Lục Thần Thông
#1
Lục thông: Nghĩa là Sáu phép thần thông của chư Phật, và các vị A-la-hán.

  1. Thần túc thông: Biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, đi vào trong núi, đi trên mặt nước, một thân biến nhiều thân, nhiều thân biến thành một thân, tay có thể chạm vào Mặt Trời, mặt trăng, các ngôi sao, ... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.

  2. Thiên nhãn thông: Thấy sự lưu chuyển của Chúng Sinh trong các cõi giới luân hồi.

  3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong các cõi giới luân hồi.

  4. Tha tâm thông: Biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.

  5. Túc mệnh thông: Đối Đức Phật và các Vị Alahan - ngài biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình vị ấy nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì.

  6. Lậu tận thông: Vị ấy thấy rõ Tứ Diệu Đế là chân lý của Pháp Giới Vũ Trụ này cuối cùng vị ấy đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.
Reply
#2
Khi mà Đức Phật nhắc đến thần thông thì mình đừng có nghĩ là Ngài kêu gọi mình trau dồi phù phép, biến hiện cho nó thỏa sức rong chơi, cho nó thỏa sức tò mò xưa giờ mình muốn mà không được. Không phải. Mà khi Ngài nói đến lục thông thì cái thông thứ 6 là Ngài nói đến cứu cánh giải thoát, đúng. Nhưng mà khi Ngài nói đến 5 thông đầu tiên là Ngài mở ra vấn đề như thế này: Khi tâm tư ta còn chìm sâu trong 5 dục nói riêng và trong phiền não nói chung thì cái khả năng quan sát thế giới của ta luôn có vấn đề, luôn có những hạn chế nhất định. Đó! Bây giờ các vị thấy cái bài học nó sâu là sâu chỗ đó.

Khi Ngài nói đến các khả năng thần thông là Ngài muốn cho mình thấy rằng "Khi mà con đạt đến một cái trình độ tâm linh mà lìa bỏ được 5 dục thì cái cách mà con nhìn thấy thế giới này nó khác đi nhiều lắm, kể cả trường hợp khi đó con chưa kịp là một vị Thánh". Chưa kịp là một vị Thánh thì cái khả năng mà con lai vãng lui tới thế giới này, cái khả năng mà con quan sát, con thấy, con nghe cái thế giới này nó cũng khác đi, nó không giống như con ngày xưa.

Ngày xưa khi mà con còn hưởng dục, ngày xưa khi mà con còn thích, còn ghét, còn đam mê, còn bất mãn thì mọi thứ nghe, nghĩ, nhìn thấy của con nó còn bị giới hạn ở trong cái nhà ngục của 5 cái thứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thịt, da, xương tầm thường của người bình thường. Nhưng mà hôm nay, khi con có thiền định, con có được cái khả năng thần thông thì con mới thấy thế giới này có nhiều cách để con nhìn lắm.
Đó! Cái sâu sắc ở chỗ đó đó!

Cái thế giới này có nhiều cách để chúng ta nhìn thấy nó. Chúng ta có nhiều cách để đến với thế giới này. Xưa giờ mình chỉ có khả năng lấy con mắt thịt mình nhìn, nhưng bây giờ mình có cái ống dòm, mình có viễn vọng kính, bây giờ mình có kính hiển vi, mình có binoculars, mình có microscope, mình có telescope, mình có ba, bốn thứ. Đó! Thì cái thế giới này các vị phải đồng ý với tôi, là cái thế giới này trong cái suy nghĩ của một người có học về hóa chất, có học về vật lý và có các phương tiện công nghệ hiện đại, thì cái thế giới ở trong mắt của cái người có đủ những điều kiện đó, vừa có kiến thức mà vừa có công cụ phương tiện hiện đại, thì thế giới của họ nó khác với thế giới của người bình thường. Còn cái thế giới của cái người đã vừa dốt mà lại vừa không có các phương tiện nghe nhìn thì thế giới của họ nó chật lắm, nó chật dữ lắm.
[Image: binoculars.jpg]

Thí dụ nha, bây giờ quí vị đi chơi mà quí vị không có cái ống dòm là quí vị thấy thua rồi. Có những cái chỗ mà mình không thể đặt chân đến mà mình có thể đứng nhìn từ xa, mà nếu lúc đó mình có được cái ống dòm thì tình hình nó khác. Mà trong cái ống dòm nó có tới ngàn lẽ một loại, loại đắc tiền và loại rẻ tiền. Cái loại đắc tiền nó cho phép mình nhìn xa, nhìn rõ. Còn cái loại rẻ tiền thì nó chỉ cho mình nhìn gần, nhìn mờ, không rõ.

