KỸ THUẬT THỰC HÀNH THIỀN
#1
Kỹ Thuật Thực Hành dưới đây (abc lược bớt) do HT. Thích Thông Triệt giảng (trích từ Hội Thiền Tánh Không):

KỸ THUẬT 1 --- KHÔNG ĐỊNH DANH ĐỐI TƯỢNG
 
HUẤN LUYỆN TÂM

Tâm là con ngựa bất kham. Nó cứ chạy nhảy như con ngựa hoang. Quán tính của nó là di động. Động cơ thúc đẩy nó phải di động thường trực là do năng lực tập khí hay lậu hoặc. Năng lực này vốn tiềm tàng trong cơ chế của tâm. Muốn đào thải chúng, ta phải thành tựu định. Đây là phương tiện căn bản và thiết yếu của Thiền. Thực hành Thiền mà bạn không biết gì về định, cũng như không kinh nghiệm định, bạn sẽ khó lòng hàng phục được vọng tâm để an trụ chân tâm. 

Tuy nhiên, với người mới bước chân vào Thiền, định là một danh từ mà người sơ cơ khó có khả năng kinh nghiệm được. Chỉ vì tâm của ta như con ngựa hoang. Ta không thể làm cho nó trở nên thuần, dễ uốn nắn trong vài ngày hay vài tháng, hoặc vài năm. Vì vậy, bước thứ nhất của ta là phải huấn luyện tâm. Làm cho tâm có quán tính mới: quán tính yên lặng. Khi tâm bắt đầu yên lặng, ta sẽ kinh nghiệm trạng thái Chỉ (Samatha). 

Nếu yên lặng sâu hơn, ta sẽ kinh nghiệm được Định (Samàdhi). Đây là lúc tâm không dính mắc với ngoại trần. Mọi chấp trước, mọi điên đảo không tuần tự khởi lên trong tâm thức ta. Tâm ta trở nên thuần nhất. Đây là trạng thái nhất tâm, tức là trạng thái có mặt của tánh giác.

Không Định Danh Đối Tượng là một trong 3 kỹ thuật then chốt giúp người tu Thiền huấn luyện tâm và phá tan quán tính di động của tâm. Tuy nhiên trên căn bản, sự dính mắc và chấp trước của tâm vốn xuất phát từ tập khí hay lậu hoặc, nhưng trên bề mặt, sự dính mắc và chấp trước của tâm vốn xuất phát từ sự suy nghĩ và ý thức. 

Trước khi đi đến đào tận gốc rễ tập khí hay lậu hoặc, Thiền dạy ta cách chấm dứt quán tính động của 2 năng lực ý thức và suy nghĩ. Khi thực sự làm chủ một trong 2 cơ chế này, ta có khả năng vào định. Rồi từ nơi định, tập khí hay lậu hoặc sẽ bị đào thải.

ĐỊNH DANH LÀ GÌ ?

Định danh là sự thiết lập tên gọi hay là sự gọi tên. Nó cũng có nghĩa là sự tạo ra khái niệm trong tâm hay lời nói trong tâm. (Skt: Prajnapti: designation, a nominal designation). Thí dụ, khi một người, một vật, một con thú, một cảnh được đề cập đến, ngay lúc đó đã có sự định danh hay sự gọi tên. Liền theo đó, ta có ý niệm về vật hay đối tượng kia là gì. Như vậy, bằng sự định danh, vật hay đối tượng mới hiện hữu trong sự phân biệt của ý thức hay của vọng tâm. Nếu không có định danh hay không gọi tên, vật tuy hiện hữu trong nhận thức cô đọng mà không có mặt vọng tâm và ý thức.

Hỏi: -- KHÔNG ĐỊNH DANH ĐỐI TƯỢNG LÀ GÌ ?
Đáp: -- Không định danh đối tượng có nghĩa là không gọi tên vật, thú, người, cảnh mỗi khi mắt ta chạm trán hay tiếp xúc với các thứ đó. Ta tuy nhìn thấy biết đối tượng mà không nói thầm trong não về tên các đối tượng. Nếu ta nhìn thấy biết mà nói thầm trong não về tên đối tượng hay nêu lên những thắc mắc về đối tượng, đây là ta đương định danh đối tượng.

Hỏi: -- TẠI SAO PHẢI THỰC HÀNH CÁCH KHÔNG ĐỊNH DANH ĐỐI TƯỢNG ?
Đáp: -- Trên căn bản, đây là cách có hiệu quả giúp ta dẹp được quán tính suy nghĩ hay quán tính chạy theo vọng tưởng, và làm cho ý thức trở nên không động và trí năng trở nên yên lặng. Khi ta thực sự làm chủ sự suy nghĩ hay làm chủ được vọng tưởng, tức thì tánh giác liền có mặt.

Hỏi: -- TẠI SAO TÁNH GIÁC LIỀN CÓ MẶT ?
Đáp: -- Bởi vì tánh giác là cái biết rõ ràng và không lời. Ngay khi ta không nói thầm trong não, đấy là lúc ta không suy nghĩ và cũng không vận dụng ý thức phân biệt về đối tượng, nhưng ta vẫn biết rõ ràng đối tượng mà trong não không nói lên lời gì về đối tượng. Sự biết rõ ràng mà không lời đó chính là chức năng của tánh giác.

TÁC DỤNG
Bằng kỹ thuật này, nếu ta áp dụng miên mật, kết quả sẽ triệt tiêu được quán tính động của vọng tưởng. Tác dụng nó là chận đứng tâm ngôn hay phá tan quán tính phân biệt của ý thức mỗi khi mắt ta chạm trán đối tượng.
Reply
#2
CÁCH THỰC TẬP


-- Sử dụng nhãn căn.
Thông thường ta có thể dùng mắt để nhìn bất cứ đối tượng nào trước mặt ta mà trong não ta không nói thầm về tên vật đó. Trong cách nhìn này, ta có thể áp dụng các chiêu thức:

-- nhìn chằm chằm, nhìn lướt, nhìn thẳng, nhìn xa.

Dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu cách nhìn chằm chằm. Về các cách nhìn lướt, nhìn thẳng và nhìn xa, quí vị có thể xem Kỹ thuật Chú Ý Trống Rỗng. 

NHÌN CHẰM CHẰM --Gazing Meditation

Trong Thiền có nhiều cách tu. Cách đi vòng quanh và cách đi thẳng. Cách đi thẳng là cách chính ta trực tiếp làm cho tâm không di động.

