Mục lục và tóm lược "LTP Học Phật Pháp"
Lợi Ích của Chánh Niệm

... trong Kinh dùng mấy cái hình ảnh đẹp lắm, mô tả cái nội tâm của người tu
  1. Một là, như nước đối với lá sen. 
  2. Hai là như gió qua mành lưới. 
  3. Ba là hột cải đầu kim. 
Hột cải nó cứng mà nó tròn, đầu kim nó nhỏ mà nó nhọn, cho nên hột cải không thể nào đứng được trên đầu kim.  Gió không thể nào trụ lại trong mành lưới. Và nước không thể nào thấm được vô trong lá sen. 

Việt Nam mình thêm cái nữa là nước đổ đầu vịt. Một người tu hành thì sáu trần thị phi không có ảnh hưởng đến tâm tư. Nó trượt qua mất. Khi quý vị chưa tu tập quý vị thấy cái này như trên mây nhưng sẽ đến một ngày qúy vị làm được chuyện đó. 

Qúy vị hỏi tôi: "Chừng nào vậy, Sư ?". Dễ lắm, khi bác sĩ nói mình bị ung thư thì tự nhiên mình thấy tu nó dễ liền à. Lúc đó mình thấy mình bắt đầu là con số không rồi đó. Cho nên tu hành tốt nhất là nên tu bằng tâm trạng của người tử tù. Tôi biết tôi nói cái đó nhiều người thấy sợ, tu gì mà nặng nề quá. Đúng. Phải như vậy. Tu bằng tâm trạng của người tử tù, của người sắp ngồi ghế điện, tu bằng tâm trạng của người bị ung thư thời kì cuối. Chúng nó chửi vô mặt mình mình nhẫn rất là dễ. Đã nói ung thư thời kì cuối mà còn mặt mũi, danh dự, sĩ diện gì nữa.

Chỉ có người tu như vậy mới thực sự an lạc. Nhưng quý vị đừng có hiểu lầm là "Sống theo lời ổng là mình phải sống theo một cái tâm trạng mặc cảm". Không có. Cứ nghe lời tôi khi quý vị nghĩ mình là con số không, qúy vị an lạc hơn bao giờ hết. Người không có đủ Ba-la-mật nghe mấy cái này một là không hiểu, hai là hiểu nhưng không thực tập nổi. 

--ooOoo--

Sử dụng Ba La Mật

Có người hỏi tôi một câu hơi ruồi bu: "Sư ơi, trong Kinh nói rằng phải có đủ Ba-la-mật mới đắc Đạo. Làm sao mình biết mình có đủ Ba-la-mật?". Biết làm gì? Mình cứ nỗ lực, hễ nó đủ thì nó đắc .  Chứ mình biết làm cái gì. Phải nỗ lực. Và ngài Pa Auk ngài nói một câu tôi thấy rất là tâm đắc: "Đừng có nghĩ là đang tạo Ba-la-mật mà là đang sử dụng Ba-la-mật". Thay vì mình nghĩ tôi đang tạo Ba-la-mật tức là mình đã có mặc cảm kiếp này mình không đắc rồi. Mà Ngài nó là mình hãy sử dụng Ba-la-mật, nghĩa là mình đang bố thí, mình trì giới, mình vẫn làm bình thường, nhưng mình không có mặc cảm là mình phải đợi kiếp sau. Mình phải sử dụng cái hạnh lành của mình để mà mình tu tập, chứ không phải mình đang vun bồi để kiếp nào đó mới đắc. 

  1. Đừng bao giờ tu tập bằng cái tâm trạng của người mặc cảm.  
  2. Nhưng cũng không nên tu tập bằng tâm trạng của người tự đại.
Cả hai cái đều không nên. 

Thấy mình là ghê gớm thì không nên mà thấy mình là bé mọn đến mức mặc cảm tự ti cũng không nên. Cứ thẳng đường mà đi, đi được bao nhiêu thì đi. Mình nghĩ cái chân mình bị teo cơ mình đi không được thì thôi mình lết, mình bò. Còn đằng này mình nghĩ "Thôi, tui biết cái số tui, chân tôi bị què, bị cụt. Thôi tui ở đây à!". Đâu có được! Lết được thì cứ lết . Biết đâu khi lết, phát hiện ra chân mình không có bị gì thì sao ? Cho nên, bậy nhất là tự đại tự kiêu . Ếch ngồi đáy giếng mà nghĩ mình là cái rốn vũ trụ. Nhưng mà một cái thứ hai cũng bậy không kém là tự cho mình không làm được rồi không làm, cũng không nên. 

--ooOoo--

Thường Xuyên Sống Trong Chánh Niệm

Cứ thẳng đường mà đi, sức được đến đâu thì làm. 

Tôi đã nói rồi có ba lý do mà mình thường xuyên phải sống trong chánh niệm. 
  1. Một là không biết mình sẽ chết trong lúc nào đừng để mình chết trong thất niệm. 
  2. Hai, không biết cái cơ hội đắc Đạo của mình là lúc nào. 
  3. Thứ ba, mình không biết sắp tới đây mình sẽ làm chuyện gì. 
Thất niệm một cái chuyện gì mình cũng có thể làm. Đừng có nói với tôi "Tôi hiền .  Tôi không làm". Ví dụ cô chủ nhà này nhìn mặt cô thấy cô hiền, nhưng cô đừng có nói cô không tạo điều ác. Khó nói lắm. 

