NGHIỆP
#1
NGHIỆP

Nội dung kinh này: Toàn bộ sự sống của chúng sinh và tất cả vũ trụ chỉ nằm trong lý nhân quả. Tôi từng nói, chúng ta có thể phân tích thế giới này (gồm chúng sinh, cây cối, đất đá, sông hồ, rừng biển, các tinh tú, các dải ngân hà, các thái dương hệ… trong vô lượng vũ trụ) ra làm 5 như 5 uẩn hoặc 12 xứ hoặc 18 giới; nhưng trong trường hợp nói gọn lại thì tất cả hữu vi chỉ là sự cộng hưởng của nhân và quả. 

Nếu bỏ đi tất cả những gì mình có thể thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai, ngửi được bằng mũi, nếm được bằng lưỡi, chạm được bằng thân (xúc giác), suy nghĩ bằng ý thức; nếu bỏ đi hết 6 căn và 6 trần thì vũ trụ này không còn gì nữa hết. Ví dụ: cái bàn, cái ghế, cái laptop quí vị đang sử dụng, nó vừa là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp. Xa hơn một chút là toàn bộ ngôi nhà, làng, xã, ấp, khu, khóm, phường, quận, tỉnh thành, cả đất nước VN đều nằm trong 6 căn và 6 trần. Đời sống của bản thân mình cũng chỉ là sự cộng hưởng của 6 căn, và 6 căn chỉ được gọi là 6 căn khi có 6 trần. 

Được gọi là mắt bởi có cái để nhìn, được gọi là thính giác bởi vì có cái để nghe, được gọi là khứu giác bởi vì có cái để ngửi, được gọi là vị giác bởi có cái để nếm, gọi là xúc giác bởi vì có cái có thể sờ chạm được, được gọi là ý thức bởi có cái để mình suy nghĩ. Sáu căn này (mắt tai mũi lưỡi thân ý - ý ở đây chỉ cho các tâm hữu phần hoặc các tâm khách quan) chỉ trừ ra tâm thiện ác là nhân hiện tại còn lại đều là quả của nhân thiện ác quá khứ. 

Nhân thiện ác hiện tại có được là do thói quen tiền kiếp, điều kiện hiện tại (một phần lớn cũng do tiền nghiệp tác động). Đại khái gồm có 4 điều kiện để thiện ác có mặt: (1) Môi trường sống (2) Người mình gặp gỡ. (3) Khả năng suy tư. (4) Lối sống. Bốn yếu tố này là điều kiện căn bản tối thiểu để có thiện ác. Ngoài thiện ác ra thì tất cả những gì chúng ta thấy đều là quả của quá khứ. Ví dụ, mắt, tai của mình đều do quả của quá khứ, hồi đó mình từng thích cảnh sắc, nên giờ mình mới có con mắt; mình từng thích cảnh thinh nên giờ mới có lỗ tai. Do thích năm trần mới có ngũ căn. Riêng ngũ căn đời này biết được cái gì như ý hay bất toại thì lại do các nghiệp thiện ác tiền kiếp.

Do đời trước mình có dục ái thích thú năm trần nên đời này mình có ngũ căn, nhưng khổ một chỗ thế này, thằng Tèo kiếp trước cũng thích năm trần nên đời này mới có ngũ căn, nhưng đời trước nó không có tu tạo công đức, nên bây giờ khi sanh ra, phần lớn trong cuộc đời của thằng Tèo, con mắt nó phải thấy những cái nó không thích, lỗ tai nó phải nghe những cái nó không thích… Thằng Tí đời trước cũng thích năm trần, do có dục ái nên tái sanh lại cảnh dục và có ngũ căn, tuy nhiên nó có công đức bố thí, trì giới, phục vụ, cung kính, nghe pháp v.v..., nên đời này nó có năm căn vật chất như thằng Tèo nhưng mắt tai mũi lưỡi của nó thường xuyên được tiếp xúc với những thứ nó thích. Khi mình ở xứ văn minh thì trong một ngày con mắt mình thường thấy những cái làm cho mình dễ chịu. 


