HAI THỰC TẠI
#1
HAI THỰC TẠI


Thiền sư Sayadaw U Jotika

Người dịch: Sư Tâm Pháp

[Image: maxresdefault.jpg]

 
[img=0x0]https://thuvienhoasen.org/images/file/fCRo4Nme0wgBACEr/sayadaw-u-jotika.jpg[/img]
Ở đây, chúng ta sẽ nói về một lĩnh vực khác của niệm pháp(dhammānupassanā), là một pháp hành rất rộng, phần lớn nhất và rộng nhất trong kinh Đại niệm xứ. Trước khi nói về niệm pháp, tôi sẽ phải tự mâu thuẫnvới chính mình một chút. Tôi sẽ nói với các bạn những điều hoàn toànngược lại với những gì tôi đã nói lúc trước. Ngày hôm nay tôi sẽ nói cho các bạn biết một điều là: tất cả mọi thứ đang tồn tại này đều là khổ, đều là bất toại nguyện, tất cả mọi thứ đều rất tệ.

Trước đây tôi nói rằng mọi thứ thật tuyệt vời, làm sao tôi lại nói hai điều hoàn toàn trái ngược nhau như thế? Bởi vì cả hai đều đúng theo cách riêng của nó khi chúng ta sống trong hai dạng thực tại, hay hai dạng thức tồn tại khác biệt nhau. Đức Phật dạy hai loại chân lý, hay hai loại sự thật khác nhau; đừng bao giờ quên điều này, bởi vì nếu bạn quên và trộn lẫn hai loại thực tại này với nhau, bạn sẽ trở nên vô cùng rối.

 Trong tiếng Pāli, hai loại thực tại đó được gọi là sammuti-sacca (sự thật quy ước hay còn gọi là tục đế) và paramattha-sacca (sự thật tuyệt đối hay còn gọi là chân đế).  Tứ Diệu Đế (bốn sự thật cao thượng về khổ) là sự thật tuyệt đối, chân lý tuyệt đối; nhưng đồng thời chúng ta cũng sống trong sự thật quy ướcnữa. Nói một cách tương đối thì trong cuộc sống cũng có lúc chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tự do, nhưng từ góc nhìn của sự thật tuyệt đối, của chân lý thực sự, thì chẳng có gì là toại nguyện và hạnh phúc cả và cũng chẳng có tự do đích thực. Tất cả mọi thứ đều do nhân duyên tạo thành và ràng buộc; tất cả mọi thứ sinh khởi do nhân duyên. Chúng ta cần phải hiểu cả hai loại sự thật đó một cách sâu sắc và đừng lẫn lộn.

 Trước hết tôi sẽ nói về Tứ diệu đế - bốn sự thật cao thượng, là một phần trong đề mục niệm pháp. Trong tiếng Pāli, chúng được gọi là Catu Ariya Sacca, catu nghĩa là bốn, ariya nghĩa là cao thượng, và sacca là sự thật. Khi tôi đọc bằng tiếng Pāli và suy nghĩ về nghĩa của nó, thì hoá ra lại hơi khác một chút, thật là thú vị.
 


Dukkha Ariya Sacca, sự thật cao thượng về khổ, là sự thật thứ nhất. Dukkha nghĩa là bất toại nguyện; nó không chỉ là đau đớn, không chỉ là đau khổ; nó vượt ra ngoài hơn cả điều đó nữa. Mặc dù đau đớn(về mặt thể xác) và đau khổ (về mặt tinh thần) cũng là một phần của khổ (dukkha), nhưng nghĩa của nó còn rộng hơn là đau đớn và đau khổ. Nghĩa thực sự của sự thật cao thượng về khổ là: sự thật về khổ được chứng nghiệm bởi các bậc thánh, những con người giác ngộ. Nghĩa của nó hơi khác một chút, các bạn có thấy không?.

 

Mỗi chúng ta thấy đau khổ theo cách riêng của mình và có thể có cách hiểu riêng của mình về khổ, nhưng Sự thật cao thượng về khổ nghĩa là sự thật về khổ, hay sự thật về sự bất toại nguyện được chứng nghiệm bởi những người đã giác ngộ. Các bậc giác ngộ hiểu về sự thật của khổ khác với cách hiểu của người bình thường. Những người bình thường hiểu về khổ hay bất toại nguyện theo cách khác, bởi vì họ nhìn nó như cái gì đó thuộc về cá nhân họ, nhưng đối với những người giác ngộ, khổ hay bất toại nguyện không phải là cái gì đó thuộc về cá nhân người nào, nó không phải của một ai hết.
 

Chừng nào bạn còn có suy nghĩ “Tôi đang đau khổ” hay “Tôi không thấy toại nguyện”, thì bạn vẫn còn chưa thực sự hiểu đúng về sự thật khổ và bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua được nó. Đó là một cái bẫy, khi nào bạn còn nghĩ “Tôi đang đau khổ và bây giờ phải làm thế nào để vượt qua nỗi khổ này đây?”, thì chừng đó bạn vẫn không bao giờ có thể vượt qua được nó.
 

