LTP Học Phật Pháp
Sư Toại Khanh giảng Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh - MN12) và Tăng Chi Bộ Kinh 6.64 (1-3)

https://toaikhanh.com/audiotext.php?mp3=audio/Youtube%202019/20190603.KTC.6.64%20S%C6%B0%20T%E1%BB%AD%20H%E1%BB%91ng

MN12 - Đại Kinh Sư Tử Hống (# 92-95), p 7:
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung12.htm 

KTC.6.64 Sư Tử Hống (#180), p.12


Quote:Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép.

14/09/2019 - 07:52 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


Kính thưa đại chúng, hôm nay các vị có nghe rõ không? Chúng tôi ôn lại một tí cái bài hôm qua vì hôm qua chúng ta bị trục trặc về kỹ thuật cũng uổng, phải ôn lại thôi, nhưng mà dĩ nhiên ôn lại chút xíu chớ không có nói nhiều như hôm qua được.


Các vị vào ở trong Trung bộ kinh, cái bài Đại kinh Sư tử hống trong đó Đức Phật Ngài có dạy về 10 cái sức mạnh của một vị Phật gọi là thập lực, 10 sức mạnh tinh thần của Đức Phật. Với 10 sức mạnh đó, giống như một người có đầy đủ tiền bạc, sức khỏe, uy tín đi vào một hội chúng nào thì cũng cảm thấy tự tại, an tâm, không có e dè, khiếp sợ.


Có sức khỏe, có tiền bạc, có học vị, có uy tín, có chức vụ có quyền lực, có năm cái này thì đi vào bất cứ một cái hội chúng nào cũng cảm thấy an lòng, cảm thấy tự tin. Ở đây một vị Chánh đẳng chánh giác khi Ngài hội đủ 10 cái sức mạnh tinh thần, Ngài có thể có mặt ở vô lượng vũ trụ, ở tất cả các hội chúng, chư thiên, ma vương, phạm thiên, rồi sa môn, bà la môn, những đại gia, tướng lãnh, triều thần, vua chúa, công hầu, khanh tướng đối với Ngài chuyện đó không thành vấn đề.


Hoằng pháp là lấy cái trí, cái đức của mình đi dạy đời thì đâu có cần cái này cái kia, đúng không? Nhưng mà nó kẹt ở chỗ này: Không đủ đức độ thì làm sao đi vào được trong các hội chúng? Mà có những người trí tuệ rất nhiều, phước báu rất nhiều, quyền lực rất nhiều họ sẽ khó có cái lòng kính tin lắm. Cho nên một vị Phật là hội đủ tất cả những điều kiện để làm cha lành của ba cõi, làm thầy dạy cho chư thiên và loài người.


Trong Đại kinh Sư tử hống thì Đức Phật kể đến 10 cái trí riêng của Đức Như Lai, nhưng mà riêng về ở trong cái kinh này (KTC 6.64 Sư Tử Hống) thì Ngài kể có 6 thôi, nhưng mà 6 cái này bao trùm luôn cả 10 cái kia và 10 cái kia có cả 6 cái này. Chênh lệch 6, 10 nhưng mà nội dung thì không có khác nhau.

1/ Thị xứ phi xứ lực

Cái trí thứ nhất trong bài kinh này là thị xứ phi xứ lực, có nghĩa là Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni nói riêng và tất cả Chư Phật ba đời mười phương nói chung, các Ngài có cái trí đầu tiên đó là thị xứ phi xứ lực, có nghĩa là các Ngài biết rất rõ cái gì hợp lý, cái gì vô lý, cái gì có thể xảy ra và cái gì không thể xảy ra.


Như hôm qua tôi có giải thích, đó là ở vị thinh văn, ở vị La hán bình thường, vô danh các Ngài cũng biết rất là nhiều chuyện, cái gì là có thể xảy ra và cái gì không thể. Thí dụ như các Ngài biết vạn hữu ở đời do duyên mà có, có rồi phải bị mất. Các Ngài biết rằng làm lành luôn dẫn đến quả vui, hỷ lạc; làm ác luôn dẫn đến quả khổ, ưu; các Ngài biết rất rõ chuyện đó. Các Ngài biết rất rõ là có chứng đắc thiền định thì mới có thể về Phạm thiên, chỉ tu thập thiện mà cấp thấp thì về các cõi dục thiên hoặc là loài người. Phải tu đúng Bát Chánh Đạo thì mới chứng được thánh quả giải thoát. Đây là những cái rất là căn bản.


Nhưng mà ngoài những cái này ra thì các vị cũng đồng ý với tôi, đó là cái chuyện hợp lý và cái chuyện vô lý trong đầu của một ông tiến sĩ không giống như một anh tú tài, hoặc nó càng không giống trong đầu của một anh mù chữ. Đối với anh mù chữ, cái chuyện mà ảnh cho là hợp lý hoặc là cái chuyện mà ảnh cho là vô lý nó chỉ là một phần nhỏ so với cái biết của ông tiến sĩ. Thí dụ một cái anh mà không biết chữ làm sao mà ảnh có thể hình dung được cái chuyện mà trong tíc tắc người bên kia đại dương có thể nói chuyện và nhìn mặt người bên đây đại dương, chuyện đó rất khó, trừ phi trên tay ảnh cầm cái phone, ảnh cầm trên tay cái ipad, chứ nếu mà không có hai cái đó thì làm sao mà ảnh có thể ngồi ảnh hình dung, tưởng tượng ra được. Mặc dù cái đó là chuyện hợp lý, chuyện có thể xảy ra nhưng mà nó quá cái mức tưởng tượng của ảnh, quá cái tầm hiểu biết của anh.


Ở đây cũng vậy, cái tầm hiểu biết của vị thanh văn kể cả vị độc giác bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thời gian là gì? Thời gian là vị độc giác tối đa biết về quá khứ, biết về tương lai gói gọn trong 2 A tăng kỳ 100 ngàn đại kiếp. Hai vị thượng thủ thinh văn là Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thì cái biết về quá khứ, cái biết về tương lai cũng gói gọn trong 1 A tăng kỳ 100 ngàn đại kiếp. 80 vị đại đệ tử thì cái biết cũng chỉ gói gọn trong 100 ngàn đại kiếp. Rồi còn dưới mức đó thì bất định, là chênh lệch ít hơn v v...Đó là giới hạn về thời gian.


Còn cái giới hạn về không gian là một vị đệ nhất thiên nhãn như là Ngài Anuruddha, đệ nhất hàng đầu về thiên nhãn thì cái tầm nhìn của vị này không vượt khỏi 10 ngàn thế giới, 10 ngàn vũ trụ. Tức là mỗi vũ trụ như vậy có 1 mặt trăng, 1 mặt trời thì Ngài không có thể nhìn qua khỏi cái ranh giới đó. Nhưng mà riêng vị Chánh đẳng giác thì sao? Unlimit, ... Thatagato… Đức Như Lai hướng tâm tới cái gì thì lập tức biết ngay cái đó, là điểm đặc biệt của vị Chánh đẳng chánh giác. Cho nên từ chỗ đó cái chuyện mà vị thinh văn biết có thể xảy ra, cái chuyện đó chỉ là một phần rất là nhỏ so với cái chuyện mà vị Chánh đẳng giác biết có thể xảy ra, đại khái như vậy.


06:01

25/09/2019 - 08:22 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


Như hôm qua tôi có nói các vị Thinh văn nếu không học giáo lý, không học trực tiếp từ Đức Phật thì vị đó làm sao có thể hình dung được cái phép song thông một lúc mà có thể nhập vào hai cái đề mục lửa và nước để mà biến hiện gọi là thủy hỏa mà cùng một lúc thì rất là khó, là quả tam muội, cái chuyện đó ngoài cái tầm, ngoài cái khả năng của vị Thinh văn nhưng đối với vị Chánh đẳng giác cái chuyện đó bình thường, nha. Hôm qua tôi kể về một loạt những cái chuyện đặc biệt, thí dụ như từ cái thiên nhãn, thiên nhĩ cho tới cái trí quá khứ, trí vị lai, ngay cả cái ý hóa thông, cái khả năng biến hiện ra nhiều người của vị Thinh văn chỉ là một phần rất là nhỏ so với vị Chánh đẳng giác.


Cho nên cái trí đầu tiên của Đức Phật là biết rõ cái gì có thể và không có thể, cái phần này của Ngài là không có giới hạn bởi không gian và thời gian. Các Ngài không có bị giới hạn bởi một tỷ vũ trụ, hai tỷ, một ngàn tỷ, không có. Vị Chánh đẳng giác không có bị giới hạn cái đó. Dĩ nhiên trong đầu của nhiều người trong room mình thì các vị nghe cái đó cái vị thấy nó hơi phong thần nhưng mà giờ tôi biết làm sao đây?

2/ Biết rõ về cái nghiệp của chúng sanh, nghiệp lý

Tiếp theo là Đức Như Lai biết rất rõ vấn đề nghiệp lý tới nơi tới chốn bởi vì chúng ta biết rằng khi nói tới nghiệp có hai khía cạnh đó là tổng nghiệp và biệt nghiệp.

Tổng nghiệp là sao? Tức là chung chung và đại khái, như hồi nãy tôi nói đó, tổng nghiệp thí dụ như mình biết rằng hễ bố thí thì kiếp sau sanh ra thoải mái về vật chất; hiếu học Phật Pháp, siêng học Phật Pháp đời sau sanh ra có nhiều trí tuệ; có nhiều từ tâm thì đời sau sanh ra được tuổi thọ, được nhan sắc, được nhiều người mến thương; tu tập về thiền định thì kiếp sau dễ đắc thiền, tu chánh niệm thì kiếp sau sanh ra có trí nhớ tốt và cuối cùng dễ dàng tu tứ niệm xứ, đại khái như vậy. Đó là tổng nghiệp.


Biệt nghiệp là sao? Biệt nghiệp có nghĩa là hai người cùng lúc làm một việc bố thí cho cùng một đối tượng, cùng bỏ tiền ra, cùng mua một dĩa cơm, cùng quì xuống, cùng lúc cúng dường cho một đối tượng nhưng mà cái công đức ở hai người này hoàn toàn khác nhau và khác nhau ở mức độ nào, khác như thế nào với những chi tiết gì thì vị Thinh văn chỉ biết được một phần thôi, chớ còn vị Chánh đẳng giác các Ngài biết còn nhiều nhiều nhiều hơn như vậy, biết cho đến tận cùng như là Ngài muốn, nha. Hiểu biết về nghiệp lý là như vậy.


Như ngày hôm qua tôi nói học về sáu cái trí này của Đức Thế Tôn không phải là mình học về cái chuyện của Ngài, hỏng phải, học chuyện của Ngài là một nửa và một nửa là mình học cho mình. Chẳng hạn như cái trí thứ nhất Đức Như Lai biết rất rõ chuyện gì có thể và không có thể, chuyện gì là vô lý, chuyện gì là hợp lý, thì qua cái trí đó của Ngài mình rút được bài học gì? Thì ra, thì ra cái biết của mình hạn chế như vậy, mà mình biết mình hạn chế có nghĩa là mình đã đi một bước rất là xa.


Cái biết cần thiết nhất, hay nhất mà con người cần phải có trước nhất đó chính là biết được cái chỗ khuyết, chỗ thiếu của mình, xin thưa quí vị. Xin các vị nhớ dùm cái này, cái này quan trọng lắm nha. Biết được mình biết cái gì nó không có bằng biết được, chú ý được, phát hiện được cái mà mình không biết, cái đó nó mới hay, các vị nghe hiểu không? Có nghe tôi nói kịp không?

Biết được cái sở đoản của mình nó rất là quan trọng và có nhiều trường hợp nó còn quan trọng hơn cái sở trường của mình nữa. Bởi vì cái sở trường của mình mình không biết tới nó thì nó vẫn là cái ruột của mình, nhưng mà cái sở đoản nếu mà mình không lưu ý tới nó là mình sẽ chết như chơi, trong room có hiểu cái này không?


Thí dụ như con nhà võ, mình biết mình xài bộ tay rất là giỏi nhưng mà mình biết bộ chân mình xài dở ẹc hà, hoặc mình giỏi bộ chân mà bộ tay mình dở. Cái chuyện mà bộ chân mình giỏi đó, mình có thể quên nó hỏng sao hết nhưng mà cái bộ tay mình mà mình không có giỏi chơi bộ tay, mình giỏi về cước, về thối, thối thì bắt chân, nhưng quyền mình dở, thì mình phải nhớ rõ cái đó, mình phải biết cái nhược của mình, mình chết là chết cái chỗ mình không biết cái nhược của mình đó.


Cho nên cái chuyện mà ta biết cái điều ta hiểu, mình biết bao nhiêu nó cũng hay, cũng quan trọng đó; nhưng mà nó không có quan trọng bằng chuyện ta biết mình dốt. Luôn biết được mình dốt rất là quan trọng.


Ở đây cũng vậy, khi mà mình học về chuyện mà các Đức Như Lai biết rõ cái gì vô lý, cái gì hợp lý, cái gì có thể và không có thể, thì mình mới nghĩ về mình, mình nói "Ồ thì ra, cái biết của mình còn quá hạn chế". Có nhiều cái mình tưởng nó đúng nhưng mà chưa chắc, có nhiều cái mình tưởng nó hay nhưng mà chưa chắc.



Như ngày hôm qua tôi nói, ở ngoài đời tôi làm sao tôi có nhiều tiền, tôi làm sao tôi có được mái ấm gia đình ngon lành, vậy là xong, tôi tưởng vậy là nhất rồi. Cả đời tôi cứ cắm đầu gục mặt ở trong cái mái ấm gia đình, trong cái đống tiền, ăn rồi cứ le lưỡi đếm từng đồng, từng đồng, đối với tôi là số một. Nhưng mà có những cái nó còn hơn cái đó nữa, đó là khi mà mình có được đời sống tinh thần của một người Phật tử, mình biết giữ giới, mình biết tu thiền, mình biết bố thí, mình biết từ tâm, mình biết chánh niệm, đủ chưa? Chưa đủ.


Vấn đề ở chỗ là mình biết mình chưa đủ, chứ khi mà các vị không biết được là mình còn có điểm khiếm khuyết, còn có điểm bổ xung, còn có điểm chỉnh sửa, khi mà các vị không có để ý cái mặt đó mà cứ để ý mình đã làm được gì thì coi chừng chết, coi chừng chết nha.


Cho nên nhớ cái câu này: "Học về Phật, học về Thánh hiền nói chung là không phải để mình học mình coi mình có cái gì không, mà mình còn phải biết rõ, nhớ chừng là mình đang thiếu cái gì?" Tôi e rằng cái phần mà biết mình thiếu đó, cái phần đó tôi e là nó quan trọng hơn, nha.


Tôi có thể quên ở nhà tôi có cái gì, cái đó tôi quên, cái đó hỏng chết, nhưng mà tôi phải nhớ nhà tôi thiếu cái gì. Sức khỏe tôi, tôi ngon lành cái mặt nào, cái phần đó tôi quên hỏng sao hết, nhưng mà tôi biết sức khỏe tôi cần phải bổ xung, cần phải điều chỉnh chỗ nào, cái đó mới là quan trọng. Còn cái chuyện các vị không đồng ý thì mặc xác, tôi chỉ nói vắn tắt, tôi đẹp trai, tôi có sức khỏe, tôi có thể quên hai cái đó không sao, nhưng mà tôi bị sạn thận nè, tôi bị tiểu đường, tôi bị cao máu nè, tôi bị tim thòng nè, cái đó tôi phải nhớ, mấy cái đó mà hỏng nhớ là chết dịch đó. Còn cái chuyện mà tôi đẹp trai, cái chuyện mà tôi khỏe mạnh, tôi cơ bắp, tôi cao ráo v v… cái đó tôi quên hỏng sao hết, nhưng mà mấy cái nhược của tôi tôi phải nhớ, tôi coi như là mất ngủ, suy nhược thần kinh, tôi bị tim thòng nè, tôi bị sạn thận nè, rồi tôi bị bao tử loét nè, tôi bị bác sĩ nghi ngờ cái này cái kia, đó, cái đó là cái tôi phải nhớ, cái đó quan trọng lắm.


12:39


Tiếp theo về nghiệp cũng vậy, mình đã tưởng mình đã hiểu rồi. Không, không đủ đâu quí vị, mình chỉ biết nhiều lắm là mình chỉ biết một mảnh vụn nhỏ xíu xìu xiu của cái gọi là tổng nghiệp thôi. Mình biết là làm cái đó được cái đó, làm cái đó được cái đó, làm cái đó được cái đó, nhưng mà mình quên nghĩ một chuyện đó là ngay trong lúc mà mình làm thiện đó, cái ác nó pha vô mà mình hỏng biết. Yah, bố thí mà bằng cái tâm ganh tỵ, bố thí mà bằng cái tâm tiếc của; bố thí mà bằng cái tâm bực mình, sân hận, hiềm khích; bố thí mà để cầu danh, để cầu lợi, chỉ riêng bố thí không mà nó kéo theo những phiền não nó chen vô mà mình hỏng có ngờ.


Cả buổi sáng, sắp tới mùa dâng y, còn 5 tháng nữa dâng y nè, các vị coi kỹ coi, ai mà làm thí chủ, nắng nôi thấy bà nội, nó nóng nó nực, người đông rần rần, khói nhang nghi ngút, tiếng ồn om sòm, rồi đã vậy mình nghe lời ong tiếng ve là bực mình, mà hôm đó mình là thí chủ lớn, đại thí chủ trong một ngôi chùa lớn, dâng y, thì mình phải coi cái khả năng buông bỏ của mình nó được bao nhiêu? Hôm nay mình không có còn nhớ bao nhiêu cái tỵ hiềm, bao nhiêu cái bực mình, sáng giờ mình gặp cái bản mặt nào mình không thèm màng, mình chỉ nghĩ đến một việc mình đang gieo cái duyên lành giải thoát, mình đang cúng dường vô thượng phước điền y cho chúng tăng, vậy là đủ rồi, còn cái chuyện gì ngoài ra bỏ. Còn không, nếu mà mình không có kiểm soát, thì ngay trong cái mà mình tưởng mình hiểu được cái nghiệp đó, còn rất là sơ sài.


Cho nên mình học ở đây mình thấy Đức Như Lai biết rất rõ về các nghiệp thì học cái đó để nhớ lại mình, mình tự xét mình đã hiểu được gì về nghiệp? Mình cứ tưởng là cúng dường trai tăng là có phước nhưng mà mình quên là mình đã cúng dường bằng cái tâm lý như thế nào? Kể cả mình đi vào thiền viện cũng vậy, mình cứ tưởng mình vào thiền viện là mình thành hành giả, sai, vào thiền viện mà có bao nhiêu phần trăm mỗi ngày anh sống chánh niệm? Và trong những giây phút anh sống chánh niệm ấy, cái mục đích, cái lý tưởng, cái cứu cánh cao nhất của anh là giải thoát hay anh còn tơ tưởng đến chuyện gì khác?


14:43

26/09/2019 - 09:02 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


Ngay cả giữ giới cũng vậy, anh đừng có nói với tôi là anh không phạm giới là anh giữ giới. Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, anh đừng có tưởng anh quăng ra là anh bố thí, bởi vì cái đó là to give chứ chưa chắc là give up, có nghĩa là mới cho nhưng chưa có buông, nha.