Ví dụ, cái chuyện này đã ác rồi nè . Người ta gọi phone vô "có nghe cô Đào, cô Yến gì đó không?" - "Ờ, cái bà đó bả đi chùa bà kỳ lắm". Lúc đó là lúc cổ tạo nghiệp đó. Lúc đó mà cổ nói theo là cổ có nghiệp rồi đó. "Ờ, em có thấy chị, bà đó bả kỳ lắm. Em nói không phải nói chứ, bả...". Rồi xong, vô rồi. Lúc đó là lúc tạo nghiệp mà mình không biết. Mình nói thêm, dậm vá, bổ sung là đã là nghiệp. 

Người có chánh niệm họ không làm chuyện đó. Hoặc là tin nhắn làm cho mình bực mình, lẽ ra mình trả lời cho đã cái bực mình nhưng mà không, mình nghĩ lửa cháy đến đây đủ rồi đừng để lửa lan thêm nữa. Người tu hành nhớ cái đó. Lửa đến đây đủ rồi đừng để lửa lan thêm nữa.

--ooOoo--

Thu Thúc 6 Căn

Trong Kinh có những cái bài học rất là hay. Thích cái gì càng ít căn càng tốt. 

Sáu căn là gì? Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mà mình thích cái gì bằng cả sáu căn thì cái thích đó rất là sâu đậm, đúng không? Ví dụ, mình mến một người nào đó bằng con mắt và tối về mình nhớ đến họ là đủ rồi. Còn đằng này mình phải gọi phone mình nghe họ nói, rồi mình tới cầm tay, cầm chân là thôi rồi, xong luôn. 

Kỳ rồi tôi dạy ở Houston, tôi có mến một cô thì mới có chuyện thế này: "Sư mến mấy căn rồi Sư?". Có còn nhớ bài Duyên hôm bửa mình học không? Có những thứ trên đời này nó giúp nhau bằng cách cùng có mặt. Có những cái nó giúp nhau bằng cách là vắng mặt. Có những cái nó giúp nhau bằng cách có mặt trước, có mặt sau. Qúy vị muốn khuyên một ông sư nào đó đang mang tiếng với phụ nữ, quý vị nói "Sư à, hãy để cô đó giúp Sư bằng cách ly duyên, giúp bằng cách vắng mặt nghe Sư, giúp bằng cách cùng có mặt là banh xác nha Sư!". Học giáo lý nó lợi ở chỗ đó, học giáo lý nó được nhiều cái rất là hay. Nên trong kinh dạy rất rõ "Thích cái gì, ghét cái gì càng ít căn càng tốt". Mình ghét thì ghét bằng nhãn căn, ý căn là đủ rồi, mà đến thân căn là thôi "máu nhuộm bến Thượng Hải".

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=RE3ETK1OLlQ&abt=S%E1%BB%91ng+Ch%C3%A1nh+Ni%E1%BB%87m+%281%29

(Sư Toại Khanh - Sống Chánh Niệm (1))

--ooOoo--

Tại Sao Không Khoe ?

Hễ ngày nào mình còn thấy mình là hay thì ngày đó mình còn đang dở ẹc. Bởi vì theo như trong Kinh, trên đời này 

  1. có một thứ duy nhất đáng để mình khoe đó là cái tánh không khoe. 
  2. Sự vĩ đại nhất của một con người tu hành đó chính là cái cảnh giới không còn so sánh nữa. 
Cho nên khi anh còn so sánh tức là anh chưa đi tới đâu hết. Mà khi anh đi đến đỉnh rồi anh không còn muốn so sánh nữa. Vì sao? Vì một chuyện rất là đơn giản, người ta hiểu hạnh phúc là gì, đau khổ là gì, cái phàm là gì, thánh là gì. Khi mà hiểu là như thế nào rồi thì mình thấy không có cái gì để hãnh diện hết. Tôi nói rõ ra cho quý vị thấy tại sao tôi nói như vậy. Các vị hành thiền, các vị nghe pháp, cái vị giữ giới, nó chỉ có nghĩa là mình đang uống thuốc chữa bệnh thôi. 

Nếu mà Ba-la-mật tròn đủ các vị đắc A-la-hán thì coi như các vị hết bệnh. Hôm qua tôi bị tiêu chảy, "đi" từ sáng đến tối, đi hỏng nổi, chỉ có bò thôi, tối uống đúng thuốc nó không tiêu chảy nữa. Sáng hôm sau các vị chỉ có mừng chứ các vị có hãnh diện không?

Tôi bị tiêu chảy tôi biết. Tôi hết bệnh tôi chỉ có mừng chứ tôi chưa từng soi gương thấy mình hay . Nó không chết là mừng lắm rồi. Thì một người hiểu Đạo thấy rằng tất cả mọi công đức quý vị làm, tất cả mọi thành tựu Đạo nghiệp chỉ là uống thuốc thôi. Và nó thật sự là như vậy, chứ không phải là vì tôi dùng phương tiện tôi giải thích, tôi ví dụ, không phải, mà thật sự nó là như vậy. Các vị có tu bằng trời đi nữa cũng chỉ là uống thuốc thôi. Và vị A-la-hán là người hết bệnh, thì các vị tưởng tượng mình đắc A-la-hán như người hết tiêu chảy vậy. 

Trong khi mình lại khác, mình mà được ba mớ mình lại thấy mình hay. 

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=xYeFI5fYV74&abt=H%E1%BA%A1nh+Ph%C3%BAc+v%C3%A0+%C4%90au+Kh%E1%BB%95+%281%29

(Sư Toại Khanh -  Hạnh Phúc và Đau Khổ (1))

--ooOoo--

Thương Tất Cả Chúng Sinh 

Có cô Phật tử đó má cổ chết: "Từ nhỏ đến lớn con sợ chết lắm, con nhát lắm, con chưa bao giờ có ý tự tử hết. Nhưng mà Sư biết không khi má con mất rồi con mới biết con thương má cỡ nào. Sư có biết con nghĩ là bây giờ con chết cũng được miễn sao con gặp lại má hoặc là con đừng có nhớ má nữa. Chứ giờ con điên lên rồi" . Cổ gọi phone cho tôi.
Tôi nói: "Tôi cũng bị mất mẹ như cô vậy đó. Cô đừng nói cô thương má cô hơn tôi thương mẹ tôi. Khó ai nói. Nhưng mà tôi hỏi cô, cái gì cô biết cô trả lời nha. Cô có tin rằng trước cái kiếp này cô đã từng sống nhiều kiếp sống quá khứ không?"

