Tin Lành Hy Vọng
#16
Tường Đồng Vững Bền

Giê-rê-mi 15:19-21

“Ta sẽ khiến ngươi làm tường đồng vững bền cho dân này, họ sẽ đánh với ngươi, nhưng không thắng ngươi được, vì ta ở cùng ngươi đặng cứu ngươi và giải thoát ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy” (câu 20).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Giê-hô-va tiếp tục hứa gì với Tiên tri Giê-rê-mi? Lời hứa này có ý nghĩa như thế nào đối với ông? Lời hứa nào Chúa dành cho bạn để khích lệ bạn tiếp tục vững vàng trong sự phục vụ Chúa?

Trong câu 20, Đức Giê-hô-va đang nhắc lại lời Ngài đã hứa với Tiên tri Giê-rê-mi khi Ngài kêu gọi ông bước vào chức vụ đầy cam go này: “…ta lập ngươi lên làm thành vững bền, làm cột bằng sắt, làm tường bằng đồng… Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi…” (Giê-rê-mi 1:18a, 19a). Chính trong lời hứa ấy, Đức Giê-hô-va đã cho ông biết trước rằng chức vụ của ông sẽ gặp khó khăn, sẽ gặp đối nghịch, bị tấn công không chỉ từ quân thù mà còn từ chính dân tộc mình khi họ khước từ sứ điệp Đức Giê-hô-va truyền cho họ qua ông.

Thế nhưng, trong giai đoạn này, tâm trạng của Tiên tri Giê-rê-mi dường như đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, và ông như thể một người đang bị dồn vào chân tường. Ông thấy mình mất đi sự yên ủi từ những người thân cận, từ dân tộc của ông, và cả Đức Giê-hô-va khi Ngài im lặng không lắng nghe lời cầu xin của ông. Vì vậy, trong thời điểm dường như khắc nghiệt này, Đức Giê-hô-va nhắc lại lời hứa Ngài đã dành cho ông trước đó. Chỉ cần Tiên tri Giê-rê-mi trở lại với Đức Giê-hô-va, không tiếp tục “…ngồi một mình…” với lòng “…đầy sự giận…” (câu 17) thì Ngài sẽ làm thành Lời Ngài đã hứa để ông được nên tường đồng kiên cố, được vững bền để tiếp tục công tác, vì biết rằng, “Ta sẽ khiến ngươi làm tường đồng vững bền cho dân này, họ sẽ đánh với ngươi, nhưng không thắng ngươi được, vì ta ở cùng ngươi đặng cứu ngươi và giải thoát ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy” (câu 20).

Tâm trạng của Tiên tri Giê-rê-mi trong thời điểm đó cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta, những đầy tớ trung kiên của Đức Chúa Trời, thường đối diện khi bước vào trận chiến thuộc linh để đưa dắt những con chiên lạc trở về với nếp sống đúng đắn thờ phượng Đức Chúa Trời. Việc làm này không đơn giản cũng như không thể hoàn thành bởi năng lực của con người. Nhưng trong trận chiến cam go này, lời hứa của Chúa Giê-xu thật tuyệt vời: “Và này, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Năng lực giúp chúng ta thêm vững vàng đương đầu với mọi sóng gió, mọi sự chống nghịch để làm tròn phận sự đã nhận lãnh nơi Đức Chúa Trời chính là lời hứa “Ta thường ở cùng các ngươi”. Ngài chắc chắn sẽ khiến chúng ta trở nên “tường đồng vững bền” trước những sự tấn công của ma quỷ để chúng ta cứ trung tín phục vụ Chúa cho dù hoàn cảnh có ra sao.

Lời hứa của Chúa có thêm năng lực cho bạn để cứ vững vàng xông pha trên trận chiến thuộc linh không?

Kính lạy Đức Chúa Trời Thành Tín! Con tạ ơn Ngài vì những lời hứa quý báu Ngài dành cho con. Xin giúp con luôn vững vàng đứng trên mọi Lời Ngài phán hứa để con cứ bền lòng phục vụ Chúa cho đến cuối cùng.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 9.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#17
Còn Nhớ Hay Đã Quên?

Thi Thiên 116:1-19

“Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài” (Thi Thiên 103:2).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao trước giả Thi Thiên 116 viết lên những lời ca ngợi ân huệ của Chúa? Ông kể lại những kinh nghiệm của mình ra sao? Để bày tỏ lòng báo đáp ơn Chúa, ông đã hứa nguyện điều gì? Bạn còn nhớ những ơn lành nào Chúa làm cho mình trong suốt năm qua?

Khi đọc kỹ cả Thi Thiên 116, chúng ta thấy chắc chắn trước giả là người đã trải qua rất nhiều nỗi gian truân, sầu khổ trong đời, nhưng ông cũng là người kinh nghiệm rất nhiều ơn lành Chúa đã làm cho mình. Do đó, ông đã viết Thi Thiên này để ca ngợi ân huệ của Chúa, vì “Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết, Mắt tôi khỏi giọt lệ, Và chân tôi khỏi vấp ngã” (câu 8) . Trước giả không bao giờ quên những hoàn cảnh được Chúa đoái đến và giải cứu linh hồn ông. Ông luôn nhớ những kinh nghiệm Chúa đáp lời cầu xin của ông, hậu đãi ông và nâng ông lên khỏi vực sâu của cuộc đời (câu 1-11). Qua đó, ông nhận biết những mỹ đức tuyệt vời của Chúa và hết lòng chúc tụng Ngài.

Sau khi nhận biết tất cả những ơn lành Chúa đã làm cho đời sống mình, trước giả đã có những cam kết rất rõ ràng với Chúa. Ông hứa nguyện sẽ tiếp tục dâng lên Chúa của lễ tạ ơn, cầu khẩn Danh Ngài, làm trọn những điều ông hứa nguyện và hết lòng ca ngợi Chúa giữa các dân (câu 12-19). Thi Thiên 116 cho thấy trước giả không bao giờ quên những ân huệ Chúa đã làm cho ông.

Cuối năm là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại một năm cũ đã qua và nhớ lại những kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống mà dâng lời tạ ơn Chúa. Hãy cùng với trước giả Thi Thiên 116 điểm lại tất cả những ơn lành Chúa đã làm cho đời sống mình. Trong năm qua, chắc chắn trong chúng ta ít nhiều đều trải qua những niềm vui, phước hạnh, nhưng cũng không thiếu những tai họa, bệnh tật, thất bại, sầu khổ, rơi nước mắt,… Cuối năm là dịp để nhớ lại Chúa đã giải cứu, chữa lành, bảo vệ, thêm sức, an ủi và nâng đỡ chúng ta thể nào. Hãy dành chút thì giờ điểm lại tất cả những sự kiện vui buồn trong đời sống chúng ta suốt năm qua để nhận biết lòng nhân từ, thương xót và ban ơn của Chúa như thế nào. Qua đó, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi vẫn còn nhớ hay đã quên ơn cứu rỗi của Chúa trên đời sống tôi?

Kết thúc năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới âm lịch, xin Chúa cho chúng ta đừng ai quên ơn Chúa đã làm cho mình và gia đình mình, đồng thời có những cam kết dâng lên Chúa để báo đáp những ơn lành Chúa đã làm cho cá nhân, gia đình và hội thánh.

