Chủng tử
#1
Chúng ta hôm nay có là bác sĩ, là kỹ sư, là hoa hậu, là người mẫu, là thầy chùa, là linh mục, là bất cứ cái gì đi nữa, cao sang đạo đức cỡ nào đi nữa, nhưng mà trong mỗi người chúng ta cái chủng tử ăn phân người, chủng tử ăn thịt sống máu tươi nó luôn luôn còn đó, miễn là chúng ta còn phàm. Là vì sao? Là vì bây giờ chúng ta đang là kỹ sư, bác sĩ, chỉ cần chúng ta tắt thở một cái, có trời biết chúng ta về đâu. Chúng ta làm con bọ, con dòi thì lúc đó mình thấy đống phân là mình gặp mình mừng lắm. Mà nếu trong lúc tắt thở mà chúng ta đi về xứ Châu Phi chúng ta làm con beo, con sư tử thì sao? Thì chỉ có thịt sống máu tươi thôi.

Cho nên, cứ nhớ cái này: "Tôi có là ai trong cuộc đời này, sang trọng, giàu có bằng trời đi nữa, miễn là tôi còn phàm thì cái chủng tử, cái hạt giống, cái seed, mà ăn thịt sống, ăn phân người, cái chủng tử mà thích nước cống, nước rãnh, thích bồn cầu nó vẫn còn trong con người của tôi, không mất được". Gớm như vậy. Hiểu như vậy nó mới teo. 

Hôm nay mình làm đẹp, mình phấn son, mình trang sức, mình quần là, áo lụa, mắt kính, đồng hồ, dây nịt, mắt kính, túi xách; mình tưởng mình sang, mình bảnh. Nhưng nếu mà mình sống triền miên chìm sâu ở trong thích và trong ghét, thiếu niệm, thiếu định và thiếu tuệ, thiếu tàm úy, thiếu niềm tin, thì sao? Tắt thở rồi, những cái chủng tử, những cái hạt giống kia nó sẽ tìm ngay một mãnh đất để mà nó sinh sôi, nó tìm ngay lập tức. Nó tìm ngay một mãnh đất để nó sinh sôi, bởi vì trong người mình có rất nhiều hạt giống mà cái gớm nhất đó, tôi nhắc lại, gớm nhất, cái khả năng ăn thịt sống máu tươi, cái khả năng mà ăn phân, cái khả năng cống rãnh của mình nó rất lớn, lớn lắm, mà mình không có ngờ. 

Tham, sân, si ở đâu thì phân người và cống rãnh nằm ở đó, tại vì chỉ có mấy ông đó nó mới đưa mình về cái chỗ đó được. Mấy cái tâm lành, tâm thiện nó không thể đưa về đó được. Tín, tấn, niệm, định, tuệ, từ, bi, bao dung, cảm thông, chia xẻ, nhận thức là mấy cái không thể nào nó đưa mình xuống chỗ thấp được. Mà chỉ có mấy cái anh tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, tỵ hiềm, bủn xỉn, nhỏ mọn, toan tính; mấy cái đó chính là cái con đường, là cái lộ trình nó đưa mình xuống mấy cái lỗ cống, mấy cái bồn cầu; nó đưa mình vô mấy cái đống rác, nó đưa mình vào cái chốn rừng sâu núi thẳm để mà liếm láp thịt sống, máu tươi. Cho nên tùy thuộc vào đời sống của chúng ta, tùy thuộc vào 6 căn nó tiếp xúc với 6 trần bằng cái thái độ tâm thức như thế nào.

Và tôi cũng đã nói rồi: "Trình độ nó quyết định thái độ". Thái độ sống, thái độ tâm lý, thái độ tâm thức của chúng ta đối với 6 trần. Và khi tôi nói, tôi phang mấy cái này thì bà con nghe ớn quá, nhưng mà đó là sự thật. Bởi vì theo trong kinh, theo trong Thiền môn nhật tụng Kalama chúng tôi có trích bài kinh này từ Trung bộ, toàn bộ nội dung cái quyển đó là lấy từ trong kinh tạng Phạn-Việt, tức là Pali-Việt, chứ không có cái gì của riêng chúng tôi hoặc của một cá nhân, đoàn thể nào hết trơn, không hề có. 