Cho nên mình thấy rõ ràng rằng cũng trong một cuộc đi chơi dã ngoại mà ai có nhiều phương tiện đi đứng, nhiều phương tiện nghe nhìn thì vẫn tốt hơn là cái người mà trụi lủi chỉ có hai bàn chân và chỉ có cặp mắt thịt. Đó! Chỉ là trong một cuộc đi chơi của phàm phu, cuộc đi chơi chỉ có vài giờ đồng hồ thôi mà mình thấy rằng ai có nhiều phương tiện vẫn tốt hơn, cuộc chơi nó vẫn trọn vẹn hơn, nó đầy đủ, nó viên mãn hơn.

Thì ở đây cũng vậy. Cái cứu cánh tu hành của chúng ta là lậu tận thông, là lậu tận minh, là chấm dứt phiền não, là kết thúc tái sanh. Tuy nhiên khi một người mà có tu tập thiền định thì tình hình nó lại khác. Bên cạnh cái khả năng chấm dứt phiền não, vị ấy có được một cái khả năng nghe nhìn và lui tới, làm việc, hoạt động trong thế giới này nó tốt hơn gấp tỷ lần một người không có thần thông. Đó! Nhớ chỗ đó!

Chẳng hạn như mình thấy trong kinh nói, cái này kinh chánh tạng chứ không phải chú giải, chánh tạng nói: "Cái lợi ích của một người nghe nhiều giáo pháp là mai này đi về trời dễ dàng được nhắc nhở tu hành hơn là cái người mà ít nghe pháp hoặc là không nghe pháp". Chỉ có bố thí mà không nghe pháp mai này cũng có thể về trời, chỉ có giữ giới không thì cũng có thể về trời, nhưng mà về trên đó mình vẫn tiếp tục sống với cái đầu bơ bơ của mình. Mà một người đã từng nghe nhiều giáo pháp, thông thuộc nhiều giáo lý thì mai này ở cảnh giới nào đi nữa thì mình cũng dễ dàng được cái sự nhắc nhở từ những thầy bạn.

Trong kinh có ghi rõ thế này: "Khi mang cái thân chư thiên, thì chúng ta sẽ nhớ lại mình đã học cái gì và đặc biệt là chúng ta sẽ biết rõ những cái chỗ nào mà mình đã học sai". Cái thân chư thiên nó đặc biệt như vậy đó! Nhớ lại hồi đó mình ở cõi người mình đã học thuộc lòng cái Trường bộ kinh và trong suốt nhiều năm cái chỗ đó mình đọc sai, chỗ đó thật ra không phải như vậy. Khi mà mình tiếp tục mang thân người thì mình cắm đầu mình đọc hoài cái chỗ sai mà mình không biết. Nhưng mà khi mình về trời thì với khả năng thần thông của vị chư thiên, một vị trời thì chúng ta sẽ biết được "Ồ! Cái chỗ đó chỗ sai." Chưa kể là chúng ta có vô số thầy bạn chung quanh mình, nhắc nhở mình, giải thích cho mình nghe nữa.

Nói như vậy có nghĩa là sống trong cái cuộc sanh tử trầm luân này, chúng ta càng có nhiều phương tiện để sống, càng có nhiều phương tiện, điều kiện để làm việc thì nó vẫn tốt hơn là mọi thứ trong cái tầm hạn chế. Đó! Bài kinh này nó sâu là sâu chỗ đó! Chứ còn cái chuyện thần thông, thần thiếc gì đó chẳng là cái gì trong mắt của các bậc hiền thánh hết. Nhưng mà khi các Ngài nhắc tới cái đó là các Ngài đã kín đáo, lặng lẽ nhắc tới những cái bài học khác mà tôi vừa nói trên.

Thứ nhất thần thông là cái khả năng đương nhiên của một cái người đã tu tới nơi tới chốn các cái tầng thiền định, dầu muốn dầu không tự nhiên nó trào, nó vẫn trồi ra.
Cái chuyện thứ hai là khi Ngài nhắc đến thần thông là Ngài cho mình biết một chuyện vô cùng quan trọng, đó là: Cái thế giới này nó ra sao trong mắt của con nó còn tùy thuộc vào cái nền tảng tâm thức của con, nó tùy thuộc vào cái nhân cách, tùy thuộc vào cái trình độ, tùy thuộc vào cái nền tảng tâm tư, tinh thần, phước báu tiền duyên của con.

Đó! Nếu mà nói vậy có nghĩa là ngay bây giờ con phải tận dụng thời gian, tận dụng cơ hội để thực hiện các hạnh lành. Định được thì định, niệm được thì niệm, tuệ được thì tuệ. Văn, tư, tu có cơ hội không bỏ. Có cơ hội bố thí thì nên bố thí. Có cơ hội hành thiền thì nên hành thiền. Có cơ hội phục vụ thì nên phục vụ. Vì sao? Vì tất cả những vốn liếng ấy nó sẽ là cái nền tảng tâm thức cho con sau này, con tu thiền cũng dễ đắc thiền, con gặp Phật con nghe pháp cũng dễ giác ngộ.

TK
Reply