Đứng trước khoảnh khắc giao thừa hôm nay, bạn có cùng hòa lòng với trước giả Thi Thiên 103 mà thốt lên rằng: “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài” hay không?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài về một năm đã qua với những ơn lành Ngài đã làm trên đời sống con! Xin Chúa dạy con luôn ghi nhớ ơn Chúa và sẵn sàng bước vào năm mới với quyết tâm sống đẹp lòng Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 13.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#18
Năm Mới – Mọi Sự Đều Trở Nên Mới


II Cô-rinh-tô 5:17

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới” (câu 17).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn, thế nào là người được dựng nên mới? Người được dựng nên mới phải thể hiện đời sống mới ở những phương diện nào? Trong năm mới này bạn thấy mình còn “những sự cũ” nào chưa “qua đi”?

Hầu hết người Việt đều mong vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải có sự đổi mới từ ngoại cảnh cho đến nội tâm, vì ngày Tết là ngày khởi đầu của năm mới. Do đó, các em bé thường được cha mẹ mua cho áo mới để mừng Xuân, người lớn cũng có áo quần mới, giày dép mới, nhà cửa cũng được sơn phết, quét dọn sao cho trông thật mới và tươm tất trong những ngày Xuân. Ngoài ra, với quan niệm “Tống cựu nghinh tân”, người Việt mình còn có thói quen dọn dẹp thật sạch trong nhà ngoài ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi hoặc đồ cũ, hư, không còn dùng đến, để dành chỗ đón cái mới của năm mới.

Dù không đang “ăn Tết” như người Việt, Sứ đồ Phao-lô cũng nói lên ước ao mọi sự đều mới trong đời sống của người con của Chúa. Ông dạy rằng những người “ở trong Đấng Christ” là một tạo vật mới, đã được dựng nên mới, không còn sống theo đời sống cũ nữa vì “những sự cũ đã qua đi” và “này”, hãy nhìn xem, ở nơi người này “mọi sự đều trở nên mới.” Theo Sứ đồ Phao-lô, một người được dựng nên mới thì mọi sự ở nơi người đều trở nên mới, tức là người không chỉ có đời sống thuộc linh mới nhưng người cũng có cách cư xử mới, suy nghĩ mới, hành động mới, lời nói mới v.v…

Là người “ở trong Đấng Christ”, tức là người thuộc về Chúa, trong năm mới âm lịch này chúng ta phải thực sự có một đời sống mà bất cứ người nào khi nhìn xem thì đều phải thốt lên, “Này, ở người này mọi sự đều trở nên mới!” Năm mới đến, trong bầu không khí của mùa Xuân, trong đó mọi sự đều tươi mới, xin mỗi người trong chúng ta hãy quyết tâm loại bỏ hết mọi thứ rác rưởi của tội lỗi, của sự cay đắng, buồn giận, lo lắng, của nếp sống cũ không xứng đáng vẫn còn lại trong đời sống mình, để trong năm mới âm lịch này, khi Chúa Giê-xu nhìn vào chúng ta thì chính Ngài cũng sẽ vui lòng mà khen ngợi rằng “Đây là một tạo vật mới được Ta dựng nên, này, trong người, mọi sự đều trở nên mới.”

Có tội lỗi nào, có điều không xứng đáng nào của đời sống cũ vẫn còn đang mon men muốn bước vào năm mới của đời sống chúng ta không? Hãy cầu xin Chúa giúp đỡ và quyết tâm vứt bỏ, quăng xa vào quá khứ của năm cũ, để năm mới này là một năm mà mọi sự trong đời sống chúng ta đều thực sự trở nên mới. Nguyện Danh Chúa được tôn cao qua đời sống mới của mỗi chúng ta.

Có tội lỗi nào còn vấn vương theo bạn trong năm mới này không?

Lạy Chúa, xin cho con trong năm mới âm lịch này thực sự biến đổi, và qua đời sống mới của con, Chúa cũng như những người xung quanh con đều nhận thấy và vui mừng vì trong con mọi sự đều trở nên mới.



Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 14.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#19
Phước Trong Chúa

Ma-thi-ơ 5:1-12

“Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng tôi, và ban phước cho chúng tôi, soi sáng mặt Ngài trên chúng tôi. Để đường lối Chúa được biết trên đất, và sự cứu rỗi của Chúa được biết giữa các nước” (Thi Thiên 67:1-2).

Câu hỏi suy ngẫm: Những phước hạnh gì được liệt kê ở đây và làm thế nào để có những phước ấy? Bạn suy nghĩ gì về phước hạnh trong nghịch cảnh? Bạn cầu xin Chúa ban cho những phước nào trong năm mới?

Trong những ngày Tết, đi đâu cũng nghe những lời chúc nhau thịnh vượng, phước lành, trường thọ, thành công… Ai ai cũng mong ước những lời chúc đó trở thành hiện thực, nhưng nhìn lại nhiều năm qua, có mấy người nhận được kết quả như lời chúc trên? Trong bài giảng về các phước lành, Chúa Giê-xu đưa ra những việc cần làm như những điều kiện để được phước. Thứ nhất, phước cho người có lòng khó khăn, sẽ được nước thiên đàng. Thứ hai, phước cho người than khóc, vì sẽ được an ủi. Thứ ba, phước cho người nhu mì, vì sẽ hưởng được đất. Thứ tư, phước cho người đói khát sự công bình, vì sẽ được no nê. Thứ năm, phước cho người thương xót, vì sẽ được thương xót. Thứ sáu, phước cho người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời. Thứ bảy, phước cho người làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời. Thứ tám, phước cho người vì cớ Chúa và sự công bình mà chịu bắt bớ, bị mắng nhiếc và bị vu cáo mọi điều dữ, vì sẽ được nước thiên đàng.

Cơ Đốc nhân không thụ động ngồi chờ may rủi, nhưng phải thực hiện những việc làm cụ thể để được phước vững chắc và có giá trị đời đời. Từ “phước” trong bài giảng của Chúa được dịch từ tiếng Hy Lạp “makarios”. Có bản dịch từ này là “hạnh phúc” hay “sung sướng”, nhưng từ Makarios có ý nghĩa sâu xa hơn cả hạnh phúc, vì hạnh phúc lệ thuộc vào con người hay hoàn cảnh, nhưng phước hạnh ở đây bày tỏ sự vui mừng từ trong tấm lòng của con người. Khi con người làm theo Lời Chúa, họ sẽ nhận được phước hạnh tận trong sâu thẳm của tâm linh.

Khi trao cho nhau những lời cầu chúc trong ngày đầu Xuân, nhiều người không biết phước hạnh đến từ đâu, nhưng con dân Chúa phải biết rõ phước là do Chúa ban cho. Những phước hạnh nói trên là phần thưởng cho những ai cam kết theo Chúa và sống theo Lời Ngài. Đặc biệt, phước hạnh không chỉ có được trong thuận cảnh, nhưng ngay cả trong nghịch cảnh vẫn nhận được phước. Con cái Chúa được phước là khi quyết tâm sống đẹp lòng Chúa và làm sáng Danh Ngài trên đất. Đây cũng là lý tưởng sống mà Chúa kêu gọi con dân Chúa thực hiện trong năm mới sắp đến. Ước mong mỗi chúng ta bắt đầu một năm mới với sự thay đổi mới để có mối tương giao với Chúa sâu đậm hơn và nhận được phước hạnh của Chúa đầy tràn hơn.