Cách đây một giờ đồng hồ, có người quen chở tôi lên một phố núi. Tôi nhắc họ là chiều nay tôi giảng nên làm ơn chạy nhanh nhanh chút. Phố núi đó đẹp không cách chi mà tưởng tượng được, hoàn toàn không thể nào tìm thấy ở xứ nhiệt đới vì đó là cả một ngọn đồi tuyết. Vào mùa xuân thì nó là biển cỏ xanh, giống y như câu “cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa” của cụ Nguyễn Du, còn mùa đông về thì như một biển tuyết trắng xóa và xa xa là những ngôi nhà gỗ kiểu chalet của Tây Âu rất là đẹp. Rồi thì những cây táo cây lê đã trụi lá nhưng hình dáng của chúng giống y như những chậu bonsai. Màu đen của thân cây, của cành nhánh in vào nền trắng của tuyết tạo ra một hình ảnh mà nhìn không cách chi cưỡng lại được. Nhìn xuống con đường làng, nhìn qua những dòng nước chảy, không có lấy một bịch nylon, một tờ giấy, một lon nước, một cọng rác, một cùi bắp, một vỏ chuối vương vãi. Tất cả tinh tươm chỉn chu, sạch đẹp vệ sinh ở mức hoàn hảo không thể sạch đẹp hơn nữa. 

Trong khi đó có những nơi chốn, người ta phải sống trong điều kiện nhiệt độ rất nóng, rồi thì đường mương ống cống ngập rác rưởi, xác thú chết; thức ăn thừa mứa quăng ném tùm lum, tiếng con nít đá banh trên sân, tiếng còi xe ồn ào… Có những nơi chốn mà 6 căn của mình thường xuyên tiếp xúc với những thứ như ý, trong khi đó có những chỗ mà người ta cũng có ngũ căn như mình nhưng phải tiếp xúc với những cái bất toại. 

Năm căn vật chất thường xuyên bất toại thì căn thứ 6 - ý căn - khó mà an lạc, lắng đọng, khó mà có được sự an tĩnh lắm. Vì vậy trong bài kinh này Đức Phật dạy: Hãy nhớ rằng tấm thân của con là do tiền nghiệp mà có, tiền nghiệp đời trước tạo ra sự hiện hữu đời sau của con. Con sống như thế nào ngày hôm nay thì ngày mai này con sẽ đi về cảnh giới tương ứng như vậy. Sáu căn của đời trước là do nghiệp cũ mà có. 

Ngay đời này phải dùng 6 căn đó (vốn là quả) đó để trang nghiêm tam nghiệp, nhờ vậy, nếu không chứng thánh thì kiếp sau cũng luân hồi với một hình hài ok trong một môi trường sống ok và hai thứ đó sẽ là điều kiện tốt cho ta tiếp tục có được tam nghiệp ok. Hình hài ok là không tật nguyền điên khùng, mặt mũi sáng láng dễ coi. Môi trường sống ok tức là có thầy tốt, bạn tốt, điều kiện giáo dục tốt, điều kiện y tế tốt, điều kiện đi lại tốt, điều kiện truyền thông tốt, với những điều kiện đó ta tiếp tục tu tập tam nghiệp cũng ok hơn. Cứ tưởng tượng cứ phải giật gấu vá vai, tần tảo một nắng hai sương, làm buổi sáng ăn buổi trưa, làm buổi trưa ăn buổi chiều, cái đầu đâu còn rảnh nữa để trang nghiêm tam nghiệp. 

Trong hình hài (là quả của tiền nghiệp) này ta phải có được tam nghiệp thanh tịnh. Dùng 6 căn làm chỗ để trau dồi tam nghiệp. Tam nghiệp ok là sự sử dụng thông minh 6 căn. Sáu căn đời này là quả của tiền nghiệp quá khứ. Dùng quả để trau dồi nhân, khi chứng La-hán thì dứt tuyệt nhân quả, không còn sinh tử nữa.

Sử dụng thông minh 6 căn có hai cách:
(1) Không dùng 6 căn để gây nghiệp xấu.
(2) Khi tiếp xúc 6 trần thì có thái độ tâm lý hướng thượng.

Không dùng 6 căn để gây nghiệp xấu:Nhìn người ta để có tâm tham tâm sân là bậy, nghe mùi để có tâm tham tâm sân là bậy. Mình là người Phật tử, chỗ quán bar, quán nhậu, nhảy đầm, chỗ bài bạc trác táng mình không có tới vì mình không muốn 6 căn của mình tiếp xúc những cái tào lao đó.