- Dạ, đi chùa con có nghe cái đó

- Cô tin không?

- Dạ tin!

- Cô có tin là kiếp này cô chết cô còn đi nhiều kiếp nữa không?

- Dạ tin!

- Cô có tin là kiếp quá khứ cô có vô số người mẹ không?

- Dạ tin!

- Cô có tin là sau kiếp này cô gặp vô số người mẹ không?

- Con tin!

- Năm nay cô nhiêu tuổi rồi?

- Dạ con 46 tuổi.

- Cách đây 47 năm cô có bà mẹ khác không?

- Dạ có thể!

- Vậy chứ bà mẹ cách đây 47 năm cô bỏ đâu rồi? Cô chỉ biết bà mẹ của bây giờ thôi. Năm nay cô 46, nếu cô sống thêm 30 năm nữa, 76 tuổi cô chết thì cô sẽ có bà mẹ khác. Bây giờ cô không màng bà mẹ của 30 năm nữa và bà mẹ của 47 năm trước mà cô chỉ màng đến bà mẹ mà đã sống cạnh cô 46 năm nay thôi. Cô nghĩ coi có kì không?" 

- Con biết, con biết, Sư nói con hiểu nhưng bà mẹ của con hy sinh cho con nhiều lắm... 

- Tôi biết, nhưng bà mẹ nào cũng hy sinh cho con hết mà cô chỉ nhớ bà mẹ bây giờ. Cô có biết rằng trong quá khứ có vô số những buổi chiều mưa, có một người đàn bà lưng còng, một bờ vai nhỏ, đội mưa đứng chờ cô trên một bến sông mỗi lần cô lấy chồng xa cô về, cô có biết không? Bả nấu những bửa cơm chiều cho cô ăn, tối cô ngủ bả lén lén bả vén mùng đuổi muỗi, bả nằm ké kế bên không dám đụng sợ cô giật mình, bả nằm ngoài nên muỗi cắn, rồi hôm sau bả bán chiếc nhẫn cưới của bả để chuẩn bị thức ăn cho cô ăn để làm dâu xa xứ. Cô có biết ở những kiếp quá khứ cô gặp một tỷ bà mẹ như vậy không. Cô đâu có nhớ, cô chỉ nhớ bà mẹ kiếp này không à. Có công bằng lắm không? Cô từng có mẹ, cô biết là mẹ thương mình cỡ nào, mà có vô số bà mẹ trong quá khứ và sẽ có vô số bà mẹ như vậy trong kiếp sau, mà mình chỉ tập trung mình khổ cho bà mẹ hiện tại.

-------------------------------

Nói như vậy, không hề có nghĩa tôi kêu các vị phủ nhận bà mẹ hiện tại, nhưng mà phải luôn luôn nhớ rằng có hiếu với bà mẹ hiện tại bao nhiêu thì cũng phải nhớ rằng bà không phải là duy nhất. Do đó, đó chính là lý do chúng ta phải thương tất cả chúng sinh. 

Đức Phật dạy rằng "Này các Tỳ kheo, thật khó để tìm ra được một người chưa từng làm mẹ ruột của mình". Với Phật nhãn Ngài thấy khắp nơi, Ngài nói thật khó để tìm ra một người chưa từng làm mẹ ruột của mình, chưa từng là cha ruột, chưa từng là một người vợ hiền, người chồng tốt, chưa từng là một người anh tốt, người em tốt. Ngài nói rất khó tìm được một người như vậy. Người đàn bà mà mình ghét nhất trong cuộc đời mình chắc chắn trong một kiếp nào đó, đã từng là một người vợ hiền, một người mẹ hiền của mình mà mình không biết."

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=xYeFI5fYV74&abt=H%E1%BA%A1nh+Ph%C3%BAc+v%C3%A0+%C4%90au+Kh%E1%BB%95+%281%29


(Sư Toại Khanh -  Hạnh Phúc và Đau Khổ (1))
Reply
Các Yếu Tố Hỗ Trợ Cho Việc Tu Tập  Thất Giác Chị, Dựa Theo Chú Giải
(Tỳ Kheo Ànalayo, Con Đường Thẳng Đến Giác Ngộ - 2003)