Bước vào năm mới âm lịch, bạn suy nghĩ gì về các phước hạnh Chúa dạy? Bạn có quyết định gì trong năm mới để nhận được phước?

Kính lạy Chúa, bước vào năm mới âm lịch, xin cho con luôn làm theo Lời Chúa, để con nhận được phước của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con bày tỏ nếp sống Cơ Đốc để làm sáng danh Chúa cho những người quanh con trong năm mới này.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-ên 1.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#20
Lưu Truyền Qua Các Thế Hệ –

Xuất Ê-díp-tô Ký 16:31-36

“Môi-se nói rằng: Lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy như vầy: Hãy đổ đầy một ô-me ma-na, đặng lưu truyền trải các đời, hầu cho thiên hạ thấy thứ bánh ta đã cho các ngươi ăn nơi đồng vắng khi ta rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (câu 32).

Câu hỏi suy ngẫm: Ma-na nghĩa là gì và được mô tả như thế nào? Việc lưu truyền một ô-me ma-na qua các thế hệ có ý nghĩa gì đối với dân Chúa và các dân trên đất? Phân đoạn Kinh Thánh này có liên hệ gì với cuộc sống của chúng ta ngày nay?

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, “Ma-na” nghĩa là “Vật chi vậy?” Ma-na được mô tả giống như hột ngò, màu trắng, mùi như bánh ngọt pha mật ong (câu 31). Tính chất của ma-na rất đặc biệt. Ma-na chỉ tồn tại trong vòng một ngày (từ ngày thứ Nhất đến ngày thứ Năm), hoặc hai ngày (từ ngày thứ Sáu đến thứ Bảy), hay từ đời này sang đời kia, tùy theo sự cho phép của Đức Chúa Trời (câu 32). Chúa là Đấng quy định thời gian tồn tại của ma-na theo ý muốn và mục đích của Ngài. Ông Gióp đã kinh nghiệm rằng: “Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống, Và hơi thở của cả loài người” (Gióp 12:10).

Ông Môi-se và ông A-rôn đã vâng lời Chúa đổ đầy một ô-me ma-na đặng lưu truyền qua các thế hệ, hầu cho hậu thế thấy thứ bánh Chúa đã cho tuyển dân ăn trong đồng vắng (câu 32-34). Một ô-me ma-na là khẩu phần lương thực của một người Y-sơ-ra-ên trong một ngày. Chúa chỉ ban vật thực hằng ngày cho tuyển dân, và Ngài đã thành tín nuôi cả dân tộc Y-sơ-ra-ên suốt bốn mươi năm (câu 35). Chúa muốn câu chuyện lịch sử của tuyển dân mãi sống động và lưu truyền qua các thế hệ. Bánh ma-na sẽ là chứng cứ nói lên sự thành tín của Chúa đã chu cấp vật thực hằng ngày cho tuyển dân. Có thể con dân của Chúa ngày nay không có nhiều của cải để dành nhưng Chúa thành tín nhất định sẽ ban đủ vật thực hằng ngày cho mỗi chúng ta. Chúa Giê-xu cũng dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11). Vua Đa-vít trải nghiệm sự chu cấp của Chúa, ông viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, Nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, Hay là dòng dõi người đi ăn mày” (Thi Thiên 37:25).

Trong chúng ta có ai đang lo lắng rằng ngày mai mình sẽ ăn gì, mặc gì chăng? Có ai còn chần chờ khi Chúa kêu gọi dấn thân vào một sứ mệnh vì lý do tài chánh? Chúa đã ban ma-na nuôi dân Chúa năm xưa suốt bốn mươi năm, Đấng thành tín cũng sẽ cung ứng nhu cầu cần thiết cho chúng ta khi chúng ta bằng lòng bước đi bởi đức tin và trông cậy nơi Ngài. Hãy nhớ bài học trong quá khứ để khích lệ chúng ta vững lòng bước đi với Chúa.

Bạn có câu chuyện hay biểu tượng nào để lại cho con cháu, hầu cho dòng dõi mai sau của bạn cứ tiếp tục ca ngợi sự thành tín và đức nhân từ của Chúa không?

Lạy Chúa! Con tạ ơn Ngài về sự thành tín, tiếp trợ mọi nhu cầu đúng lúc cho con và gia đình! Nguyện xin suốt đời con và dòng dõi của con cứ tiếp tục viết thêm chứng cứ yêu thương và ca ngợi sự quan phòng của Chúa đến mãi mãi.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 2.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#21
Dạy Dỗ Con Cái Về Chúa

Ê-phê-sô 6:4

“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.”

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa muốn cha mẹ nuôi dạy con cái như thế nào? Cụm từ “của Chúa” trong câu 4 nhấn mạnh điều gì? Chúa Giê-xu đã nêu gương gì trong sự dạy dỗ môn đệ? Chúng ta áp dụng bài học này trong cách nuôi dạy con cái như thế nào?

Nuôi con không phải như nuôi cá cảnh trong bồn, chỉ cần cung cấp đầy đủ thức ăn là chúng tự tăng trưởng. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều nhấn mạnh vai trò dạy dỗ con cái của cha mẹ, Ê-phê-sô 6:4 đề cập đến người cha, vì cha là trụ cột trong gia đình, nhưng không loại trừ sự đóng góp của cả người mẹ (Phục Truyền 6:4-9). Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo “chớ chọc cho con cái mình giận dữ”, vì thông thường người cha dễ nóng tính hơn mẹ, rầy la nặng lời; có thể nghiêm nhặt quá làm cho con cái bất mãn, ngã lòng (Cô-lô-se 3:21). Trái lại, cha mẹ nên dùng kỷ luật (“sửa phạt” theo nguyên văn là “huấn luyện”) và sự khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng. Cụm từ “của Chúa” nhấn mạnh cha mẹ cần dạy con sống thế nào đẹp lòng Chúa chứ không phải đẹp lòng cha mẹ. Chúa Giê-xu đã nêu gương về cách Ngài huấn luyện, dạy dỗ môn đệ; có lúc Ngài khen ngợi (Ma-thi-ơ 16:17), có lúc quở trách (Ma-thi-ơ 16:23), nhưng môn đệ đều biết rằng Ngài luôn luôn yêu thương họ (Giăng 13:1).

Bác sĩ Benjamin Spoke năm 1946 viết quyển sách tựa đề “Chăm Sóc Trẻ Thơ và Trẻ Con” (Baby and Child Care). Ông cho rằng không cần phải dạy đạo đức hay tâm linh như mẹ ông đã làm với sáu đứa con, mà chỉ cần con cái là người đàng hoàng tử tế là được. Rất nhiều bậc cha mẹ tại Hoa Kỳ đã áp dụng phương pháp của ông. Năm mươi năm sau, năm 1995, ở tuổi 92, Bác sĩ Spoke đã thay đổi quan điểm. Ông than thở rằng xã hội đã biến đổi trong lối suy nghĩ, thay vì tự hỏi mình sẽ đóng góp gì cho gia đình, và gia đình mình đóng góp gì cho xã hội, thì lại tự hỏi “mình được lợi gì?” Bây giờ ông tin rằng cha mẹ cần phải dạy đạo đức và tâm linh cho con cái.

