĩnh tâm, kham nhẫn, tinh tấn, hành xả, từ tâm cũng là những thứ trang bị; thiếu đi một trong những thứ này chắc chắc đời sống ta có vấn đề, một ngày nào đó đối diện hoàn cảnh khốc liệt dứt khoát chúng ta sẽ tiếc nuối. Một vị thánh thì không tiếc nuối chớ phàm phu thì chắc sẽ tiếc nuối. Tôi xin nói rõ, thí chủ dâng y, thí chủ xây dựng chùa chiền, đúc chuông tượng, ấn tống kinh sách v.v... rất tốt, nhưng chưa đủ. Hãy coi chừng, công đức đó chỉ là phần nhỏ cho đời tu chứ chưa đụng chạm gì đến đời sống nội tâm của mình.

===== Sư Giác Nguyên =====
Reply
#82
NHỮNG GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG
Toàn bộ dòng sanh tử chỉ quẩn quanh trong cái thế giới của tưởng -- của hoang tưởng, của giả tưởng và của ảo tưởng.
Anh còn sống ở trong thế giới ảo tưởng, hoang tưởng thì anh mới còn có những giấc mơ hoang đường. Không học giáo lý mình không biết rằng tất cả chúng ta đây đều sống trong ảo tưởng, hoang tưởng và giả tưởng. Cho nên, những cái chúng ta thấy nó không phải là thiên đường mà nó là hoang đường.
Khi chúng ta là đàn bà thì chúng ta yêu đàn ông. Khi chúng ta là đàn ông thì chúng ta yêu đàn bà. Khi chúng ta là Mỹ đen chúng ta có những sở thích rất là Mỹ đen. Khi chúng ta là Mễ chúng ta thích những cái rất là Mễ. Khi chúng ta là người Úc chúng ta thích những cái rất là Úc, là người Âu chúng ta thích những cái rất là Âu. Khi chúng ta là con dòi, chúng ta thấy đống phân là tuyệt vời. Khi chúng ta là con ruồi, chúng ta thấy đống rác là tuyệt vời. Khi chúng ta là con chó, là con heo chúng ta thích những cái rất là chó, rất là heo… 
Hễ có cái thích là có cái ghét đối lập, mặc dù ngay lúc đó có thể là mình không biết, không ngờ, không nhận ra. Như bữa nay mình lang thang shopping trên phố tự nhiên phát hiện một cái áo có gam màu hay quá, cái họa tiết trên đó đơn giản mà hay quá. Trên nền vải lụa chỉ có một vệt mực giống như nét sổ của chữ Hán và một đường ngang đơn giản như thể cách điệu cho một cái gì đó, người nhìn muốn hiểu sao thì hiểu. Mình đâu có ngờ là khi mình bắt đầu thích cái loại hoa văn họa tiết đó có nghĩa là từ đây về sau gặp cái gì rườm rà rắc rối là mình ghét. Khi quí vị đã yêu được sự đơn giản là quí vị đã bắt đầu ghét cái rắc rối, phức tạp. Xưa giờ quí vị vốn thích cầu kỳ, diêm dúa, lòe loẹt nhưng hôm nay quí vị tự nhiên thích một khu vườn Nhật trên một bức tranh, một pano quảng cáo tình cờ nhìn thấy trên phố. Một khu vườn Nhật có ống tre ngà dẫn nước róc rách; vài viên sỏi trong lòng một con suối cạn nào đó. Khi chúng ta bắt đầu biết yêu một mái chùa Nhật, một khoảng sân cát, biết yêu một vệt nắng chiều trên triền đồi vắng, biết yêu những cái trầm lặng, đơn giản và quạnh hiu đó thì lòng chúng ta bắt đầu đã có khuynh hướng đối lập với những gì phồn tạp, ồn ào, ầm ĩ. Và khi anh ghét cái gì đó thì có nghĩa là anh đã bắt đầu yêu cái ngược lại. Hay vô cùng lời Phật dạy:
Đừng tìm chi cái ghét, 
Đừng tìm chi cái thương, 
Thương phải xa là khổ,
Ghét phải gần là khổ,
Muốn không được là khổ.
Cả đời này chỉ một vài câu nói ngắn ngủi của Thế Tôn đủ để cho mình tu, đủ để cho mình sống, đủ cho mình quì lạy. Không cần làm tượng gì cho nhiều, cho tốn kém, chỉ cần ghi câu trên lên một tờ giấy học sinh, giấy cahier dán trên vách, quì lạy suốt ngày. Toàn bộ thế giới này chỉ chừng đó thôi.

Sư GN

khi mình ghét Trump thì mình lại thích Biden và ngược lại .. khi mình thoát ra khỏi cái ghét và thương thì ...
ký tên: tui
Reply
#83
NẾU ĐỜI ĐỜI KHÔNG CHẾT, CHÚNG TA SẼ SỐNG CHO CÁI GÌ?
Hữu lậu là muốn tồn tại, muốn có mặt ở chỗ này, chỗ kia; muốn có mặt ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Có người còn ghê nữa, muốn đắc rồi phải có cái cõi Phật nào đó để về, để mà đời đời bất tử, pháp thân vĩnh hằng, bất diệt. 
Từ đâu ra cái ý niệm đó? Bởi vì, những nhân vật bị cái hữu lậu nặng quá mới lòi ra cái ý niệm về pháp thân. Họ đã ăn gian chỗ này: cái gì thuộc về hiện tượng thì nó có thể bị biến mất, nhưng cái gì thuộc bản chất, thuộc về ý nghĩa, thuộc về trạng thái thì nó không mất. 
Thí dụ mình hiểu chữ ‘Phật’ là trên khía cạnh hiện tượng. Ngài là một nhân vật lịch sử, một ông hoàng chào đời ở Lumbini biên giới Nepal, trụ thế 80 năm, sau đó tuổi già sức yếu bỏ xác ở một góc rừng Kusinara. Đó chính là Phật theo nghĩa hiện tượng. 
Nhưng hiểu theo nghĩa bản chất, nghĩa trừu tượng, nghĩa tinh thần, nghĩa bóng, thì ‘Phật’ là tánh giác, là cái khả năng hiểu biết, bao dung, yêu thương muôn loài. Khi Ngài còn, thì cái gì trên đời này Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có. Dầu Ngài mất đi, nhưng hễ mình nói tới Phật là hình dung đến những giá trị tâm linh này. Cái trạng thái làm sao mất được. Thí dụ như những định nghĩa nước là gì, lửa là gì, đất là gì làm sao mất theo thời gian được. Ngọn lửa có thể tắt. Cục đất có thể bị vỡ, bị tan, bị nghiền nát. Nhưng cái trạng thái, định nghĩa của những thứ đó làm sao mất. 
Có người do cái hữu lậu, hữu ái mạnh quá nên họ không có cam tâm chấp nhận cái chuyện tu hành mấy chục a-tăng-kỳ đùng một phát thành Phật rồi xuôi tay bỏ hết, ra đi. Họ chịu không nổi. Thế là họ mới tìm cách nắm níu, giữ lại cái gì đó. 
Thật ra là Phật có tới ba thân: báo thân, ứng thân và pháp thân. Báo thân là còn phải thị hiện là sanh, già, đau, chết, xuất gia, khổ hạnh... Nhưng cái ứng thân là Ngài còn có cái chỗ để Ngài về, một cái cõi nào đó sau khi mà Ngài thị hiện hoằng pháp ở đây. Còn riêng pháp thân là cõi tinh thần của Ngài thì đời đời bất diệt. Nghe thì sướng thiệt, nhưng mà nếu mình truy cho cùng thì hiểu vì đâu mà ra khái niệm tam thân. Bởi vì có những kẻ không có cam tâm. Tại sao họ không có cam tâm? Là bởi vì họ không có học cho thông bài học về bốn đế với Đế đầu tiên: mọi hiện hữu là khổ. Ý nghĩa cao nhất của Phật Pháp là thấy ra sự vô nghĩa của đời sống. Sống hoài để làm gì? Trong phim Chạng Vạng có một câu tôi rất là thích. Nhân vật nam nói với nhân vật nữ: “Em nghĩ đi, nếu tụi mình đời đời không chết thì chúng ta sẽ sống cho cái gì?" Cái câu hay quá. Hay đến mức mà tôi muốn đem khắc lên bảng vàng bia đá rồi sơn son thếp vàng treo trước Thiền viện Kālāma mai này. 
Không mấy ai thấy ra được cái ý nghĩa rốt ráo của đời sống. Ý nghĩa rốt ráo của đời sống chỉ là sự vô nghĩa thôi quí vị. Cái ý nghĩa cao nhất của Phật Pháp chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống. Anh sống để làm cái gì? Sống để tụng kinh, sống để thuyết pháp hay sống để ngồi thiền? Mà ngồi thiền để được cái gì? Để giải thoát! Mà giải thoát là cái gì? Là chấm dứt hết hay là tiếp tục tồn tại trong một hình thức khác? Anh giải thích cho tôi nghe, giải thoát là cái gì! Quý vị thấy không, ngay trong cái ý niệm mà muốn đời đời bất diệt đã là mâu thuẫn rồi. Anh còn hoài để làm cái gì? Anh còn hoài để đói ăn, khát uống phải không? Anh nghĩ nếu cái đó kéo dài một tỷ năm, một trăm tỷ, một ngàn tỷ, một triệu tỷ năm rồi thì nó sẽ đi về đâu? Cứ đói ăn, khát uống, yêu đương, giao phối như vậy hoài hay sao?