Bản tánh của tâm thì di động. Nó di động từ đối tượng này đến đối tượng khác. Nó di động thường hằng. Đây là lúc ta chưa tu hay tu không đúng cách. Nó không bao giờ đứng yên. Vì không đứng yên nên nó được Phật xem như là con vượn, con ngựa. Phật dạy ta phải điều phục nó. Bắt nó phải đứng yên. 

Nhưng làm thế nào để nó đứng yên ? Bằng cách nhìn chằm chằm, bạn sẽ bắt tâm bạn đứng yên. Ý thức và suy nghĩ không xen kẽ xuất hiện. Ngay đó tánh giác liền có mặt.

Thực tập như thế nào ? -- Với lưng thẳng đứng, trong tư thế ngồi bán già hay kiết già theo nghi thức thường lệ, bạn hé mắt nhìn đối tượng trước mặt. Đối tượng này có thể ngang tầm mắt hay trên sàn nhà, cách rốn bạn 3 gang tay. Bạn cứ phóng tầm thấy biết không lời đến đối tượng. Giữ trong não không nói một lời. Nếu nói lên một lời, tâm của bạn sẽ xuất hiện và nó sẽ di động. Nếu tâm di động, sự nhìn chằm chằm mất. Cho dù hai mắt của bạn vẫn hướng đến đối tượng, nhưng bạn không còn thấy đối tượng nữa. Bạn thấy những đối tượng khác từ bên trong tâm thức bạn. Đó là sự hoạt động của ý căn và ý thức. Đây là những đối tượng do tâm di động của bạn tạo nên. Tâm di động của bạn tuần tự tạo ra những mạng lưới niệm. Nó tuần tự đi vào khung trời quá khứ và cảnh giới tương lai.

Nếu nó cứ di động như vậy, thời thiền của bạn không có giá trị. Nhưng bạn cần chú ý: di động là bản chất của tâm phàm phu. Đây là điều thông thường. Bạn đừng e ngại. Bạn chỉ cần nhận ra quán tính hay bản chất phàm phu của nó là được. Vì có nhận ra như thế, bạn mới hiểu được thực chất tâm vọng của mình. Sau đó bạn mới dùng kỹ thuật nhìn chằm chằm để không cho phép nó di động nữa.
Khi bạn nhìn chằm chằm mà không nói thầm, bạn sẽ nhận ra một trạng thái vô niệm. Nhưng vô niệm chỉ xuất hiện một thời gian ngắn. Vì tâm của bạn lại tiếp tục di động. Nó không bằng lòng sự đứng yên. Nó chống lại sự bắt buộc của trí năng. Nhưng nhiều lúc nó cũng dừng. Vì bạn cố gắng nhìn mà không nói thầm. 

Khi nó dừng, bạn sẽ kinh nghiệm là không có mặt sự suy nghĩ, không có sự phân biệt. Như vậy, suy nghĩ chính là sự di động, ý thức chính là sự di động. Do đó, nếu nhìn chằm chằm được thành tựu vững chắc, suy nghĩ sẽ bị chinh phục. Ý thức cũng bị chinh phục luôn. Ngay khi đó chân tâm liền được an trụ. Hiện tại liền có mặt. An lạc cũng có mặt. Phiền não vắng mặt. Nhưng nếu trong khi nhìn chằm chằm, bạn khởi lên một niệm cảnh giác (alertness), ý thức liền xuất hiện.

Bạn cần thận trọng. Sai một chút là hỏng. Sai một chút, tánh giác không làm sao có mặt. Cho nên, nhìn chằm chằm có nghĩa không những mắt của bạn, mà toàn thể tâm của bạn tập chú qua mắt. Tâm của bạn trong trường hợp này là chân tâm, tức tánh giác. Nếu bạn tiếp tục nhìn chằm chằm vào một vật, hoàn toàn biết (fully aware) và không lời, tánh giác của bạn đã xuất hiện.

Đến đây bạn sẽ kinh nghiệm thêm: nhìn chằm chằm không phải chỉ sử dụng hai mắt nhìn mà nhìn bằng tánh thấy. Đây chỉ là cách mượn đối tượng nhìn và mượn cách nhìn để tác động tánh thấy từ trung tâm tánh giác.
Reply
#3
KỸ THUẬT 2 -- KHÔNG DÁN NHÃN


ĐỊNH NGHĨA
Dán nhãn là gì ? -- Dán nhãn (P: nãmankitannan yojeti: to label; P: ankapanna, nãmankana: n. label) là cách đặt tên cho điều gì theo cảm nghĩ, quan điểm, nhận định, hay tình cảm riêng biệt của một người hoặc một nhóm người đối với đối tượng.

NGUỒN GỐC
Nguồn gốc xuất phát của thái độ dán nhãn đối tượng vốn từ ý thức phân biệt sinh ra. Trong ý thức này có ẩn tàng những định kiến, thiên kiến, và thành kiến đối với đối tượng. Do đó, khi ý thức chạm trán đối tượng, sự dán nhãn liền tự động nảy sinh. Người bị dán nhãn hiệu liền được mang những thứ phẩm từ đủ loại, tùy theo mức độ thành kiến và ác khẩu của người dán nhãn. 

Thí dụ, khi không ưa một người nào đó, bỗng nhiên thấy người kia được nhiều người tôn kính, kẻ ác khẩu vốn sẵn định kiến với người kia, dù không biết mặt mũi họ là ai, liền dùng những phẩm từ phàm tục để dán nhãn người kia. Các loại phẩm từ này có thể như: ma giáo, tà đạo, không chân chính, độc tài, lợi dụng danh nghĩa, lợi dụng lòng tốt, ác độc...

Khi ý thức của một người được thanh tịnh, sáu căn của họ không tác động chân tâm, lúc bấy giờ mọi thấy nghe hiểu biết của họ đều không có sự dán nhãn.

CHÂN LÝ KHÔNG CẦN DÁN NHÃN
Chân lý tự bản thân nó không có nhãn hiệu. Khi một người dạy Thiền Phật giáo mà có tư tưởng "dán nhãn" trong đường lối, chủ trương, người đó không phải là một người đã thông suốt tinh ba Phật học, vì họ còn vướng mắc tâm phân biệt và bè phái. Ghét và thương, thiện và ác còn xuất hiện trong tâm họ.
Trong phương pháp thực hành Thiền ở bước đầu, người mới tu thiền được hướng dẫn cách tập 

KHÔNG DÁN NHÃN ĐỐI TƯỢNG.
THẾ NÀO LÀ KHÔNG DÁN NHÃN ?