Nhiều cha mẹ thường ép con cái làm theo ý mình, thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, mà không quan tâm đến ước muốn của con. Nhiều cha mẹ khác tìm mọi cách để con cái hơn người, thăng tiến trong xã hội, để cha mẹ nở mặt nở mày. Phần lớn chúng ta bắt con cái vâng lời mình nhưng quên rằng chính mình cũng chỉ là con người bất toàn, vì thế khi con cái không được như ý mình muốn thì cha mẹ dễ nổi giận. Lời Chúa nhắc nhở cha mẹ cần “dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa” mà nuôi dạy con cái. Để con cái trở nên người Chúa muốn thì cha mẹ cần phải dạy dỗ con cái về Chúa ngay từ lúc con thơ.

Bạn đang dạy dỗ con cái về Chúa hay dạy theo ý muốn của mình?

Lạy Chúa, tạ ơn Ngài đã nhắc nhở con về vai trò rất quan trọng của cha mẹ cho đời sống tâm linh của con cái. Xin giúp con chẳng những làm gương tốt mà còn có sự khôn ngoan để nuôi dạy con cái theo sự dạy dỗ của Chúa.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 3.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#22
Dạy Con Từ Thuở Còn Thơ

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10

“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

Câu hỏi suy ngẫm: Cậu bé Môi-se ra đời trong hoàn cảnh nào? Mẹ của cậu đã cố gắng bảo vệ con bằng cách nào? Kết quả ra sao? Cậu bé Môi-se được mẹ dạy những gì? Việc dạy dỗ con trẻ ngay từ lúc ấu thơ quan trọng như thế nào?

Kinh Thánh mô tả sự ra đời của cậu bé Môi-se, lãnh tụ của dân Do Thái sau này, rất đặc biệt. Cậu được sinh ra dưới sắc lệnh tàn bạo của Pha-ra-ôn là tiêu diệt hết bé trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:22). Mẹ cậu thấy con mình kháu khỉnh nên đem đi giấu trong ba tháng. Khi không thể giấu được nữa, bà nghĩ ra cách đặt con mình trong cái thúng cói rồi thả giữa đám sậy ven sông. Để bảo đảm an toàn, bà sai chị của cậu bé đứng xa xa trông chừng. Câu chuyện được tiếp diễn khi Công chúa Pha-ra-ôn ra sông tắm và đã tìm thấy cái thúng có cậu bé Môi-se trong đó. Rồi chị của cậu đã tình nguyện đi tìm một vú nuôi cho cậu bé, và cuối cùng trong chương trình của Chúa, cậu bé Môi-se được giao về cho mẹ ruột mình nuôi dưỡng theo lệnh của công chúa. Thế là mẹ của cậu Môi-se được nuôi con trong sự an toàn.

Kinh Thánh không ghi lại cụ thể cậu bé Môi-se được mẹ mình nuôi dạy như thế nào, nhưng qua những diễn biến trong cuộc đời ông Môi-se, chúng ta tin chắc rằng cậu đã được nuôi dạy rất tốt, và được truyền lại đức tin của tổ phụ và dân tộc mình. Câu 10 cho biết mẹ của cậu đem cậu vào cung giao cho công chúa khi cậu “lớn khôn”, tức cậu đã đủ lớn để nhận thức danh phận của mình là ai dù sau đó cậu trở thành con nuôi của Công chúa Pha-ra-ôn. Nhờ sự dạy dỗ chu đáo của cha mẹ mà ông Môi-se sẵn sàng đứng ra bênh vực “anh em mình” khi thấy người Ai Cập hà hiếp người Hê-bơ-rơ (2:11-12), rồi ông sẵn sàng từ bỏ địa vị “hoàng tử” để chạy vào đồng vắng, được Chúa tôi luyện và được Ngài chọn để giải phóng dân Do Thái.

Khoảng thời gian từ lúc mới sinh cho đến 5-6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng đối với một đứa trẻ. Đó chính là thời gian trẻ cần được dạy dỗ thật tốt vì sẽ ảnh hưởng đến tính cách và cuộc đời trẻ sau này. Cha mẹ đừng đánh đổi bất cứ điều gì để bỏ mất khoảng thời gian quý báu đó với con cái mình. Lời Chúa khẳng định điều này trong lời khuyên của Vua Sa-lô-môn: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Những gì cha mẹ dạy con cái từ thơ ấu sẽ in đậm trong tâm trí trẻ cho đến lớn cũng không phai mờ.

Bạn có dành thời gian dạy dỗ con cái mình ngay khi chúng còn thơ ấu không? Bạn có dạy chúng con đường tin kính Chúa để dù khi chúng lớn, rời khỏi vòng tay cha mẹ, chúng vẫn giữ được đức tin nơi Chúa không?

Lạy Chúa, xin nhắc nhở con biết nuôi dạy con cháu mình thật cẩn thận ngay khi chúng còn thơ ấu để chúng biết tin cậy Chúa và lớn lên trong sự nhận biết Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 5.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#23
Tìm Cầu Sự Khôn Ngoan

Châm Ngôn 1:1; I Các Vua 3:5-13

“Này, ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang” (I Các Vua 3:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Sách Châm Ngôn của ai và dạy về điều gì? Vua Sa-lô-môn cầu xin với Chúa điều gì và ông nhận lãnh điều gì? Sự khôn ngoan ảnh hưởng thế nào đối với bạn? Làm thế nào để có sự khôn ngoan của Chúa?

Sách Châm Ngôn dạy về sự khôn ngoan tin kính, cách tìm kiếm và sử dụng sự khôn ngoan, do Vua Sa-lô-môn viết và để lại cho đời sau. Câu đầu tiên của sách Châm Ngôn xác nhận: “Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, Vua Y-sơ-ra-ên”. Đại Tự Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý biên soạn, giải thích “Châm ngôn là câu nói lưu truyền có tác dụng hướng dẫn về đạo đức, lối sống”.

Càng hiểu biết về Vua Sa-lô-môn và sách Châm Ngôn chúng ta càng thấy quý những châm ngôn của ông để lại cho chúng ta, và thấy sự khôn ngoan thật quý giá biết bao. Thứ nhất, sự khôn ngoan là điều Vua Sa-lô-môn cầu xin với Chúa. Khi Chúa cho ông một điều cầu xin, Vua Sa-lô-môn đã thưa với Chúa: “xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài…” (I Các Vua 3:9a). Khi Vua Đa-vít, cha ông qua đời, gánh nặng lãnh đạo dân tộc Y-sơ-ra-ên đặt trên ông. Ông biết ông chỉ là “một đứa trẻ nhỏ”, nhưng lãnh đạo dân tộc của Chúa là một dân đông vô số (câu 7-8), nên chỉ có sự khôn ngoan mới có thể giúp ông lãnh đạo và xét xử phân minh cho con dân Chúa, cũng như phân biệt được điều đúng, điều sai. Lời cầu xin của ông thật khôn ngoan và hoàn toàn đẹp lòng Chúa. Thứ hai, Chúa ban cho Vua Sa-lô-môn sự khôn ngoan hơn hết những người sống trên đất. Chúa phán: “Này, ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang” (I Các Vua 3:12). Thứ ba, bên cạnh sự khôn ngoan, Vua Sa-lô-môn còn được Chúa ban cho “sự giàu có và sự vinh hiển, đến đỗi trọn đời ngươi, trong vòng các vua, sẽ chẳng có ai giống như ngươi” (câu 13b).

Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta biết cầu xin Chúa cho có sự khôn ngoan Chúa ban để biết phân biệt điều thiện và điều ác, điều thánh khiết và điều tội lỗi, điều đúng và điều sai. Khi nhận biết mình kém ngôn ngoan, hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan của Ngài. Trước giả thư Gia cơ dạy chúng ta: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5). Sự khôn ngoan là điều chúng ta phải học, phải cầu xin Chúa, để biết sống đẹp lòng Chúa và làm vinh hiển Danh Ngài.

Bạn có luôn tìm cầu sự khôn ngoan để sống sáng Danh Chúa không?

Kính lạy Đức Giê-hô-va, con xin Chúa tha tội cho con vì đã bao lần con không nhận biết sự kém khôn ngoan của con nên đã đi sai ý Chúa. Xin Chúa giúp con biết học và tìm cầu sự khôn ngoan từ Chúa để sống vinh hiển Danh Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 4.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#24
TRÓI VÀ MỞ

“…nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (II Ti-mô-thê 2:9)

Dân gian có câu “sông có khúc, người có lúc” – Có những khi, với con mắt xác thịt, chúng ta thấy dường như bế tắc, nhưng Chúa có chương trình của Ngài trong mọi thời điểm. Kinh Thánh cho biết Chúa là “Đấng thánh, chân thật, là Đấng có chìa khóa của Đa-vít, mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được” (Khải Huyền 3:7).

Được thăm viếng và tham dự các buổi lễ công bố thành lập Chi Hội, ra mắt Điểm Nhóm, bổ nhiệm Quản nhiệm cho các đầy tớ Chúa tại tỉnh Bình Phước, lòng tôi vui mừng cảm tạ Chúa về những công việc Chúa làm trên vùng đất này. Trước năm 2015, tại tỉnh Bình Phước, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chỉ có 5 Chi Hội. Nhưng đến đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có 57 Chi Hội được mở ra, và đến tháng 11/2019, đã lên đến 69 Chi Hội chính thức.

Có thời kỳ công việc Chúa tại tỉnh Bình Phước gặp không ít trở ngại, song con dân Chúa vẫn luôn giữ vững niềm tin và đời sống Đạo, nhẫn nại trong sự kêu cầu Chúa và trung tín học biết Chúa. Tại tỉnh này có nhiều sắc tộc khác nhau cùng sinh sống, như người Kinh, người Stiêng, người M’nông… song trong Đấng Christ chẳng tìm thấy sự phân rẽ. Có những Hội Thánh đa sắc tộc thì ngôn ngữ thờ phượng, học Lời Chúa là tiếng Kinh phổ thông để mọi người có thể hiểu nhau và hiệp nhất trong sự thờ phượng Chúa.

Đi vào các con đường nông thôn giữa những cánh đồng điều, cao su, hồ tiêu bạt ngàn, chúng tôi đến thăm một Hội Thánh nằm cách khá xa quốc lộ nhân ngày ra mắt Chi Hội. Tại đây có một ngôi Thánh Đường được bao bọc bởi cây xanh với khuôn viên rộng lớn. Phía ngoài sân, Hội Thánh dựng các rạp che để làm nơi nhóm phụ cho buổi lễ. Toàn bộ chỗ ngồi đều được lấp đầy. Những giai điệu, âm nhạc đặc trưng của vùng cao vang lên trong buổi lễ, bày tỏ niềm vui mừng và sự ấm áp trong tình yêu của Chúa. Không phân biệt nam, nữ, già, trẻ… ai nấy bắt tay nhau một cách thân thiện, gần gũi.

Được biết Hội Thánh Tằng Hắt, xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, trước đây chỉ có một số ít người tin Chúa, nhóm lại trong căn nhà bốn bề là tre nứa, ở trên lợp lá. Số tín hữu tăng dần nhờ công tác chứng đạo cá nhân, ngôi nhà tre nứa đã cũ kỹ nên Hội Thánh đã xây sửa lại bằng ngôi nhà tiền chế. Đến nay, ngôi nhà tiền chế lại được xây dựng lại thành nhà tường gạch khang trang hơn, có đầy đủ trang thiết bị để con dân Chúa thờ phượng Ngài. Điều tôi nhìn thấy thiếu đó là Hội Thánh chưa có tư thất cho Quản nhiệm và các phòng học Kinh Thánh. Xin Chúa sớm cho có đầy đủ hơn về cơ sở vật chất!

Từ khi Tin Lành truyền đến đây, đồng bào được khai sáng; các tệ nạn, hủ tục, mê tín dị đoan được đẩy lùi; cuộc sống người dân trở nên văn minh, tiến bộ nhờ Lời Chúa. Con cái họ được đến trường học và cuộc sống vật chất của con dân Chúa được cải thiện khi họ biết cảm tạ Chúa, vâng theo Lời Ngài, siêng năng làm việc.

Tham dự buổi lễ ra mắt Hội Thánh, điều làm tôi ấn tượng nhất là số lượng thành viên tham gia vào Ban hát lên đến cả 100 người lớn nhỏ. Ban Thanh niên cũng đông như một Hội Thánh tại vùng xuôi. Được biết trong khu vực hiện còn khoảng hơn 100 hộ chưa tin Chúa. Con dân Chúa tại đây ước ao Chúa tiếp tục cứu những người ấy vào Hội Thánh.

Để loan truyền đạo Chúa, không cách nào hiệu quả hơn cho bằng những người tin Chúa phải thật sự tin và hiểu Đấng mình đang tin và thờ phượng; phải từ bỏ con người cũ với những việc làm cũ, lối sống cũ; phải biết bày tỏ ánh sáng của đạo qua nếp sống mình, luôn làm chứng về Chúa, mỗi đời sống phải là bài giảng sống cho Chúa.

Chứng kiến công việc Chúa tại Bình Phước, tôi đã thấy lời phán của Chúa thật sự được ứng nghiệm. Chúa đã trói thì không ai mở được, mà Chúa đã mở thì không ai đóng được! Chúng ta đang ở trong thời kỳ sau rốt, ngày Chúa trở lại đã gần rồi, phải tỉnh thức và nhận biết rằng “đây là thì thuận tiện và đây là kỳ cứu rỗi”, vì nếu thả trôi, nếu chậm trễ thì sẽ không còn cơ hội. Cảm tạ Chúa vì Đạo của Đức Chúa Trời không bị trói bao giờ!



Đầy tớ gái,
Reply
#25
Giúp Con Đến Với Chúa

Lu-ca 18:15-17

“Nhưng Đức Chúa Giê-xu gọi họ mà phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy” (câu 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Các môn đồ can ngăn người ta làm gì? Chúa Giê-xu trách họ với lời khẳng định nào? Bạn đang ngăn con trẻ đến cùng Chúa trong những trường hợp nào? Bạn giúp con bạn đến với Chúa như thế nào?

