Lần đầu tiên đưa bệnh nhân vào trạng thái “đóng băng”
#1
Liệu pháp “đóng băng” (suspended animation) lần đầu tiên được áp dụng trong lịch sử y khoa. Bằng cách này, các bác sỹ sẽ có thêm vài giờ đồng hồ để cứu sống bệnh nhân, thay vì vài phút như trước đây.  

Trên thực tế, các nhà khoa học và người yêu thích khoa học viễn tưởng đã đề cập đến phương pháp trên trong nhiều năm. Từ lâu, ý tưởng đưa các chức năng sinh lý của cơ thể người vào trạng thái “tạm dừng” trong khi tiến hành những thủ thuật y tế nhằm cứu sống người bệnh được xem là điều bất khả thi. Tuy nhiên, theo tờ New Scientist, các bác sĩ mới đây đã thành công trong việc đưa con người vào trạng thái “đóng băng”, qua đó mở ra một bước tiến lớn cho ngành y học.

Kỹ thuật này có tên là “Bảo vệ và hồi sức khẩn cấp” (EPR) và đã được thử nghiệm tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore (Hoa Kỳ) trên những bệnh nhân bị chấn thương cấp tính nghiêm trọng do dao đâm hoặc đạn bắn. Trong các trường hợp này, người bệnh thường mất hơn một nửa lượng máu trong cơ thể và rơi vào tình trạng trụy tim. Khi ấy, các bác sỹ phải thực hiện phẫu thuật khẩn cấp trong vòng vài phút và thông thường bệnh nhân chỉ có chưa đầy 5% cơ hội sống sót.

Với EPR, bệnh nhân được làm mát nhanh chóng bằng cách rút sạch máu và thay thế bằng nước muối đông lạnh. Khi đó, nhiệt độ cơ thể của người bệnh sẽ hạ xuống 10-15 độ C và khiến tim cũng như các hoạt động của não gần như ngừng hoàn toàn.

Ở nhiệt độ cơ thể bình thường (khoảng 37 độ C), các tế bào cần một nguồn cung cấp oxy liên tục để duy trì sự sống, nhưng việc hạ thấp nhiệt độ cơ thể sẽ làm chậm hoặc dừng các phản ứng hóa học, do đó các tế bào sẽ cần ít oxy hơn. Bộ não con người có thể tồn tại trong khoảng 5 phút nếu không oxy, tuy nhiên với liệu pháp EPR, tình trạng mất máu và trụy tim bị chặn đứng, nhờ đó, các bác sỹ sẽ có 2 giờ đồng hồ để xử lý vết thương của bệnh nhân cho đến khi cơ thể của họ ấm lên và tim hoạt động trở lại. Thông thường, những ca phẫu thuật nghiêm trọng thất bại do bác sỹ không có đủ thời gian chứ không hoàn toàn do độ nguy hiểm của vết thương.

Theo Samuel Tisherman, bác sỹ thuộc nhóm nghiên cứu tại Baltimore, toàn bộ kết quả thử nghiệm dự kiến có thể được công bố vào cuối năm 2020 sau khi tiến hành thử nghiệm trên 10 bệnh nhân khác. Trên thực tế, vẫn còn một số vấn đề cần phải nghiên cứu liên quan đến liệu pháp này. Mặc dù nhóm của Tisherman có thể “làm lạnh” cho bệnh nhân trong 2 giờ đồng hồ, nhưng không biết được chính xác thời gian một người có thể ở trong trạng thái này mà không phải chịu tác dụng phụ. Tuy nhiên, Tisherman cho biết nhóm của mình đang nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm. “Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi không cố gắng đưa con người lên Sao Thổ, chúng tôi chỉ muốn có thêm thời gian để cứu người mà thôi.”


Cuộc thử nghiệm trên đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận. FDA đã cho phép nhóm của Tisherman tiến hành mà không cần sự đồng ý của bệnh nhân, do hiện chưa có phương pháp điều trị nào thay thế.

Theo Engadget, New Scientist,

Phan Anh tổng hợp

Video giới thiệu về liệu pháp “đóng băng”:


Reply