Rồi anh nói với tôi: "Không, không, tôi là Phật tử, tôi muốn sống đời bất diệt để tôi tụng kinh, tôi thuyết pháp, tôi ngồi thiền, tôi tế độ chúng sanh.” Mà nếu tất cả mọi người đều được đời đời bất diệt, thì như vậy mình sống để làm cái gì? Ở đây tôi không có chủ trương Hư vô luận (Nihilism), tôi không có chủ trương quái đản như vậy. Đạo Phật không có chủ trương Nihilism, nhưng có một điều, quý vị tự hỏi đi, có phải lý tưởng cao nhất, cái ý nghĩa cao nhất của Phật pháp chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống? Mọi hiện hữu là khổ, dầu trong bất cứ hình thức nào, dầu anh có là Phạm thiên vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng hay anh là một con dòi, một con giun đất ở trong mấy tầng đất sét đi nữa, anh là một con gián, một con thiêu thân, một con no see ums, một con uyên ương bay trong gió… . Con uyên ương giống như con phù du vậy đó, nó gắn nhau thành cặp, gặp mấy chiếc xe hơi chạy trên đường cao tốc là nó cứ bám vào cửa kiếng, hoặc như bên Việt Nam, Thái Lan, sáng sáng ra đồng là có mấy con bù mắt, (có người kêu là con bu mắt) bay thành nguyên một đám dầy đặc chắc cũng mấy chục ngàn con vậy đó, nó bu, nó chích mình. Sanh vô đó rồi thì đời đời kiếp kiếp. Có nhiều lần tôi nói tôi sợ làm cái con hàu (oyster). Nhìn xa nó y chang như đá, lại gần mới biết nó là một cái thứ sò ốc sống bám vào trong đá. Mình không hiểu nó sống để làm cái gì, không biết buồn vui, không yêu đương nhung nhớ, không toan tính suy tư, không lý tưởng hành động, không có một cái gì để phụng sự hy hiến, không có gì hết. Nó chỉ là một cục thịt nằm đó mà chờ cái ngày hóa kiếp thôi quí vị.
Do hữu lậu nặng quá mới nảy ra cái chuyện là có nhiều người mong uống từng cái chén trà, ngắm từng cái hoa “để thấy mình mai này trở về với đất, hòa tan vào đất, tiếp tục tồn tại trong hình hài khác; thấy từng cái giọt nước trong chén trà mai này sẽ về trời thành mây, rồi tiếp tục mưa xuống; bốc hơi đi đâu cũng về trời, cũng quẩn quanh trong khí quyển. Chúng ta có là một chiếc lá, một cành hoa trở về với đất mẹ thì tiếp tục nuôi dưỡng cành lá khác để tiếp tục hiện hữu trong một hình thức khác. Cái tấm thân mấy chục ký lô này mai này dầu đem chôn hay đem thiêu, thì nó sẽ là một phần đóng góp cho đất mẹ để nó tiếp tục nuôi dưỡng những mầm sống khác, cho chúng ta tiếp tục tồn tại hiện hữu trong những hóa thân mới…” Trời ơi, họ nghe như vậy mà sướng tê người quí vị biết không -- những người sợ mất -- họ nghe thấy hạnh phúc lắm. Nhưng mà, khi anh thấy sợ, thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống thì anh muốn dẹp nó. Vì sao vậy? Vì ý nghĩa cao nhất của Phật pháp chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống. 
Sư GN
Reply
#84
Khi mình thoát ra khỏi ghét hay thương thì dễ thở và sống lâu hơn, phải không anh abc??? 2leluoi 2leluoi 2leluoi
Reply
#85
(2020-10-16, 12:47 PM)Bella Wrote: Khi mình thoát ra khỏi ghét hay thương thì nhẹ thở và sống lâu hơn, phải không anh abc??? 2leluoi 2leluoi 2leluoi