Theo thông lệ Do Thái, các bà mẹ thường đem con nhỏ của mình đến với một ra-bi để họ chúc phước cho con. Vì thế, trong phân đoạn Kinh Thánh này, “Người ta cũng đem các trẻ em đến với Đức Chúa Giê-xu để Ngài chạm đến chúng” (câu 15a BTTHĐ). Nhưng các môn đệ của Chúa đã ngăn cản do họ sợ mấy em nhỏ sẽ quấy rầy Chúa. Có lẽ các môn đệ nghĩ rằng Chúa cần làm những việc quan trọng như giảng dạy, chữa bệnh, đuổi quỷ,… hơn là chúc phước cho trẻ con.

Nhiều lần Kinh Thánh cho thấy cái nhìn của các môn đệ khác hẳn với cái nhìn của Chúa, như việc họ ngăn cản người đàn bà Ca-na-an cầu xin Chúa chữa bệnh cho con gái (Ma-thi-ơ 15:23); họ xin cho Chúa đoàn dân đi về tự tìm thức ăn (Ma-thi-ơ 14:15)… Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã gọi họ lại và dạy rằng Ngài muốn con trẻ đến cùng Ngài vì Vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ; ai không tiếp nhận Vương quốc Ngài như một đứa trẻ sẽ không được vào đó (câu 16-17). Chúa quở trách các môn đệ khi họ ngăn cản con trẻ đến với Ngài vì Ngài yêu trẻ em và luôn mở rộng vòng tay chào đón các em.

Ngày nay, thật đáng buồn khi nhiều bậc phụ huynh lại không quan tâm đến việc giúp con mình đến với Chúa Giê-xu. Họ bận rộn chạy lo cho con mình ăn, học, vui chơi bằng nhiều cách. Họ đưa con mình đi xem và gặp nhiều người nổi tiếng, ủng hộ chúng theo đuổi “thần tượng” của chúng, nhưng lại thờ ơ trong việc đưa con mình đến gặp gỡ Chúa Giê-xu. Họ có thể dẫn con mình đi chơi nhiều nơi, thậm chí đi trong ngày Chúa nhật, nhưng lại không khuyến khích chúng tham gia những buổi sinh hoạt, học Kinh Thánh, hay các kỳ trại của Thanh Thiếu Niên Tin Lành. Nhiều cha mẹ cũng cố gắng làm việc để có tiền bạc dành cho con, nhưng họ lại quên di sản quý giá nhất họ cần để lại cho con chính là đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Một số phụ huynh cũng cố “giữ lễ” mỗi tuần chở con đến nhà thờ để an tâm là con có “đi nhà thờ”, nhưng lại không bao giờ tìm hiểu con mình có biết Chúa và gặp Chúa chưa? Họ chỉ dắt con đến nhà thờ mà không đưa con đến gặp Chúa thật sự. Đây là điều nhắc nhở mỗi phụ huynh trong trách nhiệm giúp con mình đến với Chúa, gặp Chúa cách cá nhân, tiếp nhận Ngài làm chủ cuộc đời chúng và có mối tương giao với Ngài. Chúa Giê-xu đang giang rộng vòng tay chờ chúng ta đem con mình đến với Ngài!

Bạn có dành thời gian giúp con mình đến với Chúa Giê-xu không? Con bạn đã tiếp nhận Chúa cách cá nhân chưa?

Lạy Chúa, xin tha thứ cho con khi con chưa tập trung vào việc giúp con cháu đến với Ngài. Xin nhắc con nhớ rằng Chúa yêu con trẻ và muốn con đem chúng đến với Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 7.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#26
Mẹ Và Con

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7

“Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy.”

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã dùng hình ảnh nào để mô tả thái độ của ông và các đồng lao trong việc chăm sóc các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca? Chúng ta nhận ra những đặc tính nào của người mẹ trong việc nuôi dạy con cái? Bạn cần điều chỉnh gì trong việc chăm sóc con cái mình?

Đối diện với những khó khăn trong chức vụ tại Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca, Sứ đồ Phao-lô và những cộng sự vẫn tiếp tục dạn dĩ rao truyền Phúc Âm. Trong chương 2, Sứ đồ Phao-lô đã bênh vực cho chức vụ của mình và các đồng lao, và trong câu 7, ông đã dùng hình ảnh của một bà vú nuôi dạy con mình, để nêu lên sự tương phản với tinh thần hầu việc Chúa sai trật.

Bà vú hay người mẹ được nổi bật bởi đức tính “nhu mì”. Từ ngữ này có nghĩa là cư xử tử tế với một người nào đó. Chính đặc tính này làm nảy sinh ra những đặc tính khác như sự chấp nhận, tôn trọng, cảm thông, kiên nhẫn, và mềm mại. Người mẹ cần phải chăm sóc con trong sự nhu mì và tử tế. Nhiều người mẹ ngày nay cư xử với con cách thô bạo, xâm phạm quyền tự do cá nhân cơ bản của con, nóng nảy khi con phạm lỗi, làm tổn thương lòng tự trọng của con cái bằng lời nói v.v… Tất cả những điều này có thể để lại những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài trên phần đời còn lại của con trẻ. Những người mẹ này thường cho rằng tất cả những gì mình làm là vì yêu con, vì muốn con nên người, nhưng Lời Chúa dạy tình yêu phải được thể hiện trong sự nhu mì, tử tế.

Đặc tính thứ hai của người mẹ chính là “săn sóc chính con mình cách dịu dàng”. Cụm từ này trong nguyên nghĩa là “sưởi ấm bằng hơi nóng của thân thể.” Đây là hình ảnh của một người mẹ ôm đứa con đang run rẩy vì lạnh cóng vào trong lòng mình và sưởi ấm cho con bằng hơi ấm của thân thể lẫn tình yêu mà bà dành cho con. Như một người hầu việc Chúa cần phải nhận biết nhu cầu của bầy chiên và đáp ứng nhu cầu đó một cách thích hợp bằng tất cả tình yêu, thì người mẹ cũng cần phải chăm sóc con mình trong tinh thần đó. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành vô cùng khó khăn trong xã hội bận rộn ngày nay. Để nhận biết nhu cầu của con, đòi hỏi người mẹ phải dành nhiều thời gian cho con, quên mình, và nhất là phải đặt chính mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của con.

Nếu Sứ đồ Phao-lô cùng các cộng sự đã để lại một ảnh hưởng to lớn trên các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca qua cách chăm sóc trong tinh thần tử tế, quan tâm, và đầy yêu thương, thì chắc rằng khi con trẻ được chăm sóc bằng tinh thần đó cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc khi chúng lớn lên, chúng cũng dễ dàng cư xử như vậy với những người chung quanh.

Bạn có nuôi dạy con bằng sự nhu mì, dịu dàng trong tình yêu thương không?

Lạy Chúa, xin cho con có tâm tình của một người mẹ yêu con hết lòng, thấu hiểu nhu cầu của con và đáp ứng những nhu cầu đó cách khôn ngoan trong yêu thương.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 8.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#27
Cha Và Con

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-12

“Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, khuyên lơn, yên ủi, và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài” (câu 11-12).