Giữ giới cũng vậy, không phạm giới chưa chắc là giữ giới bởi vì anh phải có những yếu tố tâm lý như thế nào đó mới gọi là giữ giới. Thí dụ, nếu anh nói với tôi không phạm giới là giữ giới vậy có một anh đang nằm ngủ thì ảnh đâu có phạm đâu, vậy là anh giữ giới à? Một đứa bé nằm nôi bú bình nó đang giữ giới à, bởi nó đâu có phạm gì đâu? Một người hôn mê liệt giường là đang giữ giới à? Một người đang nằm ngủ mê là đang giữ giới? Một đứa bé khù khờ, một người đang hôn mê lú lẫn là đang giữ giới bởi họ đâu có phạm gì đâu? Cho nên mình phải nói rõ giữ giới ở đây là ý thức kiêng tránh điều tội lỗi qua tam nghiệp, là ý thức intentionally một cách cố ý kiêng tránh điều xấu trong tam nghiệp thì cái đó mới gọi là giới.  (LTP: Tam nghiệp là hành động tạo tác của thân, miệng, ý )


Còn cái chuyện mà anh ngủ khì cái lúc đó đâu gọi là giữ giới tại vì anh không có phạm, nhớ nha. Phải biết mấy cái này nè mình mới không có tiếp tục tu hành trong cái sự yên tâm không có tu hành trong cái kiểu cách trùm mền ngủ. Thường mình hay tu kiểu trùm mền ngủ lắm, có nghĩa là tự cho mình hiểu như vậy là được rồi, mình tu như vậy là được rồi. Nhưng mà nên nhớ cái này, chiếc xe bò không chạy thì mình đánh con bò chớ hỏng ai đánh cái thùng xe. Tu là mình đánh cái tâm của mình, tâm mình là con bò, tâm mình là con ngựa, tâm mình là con khỉ, mình phải dạy con bò, con ngựa, con khỉ đó chứ còn cái thân này nó là cái thùng xe, nhớ nha. Xe bò không chạy là đánh con bò chớ hỏng ai mà đánh cái thùng xe, đánh cái bánh xe, đánh cái căm xe, đánh cái trục, đánh cái ách, cái đồ ràng, dây buộc. Không có, nhớ cái đó.

3/ Biết rõ về thiền định

Tiếp theo Đức Như Lai biết rất rõ mọi chuyện, mọi chi tiết về thiền định, về thần thông. Các vị biết rồi mỗi vũ trụ, mỗi thế giới có ba cấp.
  1. Cấp một của những người hưởng dục, đam mê, vùi đầu, gục mặt ở trong 5 dục vật chất: sắc thinh khí vị xúc. 
  2. Cấp hai là thế giới của những người mà ly dục sống trong thiền sắc và vô sắc, họ chỉ sống trong thiền định thôi, sống chuyên tâm trong đề mục rồi từ đó đắc thiền sanh về các cõi phạm thiên. 
  3. Nhưng mà đó là hai tầng, tầng thứ ba là lâu lâu mới có. Còn bình thường khi không có thánh nhân ra đời, không có Chánh đẳng giác, không có Độc giác ra đời thì cái tầng thứ ba coi như không có người. Nhớ nha, gớm như vậy đó.

Vũ trụ có ba cái cảnh giới, tôi không kêu là cõi mà có ba cái cảnh giới tâm linh. 
  1. Cảnh một dành cho những người hưởng dục vật chất, 
  2. cảnh giới hai là dành cho những người chìm sâu trong các tầng thiền sắc và vô sắc; 
  3. nhưng mà cảnh giới ba, cảnh giới tâm linh là của mấy người chán sợ mọi hiện hữu.  Cảnh giới thứ ba này là mình chỉ biết tới khi có Chư Phật ra đời mà thôi.
Và bây giờ mình thấy ở trong đây nhắc đến cái chuyện là Đức Như Lai biết rất rõ mọi chuyện về thiền định và thần thông, mình nghĩ mình đâu có thần thông, đâu có thiền định vậy mình đâu có cần học cái này. Sai, học để biết một chuyện là ta đang lè tè lùn xịt ở dưới cảnh giới thấp nhất. Có cảnh giới hơn cái đó nữa, đó là ly dục của mấy người đắc thiền, và Đức Như Lai khi Ngài ra đời thì Ngài dạy cho mình biết cả ba cái cảnh giới này: Có người chỉ chìm sâu trong các dục vật chất, thứ hai là có người khá hơn biết sống ly dục nhưng mà sống chìm sâu ở trong các tầng thiền định, chỉ có cái cảnh giới thứ ba là cảnh giới của những người nhàm chán cả dục lẫn thiền, cả danh lẫn sắc, họ thấy rằng mọi hiện hữu chỉ là phù du, có đó rồi mất đó.

Một trăm năm ở cõi người mình tưởng nó lâu nhưng mà nó chỉ là một cái nháy mắt của chư thiên thôi, của phạm thiên thôi, và chúng ta cũng đồng ý là thời gian nó có hai thứ thời gian là thời gian địa quyển, là geological time, còn thời gian thứ hai gọi là mental time là thời gian tâm lý.


Thời gian geological time là sao? Đó là thời gian của địa hình, địa chất thí dụ biển xanh biến thành ruộng dâu rồi cái thời gian để mà núi lở sông bồi, hồi xưa chỗ này là đồi bây giờ nó là hồ, chỗ này hồi xưa là biển bây giờ nó thành cái hang. Thí dụ cái hang Huyền Không ở Đà nẵng, mình vô mình nhìn lên cái trần hang mấy vỏ ốc dầy đặc ở trển, ngày xưa nó ở dưới biển bây giờ nó trồi lên từ từ. Thời gian đủ để cho mấy cái lớp trầm tích, lớp vỏ trái đất hình thành nên những thay đổi như vậy cần đến hàng triệu năm và đó là thời gian lâu nhất. Thời gian thứ hai là thời gian của vật chất, là thời gian của một kiếp người. Thời gian của một kiếp người nó chỉ là một phần triệu, một phần tỷ của thời gian geological time.


Nhưng mà riêng thời gian mental time là thời gian tâm lý, có nghĩa là khi mà mình muốn cái gì đó lâu thì mình thấy nó ngắn, khi mà mình muốn cái gì đó ngắn thì mình sẽ thấy nó lâu, thời gian đó là thời gian tâm lý. Thì cái trăm năm, ngàn năm mình muốn nó dài hay ngắn thì khó nói lắm, thí dụ thời gian bị đọa thì ngàn năm nó lâu thiệt, nhưng mà nếu ngàn năm trên cõi trời thì nó ngắn lắm. Ngắn là do cái tâm tưởng của mình thôi chứ còn biết dựa vào đâu mà nói ngắn nói dài.


20:37

27/09/2019 - 01:02 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


Cho nên khi mà tán thán Đức Như Lai hiểu rõ về thiền định thì mình phải nhớ cái này, thì ra cái mà Đức Như Lai lìa bỏ trước khi thành Phật là Ngài lìa bỏ thiền định chứ không phải lìa bỏ dục, dục là Ngài đã lìa bỏ trước đó rồi, nhớ nha. Cái mà Phật bỏ để thành đạo là các thiền chứ không phải dục nữa vì Ngài đã ly dục rồi mới đắc thiền. Nói vậy các vị có hiểu không?

Cái mà Phật bỏ để mà thành đạo là các thiền chứ không phải dục, có nghĩa là Ngài đã xa cảnh dục từ lâu rồi. Coi kỹ lại coi, trong cái đêm mà cuối cùng thành đạo là đầu hôm Ngài sống với túc mạng minh, canh giữa là sanh tử minh, canh cuối là lậu tận minh, có nghĩa là lúc đó dục nó đã cách Ngài ngàn trùng rồi.


Cho nên mình mới thấy là "Ồ thì ra cái cảnh giới của Đức Phật cách mình xa lắm, khoan nói đến cái trí tuệ, cái đức hạnh của Ngài. Chỉ nói đến cái khoản mà hành trình Ngài đi cách mình xa lắm. Ngài ly dục đợt một là sao ta?


Ly dục đợt một là bỏ ngôi vua mà đi, bỏ vợ đẹp con ngoan mà đi, bỏ hoàng cung sự nghiệp đế vương mà đi, đó gọi là ly dục đợt một. Ly dục đợt hai là khi Ngài vào trong rừng không màng đến chuyện ăn mặc và buông hết, sống lỏa thể trần truồng trong rừng sâu núi thẳm đó là ly dục đợt hai. Chớ không phải như mình, mình bỏ cái nhà là mình tưởng mình hay rồi, tới hồi đắp y sống sung sướng như một ông hoàng như vậy, đó là chưa.


Còn Ngài là Ngài làm từng đợt, từng đợt. Đợt một là Ngài bỏ hoàng cung, ngai vua; đợt hai là Ngài có thể sống một đời sống tu sĩ tiện nghi nhưng mà cũng không, Ngài bỏ hết. Mở dùm tôi bài kinh Đại kinh sư tử hống trong Trung bộ coi Ngài nói như thế nào về Ngài? Trong thời gian mà Ngài khổ tu 6 năm trời mình mẩy trần truồng bò lết vô trong cái chuồng bò, ăn phân bò rồi mới đi vệ sinh ra rồi ăn cái mà mình mới vừa bài tiết ăn ngược trở vô. Ngài làm đủ cách gọi là khó khăn cùng cực để chi? Bởi vì theo niềm tin của người thời đó là phải tự đày đọa như vậy để trục, để đuổi, để xua, để tống khứ cái trược phiền não của mình.


Hồi đó giờ do có thích mới có ghét, thích cái này mới có ghét cái kia, mà hễ có thích có ghét là phiền não, bây giờ mình dẹp hết mình không còn sống trong cái thích nữa thì như vậy mình sẽ không còn ghét, nghĩa là không còn khổ. Có nghĩa là mai này đã lên đến mức trần truồng ăn phân thì các vị tưởng tượng người đó nó còn cái gì nữa hả? Các vị có dám làm cái đó không? Trần truồng rồi ăn phân, phân của mình. Mình ăn phân bò xong mình đi ra rồi mình mới móc cái của mình mới vừa đi đó ăn ngược trở vô. Thì Ngài tính là Ngài thử qua tất cả các cái pháp khổ tu nhưng cuối cùng Ngài thấy không xong, Ngài thấy rằng khổ phải được thấy mới dẫn đến thoát khổ, chứ không phải là chịu khổ để thoát khổ.


Làm ơn nhớ cái câu này: "Phải thấy khổ để hiểu nó mới thoát khổ chớ không phải gồng mình chịu khổ rồi thoát khổ". Trong room này tôi nghĩ các vị có thấy cái đó, thí dụ như bây giờ mình bị nhức răng đi, ông nha sĩ ổng biết rất rõ vì đâu mà cái răng nó bị nhức, phải thấy rõ cái đó, phải thấy rõ cái chuyện nhức răng nó đến từ đâu, cái đau này đau chỗ nào và vì sao nó đau? Phải hiểu rất rõ đau răng hiểu tới nơi tới chốn rồi nha sĩ họ mới giải quyết cái nguồn cội của cái đau răng đó thì mình mới hết. Chứ còn mà quí vị ôm một họng sưng như là mõm lợn vậy làm sao mà cứ ôm vậy thì làm sao mà hết. Trong thời gian làm răng phải uống trụ sinh nè, phải ngậm muối nè, rồi phải ăn cháo, ăn súp, thậm chí là húp nước nữa kìa, ở Mỹ là ngậm nước súc miệng Listerine, giữ sạch nó xong rồi là đừng có để cho nó bị nhiễm trùng bằng cách là uống trụ sinh. Rồi nha sĩ coi cái nào phải nhổ thì nhổ, rút gân máu thì rút, nói chung là họ phải biết rất rõ mình đau chỗ nào và vì đâu mình bị đau họ mới giải quyết được.


Cái khổ chỉ có thể được giải thoát bằng cách là nhận thức, cho nên 4 việc phải làm đối với 4 đế là gì? Khổ đế cần được hiểu, tập đế cần được trừ, diệt đế cần được chứng, đạo đế cần được hành. Chớ khổ đế không phải là để mình gồng mình chịu, hổng phải.


Cho nên Ngài ly dục là bỏ hoàng cung là đợt một, ly dục đợt hai là Ngài từ chối luôn cả sự dễ chịu tối thiểu của một con người. Cái đợt một là từ bỏ cái nhu cầu tào lao của con người, danh lợi, tình yêu Ngài bỏ đó là đợt một. Bước hai ly dục của Ngài là từ bỏ nhu cầu thiết yếu của một con người là ăn, mặc, ở dẹp luôn; nhưng mà Ngài thấy coi bộ cái này hỏng xong, nó hơi bị cực đoan.


Bởi vì bửa hổm tôi nói nhiều lần khi mà mình tu là mình đi theo cái hành trình như sau: Lúc chưa biết gì thì chỉ chạy theo cái thích, biết tu ba mớ hạn chế cái thích quan tâm tới cái cần, tu thêm một bước nữa thì mất luôn cái thích chỉ giữ lại cái cần và cuối cùng chỉ giữ lại cái tối cần. Đây là công thức tu hành, không có chi pháp, không có chữ Pali, không có cái chữ gì chuyên môn hết, chỉ toàn là có hai chữ thích và chữ cần.


Ngày chưa biết gì ta cắm đầu chạy theo cái thích như là một con chó, như là một con heo, chỉ chạy theo cái thích và trốn cái ghét thôi. Bước hai, khi biết Phật Pháp rồi giảm cái thích chỉ còn lại cái cần. Bước ba, bỏ hẳn cái thích chỉ còn giữ lại cái cần. Và bước bốn, chỉ còn giữ lại cái tối cần. Mới nghe qua thì thấy lời Phật tu khó quá, nhưng mà không. Khi mà các vị hiểu đạo, hành đạo các vị mới ngộ ra cái điều thú vị này: Anh càng nhiều nhu cầu thì đời sống của anh sẽ càng nhiều bất tiện. Không biết trong room có hiểu câu này không ta?


Càng nhiều nhu cầu thì càng nhiều bất tiện. Thí dụ như bây giờ nè, tôi ngồi là cái chỗ đó phải sạch tôi mới ngồi được, mà sạch bằng cách nào? Là phải có tấm trải tôi mới ngồi được, mà cái đó ngồi phải êm chứ còn mà tấm trải chỉ là tấm vải ngồi nó đau dữ lắm, cho nên tôi ngồi ở đâu là chỗ đó phải sạch mà phải êm. Nước tôi uống là tôi phải biết gốc tích đó là nước suối, nước có hiệu đàng hoàng chớ tự nhiên đưa một cái ly ba xàm ở đâu, đưa cái ly không biết gốc tích nước đó múc ở đâu, mà cái ly này sạch dơ hỏng biết múc đưa tôi uống, tôi uống hỏng được. Ăn cũng vậy, tôi phải ăn đồ nóng, chút xíu tanh hoặc là hơi mặn quá, hơi nhạt quá, hơi chua quá, hơi ngọt quá tôi ăn không có được. Thuốc men phải là đồ hiệu, thí dụ thuốc Mỹ, thuốc Châu Âu tôi mới uống. Tôi ngủ tôi cần cái đồng hồ reo mà nó kêu lớn quá tôi ngủ không có được cho nên tôi phải xài đồng hồ pin, mà lỡ bửa nào nó hết pin nó bị trời ẩm nó bị mát điện là cái đồng hồ đó xài hỏng có được là tôi phải xoay sở để có đồng hồ reo tôi xài; còn bây giờ nó có cái phone rồi thì tôi hỏng có xài đông hồ reo nhưng phải có cái phone. Rồi cái giường tôi nằm cái nệm nó phải làm sao, ba cái dép tôi mang, tôi đi ra khỏi nhà tôi phải mang loại dép gì? Tôi về tới nhà cái dép tôi mang trong phòng phải loại dép gì? Cái nón tôi xài là loại nón sao chứ không phải nón nào chụp trên đầu tôi tôi cũng đội, rồi bóp đầm, xách tay, mắt kính, đồng hồ, dây nịch mọi thứ tất cả tôi xài đều phải có lý do hết. Váy rồi đầm rồi khẩu trang tất cả đều là đồ hiệu hết.


Thì khi mà tôi có quá nhiều cái nhu cầu như vậy thì các vị phải đồng ý với tôi là tôi càng nhiều nhu cầu là sẽ càng nhiều bất tiện, là sao? Có nghĩa là tôi đi đâu tôi cũng thấy thiếu hết trơn á. Yah, tôi đi đâu tôi cũng thấy thiếu hết, tôi đi về Tàu, qua Nhật, đi Mỹ, về Châu Âu, trở lại Việt Nam, đi qua Thái, qua Miến đi đâu tôi cũng thấy nó thiếu điều kiện, là vì sao? Vì nhu cầu của tôi nhiều quá.


Cho nên ở đây khi nói đến thiền định là mình phải nhớ cái đó, chuyện đầu tiên là phải ly dục, người ly dục là người không còn cái nhu cầu vật chất mà tùm lum nữa, chỉ còn giữ lại cái tối cần thôi, đó là khi họ còn mang thân nhân loại. Khi mà họ đã làm phạm thiên thì họ không còn nhu cầu vật chất nữa và nói theo thánh kinh, thánh kinh không có câu này nhưng mà tôi thích cái giọng của thánh kinh thì "Phúc thay cho cái kẻ nào mà có ít hoặc không còn cái nhu cầu vật chất". Bởi vì nếu mà nói cho rốt ráo tại sao ta có nhu cầu vật chất? Một là lòng ta muốn thế, hai là thân ta muốn thế. Cả hai cái này đều khổ.


Lý do ta có nhu cầu vật chất vì lòng ta muốn thế hay thân ta đòi hỏi vậy. Các vị nghe cái này là đã có vấn đề rồi. Khổ quá, khổ quá, nha. Các vị nghĩ kỹ lại đi có đúng vậy không? Lý do ta có nhu cầu vật chất vì hai điều thôi, một là vì lòng ta muốn thế, hai là thân của ta nó đòi thế.


Thí dụ như bây giờ mình già, mình đi phải có cây gậy, già rồi lưng còng, đau mỏi phải nằm nệm chứ đâu có nằm cái chõng gỗ, chõng tre được, rồi ngồi cũng phải ngồi ghế làm sao, có cái gì lót, cái gì bọc; đi đâu phải có đồ quấn, đồ choàng không thôi nó lạnh. Người già nó kỳ lắm, xứ nóng chứ người già phải mang vớ, người già phải có khăn quàng, người già phải có dầu gió, người già phải có hai ba lớp áo, thí dụ như vậy thì những nhu cầu đó do cái thân ta đòi thế. Còn khi ta còn trẻ mà ta có nhu cầu này, nhu cầu kia thì đó là do lòng ta muốn thế. Các vị thấy rõ ràng chỉ cần nghe hai cái lý do này, bắt đầu một người có lòng tu là họ đã oải rồi, chỉ cần họ đọc cái câu này "Ta có nhu cầu vật chất là vì lòng ta muốn thế hoặc thân ta nó đòi hỏi vậy".

Cho nên Đức Thế Tôn biết rất rõ những cái gì về thiền định và thần thông là chỗ đó. Chuyện đầu tiên là Ngài biết rất rõ rằng muốn đắc thiền là anh phải ly dục. Cho nên ở đoạn sau của bài kinh Ngài dạy rất rõ, Ngài dạy là tất cả sáu trí này chỉ có ở người thành tựu thiền định.