Đó là không dán nhãn hiệu "tốt hay xấu," "đúng hay sai," "chánh hay tà," "thiện hay ác," "phải hay trái" vào bất cứ đối tượng gì. Đây là cách thực hành không nói thầm trong não mỗi khi mắt chạm vào đối tượng, tai nghe những nội dung âm thanh khác nhau. Bằng cách này, ta chỉ giữ sự biết thanh tịnh mỗi khi mắt và tai chạm trán vào đối tượng. Nếu chúng ta dán nhãn hiệu vào các vật, các đối tượng, các cảnh, nói chung là các hiện tượng, đây là lúc tâm ngôn khởi dậy, sự cột buộc tâm vào đối tượng sẽ dính kèm theo đó. Cho nên điều cần thiết là khi áp dụng kỹ thuật này, bạn phải không gọi tên đối tượng mỗi khi bạn thấy đối tượng và nghe âm thanh của người khác nói về điều gì đó.

Nhìn đối tượng chỉ là cách để tác động tánh biết, thông qua sự không dán nhãn đối tượng. Cũng vậy, ta không dán nhãn hiệu vào sắc (sights), thanh (sounds), hương (smells), vị (tastes), xúc (tactile sensations), mà chỉ nhận biết (aware of) thôi, chứ không nói thầm trong não một điều gì.

TÁC DỤNG
Con người thích dán nhãn phân biệt (discriminative labels) theo cảm nghĩ riêng biệt và chủ quan của họ với mọi người chung quanh họ. Thương một người, thích một người, dù người đó có bản tâm xấu xa, bần tiện, họ cũng dán nhãn tốt và hiền lương cho người kia. Mầm mống phân biệt, bè phái (sectarian) đấu tranh, nghi kỵ, tranh chấp, ác hạnh, phiền não và khổ đau bắt đầu từ sự dán nhãn phân biệt này. Đây là điều trái nghịch với truyền thống lý tưởng, văn hóa và văn minh Phật giáo.

Với Phật giáo, người tu phải đạt được cái nhìn như thật. Vật thế nào, thấy và biết y như thế đó. Cho nên, trong chính thống Phật giáo, không có thái độ chụp mũ xuất hiện. Đồng thời cũng không dán nhãn hiệu tâng bốc hay đề cao. Vì cả hai chụp mũ xấu và đề cao tốt đều rơi vào trong qui luật nghiệp của 3 cơ chế: thân, lời và ý.

Bằng các cách nhìn khác như nhìn lướt (glimpse), chú ý trống rỗng, nếu thành tựu vững chắc, bạn sẽ đạt được trạng thái biết như thật. Đây là tuệ trí (insight). Nhưng nếu bạn nhìn (watch) với nhãn hiệu (labels) -- "Đó là con người bần tiện," "Đó là con người lợi dụng," "Đó là tiếng chuông báo giờ mãn thiền," "Đó là bình hoa hường" v.v..., bạn sẽ không đạt được cái nhìn không dán nhãn. Ý thức của bạn đã có mặt để diễn dịch về đối tượng.

Ngay khi bạn dán nhãn hiệu vào đối tượng, ngôn hành liền xảy ra theo đó. Tất cả cảm giác của ngũ quan sẽ liên tục khởi dậy, như thế bạn sẽ không đạt được chân lý, tức là không đạt được cái thấy biết thuần tịnh. Vì vậy, bằng cách nhìn không dán nhãn vào đối tượng, bạn có khả năng đạt được trí tuệ và tâm thanh tịnh nhanh chóng.
Reply
#4
Bạn abc,

Ký thuật hành thiền bạn posted thì tôi cũng đã có từng đọc qua tài liệu khác đại khái giông giống như thế chứ không phải của thầy Thích Thông Triệt. Ở đây tôi chỉ muốn tìm hiểu, chứ không có ý gì khác.

Điều tôi nhận thấy là thế này: không dán nhãn hiệu cho một ý nghĩ, một cảm giác, hay (một hành động của thân) như trong bài gợi ý. Nhưng, ở pháp Tứ Niệm Xứ, thì Đức Phật dạy thì vẫn có dán nhãn hiệu. Thí dụ như phần quán Tâm. Tâm sân, thì biết là tâm-sân; tâm tham thì biết là tâm-tham, tâm si thì biết là tâm-si .v.v...

Xét ra thì bài giảng Kỹ thuật thiền của thầy TTT có mâu thuẩn với lời Phật dạy ở pháp Tứ Niệm Xứ. Bạn nghĩ sao?
Cheer
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#5
(2020-01-17, 03:17 PM)anatta Wrote: Bạn abc,

Ký thuật hành thiền bạn posted thì tôi cũng đã có từng đọc qua tài liệu khác đại khái giông giống như thế chứ không phải của thầy Thích Thông Triệt. Ở đây tôi chỉ muốn tìm hiểu, chứ không có ý gì khác.

Điều tôi nhận thấy là thế này: không dán nhãn hiệu cho một ý nghĩ, một cảm giác, hay (một hành động của thân) như trong bài gợi ý. Nhưng, ở pháp Tứ Niệm Xứ, thì Đức Phật dạy thì vẫn có dán nhãn hiệu. Thí dụ như phần quán Tâm. Tâm sân, thì biết là tâm-sân; tâm tham thì biết là tâm-tham, tâm si thì biết là tâm-si .v.v...

Xét ra thì bài giảng Kỹ thuật thiền của thầy TTT có mâu thuẩn với lời Phật dạy ở pháp Tứ Niệm Xứ. Bạn nghĩ sao?
Cheer

Ký thuật hành thiền bạn posted thì tôi cũng đã có từng đọc qua tài liệu khác đại khái giông giống như thế chứ không phải của thầy Thích Thông Triệt. Ở đây tôi chỉ muốn tìm hiểu, chứ không có ý gì khác.

bài này đăng trong thuvienhoasen , và tui khi đọc tui biết đó là văn phong của thầy TTT , tui chỉ post kỷ thuật thôi , có bạn trong này đang nghiên cứu nên post cho bạn ấy

Điều tôi nhận thấy là thế này: không dán nhãn hiệu cho một ý nghĩ, một cảm giác, hay (một hành động của thân) như trong bài gợi ý. Nhưng, ở pháp Tứ Niệm Xứ, thì Đức Phật dạy thì vẫn có dán nhãn hiệu. Thí dụ như phần quán Tâm. Tâm sân, thì biết là tâm-sân; tâm tham thì biết là tâm-tham, tâm si thì biết là tâm-si .v.v...

"Điều tôi nhận thấy là thế này: không dán nhãn hiệu cho một ý nghĩ, một cảm giác, hay (một hành động của thân) như trong bài gợi ý" <-- ban nhận thấy gì ? câu bạn nói không phải là một nhận xét

"Nhưng, ở pháp Tứ Niệm Xứ, thì Đức Phật dạy thì vẫn có dán nhãn hiệu. " <-- bạn có đọc bài viết không ? bạn đọc lại nhen . hint nè : 
bạn đang dán nhãn kỹ thuật của TTT . trong thí dụ của bạn , tâm sân không phải là nhãn , nhãn là cái khác 
 
Xét ra thì bài giảng Kỹ thuật thiền của thầy TTT có mâu thuẩn với lời Phật dạy ở pháp Tứ Niệm Xứ. Bạn nghĩ sao?
tui nghĩ nó sẽ tốt cho ít nhất một bạn trong đây , còn mỗi vị thầy  , vị tổ có cách dạy khác nhau tuỳ theo kinh nghiệm mà họ có được . Có mâu thuẫn hay không thì còn tuỳ mức độ hiểu pháp của bạn tới đâu , tui hiểu it nên hỏng thấy gì .... có thể một ngày nào đó tui học và hành được như bạn tui thấy ra cái mâu thuẩn , có gì bạn chỉ bảo thêm
Reply
#6
KỸ THUẬT 3 --CHÚ Ý TRỐNG RỖNG

ĐẠI CƯƠNG
Trọng tâm của bước này là tác động thẳng vào tánh giác bằng tánh thấy, tánh nghe, và tánh xúc chạm để thiền gia có khả năng làm cho tánh giác hiển lộ. Đây là cách đi thẳng vào tánh giác bằng 1 trong 3 kỹ thuật.
Trên căn bản, chú ý trống rỗng là pháp gồm chung 2 pháp thu hẹp chú ý và chú ý không chọn lựa. Vì vậy, nếu ứng dụng cách chú ý trống rỗng ta không  cần ứng dụng 2 cách kia. Ngược lại,nếu muốn ứng dụng thu hẹp chú ý, ta không cần sử dụng 2 cách kia.

ĐỊNH NGHĨA

-- Chú ý trống rỗng là gì ? -- Là cách tập trung sự chú ý nhìn vào một đối tượng mà không biện minh (argue) về đối tượng đó như thế nào. Ta chỉ thấy đối tượng mà trong não không có lời nói thầm khởi lên. Bằng cách chú ý này, ta kích thích sự hoạt động của tánh thấy. Thiền đúng. Cùng lúc đó, nếu tập trung sự chú ý nhìn vào một đối tượng mà biện minh về đối tượng. Đây là chú ý của ý thức. Bằng cách này đưa đến phát triển đám rối tư duy. Thiền sai.

-- Chú ý trống rỗng là gì ? -- Là cách tập nhìn đối tượng mà không suy nghĩ, không dán nhãn đối tượng. Đây là cái nhìn của tánh thấy. Tánh thấy chứng kiến mà không nói thầm. Trong đó không có người nhìn, cũng không có nội dung nhìn, và không có sự diễn nói về đối tượng trong khi đương nhìn hay sau khi nhìn. Giống như cách nhìn của ngài Đại Ca Diếp khi đức Phật đưa cành hoa lên.

-- Chú ý trống rỗng là gì ? -- Là cách tập nhìn vào một điểm bằng sự thấy biết (visual awareness), dù tai có nghe biết môi trường bên ngoài như tiếng ồn ào của trẻ con, tiếng máy nổ của chiếc xe, tiếng ca hát của ca sĩ, tánh giác vẫn có mặt khắp nơi. Vì không có điều gì làm rối loạn tâm. Đây là cách tập nhìn để đánh thức tánh thấy. Bằng cách nhìn với sự chú ý trống rỗng ta sẽ đạt được định.

-- Chú ý trống rỗng là gì ? -- "Trống rỗng" có nghĩa là "không có chứa điều gì." Chú ý trống rỗng có nghĩa là "chú ý mà không để tâm quan sát hay tìm hiểu nội dung chú ý, nhưng lại biết rõ đối tượng như thế nào." Nơi đây chỉ có tiến trình biết (a process of knowing) và đối tượng của sự biết (object-of-awareness) mà không có người biết phía sau đó. Đây là một kỹ thuật tổng quát hướng dẫn thiền sinh sơ cơ thực tập cách sử dụng trí năng để điều khiển 2 mắt "chú ý nhìn đối tượng trước mắt mà không để ý đến nội dung đối tượng" hay "nhìn vào đối tượng mà không cố ý muốn biết rõ về đối tượng như thế nào. T

rái lại chỉ có sự nhận biết (awareness) đối tượng một cách lặng lẽ." Nói cho dễ hiểu: "Đối tượng như thế nào, ta chỉ nhận ra y như thế đó mà không gọi tên đối tượng, cũng không khởi niệm so sánh hay phân biệt đối tượng này với đối tượng kia, nhưng ta vẫn biết rõ ràng về đối tượng." Danh từ "ta" trong trường hợp này là giả lập hay tạm gọi để cho rõ nghĩa, chứ trong lúc đó chỉ có tiến trình biết và đối tượng của sự biết mà thôi. Tự ngã và ý thức vắng mặt trong tiến trình này. Đó là ý nghĩa của "chú ý trống rỗng."

Ta có thể nói cách khác: chú ý trống rỗng là cách "nhìn thấy vật, biết rõ ràng về vật mà không gọi tên vật, cũng không nói thầm những sắc thái của vật như thế nào trong não," giống như cách "không định danh đối tượng" hay "không gọi tên vật trước mắt" là gì. Nếu ta gọi tên hay khởi niệm so sánh đối tượng, sự chú ý trống rỗng trở thành chú ý có nội dung, không còn mang ý nghĩa trống rỗng nữa, và như thế là có ý niệm ta hiện hữu. Như thế là sai. Nếu nói theo lý luận của kinh Kim Cang, ta có thể nói: "chú ý mà không chú ý, đó là chú ý trống rỗng." Hoặc "Mắt tuy thấy cảnh vật mà không chú ý đến nội dung cảnh vật. Đó là chú ý trống rỗng." Hoặc "Tai tuy nghe tiếng mà không chú ý đến nội dung âm thanh, đó là chú ý trống rỗng."