Khi tiếp xúc 6 trần thì có thái độ tâm lý hướng thượng: Gặp chùa, gặp tháp, gặp tăng ni, gặp hành giả, gặp Phật tử thì mình hoan hỉ. Nếu gặp cảnh hôi hám, đâm chém, máu me thì tâm mình tiếp tục tu tập theo một hướng khác chứ không phải là sân si và chỉ tu khi gặp chùa miểu tăng ni.


Không hướng đến cảnh xấu, nếu như gặp cảnh xấu thì cũng có thái độ tâm lý tích cực và hướng thượng. Trong trường hợp đó được gọi là sử dụng một cách thông minh 6 căn của đời này để lìa bỏ chấm dứt vĩnh viễn 6 căn của đời sau. Nếu không được như vậy thì ít ra 6 căn đời sau cũng được tốt đẹp - tốt đẹp không phải để hưởng thụ mà là để có điều kiện tiếp tục tu tập.

Nội dung bài kinh này: Sáu căn đời này là do thiện ác đời trước mà có. Tam nghiệp đời này là cách ta sử dụng 6 căn thông minh hay ngu xuẩn. Con đường giải thoát rốt ráo phải nhắm đến sự chấm dứt 6 căn, vì 6 căn còn tồn tại thì ta còn sinh tử. Con đường dẫn đến sự chấm dứt đó chính là Bát Chánh Đạo. Sáu căn là Khổ đế; phiền não trong 6 căn là Tập đế; niết bàn (Diệt đế) là sự vắng mặt vĩnh viễn của 6 căn. Bát Chánh Đạo (Đạo đế) là con đường dẫn đến sự chấm dứt vĩnh viễn 6 căn.
Tôi biết ở đây có nhiều người nghe bài kinh này không nổi, bởi vì quí vị nghĩ tu là để có phước, có phước để về trời hoặc quay lại cảnh người để sung sướng hưởng thụ, có đâu mà tu làm chi để hướng đến sự không tái sanh, không còn có mặt trên đời này nữa. 


Đức Phật nhìn nhận thế gian này có đau khổ và có hạnh phúc, nhưng khổ cỡ nào cũng có lúc chấm dứt, thay thế bằng cái khổ khác; hạnh phúc cỡ nào thì cũng có lúc nhường chỗ cho đau khổ. Dù cho mình có sanh vào cảnh giới sung sướng cỡ nào đi nữa, hễ còn phàm thì mình còn có sự lên xuống, có sự sa đọa. Có sống sướng như ông tỷ phú trong tám chục ngàn tỷ năm, rồi khi tám chục ngàn tỷ năm đó hết thì phải sa đọa làm trùn, làm dế… Tham sân si ở đâu thì thân phận trùn dế ở đó. Khi sanh làm trùn dế mà trở lên thì mình có cùng một lúc hai cơ hội: làm thiện và làm ác, thông thường cơ hội làm ác dễ hơn làm thiện. Hễ anh còn phàm thì thường khi anh không có tu, trong khi những giây phút anh được hưởng thụ hạnh phúc sung sướng, thì hạnh phúc sung sướng đó rất là phù du mong manh, và do ảo giác mà có.

Hạnh phúc nào cũng phù du, đều do ảo giác mà có, và đều là mặt trái của đau khổ.
Phù du là lúc có lúc không, do ảo giác là vì mình còn vô minh, còn tham ái, còn tà kiến nên mới thấy cái này là ngọt, cái này là hấp dẫn, cái này là đẹp. Vị A-la-hán thì nhìn thế giới này không phải như vậy, các ngài không tiếp tục sống trong ảo giác nữa. Hạnh phúc nào cũng đều là mặt trái của đau khổ là vì phải đói ăn mới ngon, khát uống mới đã, thương nhớ da diết ai đó thì gặp mới vui. Càng nhớ dữ dội thì khi gặp mới mừng dữ dội. Tất cả hạnh phúc thế gian là “there is no any happiness, but solutions”, trên đời này chẳng có hạnh phúc nào cả, chỉ có giải pháp thôi. Khi mình gãi thấy đã ngứa mình gọi đó là thứ hạnh phúc, thật ra cái gãi đó chỉ là giải pháp cho cái ngứa. Ngồi lâu quá ê cái mông, mỏi cái lưng, mình bèn thay đổi tư thế, lúc thay đổi tư thế cảm thấy rất đã, mình đặt tên cho cái đã đó là hạnh phúc, nhưng kỳ thực nó được tạo ra từ cái đau khổ và thực sự nó chỉ là giải pháp cho cơn đau trước đó mà thôi.