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh giảng Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh - MN12) và Tăng Chi Bộ Kinh 6.64 (2-3)
https://toaikhanh.com/audiotext.php?mp3=audio/Youtube%202019/20190603.KTC.6.64%20S%C6%B0%20T%E1%BB%AD%20H%E1%BB%91ng


MN12 - Đại Kinh Sư Tử Hống:
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung12.htm 

KTC.6.64 Sư Tử Hống (#180), p. 12

32:44

27/09/2019 - 08:18 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]



Tiếp theo đó là gì ta?  (6 Trí Tuệ của Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác)

4/ Biết rõ Quả của Luân Hồi.
5/ Biết rõ Nhân của Luân Hồi.
6/ Biết rõ Tứ Thánh Đế

  1. Cái thứ nhất là Ngài biết rõ cái gì là hợp lý, vô lý.
  2. Cái thứ hai là biết rõ về cái nghiệp của chúng sanh, nghiệp lý.
  3. Cái thứ ba, biết rõ về thiền định.
  4. Cái thứ tư, Ngài biết rõ về cái quả luân hồi tức là nhớ lại vô số đời trước không giới hạn, có nghĩa là nhớ kiếp xưa cách đây một ngàn kiếp, một tỷ kiếp, một triệu tỷ kiếp mình hoặc là người khác đã sanh ra ở đâu, làm gì, hình dáng, tuổi thọ, sinh hoạt, thích ghét, nhu cầu ra sao biết rất rõ, nhớ rất rõ đó gọi là nhớ quả luân hồi.
  5. Tiếp theo là sanh tử trí tức là cái nhân luân hồi là nhớ rất rõ biết rất rõ là ông nào đó, bà nào đó hoặc bản thân Ngài kiếp đó, kiếp đó vì nghiệp nào mà được giàu, vì nghiệp nào mà bị nghèo, bị bệnh, vì nghiệp nào có sức khỏe, thông minh, vì nghiệp nào có quyền lực, có nhan sắc, vì nghiệp nào được kẻ thương người ghét biết rất rõ, đó gọi là nhân luân hồi.
  6. Và cái cuối cùng là gì? Khi mà biết rõ cái nhân và quả luân hồi thì Ngài mới thấy được ra cái 4 đế, Ngài thấy rằng:
  • tất cả quả luân hồi đều là khổ,
  • tất cả nhân luân hồi đều là tập,
  • còn thích trong khổ là còn đầu tư trong tập,
  • muốn hết khổ thì phải vắng mặt của tập đế tức là lòng tham trong 6 trần, mà cái hành trình nào dẫn tới sự vắng mặt ấy đó chính là Tứ Niệm Xứ hay còn gọi đủ là Bát Chánh Đạo.
Có nghĩa là từ cái chuyện thấy nhân thấy quả sanh tử Ngài mới ngộ ra được 4 đế, ngộ theo cái hướng đó đó. Thấy tất cả quả sanh tử đều là khổ, tất cả nhân sanh tử đều là tập đế. Muốn vắng mặt khổ đế phải lìa tập đế, hành trình lìa bỏ tập đế chính là đạo đế tức là bát thánh đạo vậy. Khi mà Ngài có được 6 cái trí này thì Ngài mới được gọi là vị Vô Thượng Điều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Và 6 cái trí này ở vị Thinh văn có không ta? Có chứ, nhưng mà không có đáng kể so với Thế Tôn từ cái trí 1 cho tới trí thứ 6. Chỉ có trí thứ 6 thì có 2 điểm giống hơi nhiều giữa đạo sư và đệ tử, giống ở chỗ nào? 
  1. Giống ở chỗ cả hai đều phải thấy rõ 4 đế và 12 duyên khởi mới là chứng thánh, mới lìa hẳn tất cả phiền não kiết sử, giống nhau là giống chỗ đó. Và 
  2. với một người như vậy thì sau kiếp sống này không còn luân hồi nữa, đây là điểm giống thứ hai.
Tuy nhiên cái biết, cái mà giác ngộ cái trí thứ 6 của vị Chánh đẳng giác là do thấy tất cả mọi sự rồi chứng Tứ Đế, cái thấy của Ngài bao la lắm cho nên nếu các vị đọc kinh các vị tinh ý một chút, chỉ riêng cái khoản túc mạng minh Ngài dùng hẳn một canh, khiếp chưa? Một canh để Ngài nhớ, tức là Ngài nhìn ngược nhìn xuôi "Trời ơi, nhìn đâu cũng khổ vậy há".

Rồi Ngài dùng tới canh thứ hai Ngài mới quán nhân sanh tử "Ồ! cái giàu đó, cái nghèo đó, cái xấu, cái đẹp, cái sướng, cái khổ đó, cái đen trắng, mập ốm, ngu khôn, sang hèn đó đó là nó do mấy cái nghiệp này nè". Ngài quán đó Ngài mới lạnh xương sống, khi mà Ngài đã nghe xương sống nó lạnh rồi thì Ngài mới bắt đầu Ngài mới nhàm chán, Ngài mới quán chiếu 4 đế thông qua nhân và quả sanh tử.

Cho nên trong chú giải mới ghi rất rõ là trong tích tắc Ngài có thể tu qua tất cả các đề mục thiền chỉ, tuy nhiên trước khi thành đạo là Ngài phải dùng cái tứ thiền mà từ đề mục hơi thở. Chư Phật luôn dùng tứ thiền từ đề mục hơi thở để làm nền tảng quán chiếu 12 duyên khởi và 4 đế để thành Phật, đại khái như vậy nghe. Cái này trong room thế nào cũng có người thắc mắc "Cái này ổng nghĩ ra hay là ở đâu? Dạ thưa cái này trong chú giải ghi.

Các vị nào mà biết Tiếng Anh, các vị dịch dùm cái câu này nè, tôi không có giúp các vị nữa, mà thời này là thời internet, thời này là thời google, các vị dịch dùm cái Tiếng Anh, dịch qua Tiếng Pháp, dịch qua Tiếng Đức, dịch xong rồi mới liệng qua google. Tôi cho các vị một cái từ khóa luôn, là anapana catutthajjhana paccayakara, đánh cái từ khóa này vô rồi coi nó dắt mình đi đâu nha. Thì trong đó sẽ có cái câu nói là "Bồ tát phải dùng cái tứ thiền có từ hơi thở để mà quán chiếu cái duyên khởi, tức là duyên khởi và 4 đế không có rời nhau, vì sao vậy?

Vì duyên khởi gồm có hai chiều thuận và nghịch, khi hai chiều thuận nghịch của 12 duyên khởi cộng lại thì có đủ 4 đế, nhớ nha. 

Chiều Thuận cho Khổ và Tập: Tức là do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, tức là do u mê trong 4 đế mới tạo các nghiệp thiện ác, từ các nghiệp thiện ác mới có tâm đầu thai, do các tâm đầu thai nên mới có lục căn, lục xúc, lục thọ, lục ái; từ lục ái sanh ra tứ thủ, tứ thủ sanh ra hai hữu, đó là hành trình từ khổ đến tậptập đến khổ.

Chiều Nghịch cho Diệt và Đạo: Khi vô minh diệt, có nghĩa là khi không còn vô minh trong 4 đế nữa thì sao? Thì không còn các nghiệp thiện ác, cái đó là hành trình ngược, hành trình diệtđạo là cái chỗ đó. 

Cái tinh thần của 4 đế được thể hiện qua hai chiều thuận nghịch của 12 duyên khởi. Cho nên ai đó nói Thinh văn chỉ có biết 4 đế, Độc giác chỉ có biết 12 duyên khởi thì tôi lạy các bố, các bố có học giáo lý kỹ không, các bố nói gì kỳ vậy?

Tôi vừa giảng xong là 6 cái trí này ở Thinh văn cũng có, nhưng mà chỉ là cái mảnh vụn của Chánh đẳng giác thôi. Thí dụ như túc mạng minh, sanh tử minh đệ tử của Đức Phật cũng có vậy, các vị Thinh văn cũng có vậy nhưng chỉ là một mảnh vụn, các vị nhớ được 100 ngàn đại kiếp, 200 ngàn đại kiếp trong khi Đức Thế Tôn là không giới hạn bởi các con số.

Sanh tử minh cũng vậy, lậu tận minh cũng vậy. Còn mấy cái trí đầu tiên như là trí hiểu biết về thiền, trí hiểu biết nghiệp lý, trí hiểu biết cái gì là có thể và không có thể, những cái trí đó Thinh văn cũng có nhưng chỉ là những mảnh vụn.

Và cuối cùng là cái lậu tận trí, tôi đã nói, Thinh văn chỉ cần nhìn vào một giọt sương, nhìn vào một giọt nước, nhìn một tí ánh trăng, Thinh văn chỉ cần quan sát hơi thở, quan sát một tâm trạng, một cảm xúc là Thinh văn đắc chứng, mặc dù trước đó mù tịt không biết cái gì hết. Không biết cái gì hết nhưng mà duyên đủ rồi thì chỉ cần nhìn cái mặt nước, sao gợn ánh trăng, nhìn một chiếc lá rơi, quan sát hơi thở trong tích tắc v v… có thể chứng, nhưng mà riêng vị Chánh đẳng giác thì không.

Cái hành trình của các Ngài là kèn trống ầm ỉ, nghi trượng gọi là trang nghiêm lắm, là sao? Các Ngài phải trải qua bao nhiêu, có nghĩa là các Ngài phải đắc chứng toàn bộ các tầng thiền định, xong rồi các Ngài lấy đó làm nền tảng để mà quán chiếu danh sắc, quán chiếu 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới thông qua 12 duyên khởi và từ đó là 4 đế, nhớ nha. Và đây là lý do vì đâu mà sau khi thành Phật rồi Thế Tôn và Chư Phật nói chung đã nhập 2 triệu 400 ngàn lần các cái tầng thiền vào ra, ra vào, vào ra, ra vào, vào ra suốt 2 triệu 400 ngàn lần như vậy sau khi thành Phật, thời gian tích tắc là đã xong. Và trước khi niết bàn đã lập lại một lần nữa chuyện ấy có nghĩa là xuất nhập vào ra 2 triệu 400 ngàn lần, chín tầng thiền tất cả,

  1. vô sơ thiền ra sơ thiền,
  2. nhập nhị thiền ra nhị thiền,
  3. nhập tam thiền ra tam thiền,
  4. nhập tứ thiền ra tứ thiền sắc giới,
  5. nhập vào hư không ra khỏi hư không vô biên,
  6. nhập vào thức vô biên ra khỏi thức vô biên,
  7. nhập vào vô sở hữu xứ ra khỏi vô sở hữu xứ, 
  8. nhập vào phi tưởng phi phi tưởng ra khỏi phi tưởng phi phi tưởng,
  9. nhập vào diệt thọ tưởng định xuất khỏi diệt thọ tưởng định,

(Lặp lại quá trình từ step 1 tới step 9 tất cả là 2 triệu 400 ngàn lần.)

nhập vào sơ thiền ra khỏi sơ thiền, nhập vào nhị thiền ra khỏi nhị thiền, nhập vào tam thiền ra tam thiền,...cứ như vậy mà đến 2 triệu 400 ngàn lần sau khi thành Phật và trước khi niết bàn.

Cho nên đây cũng là một trong những cái lý do mà cái bửa ăn của Bà Sujata và cái bửa ăn của ông Cunda có công đức rất lớn. 
  1. Cái bửa ăn của Bà Sujata là nhờ cái bửa ăn đó mà Bồ tát coi như là thành Phật chứng được hữu dư y niết bàn, chứng được phiền não niết bàn và cũng nhờ bửa ăn đó Ngài đủ sức khỏe để Ngài nhập thiền 2 triệu 400 ngàn lần. 
  2. bửa ăn của Cunda được xem là công đức tương đương vì nhờ bửa ăn đó Ngài cũng đủ sức dể nhập được 2 triệu 400 ngàn lần các tầng thiền định, và cũng từ bửa ăn đó Ngài mới có thể viên tịch niết bàn tức là vô dư y niết bàn.
Từ nay gọi là tuyệt đối khỏe thân, không còn phải nhọc sức đi hóa độ người này người kia, bị chúng chửi, bị chà đạp, rồi thị phi rồi dè bỉu quàng xiên khổ nhọc mệt lắm.

Mình thương Phật mình muốn Phật trụ thế đời đời nhưng mà thật ra mình quên nghĩ tội nghiệp Ngài lắm, mệt lắm. Xuất thân đế vương mà mỗi ngày đi bát nó cho tầm bậy tầm bạ củ sắn, củ khoai gì đó ráng mà nuốt, nó thương thì nó quì nó lạy, nó ghét thì nó đứng chống nạnh nó chửi từ sáng cho tới chiều rồi làm sao, cũng đứng mà nhịn chứ làm gì? Cho nên quí Phật, muốn Phật trụ thế đời đời nhưng cũng phải thương Phật chứ, thương mình nghĩ Ngài đâu có được cái gì đâu, đi hoằng pháp không có được cái gì hết, Đức Phật không được một cái gì hết.

44:29
28/09/2019 - 12:45 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Bởi vì cái chuyện mà người ta lạy Ngài, người ta khen Ngài mình tưởng hay chứ nói thiệt Ngài được cái gì đâu? Các vị tưởng tượng đi. Bây giờ các vị lấy cái quạt các vị quạt cho Ngài đó vậy mà Ngài còn được chút đỉnh, chớ còn cả đám mà quì lạy xì xụp, mà khen Ngài thì Ngài được cái gì? Cho nên khi một lần mà Ngài quyết định Ngài tịch rồi khỏe thân Ngài lắm, còn lúc mà Ngài chưa đến cái tuổi viên tịch, lâu lâu mà Ngài mệt mỏi quá, Ngài chỉ mệt thân thôi chứ Ngài đâu có mệt tâm, nhưng lâu lâu nghe nó mệt quá đi thì Ngài nhập thiền diệt.

Ngài có nhiều cái cách nghĩ ngơi, cách một là Ngài nhập thiền quả tức là Ngài an trú vào trong vô tướng tâm giải thoát, quán chiếu thế giới này không còn nam phụ lão ấu, đực cái trống mái, bò bay mái cựa hỏng còn, Ngài chỉ thấy danh sắc chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt. Ngài thấy mọi thứ đang chớp tắt, chớp tắt, mà khi Ngài thấy như vậy Ngài khỏe dữ lắm bởi vì Ngài không có còn bận tâm lo thuyết pháp cho cái tên này, thuyết pháp cho cái tên kia, dạy tên này phải tu làm sao, dạy tên kia phải tránh cái gì, mệt lắm.

Lúc đó khi Ngài an trú trong thiền quả là Ngài trú vào cảnh niết bàn, Ngài chỉ biết cảnh niết bàn thôi. Khi mà Ngài nhập vô tướng tâm là Ngài chỉ biết danh sắc thôi. Vô tướng đây có nghĩa là không còn tướng nam, tướng nữ, tướng trời, tướng người, tướng thú hỏng còn nữa, chỉ là chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt. Khi mà Ngài an trú vào cảnh giới đó Ngài khỏe lắm, các vị tưởng tượng là thấy khỏe rồi, nha.

Không còn nghĩ ngợi .  Giống như bây giờ mình người phàm, mình đi vacation mấy bờ biển Ca ri bê, biển Majorca, biển... vậy đó, mình bước ra đó mình nhìn 4 bề mây nước quên hết công ăn việc làm, công ty hãng sở, chủ tớ, kẻ trên người dưới, quyền chức, tranh danh đoạt lợi, quên hết, tuốt tuồn tuột, ra đó chỉ "một mảnh tình riêng ta với ta" thì nó đã biết là chừng nào.

Cho nên là mình phải nói đó là mình phải thương ở chỗ là vì mình mà Ngài khổ biết là bao nhiêu để mà thành Phật, và khi thành Phật rồi Ngài phải thương mình bằng trời thì Ngài mới khổ thêm mấy chục năm chứ thật ra Ngài năm 35 tuổi là Ngài đã xong, xong phim rồi, Ngài không có chuyện gì để Ngài làm hết trơn á.

Cho nên bài kinh này đó không phải để Ngài khen Ngài cũng không phải Ngài nói để cho mình lạy Ngài, hỏng phải. Mà bài kinh này để mình hiểu được Chư Phật là như vậy đó. Chính vì có 6 cái trí này cho nên Chư Phật đi vào, xuất nhập, đến đi, lai vãng, khứ lai tất cả các hội chúng hoàn toàn tự tại, vô ngại, không hề bị ngăn trở bởi bất cứ một cái mối âu lo nào hết.

Cuối cùng cái đoạn số 14 Ngài xác định rằng cả 6 trí ấy chỉ có ở người thành tựu thiền định, chỉ có ở người thành tựu thiền định, nha.

Tôi xin nói rõ với bà con một chuyện, đừng bao giờ hiểu lầm là cái kinh này nói về Phật, cái kinh kia nói về thiền định đâu có mắc mớ gì mình. Sai bét. Khi mà mình hiểu về bầu trời mình mới biết đất, mình mới biết đất nhiều hơn. Khi mình tìm hiểu về biển cả, về đáy đại dương thì mình mới biết đất liền nhiều hơn. Mình tìm hiểu về biển là mình hiểu về biển đúng rồi, nhưng mà khi tìm hiểu về biển thì cái biết của anh về đất liền nó lại tăng lên. Khi anh học về Phật là anh có dịp anh hiểu về anh nhiều hơn. Khi anh học về Thánh anh hiểu về cái phàm của anh nhiều hơn. Khi anh học về thiền anh biết cái tâm dục của anh nó nhiều hơn. Nhớ cái đó, phải nhớ cái đó rất là quan trọng, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc.

48:14

Đúng ra cái vụ thiền định nó quan trọng tôi chỉ nói phớt qua thôi, có nghĩa là Ngài dạy rằng con phải lìa bỏ cõi dục, cái cảnh giới dục, dục tâm, cảnh giới dục gọi là vật dục 5 trần đó thì con mới có thể thành tựu cái này cái kia. Ngày nào mà con còn thích tùm lum thì ngày đó con chưa có thể đắc thiền được, còn kẹt ở trong 5 dục con đừng hòng.

Tôi nói một lần cuối cùng, các vị ở đây có ra sao đi nữa, bản thân chúng tôi có ra sao đi nữa, nhưng chúng ta giá nào, cở nào chúng ta cũng phải đối diện với cái quan tài và cái ngày mà chúng ta vào đó nằm đó, chúng ta mang theo được cái gì?

Và nay mai lên máy bay bay rồi, đó nay mai có dịp đi máy bay nè, rồi lên trên đó ngồi mà gặp mà nó chao, nó lắc, lúc đó mới ngồi nhớ cái bài giảng chiều nay: Không có chuẩn bị để mà đi đó, thì cái chết nào cũng đáng sợ. Có chuẩn bị rồi, cái chết nào cũng làm cho mình nôn nao, háo hức.

Tôi biết chiều nay tôi xài 4 cái chữ này làm cho nhiều người có thể nghĩ rằng tôi đang tô hồng chuốc lục cái chết. Không phải, tôi đang muốn xác định một chuyện đó là: 

Khi ta có chuẩn bị, trang bị ngon lành thì cái chết nó là cái giây phút háo hức, nôn nao, rạo rực. Tin tôi đi.

Tôi nhắc lại lần nữa, mình có giấy tờ đàng hoàng, có vé nè, có passport, có visa, mình có tiền lận lưng nè, mình có chỗ quen biết, mình biết mình sẽ đi đâu về đâu, bắt đầu một chuyến đi nó nôn dữ lắm, nó đã, nó náo nức, nó nôn nao lắm, nha. Còn cái thứ mà mình bị là cảnh sát dắt đi nè; bị xe cứu thương, y tá, bác sĩ chở đi mình rất là run; là vì sao? Là vì mình biết cái chỗ mình đến là chỗ nào. Bị áp tải bởi xe tù là đưa về nhà tù, bị nằm lên xe cứu thương là mình biết đi về bệnh viện. Thì đó là những chuyến xe, những chuyến đi rất là buồn, các vị biết không? Buồn lắm.

Nhưng mà khi mà mình biết mình đang khỏe mạnh, mình biết mình đang có tiền, mình có đủ giấy tờ, mình có vé máy bay, mình có vé tàu lửa, mình biết chỗ mình sẽ đến là đâu, ở đó sẽ có người đón chào mình, mình sẽ trải qua những ngày sống v v... thì lúc đó cái chết nó không còn đáng sợ nữa, tin tôi đi. Sống như thế nào mà để mình có thể chết bất cứ lúc nào, đó là một.

Cái định nghĩa thứ hai, khi mà các vị có những cái trang bị, chuẩn bị ngon lành thì cái chết lúc bấy giờ nó đến với mình ngoạn mục lắm, nó đẹp lắm, tin tôi đi. Hỏng lẻ giờ mình uống thuốc tự vận cho nó chết lẹ chứ thiệt ra là lúc mình biết mình ngon rồi, mình hỏng có lo nữa. Tu mà đến cái mức mà thấy cái chết nó nôn, thí dụ như mình thấy mình yếu thiệt mình nghĩ, "Qua được cái chặng này, cái chặng mệt mệt này là nó khỏe".