Thì trong đó có bài Kinh Hiền Ngu của Trung bộ nói một chuyện lạnh xương sống. Đó là một khi mà đã lọt xuống đường đọa rất khó quay lên. Là vì sao? Là vì khi mà lọt xuống đường đọa, chúng ta chỉ sống toàn là bằng bản năng, "bad instinct". Sống toàn bằng bản năng: lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, đói ăn, khát uống, đực cái, trống mái, chỉ biết giao phối và tự vệ. Tự vệ có nghĩa là đứa nào đụng tới mình thì mình phản ứng, phản ứng bằng cách một là mình tấn công lại nó, hai nữa là mình co rút hoặc là mình chạy trốn. Chỉ biết bao nhiêu đó thôi: đói ăn, khát uống, giao phối và phản vệ (phản ứng và tự vệ). Các vị tưởng tượng có rất nhiều người trong chúng ta chỉ sống bằng 4 cái này thôi. Mặc dù là cũng có bằng cấp đại học, cũng có vợ đẹp, chồng giỏi, cũng có nhà lầu, xe hơi, nhưng cả ngày của mình chỉ vật lộn với 4 thứ này.

Các vị tưởng các vị có trình độ khoa học, kiến thức, văn minh? Chưa chắc. Nhiều khi cái bằng cấp của các vị, đồng ý trong mấy năm đại học, nó cho mình cái kiến thức chuyên môn. Đúng. Nhưng sau đó mình coi nó là cần câu cơm để mình đi kiếm cơm thôi, thưa quí vị. Thì mình gọi đó là hành nghề, nhưng mà thật ra nói nôm na nó là kiếm sống, mà nói tục chút xíu là kiếm ăn, khổ như vậy đó. Ba cái từ đó, ba cái level, ba cái slice khác nhau. 

Một là mình xài cái chữ sang đó là hành nghề, tệ hơn chút là kiếm sống, mà bậy nhất là kiếm ăn. Mà khi đẩy cái chuyện hành nghề nó xuống tới kiếm ăn rồi đó, thì mình nhớ kỹ coi trong đầu của mình, mình có khác mấy cái con kia không? Thì nó ăn rồi nó ngủ một giấc, nó dậy nó đi kiếm ăn, đúng không? Nó khiếp lắm quí vị, kiếm ăn, nhưng mà do cái điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi đứa, mỗi loài nó có kiểu kiếm ăn khác nhau, chỉ vậy thôi. Nếu mà ngoài cái chuyện lo cho tình cảm của mình, lo cho vợ chồng con cái, mà mình không biết cái gì ngoài ra thì coi chừng đời sau, kiếp khác cái chỗ cao mình khó leo lên lắm. Bởi vì cái thế giới thật sự là thế giới hiền thánh; là phải sống có trong, có ngoài, có trên, có dưới, có thân, có sơ.

Có nghĩa là quí vị quan sát đời sống của một vị Bồ tát như trong kinh mô tả: ngoài cha, mẹ, vợ, con, bạn bè, thân quyến thì Ngài còn có vô vàng thiên hạ để Ngài yêu thương, Ngài chăm sóc, Ngài chia xẻ, Ngài bận tâm, Ngài nặng lòng. Đó mới đúng là bậc hiền thánh. Và các vị nhớ dùm cái này "Cái giá trị của một con người nó nằm ở sức chứa ở trái tim". Tim anh ta chứa được bao nhiêu thì cái giá trị của anh ta nặng bấy nhiêu. Chưa hết, cái giá trị của con người nó không phải nằm ở chỗ anh ta nhận được bao nhiêu, mà nó còn ở khả năng anh ta trao ra được bao nhiêu, nhớ nha.

Chỉ có con người, chỉ có loài động vật cao cấp, con người là vạn vật chi linh mà quí vị, nó mới có khả năng trao ra, có khả năng chia xẻ. Còn đa phần là khi mình sống mà mình chỉ biết có ru rú, ru rú cái thân này của mình, gia đình này của mình, dòng tộc này của mình thì coi chừng nó trở thành nếp sống khép kín: Một là ích kỷ bản thân, hai là nếp sống bầy đàn. Các vị biết không? Khi mà mình chỉ biết lo cho gia đình mình không, mình không biết lo cái gì ngoài ra, coi chừng rất có thể đó là tâm thức bầy đàn.

TK
Reply