CÁCH THỰC TẬP

-- Chiêu thức 1: Nhìn Thẳng Mà Gần.
Trước hết, ngồi nơi đã chọn sẵn. Ngoài công viên, trong thiền đường, hay nơi buồng thiền. Ngồi vững vàng, lưng thẳng đứng, hai mắt nhìn thẳng về phía trước, ngang tầm nhìn với hai mắt. Đối tượng nhìn có thể là một điểm (a spot) một cành hoa, một tượng Phật (an icon of Buddha), một lùm cây, v...v... Sau đó đưa niệm biết (a thought of awareness) di động ra ngoài trong một đường thẳng, từ chỗ bạn ngồi đến đối tượng. Để hai mắt bạn thư giản, không tập chú sự nhìn (vision), cũng không tập chú đến đối tượng. Lúc bấy giờ chỉ có sự nhìn thấy biết mà thôi.

Tập trong vòng 10 phút. Sau đó phản ánh lại kinh nghiệm, xem có bao nhiêu niệm khởi lên trong tiến trình vừa qua. Nếu bạn cảm thấy tiện nghi với kỹ thuật này, bạn hãy tiếp tục nhìn thẳng nhiều lần 10 phút. Cuối cùng, sau một thời gian ngắn, bạn kiểm điểm lại xem cách nhìn thẳng này có giúp bạn giảm dần mức độ nói thầm từ trong tâm hay không. Nếu giảm bớt, đây là cách dụng công tốt. Bạn nên tiếp tục.

-- Chiêu thức 2: Nhìn Thẳng Mà Xa.
Khi ứng dụng cách này, bạn chọn chỗ nhìn xa nơi chỗ bạn đứng hay ngồi. Nếu mắt chạm vào đối tượng, bạn chỉ nhận biết mà không khởi niệm so sánh hay phân biệt đối tượng này với đối tượng kia như thế nào, cũng "không dán nhãn" hay "không gọi tên đối tượng" đó là gì. Do đó, dù sự chú ý có được triển khai (deployed) rộng qua sự nhìn toàn diện và toàn thể không gian trước mặt, những đối tượng bị thấy trong tầm nhìn đó vẫn không tác động vào sự phân biệt của nhãn thức. 

Càng nhìn lâu trong vòng 10 phút mà không có tâm ngôn khởi dậy, bạn sẽ nghe được nhịp tim, thân cảm giác thư giãn như yên lặng (transquillity), tĩnh lặng (calmness), nhẹ nhàng (lightness) hay vắng lặng (serenity). Nếu trước kia bạn thường hay lo âu, hoang mang, hốt hoảng, chứng này sẽ từ lần lắng dịu; cuối cùng chấm dứt. Vì trong tiến trình nhìn thẳng và xa mà tâm ngôn không khởi, hệ đối giao cảm thần kinh hoạt động. Kết quả là đưa đến thư giãn. Sau đó bạn sẽ cảm nhận niềm vui vẻ, hồ hỡi (exhilaration).

CHÚ Ý:
Vì còn đương trong thời kỳ luyện tập nên trong quá trình này, tự ngã có mặt để sử dụng trí năng ghi nhận (notes) sự liên tục của niệm thấy đối tượng, niệm cảm thọ và cảm giác về ngoại trần ngay khi những niệm này khởi lên và qua đi trong nhận thức vị ấy. Trong trường hợp này, bất cứ những điều gì được nhìn thấy (perceived), tạm thời ta cố gắng tập giữ sự chú ý được "trống rỗng -- bare," tức là trong tiến trình chú ý, ta chỉ thấy đối tượng mà không có nội dung gì trong đó. 

Nói chung, trong bước này thiền gia cố gắng tập không phản ứng lại các điều gì mình cảm thọ trrên thân hay điều gì mình nghe và thấy. Thí dụ, đương tọa thiền có những cảm giác như kiến bò trên da mặt, sự đau nhức ở chân, hay có tiếng động ồn ào bên ngoài, ta không chú ý đến những cảm thọ đó, trái lại chỉ chú ý đến sự toạ thiền theo chủ đề mà ta đương thực tập.

Do đó, bất cứ tác nhân kích thích nào (stimuli) mà ngũ quan cảm nhận, thiền gia cố gắng tập không bình luận, không xét đoán, không viện dẫn (preference), không kiến giải hay không ngẫm nghĩ (reflect) đến tác nhân đó. Mường tượng như tự ngã không có mặt trong trường hợp này.

Thí dụ, đương tọa Thiền với chủ đề "biết rõ ràng về sự phồng lên, xẹp xuống của khu vực bụng khi sự thở tự động hít vào và tự động thở ra liên tục," thiền gia chỉ biết sự "phồng, xẹp" của khu vực bụng mà thôi, chứ không truyền sự nhận biết (awareness) đó sang khu vực ý thức hay ý căn. Vì vậy, dù bị muỗi đốt hay tiếng động bên ngoài tác động vào tai, tánh giác tuy vẫn biết những sự "phồng, xẹp của cơ bụng" qua tác động của sự thở tự động mà vọng tâm vẫn không khởi ra.

Bằng cách này, hệ thống thông tin thông thường của nhãn thức, nhĩ thức mặc nhiên bị phá vỡ, thay vào đó là nhận thức cô đọng của tánh giác ngày càng rõ ràng hơn và sẽ trở thành một năng lực mới. Lúc bấy giờ tất cả hình thái niệm khởi như những sự lăng xăng, bối rối (distractions), những lo âu, phiền muộn, những hình ảnh tưởng tượng (fantasies), những phạm trù tư duy (categories of thinking), những sự mơ tưởng (reveries), những hoạt động không dừng của đối thoại thầm lặng bên trong (the incessant activities of the inner silent dialogue), dù có bất chợt khởi lên, chúng cũng bị tánh giác ghi nhận ngay tức khắc, để rồi chúng cũng tự lặn mất, khi ta nhận ra chúng. Thuật ngữ Thiền tông gọi trạng thái này là "Vọng khởi liền biết. Biết vọng liền lìa." (Nhưng ở đây, vọng tự lìa, chứ không phải ta không theo vọng.) Tất nhiên, liền theo đó sự an lạc nội tâm hiện rõ trên gương mặt bình thản và vui tươi của ta.