Các vị biết không, ở trên cõi trời, Thánh nhân nó dầy đặc ở trên đó, Thánh nhân gọi là 3 tạng, 2 tạng, 1 tạng, tam quả, nhị quả, tứ quả dầy đặc ở trển. Tứ quả thì không còn tái sanh nhưng mà có những vị thời Đức Phật, họ ở trên đó họ xuống đây họ nghe rồi họ đắc tứ quả mà chưa hết tuổi thọ thì sao ta? Tiếp tục sống, nha. Chớ còn nếu mà nói không rõ bà con trong room nhiều cái người tào lao nhiều lắm, cái thứ tào lao nhiều như bí đao vậy, rồi nó nghe nó đồn "Ổng nói đắc A la hán sanh về trời", hỏng phải. Mà lúc người ta ở trển người ta xuống đây người ta nghe rồi người ta đắc, giờ tuổi thọ người ta nó lâu lắm, 26 thế kỷ nó bằng có 26 ngày ở trển hà, cho nên họ còn sống nhăn ở trển. Chưa kể họ nghe xong họ đắc nhị quả rồi họ về trển họ đắc tam, tứ quả trên trển. Cho nên ở trển là La hán có, A na hàm có, Tư đà hàm, Tu đà hườn dầy đặc, còn ba cái thứ mà 1 tạng, 2 tạng ta nói nó đông như quân Nguyên ở trển, đông lắm, cõi trời là hiểu Phật Pháp cực thịnh ở trển đó, nha. Còn mình dưới đây thì sao ta? Mình dưới đây mình thấy mạt pháp tùm lum hết trơn, cỏi trời là người ta rần rần ở trển, người ta đang đại hội võ lâm trên đó, thứ dữ, thứ trời ơi nó đang dầy đặc ở trển.

Nên nếu mà các vị có một sự trang chuẩn bị mà cho ngon lành thì các vị thấy cái chết của mình nó đáng nôn nao, đáng náo nức, đáng rạo rực, nó đáng được chờ đợi lắm. Còn cái thứ mà ba chớp, ba nháng, coi như tu lơ tơ mơ, giáo lý thì không chịu học, rồi hiểu giáo lý hiểu tầm bậy, tầm bạ, nông cạn, thiển cận, một chiều, phiến diện, bệnh hoạn, tật nguyền, thiếu máu, học đạo kiểu đó; bây giờ thì nó đang sung, nó còn trẻ, nó còn khỏe, nó còn quơ quào; nhưng mà ít bữa tới hồi mà nó nghe suy kiệt rồi đó, thì lúc đó bao nhiêu cái lỗi lầm mình làm ra sám hối với ai? Mà đâu phải cái lỗi, cái tội làm ra rồi đè cái tên đó ra mà sám hối là nó hết đâu, đâu có phải. Đâu phải là mình chửi cha người ta xong rồi mai mốt mình hấp hối mình kêu nó tới mình sám hối, mình năn nỉ nó, nó hết đâu. Nếu mà đơn giản vậy thì thôi giờ mình đi cướp nhà băng rồi mốt mình lên đài truyền hình mình xin lỗi quốc dân được không ta? Đâu có được, tội nào tính theo tội đó, công tội phải phân minh, nha.

(Hết bài giảng Kinh Sư Tử Hống)

53:46

(Bắt đầu giảng Kinh #65 - Vị Bất Lai)

28/09/2019 - 08:07 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Rồi tiếp theo là chúng ta học kinh Bất lai, bài kinh 65. Đức Phật Ngài dạy rằng có 6 cái trục trặc này (LTP: Bất tín, không tàm, không quý, biếng nhác, thất niệm, ác tuệnếu ta không giải quyết thì ta không tài nào mà ta chứng được tam quả. Các vị có thấy lạ không? Tại sao mà Ngài không có nói A la hán luôn cho rồi, mà tại sao Ngài chỉ có nói tam quả thôi, kỳ vậy? Tại sao Ngài hỏng nói A la hán luôn, Ngài nói nếu mà bỏ 6 cái này thì mới chứng A La hán được, tại sao đây Ngài không nói, Ngài chỉ nói Bất lai, vì sao? Vì cái căn cơ của những người ngồi trước mặt Ngài, nói như vầy nó gần gũi với họ hơn, bởi vì Bất lai là gì ta? Bất lai nói cho gọn lại đừng có nói nhiều nó mệt lắm, cở như quí vị nói hỏng có nhớ nổi đâu nha, thì Bất lai nói cho gọn có nghĩa là người không còn thích và ghét trong 5 dục nữa, xong, đơn giản như vậy.

(NGŨ DỤC
http://www.hoalinhthoai.com/buddhistdict...2361/.html

Ngũ dục là 5 sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ Trần.

1. Sắc dục : Ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt.
2. Thinh dục : Ham muốn tiếng hay, dịu ngọt….
3. Hương dục : Ham muốn mùi thơm ngạt ngào….
4. Vị dục : Ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt…
5. Xúc dục : Ham muốn sự đụng chạm mềm dịu….

 Ngũ dục còn có 5 thứ sau :

1. Tài dục : Ham muốn của, vàng ngọc.
2. Sắc dục : Tham sắc đẹp mỹ miều.
3. Danh dục : Tham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt.
4. Thực dục : Tham muốn thức ăn ngon nhiều.
5. Thùy dục : Tham muốn ngủ nghỉ nhiều.

Ngũ dục cũng kêu là Ngũ độc tiễn( năm mũi tên độc hại) ngũ dục là 5 món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến nhơn loài thần tiên, nếu mình không điều phục ngũ căn (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) để cho sa đắm ngũ dục thì thất lạc thiện căn, sa vào nẻo ác lụy. Tham đắm ngũ dục tức cuộc đời bị trói buộc bởi năm thứ độc hại ham muốn.)


Bất lai là người không còn thích và ghét trong 5 dục nữa, xong. Chứ còn định nghĩa làm chi mà nó bao la mênh mông mà trong khi mình nhớ không nổi, mệt quá, nhớ dở, hiểu chậm, nha. Cho nên định nghĩa gọn như vầy: Tất cả người chứng sơ thiền trở lên đều phải dứt được sự thích và ghét trong 5 dục vật chất nhưng chỉ ở mức tương đối, tạm thời; riêng cái vị A na hàm thì vĩnh viễn lìa bỏ hai phiền não ấy. Chỉ vậy thôi, nha.

Mà các vị tưởng tượng đi, một người đã chứng Tu đà hườn thì đã bắt buộc, chắc chắn, dứt khoát, đương nhiên, cố nhiên, dĩ nhiên là phải chứng A La hán sau đó, lâu mau khác nhau nhưng mà phải, phải, không còn đường khác để đi, không còn một chọn lựa nào khác để mà toan tính, nói gì là một vị A na hàm, cái người mà họ không còn thích và ghét trong 5 dục nữa, vị đó chỉ còn thích trong thiền thôi.

Còn lên tới A La hán thì không còn thích bất cứ cái gì nữa. Ok, thấy cần thì xếp cái chân vô, nhập một tí cho vui để nghỉ ngơi rồi thì xong, chữ "vui" là do chữ của tôi xài, chứ đúng ra thấy mệt mỏi thì nhập một cái vậy thôi, chứ còn các Ngài không có thấy thiền là đã quá, rồi canh trông đợi tới cái giờ nhào vô xếp bằng để phê, để ngáo đá, là hỏng phải, mà các Ngài là thấy khi cần thiết, thấy cần nghỉ ngơi, cần nhập thiền để độ sinh thì các Ngài có nhập một tí.

Thí dụ bửa nào mà không có đối tượng nào đặc biệt để Thế Tôn Ngài đi tế độ, là Ngài đi bát chung với Chư tăng. Thì cái bửa đó buổi sáng mặt trời vừa hé là Ngài mở rộng cửa phòng ra, thì Ngài Anan nhìn thấy cửa mở là Ngài Anan thông báo "Tất cả Chư tăng hoan hỷ y bát chỉnh tề chờ đi khất thực tháp tùng với Thế Tôn". Còn hôm nào mà Ngài Anan thấy cửa phòng Thế Tôn đóng lại thì Ngài biết rằng Thế Tôn hôm đó sẽ đi một mình, kể cả Ngài Anan cũng không được đi theo. Mà Ngài đóng cửa làm cái gì ta? Ngài nhập Đại bi định, để làm chi ta? Bởi vì phải có thương mình mới đi độ nó được. Bửa nay mình biết nó tới nó chửi mình tan xác nè, biết chứ, nó tới nó chửi đó.

Thứ hai nữa, khi mà Ngài nhập như vậy đó, là Phật thì trước sau cũng là Phật thôi, chớ đâu có phải đợi nhập hay hỏng nhập mới là Phật, hỏng phải. Nhưng mà trong kinh nói một cái hoa mà nó đang có bông có hai cái thời điểm, có những loại hoa nó sực nức vào ban đêm rồi ban ngày nó ít thơm một tí, rồi có những loại hoa nó thơm nhiều vào ban ngày đặc biệt nó thơm vào ban sáng thời điểm khác buổi chiều bớt thơm một tí, có hoa nó nở thơm nhiều vào buổi trưa, có hoa nó thơm nhiều vào buổi chiều, có hoa nó thơm nhiều vào buổi tối, có hoa nó thơm vào đầu hôm, có hoa nó thơm nhiều vào lúc giữa đêm, có những hoa nó thơm nhiều vào nửa đêm về sáng, nha.

Thì Bậc Chánh đẳng giác cũng y chang như vậy. Có những Phật sự mà trước khi Ngài làm Ngài phải dùng một cái thứ tâm đặc biệt nào đó để tăng cường cái hiệu quả công việc. Thí dụ như trong kinh nói Ngài Subhuti, mỗi lần trước khi đi khất thực là Ngài nhập vô cái Đại bi định, phạm trú định, từ bi hỷ xả để làm chi? Để cho mấy cái tên nào bá vơ đi ngoài đường mà nó gặp Ngài nó chỉ cúi cái đầu là công đức vô lượng, nó thò tay nó bỏ cho Ngài có một cái trái nhãn thôi là công đức vô lượng, thậm chí cái hột nhãn thôi cũng là công đức vô lượng, huống gì là một cái giá cơm, một miếng bánh là công đức của nó coi như nó hưởng ngàn đời thiên thu vĩnh cửu.

Cho nên có những cái Phật sự mà cần được trang bị một cái tâm thái đặc biệt nào đó, chứ còn các bậc Thánh không hề dùng thiền định như là một cách hưởng thụ, một cái kiểu đam mê như là phàm phu, nhớ cái đó nha.

Cho nên khi mà một vị đắc Tu đà hườn thì vị đó đương nhiên, dĩ nhiên là phải chứng A La hán, nhưng mà chỗ này Đức Thế Tôn không nhắc tới các quả vị khác, mà Ngài nhắc tới tam quả là vậy đó, là để cho người ta thấy thứ nhất là tam quả nó cũng đâu có khác gì tứ quả bao nhiêu, nói theo A tỳ đàm thì nó khác một chút, chứ thật ra mình lấy mắt mình nhìn cái vị mà tam với tứ quả y chang nhau hà, vì mấy vị đâu còn thích gì nữa đâu. Còn cái chuyện mà các vị thích trong thiền thì chỉ có trời biết thôi chớ ai mà biết, nhưng mà trong dục là không, vị đó không còn bất mãn bởi là lời khen tiếng chê, nóng lạnh, muỗi mòng, nắng gió, bây giờ lấy dao mà lụi các Ngài đổ ruột một chùm, các Ngài cái mặt vẫn bơ bơ vậy đó hỏng có nhúc nhích gì hết.

Từ tam quả trở lên, lấy dao mà lụi thì các Ngài cái mặt cũng vậy hỏng có khác cái gì hết, vị Tu đà huờn, vị Tư đà hàm còn nhíu mày một chút, chứ còn vị A na hàm là coi như trớt quớt luôn bởi vì tâm sân không còn nữa, chỉ có đau thôi nhưng mà các Ngài không biến sắc, bởi vì không có giận, không có sợ, các vị có biết chuyện đó đặc biệt lắm các vị biết không?

Tôi nói rồi đó, học về Thánh không phải là học chuyện trên mây mà mình đang học về mình "Ồ thì ra đặc điểm của người đắc thiền là không còn thích và ghét trong 5 trần và cái sự lìa bỏ ấy chỉ là tạm thời, riêng vị A na hàm thì vĩnh viễn không còn thích và ghét, và vị ấy khi tắt thở rồi không còn có cơ hội quay trở lại cõi dục nữa, không còn có cơ hội tái sanh nữa, cõi dục không còn, phải về cõi phạm thiên . Còn muốn quay về cõi dục để làm chuyện gì đó là đi về bằng thần thông chứ không phải về bằng cách tái sinh". Nhớ nha, và như vậy thì cái khổ trên đời này là gì ta? Đi đến từ cái gì làm cho mình ghét, mình sợ.

Các khổ của ta đến từ sự ghét sợ cái gì đó trong 5 dục, không còn thích trong 5 dục thì không còn ghét sợ. Cái tâm của vị A na hàm nó đã lắm, sướng lắm bởi vì vị đó không còn bị giới hạn trong vật chất, các vị biết không? Tại vì mình đang vùi đầu trong đó như con heo gục đầu trong cái máng cám, mình không có hiểu có nhiều cái chuyện nó lạ lắm.

Tôi hỏi các vị cái này có lẽ các vị hình dung ra được nè, các vị có bao giờ các vị thấy mình bị nhốt ở trong cái tấm thân mấy chục ký này không? Không biết các vị có hiểu cái này không ta? Thí dụ như quí vị nhìn lên trời đi, con chim nó bay được mình đâu có bay được, cái tấm thân này nó bị ảnh hưởng rất là nhiều từ cái gravity, cái hấp lực của trái đất là mình đã chán rồi, tưởng sao tới lúc mình lên núi mình mới thấy, leo mệt thấy bà nội, leo mệt lắm, mà leo được tới cái mõm đá nhìn xuống nó run thấy bà luôn, sảy chân một cái là tan xác, hỏng biết đường đâu mà đem về liệm nữa, nha.

Có nhiều lúc tự tôi giận mình "Trời ơi! Có cái thân này chi, nó đau, nó nhức, nó nóng, nó lạnh, nó đói, nó khát, rồi đi đứng nó mệt thấy bà rồi nó nóng, nó nực, nó lạnh mùa đông mà nó nực mùa hè, rồi nó bệnh, nó hoạn mà mình biết trước là nếu không chết bất đắc kỳ tử thì trong vòng ít năm nữa là bắt đầu nó dở trò, bắt đầu nó đau, nó tê, nó nhức, nó thiếu chất này, nó dư chất kia, mình biết mình bị nhốt trong đó. 
  1. Riêng cái thân này nó đã là nhà tù, 
  2. rồi nhà tù thứ hai là gì? Là sự thích và ghét trong 5 dục, nhớ nha.
Nhớ câu thần chú này: 

Ta có hai cái nhà tù lớn, 

1/ Cái nhà tù một chính là cái tấm thân này vì nó mà mình chán quá đi, trời cao đất rộng mà ta làm được gì trong ấy, trong khi ta mang cái hình hài bằng xương bằng thịt này nó đòi ăn, nó đòi ngủ, nó đòi nghỉ ngơi, nó đòi đi cầu, nó đòi đi tiểu, nó đòi đánh răng, nó đòi rửa mặt, nó đòi tắm rửa, nó đòi mặc áo mặc quần, nó cần mắt kiếng mát, nó cần đội nón, nó cần vớ, nó cần tất, nó cần găng, nó cần khẩu trang, nó cần đủ thứ; rồi nó ho hen, sổ mũi, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, đau tùm lum tà la từ trên xuống tới gót, ôi nó đau tùm lum hết, chính vì nó bị bao nhiêu vấn đề thì ta phải giải quyết chừng ấy chuyện đối với nó. Đó là nhà tù một,

Đó là cái thân này.

Mỗi lần đi tắm thấy ớn. Mỗi lần đi vệ sinh mới gớm, mình nghĩ trước khi mình đi thì nó nằm ở đâu trời? Nguyên cái đống lầy này nè, trước khi mình đi ra nó nằm ở đâu? Thì ra nguyên đêm nay mình ngủ với nó, nha, nguyên một cái đêm vừa rồi mình ngủ với nó, bây giờ sáng ra mình làm cho một đống ngất trời như vậy đó, mà hồi tối mình ngủ với nó mà nhờ là nó khuất mình hỏng có thấy, chớ hồi tối này mình lên giường mình ngủ mình ngáy "pho pho" là mình ngủ với cái đống mà trong bụng của mình á. Miệng, mũi, răng ba, bốn ngày không vệ sinh là mùi nó lên tới trời luôn, 9 tầng trời, nha. Đó là cái thân này nó là cái nhà tù.

2/ Kế tiếp, nhà tù thứ hai là gì? Đó chính là thích và ghét. Chính vì thích cái này, ghét cái kia cho nên ta cả đời cứ lăng xăng trong thích và ghét ấy. Cái người mà thấy được cái thân này là nhà tù đã không nhiều, nói chi là cái người thấy được nhà tù thứ hai.

Khi mà anh có quá nhiều cái để thích và có quá nhiều cái để ghét, thì tôi hứa với anh là sinh hoạt như là một thằng tù vậy đó, nha. Bởi vì nói theo kiểu Chúa đó "Phúc thay cho cái kẻ nào mà đời sống không có nhiều nhu cầu, nhờ thế hắn không có nhiều sự bất mãn". Khi mà cái chữ "nhu cầu" và cái chữ "bất tiện" nó gắn liền với nhau, tin tôi đi. Nhu cầu và bất tiện. Khổ vui và khóc cười là hai cặp. Nhu cầu và bất tiện là một cặp. Khổ vui là một cặp. Khóc cười là một cặp. Mà nhu cầu và bất tiện là một cặp. Cái tên nào mà nhu cầu nó nhiều quá thì cái tên đó đi đâu cũng bị bất tiện hết, tin tôi đi, nha.

Cho nên bài kinh này chỉ nói riêng chữ A na hàm mà không có nói tới nơi tới chốn là không có yên, cái chữ A na hàm nó lớn chuyện lắm, nãy giờ mình đang nói về quả vị A na hàm đó, chưa có giảng gì hết, mới nói A na hàm không mà tùm lum chuyện. Vị A na hàm không còn thích và ghét trong 5 dục nữa, nha.

-------------------------

1:06:56

VII. Phẩm Chư Thiên

(I) (65) Vị Bất Lai

6 pháp cần phải tránh để chứng quả vị Bất Lai: bất tín, không tàm, không quý, biếng nhác, thất niệm, ác tuệ.

1/ BẤT TÍN (thiếu chánh tín: thiếu niềm tin trong trí tuệ, thiếu cái niềm tin dựa trên cơ sở của chánh kiến.)

Bất tín ở đây là thiếu cái chánh tín, thiếu cái chánh tín là sao? Tức là thiếu cái niềm tin trong trí tuệ, thiếu cái niềm tin dựa trên cơ sở của chánh kiến.

Đây là 6 thứ trời ơi đất hỡi mà nếu ta không bỏ được, ta không có cách chi mà ta chứng được A na hàm hết. Cái thứ nhất là bất tín. Bất tín đây mình hiểu theo tiếng Hán, tra tự điển Việt Nam mà trong room này nhiều tay mê tự điển, mà nó dốt một chuyện đó là tự điển nó có hai loại: tự điển ngôn ngữ và tự điển chuyên môn. Tự điển ngôn ngữ thí dụ như là mấy cái từ bình dân mình xài ngoài đời vầy nè. Còn tự điển chuyên môn là trong một lãnh vực đặc biệt nào đó, cái ngôn ngữ nó khác.

Tự điển ngôn ngữ thí dụ như Tiếng Anh thì cái chữ đó nó có nghĩa là vậy đó nhưng mà tự điển chuyên môn, có những trường hợp người Anh mà không có học họ nghe cái chữ đó họ cũng không có hiểu được. Giống như Tiếng Việt Nam mình vậy đó, một người mà không có học toán mà nghe chữ "đạo hàm" họ hiểu được cái gì không? Họ hiểu "khai căn", họ hiểu "ma phương" là cái gì? Cho nên cũng là người Việt Nam nghe được, viết được nhưng không hiểu nói cái gì hết.

Thì ở đây cái chữ bất tín trong tiếng Hán mình biết nghĩa là cái người không có giữ tín nhiệm, nhưng mà chữ bất tín trong chỗ này không có nghĩa như vậy, khổ quá, trong Tiếng Việt mình kẻ bất tín là người hỏng có tin được. Còn bất tín ở đây có nghĩa là người thiếu cái chánh tín, làm ơn ghi dùm cái đó.

Bất tín ở đây là thiếu cái chánh tín, thiếu cái chánh tín là sao? Tức là thiếu cái niềm tin trong trí tuệ, thiếu cái niềm tin dựa trên cơ sở của chánh kiến. Mà chánh kiến là cái gì?