Nội dung bài kinh này Ngài dạy, trong toàn bộ đời sống này, thân mạng của mình là do nghiệp đời trước tạo, nếu chúng ta tiếp tục dùng cái thân này (quả) để tạo ra cái nhân mới thì tiếp tục có thêm quả mới, có quả mới thì có nghĩa là có kiếp sống mới, tiếp tục một chặng đường luân hồi mới.


Ngài kết thúc bằng một câu thật thống thiết: “Này các tỳ kheo, những gì mà một bậc thầy có lòng thương đệ tử phải làm cho đệ tử thì ta đã làm hết cho các ngươi rồi. Như Lai không còn giữ lại gì riêng tư cho mình hết”. Trong Trường Bộ kinh cũng có một câu y hệt vậy nhưng Ngài thêm một câu: “Ta không phải là bậc đạo sư nắm giữ cái gì riêng tư, những gì cần thiết cho đệ tử, những gì mà vị đạo sư cần làm cho các ngươi thì ta đã làm hết rồi, nói hết rồi. Bản thân ta cũng là tấm gương cho các ngươi nhìn theo từ bao năm nay rồi. Đây là những gốc cây, những ngôi nhà vắng, hãy ngay từ bây giờ tinh tấn thiền định chớ có để sau này có một ngày hối tiếc”.Vì sao có câu này, là bởi vì sẽ có một ngày muốn ngồi mà ngồi không được, muốn bước đi mà chân giở không lên, sẽ có một ngày cái bụng trống rỗng mà không thèm ăn, sẽ có một ngày đầu óc mụ mị không nghĩ ra được gì hết. 


Thôi thì bây giờ khi tay chân, đầu óc, sức khỏe, trí nhớ còn ngon lành, thi ngay bây giờ là giây phút tốt nhất để mà tinh tấn tu tập. Bởi vì chính Ngài đã dạy “đây là lời giáo giới của ta cho các ngươi, đừng để sau này mình phải hối hận”. Cơ hội tu tập phạm hạnh không có nhiều lắm đâu, nếu chúng ta mới 50 tuổi thì cơ hội tu tập còn tròm trèm 10 năm, nhưng qua hàng 6 thì tình hình đã khác, lúc đó mình chưa biết là mình có bệnh gì hay không, gia đạo của mình lúc đó có ok hay không, nếu mình là tu sĩ thì không biết lúc đó có chuyện gì xảy ra trong tăng chúng, trong tứ chúng hay không, có chuyện gì trong bản thân mình hay không; 70 chưa què chứ bảo là lành.


TK
Reply
#2
Mở đầu bài NGHIỆP bạn abc vừa post trên là câu:

"Nội dung kinh này: Toàn bộ sự sống của chúng sinh và tất cả vũ trụ chỉ nằm trong lý nhân quả."

Bạn có biết "kinh này" là bài Kinh nào mà Sư Toại Khanh nói đến không?

Bài giảng hay lắm.  LTP nghe danh Sư đã lâu, nhưng nhờ bạn giới thiệu qua các bài bạn post, LTP mới bắt đầu nghe Sư thuyết pháp.

Cám ơn bạn.
Reply
#3
(2020-01-03, 08:14 PM)LeThanhPhong Wrote: Mở đầu bài NGHIỆP bạn abc vừa post trên là câu:

"Nội dung kinh này: Toàn bộ sự sống của chúng sinh và tất cả vũ trụ chỉ nằm trong lý nhân quả."

Bạn có biết "kinh này" là bài Kinh nào mà Sư Toại Khanh nói đến không?

Bài giảng hay lắm.  LTP nghe danh Sư đã lâu, nhưng nhờ bạn giới thiệu qua các bài bạn post, LTP mới bắt đầu nghe Sư thuyết pháp.

Cám ơn bạn.

bài này admin của nhật ký chép bằng kinh facebook đăng không có thông tin về bài kinh gốc

nhưng mọi sự đều có nhân , và mọi sự khi đủ duyên sẽ cho quả

do đó luôn tâm niệm điều này, luôn thu thúc lục căn , giữ gìn thân khẩu ý  mọi lúc mọi nơi
Reply