Nhân chi sơ tính bản thiện
#1
Trích: Trà Đạo Bửu Long 24/03/2019
HT. Viên Minh


a/ Hỏi: Thưa Thầy, trong "Nhân chi sơ tính bản thiện" của Mạnh Tử, chữ Thiện ở đây có phải là lương thiện hay còn có nghĩa khác?

- Chữ THIỆN trong “tính bản thiện” không phải là khái niệm thiện ác tương đối trong tục đế mà là tính hoàn hảo trong chân đế. Chữ SƠ trong “nhân chi sơ” cũng không có nghĩa là trẻ sơ sinh, mà là bản nguyên của con người. Không phải chỉ người mà bất cứ gì "sơ" như nó vốn là chưa qua tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là… cũng đều hoàn hảo.

Nói cách khác, bản nguyên của các pháp đều hoàn hảo. Thí dụ như cái hoa này là như vậy, nó hoàn hảo trong chính nó, còn như nói hoa này xấu hay đẹp, to quá hay nhỏ quá v.v... là ý niệm mỗi người xen vào. Bất kỳ pháp nào đúng như bản chất tự nhiên của nó đều là pháp thực tướng, thực tánh. Còn cái gì qua tưởng là, cho là, phải là, sẽ là… đều không còn “chi sơ” nữa. Tất cả cái "chi sơ" như đá chi sơ, nước chi sơ... đều là thực tánh bản nguyên hoàn hảo của chính nó, là chân đế.

Khi đặt thêm cho nó khái niệm này khái niệm nọ là đã trở thành pháp chế định, tục đế. Con người thường muốn mọi sự mọi vật “hoàn hảo” theo tư kiến, tư dục của mình nên biến chúng trở nên bất toàn. Ví dụ trái mít lúc non, lúc già, lúc chín thì lúc nào là hoàn hảo? Người thích ăn mít chín thì cho lúc chín là hoàn hảo, người muốn mít non để nấu canh thì cho lúc non là hoàn hảo. Nhưng thực ra mọi khoảnh khắc của trái mít đều hoàn hảo với thời-vị-tính của chính nó.


b/ Hỏi: Thưa Thầy còn câu “Nhân chi sơ tính bản ác” của Chu Tử hiểu như thế nào ạ?

- Do hiểu lầm chữ sơ và chữ thiện trong “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử như đã nói trên, nên Chu Tử mới phản biện thành “nhân chi sơ tính bản ác”. Mạnh Tử nói theo sự thật rốt ráo (chân đế) còn Chu Tử lại hiểu theo sự thật tương đối (tục đế). Trong chân đế mọi sự vật đúng với thời gian, không gian và tính chất “gốc” (thời-vị-tính) của nó nên luôn hoàn hảo trong chính nó. Trong khi Chu Tử nói theo sự thật tương đối (tục đế) nên phân biệt thiện với ác của đứa bé sơ sinh. 

Ví dụ trong chân đế "tâm sân" và "tâm từ" Mạnh Tử đều chỉ thấy đúng với thời-vị-tính như nó đang là, còn Chu Tử thì lại phân biệt thiện-ác, đúng- sai theo khái niệm chế định. Mặc dù sống trong tục đế nhưng quan trọng là thấy được thực tánh. Ví dụ tâm sân hay tâm từ đều thấy thực tánh gốc "chi sơ" là thấy thực tánh. Cho nên có câu "nghiên cơ ư tâm ý, sơ động chi thời", muốn biết thực sự tâm mình là gì thì phải thấy ra khi tâm mới động lên hoặc chỗ từ đó tâm khởi động. Thấy tâm "sơ động chi thời" có hai nghĩa, một là thấy được tâm lúc mới động lên và hai là thấy được cả tâm lúc chưa động lên. Ví dụ tâm rỗng lặng trong sáng thì thấy rỗng lặng trong sáng, tâm khởi sân thì thấy khởi lên tâm sân. Lão Tử gọi đó là “căn” nơi động lên rồi trở về của tâm: “Các phục quy kỳ căn”. Đó chính là“tự tánh bản nguyên" của tâm mỗi người.

Thời Bách gia chư tử bên Trung Quốc có hàng trăm tư tưởng tranh luận với nhau, người nói "hữu" người nói "vô", người nói "thiện" người nói "bất thiện" v.v... Thí dụ thuyết kiêm ái và thuyết vị kỷ cái nào đúng? Mặc Tử nói nếu được mài từ đầu đến chân mà lợi ích cho thiên hạ thì ông sẵn sàng để cho mài. Còn Dương Tử nói dù nhổ một sợi lông mà lợi cho thiên hạ thì cũng không nhổ, người ta cho ông này là ích kỷ, vị ngã. Xét cho cùng, kiêm ái chưa hẳn đã tốt, vị kỷ chưa hẳn đã xấu. Nếu mỗi người phải tự học bài học của mình trong cuộc đời, thì kiêm ái lắm khi làm cho người ta sống ỷ lại và mất đi khả năng tiến hoá. Nếu mỗi người biết lo tự toàn chính mình thì xã hội tự nhiên ổn định và tốt đẹp hơn. Cho nên vị kỷ hay vị tha đều có mặt tốt mặt xấu của nó. Người trí biết khi nào nên vị kỷ lúc nào nên vị tha, không bao giờ chủ trương một chiều cố định. Đó là lý do vì sao trong Kinh Mật Hoàn đức Phật nói Ngài không tranh luận, dù thời bấy giờ các Đạo Sư Ấn Độ thường luận biện như “chẻ sợi tóc làm tư”.

http://coinguonhanhphuc.blogspot.com/201....html#more
Reply