Chánh kiến gồm có hai: 
một là tin rằng mọi sự ở đời do duyên mà có. Thí dụ như mọi hỷ lạc do duyên lành mà có, do duyên thiện mà có; mọi khổ ưu do nhân ác mà có; nó là mọi thứ ở đời do duyên mà có. 
Cái thứ hai là đã có rồi phải bị mất, đó là chánh kiến nói gọn. 
Còn chánh kiến nói rộng thì nó thêm cái thứ ba nữa, nó đi ra từ hai cái đầu, nhưng có nhiều người hỏng có nói họ không có nghĩ ra, nó khổ vậy đó, cho nên thường tôi chỉ kể hai thôi, có chỗ kể 5, có chỗ chỉ kể có hai thôi, nhưng ở đây tôi thấy mấy vị đơ nhiều quá đi cho nên tôi phải kể cái thứ ba.

Chánh kiến có ba: 
  1. mọi thứ do duyên mà có như là thiện ác, buồn vui. Vậy cái đầu tiên là chánh kiến về nghiệp lý.
  2. đã có rồi phải mấtchánh kiến về tam tướng, đã có rồi phải mất.
  3. chỉ có nếp sống tứ niệm xứ mới giải quyết được cái thiện ác buồn vui, tức là sống chánh niệm, sống bát chánh đạo.
Cái chánh kiến này nếu mà nói gọn lại chính là trí tuệ trong 4 đế được gọi là chánh kiến. Như vậy chánh tín là cái gì? Chánh tín là niềm tin mà dựa trên trí tuệ ấy, là trí tuệ trong 4 đế, trí tuệ trong 12 duyên khởi, trí tuệ trong tam tướng, nha.

Thứ nhất là mọi sự ở đời do duyên mà có, tất cả khổ lạc cũng do duyên thiện ác mà có. 
Thứ hai, có rồi phải mất. 
Thứ ba, muốn hết khổ thì đừng thiện ác nữa, (có nghĩa là coi việc làm thiện chỉ là phương tiện). 
Mà không còn khổ lạc, thiện ác tức là niết bàn.

Bây giờ ghi nha: 

1/ Thế nào là Chánh Kiến ?
Mọi khổ lạc đều do nhân thiện ác mà ra, khổ lạc nào cũng là vô thường, vô ngã. Muốn hết khổ lạc thì không đầu tư thiện ác nữa. Thì cái đó gọi là chánh kiến. 

2/ Thế nào là Chánh Tín ?
Mà cái niềm tin nào dựa trên trí tuệ ấy thì niềm tin đó mới được gọi là chánh tín. 

Không có chánh tín thì được gọi là bất tín. 

Bây giờ các vị hiểu chưa ta? 

Bất tín là thiếu chánh tín, chánh tín là niềm tin dựa trên cái trí tuệ 4 đế. 

Đó! Nó phải ra như vậy đó, chứ còn nó đơ đơ nhìn nó nản lắm.

(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh giảng KTC 6.65 Vị Bất Lai [qua bài Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh - MN12) và Tăng Chi Bộ Kinh 6.64](3-3)

https://toaikhanh.com/audiotext.php?mp3=audio/Youtube%202019/20190603.KTC.6.64%20S%C6%B0%20T%E1%BB%AD%20H%E1%BB%91ng

MN12 - Đại Kinh Sư Tử Hống:
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung12.htm 


KTC.6.64 Sư Tử Hống (#180), p.12
------------------

KTC 6.65 Vị Bất Lai (#180), p. 12

1:12:02

28/09/2019 - 11:25 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

2/ KHÔNG TÀM

Rồi tiếp theo là không tàm không úy. Tàm là gì? Tàm là thẹn. Ở trong Tiếng Hán có chữ liêm sỉ, liêm là sạch, sỉ là mắc cở, liêm sỉ gom chung nghĩa là bị thẹn. Thì nhiều vị họ cũng muốn lắm, muốn dịch chữ Tàm này nè là chữ liêm sỉ thì tôi đã lên tiếng tôi nói "Dạ, con lạy bố, không có nên".

Bởi vì cái chữ liêm s?ĩ trong Tiếng Hán và trong văn hóa Trung Quốc cái nghĩa nó nghèo lắm: liêm sỉ có nghĩa là biết thẹn khi mà mình làm cái chuyện bậy bạ mà theo cái quan điểm đạo đức xã hội, theo cái quan điểm văn hóa bầy đàn của nhân loại, thì cái đó được gọi là liêm s?ĩ. Biết thẹn khi làm cái chuyện bậy, mà cái bậy ở đây là dựa trên cái tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức của xã hội. Mà nó khổ một chỗ là cái xã hội của Hồi giáo nó không có giống cái xã hội của Cơ đốc, mà xã hội Cơ đốc nó không giống xã hội của Phật giáo, mà xã hội của Phật giáo nó không giống xã hội của cộng sản, xã hội của cộng sản vô thần nó lại không giống xã hội của tư bản, của dân chủ. Khổ vậy đó, nhớ nha, nó cứ khác nhau hoài vậy đó.

Trong khi đó cái chữ Tàm ở đây trong đạo Phật cái nghĩa nó hỏng có nghèo như vậy, mà nó là biết thẹn trước cái bậy của tam nghiệp. Nó còn ghê hơn là cái chữ liêm sỉ, vì chữ liêm sỉ nó chỉ biết thẹn khi mà mình bậy trong cái quan điểm xã hội, trong cái quan điểm văn minh nhân loại thôi.

Nhưng mà riêng về cái tàm ở đây nó có nghĩa là biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp là sao? Có nghĩa là chỉ một suy nghĩ thoáng qua trong đầu mà nó tào lao là mình cũng biết thẹn. Tôi nói không biết bao nhiêu lần, mình có là con dòi đi nữa nhưng mà ít nhất cái bất thiện đây có hai cách. Cái bất thiện mà tối mình về đứng trước gương một mình, mình nhìn mình không có khinh mình, nó khác. Nó có những cái bất thiện mà mình nhìn mình, mình muốn ói luôn, cái đó nó khác. Mình là cái thằng lừa đảo, lật lọng, nó khác. Còn mình là cái thằng tham ăn, mê ngủ, nó khác. Cũng là bất thiện mà mỗi cái bất thiện nó khác, nhớ nha.

Thì ở đây, cái Tàm ở đây có nghĩa là biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp, có nghĩa là một suy nghĩ mà nó hèn quá đó làm cho mình biết thẹn, mình biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp, nha. Biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp thì cái đó mới gọi là Tàm, chớ hỏng phải là liêm sỉ của ngoài đời, làm ơn nhớ cái liêm sỉ ngoài đời cái nghĩa nó nghèo á, nghĩa là anh phải nói, phải làm cái gì đó mà nó được xem là bậy theo cái chuẩn mực đạo đức văn hóa của xã hội, văn hóa bầy đàn. Còn cái Tàm đây là anh biết thẹn trước cái bậy của cả tam nghiệp, tức là kể cả một cái suy nghĩ thoáng qua trong đầu mình nó hèn quá, nó tồi quá anh cũng biết thẹn nữa.


1:15:00

3/ KHÔNG QUÝ (= KHÔNG UÝ)

Úy là sao ta? Úy có nghĩa là biết sợ trước cái bậy của tam nghiệp. Tàm là biết thẹn, còn cái này biết sợ, bởi vì mình biết rằng một cái hành động, một câu nói tội lỗi thì nó để lại cái hậu quả cho ai ta? Cho mình. Còn một cái suy nghĩ bậy bạ mình cũng sợ là bởi vì đừng coi thường một suy nghĩ thoáng qua trong đầu, là vì sao? Vì "Nếu nghĩ rằng suy nghĩ trong đầu không có gì đáng kể thì việc ta niệm Phật hay thiền định cũng đều là trong đầu". Các vị có hiểu cái này không ta?

Bởi vì nhiều người họ nói rằng bố thí là anh phải cầm cái gì anh đưa ra chứ anh nghĩ trong đầu không có được, anh nghĩ trong đầu thì đâu gọi là bố thí. Cái đó đúng, nhưng mà đừng có thấy đó là đúng rồi cho rằng mình có thể tu mọi thứ, tu trong đầu không cần tới tam nghiệp là sai! Phải có những việc anh phải làm ra tay, ra chân, thí dụ như anh muốn thuyết pháp thì anh phải nói ra miệng, anh muốn thính pháp thì anh phải vẩu cái tai anh ra để anh nghe. Nhưng mà đừng có nghe như vậy rồi coi thường cái ý nghiệp, tức là những cái suy nghĩ trong đầu, bởi vì mình niệm Phật cũng niệm bằng cái suy nghĩ vậy. Đấy! Mình thiền định mình cũng là mình cũng tu trong cái đầu mình vậy chớ mình đâu có tu tay, tu chân đâu? Thành ra đâu có tu tay, tu chân đâu. Cho nên đừng có coi thường ý nghiệp.

Một người có chữ Úy đây nghĩa là gì? Úy đây là biết sợ, biết sợ trước cái nghiệp, trước cái bậy của tam nghiệp. Có nghĩa là họ thấy, họ sợ khi phải làm cái chuyện hại mình, hại người, họ biết sợ khi mà nói điều hại mình, hại người, tổn thương người, làm cho người phải đổ máu, phải rơi lệ, họ không có nói.

Bây giờ qua tới suy nghĩ, họ cũng biết cái suy nghĩ này nó sẽ làm nền cho hai cái thân và khẩu nghiệp, nhớ nha. Và chưa hết, theo trong A tỳ đàm cái suy nghĩ bậy hay là tốt thấy nó thoáng qua, nhưng mà nó sẽ trở thành thói quen cho kiếp sau mà mình hỏng có lường được. Trước mắt là thói quen trong kiếp này, cái suy nghĩ đó mà mình không có bỏ, thí dụ như mình hay nhỏ mọn, xin lỗi nói đừng có giận nha, hay có cái tâm đàn bà, mình hay tò mò, mình hay để ý; mình hay lút chút, lút chút, lút chút; mình không có ngờ cái đó mình làm nó dở ẹc hà, bởi vì người ta mang cái hình hài đàn bà người ta có quyền xấu, ok? Bởi vì họ mang cái hình hài đó mà họ không xấu thì uổng lắm, họ phải xấu cho đúng bài bản để mình đừng có đụng tới họ. Nhưng mà mình đàn ông nó khác chứ, nha. Mà một người nữ mà muốn làm đàn ông thì phải bỏ cái tâm đàn bà tức là bớt thích những cái rẻ tiền, hình thức và cũng bớt ghét những cái không đáng để quan tâm, nha. Thì phải như vậy thì anh mới làm đàn ông, còn đằng này anh muốn làm đàn ông mà anh thích những cái mà nó tào lao, vô ích, vô nghĩa, vô duyên, mà anh muốn làm đàn ông mà anh bận tâm anh ghét những cái này cái kia chỉ vì nó mặc đẹp hơn anh, chỉ vì nó có giọng nói hơn anh, có gì đó một chút may mắn trong tình cảm hơn anh, thế là anh ghét nó, cái chuyện đó nó hỏng có đáng, nha.


Đó! Cho nên đừng có coi thường cái suy nghĩ, coi chừng chính những cái suy nghĩ trong đầu của mình nó tạo ra nhiều cái chuyện động trời mà mình hỏng biết. Thí dụ như cái nghiệp mang thân nữ thì 90% là từ cái nghiệp ý ra, có nghĩa là anh phải mang cái tâm thức của một người đàn bà sau này anh mới có cái hình hài của đàn bà, nha, nhớ cái đó quan trọng lắm. Biết cái đó mới teo.


Cho nên cái chữ Úy đây nó gồm có 4:
  1. một là sợ lương tâm cắn rứt,
  2. hai là sợ tiếng đời dị nghị,
  3. ba là sợ pháp luật trừng trị,
  4. bốn là sợ kiếp sau sa đọa.
Bốn cái này gọi là Úy, có hiểu không ta?

1:19:14
28/09/2019 - 02:46 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


4/ BIẾNG NHÁC

Tiếp theo là không có tinh tấn, thì cái này ở trong kinh có giải thích đàng hoàng lắm, tại cái đầu nó lừa mình lắm, nó mò quá mình hỏng có học, ở trong kinh Phúng tụng và Kinh Thập thượng của Trường bộ kinh, phải có địa chỉ mới được chứ.

Thì Ngài Xá Lợi Phất có nói, mình có nhiều cái lý do để mình làm biếng lắm: sớm quá, trễ quá, nóng quá, lạnh quá, đói quá, khát quá, đi xa mới về và mình sắp đi xa. Đây là những cái lý do để mà mình lười biếng, nhớ nha. Cái đó là trong Trường bộ.

Còn trong Tương Ưng Phật dạy thế này, một tỳ kheo mà luôn luôn tu tập với cái tâm trạng của người mà họ phải phủi lửa trên tóc, lửa rớt trên tóc họ phủi lẹ, phủi khẩn trương, rốt ráo, cấp tốc như thế nào thì một vị tỳ kheo cũng phải tu tập, hành động ráo riết, quyết liệt, khẩn cấp, khẩn trương như vậy, nhớ nha. Khi mà mình đã có chuyện để mình quan tâm thì mình hỏng có tà tà.

Còn Ngài Xá Lợi Phất ở đây nói là có những cái lý do để người phàm ít lười biếng: sớm quá, trễ quá, nóng quá, lạnh quá, đói quá, khát quá, và sắp đi xa hay là đi xa mới về. Đây là những cái lý do, mà còn mình có cái vụ nữa hình như mình sắp bệnh, nghĩ; mình bệnh mới hết, nghĩ; mình mới vừa làm công việc xong, nghĩ; mình sắp làm việc nặng nhọc, nghĩ. Coi như là rất nhiều lý do để mình lười biếng. Trường hợp này được gọi là biếng nhác, nhớ nha, cái này trong Kinh Thập thượng chứ không phải là tôi nha, mình lấy kinh giảng kinh.

1:21:11

5/ THẤT NIỆM

Rồi, tiếp theo thất niệm. Thất niệm là gì ta? Thất niệm là không thường xuyên sống với chánh niệm. Thử đi, trong room thử đi, thử bửa nào mình có thời gian khỏi có đi làm, thử một ngày tại nhà nếu được, còn nếu ở nhà mình mà nó giống cái chuồng thú quá, nó ồn quá thì đi về chùa, kiếm nhà bạn, còn không nữa chun vô cái rừng cao su, cũng được nữa.

Sống chánh niệm một ngày, chuẩn bị một túi thức ăn, mà tốt nhất là rủ thêm bạn, bạn đồng tu, đồng chí hướng, kiếm một cái xó rừng nào đó chun vô đó, để đồ ăn ở đó coi chừng thú, kiến, chuột, gián, rắn hỏng có tốt, treo lên một bình nước với miếng thức ăn trưa, trái cây, đồ tráng miệng xong xuôi. Nếu được thì tậu cho một cái bếp nhỏ nhỏ để buồn buồn nấu nước sôi, thí dụ như vậy, xong rồi nguyên ngày sống chánh niệm, nhớ nha sống chánh niệm.

Người ta đi camping còn mình không phải camping mà mình sống chánh niệm dã ngoại. Tức là đi đứng thong thả, từ từ từ từ ngồi xuống phủi quét đám lá khô, trải cái tấm ra ngồi và làm từng việc bằng cái sự tỉnh thức. Đi lượm mấy nhánh củi khô nhỏ nhỏ nhỏ nhỏ lại đem ra ngoài trống, đem ra chỗ nào đó nấu được, nhóm một bếp lửa cũng bằng chánh niệm, bỏ cái ấm lên, xuống suối lấy nước lên nấu. Rồi bắt đầu nấu cơm, nấu mì gì đó, pha miếng trà, thong thả, tất cả làm bằng chánh niệm hết á. Rồi tới trưa cái bắc cái võng chứ nằm ở dưới rắn nó độp thấy bà nội, chưa đắc mà đã tịch rồi, nha. Leo lên võng nằm cũng bằng chánh niệm, mai chiều rãnh rỗi thả chân xuống đi kinh hành, từng bước đi là chánh niệm. Thử một lần coi, nó đã lắm.

Chánh niệm nó hay chỗ này, khi mà anh sống bằng chánh niệm anh nhận ra rất là nhiều chuyện mà đó giờ anh hỏng thấy. Tôi ví dụ về thân xác trước đi, khi mà anh sống chánh niệm 100% anh mới nhận ra rằng anh có vấn đề ở đâu? Ở eo, ở hông, ở vai, ở cổ, ở 2 thái dương, ở tim có cái gì đó mà nó thốn thốn, nó xóc xóc biết hết á. Lúc đó mình mới thấy cái thân này đúng là của nợ, các vị biết hôn? Nó là của nợ tại thất niệm mình hỏng thấy.


Qua tới cái tâm, hồi vui, hồi buồn, hồi thiện, hồi ác, hồi sướng, hồi khổ, nhưng mà nếu coi kỹ lại thì cái buồn nó nhiều hơn cái vui, cái khổ nhiều hơn cái sướng và cái ác nhiều hơn cái thiện. Tin tôi đi. Lúc đó mình nhận ra nhiều cái chuyện đặc biệt lắm "Ồ ! Thì ra mình là vậy".


khi mình thấy mình là như vậy, cái ý niệm mà "tôi và của tôi" nó giảm đi nhiều lắm. Chuyện đầu tiên, qua đó mình thấy cái thân này không phải của mình, đúng như vậy đó. Không kể cái chuyện mà bị tấn công từ bên ngoài đó là tai nạn nè, bị người ta thanh toán, ám sát, chưa kể tai bay họa gởi từ bên ngoài ập vào. Từ bên trong nó khùng nó bệnh là kết thúc. Mà cái chuyện đó diễn ra tích tắc trong vòng có 3 phút là xong, xong một kiếp người. Đó là nói về thân.

Nói về tâm, ôi thôi đủ thứ vấn đề hết, cái thân này sở dĩ mà mình quan tâm đến danh lợi là tại vì mình chưa một lúc nào mình chịu ngồi xuống để mình thấy rằng cái thân tâm này thật sự không phải của mình. Ở đây tôi không phải làm con két chùa mà tôi nói thật sự nó dễ ẹc, quí vị biết hôn, nó dễ ẹc hà, muốn cho nó mất thì dễ ẹc hà, dễ lắm. Ở đây ai mà đi Honda thì biết, mình cán cùi bắp hoặc là cái thằng nào nó đi trước mình nó cán cùi bắp, tay lái nó chao nghiêng một phát, mà ngoài xa lộ tốc độ cao là xong. Thằng đi trước mà nó cán đinh là phía sau mình đi ngang là rước nó luôn. Một cuộc hôn phối giữa xa lộ. Chỉ cần nó bị sụp ổ gà hoặc bị cán đinh một phát, mình nhào tới là hai đứa thành một. Trên trời thì không biết có làm "chim liền cánh" không chứ dưới đất là tôi thấy hai đứa là "cây liền cành" rồi đó. Rồi ăn uống ba cái đồ độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón tùm lum, coi như là đời sống của các vị nó rất là mong manh, muốn chết nó dễ ẹc hà. Cái này hỏng phải của mình, cái thân, cái mạng của mình có thể hoàn toàn bị quyết định bởi những cái thằng không có ra gì hết. Đó là cái mạng của mình.

Cái tâm của mình thì phải nói mình đâu có muốn buồn, mình đâu có muốn lo, muốn giận đâu, nghĩ kỹ coi đúng không? Không cần phải bận tâm cái thằng nào đang nói, mà hãy bận tâm nó đang nói cái gì, nhớ làm con người khôn dùm một chút. Không cần bận tâm cái thằng nào đang nói là ai, mà hãy coi nó đang nói cái gì. Các vị để ý một chuyện, cứ sống chánh niệm, cứ sống chánh niệm, để thấy, thật ra mình xấu dữ lắm, nha, mình xấu dữ lắm, mà cái tâm mình nó ác dữ lắm. Cái thân mình coi như khổ triền miên, mà cái tâm mình nó xấu dữ lắm, nó hèn dữ lắm, nó tồi trong từng phút như vậy, nha, nó hèn lắm. Mà khi mình thấy cái thân này là phù du, cái tâm này nó tồi tệ đó thì cái tôi của mình nó bớt đi nhiều lắm. Chính vì có một thời gian rất là lâu, mình cứ ngồi mình dệt mộng, mình ảo tưởng về nó, mình thấy mình là một cái gì đó hay lắm, hay lắm, ngon lắm. Từ đó là nó mới sinh ra là đủ thứ sự hết.