Câu hỏi suy ngẫm: Ngoài hình ảnh người vú, Sứ đồ Phao-lô còn dùng hình ảnh nào để mô tả cho việc chăm sóc các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca? Chúng ta nhận ra những đặc tính và trách nhiệm nào của người cha trong việc nuôi dạy con cái? Đâu là những điều bạn cần bổ sung cho việc chăm sóc con cái mình?

Ngoài hình ảnh người vú hay người mẹ trong câu 7, Sứ đồ Phao-lô dùng thêm hình ảnh người cha trong câu 10-12 để đưa ra những đặc tính và trách nhiệm khác. Cũng như người hầu việc Chúa, người cha có trách nhiệm phải sống gương mẫu, để không những được “anh em làm chứng” mà chính “Đức Chúa Trời cũng làm chứng” nữa (câu 10a). Nghĩa là người cha trước hết phải sống ngay thẳng trước mặt người khác và trước mặt Đức Chúa Trời.

Có ba điều người cha phải làm gương cho con, đó là “thánh sạch, công bình, không chỗ trách được” (câu 10b). “Thánh sạch” nghĩa là “cư xử thánh thiện, trong sạch,” nhấn mạnh đến cách sống trước mặt Chúa. “Công bình” hay “ngay thẳng” là đối xử công bằng theo luật thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Và cuối cùng, “không chỗ trách được” nói đến tiếng tốt trước người khác. Nói chung, trong bất cứ lĩnh vực nào, người cha cũng cần phải sống cuộc đời gương mẫu cho con cái noi theo. Một người cha như vậy tỏ cho con mình thấy ông không chỉ nghiêm khắc với con nhưng cũng nghiêm khắc với chính mình khi cẩn trọng tuân theo những kỷ luật cho đời sống tâm linh.

Người cha không chỉ là gương mẫu nhưng cũng là người khích lệ con cái mình (câu 11), “khuyên lơn” con cái. “Khuyên lơn” trong nghĩa đen là “kêu gọi về một phía”, có nghĩa là thúc giục, khuyên nhủ. Từ ngữ này cho thấy trách nhiệm của người cha trong việc đến bên cạnh con cái với mục đích giúp đỡ, chỉ đạo, và hướng dẫn một cách khôn ngoan. Bên cạnh đó, người cha cũng phải “yên ủi” hay khích lệ con cái. Vì con cái luôn có những sai lầm hay thiếu sót, người cha không chỉ biết kỷ luật, sửa dạy con cái nhưng cũng cần có tấm lòng yêu thương, cảm thông, đỡ nâng khi con cái mình vấp ngã. Sau cùng, người cha cũng phải biết “nài xin”. Từ ngữ này trong nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp thường được dịch là “chứng thực hay chứng kiến”. Tại đây, Sứ đồ Phao-lô cảnh báo các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca cần cẩn trọng trong đức tin và cách sống đạo, tránh xa những sai trật, cũng là lời khiển trách những tín hữu không vâng lời Chúa. Tương tự như vậy, người cha cần phải khuyên nài và cảnh báo con cái để chúng “ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời” (câu 12).

Bạn có phải là người cha gương mẫu, luôn quan tâm giúp đỡ và khích lệ con cái mình sống đẹp lòng Chúa không?

Lạy Chúa, xin cho con sống ngay thẳng và đẹp lòng Chúa, để con trở nên gương mẫu và có thể làm gương cho con cái mình cũng như các thế hệ con cháu noi theo, và giúp cho con cái con sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 9.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#28
Đức Chúa Trời Cứu Giúp

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10

“Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Cuộc đời của ông Môi-se đã bắt đầu ra sao? Chương trình cứu giúp của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài như thế nào? Bạn thường làm gì để bảo vệ con cái của mình? Câu chuyện này dạy dỗ bạn điều gì?

Câu chuyện Đức Chúa Trời dùng ông Môi-se giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi nô lệ tại Ai Cập đã bắt đầu từ trước khi ông sinh ra. Gia đình ông Gia-cốp đã định cư ở Ai Cập. Pha-ra-ôn cho họ vùng đất tốt nhất và họ trở nên thịnh vượng. Sau khi ông Gia-cốp và các con ông qua đời, dòng dõi họ tiếp tục sinh sôi nảy nở. Pha-ra-ôn kế vị thấy dân Chúa phát triển nhanh chóng thì lo sợ nên ban hành chiếu chỉ giết hết mọi bé trai người Hê-bơ-rơ mới sinh ra.

Trong hoàn cảnh đen tối đó, Đức Chúa Trời đã dùng công chúa Pha-ra-ôn phát hiện một đứa bé được mẹ nó giấu trong cái giỏ đặt trong bụi sậy ở bờ sông. Nhìn đứa bé khôi ngô, kháu khỉnh, công chúa động lòng thương, thuê người nuôi nó trước khi đem vào hoàng cung làm con nuôi và đặt tên là Môi-se. Công chúa không ngờ người mình thuê nuôi đứa bé chính là mẹ của cháu. Đức Chúa Trời đã có chương trình cứu giúp, nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ đó trở nên người lãnh đạo tuyển dân của Ngài sau này. Cuộc đời của ông Môi-se là một câu chuyện đầy kịch tính, qua đó chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, và mọi sự đã bắt đầu từ việc một bà mẹ bảo vệ con mình bằng cách đem giấu nó trong bụi sậy bên bờ sông.

Mẹ của ông Môi-se là người mẹ can đảm, bà yêu thương và làm tất cả những gì có thể làm để cứu con. Nhưng cuối cùng bà phó thác con vào tay Đức Chúa Trời. Giống như mẹ của ông Môi-se, chúng ta làm đủ mọi cách để bảo vệ con cái mình thoát khỏi những hiểm nguy cho sự sống và đức tin của chúng. Chúng ta phải biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài bảo vệ và có chương trình cho cuộc đời của con cái chúng ta.

Việc em bé Môi-se đáng ra đã chết, nhưng được Công chúa Pha-ra-ôn cứu đem về làm con nuôi, không phải là chuyện tình cờ. Mọi việc xảy ra hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Chúa. Khi chúng ta đối mặt với những khó khăn trong việc bảo vệ và nuôi dạy con cái, hãy nhớ chính Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ và dạy dỗ chúng. Chúa bảo vệ con cái chúng ta, mặc dầu có những tình cảnh chúng ta nghĩ là tuyệt vọng, hãy nhớ Ngài đã có kế hoạch cho chúng từ trước rồi. Ngài hiệp lại mọi việc để đem lại ích lợi cho những người yêu mến Ngài, được kêu gọi cho mục đích của Ngài (Rô-ma 8:28).

Bạn có tin quyết rằng Đức Chúa Trời có chương trình cho con cái bạn từ trước không?

Lạy Chúa, xin Ngài giúp con làm những việc con có thể làm để bảo vệ sự sống thuộc linh của con cái con khi chúng còn tấm bé, nhưng trên hết, xin cho con nhận biết và tin cậy Ngài là Đấng bảo vệ, cứu chuộc, và có chương trình cho đời sống của chúng.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Áp-đia.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#29
Khởi Đầu Của Mọi Tri Thức

Châm Ngôn 1:1-7

“Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức; Còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy” (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Hiểu biết sự khôn ngoan đem lại những ích lợi gì? Vì sao sự kính sợ Chúa là điều quan trọng? Câu chuyện người giàu dại dột Chúa kể trong Lu-ca 12:16-21 dạy chúng ta điều gì? Bạn tìm cầu sự khôn ngoan với mục đích gì?