THU HẸP CHÚ Ý
Đây là cách thực hành thu hẹp sự chú ý vào một đối tượng và duy trì sự thu hẹp chú ý đối tượng đó trong suốt thời thiền 30 phút hay 60 phút. Sự thu hẹp (restriction) chú ý này đồng nghĩa với sự tập chú (focus), sự chú ý vào một điểm. Có nghĩa là khi thực hành ta không mở rộng tầm nhìn vào nhiều đối tượng trước mắt mà chỉ chú ý nhìn vào một đối tượng. Thí dụ như những cách sử dụng nhãn căn để tập trung sự chú ý vào một đối tượng trước mặt như một dấu chấm nhỏ, một cuốn sách, một bức ảnh của tổ Đạt Ma, một tượng Phật Thích Ca ... phù hợp theo tầm nhìn của mắt -- thông thường không quá 5 gang tay -- hoặc chú ý đến hơi thở vào và ra trong một thời thiền kéo dài trong 30 phút hoặc 60 phút. Khi thực hành cách chú ý này, ta ứng dụng nhìn mà không khởi lên niệm nói thầm về hơi thở vào ra như thế nào. Ta chỉ nhìn sự vào và ra của hơi thở mà không nói thầm. Bằng cách chú ý này, tâm ta dần dần trở nên tĩnh lặng và an lạc vì ý căn không khởi lên những sự suy nghĩ linh tinh.

TÁC DỤNG
Tác dụng của lối nhìn như thế này đưa đến giảm nhận cảm đối tượng từ bên ngoài (exteroceptive object), cũng như giảm nhận cảm đối tượng bên trong (interoceptive object), và do đó dòng ý thức (the stream of consciousness) từ não phải và dòng tư duy (the stream of thinking) từ não trái giảm những biểu lộ (manifestations) của chúng. Cuối cùng cả hai dòng ý thức và tư duy sẽ trở nên yên lặng, nhường chỗ lại cho dòng biết không hai (the stream of nondualistic awareness) của tánh giác, phía sau bán cầu não trái xuất hiện.

CHÚ Ý KHÔNG CHỌN LỰA
Chú ý không chọn lựa là gì ? -- Đó là cách thực tâp nhìn đối tượng trước mặt mà ta không chú ý kỹ lưỡng đến đối tượng nào. Ta có thể nhìn lướt (glimpse) từ vật này đến vật kia, hoặc ta nhìn toàn bộ cảnh vật trước mặt rồi tiếp theo nhìn cảnh tượng bên trái hay bên phải, hoặc sau lưng. Ta cứ luân phiên nhìn như thế, nhưng nhìn chỉ để nhìn, thấy chỉ để thấy, biết chỉ để biết rằng có đối tượng trước mặt. Thế thôi. Chứ không phải nhìn với nội dung quan sát tỉ mỉ từng chi tiết về đối tượng hay tò mò tìm hiểu quá khứ và tương lai đối tượng. Đối tượng như thế nào, trong hiện tại, ta chỉ thấy và biết y như thế đó, ta không duyên theo (do not persue), cũng không dồn nén (do not suppress) hay ức chế nó (inhibit it) hoặc cũng không xét đoán (do not judge), không kiến giải (do not interpret) đối tượng kia như thế nào. Giống như cách nhìn sau cùng của Thiền sư Duy Tín. Hoặc Thiền sư Thanh Từ nói: "Nhìn hoa hường, biết hoa hường; nhìn cây bách tán, biết cây bách tán."

 Thí dụ 1
Ta không nên tự hỏi: -- Đối tượng này, vật này từ đâu đến ? có mặt nơi đây từ bao giờ ? Ai tạo ra vật này ? Vật này dùng để làm gì ? Có lợi ích không ? vân vân. Nếu ta nêu lên một tràng câu hỏi hoặc bình luận, kiến giải hay xét đoán đối tượng, đây là ta đang bị đối tượng dẫn tâm duyên theo chúng. Ta cũng không ngăn chận xúc cảm mình khi mắt ta chạm trán những hấp dẫn hay ghê tởm, hoặc dễ ghét, dễ ưa, dễ thích của đối tượng ...
Đây gọi là không dồn nén hay không ức chế tâm. Ta chỉ giữ trạng thái "chú ý không chọn lựa trước tất cả các đối tượng." Bằng cách này, ta sẽ đạt được sự biết không chọn lựa (choiceless awareness). Thuật ngữ Thiền tông gọi trạng thái này là trạng thái biết tĩnh lặng (the state of silent awareness) trong vô niệm (no thought). Tất cả xúc cảm nhơ bợn (emotional defilements) không còn có điều kiện khởi lên từ nội tâm ta nữa. Khi sự nhận biết (awareness) tăng dần lên trong tâm và trở thành một năng lực, lúc bấy giờ ta sẽ có kinh nghiệm về "dòng biết không hai" trong chân đế Bát Nhã. Trong chân đế Bát Nhã gọi là "trí huệ tối hậu" (the ultimate truth of Wisdom). Đó là cách thấy biết như thật trạng thái đang là của đối tượng.

 Thí dụ 2
Khi phóng tầm mắt nhìn về phía trước, 2 mắt nhìn thấy cảnh vật, ta không chọn vật này, bỏ vật kia, nhưng ta cũng không để tâm chú ý riêng biệt đến vật nào. Hình ảnh mọi vật trước mắt cứ truyền thẳng vào mắt theo đường vận hành của chúng, nhưng tất cả hình ảnh truyền vào khi đến thùy chẩm đều bị giữ lại tại vùng thấy của tánh thấy. Bằng cách này, vùng này sẽ bị kích thích.

Cùng lúc đó nếu tai ta nghe âm thanh của tiếng nhạc, tiếng đọc kinh, tiếng tụng chú đều đều được phát ra từ trong băng cassette, hay tiếng của trẻ con đùa giỡn trong nhà, ta vẫn thực tập không chú ý đến một âm thanh nào. Nếu bất chợt có sự lặp lại nội dung âm thanh hay sự suy diễn về nội dung âm thanh đó xảy ra, ta phải kịp thời dập tắt ngay bằng cách không lặp lại nội dung âm thanh đó trong não. Đây gọi là nghe, chỉ biết nghe, nơi đó không có người nghe và nội dung nghe; chỉ có tánh nghe và âm thanh. Trong trường hợp này tánh nghe là chủ thể cái nghe.