Các vị biết, trong kinh Đức Phật Ngài dạy là một vị tỳ kheo phải nhớ rằng mình giống như một con cua gãy càng, con bò gãy sừng, người nô lệ vậy đó, bằng cái tâm trạng đó thì mình mới có thể chịu nổi được sự chà đạp của cuộc đời. Và biết bao nhiêu bậc hiền thánh trên đời Đông và Tây, Đông và Tây nha, đều dạy mình: "Tâm trạng tử tù là cái thứ tâm trạng tốt nhất để ta thành nhân". Câu này phải ghi, nghe rất là kỳ, tâm trạng tử tù là cái thứ tâm trạng tốt nhất để ta thành nhân là sao? Mình biết rằng là mình đã bị tuyên án tử rồi, sắp dựa cột rồi, sắp bị ngồi ghế điện, sắp bị chích thuốc độc trong vòng hỏng biết là tháng nào nhưng mà trong năm nay nè, là coi như kết thúc. Thì bây giờ có mà đứng trước phòng mà nó có chửi cha mình đi nữa thì tôi không biết quí vị sao chứ tôi biết nhiều người nó nguội ngắt hà, nó nguội lạnh rồi, nha. Bây giờ mình có lại mình kêu nó, mình cho nó 50 tỷ thì nó cũng nguội ngắt hà, bởi vì quí vị biết ghê lắm, tôi đọc báo tôi mới biết, tử tù ở Việt Nam là đa phần đêm thức mà ngày ngủ, là tại sao? Bắt cái trớn từ những ngày đầu, lâu ngày thành nếp, những ngày đầu nó vô đó tự nhiên nó phải biết một chuyện là các cái cuộc đi trả án, là đi xử tử đều được thực hiện vào lúc rạng sáng, nó khổ một chỗ là nó không được báo trước, nó chỉ được báo phút cuối. Thí dụ đêm nó đang ngủ khoảng 4 giờ sáng là có người tới gõ cửa, nói bây giờ bửa nay đi trả án, trời còn tôi thui vậy đó, ra nó cho một cái mâm, tôi thấy có chụp hình nữa, một cái bánh bao, một chai nước ngọt với hình như có trái táo, trái chuối gì đó. Xong, rồi nó đem ra, có nhiều tên nó run bắn lên, nó tiểu trong quần luôn, các vị biết không? Hồi đó nó lưu manh, nó giết người, nó đâm, nó chém coi như không có tiếc tay, mà bây giờ khi nó bị xốc nách đem ra, cái thời mà còn bị dựa cột bị bắn, xốc nách nó như cọng bún nhũn người ra, có đứa thì nó khóc, có đứa thì nó xỉu luôn, có đứa nó đi nó năn nỉ ông công an mà dắt nó "Ông tha cho con", mà lúc đó nó chỉ xin một cách phải nói là mất trí, nó đờ đẫn nó xin, chớ cái anh chàng công an mà dắt đi ảnh đâu có quyền, lúc đó chỉ có chủ tịch nước là cứu ảnh được thôi chứ hỏng ai cứu ảnh được. Đến giờ đó đâu còn chánh án, luật sư gì cứu nữa, nhưng mà lúc đó ảnh quýnh lên rồi, ảnh chỉ kêu là "Ông ơi! Tha cho con". Nói cho nó bớt sợ, mà ra tới nó nhũn ra, ra đó nó cột xốc ngược nó trùm cái khăn là bắt đầu là một, hai, ba là nguyên một đám nó nhắm nó phơ thôi. Mà tại sao tôi chịu khó tôi kể kỹ như vậy? Các vị đừng tưởng tôi vô ích. Không phải vô ích đâu. Tôi cho các vị thấy những thằng tù mà nó biết được cái chuyện mà tôi vừa kể, nó sống bằng tâm trạng ngộ lắm.

Thì mình cũng vậy, khi mình biết mình là bệnh nhân ung thư kỳ cuối, mình biết mình là cái tên tử tù, thậm chí mình nghĩ mình là một người đang bị truy nã, đang bị kẻ thù truy sát, pháp luật truy nã, đang là bệnh nhân giai đoạn cuối, đang là kẻ tử tù sắp thi hành án, thì đây là những hạng người mà coi như cái khả năng chịu đựng của họ rất lớn, rất rất lớn và cái niềm đam mê vớ vẫn không còn nữa, nhớ nha. Khả năng tha thứ, bao dung rất lớn, khả năng chịu đựng rất lớn và còn bao cái thứ đam mê, hưởng thụ vớ vẫn không còn nữa, là vì sao? Là bởi vì họ đang đối diện với vấn đề cực lớn của cuộc đời họ. Nhớ nha, cái này nhớ.


Thì một người muốn tu hành cho tới nơi tới chốn cũng phải sống bằng tâm trạng đó, là sao? Sống bằng cách nào? Sống bằng cách là phải luôn luôn nhớ rằng "sống nay chết mai", đừng có tin vào cái phán xét của bác sĩ nói anh còn khỏe, điều đó ta còn sống lâu, sai bét. Là bởi vì nó có trường hợp thế này, các vị biết khám định kỳ không? Có cái ông đó 6 tháng ổng đi một lần, mà nó xui cho ổng là cái lần đó ổng đi khám xong rồi ổng về bệnh nó mới phát mà ổng không biết. Mà ổng mới vừa đi khám định kỳ tuần rồi nè, bác sĩ nói "Ông ok", nhưng mà nó xui cho ổng là họ đâu có khám được cái tiền triệu chứng họ đâu có khám được, trừ trường hợp bác sĩ quá giỏi hoặc mình quăng ra một số tiền quá lớn người ta mới làm kỹ thôi, nha, chứ còn đa phần người ta vô làm cái gì? Tôi đi hoài tôi biết mà, thì đo máu, phân, nước tiểu, tim mạch, hả họng ra "A A Ô Ô" rồi xong, vạch lỗ tai coi, xong, đuổi về, khi nào nó thấy gì kỳ kỳ thì nó mới phán còn không nó cứ đè "A đi con, Ô đi con", vạch lỗ tai, vạch lỗ mũi, banh con mắt này ra, rồi thử phân, nước tiểu xong, đuổi về, chỉ vậy thôi. Rồi khi ổng về chừng tuần lễ là bệnh nó phát.


Cho nên không có một thầy bà bác sĩ nào có thể bảo đảm rằng quí vị sống được 90 tuổi hết trơn. Cho nên kể từ hôm nay, cứ nhớ chừng, nhớ là mình có thể đi bất cứ lúc nào và cái mạng sống của mình dầu mình kỹ cách mấy chỉ có 50% thôi, còn 50% là những yếu tố từ bên ngoài đánh vào. Nhớ nha, ta chỉ có thể tự liệu cái mạng của ta maximum tối đa là có 50, còn 50 là từ bên ngoài đánh vào như thức ăn nè, dưỡng khí nè, tai nạn nè, v v...mình khó nói lắm.


1:32:31

28/09/2019 - 09:07 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


Rồi tiếp theo, vậy là đầu tiên là bất tín, là thiếu cái chánh tín. Thứ hai là không úy, không tàm. Ba là biếng nhác. Bốn là thất niệm. Đó! Cái thất niệm đó mới ác đó, sống không có chánh niệm thì mình không có ngờ là mình khổ dữ thần như vậy, mình không có ngờ là cái tâm mình nó bất thiện như vậy.


Khi mà ta luôn luôn ý thức được rằng thân này luôn khổ, tâm này luôn bất tịnh, hoặc quán chiếu cách khác: "Thân này thường chịu quả xấu, tâm này thường gây nhân xấu". Nhớ nha, nhớ cách niệm này rất là quan trọng, cái này là thần chú các vị biết không?


Chỉ nhớ bao nhiêu đó là đủ tu rồi, không có cần phải niệm cái gì hết nha, hỏng có cần. Cứ đi biết là đi, đứng biết là đứng, nằm ngồi, đang đi đang đi đang đi biết là đi, biết rất rõ, chánh niệm nha, đi biết là đi, lúc đang đi như vậy có một cái tâm bất thiện là gì ta? Là tham, là sân, là si, là ganh tỵ, bỏn xẻn, ghen ghét, tỵ hiềm. Người ta giỏi, người ta sẽ gọi đích danh cái đó là cái gì, còn mình dốt mình hỏng cần.


Mình đi biết mình đi, mà có tâm bất thiện mình chỉ cần phán: Nhân xấu. Thấy có tâm bất thiện mà nó trồi ra là chỉ niệm một cái: Nhân xấu. Đang đi mà nghe nó đau nhức, nó khó chịu thân tâm, mình gọi là: Quả xấu.


Thấy tâm mà nó bất thiện mình niệm liền: Đây là nhân xấu. Thân nó có vấn đề mình niệm liền: Đây là quả xấu. Cả ngày làm ơn niệm dùm hai cái này nha.


Cứ thấy tâm bất thiện ghi nhận: Đây là nhân xấu. Thấy thân khó chịu niệm ngay: Đây là quả xấu. Cả ngày chỉ bao nhiêu đó thôi nha.


1:34:39

28/09/2019 - 11:31 - elteetee - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]


6/ ÁC TUỆ

Rồi, cuối cùng là cái ác tuệ. Ở trong chú giải ghi rất là rõ ác tuệ ở đây có nghĩa là nippaññabhāvam là không có tuệ.

Ác tuệ là không có tuệ chứ không phải là có cái tuệ nó ác, hỏng có phải. Ác tuệ là không có tuệ, không có trí. Không có trí đây là gì? Không có trí đây là không có trí trong cái lý nhân quả, nói phân tích đó, là không có trí trong cái lý nhân quả, không có trí trong cái lý tam tướng, không có biết được rằng mọi thứ ở đời do duyên mà có, hạnh phúc nào cũng do nhân lành, đau khổ nào cũng do nhân xấu, mình không biết cái đó.

Cho nên cái đầu tiên là không biết mọi thứ do duyên mà có, thứ hai là không biết rằng mọi thứ đã có rồi thì phải mất, và cái thứ ba nữa là sống trong ác dứt khoát phải khổ, sống trong thiện thì đương nhiên phải lạc, mà khổ hay lạc, thiện hay ác đều là trong cõi sanh tử, muốn không còn sanh tử nữa thì phải nhàm chán cả 4 thứ: thiện, ác, buồn, vui.


Nhàm chán ở đây không có nghĩa là mình bỏ cái thiện và nhàm chán ở đây là sống chánh niệm và chờ đủ duyên để mà chứng thánh. Chữ "chán" đây nghĩa là vậy đó. Giống như mình lớn mình hiểu, mình được giáo dục, mình được ăn học, mình biết ăn mặc không phải là chuyện lớn trên đời, mình biết chứ. Hồi nào mình hỏng biết đạo, mình muốn ăn ngon, mình muốn mặc đẹp, muốn sang, muốn chảnh, muốn bảnh, muốn bao. Bây giờ mình biết rồi, tuy nhiên, tuy mình biết cái chuyện ăn mặc nó không quan trọng, nhưng mà mình có nên ăn, có nên mặc không ta? Hình như là nên, đúng không?

Thì hành giả cũng vậy, khi mà hành giả thấy được rằng thiện ác buồn vui đều là nhân sanh tử, tuy nhiên ta vẫn phải làm thiện, lánh ác, là vì sao? Vì nếu đủ duyên thì ngay đời này ta chứng thánh, còn nếu không, thì chính nhờ ta hành thiện, lánh ác, đời sau sanh ra ta lại có điều kiện để tiếp tục tu học tốt. Còn đằng này nếu mà bây giờ không hành thiện lánh ác thì ngày sau sanh ra làm giun, làm dế, làm con người thì nghèo đói tơi tả; nội mà vật lộn với miếng cơm, manh áo đã hết kiếp người rồi nha, phải nhớ kiếp đó.

Cái khó nó bó cái khôn. Có nhiều người họ nghe cái câu: Cái khó nó "ló" cái khôn họ ham, họ không hiểu đúng. Cái khó nó "ló" cái khôn là trong trường hợp nào, khổ quá, nhiều khi kẹt quá nó có sáng kiến, đúng hôn? Kẹt quá thì nó bật sáng kiến ra, nhưng mà đó là một chuyện khác.

Nhưng Cái khó nó "bó" cái khôn là nghèo quá cái đầu nó bị đơ. Có, trường hợp đó có. Cái người đó hoàn toàn có thể là một thi sĩ lớn, một văn sĩ lớn, một nhạc sĩ lớn, một diễn viên ngon lành, v v… Nhưng mà bây giờ trước mắt là nó không được ai đỡ đầu hết, đói như chó vậy đó, nó ăn rồi nó phải đi bán vé số, chỗ nằm, chỗ ngủ hỏng có, che mấy miếng nylon ngủ dưới gầm cầu, ngủ trong cái xóm ổ chuột, bệnh không có thuốc uống, áo rách tả tơi cầm cọc vé số đi bán. Quí vị tưởng tượng nó khổ như vậy đó, thì hỏi vậy chứ nó tu là tu cái gì? Hả? Làm sao mà thiền? Phải buông hết mà đi thôi, chứ còn mà tiếp tục sống như vậy làm sao có thời gian đâu mà tĩnh tâm?

Cho nên ở đây phải nhớ đó là cái trí tuệ nó gồm có hai.
  1. Một là trí thấy rằng thiện ác buồn vui đều là thế giới của nhân duyên, mọi thứ do duyên mà có.
  2. Thứ hai, mọi thứ có rồi phải mất.
  3. Tuy nhiên, có cái trí thứ ba tuy thấy mọi thứ là vô ngã vô thường nhưng ta vẫn phải tiếp tục hành thiện lánh ác vì hai lý do, một đủ duyên chứng thánh đời này thì thôi, nếu vô duyên không đủ phước Ba la mật để chứng thánh thì ít gì ta cũng dọn đường cho kiếp sau.
Tôi thù nhất là mấy người trong mấy cái facebook vô nổ nói "Tu là không có cần quả nhân thiên", "Tu là không cần giàu", dốt mà cứ thích làm thần tiên nha.

Khổ quá, đúng, mình tu mình hỏng cần sung sướng nhưng anh phải có phước báu để anh sanh ra anh làm ơn có cái trí thông minh một chút, chớ anh đơ cái đầu anh quá học cái gì? Rồi anh phải có chút ít phước báu để thân anh đừng có bệnh, bệnh ngằn ngặt, ngằn ngặt ngày này qua ngày khác cũng khổ. Nghĩa là anh phải có sức khỏe, có trí thông minh, chưa hết, anh phải có tí phước để anh không phải vật lộn với miếng cơm, manh áo, chưa, anh phải có phước anh mới tránh được nhiều cái họa lắt nhắt, lắt nhắt như là bị vu oan nè, bị nói xấu nè, bị đổ thừa nè, mà mấy cái chuyện đó ở đâu nó ra? Nó do cái nhân ngược lại. Thí dụ như tại sao mình bị như vậy? Tại sao mình bị cái đó ta? Tại sao mình bị người ta nói xấu? Tại vì hồi đó mình từng nói xấu người khác, mình từng đâm thọc, mình từng có cái ý hại người, bây giờ cái quả nó trổ ngược lại mình đó.

Cho nên mình phải lánh ác hành thiện để đời sau, khi mà gặp được chánh pháp là coi như mình có đủ trí để mình hiểu cái điều không ai hiểu. Có nhiều khi nguyên một đám đông "Ai cũng hiểu chỉ một cái thằng không hiểu", tôi sợ nhất là cái màn đó. Ít nhất là "Chỉ một thằng hiểu trong khi không ai hiểu" cái đó nó còn đỡ, còn cái thứ mà "Ai cũng hiểu chỉ một thằng không hiểu" đó là chết cha luôn nha.

Cái thứ hai, cái trí tuệ của mình nó không có được phát huy đúng mức là bởi vì mình nghèo quá, mình bệnh nhiều quá, hoặc là xui xẻo trong cái đường gia đạo; lận đận, trục trặc trong tình duyên, hôn nhân nó hỏng ra cái gì hết, thà là độc thân suốt mùa kháng chiến hễ quởn là tu hành, còn không có mái ấm cho nó ra hồn. Còn nếu mà xui lấy cái thằng chồng, con vợ tào lao thì mình có đủ điều kiện mình bỏ mình đi. Tôi ớn nhất là cái thứ cõng nó về mà ở không xong mà buông không được, bị mình không đủ phước rồi phải lệ thuộc, hai đứa phải tựa nhau mà sống, ăn rồi trở mặt, chửi bới nhau banh xác như cái địa ngục trần gian, chén bay, dĩa bay, rồi cứ ngày ngày vào ra chạm mặt, hì hục đẻ con, đẻ xong rồi đánh lộn, chửi gây mày tao, tục tỉu, xong rồi cứ đánh đá suốt mùa như vậy, khổ quá.

Cho nên cái trí ở đây là gì? Trí ở đây là thấy thiện ác buồn vui đều là vô ngã vô thường, đều là nhân sanh tử nhưng ta cũng phải lánh ác hành thiện để mà có một cuộc sanh tử cho nó ok một chút. Ok nghĩa là sao? Không phải để hưởng, mà ok có nghĩa là có đủ điều kiện khi mà gặp được chánh pháp, gặp gỡ được Chư Phật, nha.

Giảng được có hai kinh, nó hết thời gian rồi nha. Ồ! Vô cùng xin lỗi bà con, ngày mai chúng tôi có việc không có giảng được và chúng tôi sẽ tìm cách giảng bù, chưa biết bù ngày nào, bù đây không phải là cho quí vị mà là cho tôi vì khi bù như vậy thì cái bộ kinh sẽ đi nhanh hơn. Mà hỏng biết, chắc là sắp chết hay là sắp đắc mình hỏng biết mà chắc sắp chết nhiều hơn, cứ sợ không đủ thời gian, quí vị biết không? Mà khi mình giảng cần mẫn, chí thú một bài kinh giảng rất là chậm, còn giảng lướt lướt lướt, giảng phớt phớt thì lòng nó hỏng có yên. Thứ hai nữa, khi mình nghĩ cái chuyện sau này mình sẽ in lại mấy cái bài giảng, thì bây giờ phải giảng kỹ để mai mốt mình đỡ cực, mình chỉ cần cắt cắt cắt, ok. Và dĩ nhiên bài giảng của tôi thì tôi cắt chứ còn của tôi mà quí vị đi cắt dùm thì nó khổ lắm nha, tôi năn nỉ đừng có làm chuyện đó bởi vì con tôi đẻ ra, nó có bị sứt môi thì cũng là con của tôi. Chứ tự nhiên đẻ ra, quí vị giựt trên tay bà mụ quí vị đem đi qua Nam Hàn quí vị chỉnh sửa tùm lum tà la hết thì về đưa cho tôi, tôi nhìn hỏng biết ai, tôi khó chịu lắm nha. Chưa kể quí vị đưa lộn con của ông hàng xóm là còn mệt nữa.

Ok, chúc các vị một ngày vui, một đêm an lành vô lượng an lạc. Và cứ sau một cái buổi thính pháp thế này, mình hồi hướng cho thân nhân của mình đã quá vãng, thí dụ như ông, bà, cha, mẹ, anh, em, bạn bè, người nào mình thương đó, mình cũng mong cho họ sống trong cái hào quang của chánh pháp, của trí tuệ, tìm được cái đường sáng để mà đi, có được cái tâm sáng để đi đúng đường sáng, tìm về cái cõi sáng, nhớ nha.

Chúc các vị một ngày vui.



(Hết)

Mục lục các bài giảng
Reply
Thương Được Kẻ Thù

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201907152038&lan=vn 

Có ba ý nghĩa của chữ bảo trong Tam bảo, mình gọi là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Mình cứ hiểu nôm na bảo là quí thôi, nhưng mà bảo ở đây (chữ quí) có nghĩa là sao? Thì trong chú giải, giải thích rất rõ tại sao có chữ ratana, tại sao chữ Phật, Pháp, Tăng lại gọi là ba món bảo ở đời?