1/ Niệm - Sati:
  1. Niệm và hiểu biết rõ ràng
  2. Tránh người thất niệm, gần người có niệm
  3. Hướng tâm đến phát triển Niệm
2/ Trạch pháp - Dhammavicaya:
  1. Tìm hiểu lý thuyết
  2. Thân thể sạch sẽ
  3. Cân bằng ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ)
  4. Tránh người vô trí, gần người có trí
  5. Suy tư về các khía cạnh thâm sâu của Pháp
  6. Hướng tâm đến phát triển Trạch pháp
3/ Tinh tấn - Viriya:
  1. Suy tưởng về hãi hùng trong cảnh khổ
  2. Thấy được lợi ích của Tinh tấn
  3. Suy tưởng về con đường thực hành
  4. Tôn trọng phẩm vật cúng dường cho mình
  5. Suy tưởng về phẩm hạnh cao quý của truyền thống, của bậc đạo sư, của đệ tử Phật và bạn đồng tu trong đời phạm hạnh
  6. Hướng tâm đến phát triển Tinh tấn
4/ Hỷ - Piti:
  1. Suy tưởng về Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiền, và tịnh tịch
  2. Tránh người thô tháo, gần người thanh nhã
  3. Suy tưởng về các bài kinh tạo cảm hứng
  4. Hướng tâm đến phát triển Hỷ
5/ Khinh an - Passadi:
  1. Thức ăn tốt, khí hậu tốt, oai nghi dễ chịu
  2. Tác phong thăng bằng
  3. Tránh người náo động, gần người trầm tĩnh
  4. Hướng tâm đến phát triển Khinh an
6/ Định -Samàdhi:
  1. Thân thể sạch sẽ
  2. Cân bằng ngũ căn (tín, tấn, niệm, đinh. tuệ)
  3. Thiện xảo ghi nhận các định tướng
  4. Thiện xảo điều hướng tâm và buông xả đúng lúc
  5. Tránh người xao lãng, gần người có chú tâm
  6. Suy tưởng về đắc thiền
  7. Hướng tâm đến phát triển Định
7/ Xả - Upekkhà
  1. Xả ly với người và sự vật
  2. Tránh người có thành kiến, gần người không thiên vị
  3. Hướng tâm đến phát triển Xả
—ooOoo—

Vài điều cần làm 

Tránh người (và bản thân cần tránh):
  1. thất niệm
  2. vô trí
  3. thô tháo
  4. náo động
  5. xao lãng
  6. có thành kiến
Gần người (và bản thân cần tu tập):
  1. có niệm
  2. có trí
  3. thanh nhã
  4. trầm tĩnh
  5. có chú tâm
  6. không thiên vị
Suy tuởng về:
  1. các khía cạnh thâm sâu của Pháp
  2. sự hãi hùng trong cảnh khổ
  3. con đường thực hành
  4. phẩm hạnh cao quý của truyền thống, các bậc đạo sư, của đệ tử Phật và bạn đồng tu trong đời phạm hạnh
  5. các bài kinh tạo cảm hứng
  6. đắc thiền
(VietBest - Phật Giáo - Tạp Ghi, #768, p 52)
Reply
Đối với người cầu tiến, ác gồm có hai:
  1. một là những điều bất thiện mà ta cần trừ bỏ, 
  2. hai là sự giậm chân trong điều thiện. 
Và thiện cũng có hai:
  1. một là những hạnh lành mà ta cần phải trau dồi, 
  2. hai là khả năng vượt bỏ thiện ác.

--ooOoo--

Năm hạng chúng sanh:
  1. Một, chỉ biết mình thôi. 
  2. Hai, là biết quan tâm tới người nào tốt với mình. 
  3. Ba, là biết quan tâm tới người không ân oán với mình. 
  4. Thứ tư, thương được bạn của kẻ thù. 
  5. Thứ năm, là thương được kẻ thù. 
Vì sao khổ? Có ba: 
  1. thứ nhất là vì xa cái mình thích là khổ, 
  2. gần cái mình ghét cũng là khổ, và 
  3. bản thân sự có mặt cũng là khổ. 
https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=n4EhDY6Fgio&abt=Thi%E1%BB%87n+%C3%81c#Top
Reply
Chú Giải

Hỏi: Trong khi Sư giảng Sư nói "cái phần chú giải nói như thế này", vậy chú giải đó là của ai?

Trả lời: Kinh điển có ít nhất là năm đời. 

  1. Đời một là chánh tạng do đức Phật và các vị Thánh cùng thời với Ngài. 
  2. Đời hai là chánh sớ là chú giải đời một. 
  3. Đời ba là chú giải đời hai. 
Các vị sẽ thắc mắc là tại sao có chuyện đó? Là vì 

  1. đối với trình độ thằng Tèo nó thấy trong bài kinh chỉ cần có ba điểm cần giải thích thôi, thế là nó chỉ giải thích có ba cái đó thôi. Nhưng 
  2. đến thằng Tí, cái trình độ nó khác thằng Tèo, nó thấy ngoài ba điểm này còn những điểm khác cần nói thêm tại chúng sanh càng lúc càng ngu mà. Thứ hai, vì thằng Tèo nó giỏi nên giải thích của nó rất là đại khái, đời sau họ mới thấy rằng không phải ai cũng có thể hiểu cái đại khái đó nên họ tiếp tục họ giải thích cái đại khái đó. 
  3. Đến đời thứ ba họ mới thấy rằng giải thích của đời hai vẫn còn mơ hồ nên họ giải thích tiếp. Nói thẳng luôn những người có ác cảm với Nam Tông họ mới lôi mấy cái này ra họ nói đây là của đời sau. 
Nhưng mà họ quên một chuyện rất là quan trọng là 
  1. của ai không quan trọng mà 
  2. quan trọng là họ nói cái gì, 
dầu chú giải đời mấy đi nữa nó có chống lại đời một và đời hai hay không. 

--ooOoo--

Nghi Ngờ Không Phải Là Lời Phật dạy

Có người thắc mắc tiếp: "Ai có thẩm quyền giải thích Tam Tạng?"

