TIỀN “NIẾT BÀN”
#1
Khi tiễn đệ tử Soko lên đường đến chùa Daitoku, một ngôi chùa lớn chuyên dạy tu thiền, thiền sư Zuigan đưa cho đệ tử Soko một số tiền và nói: Đây là tiền “Niết bàn” của con. Đệ tử Soko hỏi lại: Thưa thầy, tiền “Niết bàn” là gì ạ?. Thiền sư ôn tồn đáp: “Là số tiền dành cho việc hoả táng thân xác của con”.
(Sưu tầm)

————
Lời bàn (Thấy Biết)

Truyền thống ở một số chùa ở Nhật bản, khi tiễn đệ tử đến học thiền ở các thiền viện lớn chuyên tu, thường đưa cho đệ tử một số tiền gọi là tiền “Niết bàn”. Tức là số tiền sẽ dùng vào việc hoả táng khi đệ tử đó qua đời.
Có hai sự tham ái lớn: Tham ái vào tiền bạc và tham ái vào sự sống. Nhưng với tiền “Niết bàn” người đệ tử chẳng thể tham ái vào chúng khi chúng không thể tiêu được trong lúc còn sống. Ma lực của đồng tiền chẳng còn sức mạnh nào nữa. Tham ái vào tiền bạc bị tiêu trừ bằng chính số tiền “Niết bàn” này. Nếu ai đó cho tặng bạn một số tiền khổng lồ với một điều kiện: bạn chỉ được tiêu khi bạn chết. Bạn có thấy người đó điên khùng không!. Nhưng đa phần con người đang cùng cách hành xử như vậy với chính mình: Tích luỹ thật nhiều cho đến hơi thở cuối cùng để mà không thể tiêu được khi đã chết. Nghĩa là ta luôn loay hoay kiếm số tiền “Niết bàn” suốt một đời mà không bao giờ chạm được vào giá trị sử dụng của nó.
Ai cũng biết mình sẽ chết trong tương lai là một điều chắc chắn. Nhưng con người thường hay quên điều này. Tiền “Niết bàn” sẽ nhắc nhở người đệ tử Soko khi thấy chúng ở nơi để dành. Nơi sự chết trong tương lai được đem cất vào một chỗ ngay trong hiện tại. Chẳng ai muốn tích luỹ và bám víu vào cái mà biết nó không thể đem tiêu dùng được và biến mất trong tương lai. Nhưng do nghiệp lực, mỗi con người vẫn phải bám vào sợi dây (sự sống) mà biết rõ nó sẽ đứt trong nay mai. Hiểu biết điều này, sự bám víu, tham ái vào đời sống sẽ bị tiêu trừ đi rất nhiều. Mỗi khi người đệ tử trễ nải, lường biếng thì chính tiền “Niết bàn” sẽ nhắc về điều đó. Nhờ vậy người đệ tử sẽ chăm chỉ, SIÊNG NĂNG HÀNH THIỀN CHO ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG mà không bị phân tâm vào những công việc khác.
——
Sabbe sattā marisanti,
Maraṇantaṃ hi jīvitaṃ,
Yathākammaṃ gamissanti,
Puññapāpabhalūpagā,
Nirayaṃ pāpakammantā,
Puññakammā ca sugatiṃ,
Tasmā kareyya kalyāṇaṃ,
Nicayaṃ samparāyikaṃ,
Puññāni paralokasmiṃ,
Pattiṭṭhā honti pāṇiṇaṃ.
Tất cả chúng sanh chỉ sẳn dành để chịu chết đều nhau cả, vì sanh mạng của tất cả chúng sanh, chỉ có sự chết là nơi cuối cùng. Tất cả chúng sanh đều phải chịu quả phước cùng quả tội, vừa theo của nghiệp của mình đã tạo, rồi đi thọ sanh trong kiếp sau. Chúng sanh nào làm nghiệp dữ, phải chịu khổ trong cảnh địa ngục, chúng sanh nào làm việc lành, được thọ vui trong cõi Thiên đàng, cho nên người đời cần phải hối hả làm việc phước đức, mà bậc Trí tuệ hằng thân thiết, cho đặng làm của để dành dính theo trong đời vị lai. Vì các việc phước đức là nơi nương nhờ của tất cả chúng sanh, trong ngày vị lai.
(Kinh Tụng Nam Tông)
Reply