Sách Châm Ngôn được các học giả gọi là “văn chương khôn ngoan” của Cựu Ước. Sách này giúp chúng ta học và áp dụng sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời. Vua Sa-lô-môn, trước giả của sách là người có sự khôn ngoan vượt trên hết thảy những người sống trên thế gian xưa nay. Tuy nhiên sự khôn ngoan ông có, không phải do ông khổ công học tập và rèn luyện nhưng do Đức Chúa Trời ban cho (I Các Vua 3:5-15). Chúa ban sự khôn ngoan cho Vua Sa-lô-môn khi ông sống kính sợ Chúa và bước đi theo tiêu chuẩn ngay thẳng của Ngài, nên ông đã viết, “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức.”

Vua Sa-lô-môn đã dạy những châm ngôn này với mục đích giúp con người hiểu biết sự khôn ngoan và lời khuyên dạy, để qua đó con người hiểu rõ những lời thông sáng, nhận lãnh điều dạy dỗ theo sự khôn ngoan, để sống ngay thẳng, công minh và chính trực (câu 3). Giúp cho người đơn sơ trở nên khôn ngoan, người trẻ thêm tri thức và thận trọng (câu 4). Người khôn sẽ nghe và tăng thêm kiến thức, người thông sáng sẽ thêm lời hướng dẫn (câu 5). Để giúp con người hiểu biết châm ngôn, ví dụ và lời khôn ngoan, cùng những ẩn dụ (câu 6). Tất cả những điều dạy dỗ này giúp cho con dân Chúa sống theo tiêu chuẩn của Chúa và làm sáng Danh Ngài. Khi con người sống kính sợ Chúa thì đó là khởi đầu để được Chúa ban cho sự khôn ngoan và hướng đến sự sống đời đời.

Ngược lại với người sống khôn ngoan, là người ngu muội, “khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy”. Trong Phúc Âm Lu-ca 12:16-21, Chúa Giê-xu kể về một người giàu dại dột. Ông ta có nhiều thóc lúa và của cải đến nỗi phải xây dựng những kho chứa lớn hơn. Ông nghĩ rằng khi có nhiều của, thì linh hồn ông sẽ nghỉ ngơi và vui hưởng những điều đó. Nhưng Chúa phán cùng ông rằng: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn người sẽ bị đòi lại; vậy những của cải người đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (câu 20). Nhiều người ngày nay có học thức cao, thông minh, nổi tiếng và giàu có, nhưng họ không có đủ khôn ngoan để áp dụng kiến thức đó giúp họ sống thỏa lòng, có được hạnh phúc cho mình và cho gia đình. Hơn thế nữa, họ đã cố gắng lao nhọc cả đời chỉ để xây dựng những giá trị tạm bợ trên đất, mà không quan tâm đến phải chuẩn bị những gì cho cõi đời đời.

Khi bạn không kính sợ Chúa, dù có cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì chăng? Bạn lấy chi mà đổi linh hồn mình lại? (Ma-thi-ơ 16:26).

Kính lạy Đức Giê-hô-va, xin Chúa tha tội cho con vì đã bao lần con ham mê những của cải, danh vọng đời này mà sao nhãng việc tìm cầu ý Chúa. Xin Chúa cho cuộc đời con được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan thiên thượng.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 76-77.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#30
Đức Chúa Trời Nhìn Thấy

Sáng Thế Ký 16:1-15

“Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Bà A-ga bỏ nhà trốn đi trong tình cảnh nào? Thiên sứ Đức Chúa Trời hiện đến với bà A-ga trong đồng vắng để làm gì? Câu chuyện này bày tỏ điều gì về Đức Chúa Trời đối với thai nhi trong lòng bà A-ga, một nữ nô lệ đau khổ?

Khi thấy ông Áp-ra-ham đã già mà vẫn không có con, bà Sa-rai quyết định đưa người nữ nô lệ của bà đến với chồng để làm hầu thiếp. Bà Sa-rai hy vọng chồng nhờ nàng A-ga để có con nối dõi; nhưng khi có thai, bà A-ga lại xem thường bà Sa-rai, khiến bà tức giận, hành hạ nàng đến nỗi bà A-ga phải bỏ nhà trốn vào hoang mạc khi đang mang thai con của ông Áp-ra-ham. Khi bà A-ga than khóc trong hoang mạc, Đức Chúa Trời đã đến với bà, an ủi và bảo bà hãy trở về, vâng phục bà Sa-rai. Ngài hứa sẽ làm cho dòng dõi con trai trong lòng bà sẽ trở nên đông đúc và hùng mạnh. Ngài bảo bà hãy đặt tên con trai đó là Ích-ma-ên (có nghĩa là ‘Đức Chúa Trời nghe’) vì Đức Chúa Trời có nghe tiếng kêu than của bà (câu 11). Thiên sứ Đức Chúa Trời hỏi, “Hỡi A-ga, đòi của của Sa-rai, ngươi ở đâu đến, và sẽ đi đâu?” (câu 8a). Cách Đức Chúa Trời đến với người nữ nô lệ bị áp bức trong hoàn cảnh đau khổ và tuyệt vọng này cho bà A-ga thấy được sự quan tâm và tình thương của Đức Chúa Trời đối với bà.

Bà A-ga gọi Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời đoái xem” (câu 13) vì chính trong hoàn cảnh đau khổ của bà, Đức Chúa Trời nhìn thấy bà, và Ngài đã đến để nâng đỡ và hướng dẫn. Vị Thiên sứ phán với bà A-ga, báo trước về tương lai của cậu bé Ích-ma-ên không phải là một thiên sứ bình thường. Bà A-ga nhận biết và gọi Đấng đã phán cùng bà là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì bà nói rằng: “Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng nhìn thấy (đoái xem) tôi sao?” (câu 13).

Đức Chúa Trời nhìn thấy đứa trẻ khi còn ở trong lòng bà A-ga, Ngài quan tâm và ban cho đứa trẻ bị ruồng bỏ này một tương lai. Ngài bảo hãy đặt tên cho nó là Ích-ma-ên, và báo trước nó sẽ trở nên một người mạnh mẽ với một dòng dõi đông đúc không thể đếm được. Cha mẹ trong hoàn cảnh đau khổ, tuyệt vọng không thể không lo nghĩ về tương lai đứa con chưa sinh ra của mình, câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời yêu thương và ban cho chúng một tương lai đầy hy vọng. “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, Thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi” (Thi Thiên 27:10). Điều này an ủi và khích lệ cho những bà mẹ và đứa con gặp nghịch cảnh!

Bạn có kinh nghiệm nào được Chúa nhìn thấy trong tình cảnh bị bỏ rơi hay đau khổ, bế tắc? Bài học hôm nay cũng như kinh nghiệm của bạn củng cố đức tin bạn như thế nào?

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì Ngài là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót, con tin Ngài nhìn thấy mọi hoàn cảnh của đời sống con, và Ngài sẽ đến nâng đỡ, khích lệ và chỉ dẫn con con đường phải đi.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 78.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply