LTP Học Phật Pháp
Chùa to Phật lớn


https://toaikhanh.com/read.php?doc=201910270021&lan=vn

Một hôm đó Đức Phật và Ngài Anan đi trên một bờ sông thì Đức Phật Ngài nhìn thấy một khúc gỗ trôi sông. Ngài mới hỏi Ngài Anan: “Anan ơi ngươi nghĩ sao, khúc gỗ này có ra tới biển không?” Thì Ngài Anan mới trả lời “Bạch Thế Tôn, không chắc lắm đâu. Bởi vì có thể trên hành trình ra biển nó bị người ta vớt, hoặc nó bị tấp vô bờ, hoặc nó bị nước xoáy rút vào đáy sông, hoặc là nó bị mục trên đường đi, và cuối cùng có thể nó bị vướng, bị mắc vào chỗ nào đó.” Đức Phật nói rằng “Cũng vậy mấy người hành đạo cũng có nhiều lý do để không đến được bờ giải thoát là do họ tấp vào bờ này, tấp vào bờ kia, trên đường đi bị cám dỗ. Khúc gỗ bị mắc cạn thì nó không đi xa. Người bị mắc cái tâm ngã mạn thì như khúc gỗ mắc cạn không trôi được.”

Bài kinh này hay lắm. Tức là khúc gỗ trên đường đi ra biển nó có nhiều lý do để không ra tới nổi, đúng không? Tấp vào bờ, hoặc là bị cuốn, bị xoáy vào đáy sông, hoặc là bị mục ruỗng trên đường, hoặc là bị người ta vớt, hoặc là bị mắc cạn thì trong nhiều lý do trong đó có mắc cạn, mắc cạn đây tượng trưng cho lòng ngã mạn.

Và các vị nên nhớ thế này. Cái câu này phải xâm nữa: "Giải thoát không chỉ nằm ở cái destination (điểm tới, mục đích) mà nó còn nằm trên cái journey (cuộc hành trình)." Tức là không phải đợi tới đích mới giải thoát, mà trên con đường đi, anh phải giải thoát trước. Có nghĩa là sao? Anh phải đi bằng cái kiểu đi của người buông bỏ thì anh mới có thể đến được cái chỗ giải thoát. Còn anh đi bằng cái tâm trạng của cái thằng đụng đâu cũng gánh, cũng vác, thì đến nơi rồi anh giải thoát cái gì? Xong chưa?
Khi huynh trưởng của tăng già là Ngài Xá Lợi Phất viên tịch, thì Ngài Anan Ngài thương nhớ, Ngài khóc. Đức Phật Ngài hỏi Ngài Anan thế này “Anan ơi, Xá Lợi Phất khi ra đi có mang theo cái gì thuộc về tinh thần, vật chất hay không? Hay là tay trắng ra đi?” Thì Ngài Anan nói “Dạ tay trắng ra đi.” Đức Phật nói “Nếu mà bản thân Xá Lợi Phất mà phải buông hết mọi thứ để ra đi, thì Anan còn có gì để khóc?" Bởi vì mục đích cao nhất của Đạo Phật là buông mà.

Khi bà dì ruột của Đức Phật là bà Kiều Đàm Di Mẫu đến hỏi Phật “Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn không còn nữa thì sẽ có nhiều người họ mạo danh Thế Tôn rồi họ mạo nhận đây là lời Phật thì lúc đó hàng hậu tấn sẽ dựa vào đâu để biết đâu là lời Phật?” Những điểm tựa mà người ta có thể dựa vào đó để xác định đâu là lời dạy của Như Lai, đó là: Cái con đường nào, cái pháp môn nào mà càng hành trì mà ta càng trở nên tinh tấn, không có biếng lười. Pháp môn nào mà người ta càng hành trì người ta càng thích sống một mình không có thích đám đông. Pháp môn nào càng hành trì người ta càng trở nên đơn giản, giản dị, dễ nuôi, không cầu kỳ, đòi hỏi tùm lum. Và đặc biệt cái pháp môn nào càng đi theo người ta càng có khả năng mở rộng bàn tay, buông hết mọi thứ. Cái pháp môn nào càng đi theo mà nó ôm quá trời nhiều luôn là lộn rồi, có gì sai sai.

Sẵn đây tôi nói luôn cái chuyện này. Cái sai lầm lớn nhất của người tu Phật hôm nay mà tôi nói thẳng luôn là do các Phật tử. Họ là người đầu tiên khơi màu và châm ngọn lửa. Trong đầu các vị Phật tử không ít người cho rằng cái đạo nghệp quan trọng nhất của một vị tu sĩ chính là có cái chùa, mở một đạo tràng cho người ta tới tu học. Cái suy nghĩ đó trên mặt nổi thì rất là đúng nhưng ở mặt chìm rất là đáng ngại. Là vì sao? Là chính vì cái suy nghĩ cho rằng cái đạo tràng là chỗ quan trọng, nó là cái cần có. Từ đó chúng ta nghĩ rằng cái đời tu một ông sư cái đạo nghiệp lớn nhất là trở thành trụ trì, đúng không? Mà khi làm trụ trì, quí vị thấy cái thời gian mà dành cho cái đạo nghiệp bản thân nó không có. Ăn rồi toàn là ngồi tiếp khách, ăn rồi là cân đong đo đếm, chi thu. Nhìn vào thì ông trụ trì đúng là sống cho đạo nhưng mà hơn ai hết, ổng phải tự kiểm, cái thời gian mà ổng dành cho ổng không có nhiều.

Đức Phật Ngài dạy rẳng đối với một người xuất gia chỉ có ba việc phải làm thôi: Học đạo, hành đạo và hoằng đạo. Và hôm nay, biết đâu ngày mai này tôi chết, tôi không còn nữa thì tôi mong rằng tiếng nói của tôi, tiếng gọi giữa sa mạc, giữa biển khơi, miễn là có người còn nghe.

Quote:Phật giáo không cần ai bảo vệ mà Phật giáo chỉ cần được hiểu đúng.

Thầy giỏi có thể tạo ra chùa, chứ chùa lớn không thể tạo ra thầy giỏi.
Đó là: Phật giáo không cần ai bảo vệ mà Phật giáo chỉ cần được hiểu đúng, đó là câu thứ nhất.

Câu thứ hai, thầy giỏi có thể tạo ra chùa, chứ chùa lớn không thể tạo ra thầy giỏi.

Trách nhiệm của Phật tử là phải hỗ trợ để đào tạo tăng tài, chứ không phải hỗ trợ để xây chùa lớn. Không có cái gì nó bậy cho bằng Phật giáo có tới hằng ngàn cái chùa lớn mà kiếm một ông thầy giỏi không ra. Một ông thầy để nói về giáo pháp kiếm không ra. Đó là đạo bị mạt, các vị biết không? Nếu tôi là cư sĩ, thà tôi nhìn thấy một ngôi chùa lá mà có 100 ông chân tu còn hơn là 100 cái ngôi chùa lớn mà không có được 1 ông chân tu. Tôi không có cần. Bởi vì khi mà tôi có vấn đề về đời sống, về tâm linh, cái tôi cần là ông thầy chùa giỏi chứ tôi không cần cái chùa lớn. Vậy mà hôm nay đa phần Phật tử cứ cắm đầu chổng mông là cúng dường đúc chuông, đúc tượng, cất chùa to lớn, hoành tráng, uy nghi, khí thế hừng hực cao ngút trời xanh, mà mình quên một chuyện rất là quan trọng: Khi anh đang vô sự thì anh cứ khoái tạo dựng lên một cái thứ Phật giáo hình thức. Nhưng khi anh hữu sự rồi thì anh rất cần đến một thứ Phật giáo nội dung.
Phật giáo nội dung là gì? Đó là những tăng ni, những người Phật tử có giáo lý, có thể ngồi lại chia xẻ cái tâm tư với mình, những thao thức, những trăn trở với mình. Phật giáo không phải là chùa to, Phật lớn.

[Image: preaching.jpg]Phật giáo Miến Điện rất là căn bản. Khi một ông sư Miến cạo đầu đắp y chuyện đầu tiên là đè nó ra cho học giáo lý trước cái đã. Cái chuyện mà mai này nó lớn lên nó có tu hành đàng hoàng hay không chưa biết. Nhưng mà chuyện đầu tiên, nó có học giáo lý. Lỡ có ai hỏi thì cái mà nó phun ra là nó phun đúng. Còn người Việt Nam mình thì coi vấn đề giáo lý không quan trọng. Chuyện đầu tiên là cạo đầu đắp y với cái tinh thần phe phái cực lớn. Tôi là sư phụ, tôi trụ trì chùa này. Đệ tử của tôi tôi thương là đủ, cả đời này tôi nuôi nó nó ăn hỏng hết. Tôi chết rồi thì cái chùa này của tôi cho nó. Nó dốt như con heo không thành vấn đề bởi vì nó sẽ là trụ trì chùa này. Đó là quan điểm của Phật giáo Việt Nam. Những gì tôi đang nói nó sẽ đến tai rất là nhiều người nhưng tôi vẫn nói. Quan điểm sai lầm và đáng tiếc nhất của Phật giáo Việt Nam là không xây dựng con người, chỉ xây dựng cơ sở. Trong khi lẽ ra mọi thứ phải đi ngược lại. Chúng ta phải xây dựng con người vì con người tạo ra cơ sở chứ không có cơ sở nào tạo ra con người.

Trích bài giảng tại Sydney Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Hành Trì Chánh Pháp | | Tĩnh
Reply
Chết

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201908100526&lan=vn

Có ba cái chết:

1- Là cái chết thanh thản của thánh nhân, cái chết của một người đã làm xong việc cần làm.

2- Là cái chết chán chường của một người biết chuyện hoặc là của một người không còn một cái điểm gì để mà luyến lưu cuộc đời này. Mặc dù nghe nói nó hơi tiêu cực. Chết trong tâm trạng chán chường nghe nói tiêu cực. Nhưng mà tôi thà tôi chết theo cách thứ hai này.

3- Là cái chết mà tôi cực kỳ kinh sợ, sợ hơn là cái chết, sợ hơn là bản thân cái chết. Đó là chết trong sợ hãi, chết trong tiếc nuối. Tôi không muốn, tôi không muốn là mình phải chết trong sợ hãi, tiếc nuối.

Một là chết thanh thản kiểu thánh nhân thì cái đó tôi quì tôi lạy rồi. Nhưng mà nếu tệ mà không được thì cũng xin được chết trong sự chán chường. Mấy cái này nó cũ rồi, nó hôi hám, nó nặng nề, nó đau nhức, nó dơ bẩn rồi thôi buông. Thì phải chết trong tâm trạng như vậy thì ok, chứ còn mà chết trong sợ hãi, chết trong tiếc nuối thấy nó oải lắm.

Giải Pháp cho Đau Khổ | | Lửa
Reply
Chứng Thánh

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201910132247&lan=vn

Quote:KTC 6. 2. 86. Chướng Ngại

Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe diệu pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

  1. thành tựu nghiệp chướng,
  2. thành tựu phiền não chướng,
  3. thành tựu dị thục chướng, 
  4. không có lòng tin, 
  5. không có ước muốn, và 
  6. ác tuệ.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.


niyāma (nhất định)
kammā (nghiệp)
kilesā (phiền não)
vipākā (dị thục)

AN 6. 2. 86. Āvaraṇasuttaṃ
‘‘Chahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato suṇantopi saddhammaṃ abhabbo niyāmaṃ okkamituṃ kusalesu dhammesu sammattaṃ. Katamehi chahi? Kammāvaraṇatāya samannāgato hoti, kilesāvaraṇatāya samannāgato hoti, vipākāvaraṇatāya samannāgato hoti, assaddho ca hoti, acchandiko ca, duppañño ca. Imehi kho, bhikkhave, chahi dhammehi samannāgato suṇantopi saddhammaṃ abhabbo niyāmaṃ okkamituṃ kusalesu dhammesu sammattaṃ.

Trong kinh 86 Đức Phật ngài dạy rằng là khi bị mắc vào 6 cái trở ngại này thì không thể nào chứng thánh được. Cái cách nói trong kinh "quyết định tánh trong chánh pháp" có nghĩa là chứng thánh, tối thiểu là tu đà hườn. Cái đầu tiên ở đây là trong bản tiếng Việt mình thấy để chữ "thành tựu". Nghe nó rất là khó hình dung bởi vì đây là nói đến cái chuyện không nên có. Chuyện không nên có mà lại dùng cái chữ "thành tựu" ở đây là hơi khó. Thôi thì bây giờ mình dùng ngôn ngữ bình thường. Tức là đây Đức Phật nói đến 6 cái trở ngại mà một người "mắc phải" mấy cái đó thì không thể nào chứng thánh được.

Cái trở ngại đầu tiên là bị ngăn trở bởi nghiệp chướng. Ở đây bà con người Việt chắc có nghe chữ nghiệp chướng này thường lắm: "Chuyện đó là chuyện nghiệp chướng. Khổ! Nghiệp chướng". Mình cứ nói "nghiệp chướng" không mà mình không hiểu nghiệp chướng theo như trong kinh nói. Đó là nghiệp chướng tôi phải chịu, tôi phải trả thôi. Ở đây có 6 cái trở ngại khiến cho một người "mắc phải" mấy cái đó thì không thể chứng thánh được, không thể nào đi xa trong Phật pháp được.

Trước khi nói xa hơn có lẽ tôi phải quẹo qua một chút. Có tất cả 4 hạng người đến với Phật pháp.

  1. ugghatitaññū: Hạng đầu tiên chỉ nghe một câu đã đắc.
  2. vipacitaññū: Hạng thứ hai nghe trọn một pháp thoại mới đắc.
  3. neyyo: Hạng thứ ba phải hướng dẫn tu tập từng bước mới đắc.
  4. padaparamo: Hạng thứ tư tối đa chỉ dừng lại ở chữ nghĩa bài vở.
Tổng cộng là 4 hạng người. Ở đây mình gọi là không đi xa trong Phật pháp là sao? Các vị cứ nhìn vô đó quý vị thấy.

Hạng thứ nhất là ugghatitannu. Như ngài Xá Lợi Phất hoặc nhiều người khác trong thời Đức Phật, nhiều vị thánh đặc biệt lắm, chỉ cần nghe có một câu thôi là họ chứng thánh.

Thí dụ như có vị quan đại thần, ổng đang đau buồn khủng khiếp lắm, đau buồn khủng khiếp vì thấy người ái thiếp mới mất, thương yêu quá chịu không nổi, điên lên được. Thì lúc đó Đức Phật Ngài nhìn thấy ổng rồi Ngài chỉ đọc có 4 câu kệ thôi:

"Thương yêu sanh lo sợ
Thương yêu sanh sầu muộn
Người không còn thương yêu
Không lo không sầu muộn."


Khi ông quan đại thần ổng nghe như vậy thì ổng lập tức đắc A La Hán liền tại chỗ! Mà trong khi mình nghe cái đó thì làm sao mình có thể đắc đạo được đây. Nhưng mà riêng ổng, ổng nghe cái câu: "Do thương yêu sanh ra lo sợ, sinh ra sầu khổ. Không còn thương yêu nữa thì không còn lo âu sầu muộn." Ổng nghe như vậy lập tức ổng hiểu lý tứ đế, lý 12 duyên khởi, lập tức ổng chứng thánh. Cả 2 giáo lý cực kỳ sâu sắc đó là giáo lý nền tảng của Phật pháp. Giáo lý tứ đế và 12 duyên khởi nằm trong một bài kệ bốn câu đó thôi. Cái hạng này gọi là hạng ugghatitannu.

Hạng thứ nhất chỉ nghe một câu thôi. Như ngài Xá lợi phất chỉ nghe một câu ngắn cực kỳ tối nghĩa mơ hồ: "Vạn pháp do duyên sinh, vạn pháp do duyên diệt." Đức Thế Tôn đã nói rõ duyên sinh và duyên diệt ấy, vừa nghe xong liền đắc.

Hoặc ngài Bahiya: "Này Bahiya, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, ngửi, nếm, đụng chỉ là ngửi, nếm, đụng, suy tư chỉ là suy tư. Ở đây chỉ có sự có mặt của các căn và các trần chớ không có người nào nhận biết các căn các trần. Các căn trần là vô ngã. Mà các trần là vô ngã, các căn cũng là vô ngã. Đời sống chỉ là sự gặp gỡ của căn và trần thôi." Thì ngài nghe như vậy lập tức ngài tấp vô gốc cây bên lề đường ngài ngồi nhắm mắt trong vòng 3 giây ngài chứng A La Hán liền tức thì.

Cái hạng thứ hai là vipacitannu là người phải nghe cả bài pháp dài mới đắc. Nghe một bài pháp dài mới đắc cũng không có mệt mỏi gì với họ cho lắm. Bởi vì tôi cho một thời pháp tối đa là một tiếng đồng hồ là cùng, là họ đắc thôi. Nhưng không bằng hạng thứ nhất. Hạng thứ 2 phải nghe luôn thời pháp dài.

Cái hạng thứ 3 là hạng neyyo có nghĩa là hạng này phải được hướng dẫn, cạo đầu, đắp y, mang bát, đi đứng, nói năng, sinh hoạt chừng mực theo lề phép của sa môn. Hướng dẫn 1 ngày 2 ngày, 1 tuần 2 tuần, 1 tháng 2 tháng, một năm, nhiều năm. Từng bước từng bước vậy đó. Vạch rõ cái này nên, cái này không nên, cái này phải chỉnh sửa, cái này phải phát triển, cái này phải thêm cái này phải bớt. Một thời gian dài như cậy đó. Dĩ nhiên dài hay ngắn, dài bao nhiêu tùy người. Có người phải mất 3 tháng, 6 tháng, có người mất 1, 2 tháng, có người 5 năm, 10 năm, 50 hay 70 năm. Cái đó khó nói lắm. Nhưng vẫn phải xếp vào cái hạng neyyo. Có nghĩa là đối với hạng người này một thời pháp không đủ để họ đắc. Phải có hướng dẫn kìm kẹp. Cái chữ neyya đây nghĩa là cần có hướng dẫn kềm kẹp.

Cái hạng thứ tư là hạng kém nhất, padaparamo. "Paramo" là tối đa. "Pada" là chữ nghĩa, từ chương. Có nghĩa là hạng này tối đa chỉ dừng lại ở mức chữ nghĩa từ chương thôi, chứ hạng này không có tài nào mà đắc. Bây giờ có đem họ lên núi, đào hang nhét họ vào trong đó, ba lần lấp cửa hang lại, chờ 80 năm nữa cũng không đắc. Tới cỡ như vậy. Thì trường hợp thứ tư này được gọi là "không thể thành quyết định tánh trong thiện pháp". Hạng này là như vậy đó.

Quyết định tánh là sao? Ở đây quý vị nghe chữ "quyết định tánh" quý vị có thể thấy khó hiểu. Chỗ này cần phải giải thích. Chữ niyāma nghĩa là sao? niyāma ở đây có nghĩa là không có thể quay lui được nữa, không có thể tụt lùi được nữa. Như vậy điều đó chỉ có thể ở bậc thánh trở lên, từ tu đà hườn trở lên thôi. Còn như chúng ta, thiện pháp của chúng ta không thể nào là niyāmana. Bởi vì cái thiện pháp của chúng ta chưa tới cái mức là không thể quay lui.

Chúng ta chưa tới, chưa đâu. Nó có nhiều lý do lắm. Thí dụ bây giờ có ai đó nó lấy cây nó gõ cái boong lên đầu mình. "Boong" một cái là mình khùng, là rồi. Phật pháp coi như là xong. Nó gõ một cái boong là coi như xong rồi. Bấy giờ quý vị ghét tôi, quý vị gõ cái boong là xong luôn nhé. Đó là khùng. Còn hai nữa là mình tắt thở một cái là qua cõi khác, qua kiếp khác mình trở thành Hồi giáo, Ấn giáo, Thiên chúa giáo gì đó là xong. Một là bị tâm thần, hai là chết, cái thứ 3 nữa là khi mình bị cám dỗ thử thách nào đó quá sức chịu đựng của mình thì mình có thể bỏ đạo. Nhớ như vậy. Phàm phu mình thấy ghê lắm. Chưa kể bản thân mình bữa nay mình thờ Phật, mình nói pháp, mình làm lung tung hết, tối về tự nhiên nó mắc cái chứng khùng chứng điên gì ai biết. Tức là nó nghĩ tầm bậy tầm bạ, hoang mang, nghi hoặc, rồi nó tự có những thắc mắc mà không giải quyết được. Thế là trong vòng 3 giây mắc phải một cái tà kiến nghiêm trọng nào đó là rồi, chỉ có trời biết thôi nghe. Nhớ nhé. Cho nên mình chưa đạt được niyāmana, tức là quyết định tánh trong thiện pháp. Có nghĩa là thiện pháp của mình nó chập chờn mở/tắt, on/off vậy đó. Ghê lắm. Thiện pháp phàm phu tin không được, không có tin được.

Trích bài giảng KTC.6.86 Chướng Ngại
Kalama xin tri ân bạn PhoNgheo ghi chép


Ai Chẳng Là Dân Việt | | Bủn xỉn và Tật đố
[Image: blnk.gif]
English
Reply
Các Lớp Vỏ

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201907050653&lan=vn 

Trong bộ Puggalapannatti (phần 4 A Tỳ Đàm) Phật dạy rằng có những trường hợp có những trái xoài khi nhìn bên ngoài thì thấy có vẻ ngon, nhưng bên trong thì lại không ra gì hết và ngược lại có những trái xoài khi nhìn bên ngoài thì thấy không ra gì hết, nhưng bên trong thì lại rất là ngon.

Ở đây ví dụ trái xoài nhưng mình phải hiểu bao nhiêu các thứ khác trên đời cũng vậy. Thấy vậy mà chưa chắc bên trong nó là vậy. Bài kinh này sâu là sâu chỗ đó. Chúng ta chỉ mới nói về thân nghiệp thôi. Có những người thân nghiệp rất là tốt nhưng ý nghiệp không ra gì. Có những người thân nghiệp không mấy xuất sắc nhưng ý nghiệp thì lại rất xuất sắc. Có những người khẩu nghiệp không ra gì, nói năng không chừng mực, hớ hên, nhưng mà họ lại có một đời sống nội tâm. Có những người ăn nói chặt chẽ chừng mực nhưng bên trong lại rỗng, không có gì hết. Về ý nghiệp, có những người mình có thể biết tâm họ là tâm người lành - suốt ngày chỉ biết làm phước, tụng kinh niệm Phật, nhưng họ chỉ tới đó thôi, và không thể đi lên nữa. Trong khi có những người ý nghiệp thường nhật của họ thanh tịnh sạch sẽ nhưng họ có khả năng vượt khỏi ý nghiệp thường nhật đó khi họ muốn. Thí dụ, trong kinh có nói đến những người chứng thiền chẳng hạn. Bình thường họ cũng có thể sống y như mình vậy, đói ăn, khát uống, mệt thì nằm nghỉ nhưng khi họ cần, họ có thể nhập định, một ngày, hai ngày, hoặc năm bảy ngày - chuyện đó đối với họ là bình thường. Các bậc thánh, A La Hán cũng vậy, bình thường các ngài cũng đi đứng, ăn uống, nói năng, sinh hoạt như chúng ta vậy, nhưng bất cứ lúc các ngài cần thì các ngài có thể nhập hai thứ thiền: thiền quả hay thiền định. Thiền định (samatha) là dành cho các ngài có đắc và thiền quả chỉ có thánh nhân mới nhập được (khi đã an trú vào thánh tâm, thánh trí).

Cho nên, để nhận xét, để đánh giá, để cho điểm một người thì rất là khó.
[Image: russiandoll.jpg]Và chuyện đó không phải chỉ ở người khác mà ở cả bản thân chúng ta. Mình ngồi thiền, mình nghĩ như vậy là mình hay lắm, mấy ngày nay mình thanh tịnh lắm, mình cao siêu lắm. Nhưng thực ra cái đó mới chỉ là phần vỏ thôi. Vỏ có nhiều lớp lắm quý vị. Lớp vỏ ngoài là cái người ta có thể thấy bằng mắt. Cái lớp vỏ tiếp theo bên trong là những cái gì mà bản thân mình có thể tự lừa dối hay tự hiểu nhầm. Cái lớp vỏ thứ ba là cái đằng sau, dưới cái lớp vỏ tự dối hay hiểu nhầm, mới chính thật nó là cái gì, là cái ruột của nó, cái nội dung của nó, cái bản chất của nó, cái cốt lõi của nó là cái gì. Đó mới là cái quan trọng.

Tôi xin nhắc lại. Bài kinh này dạy cho mình nhiều điều rất là quan trọng. Thứ nhất là không thể nhìn qua cái hình thức, cái vỏ bên ngoài của một cái sự vật nào đó mà mình đánh giá một cách vội vã, hấp tấp. Đó là chuyện không nên. Cái vẻ ngoài nó có nhiều lớp. Tôi bây giờ quay lại cái đời sống nội tâm của quý vị. Một là qúy vị ăn mặc đi đứng nói năng chừng mực có kiểm soát - đó mới là lớp vỏ ngoài, cái mà thiên hạ có thể nhìn thấy. Riêng các vị thì còn một lớp thứ hai nữa. Đó là mấy ngày nay quý vị sinh hoạt ra sao. Đó lại cũng chỉ là lớp vỏ thôi, thưa quý vị, những sinh hoạt mấy ngày nay ra sao cũng chỉ là lớp vỏ thôi, và là những gì mà quý vị có thể tưởng lầm về chính mình. Lớp vỏ thứ ba mới ghê. Đó là bản chất thật sự của mình là ra sao.

Trích bài giảng ngày 26.05.2019 KTC 6.59 Người Bán Củi

Mình Ăn Thì Hết Người Ăn Thì Còn | | Chơi Ác
Reply
Có muốn thành Phật không?

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201908052321&lan=vn 

Lậu hoặc trong 3 cõi là thế nào? Tức là anh ở cõi Dục có đam mê và ngộ nhận của anh cõi Dục; cái anh mà mê về Thiền Sắc Giới, thì ảnh có đam mê và ngộ nhận của Thiền Sắc Giới; anh khá hơn là ảnh chán Thiền Sắc Giới, lên cõi Thiền Vô Sắc Giới thì ảnh lại tiếp tục có đam mê và hiểu lầm trong Thiền Vô Sắc Giới. Ba cái đó cộng lại gọi là ba thứ lậu hoặc: lậu hoặc Dục Giới, lậu hoặc Sắc Giới và lậu hoặc Vô Sắc Giới. Ngày nào anh còn ba thứ lậu hoặc này thì ngày đó anh còn luân hồi sanh tử.

Sẵn đây tôi nói luôn, anh có đi về cõi nào cao siêu bằng trời, tới cõi cao nhất thì hết tuổi thọ anh lại rớt về chỗ thấp nhất, anh nhớ dùm tôi cái đó.

Đức Phật không hề nói xấu thế giới thế gian này, không nói thế gian này là máu lệ. Ngài chỉ nói là không có bền thôi, khổ cỡ nào thì cũng có lúc nó phai phôi đi, mà sướng cỡ nào cũng có lúc nó nhạt nhòa hết. Phai phôi và nhạt nhòa chính là bản chất của thế giới. Và cái cuối cùng, ngày hôm qua tôi có nói, tôi tiếc là tôi giảng trong room này có uổng lắm không? Nhiều khi tôi muốn giảng cho từng cá nhân, bởi vì tôi muốn nhìn cái mặt của họ để coi họ có hiểu không. Đó chính là ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu. Cái câu nghe rất là kỳ, kỳ lắm nhưng mà buồn thay nó là sự thật. Tôi nhắc lại ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu, dầu anh có là Đế Thích, Chuyển luân vương, thậm chí là một bậc Thánh, hay một con ruồi một con gián, một con dòi, một con bọ, một con ong, một cái kiến gì đó thì mọi hình thức hiện hữu đều vô nghĩa. Chẳng qua thánh nhân là người đã đi hết đoạn đường sanh tử, bây giờ các ngài chỉ chờ hơi thở tàn là các ngài vẫy tay vĩnh biệt, chỉ vậy thôi. Chứ còn trong những ngày tháng làm thánh lây lất chờ chết không có gì vui hết. Các vị có biết không? Nghĩ tới đó nó chán lắm.

Cho nên anh bên Nam Truyền khác anh bên Bắc Truyền. Tôi không có nói đến đây bằng ý thức chia rẻ bè phái, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc tôn giáo. Không có. Tôi đang thuần túy nói về học thuật. Các Tổ Bắc Truyền bày ra cái chuyện là đắc La Hán rồi trở thành Bồ Tát, hành Phật Đạo rồi sau cùng trở thành Phật. Bên tinh thần Nam Truyền, một cái người mà đã đắc Tu Đà Hòan rồi, họ gặp Phật họ quỳ lạy từ xa. Nếu mà kêu họ phát Bồ Đề Tâm để trở thành Phật họ lạnh xương sống luôn.

Vì sao? Họ kính Phật vì nhiều lý do: Phật là Đạo Sư của họ, không có Phật thì cái Đạo quả của mình làm gì có? Phật dạy cho mình, Phật hướng dẫn, nhờ Phật mà mình không còn sanh tử. Cái ơn đó lớn lắm. Không có trời bể nào chứa cho hết. Cho nên vì cái ơn đó mà họ lạy Phật một cái. Lạy Phật một cái vì những đức lành mà bản thân họ hàng chúng sanh họ không có. Lạy thêm một cái nữa là cái gì Phật cũng có Phật cũng biết mà không dính mắc trong đó. Lại lạy thêm một cái nữa, mà quỡn quỡn cứ lạy riết. Nhưng mà hỏi nhỏ họ một câu: "Có muốn thành Phật không?" Thì họ lắc đầu cái rẹc.

Tại sao? Là bởi vì họ thấy rất rõ cái quá trình sanh tử nó cực quá. Cái chuyện đó không phải là cái ngán, mà là cái ngán nó vô nghĩa. Giống như đóng kịch vậy đó. Kiếp làm cha người đó, kiếp làm chồng, kiếp là con, làm em, ... đáo tới đáo lui để mà huân tu các hạnh lành, để mà chờ một ngày nào đó công viên quả mãn trở thành một vị Phật tổ. Rồi thì sao?

Khi Đức Thế Tôn thành Phật ngay dưới gốc Bồ Đề Ngài đã thấy ê chề, Ngài không có muốn làm cái gì nữa hết. Có người Phạm Thiên đến xuống thỉnh Ngài đi hoằng Pháp, thì vì cái đại nguyện xưa thành Phật rồi đi độ sanh mà Ngài đi. Chứ còn phải nói, cái nhiệt huyết mà cái lúc sơ phát Bồ Đề Tâm cho tới cái lúc Ngài dùng cái lòng đại bi mà đi độ chúng sanh nó khác nhau hoàn toàn. Ngày xưa còn bao nhiêu tâm huyết hừng hực, còn bây giờ chỉ vì lòng đại bi. Khi Ngài đã qua bên kia bờ sanh tử, Ngài nhìn lại Ngài thấy cái đám bên này nó loi nhoi lóc nhóc tội nghiệp. Nếu bây giờ ngài không thò tay ra thì ai độ họ đây? Thôi thì Ngài ráng Ngài trụ thế thêm mớ năm nữa Ngài giúp họ. Chứ Ngài không được cái gì trong cái chuyện độ sanh hết, thưa quý vị. Nó nản lắm quý vị biết không? Coi kỹ đời Phật: Ngài không có gì vui. Ngài ăn, Ngài thở, Ngài đi, Ngài đứng, hoàn toàn theo kiểu sống của một vị tu sĩ không nhà, bỏ hết đi tu. Ngay cái lúc còn phàm đã bỏ hết rồi, thì khi thành Phật rồi ngài được cái gì? Cả vũ trụ quỳ lạy dưới chân Ngài, hôn chân ngài thì Ngài được cái gì? Mỗi ngày Ngài phải ăn phải uống, phải đi phải đứng, phải tắm phải rửa, nó mệt quá đi. Càng lớn tuổi cũng đau mỏi, cũng tê nhức, cũng nóng, cũng lạnh vậy, mệt quá đi.

Trong nhiều kinh nói, khi Ngài mệt quá Ngài nhập thiền nhập định, cho tìm quên ít lâu trong một giờ hai giờ, một ngày hai ngày. Trong kinh kể năm 80 tuổi trước lúc Niết Bàn không lâu, một buổi chiều đó sau khi Ngài xả thiền ra, trong kinh nói một câu là Bāḷhā vedanā vattanti māraṇantikā, tức là một cơn đau xé phay xuất hiện trong tấm thân của Ngài. Ngài đau lắm. Mà cái đau đó có thể dẫn đến cái chết. Nếu mà là xác phàm thì chết rồi đó, nhưng với khả năng của một vị Phật, Ngài dùng thiền định Ngài chặn lại. Và Ngài suy nghĩ : "Ta không nên đi ngay trong chiều nay, khi mà ta chưa từ giả chúng tỳ kheo. Ta là bậc đạo sư chỗ dựa của muôn loài của tứ chúng không nên ra đi đột ngột như thế này." Chứ Ngài không phải như mình, ham cái đám ma lớn, cù cưa cú cứa chờ cho có chỗ điều kiện đàng hoàng mới nhập Niết Bàn. Không phải vậy đâu. Nếu mà Ngài ham đám ma lớn thì ngài đã về chỗ khác chứ ngài không về Kusinara. Chuyện Ngài không có đi liền là bởi vì ngài thương cái đám ở lại. Chứ chẳng có cái gì làm Ngài vui hết trơn.

Cho nên một vị Tu Đà Hườn hiểu rất rõ cái này: "Không có ai hành Ba la mật mà chỉ có tấm lòng hành Ba la mật."

Trích bài giảng ngày 29/05/2019 KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép


Bước Chân Bằng Cả Gia Tài | | Ngoan Cố
Reply
(2020-02-06, 07:52 AM)LeThanhPhong Wrote: Hi hi hi.

Admin hỏi LTP, bây giờ, LTP biết hỏi ai?  :78:

:dance: :dance: :dance:

tưởng LTP biết làm sao bớt đi Tham Sân Si , thì chỉ dùm .... mấy điều này mang trong người ... mệt ghê đi Rollin Rollin
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam ...

Reply
(2020-02-13, 08:04 AM)guest1221 Wrote: tưởng LTP biết làm sao bớt đi Tham Sân Si , thì chỉ dùm .... mấy điều này mang trong người ... mệt ghê đi Rollin Rollin



mang nặng thì bỏ xuống , bỏ xuống thì hỏng đành , phải từ từ mà bỏ , bớt cái thích chỉ giữ cái cần 


ps: tui cũng đang tập
Reply
(2020-02-13, 09:14 AM)abc Wrote: mang nặng thì bỏ xuống , bỏ xuống thì hỏng đành , phải từ từ mà bỏ , bớt cái thích chỉ giữ cái cần 


ps: tui cũng đang tập

Câu trả lời của bác abc có lý quá. 10_point
Reply
Cảnh Sắc

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201911101054&lan=vn 

Hỏi: Khi ta nói mắt thấy cảnh sắc thì đó là cảnh sắc tìm đến với mắt hay là mắt hướng đến với cảnh sắc?
Đáp: Cả hai đều không phải.
Hỏi: Như vậy phải hiểu sao trường hợp nói mắt thấy cảnh sắc?
Đáp: Khi các duyên hội đủ thì được gọi là mắt thấy cảnh sắc.

[Image: japbridge.jpg]
Photo: Xuan Hung Le

Trích Cuộc Đàm đạo với Phet-Pin Aing Sayadaw
Kinh Nghiệm Tuệ Quán I


Người Phát Hiện | | Bi
Reply
Bác abc và chư hiền hữu thân mến,

Trong bài giảng có tựa đề là Dính, Sư Toại Khanh dạy: "sáu căn luôn luôn trong tình trạng trực chờ để đi tìm về cái trần nào đó trong sáu trần.", nhưng trong bài Cảnh Sắc, Sư lại dạy: "Khi các duyên hội đủ thì mắt thấy cảnh sắc."

Như vậy, Sư có mâu thuẫn không?
Reply
(2020-02-13, 03:27 PM)LeThanhPhong Wrote: Bác abc và chư hiền hữu thân mến,

Trong bài giảng có tựa đề là Dính, Sư Toại Khanh dạy: "sáu căn luôn luôn trong tình trạng trực chờ để đi tìm về cái trần nào đó trong sáu trần.", nhưng trong bài Cảnh Sắc, Sư lại dạy: "Khi các duyên hội đủ thì mắt thấy cảnh sắc."

Như vậy, Sư có mâu thuẫn không?

ko mâu thuẩn đâu bạn LTP , các căn lúc nào cũng lăng xăng (ta không lúc nào yên) nhưng trong một lúc không thể có hai tâm , hoặc là thân thức , hay là nhãn thức , có khi là nhĩ thức .... tụi nó (các căn) thay phiên nhau gặp gỡ các trần thích hợp mà sinh ra các thức  ... (giống như bóng rổ , cầu thủ nào cũng lăng xăng nhưng khi đủ duyên thì banh vào tay anh A hay anh B, và chỉ một anh có banh)

thí dụ thằng tèo chơi game , thân thức và nhãn thức , nhĩ thức nó thay đổi liên tục .... tay bấm game, mắt theo dõi địch quân trong game , tai nghe tiếng súng ầm ì ... rồi má nó la " "tèo , rửa tay đi ăn cơm" cái xúc chạm đó không đủ mạnh cho nó ngưng game mặc đù đã có đủ duyên cho nó nghe tiếng má nó réo , tới khi nó thấy má nó cầm cây chổi lông gà vào phòng game ,,,, khi đó mới đủ duyên cho nó buông cái game
Reply
(2020-02-13, 03:45 PM)abc Wrote: ko mâu thuẩn đâu bạn LTP , các căn lúc nào cũng lăng xăng (ta không lúc nào yên) nhưng trong một lúc không thể có hai tâm , hoặc là thân thức , hay là nhãn thức , có khi là nhĩ thức .... tụi nó (các căn) thay phiên nhau gặp gỡ các trần thích hợp mà sinh ra các thức  ... (giống như bóng rổ , cầu thủ nào cũng lăng xăng nhưng khi đủ duyên thì banh vào tay anh A hay anh B, và chỉ một anh có banh)

thí dụ thằng tèo chơi game , thân thức và nhãn thức , nhĩ thức nó thay đổi liên tục .... tay bấm game, mắt theo dõi địch quân trong game , tai nghe tiếng súng ầm ì ... rồi má nó la " "tèo , rửa tay đi ăn cơm" cái xúc chạm đó không đủ mạnh cho nó ngưng game mặc đù đã có đủ duyên cho nó nghe tiếng má nó réo , tới khi nó thấy má nó cầm cây chổi lông gà vào phòng game ,,,, khi đó mới đủ duyên cho nó buông cái game

Có lý lắm.  Cám ơn bác abc nhiều.   Clap
Reply
Cục Lửa Trong Túi Quần

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201908072330&lan=vn

Bất lạc (arati) là bất mãn tha nhân. Nghĩa là sao? Có nghĩa là mình luôn luôn và luôn luôn có cái cớ để mà mình bực mình người khác. Và đặc biệt cái nổi bật của cái này là gì? Là thấy người khác được cái gì hay ho là mình ghét. Nhưng mà nói chung là luôn luôn bất mãn người khác.

Cái loại người này tôi nhớ, tôi gặp cũng hơi bị nhiều. Họ sống ở đâu họ cũng bực mình hết. Cả thế giới mà quì xuống hôn chân họ thì may ra, chớ còn mà để họ sống bình thường như mình họ không cách nào mà họ chấp nhận được ai hết. Cái lòng ngộ lắm. Tối ngày cái mặt nhăn nhăn như khỉ ăn ớt vậy. Không bao giờ vui được với ai. Không thương được ai hết. Khi mình sống như vậy là chỉ khổ mình và khổ người thôi. Cái bất lạc là bất mãn người khác là vậy đó.

Cái này nếu mà nói sơ sơ thì nó vậy, nếu mà nói sâu thì nói tới ngày mốt cũng không hết nữa. Các vị phải giăng mùng để mà nghe nói cái vụ này.

Cái bất lạc nó từ đâu ra? Mình đừng bao giờ dại dột nghĩ rằng mình ghét cái thằng đó là tại vì mình ghét cái tánh xấu của nó và mình ghét cái tánh xấu của nó có nghĩa là mình không có cái tánh đó. Sai. Sai bét. Cái này nhiều người hiểu lầm, nhiều người lắm.

Chuyện đầu tiên là khi tôi ghét nó, dĩ nhiên là tôi đâu ghét cái tốt của nó. Tôi ghét cái xấu của nó. Đúng không? Các vị ngồi lý luận coi có phải vậy không? Tôi ghét nó, tôi đâu phải là con thú đâu, tôi ngu gì đến mức tôi ghét cái lành của nó? Cái thiện của nó tôi đâu có ghét. Tôi ghét cái bất thiện của nó, tôi ghét cái nết, cái thói xấu của nó. Ai cũng nói vậy hết. Chớ không ai mà đi nói tôi ghét cái tánh hào sảng của nó, tôi ghét cái lòng ngoan đạo của nó, tôi ghét cái đức tin của nó, tôi ghét cái chánh niệm của nó, ghét cái trí tuệ của nó. Hỏng có. Toàn là ghét tánh xấu của người ta không hà. Đó là chuyện thứ nhứt.

Mình nói ra là tôi ghét nó tại vì ghét tật xấu của nó, cái tánh nó vầy vầy vầy. Và khi mà mình đả kích người ta, mình nói xấu người ta, mình ghét người ta đó vì cái tánh xấu đó, vì cái thói xấu đó; thật ra chắc gì mà mình không có? Chắc gì? Thí dụ mình nói cái thằng đó nó kẹo, chắc gì mình hỏng kẹo? Coi chừng có trường hợp vì mình quá kẹo cho nên mình mới hiểu thằng kẹo nó kỹ như vậy. Quý vị có hiểu không?

Đó. Cho nên, cái bất lạc đầu tiên này là gì? Khi anh không được an lạc thì anh không có cam tâm mà nhìn người khác an lạc. Đó, cái chuyện nó lớn chỗ đó. Khi anh không có được an lạc thì anh mới bất mãn người khác.

Vậy cái vấn đề ở đây là gì?

Tại sao anh không an lạc? Tại sao? Khi mà anh không an lạc, anh mới đem cái không an lạc ấy anh trút lên người khác. Anh tấn công bằng đủ cách. Vì sao? Là vì trước hết bản thân anh không có an lạc.

Tây có một câu rất là hay: "Khi mà mình có lòng hại người, nó giống như là mình uống thuốc độc mà mình muốn người ta chết" *. Có nghĩa là chưa biết ai chết mà chuyện đầu tiên khi mà mình sống mình thức, mình ngủ với cái lòng hại người đó, là mình đã không an lạc rồi. Đấy, khi mình sống với cái lòng bất mãn người khác, dầu cái bất mãn đó theo mình là hợp lý hay là vô lý thì hể còn để tâm nghĩ đến người khác bằng cái sự không an lạc thì chuyện đầu tiên là mình không an lạc.

Thứ hai, hành động nào, suy tư nào mà nó bắt nguồn từ cái tâm trạng không an lạc thì chắc chắn cái quả báu của nó cũng là không an lạc, nhớ nha. Tại sao mà mình ghét người đó quá ghét? Cái chuyện mà người đó nó có xấu hay không thì trời biết, nhưng mà chuyện đầu tiên là bản thân mình không an lạc và bản thân mình không có tốt.

Thí dụ: Các vị tận mắt các vị thấy thằng Tèo nó đi ăn cướp. Thấy nó giết người luôn. Thì một là các vị kêu cảnh sát bắt nó, còn hai nữa là các vị làm lơ đi. Đó là lời khuyên của tôi. Một là các vị kêu cảnh sát bắt nó, đi tố cáo nó; hai là các vị im lặng luôn cho nó chìm xuồng. Còn đằng này các vị chọn cái giải pháp thứ ba là đi nói xấu. Nói làm chi? Quên được thì quên, nha.

Cái chuyện đầu tiên là mình phải an lạc trước cái đã. Nhắc lại: Chuyện đầu tiên là mình phải an lạc trước. Còn đằng này có cái gì ngu cho bằng mình đem chuyện xấu của thằng Tèo mình về mình làm thành cục lửa mình bỏ vô trong cái túi quần của mình. Các vị nghĩ các vị chịu nổi không? Các vị có hiểu cái này không?

Bất lạc là bực mình về cái chuyện của người ta. Ngay cả con ruột của mình nó hư. Mình khuyên nó mà nó hỏng nghe thì mình đành phải quên cái chuyện đó đi. Tôi biết tôi nói vậy quý vị trong đây không đồng ý nhưng mà tùy các vị. Các vị phải nhớ: Mình nói nó mà nó hỏng nghe thì mình phải quay lại mình lo mình chứ? Chứ có ai mà nói con, nói chồng, nói vợ nó hỏng nghe rồi mình ôm cái cục khổ này mình vô giường mình ngủ à? Các vị nghĩ coi có gì ngu bằng cái đó không? Tôi gọi cái đó là ngu đó. Là tự nhiên lấy cục lửa trong nhà người ta đem nhét vô túi quần của mình. Quý vị không nhảy tưng tưng nó mới lạ đó, nha.

Nên cái đầu tiên, bất lạc, là vậy. Là bất mãn, là không có thể sống chung với người khác được.

Và để đối phó với cái pháp bất lạc này chỉ có một cách một là tu tâm tùy hỷ (muditā).

Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.105 Hữu Bhava
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép




(*) "Holding onto anger is like drinking poison and expecting the other person to die."

AN VI XI. Phẩm Ba Pháp
(VII) (113) Bất Lạc

Quote:7. 113. Aratisuttaṃ



113. Dissatisfaction
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Bất lạc, hại, phi pháp hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Quote:‘‘Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Arati, vihiṃsā , adhammacariyā.



Mendicants, there are these three things. What three? Dissatisfaction, cruelty, and unprincipled conduct. These are the three things.
Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?
 
  1. Ðể đoạn tận bất lạc, hỷ cần phải tu tập. 
  2. Ðể đoạn tận hại, bất hại cần phải tu tập. 
  3. Ðể đoạn tận phi pháp hành, pháp hành cần phải tu tập. 
Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Quote:Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Aratiyā pahānāya muditā bhāvetabbā, vihiṃsāya pahānāya avihiṃsā bhāvetabbā, adhammacariyāya pahānāya dhammacariyā bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā’’ti. Sattamaṃ.



To give up these three things you should develop three things. What three? You should develop rejoicing to give up negativity, harmlessness to give up cruelty, and principled conduct to give up unprincipled conduct. These are the three things you should develop to give up those three things.


Hành Uẩn | | Tâm Ác
Reply
Tu Trùm Mền

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201909270025&lan=vn

Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, anh đừng có tưởng anh quăng ra là anh bố thí. Bởi vì cái đó là "to give" chứ chưa chắc là "to give up", có nghĩa là mới có cho nhưng chưa chắc đã có buông.

Giữ giới cũng vậy. Anh đừng có nói với tôi là anh không phạm giới là anh giữ giới. Bởi vì anh phải có những yếu tố tâm lý như thế nào đó mới gọi là giữ giới. Thí dụ, nếu anh nói với tôi không phạm giới là giữ giới vậy có một anh đang nằm ngủ thì ảnh đâu có phạm gì đâu, vậy là ảnh giữ giới à? Một đứa bé nằm nôi bú bình là nó đang giữ giới à? Bởi nó đâu có phạm gì đâu? Một người hôn mê liệt giường là đang giữ giới à? Một người đang nằm ngủ mê là đang giữ giới? Một đứa bé khù khờ, một người đang hôn mê lú lẫn là đang giữ giới? Bởi họ đâu có phạm gì đâu?

Cho nên mình phải nói rõ giữ giới ở đây là ý thức kiêng tránh điều tội lỗi qua tam nghiệp (*), là ý thức một cách cố ý (intentionally) kiêng tránh điều xấu trong tam nghiệp, thì cái đó mới gọi là giới.

Còn cái chuyện mà anh ngủ khì thì cái lúc đó đâu thể gọi là giữ giới chỉ tại vì anh không có phạm, nhớ chỗ đó. Phải biết mấy cái này thì mình mới không có tiếp tục tu hành trong cái sự yên tâm, không có tu hành trong cái kiểu cách trùm mền ngủ. Thường mình hay tu kiểu trùm mền ngủ lắm. Có nghĩa là tự cho mình hiểu như vậy là được rồi, mình tu như vậy là được rồi.
[Image: bull-cart.jpg]Nhưng mà nên nhớ cái này: Chiếc xe bò không chạy thì mình đánh con bò chớ không có ai đánh cái thùng xe. Tu là mình đánh cái tâm của mình. Tâm mình là con bò, tâm mình là con ngựa, tâm mình là con khỉ, mình phải dạy con bò, con ngựa, con khỉ đó chứ còn cái thân này nó chỉ là cái thùng xe, nhớ như vậy. Xe bò không chạy là đánh con bò chớ không có ai mà đánh cái thùng xe, đánh cái bánh xe, đánh cái căm xe, đánh cái trục, đánh cái ách, cái đồ ràng, dây buộc. Không có, nhớ cái đó.

Trích bài giảng ngày 03.06.2019 KTC.6.64 Sư Tử Hống
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép





(*) Tam Nghiệp: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp

Ngũ Uẩn | | Thất Thánh Sản
Reply
Diệt Đoạn

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201906112359&lan=vn

Một người dùng cái búa lớn để đập phá tất cả các thứ chung quanh, hy vọng không còn dính mắc vào bất cứ thứ gì trên đời. Nhưng sau khi tưởng rằng đã hoàn tất mục đích đoạn diệt mọi thứ thì một vật cuối cùng anh ta lại không thể đập tan được - chính là cái búa trên tay.
(Bài giảng 11/06/2019)

Con Đường Tu Chứng | | Chùa to Phật lớn
Reply