Tác dụng của cách thực tập này giúp ta phá vỡ mức độ suy nghĩ của ý căn và phân biệt của ý thức. Cuối cùng ta có khả năng làm chủ sự suy nghĩ. Khi suy nghĩ đã tự dừng, tất nhiên tánh giác bắt đầu có mặt. Đó là cái biết thường hằng (the constant awareness) mà con người vốn sở hữu. Vì sao ? -- Vì khi ta thực sự làm chủ được sự suy nghĩ, "đơn niệm biết rõ ràng" (a clear and single thought of awareness) liền xuất hiện bên trong khu Kiến giải tổng quát (General Interpretation area). Mọi thứ tình cảm thông thường của phàm tâm đều vắng mặt. Lúc bấy giờ sự tỉnh thức (awakening) liền có mặt. Đây là sự tỉnh thức của tánh giác (the awakening of awareness) chứ không phải sự tỉnh thức của ý thức (the waking of consciousness).

TÁC DỤNG
Bằng những lối tập chú ý không chọn lựa hay nhìn lướt kể trên, nếu thực sự thực hành đúng theo mục tiêu hướng dẫn của cách tập này, tác dụng của nó là kích thích tánh giác để tánh giác sớm trở thành một năng lực. Khi tánh giác càng có mặt thường xuyên sóng tâm thức sẽ không thể nào khởi dậy. Lúc bấy giờ xem như "ánh sáng" (the light) của tánh giác bắt đầu có mặt thường xuyên, tất nhiên "sự tối đen" (the darkness) của đám rối tư duy phải bị xua tan liền theo đó. 

Đến đây vị thiền sinh sơ cơ được huấn luyện để trở thành "nhân chứng" về chính sự kinh nghiệm phát triển tâm linh của mình. Vị thiền sinh biết thế nào là "nóng", thế nào là "lạnh;" không còn đóng vai "cá sống dưới nước, không biết gì trên đất liền." Đây là lúc ta có khả năng "ăn được bánh thiền do chính tay ta làm và nướng." Bánh Thiền không còn là một thứ bánh vẽ.

Đó là kinh nghiệm về sự hiện hữu (the existence) của cái biết lặng lẽ (silent awareness), cái biết không phân tích (non-analytical awareness), cái biết không lời (nonverbal awareness), biết không xét đoán (non-judgmental awareness). Cùng lúc đó, ta cũng có kinh nghiệm sự chuyển đổi tâm thức, và sự phát huy trí vô sư trong mức độ thấp.

Nói theo thiền, đây là lúc ý niệm tự ngã đã hội nhập vào tánh giác thành một thể thống nhất (integrated): ta là tánh giác, tánh giác là ta. Nhưng cái ta này trở thành chân ngã vì nó không còn đóng vai chủ thể ý căn và ý thức mà là chủ thể tánh giác, hay nó cũng chính là tánh giác. Vì chính nó tự biết về đối tượng đang diễn tiến trên thân và tâm, chứ không có người biết trong đó.

Đây cũng là yếu tố cơ bản của kiến tánh (seeing into your own nature).
Reply
#7
KẾT QUẢ


Nếu kiên trì thực tập theo các kỹ thuật nêu trên, kết quả ta sẽ đạt được như sau:

1. Giảm bớt quán tính động của vọng tâm. Từ thực tập cách chăm chú nhìn đối tượng mà không định danh đối tượng hay không dán nhãn đối tượng, kết quả trước mắt là quán tính động của vọng tâm (false mind) từ lần biến dạng (gradually disappear). Đó là niệm nói thầm (muttering thought) bắt đầu được giảm bớt. Nếu kiên trì thực tập cách này tối thiểu trong 60 thời, mỗi thời kéo dài 30 phút hoặc 40 phút, ta sẽ có kinh nghiệm làm chủ được sự suy nghĩ trong vòng 1 phút đến 3 phút hay nhiều hơn.

2. Tánh giác từ lần xuất hiện. Khi niệm nói thầm từ lần giảm bớt, ta liền kinh nghiệm được sự dừng vọng tưởng từng chập -- có nghĩa là khi dừng được, khi không dừng được, lúc bấy giờ ta vẫn biết rõ ràng môi trường chung quanh, theo nhịp độ từng chập suy nghĩ, đó là lúc niệm biết (a thought of awareness) cũng từng chập xuất hiện theo độ dừng của vọng tâm. Bởi vì tánh giác là niệm biết rõ ràng (the thought of clear awareness) mà không có lời nói thầm trong đó.

3. Kinh nghiệm "thấy như thật -- clear seeing into things-as-they-are." Khi suy nghĩ dừng được, tánh giác liền có mặt ngay trong phút giây đó. Lúc bấy giờ ta có ngay kinh nghiệm "thấy như thật" các đối tượng trong tầm nhìn của ta. Đó là "vật thế nào, ta thấy y như thế đó" mà không có phân biệt hay so sánh, phán đoán hoặc suy luận và phân tích về chúng. Thuật ngữ Thiền trong hệ Nguyên Thuỷ gọi là "thấy như thật."
Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm thô sơ của một phần nhỏ trong bước một về phương pháp thu hẹp chú ý với niệm không nói thầm. Ta cần dụng công thêm để phát huy kinh nghiệm nhìn mà không nói thầm trong não để hoàn chỉnh bước một với chủ đề trên.

Nếu cố gắng siêng năng thực hành một trong 3 kỹ thuật chú ý: trống rỗng chú ý, thu hẹp chú ý, và chú ý không chọn lựa, bằng cách nhìn vào bất cứ vật gì mà không định danh đối tượng, không gọi tên đối tượng, không đặc tính hóa (do not characterize) hay không cho một danh hiệu (a title) cho đối tượng, một ngày nào đó ta sẽ làm chủ được niệm khởi trong vòng 30 phút liên tục trong suốt buổi tọa thiền, xem như ta bắt đầu có kinh nghiệm Tâm Không hay Vô Ngã. Vọng tưởng không còn là một vấn đề nan giải.

TÓM KẾT

1. Tánh giác tuy có sẵn trong mỗi chúng sanh, nhưng chúng sanh vẫn không biết làm sao cho nó hiển lộ. Cũng như "hòn ngọc như ý" tuy được xem như "chôn dấu đâu đó trên đất tâm" của chúng sanh, nhưng chúng sanh không biết hòn ngọc đó chôn dấu chỗ nào. Ngoài ra, cho dù có biết rõ chỗ chôn dấu "hòn ngọc như ý," ta cũng không biết lấy phương tiện gì, kỹ thuật gì để đào. Rất may, với những phương thức thực hành thiền qua sự chỉ dạy của Đức Phật và chư Tổ, cho thấy hòn ngọc đó thực sự bị chôn dấu trong "đám rối tư duy," nếu " phá tan đám rối tư duy," ta sẽ thấy hòn ngọc như ý hiện rõ trong tầm tay. Cho nên, khi cái bị sanh dừng, cái vô sanh liền xuất hiện.