Chữ "bảo" đó gồm có ba nghĩa :
  1. Thứ nhất là mức độ quí hiếm không có một thứ bảo thạch, châu ngọc, quí kim nào mà nó hiếm đến mức mà trong vô lượng vũ trụ chỉ có một chỗ có thôi, không có một báu vật nào trong đời vật chất mà nó quí như vậy hết. 
  2. Thứ hai, không có một loại châu ngọc, bảo thạch, quí kim nào mà nó có thể cuốn hút gọi là vô số Chư thiên, Phạm thiên từ vô lượng vũ trụ vân tập về để mà chiêm ngưỡng, chiêm bái với tất cả lòng tôn kính như vậy.
  3. Và, thứ ba, sự ra đời của một Đức Phật quí hiếm không có thể tả được bởi vì, bữa hôm tôi nói rồi, mình đừng có nghĩ rằng tại vì Ngài cao siêu quá, mình hiểu nôm na như vậy là không phải, phải nhớ rằng sở dĩ chuyện Đức Phật ra đời là hiếm vì cái hành trình để thành Phật khổ quá đi, khổ lắm.
Nhiều người họ nói tại sao mà Đức Phật, Ngài dạy rằng là sự ra đời của một Đức Phật là khó tìm? Tại vì Ngài là Phật rồi Ngài mới nói như vậy. Không phải vậy! Vì chính hành trình trở thành Phật khổ lắm.

Hành trình có 4 bước.

Bước một, là lòng tri ơn, thương, quí được cái người đã giúp mình đã là khó tìm, thương, quí được cái người mà tốt với mình, có ơn với mình là đã khó tìm.

Trong kinh nói rất rõ cái người có lòng tri ơn mà biết báo ơn cực hiếm, hiếm lắm, tôi nói không biết là bao nhiêu lần, kể cả trong room này nhiều người cũng không có tin chuyện đó. Quí vị nghĩ làm cái gì tệ vậy, làm cái gì mà cái người mình tri ơn mà biết tìm dịp báo ơn mà hiếm. Nhưng các vị bình tĩnh một chút thì các vị mới thấy khó lắm. Người ta tốt với mình bao lâu đi nữa, bao nhiêu đi nữa, cỡ nào đi nữa, mà chỉ cầ sơ sẩy một chút là mình phủi tay vong ơn liền tức thì vậy đó, dễ ẹc hà. Chúng ta có tới một ngàn lý do để mà chúng ta phủi tay vong ơn, tôi nói cho quí vị biết như vậy. Đừng có ngồi đó mà làm thơ, mà dệt mộng, mà tưởng mình là có trí tuệ, có nhẫn nại, có hành xả, có thiền định, có lòng tri ơn. Không có đâu, tất cả những cái mình tưởng mình có thật ra toàn là hột mè không hà; mà cái người ta có nó phải bự như cái núi, những cái đức tánh đó phải bự như cái núi mới thành Phật được, còn mình chỉ là hột mè thôi. Cái lòng tri ơn của mình dễ phủi tay. Nhưng cái chuyện đầu tiên là cái lòng tri ơn, phải có lòng tri ơn mới được, mới thương, quí được cái người giúp mình là người tốt.

Tiếp bước cái thứ hai, nó khó hơn. Đó là thương được kẻ gọi là không ân không oán gì mình hết, người dưng nước lã.

Cái khó thứ ba, ghê hơn chút nữa. Đó là thương được bạn của kẻ thù! Tôi nói thiệt với bà con tôi làm cái này không nổi. Tôi đang giảng cái này mà tôi làm cái đó không nổi. Tôi mở miệng ra bà con nói sao ông sư ổng nói thù oán. Tôi chỉ mượn cái cớ tôi nói thôi, chớ tôi không có thù ai hết trơn hết; mà tôi chỉ nói là tôi biết cái tánh của tôi. Tôi không thể nào mà tôi thích được cái người mà chơi rất thân với kẻ ghét tôi. Làm ơn nhớ cái đó, tôi không có tài nào mà tôi thương được cái kẻ mà chơi rất thân với người ghét tôi. Tôi nói thiệt - tôi thương không nổi bởi vì sớm muộn gì nó cũng đứng về phía hàng ngũ của tên kia, cho nên là tôi thương nó không nổi.

  1. Cho nên cái bước một là lòng tri ơn, tức là thương quí được cái người tốt với mình, cái đó thấy nó dễ mà đã hiếm rồi.
  2. Bước hai là thương được, hy sinh được cho cái kẻ mà không có ơn oán gì với mình hết.
  3. Cái bước ba nó khó hơn nữa, có nghĩa là thương được cái kẻ mà thân thiết với kẻ thù mình, người khônng ưa mình.
Và cái bước cuối cùng là thương được kẻ thù, thương được cái kẻ mà nó mới vừa hại mình hoặc nó sắp giết mình. Nó mới vừa hại mình hoặc là sắp giết mình mà mình vẫn thương nó được như mẹ thương con, như một người mẹ thương đứa con hư, như một người mẹ thương đứa con bị tâm thần vậy. Nó cào cấu, nó đánh đập, nó cấu xé mình, mình vẫn gạt lệ mà chăm sóc nó. Khó lắm, rất khó.

Để trở thành một vị Phật thì phải tu vô số hạnh lành: gom gọn lại là 10 ba la mật. Trong 10 cái đó là có cái này, cái mà tôi vừa nói. Tức là thương được kẻ mà nó mới vừa muốn giết mình hoặc là nó sắp ra tay nó giết mà vẫn thương cho được. 

Chỉ riêng một cái từ tâm đó. Mà không phải một lần. Không phải một kiếp nào đó hên hên xẹt tu cái ghi điểm liền. Không phải vậy. Mà cái này phải lập đi lập lại, lập đi lập lại, lập đi lập lại, nhiều lần trong vô số kiếp.


Trích: KTC.6.121 Tham (bài giảng 26.06.2019)
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép



Hư Không | | Đất Nước Lửa Gió
[Image: blnk.gif]
English
Reply
(2020-03-03, 08:51 AM)LeThanhPhong Wrote: Thương Được Kẻ Thù

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201907152038&lan=vn 

Có ba ý nghĩa của chữ bảo trong Tam bảo, mình gọi là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Mình cứ hiểu nôm na bảo là quí thôi, nhưng mà bảo ở đây (chữ quí) có nghĩa là sao? Thì trong chú giải, giải thích rất rõ tại sao có chữ ratana, tại sao chữ Phật, Pháp, Tăng lại gọi là ba món bảo ở đời?

Chữ "bảo" đó gồm có ba nghĩa :
  1. Thứ nhất là mức độ quí hiếm không có một thứ bảo thạch, châu ngọc, quí kim nào mà nó hiếm đến mức mà trong vô lượng vũ trụ chỉ có một chỗ có thôi, không có một báu vật nào trong đời vật chất mà nó quí như vậy hết. 
  2. Thứ hai, không có một loại châu ngọc, bảo thạch, quí kim nào mà nó có thể cuốn hút gọi là vô số Chư thiên, Phạm thiên từ vô lượng vũ trụ vân tập về để mà chiêm ngưỡng, chiêm bái với tất cả lòng tôn kính như vậy.
  3. Và, thứ ba, sự ra đời của một Đức Phật quí hiếm không có thể tả được bởi vì, bữa hôm tôi nói rồi, mình đừng có nghĩ rằng tại vì Ngài cao siêu quá, mình hiểu nôm na như vậy là không phải, phải nhớ rằng sở dĩ chuyện Đức Phật ra đời là hiếm vì cái hành trình để thành Phật khổ quá đi, khổ lắm.
Nhiều người họ nói tại sao mà Đức Phật, Ngài dạy rằng là sự ra đời của một Đức Phật là khó tìm? Tại vì Ngài là Phật rồi Ngài mới nói như vậy. Không phải vậy! Vì chính hành trình trở thành Phật khổ lắm.

Hành trình có 4 bước.

Bước một, là lòng tri ơn, thương, quí được cái người đã giúp mình đã là khó tìm, thương, quí được cái người mà tốt với mình, có ơn với mình là đã khó tìm.

Trong kinh nói rất rõ cái người có lòng tri ơn mà biết báo ơn cực hiếm, hiếm lắm, tôi nói không biết là bao nhiêu lần, kể cả trong room này nhiều người cũng không có tin chuyện đó. Quí vị nghĩ làm cái gì tệ vậy, làm cái gì mà cái người mình tri ơn mà biết tìm dịp báo ơn mà hiếm. Nhưng các vị bình tĩnh một chút thì các vị mới thấy khó lắm. Người ta tốt với mình bao lâu đi nữa, bao nhiêu đi nữa, cỡ nào đi nữa, mà chỉ cầ sơ sẩy một chút là mình phủi tay vong ơn liền tức thì vậy đó, dễ ẹc hà. Chúng ta có tới một ngàn lý do để mà chúng ta phủi tay vong ơn, tôi nói cho quí vị biết như vậy. Đừng có ngồi đó mà làm thơ, mà dệt mộng, mà tưởng mình là có trí tuệ, có nhẫn nại, có hành xả, có thiền định, có lòng tri ơn. Không có đâu, tất cả những cái mình tưởng mình có thật ra toàn là hột mè không hà; mà cái người ta có nó phải bự như cái núi, những cái đức tánh đó phải bự như cái núi mới thành Phật được, còn mình chỉ là hột mè thôi. Cái lòng tri ơn của mình dễ phủi tay. Nhưng cái chuyện đầu tiên là cái lòng tri ơn, phải có lòng tri ơn mới được, mới thương, quí được cái người giúp mình là người tốt.

Tiếp bước cái thứ hai, nó khó hơn đó là thương được kẻ gọi là không ân không oán gì mình hết, người dưng nước lã.

Cái khó thứ ba, ghê hơn chút nữa, đó là thương được bạn của kẻ thù! Tôi nói thiệt với bà con tôi làm cái này không nổi. Tôi đang giảng cái này mà tôi làm cái đó không nổi. Tôi mở miệng ra bà con nói sao ông sư ổng nói thù oán. Tôi chỉ mượn cái cớ tôi nói thôi, chớ tôi không có thù ai hết trơn hết; mà tôi chỉ nói là tôi biết cái tánh của tôi. Tôi không thể nào mà tôi thích được cái người mà chơi rất thân với kẻ ghét tôi. Làm ơn nhớ cái đó, tôi không có tài nào mà tôi thương được cái kẻ mà chơi rất thân với người ghét tôi. Tôi nói thiệt - tôi thương không nổi bởi vì sớm muộn gì nó cũng đứng về phía hàng ngũ của tên kia, cho nên là tôi thương nó không nổi.

Cho nên cái bước một là lòng tri ơn, tức là thương quí được cái người tốt với mình, cái đó thấy nó dễ mà đã hiếm rồi. Bước hai là thương được, hy sinh được cho cái kẻ mà không có ơn oán gì với mình hết. Cái bước ba nó khó hơn nữa, có nghĩa là thương được cái kẻ mà thân thiết với kẻ thù mình, người khônng ưa mình.

Và cái bước cuối cùng là thương được kẻ thù, thương được cái kẻ mà nó mới vừa hại mình hoặc nó sắp giết mình. Nó mới vừa hại mình hoặc là sắp giết mình mà mình vẫn thương nó được như mẹ thương con, như một người mẹ thương đứa con hư, như một người mẹ thương đứa con bị tâm thần vậy. Nó cào cấu, nó đánh đập, nó cấu xé mình, mình vẫn gạt lệ mà chăm sóc nó. Khó lắm, rất khó. Để trở thành một vị Phật thì phải tu vô số hạnh lành: gom gọn lại là 10 ba la mật. Trong 10 cái đó là có cái này, cái mà tôi vừa nói. Tức là thương được kẻ mà nó mới vừa muốn giết mình hoặc là nó sắp ra tay nó giết mà vẫn thương cho được. Chỉ riêng một cái từ tâm đó. Mà không phải một lần. Không phải một kiếp nào đó hên hên xẹt tu cái ghi điểm liền. Không phải vậy. Mà cái này phải lập đi lập lại, lập đi lập lại, lập đi lập lại, nhiều lần trong vô số kiếp.

Trích: KTC.6.121 Tham (bài giảng 26.06.2019)
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép



Hư Không | | Đất Nước Lửa Gió
[Image: blnk.gif]
English

hôm nọ có ai đó hỏi tam bảo , tui tính khiêng bài này về dán lên , đọc cho biết , mà nghĩ chắc hỏng ép phê sợ lại làm họ phiền

hời
Reply
(2020-03-03, 09:41 AM)abc Wrote: hôm nọ có ai đó hỏi tam bảo , tui tính khiêng bài này về dán lên , đọc cho biết , mà nghĩ chắc hỏng ép phê sợ lại làm họ phiền

hời

Có lẽ LTP rinh về tỉnh queo vì bài này liên quan đến bài "Lời Cảm Hứng" và tối qua được tụng bài Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) ở Chùa.   Innocent

Cheer
Reply
(2020-02-28, 07:54 PM)LeThanhPhong Wrote: Bác abc,

LTP không biết hỏi ai, nên ngần ngại mãi, cuối cùng đành hỏi bác vậy.

Bài giảng Kinh Lời Cảm Hứng của Sư Toại Khanh (post # 170-172) hình như không dính líu chi đến bài Kinh Tăng Chi 6.62 (post # 169) chi hết, bác ạ.  

Nếu quả như vậy, bác có biết Sư giảng bài Kinh nào thay vì bài Kinh Lời Cảm Hứng?  

Cám ơn bác nhiều.

LTP

bạn LTP , bạn hỏi tui rồi tui biết hỏi ai đây?

kinh này tựa lời cảm hứng , có lẽ sư cảm hứng rồi giảng theo cảm hứng chăng? j/k

theo bài giảng và chánh kinh thì không thấy có liên hệ gì mấy , nhưng sư nhiều khi giảng đi theo những gì chợt thấy ra và nhiều, nhiều lần sư giựt mình hỏi ủa , tui đi tói đâu rồi ?

theo tui thây' bài giảng kinh này liên quan đến kinh pháp môn quyết trạch nhiều hơn , có thể vì khi thu âm , đoạn mà sư nói kinh lời cảm hứng xong giờ qua kinh quyết trạch ... mà khúc đó không có thâu  , giờ chép lại nên đọc thây' không khớp

nhưng mà đọc bài giảng đó nhiều cái để học , i like  i like ( i like giống teen quá )

còn kinh lời cảm hứng thì nói về Đề bà đạt đa , mà vì sao một "người" dễ thương như Đức Thế Tôn lại có ngươi ghét cay ghét đắng , tại sao?
Reply
(2020-03-03, 09:55 AM)abc Wrote: bạn LTP , bạn hỏi tui rồi tui biết hỏi ai đây?

kinh này tựa lời cảm hứng , có lẽ sư cảm hứng rồi giảng theo cảm hứng chăng? j/k

theo bài giảng và chánh kinh thì không thấy có liên hệ gì mấy , nhưng sư nhiều khi giảng đi theo những gì chợt thấy ra và nhiều, nhiều lần sư giựt mình hỏi ủa , tui đi tói đâu rồi ?

theo tui thây' bài giảng kinh này liên quan đến kinh pháp môn quyết trạch nhiều hơn , có thể vì khi thu âm , đoạn mà sư nói kinh lời cảm hứng xong giờ qua kinh quyết trạch ... mà khúc đó không có thâu  , giờ chép lại nên đọc thây' không khớp

nhưng mà đọc bài giảng đó nhiều cái để học , i like  i like ( i like giống teen quá )

còn kinh lời cảm hứng thì nói về Đề bà đạt đa , mà vì sao một "người" dễ thương như Đức Thế Tôn lại có ngươi ghét cay ghét đắng , tại sao?



Tưởng bác không thấy câu hỏi đó chứ!   

Bác nói phải. Cho dù đó là bài giảng ngẫu hứng, trong đó có nhiều chi tiết rất hay. Thực ra, bài nào Sư giảng cũng đều hay.  

Đến vị toàn hảo như Đức Phật còn có người hại, chúng ta là cái gì mà không có kẻ dèm pha?

10_point
Reply
(2020-03-03, 12:49 PM)LeThanhPhong Wrote: Tưởng bác không thấy câu hỏi đó chứ!   

Bác nói phải. Cho dù đó là bài giảng ngẫu hứng, trong đó có nhiều chi tiết rất hay. Thực ra, bài nào Sư giảng cũng đều hay.  

Đến vị toàn hảo như Đức Phật còn có người hại, chúng ta là cái gì mà không có kẻ dèm pha?

10_point

weekend rãnh rang thì vào VB đọc bằng phone, nên ko có trả lời 

dạo này thấy bạn không còn "ăn thua đủ" với những cái làm bạn phiền lòng , tui vui cho bạn
Reply
(2020-03-03, 02:41 PM)abc Wrote: weekend rãnh rang thì vào VB đọc bằng phone, nên ko có trả lời 

dạo này thấy bạn không còn "ăn thua đủ" với những cái làm bạn phiền lòng , tui vui cho bạn

LTP vừa đặt mua cái laptop xong. Post bài bằng phone và tablet không dễ dàng như bằng laptop.   :dance:

"Nhàn cư vi bất thiện", bác ạ.  Bây giờ, thì giờ để tu học còn không đủ, lấy đâu ra để đi sinh sự sự sinh?  

LTP cám ơn bác nhiều.
Reply
Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 12

Đại kinh Sư Tử Hống
(Mahasihanada Sutta)
Hòa thượng Thích Chơn Thiện

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-012.htm

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Tùy pháp (của bản kinh này): Dhammanvayo (inference from dhamma): sự suy diễn từ pháp, theo pháp (giáo pháp).


- Như Lai: Tathàgata (The Lord): Đấng đến như thế.


- A la hán Chánh đẳng giác: Arahant sammasambuddha: Đấng Toàn Giác.


- Minh hạnh túc: Vijjàcaranasampanno (Endowed with knowledge and right conduct): Đấng đầy đủ đức và tuệ.


- Thiện thệ: Sugato (Well-farer): Đấng khéo vượt qua sinh tử.


- Thế gian giải: Lokavidù (Knower of the words): Đấng hiểu rõ thế giới vũ trụ.


- Vô thượng sĩ: Anuttaro (Incomparable one): Đấng không thể so sánh, vô tỷ.


- Điều ngự trượng phu: Purisadammasaràthi (Trainer of Men to be tamed): Đấng giáo hóa thuần thục con người.


- Thiên Nhân Sư: Satthà devamanussànam (Teacher of devas and men): Đấng Thầy của Trời và Người.


- Phật: Buddha (The Awakened One): Đấng giác ngộ.


- Thế Tôn: Bhagavà (The Lord): Đấng thế giới tôn kính.


- Thập Như Lai Lực: Dasa Tathàgatabalàni (Ten powers of a Tathàgata): Mười năng lực của Như Lai .


- Tri thị xứ phi xứ lực: Thànam ca thànato atthanàni ca atthànato (Comprehends as it really is causal occasion as such): Biết như thật cái gì là đúng thật, cái gì là không đúng thật.


- Tri tam thế nghiệp báo lực: Atìtànàgatapaccuppannànam Kammasamàdànànam thànaso hetuso vipàkam yathàbhùtam pajànàti (Comprehends, as it really is the acquiring of deeds for oneself, past, future and present, both in their causal occasion and their result): Như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy thuộc sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại.


- Tri nhất thế đạo trí lực: Sabbatthagàminim patipadam yathàbhùtam pajànàti (Comprehends as it really is the course leading to all bourns): Như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới.


- Tri thế gian chủng chủng tánh lực: Anekadhàtunànàdhàtu lokam yathàbhùtam pajànàti (Comprehends as it really is the word with its various and diverse features): Như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều sai biệt.


Tri tha chúng sanh chủng chủng dục lực: Param sattànam nànàdhimutikatam yathàbhùtam pajànàti (Comprehends as they really are the divers characters of beings): Như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình.


- Tri tha chúng sanh chư căn thượng hạ: Parasattànam parapugglànam indriya paropariyattam yathàbhutam pajànàti (Comprehends as it really is the higher or lower state of the faculties of other beings, of other persons): Như thật tuệ tri các căn cao, thấp của các loài hữu tình (bao gồm loài Người).