Yes

dĩ nhiên khi còn là phàm (chưa phải là thánh) thì dĩ nhiên còn hỷ nộ ái ố ... nhưng mình tự nhắc mình ...

Đừng tìm chi cái ghét,
Đừng tìm chi cái thương,
Thương phải xa là khổ,
Ghét phải gần là khổ,
Muốn không được là khổ.

cho nên hể ai mà nói "dì Bella" này nọ  , thì họ có cái ghét và cái thương toward "dì Bella" , hễ dì Bella giận thì dì Bella còn dính vào cái ghét và cái thương ...phải hôn
Reply
#86
(2020-10-16, 12:54 PM)abc Wrote: Yes

dĩ nhiên khi còn là phàm (chưa phải là thánh) thì dĩ nhiên còn hỷ nộ ái ố ... nhưng mình tự nhắc mình ...

Đừng tìm chi cái ghét,
Đừng tìm chi cái thương,
Thương phải xa là khổ,
Ghét phải gần là khổ,
Muốn không được là khổ.

cho nên hể ai mà nói "dì Bella" này nọ  , thì họ có cái ghét và cái thương toward "dì Bella" , hễ dì Bella giận thì dì Bella còn dính vào cái ghét và cái thương ...phải hôn


Cảm ơn anh. Bella cũng thấy tâm mình lặng bớt rồi, không giận vu vơ nữa thì mới thấy mình bình yên hơn!!!! Grinning-face-with-smiling-eyes4
Reply
#87
NHỮNG MỐI BẬN LÒNG

Muốn có chánh niệm thì cần thiết phải dọn dẹp hai chỗ:
- Dọn trong lòng. 
Bớt đi những bận lòng, những bận rộn không cần thiết, những cái không đáng nhớ, những cái làm khổ mình. Không nhớ tùm lum chuyện quà cáp sinh nhật, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, tân gia, email, điện thoại tin nhắn, thương người này, giận người kia, ghét người nọ, cảm ơn người này, lên lớp dằn mặt người kia v.v..., cái đầu chứa quá nhiều thứ thì không kiếp nào mà chánh niệm được.
- Dọn ở ngoài. 
Hạn chế nhu cầu ăn, mặc và sinh hoạt. Trong phòng có cái gì không thật sự cần thiết thì nên can đảm bỏ đi  để mắt, mũi của mình không bận tâm tới những thứ không cần thiết đó. 
Trong phòng ít đồ thì ít bụi; ít đồ thì không có gián, chuột, rắn; ít đồ thì không bị vướng tay vướng chân.
Trong lòng phải bớt những chuyện bận tâm, ở ngoài thì hạn chế tiết giảm tối đa từ trang phục đến vật dụng, thì tôi hứa với quí vị chánh niệm sẽ "lên vun vút". Còn nếu quí vị không thay đổi nếp sống thì không bao giờ, không thể nào chánh niệm tốt được. Phải dọn sạch trống trong lòng. Phải hạn chế những mối bận lòng trong và ngoài đời sống của mình.

SGN
Reply
#88
GIỚI CẤM THỦ
Giới Cấm Thủ có nghĩa là bất cứ pháp môn hành trì nào không hướng đến Diệt Đế và không đúng với tinh thần Đạo Đế thì gọi là Giới Cấm Thủ.
Có nhiều bà con dính mà không biết. Thí dụ như cũng ăn một bữa mà ăn ngọ, ăn theo lời Phật để tu Tứ Niệm Xứ thì đó được gọi là đầu đà, là giới hạnh. Nhưng đằng này anh ăn ngày một bữa mà cầu quả nhân thiên, rồi còn chế ra mỗi lần ăn cái tay phải nâng cái chén lên bắt ấn lim dim, rồi trì Chú tùm lum thì đó là giới cấm thủ. Bởi vì những cái đó đi ngược lại tinh thần Bát Chánh Đạo.
Đó là tôi chưa nói đến những pháp tu kỳ quái. Bình thường thí dụ như mình thích ăn chay, ăn chay vì nhiều lý do : ăn chay nếu ở trên núi mình tự trồng trọt ăn được không cần phải đi chợ, ăn chay biết cách ăn cũng hỗ trợ cho sức khỏe của mình tốt, ăn chay vì lòng từ bi, mình không nhẫn tâm mỗi lần gấp miếng thịt miếng cá mình nghĩ đến quyến thuộc nhiều đời lòng không yên. Ăn chay như vậy thì tốt. Còn nếu cho rằng pháp môn này là cao siêu ..v..v, đứa nào không ăn được là xài không vô, ăn như vầy mới là thượng căn thượng phẩm, thượng nhân, thượng trí ..v..v, cái đó là tào lao nó lọt qua giới cấm thủ rồi.
Người nào mà từ cách ăn, mặc, ở, sinh hoạt lúc nào cũng phải thuận ứng dựa trên tinh thần của Bát Chánh Đạo và hướng đến cứu cánh Niết-bàn là chấm dứt phiền não sanh tử thì đó là chánh đạo, còn ngoài ra là tà đạo. 
*Bất cứ pháp môn nào mà thuận với Đạo Đế hướng đến Diệt Đế thì gọi là chánh đạo, còn ngoài ra là tà đạo, mà đi theo tà đạo chính là giới cấm thủ.
Điều này quan trọng lắm quí vị phải học thuộc lòng.
Sư Giác Nguyên
Reply
#89
Mỗi lần đọc/nghe lời Sư Giác Nguyên/Toại Khanh giảng, LTP cảm nhận như đang hưởng luồng nước mát Chánh Pháp.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ☸️
Reply
#90
LÝ DO NÀO MÀ CHÚNG TA PHẢI VỪA TU TÂM VỪA TU TƯỚNG ?

Khi một hành giả hiểu rõ Danh là gì ? Sắc là gì ? Nếu đủ duyên, luôn luôn tôi hay thòng câu này “Nếu đủ duyên”. Có nhiều người không có nghe câu này cứ về làm y chang mà sao thấy không đi tới đâu hết là bởi vì nhiều lý do :
-Duyên lành ba-la-mật của mình nó bị thiếu, công đức tu hành nó chưa có tới.
-Sự tinh tấn của mình chưa có tới.
-Trí tuệ của mình trong con đường hành trì chưa có tới, có nghĩa là còn một chút gì đó mình hiểu lầm. 
Như vậy thì chỉ cần sự tinh tấn của mình có vấn đề, trí tuệ của mình có vấn đề, sức khỏe của mình có vấn đề, ba-la-mật của mình có vấn đề và sự hướng dẫn của sư phụ có vấn đề thì quý vị có tu mỏi mòn cũng không đi về đâu.