2. Để ứng dụng cách phá tan đám rối tư duy, ta có 4 cách thực hành. Trống rỗng chú ý, thu hẹp chú ý, chú ý không chọn lựa, và nhìn chằm chằm, nhìn lướt. Tuy tên gọi 4 cách khác nhau, nhưng trọng tâm ý nghĩa đều giống nhau vì cách thực hành không gì khác hơn là dẹp tâm ngôn (chattering mind/mental chatter) để tánh giác hiển lộ.

3. Không dồn nén tình cảm, không duyên theo đối tượng, không kiến giải đối tượng, không xét đoán đối tượng, không dán nhãn đối tượng, không định danh đối tượng, và cũng không dính mắc đối tượng, đó là cách thực tập chú ý được giữ "trống rỗng - bare." Đây là cách tập luyện của thiền sinh sơ cơ với tác dụng giúp tánh giác của họ được hiển lộ trong bước thứ nhất.

4. Khi tánh giác bắt đầu có mặt thực sự, thiền gia sẽ dứt trừ được năm chướng ngại (1) tinh thần và có kinh nghiệm về cận hành định. Từ trong định, dù sâu hay cạn, vị ấy bắt đầu có khả năng thiêu đốt hay loại trừ được lậu hoặc.

THỰC HÀNH

Vì còn sơ cơ, ta không áp dụng tư thế nằm. Lý do là nằm thì dễ ngủ, nên ta dụng công trong 3 tư thế: đi đứng và ngồi. Tùy theo điều kiện thuận lợi của riêng từng người, ta có thể sử dụng 1 trong 4 căn: mắt, tai, thân và ý căn để thực tập.
-- Về kỹ thuật, ta sử dụng 1 trong 4 căn và áp dụng xen kẽ 3 phương pháp chú ý như đã học, cộng với cách không nói thầm trong não.
-- Mỗi thời thực hành kéo dài 20 phút hoặc 30 phút.

1. Sử dụng nhãn căn:
-- Thấy: -- Nhìn đối tượng trước mặt (trong vòng 20 phút hay nhiều hơn nữa) mà không định danh đối tượng, không dán nhãn đối tượng, không gọi tên đối tượng. Ta có thể nhìn xa hay nhìn gần, nhìn thẳng, hay nhìn lướt hay nhìn chằm chằm. Tùy theo sự lựa chọn chủ đề của mình, như nhìn một vật để trước mặt, nhìn quang cảnh, nhìn mưa rơi, nhìn dấu chấm nhỏ ... Sau một thời gian thực hành, nếu vững vàng cách nhìn này, ta sẽ thành tựu "Thấy không dính sắc." Lăng nghiêm. "Thấy như mù." hay "Thấy, biết thuần tịnh." Pháp Hoa hoặc "thấy như thật." Nguyên Thủy.

2. Sử dụng nhĩ căn:
-- Nghe: Không lập lại nội dung âm thanh, không tìm hiểu ý nghĩa âm thanh. "Phản văn, văn tự tánh = Xoay cái nghe vào tánh nghe." Thiền tông. "Nghe tiếng không kẹt tiếng." Lăng Nghiêm. "Nghe như điếc."

3. Sử dụng thân căn:
-- Đi: Thiền hành vô ngôn. Nguyên Thủy.
-- Thở: "Định niệm hít vào thở ra." Nguyên Thủy.
-- Làm các động tác tay, chân: Lái xe vô ngôn, Lặt rau vô ngôn, Rửa chén vô ngôn, Mặc áo vô ngôn, Ăn vô ngôn, Nhổ cỏ vô ngôn, May vá vô ngôn, Hút bụi vô ngôn. Thiền tông.
-- Ngồi: Không nói thầm trong não. --"Đất tâm nếu không, Mặt trời trí huệ tự chiếu." Thiền tông.

4. Sử dụng ý căn:
-- Không suy nghĩ = không nói thầm trong não. "Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt." Thiền Đại Thừa. "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác." "Đối cảnh vô tâm." Thiền tông.
"Gặp Phật giết Phật, Gặp ma giết ma." Thiền tông
-- Dẹp bỏ cái bị sanh, Cắt đứt đám rối tư duy. Nguyên Thủy.

5. Ngoài ra có những chiêu thức được hướng dẫn riêng, quí vị nên kết hợp với các chiêu thức.


KẾT LUẬN

1. Toàn bộ những phương cách nói trên, tuy mang nhiều tên, nhưng tựu trung đều sử dụng phương tiện Ly Ngôn hay Không Lời do Phật và Tổ chỉ dạy để thực hành. Cốt lõi của phương pháp thực hành đạt được cái vô sanh là tánh giác gồm 2 trọng điểm:

1) BIẾT KHÔNG LỜI (nonverbal awareness).

2) ĐỐI TƯỢNG BIẾT (the object of awareness) và TÁNH BIẾT (the nature of awareness or the awareness).

2. Đức Phật nói: "Đạo của Ta là ly ngôn tịch diệt." Tổ Đạt Ma nói: "Giáo là lời, không phải Đạo. Đạo là không lời. Ngay nơi ngươi đạt được không lời, ngươi đạt Đạo." Mà đạt được đạo là gì ? Đó là "thấy tánh." Vì khi thực sự đạt được không lời, tánh giác liền có mặt. Không lời càng sâu, tánh giác càng trở nên có mặt thường trực. Lúc bấy giờ chỉ còn lại sự tĩnh lặng rộng lớn (the vast stillness) trong chân tâm; mọi khái niệm phân biệt (conceptional distinctions) và sự hiểu biết thông thường (ordinary understandings) của tự ngã hay vọng ngã hoàn toàn biến dạng. Thuần giác (pure awareness) trở nên bao la. Trí vô sư hiển lộ, và kho tàng vô giá không còn là sự kiện ẩn dụ.

3. Vấn đề còn lại là sự dụng công miên mật. Thiếu dụng công, lý thuyết trở thành mớ giấy lộn, đường thiền không thể tiến lên được.

HẾT
Reply