- Tri chư thiền tam muội lực: Thàna vimokha samàdhi samàpattìnam saíkilesam vodànam vutthànam yathàbhùta pajànàti (Comprehends as they really are the defilement of the purification of the purification of the emergence from attainments in meditation, the deliverances and concentration): Như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các thiền, chứng về thiền về giải thoát, về định.


- Túc mệnh minh: Túc mệnh thông: Anekavihitan pubbenivàsam anussarati (Remembers his manifold former habitations...)Thấy vô lượng kiếp quá khứ của tự thân ...


- Thiên nhãn minh: Thiên nhãn thông: Dibbena cakkhunà visudhena atikkantamanussakenasatte passati (With his purified deva vision, surpassing that of men, sees beings as they are deccasing and uprising...): Thấy vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy con đường thọ sanh của chúng sanh ...


- Lậu tận minh: Lậu tận thông: Àsavànam khayà anàsavam cetovimuttim pannàvimuttim ditthe va dhamme sayam abinnà sacchikatvà upasampajja viharati: [a Tathàgata]), by the destruction of the cancers, enters on and abides in freedom of mind, freedom through wisdom that are cankerless, having realized them here and now through his own super knowledge...): Trí tuệ giải thoát, tâm giải thoát đoạn trừ hết thảy lậu hoặc...


- Tứ vô sở úy: Cattàro vesàrajjàni (Four convictions, self confidences): Bốn tự tin, không sợ hãi trước tất cả Hội chúng Trời, Người. Đó là:
1Đã chứng ngộ những gì thuyết giảng.
2Đã đoạn trừ hết thảy lậu hoặc.
3. Biết rõ các chướng ngại pháp.
4. Pháp dạy quyết định dẫn đến đoạn tận khổ đau.



II NỘI DUNG BẢN KINH


1Giáo hóa chúng đệ tử, Đức Thế Tôn vận dụng thân giáo và khẩu giáo, mà không (hay rất hiếm) sử dụng các thần túc thông, vì thế tu sĩ Sunakkhatta chỉ trích Đức Thế Tôn bốn điểm như là lý do khiến ông ta từ bỏ nếp sống phạm hạnh. Bốn điểm ấy là:


(a) Đức Thế Tôn không có pháp thượng nhân (các thần túc thông).
(b) Đức Thế Tôn không có tri kiến thù thắng về trí tuệ (hay tuệ giải thoát).
© Đức Thế Tôn thuyết pháp do tự mình khám phá, tự mình suy luận, tùy thuận trắc nghiệm.
(d) Thế Tôn thuyết pháp cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn đưa người thực hành đến chỗ diệt tận khổ đau.

- Về điểm (a), thực ra Đức Thế Tôn có đầy đủ các thần thông tối thắng về thiên nhĩ, tha tâm và thần túc, có đại định thù thắng (tâm giải thoát).
- Về điểm (b), Đức Thế Tôn thực sự có đủ tam minh: Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh (tuệ giải thoát).
- Về điểm © và (d), đó là sự thật của Thế Tôn. Nhưng, nhìn kỹ hai lời chỉ trích nầy là những lời tán thán chân chính về Thế Tôn.


2. Sự thật, Đức Thế Tôn còn chứng quả cao hơn nhiều so với tưởng tượng của Sunakkhatta, đại để như:

- Ngài có đủ Thập Như Lai lực thấy tận tường sự thật của Thế giới và chúng sinh, thấy tận tường con đường dẫn đến khổ sinh hay khổ diệt của từng chúng sinh, thấy tận tường các pháp khổ hạnh, độc cư...

- Ngài có đủ "Tứ vô sở úy" không sợ bị chỉ trích khuyết điểm (vì không có khuyết điểm về Giới, Định, Tuệ), không sợ hãi trước tất cả Hội chúng Trời, Người.
Hơn thế, thấy rõ các khả năng giới hạn, các khuyết điểm của ngoại đạo.


3. Đức Thế Tôn, qua các phê phán nhận định không đúng về Ngài, xác định một nhận định chuẩn xác về Thế Tôn như sau:

"Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người".

Qua ba điểm vừa nêu, bản kinh số 12 quả là "đại Sư Tử hống" khiến muôn thú câm lặng, run rẩy, đến như Tôn giả Nagasamala khi nghe được bỗng khiến lông tóc dựng ngược.



III. BÀN THÊM


1. Đại định, hay tâm giải thoát của Thế Tôn bao hàm các thành tựu như: Thiên nhĩ thông, tha tâm thông và thần túc thông. Thực sự là các thành tựu của một tâm thức tự do, tự tại, an lạc, hạnh phúc vô cùng là ước mơ muôn thuở của con Người.
Trí tuệ hay đại huệ giải thoát của Thế Tôn là trí tuệ vô thượng thấy tận tường sự thật như thật của vạn hữu pháp giớiĐây là cao đỉnh của khát vọng của trần gian, của Nhân, Thiên.


Giáo lý Phật giáo toàn bộ đều dẫn đến Định và Tuệ ấy mà bản kinh số 12 đã đại diện nói lên. Đó cũng là đỉnh điểm của một nền văn hóa lý tưởng hướng về chân, thiện, mỹ.


2. Nếu bản kinh dài 
"Sư Tử Hống" đã khiến người nghe lông tóc dựng ngược, thì các giáo lý chỉ đường tẩy sạch các cấu uế của tâm, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát Thánh đạo đều có tác dụng "lông tóc dựng ngược" ấy. Điều nầy nhắc nhở hành giả rằng: nếu đọc kinh Phật, nghe các pháp môn giải thoát của Phật giáo mà không có cảm xúc "lông tóc dựng ngược" thì quả là đáng tiếc: tâm thức đang thiếu vắng một cái gì ấy thật đáng tiếc!


Với phát biểu đúng về Đức Thế Tôn rằng: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sinh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc, an lạc, vì thương tưởng cho chư Thiên và loài Người", thì toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo cũng chuyên chở nội dung ấy cho đời, đó là trí tuệ vô ngã, lòng nhân ái cao cả vì hòa bình, an lạc và hạnh phúc của số đông.


Nhân loại có thể chờ đợi một nền văn hóa nào hơn thế./.


(trích Nguyệt san Giác Ngộ số 76, 07-2002
Reply
bạn TLP ngắt khúc cho dễ đọc và khi busy , quay lại thì dễ kiếm chỗ đang đọc dỡ dang hơn

thank you

:full-moon-with-face4:
Reply
(2020-03-04, 05:45 PM)abc Wrote: bạn TLP ngắt khúc cho dễ đọc và khi busy , quay lại thì dễ kiếm chỗ đang đọc dỡ dang hơn

thank you

:full-moon-with-face4:


LTP cắt đoạn xong rồi.  Đoạn cuối cùng vế thực hành Tứ Niệm Xứ Sư giảng rất rõ ràng.  

:dance: :dance: :dance:
Reply
Sư Toại Khanh giảng  Thiếu Định

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201908240644&lan=vn 

Quote:cetaso vikkhepo
cetaso (citta): tâm
vikkhepo (uddhacca): lăng xăng, không yên

Cái vấn đề lớn của phàm phu là thiếu định. Khi mà anh thiếu định, thì chuyện đầu tiên là anh phải bôn ba, miệt mài trong 6 trần. Chưa hết, người thiếu định không biết tìm hiểu kỹ. Biết là người thiếu định là biết tên này chìm sâu trong 5 dục, bảo đảm. Bởi vì khi ly dục thì định nó sẽ mạnh. Mà cái tên nào thiếu định là biết tên này chìm sâu trong dục. Có hai cách chìm sâu:

  1. Chìm sâu trong những thứ mình ghét
  2. Chìm sâu trong những thứ mình thích.
Thích và ghét trong 5 dục là vậy.

Và các vị tưởng tượng ra toàn bộ đời sống này, nếu bỏ thích và ghét thì còn cái gì nữa? Hết rồi. Đời sống này chỉ có khổ, vui, thích, ghét. Đấy, mà chính thiện, ác, buồn, vui nó nuôi dưỡng lẫn nhau. Chính cái thiện nó đem lại cho mình cái mình thích, nó đem lại niềm vui thân, tâm. Còn cái ác, nó đem lại cho mình cái khổ thân, khổ tâm. Cho nên đời sống này nếu mà nói nhân quả thì nó chỉ gồm có thiện, ác, buồn, vui.

Còn nếu nói về 6 trần, thì chỉ có ngọt với đắng. Chúng ta có là con chó, con heo, con mèo, con chuột, hay là con người, mệnh phụ, phu nhân, tướng lãnh, công hầu, ăn mày, du đãng, kỷ nữ, tiểu thương, tất cả đều quẩn quanh ở trong thiện, ác, buồn, vui. Mà vô phúc thay cho kẻ nào sống suốt một ngày chỉ cắm đầu chạy theo 6 trần. Cho nên chúng sanh trong đời chia làm 3 hạng:

  1. Vùi đầu trong 5 trần, sống đam mê trong 5 dục. Gọi là chúng sanh dục giới.
  2. Ly dục và sống nhiều về thiền định, tập trung tinh thần, chứng đắc các tầng thiền định, chết rồi bỏ cõi dục sanh về cõi phạm thiên sắc và vô sắc.
  3. Chán cả thiện ác lẫn buồn vui, thấy buồn vui nào cũng vô ngã, vô thường và thiện ác nào cũng là nhân sanh tử. Hạng này tu tập tuệ quán tứ niệm xứ để không còn sanh tử nữa. 
Và tôi quay lại cái nội dung kinh là thiếu định. Khi mà anh thiếu định, thì
  1. chuyện đầu tiên là anh khổ vì 5 dục.
  2. Thứ hai, là anh không có nền tảng cho tuệ học.
Nhớ nhé, khi mà anh thiếu định là anh không bỏ được cái khổ trong 5 dục và anh không có được nền tảng tốt cho tuệ học, tức là con đường giải thoát. Cái thiếu định nó lớn chuyện như vậy, nó lớn lắm chớ hỏng phải không.

Mà định là cái gì? Định là gom tâm. Hồi nãy bắt đầu buổi giảng tôi đã nói rồi. Nắng, ánh nắng mặt trời bình thường mình để nó lan tràn, khuếch tán cái năng lượng đó không có xài được chuyện gì hết. Nhưng mà nếu có cái kính hội tụ, mình gom ánh nắng đó lại, nó có thể tạo ra lửa, và với những tấm pin mặt trời người ta có thể biến ánh nắng thành điện. Còn nước cũng vậy, cứ để nó chảy lan man, lan man tràn bờ thì không có giá trị gì hết, nhưng mà khi dựng đập thủy điện lên, thì người ta có thể dùng sức mạnh của nước người ta tạo ra điện.

[Image: candlesmoker.jpg]

Tâm mình y chang như vậy. Cứ để nó lăng xăng, lăng xăng trong 6 trần, nó yếu, nó hỏng làm khỉ mốc gì hết. Nhưng khi mà mình tập trung nó lại bằng các đề mục: niệm "đất, đất, đất,... ", niệm "nước, nước, nước,..."; niệm "lửa, lửa, lửa,..."; niệm "gió, gió, gió,..."; "xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng,..." - quan sát cái thở ra, thở vào v v.... (Xin đọc phần định trong Thanh tịnh đạo, cái phần này tôi giảng 8 năm cũng chưa có hết); khi mà mình sống tập trung tinh thần, tập trung tư tưởng trong các đề mục như vậy, nó có mấy cái lợi:

  1. Mình không còn bị khổ trong cái chuyện bôn ba trong 6 trần vật chất.
  2. Mình kiến lập được cái gọi là nền tảng cho tuệ học.
Có nghĩa là sao? Cái ngọn nến mà để gió lất phất, lất phất, nó cứ lung linh, ánh sáng nó không có đủ mạnh. Nhưng mà nếu ổn định không để gió thổi thì cái ánh sáng đó nó lan tỏa ra tốt hơn, đúng không? Ở đây cũng vậy, nếu mà thiếu định, ngọn đèn trí tuệ của mình, một là nó tắt; còn hai nữa, nếu mà nó có, nó leo lét, leo lét, cái này nó không khá. Phải ổn định ngọn lửa, ổn định ánh sáng, thì cái ánh sáng đó nó mới phát huy ra được.

Ở đây, nếu mà anh thiếu định, cái tuệ anh làm việc không được. Anh muốn thấy được cái bản chất của cái thân tâm này là vô ngã, vô thường và do duyên mà có, anh muốn thấy những cái chuyện đó một cách đúng mức, thì anh phải có định. Định làm nền thì tuệ mới làm việc được.

Quí vị có thấy người ta lấy mũi khoan để dùi trên ván không? Cái chuyện đầu tiên là anh phải ổn định cái tấm ván, ổn định cái vật mà anh muốn khoan, tiếp theo là anh phải ổn định cái mũi khoan. Ổn định cái mũi khoan, rồi ổn định cái vật mà anh muốn khoan. Ổn định hai thứ này, anh mới khoan đúng chỗ và đúng mức mà anh muốn. Còn không là nó cứ mà cà trầy cà trật. Hoặc là ở đây ai là bác sĩ, ai thường chích tĩnh mạch thì các vị biết. Có nhiều y tá rất dở, nó lụi cả buổi, máu me tùm lum hết, mà nó không có chích được. Trong khi cái chuyện đầu tiên là nó phải cột ở đây trước cái đã, nó mới xác định được là nó sẽ lụi vô chỗ nào, là một phát một là nó phải thành. Còn đằng này nó không biết mạch ở đâu, nó cứ mò mẫm, mò mẫm, rồi nó chọt, nó bấy hầy hết trơn. Cho nên cái định nó quan trọng, thiếu định là coi như chết dịch luôn.

Cho nên ở đây có 3 cái điều gọi là trợ lực cho đạo nghiệp. Cái thứ nhứt đó là cái gì? Đó là

  1. Thứ nhất là khó dạy. 
  2. Thứ hai là bạn xấu. 
  3. Thứ ba là thiếu định.
Quote:Trích Kinh Tăng Chi VI. IX 115 Ác Ngôn

Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Ác ngôn, ác bằng hữu, tâm dao động. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.
Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận ác ngôn, thiện ngôn cần phải tu tập.
  2. Để đoạn tận ác bằng hữu, thiện bằng hữu cần phải tu tập.
  3. Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.




Dovacassatāsuttaṃ
Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Dovacassatā, pāpamittatā, cetaso vikkhepo.
Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Dovacassatāya pahānāya sovacassatā bhāvetabbā, pāpamittatāya pahānāya kalyāṇamittatā bhāvetabbā, cetaso vikkhepassa pahānāya ānāpānassati bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā.




Hard to Admonish
Mendicants, there are these three things. What three? Being hard to admonish, bad friendship, and a distracted mind. These are the three things.
To give up these three things you should develop three things. What three? You should develop being easy to admonish to give up being hard to admonish, good friendship to give up bad friendship, and mindfulness of breathing to give up a distracted mind. These are the three things you should develop to give up those three things.
Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.112 Tà Kiến
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Uttari ca patāreti | | Lửa
[Image: blnk.gif]
English
Reply
(2020-02-07, 12:42 PM)abc Wrote: #99

bạn LTP cho tui mượn một post 


(Hoà thượng Giác Chánh viên tịch lúc 17:45 ngày 07 tháng 02 năm 2020 nhằm ngày 14 tháng 01 Phật Lịch 2563)

KÍNH ĐIẾU TRƯỞNG LÃO GIÁC CHÁNH


Kính bạch giác linh hòa thượng
Một ánh sao thiêng vừa băng giữa trời Nam Quốc
Một cội cổ tùng vừa đổ trên đất Nam Truyền
Kính tiếc lắm thay
Nhớ linh xưa
Bản quán Vĩnh Long, chào đời năm Đinh Hợi
Tính đến nay vừa vặn bảy tư năm
Tuổi đôi mươi giác chủng nảy mầm
Biệt xứ xa quê xuất gia tầm đạo
Duy thức tinh thâm
Tỳ Đàm uyên áo
Tám mốt, một trăm dung nhiếp nghĩa huyền
Tâm vật vô thường
Vạn hữu do duyên
Chân với Tục tùy thời phương tiện
Tứ cú bách phi trù lâm biên kiến
Hí luận biện thông đặt hết ở hiên ngoài
Năm mươi năm
Thao thức bản hoài
Viết sách, giảng kinh
Truyền đăng tục diệm
Vẫn bất biến giữa dòng đời vạn biến
Năm mươi năm chưa phai nhạt tấc lòng
Pháp tử môn đồ lưu lạc khắp Tây Đông
Từ vạn dặm vẫn xem thầy là đuốc sáng
Bồ Tát hạnh một đời không nản
Chí hoằng dương như thiết thạch chẳng sờn
Đứng thẳng giữa đời
Như ngọn cao sơn
Thời cuộc, lợi danh
Chỉ là cơn gió thoảng
Chiều nay
Kính tiếc lắm thay
Ngọn cao sơn đã đổ,
non xưa chỉ còn là hoài niệm
Tòng lâm cháy rồi,
rừng cũ bây giờ là cõi vắng hoang liêu
Tổ đình mênh mông xao xác tiếng chim chiều
Chùa thầy hắt hiu gió lùa sông vắng
Đạo tràng sơn môn giờ là cõi lặng
Thầy đi rồi
Vùng mây khói sau lưng
Vạn hữu do duyên
Có rồi phải mất
Duyên tụ tương phùng
Duyên tán chia xa
Người gặp người trong mỗi sát na
Người xa nhau trong từng khoảnh khắc
Thôi cũng đành thôi
Quay về giả niệm
Mong kiếp kiếp
Được là bồ đề thân quyến
Đời đời tao phùng
Làm cốt nhục Linh sơn
Cõi trầm luân nhất khứ bất hườn
Cúi xin thầy thùy từ chứng giám
Ô hô
Kính tiếc lắm thay !


Sư Điệt Toại Khanh khấp điếu

https://giacngo.vn//lichsu/2020/02/09/374291/ 

Đồng Nai: Tang lễ HT.Giác Chánh, viện chủ chùa Bửu Đức

09/02/2020 16:40 (GMT+7)


GNO - HT.Giác Chánh là vị giáo phẩm Phật giáo Nam truyền, giáo thọ sư A-tỳ-đàm, viện chủ chùa Bửu Đức - TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã viên tịch vào lúc 17g45’ ngày 7-2-2020 (14 tháng Giêng năm Canh Tý), trụ thế 74 năm.



[Image: Ht%20Giac%20Chanha.jpg]
Hòa thượng Giác Chánh (1947-2020)



Lễ nhập kim quan được cử hành vào lúc 8g ngày 8-2, nhằm ngày rằm tháng Giêng năm Canh Tý. Kim quan được tôn trí tại chùa Bửu Đức (số C61A, Huỳnh Văn Nghệ, Khu phố 5, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).



Lễ viếng bắt đầu vào lúc 9g ngày 8-2, đến 11g ngày 11-2-2020. Lễ di quan vào lúc 13g ngày 11-2-2020. Sau đó kim quan được cung tiễn về đài hoả táng TP.Biên Hoà để trà-tỳ.



Được biết, HT.Giác Chánh sinh năm 1947 tại Vĩnh Long. Năm 20 tuổi lập gia đình, sau đó xin xuất gia với Hòa thượng Tịnh Sự ở chùa Viên Giác tại quê nhà, chuyên tâm học tạng A-tỳ-đàm.



Hòa thượng từng học tại Phật học viện Phật Bảo, sau đó trở thành giảng sư, dành thời gian biên soạn, xuất bản nhiều tác phẩm như Pháp âm, Pháp thừa, Chánh đạo ngâm khúc, Đạo trường siêu thanh, Vi diệu nhập môn…



Hòa thượng là vị giáo phẩm phát động phong trào học thuộc Tam tạng Pāli và tổ chức thi trùng tụng 3 tháng 1 lần; chuyên giảng về A-tỳ-đàm, chủ trương dịch kinh điển Nam truyền từ Anh ngữ, Thái để phổ biến rộng rãi.


Hòa thượng là vị giảng sư, bậc Thầy được kính mến trong hàng xuất gia cũng như tại gia, thầm lặng nhưng kiên định với con đường phụng sự Phật pháp trong hạnh nguyện làm sứ giả của Đức Thế Tôn.

Ng.Huân
Reply