Một lần nữa tôi xin nhắc lại ở đây :Thiền Sư hay kinh sách gì đi nữa, mỗi một bài kinh nội dung thì như nhau, kinh nào cũng hướng đến giải thoát, nhưng kiểu trình bày nó phù hợp với một số tạng người. Đó là nói về kinh. Còn nói về người, thiền sư, giảng sư hay pháp sư, kiểu suy tư, kiểu nhận thức, kiểu phân tích của mỗi vị chỉ thích hợp cho một số người thôi. Cho nên có nhiều khi (1) mình thấy thích nhưng mà nó không hợp (2) cái đó nó hợp với mình nhưng mình không thấy thích (3) mình vừa thấy thích mà nó cũng vừa hợp (4) không hợp cũng không thích. 

Điều bà con nên để ý : Thích Mà Không Hợp cái này mệt lắm. Có nghĩa là thấy vị đó nói pháp môn đó hay, thí dụ như tôi được nghe sau này có một trào lưu Tứ Niệm Xứ mà theo trào lưu gọi là Như Nhiên. Có nghĩa là sao ? Có nghĩa là họ nói : “Con cứ sống bình thường, con cứ đi trượt tuyết, con cứ đi quán bar, con cứ đi đánh bài, con cứ sống như hồi xưa giờ. Nhưng hôm nay con biết đạo rồi, con vẫn cứ làm, vẫn cứ sống tiếp tục hưởng thụ nhưng trong chánh niệm tỉnh giác.”. Khoản này tôi xin nói nghe thì đã thiệt, bởi vì những người Dễ Ngươi họ nghe kiểu tu này họ khoái lắm, nhưng nói cho rốt ráo nếu mà có kiểu tu Như Nhiên như vậy thì Tạng Luật để ở đâu ? Tại sao có Tạng Luật ? Bởi vì chính Đức Phật Ngài thấy rõ tu là tu tâm nhưng không thể bỏ phần tu tướng, tức là có những trường hợp do hình thức khép mình nào đó, tâm của ta cũng tự động được thúc liễm được kiểm soát dễ hơn. 

Tôi ví dụ một chuyện nhẹ nhàng, quý vị nhào vô một chỗ âm thanh ánh sáng tràn ngập, trai gái nam thanh nữ tú hò hét nhảy nhót, nếu quý vị nói giữ chánh niệm được thì tôi xin quỳ lạy từ dưới tôi lạy lên, từ trên tôi lạy xuống, chuyện đó không có, bởi vì nếu mà có như vậy thì những thiền viện lấy lý do gì ra đời. Người ta cần không khí gì ? Ngay cả bữa ăn trong thiền viện, mình không có tu hành gì hết, mình chỉ bước vào phòng ăn của thiền viện Pa Auk hay là Shwe Oo Min là mình đã thấy muốn tu rồi. Phải xếp hàng, hàng dọc kẻ trước người sau thứ lớp tuần tự, Tây, Ta, bà đầm v...v, là cứ để tay trước rốn, hai tay xếp lại đi từng bước, từng bước đi vào phòng ăn, có chỗ buffet, có chỗ dọn bàn, nhưng ai nấy vào lấy hoặc múc đồ ăn đều trong sự im lặng, cái đó gọi là tu tướng chứ gì nữa. Nhưng chính vì hình thức khép mình ấy nó đã hỗ trợ cho khả năng kiểm soát của ta rất nhiều. Đây là lý do vì đâu chúng ta vừa tu tâm mà cũng phải tu tướng là chỗ đó kính thưa quý vị ! Cho nên cực đoan cho rằng vật chất là tất cả đó là tào lao, mà cho rằng tâm là tất cả cũng là tào lao, mà phải nói rằng là tâm vật hỗ tương “Vạn Pháp Do Chư Duyên Mà Có“ đã nói “Chư Duyên“ có nghĩa là các duyên, mà các duyên ở đây nó không thể đóng khung trong loại duyên nào được. Xin nhớ giùm cái đó quan trọng lắm lắm. 

Sư Giác Nguyên
Reply