Chính là các vị Thánh thời Đức Phật, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài A Nan, ngài Ca Diếp. Chú giải đời một là do ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Anan, ngài Ca Diếp chú thích. 
  1. Tại sao hồi kiết tập không có? 
  2. Tại sao có những bài pháp ngài Xá Lợi Phất thuyết được ngài Anan kể lại trong kỳ kiết tập nhưng mà phần chú thích của ngài Xá Lợi Phất thì lại không? 
  3. Tại sao có những bài kinh mà ngài Xá Lợi Phất thuyết mà đức Phật có lên tiếng xác nhận, ai cũng biết hết, còn có những bài kinh mà ngài Xá Lợi Phất thuyết nhưng không có đức Phật, rất nhiều bài giảng của ngài Xá Lợi Phất thuyết ngài Anan biết nhưng không có nhắc lại. Tại sao? 
Nó có lý do rất là quan trọng .  
  1. A-La-Hán thời đó nhiều quá, ngài Xá Lợi Phất là đệ nhất trí tuệ nhưng người nói đúng như ngài Xá Lợi Phất nhiều lắm. Nếu bây giờ gom hết những lời của ngài Xá Lợi Phất thì phải gom hết lời của ngài Mục Kiền Liên, gom hết lời của bao nhiêu vị địa cao đồ khác, như vậy kiết tập bao lâu mới đủ. Cho nên ở đây người ta chỉ ưu tiên cho lời Phật thôi và phần của các vị đệ tử chỉ là phần nhỏ thôi . 
  2. Còn cái phần chú thích của bài kinh những vị nào học Tam Tạng phải học thêm. Và các Ngài làm cái chuyện đó có ẩn ý . Khi ưu tiên lời Phật như vậy thì đời sau không dám tự tiện thêm vào nữa. Tôi thờ ngài Xá Lợi Phất tôi thêm ngài Xá Lợi Phất vô . Cô mê ngài Anan, cô thêm ngài Anan vô, hai vị này thì OK. Nhưng khi tôi và cô chết rồi, cái đám đệ tử sau nó thờ các vị khác tệ hơn, vậy suốt hai lăm thế kỷ quý vị nghĩ coi kinh Phật còn cái gì nữa.

Cho nên người ta phải ưu tiên cho lời Phật hoặc là vẫn truyền thừa nhưng mà xếp vào cấp hai câp ba chứ không phải cấp 1 được. 

  1. Một là ưu tiên lời Phật, 
  2. hai là nếu thế hệ trước thông thoáng quá thì thế hệ sau nó loạn. 
Nhờ sự kỹ lưỡng đó mà hôm nay ta còn bộ Tam Tạng Pali tương đối là tinh tuyền vậy mà ta còn nghi ngờ không phải lời Phật. 

--ooOoo--


Muốn Thành Phật Là Đổ Mồ Hôi

Muốn thành Phật là đổ mồ hôi, xót con mắt, máu lệ tính bằng biển chứ không phải tính bằng lít. 

Có người hỏi: "Tu khó vậy Sư?" 
Tôi không biết hành Ba-la-mật, bố thí thân xác, tình cảm, tôi chỉ biết một chuyện thôi: 

  1. Nội mà gồng cho người khác chửi mà mình không giận, mà 
  2. phải gồng nhiều kiếp mới đắc được. 
Chứ đừng có nghĩ đi chùa bố thí nguyện kiếp sau con đắc quả, giải thoát luân hồi, đâu phải đơn giản vậy. Ba-la-mật mà, trong Ba-la-mật có kham nhẫn, hành xả (hành xả ở đây không phải gia vị nấu ăn mà là dửng dưng trước vinh nhục, khen chê của đời, khó lắm quý vị).



https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=n4EhDY6Fgio&abt=Thi%E1%BB%87n+%C3%81c#Top
Reply
Người tu hành có nhiều hạng: 
  1. Hạng thứ nhất là thích thú, chìm đắm trong danh lợi. 
  2. Hạng thứ hai, không có tham đắm trong danh lợi nhưng muốn người khác biết là mình không có thích danh lợi. Và cái 
  3. hạng thứ ba, không thích danh lợi và cũng không muốn người ta biết rằng mình không thích danh lợi. 

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=n4EhDY6Fgio&abt=Thi%E1%BB%87n+%C3%81c#Top
Reply
Luân Hồi và Ba Yếu Tố Căn Bản (post # 431, p 29)

Cứ mỗi kiếp sanh ra, ta đều chịu 3 yếu tố căn bản: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý (gồm 6 căn tánh là 1-Dục tính, 2-Nộ tính, 3-Độn tính, 4- Đãng tính, 5- Mộ tính, 6-Ngộ tính) và môi trường sống.
  1. Do tiền nghiệp mà ta có mặt ở đâu và ở môi trường nào. 
  2. Do khuynh hướng tâm lý mà ta thuộc về cái loại nào trong 6 cái căn tánh. 
  3. Do môi trường sống mà ta tiếp tục giữ lại khuynh hướng đó hay thay đổi khuynh hướng khác. 
Ba yếu tố căn bản này thay đổi từng kiếp sống (súc sanh, địa ngục, a tu la, ngạ quỷ, chư thiên, và nhân loại) trong vòng luân hồi cho đến khi đắc đạo quả Niết Bàn.
Reply
Sư Toại Khanh Giảng Luân Hồi và Giải Thoát (1) (2-4) (#422, p 29)

Luân Hồi có hai nghĩa: 
  1. Luân Hồi Vĩ Mô: sanh tử, lăn lóc từ kiếp này sang kiếp khác, từ chỗ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, từ chỗ này sang chỗ kia. 
  2. Luân Hồi Vi Mô: trong từng khoảnh khắc, có lúc ta vui ta sống như Chư Thiên, có lúc bệnh hoạn, sân si, bực bội như khổ, như ngạ quỷ, như A Tu La. Ngay trong từng phút trong kiếp sống này mình đã sống đủ ngũ thú, lục đạo.
Hãy nhớ rằng từng giây phút tu tập là danh sắc tu tập chứ không phải ai đó đang tu tập. 

Phải ghi câu này 
  1. "Chỉ có sự khổ chứ không có người bị khổ. 
  2. Chỉ có nguyên nhân sanh khổ chứ không có ai tạo khổ. 
  3. Chỉ có cứu cánh thoát khổ chứ không có người thoát khổ. 
  4. Chỉ có con đường hành trì thoát khổ chứ không có người nào hành trì con đường đó". 
Có nghĩa là mỗi lần quý vị tu hành 
  1. chỉ có chánh niệm và trí tuệ làm việc 
  2. chứ không có "Tôi đang có chánh niệm", sai, sai rồi. Không có "Tôi đang có chánh niệm".
Chỉ ghi nhận 
  1. "Chánh niệm đang có mặt. 
  2. Từ tâm đang có mặt. 
  3. Tâm tham đang có mặt. 
  4. Tâm sân đang có mặt. 
  5. Cơn đau đang có mặt. 
  6. Sự thoải mái đang có mặt",
chỉ vậy thôi. 

Chí thiện: thiện hướng đến chấm dứt sanh tử.
Reply
Vô Ngã Trong Đạo Phật

Tin có một "cái tôi" vĩnh cửu là có một thằng Tèo, má nó đẻ ra, rồi thôi nôi, có thằng Tèo tám tuổi, có thằng Tèo mười lăm, có thằng Tèo hai mươi, bốn mươi, chín chục tuổi, rồi đám ma thằng Tèo. Là sai, không hề có một thằng Tèo nào sống lâu dữ thần như vậy. Trong kinh Đức Phật dạy rằng mội người chỉ tồn tại trong từng phút, cái sau cái trước tiếp nối nhau như mình thấy một ngọn lửa. Các vị không học vật lý, các vị tưởng có một ngọn lửa, nhưng thật ra ngọn lửa chính là một cái process tiêu thụ năng lượng, chứ không có gì là một hết. 

Cho nên, hồi mình chưa biết Đạo mình thấy cuộc đời mình là "line", biết Đạo rồi mình thấy nó là từng cái "spot", khi hành Đạo rồi mình chỉ thấy nó là từng cái "dot", chấm chấm chấm. 

Mà khi bạn thấy mình là mấy cái chấm thì người ta có chửi cha mình, mình không giận. Còn thấy mình là "spot" thì cũng còn giận chút đỉnh. Còn thấy mình là đường thẳng năm chục tuổi, ba chục tuổi là mình chém cả họ luôn. 

-------------------------------------

Ngọn lửa chính là một cái process tiêu thụ năng lượng.

Suốt cuộc sống, con người cũng chỉ là process tiêu thụ năng lượng. Chúng ta ăn là để tiếp tế năng lượng. Một khi không ăn nữa, năng lượng tiêu thụ hết, và cuộc sống chấm dứt.
Reply
Ba đoạn kiến là gì? Là 
  1. Vô hành kiến: phủ nhận thiện ác,  là thích gì làm nấy chứ không có vụ thiện ác báo ứng.
  2. Vô nhân kiến: cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, thay vì mình phải hiều rằng mọi thứ do các duyên mà có.
  3. Vô hữu kiến: phủ nhận toàn bộ những gì mình không chứng minh, không thấy được, là không có. Thí dụ, mình không thấy thiên đường, địa ngục, các loài khuất mặt, khuất mày, mình không thấy được Đức Phật, không thấy được các vị Hiền Thánh thì cái đó không có. Không có kiếp trước, không có kiếp sau bởi vì cái đó tôi đâu có thấy được đâu, tôi đâu chứng mình được, cái đó không có.
Reply
Sư Toại Khanh Giảng Cách Thực Hành Chánh Niệm (# 429, p 29)

Chánh niệm là gì? Cái nắm cửa nó bị dơ, từ xa mình nhìn là mình thấy nó dơ rồi, khi mà mình đưa cái tay ra mình vặn, mình có chút cẩn thận đúng không? Thì cái đó gọi là chánh niệm. Hoặc là mình đi chân không trên cái nền nhà, thì có người nói "hồi nãy mới bể cái ly đó nha!", thì cái sự cẩn thận đó được gọi là chánh niệm. Khi mình đi băng qua lộ, mình nhìn trái nhìn phải, băng qua với sự cẩn thận thì đó gọi là sự chánh niệm. Thì mình làm việc gì cũng trong chánh niệm. Chánh niệm không phải là lo âu nha mà là sự cẩn thận. Chứ còn nói chánh niệm là ghi nhớ, biết mình, tôi nhức đầu lắm. 

Phải hiểu chánh niệm là như vậy, có nghĩa là làm việc trong cái sự tỉnh táo, ghi nhận điều đó mình đang làm cái gì, thận trọng. Giở chân lên, để chân xuống, biết. Mà mình mới nghe mình tưởng là phải chậm. 

Không, cứ sinh hoạt bình thường nhưng biết là mình đang đi. 

Bây giờ tôi cầm cây viết lên tôi biết tôi đang nhìn, để xuống tôi biết tôi đang để xuống. 

Tập riết nó quen, chứ còn người ta nói bằng trời mình không tập mình không có hiểu. 

Tùy vào cái niệm mình nó có bén, cái niệm nó bén thì mình ghi nhận được nhiều, nếu nó không thì ghi nhận ít thôi . 

Mình nhìn cái này mình thấy thích thì biết đó làm tâm tham vậy thôi. 

Còn không thì khi tôi cầm lên, lúc đó có cái chánh niệm nó hỏi "có cần không?", thì thằng kia nó nói không cần thì thôi đừng có cầm lên nữa. Đó là cách một. 

Còn cách hai, vừa nhìn biết là nhìn, thích biết là thích, muốn cầm biết là muốn cầm, cầm lên biết là cầm lên, nhìn biết là nhìn, để xuống biết là để xuống. Đó là cách. 

Nói chung là, tha hồ anh muốn làm sao anh làm nhưng anh phải luôn luôn bảo đảm với tôi là chánh niệm. 

Và tôi nói thiệt rõ một chuyện nữa, bằng tâm từ bi, là quý vị có tin tôi thì hãy thử sống chánh niệm một ngày đi nó an lạc lạ lùng lắm, rất là an lạc. 

Cứ học Đạo hoài mà không có một ngày sống chánh niệm. 

Mà nhớ cái này rất là quan trọng, chánh niệm chỉ là chánh niệm, ở đây không có "Tôi đang tu chánh niệm". Nhớ nha. 

Và tôi nhắc lại một ngàn lần, quý vị có đắc A La Hán thì cũng không có cái gì để quý vị tự hào hết, bởi vì mình bị bệnh thì bây giờ mình hết bệnh thôi, chứ đừng có bao giờ lén lén nghĩ rằng mình hay hơn cái bà khác: mình giỏi, mình chánh niệm, mình trí tuệ. Không. Nhớ cái đó. 

Chánh niệm yếu tôi không sợ mà tôi sợ tu bằng cái tâm niệm "Tôi tu", cái đó nó cản dữ lắm. Bởi vì khi mình bỏ được "cái tôi" thì mình mới đi xa được. 

Mà hễ Ba La Mật yếu thì nghe không có hiểu cái đó, mắc gì phải "Tôi" hoài, mình có cái khỉ gì đâu, mình là một đống phân mà cứ "Tôi" hoài, không có cái gì hay hết. 

Bây giờ nó đau quá thì mình biết cái khổ nó đang có mặt. Bây giờ đang ngồi gió mát thổi thoải mái thì mình biết sự thoải mái đang có mặt. Vậy thôi. 

Bắt đầu tập trung theo dõi hơi thở tiếp, ra biết ra, vào biết vào, đang theo dõi như vậy cái nó có sự khó chịu, mình biết đang có sự khó chịu vậy thôi. 

Ở đây, không có ai tu hết, chỉ có chánh niệm, chỉ có tham, sân, si nó làm việc với nhau thôi. 

Mà nói vậy cũng không hiểu, cứ lén lén nghĩ là "Tôi hay", ngộ lắm. Tại sao tôi biết cái đó ? Vì khi nói chuyện tôi mới biết . Họ khoe, họ nói "Lúc này Sư biết không, nó hoan hỷ lắm Sư!". Họ tính chia sẻ cho mình, nhưng mình hiểu ngầm là họ muốn khoe .


https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=5hKyhHElUK8&abt=Nh%E1%BA%A5t+Thi%E1%BA%BFt+L%E1%BA%ADu+Ho%E1%BA%B7c+%281%29
Reply
Sư Toại Khanh Giảng Thế Giới Đời Sống Muôn Loài (1-6)

Năm Định Nghĩa Quan Trọng Cần Ghi Nhớ

Tôi định nghĩa lại đến khi quý vị chán thì thôi: 
  1. Thiện là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành. 
  2. Ác là sáu căn biết sáu trần bằng tâm xấu. 
  3. Buồn là sáu căn biết sáu trần bất toại. 
  4. Vui là sáu căn biết sáu trần như ý. 
  5. Tứ Niệm Xứ là biết rõ sáu căn biết sáu trần bằng tâm gì, bất kể trần đó là bất toại hay như ý. 
Reply
Muốn thành Phật Tổ phải có ba đặc điểm. 
  1. Một, luôn hướng đến cái tốt hơn. 
  2. Hai, là khả năng buông bỏ rất tốt.
  3. Ba, là không có giam nhốt trong bất cứ một cái nhà ngục nào. 
Nhà ngục gì ta? 
  1. Nhà ngục vật chất, 
  2. nhà ngục phước báu, 
  3. nhà ngục tình cảm, 
  4. nhà ngục kiến thức. 
https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=PE2v61SGGlg&abt=Th%E1%BA%BF+Gi%E1%BB%9Bi+%C4%90%E1%BB%9Di+S%E1%BB%91ng+Mu%C3%B4n+Lo%C3%A0i
Reply
[Image: IMG_8358-800x445.jpg]

Ảnh hoa sen đẹp quá .  


https://theravada.vn/phan-v-dai-kinh-chu...hau-upari/
Reply
Chứng Thánh

Chứng Thánh có nhiều cách định nghĩa.

  1. Một là hoàn tất Bát Thánh Đạo gọi là chứng Thánh. 
  2. Cách thứ hai, hiểu rõ Tứ Diệu Đế là chứng Thánh. 
  3. Ba, hiểu rõ mười hai Duyên Khởi là chứng Thánh. 
  4. Bốn, hiểu rõ Tam Tướng, tức là ba cái ‘characteristic’ của thân này là chứng thánh. 

Bốn lời nguyện quan trọng

Bốn lời nguyện này là tuyệt vời, phải ghi. 

  1. Một là đời đời sanh ra gặp được minh sư, thiện hữu. 
  2. Hai là dầu giàu hay nghèo chỉ cần muốn làm phước là phải có ngay. 
  3. Ba là dễ dàng đắc chứng thiền định. 
  4. Bốn là Thánh Hiền ra đời là con phải gặp. 
https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=PE2v61SGGlg&abt=Th%E1%BA%BF+Gi%E1%BB%9Bi+%C4%90%E1%BB%9Di+S%E1%BB%91ng+Mu%C3%B4n+Lo%C3%A0i


Thiết Tha Với Đạo Pháp

Khả năng tinh tấn của bà con thật ra không tệ, nhưng vì cái sự thiết tha của bà con nó chưa đủ .

Bây giờ mà bác sĩ phán sống chánh niệm ba tháng chữa được ung thư, coi như là khắp thế giới thiền viện mọc như nấm.

Còn nói rằng sống chánh niệm để mà giải thoát, để an lạc hiện tiền thì không ai tu hết . Tại vì đối với họ cái chuyện đó rất là xa lạ, xa vời. 

https://toaikhanh.com/audiotext.php?mp3=audio/2019%20Sydney/012.%20V%C3%B4%20minh%20-%20H%C3%A0nh%20tr%C3%ACnh%20gi%E1%BA%A3i%20tho%C3%A1t
Reply
Bốn điều phải nhớ

Anh cơ tánh gì tôi không biết nhưng có bốn điều anh phải nhớ . Đó là Pháp Tài Lữ Địa.

  1. Pháp là đề mục thích hợp ,
  2. Tài là điều kiện sinh hoạt OK,
  3. Lữ là thầy bạn cũng phải OK,
  4. Địa là trú xứ phải OK.
Thiếu một trong bốn cái này khó tu và đương nhiên là tôi có một đề nghị nhỏ, Cái này không phải đề nghị mà nhắc. Quý vị thử đi:

Một khi đã qua đó (qua Miến Điện) một tuần hay một tháng mình thử là một hành giả hết mực, có nghĩa là cái gì cũng buông hết. Phải có cái gan như vậy đó.


Hạn chế trao đổi - Có gì để tâm sự ?

Bên thiền tông Bắc truyền có một câu chuyện rất nổi tiếng. Đó là một công án. Một người đang cắn chặt một nhánh cây ve ra ngoài vực thẳm ngàn trượng, nếu có ai hỏi ông ta cái gì ông ta có nên trả lời không ? Thì cái câu đó nó có nhiều cái cách diễn giải lắm. 

Nhưng mà diễn giải theo Nam truyền rất là hay. Đó là khi một người mà chuyên tâm tu thiền rồi họ không muốn mở miệng.

Mở miệng là phải nói về đạo .  Mà nói về đạo biết nói sao đây khi mình đang hành đạo ?

Để giải thích về thiền thì phải nói rằng chỉ có người hành thiền mới biết thôi.

Tất cả những cái gì mình học chỉ là lý thuyết ở ngoài hành lang thôi chứ còn để bước vào bên trong thì phải là hành giả. Cho nên chuyện thứ nhất, khi bước vào cái khóa tu, chuyện đầu tiên đó là hạn chế không có trao đổi, Mình phải nhớ rằng mình đang cắn cái nhánh cây. 

Không trao đổi là vì sao ? 
  1. Vì không thể dùng ngôn ngữ diễn tả cái điều không thể giải thích.
  2. Thứ hai không cần thiết khi chúng ta phải mở miệng.
Tôi nhớ có một câu chuyện rất là kỳ nhưng đối với tôi câu đó rất thú vị và nó rất là ý nghĩa. Có một vị tăng nổi tiếng ở trong Nam đi ra ngoài Huế đến thăm Ôn Thiền Lâm tức là hòa thượng Hộ Nhẫn. Thì khi vị này đi ra thì các Phật Tử địa phương họ tới họ thăm. Rồi đám lữ họ thăm đến chiều tối họ đi về, còn kẹt lại một hai ông nam. Thì y ta nghĩ y ta là nam nên ở thoải mái . Y ta không có màng tới giờ giấc. Nói chuyện từ bảy giờ, tám giờ, chín giờ, mười giờ, mười một giờ. 

Ngài nghe nói chuyện tiếng cười Ngài mở cửa ra . Ngài nói: "Khuya rồi . Đi nghỉ, mai dậy sớm .'' 

Ngài đóng cửa lại. Lát sau thì cũng rầm rì rầm rì một hồi không phải họ lỳ, nhưng mà họ tính đứng dậy rồi, nhưng mà tại vì nó bắt trớn, bỏ không được nên nói tiếp. 

Lát sau Ngài mở cửa ra: ''Khuya rồi nửa đêm rồi .'' Ngài đóng cửa lại. 

Tới lần thứ ba, gần một giờ rồi. Lần này Ngài mở cửa: ''Đã nói từ vô lượng kiếp . Bây giờ vẫn còn nói .''  

Cái câu đó hay vô cùng. Cái câu đó tôi nghe kể lại . 

Người kể tôi nghe họ kể, họ cười nhưng mà tôi thấy cái câu này hay: Nghĩa là kể từ bây giờ bất cứ ta làm cái chuyện gì ta phải nhớ rằng ta làm cái chuyện này từ vô lượng kiếp rồi. Tới bây giờ nếu nó thật sự cần thì mình mới làm chứ nó không cần lắm thì...tôi nói hiểu không ?

Cái chuyện gặp nhau, pha bình trà, ngồi hàn huyên cái đó mình làm từ vô lượng kiếp rồi .  Bây giờ còn mắc cái chứng gì, thiếu thốn gì, mà còn làm nữa ? Nói cho cùng, có nhiều cái quay phim chụp hình thì rất đẹp, nhưng xét về nội dung tệ vô cùng. 

Thật ra chúng ta không có cái gì để tâm sự.
Tâm sự nó có hai:
  1. Một là đem chuyện buồn của mình nói cho người ta nghe, người ta có giải quyết được cái gì đâu ?
  2. Hai là kể chuyện vui của mình cho người ta nghe, mình càng vui thêm nữa.
nên chúng ta không có cái gì để nói cho nhau nghe hết, trừ khi nói mà để hỗ trợ nhau . Còn nếu không phải để hỗ trợ nhau, thì tất cả mọi cái sự trao đổi rất dễ là vô nghĩa và vô duyên.

Cho nên khi bất đầu làm chuyện gì hãy nhớ câu chuyện tôi vừa kể . Đó là mình đã làm cái chuyện đó từ vô lượng kiếp rồi. 


https://toaikhanh.com/audiotext.php?mp3=...tho%C3%A1t
Reply