Để thực sự vượt qua được khổ, bạn phải có khả năng nhìn nó như một cái gì đó không thuộc về cá nhân mình. Nếu bạn nghĩ “nỗi khổ của tôi”, tức là bạn vẫn đang ở trong đau khổ. Chỉ khi nào bạn thấy khổ chỉ là khổ, không có ai hay một chúng sanh nào ở đó, thì sự hiểu biết đó mới giúp bạn vượt thoát khỏi đau khổ. Đó chính là điều chúng ta phải làm khi thiền.
 

Sự thật cao thượng thứ hai là: Dukkha Samudaya Ariya Sacca –nguyên nhân của khổ như các bậc giác ngộ đã hiểu. Cái gì là nguyên nhân khổ? Đó là tham ái, dính mắc, dục tham, khao khát hoặc bất cứ từ nào đồng nghĩa với tham.
 

Sự thật cao thượng thứ ba: Dukkha Nirodha Ariya Sacca – sự đoạn diệt đau khổ hay sự bình an tối thượng được các bậc giác ngộ chứng nghiệm. Thật là khó để dùng từ con người giác ngộ, họ có phải là con người, là chúng sanh hay không? Thực ra, không hẳn vậy. Ngôn từ chỉ có thể được sử dụng theo nghĩa quy ước, vì vậy khi bạn muốn nói đến những điều vượt ra ngoài quy ước thông thường, ngôn từkhông còn thích hợp để sử dụng nữa. Mặc dù ngôn từ không còn thích hợp, nhưng chúng ta cũng đành phải cố gắng tận dụng nó để mà nói vậy thôi.
   


Cũng giống như nói về vật lý lượng tử bằng ngôn ngữ của vật lý cổ điển, chẳng hạn, khi chúng ta nói một vật thể chuyển động, trong vật lý lượng tử bạn không thể nói có vật thể nào chuyển động được. Chỉ trong vật lý học cổ điển của Newton, bạn mới có thể nói một hành tinh quay quanh mặt trời, nhưng một cách chặt chẽ thì không thể nói các hạt điện tử quay xung quanh hạt nhân. Hạt điện tử dường như quay xung quanh hạt nhân, nhưng khi nghiên cứu kỹ bạn sẽ không thể nói hạt điện tử chuyển động, và bạn cũng không thể nói hạt điện tử không chuyển động.
 

Bạn phải diễn tả điều ấy như thế nào đây? Cách duy nhất là nói rằng có một cái gì đó biến mất ở chỗ này và một cái gì đó xuất hiện ở chỗ khác, chúng có liên quan đến nhau, nhưng không phải là một. Bất cứ điều gì bạn nghiên cứu, nếu nghiên cứu thật sâu sắc, bạn sẽ thấy rằng nó thích ứng hoàn toàn với những lời dạy của Đức Phật.
 

Tôi không cố gắng chứng minh những lời dạy của Đức Phật dựa trên cái nhìn của khoa học, bởi vì bạn không thể sử dụng bất cứ dụng cụ thí nghiệm nào để tìm thấy bằng chứng cho những lời dạy của Đức Phật. Có rất nhiều sự thật mà bạn không thể cân đo đong đếm, nhưng có thể tự thân chứng nghiệm được.

Tôi rất thích vật lý lượng tử, và càng nghiên cứu nó tôi lại càng cảm thấy kinh ngạc. Tôi có thể đọc vật lý lượng tử như thể đang đọc kinh sách Phật pháp.
 


Một cái gì đó biến mất ở đây và
một cái gì đó xuất hiện ở kia,
chúng không phải là một nhưng có liên hệ với nhau.

 

Chúng ta cũng có thể hiểu Pháp theo cùng một nghĩa y hệt như vậy. Chúng ta không thể nói người này chết đi và tái sanh sang một kiếp sống khác, mặc dù về mặt quy ước thông thường điều đó là đúng. Nói một cách chính xác, chúng ta thay đổi từng giây phút và mới từng giây phút. Cái chúng ta gọi là “tôi” này và tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều là mới trong từng giây phút.
 


Niccam naveva sankhārā: (tất cả các pháp hữu vi đều luôn đổi mới) sankhārā nghĩa là tất cả mọi thứ được tạo thành do nhân duyên (pháp hữu vi); niccam nghĩa là luôn luôn; nava nghĩa là mới và eva là một từ để nhấn mạnh; thực sự mới. Bất cứ cái gì được tạo thành do nhân duyên đều sinh diệt, nhưng bất cứ cái gì sinh lên đều luôn luôn mới, không phải là cái cũ. Các bậc giác ngộ thấy và hiểu thực tạitheo một cách khác hẳn những con người bình thường.
 




Sự thật cao thượng thứ tư là: Dukkha Nirodha Gāminīpatipadā Ariya Sacca – con đường dẫn đến đoạn diệt khổ như các bậc giác ngộ đã hiểu.
 


Khi chúng ta nói về sự thật, thì sự thật thể hiện ở đâu? Sự thật là một cái gì đó mà tâm chúng ta hiểu và nhận thức. Vì vậy, phải có một cái tâm hiểu sự thật, không có tâm thì không có sự thật. Khi chúng ta nói về sự thật hay sai trái, nó hàm nghĩa rằng có một người nào đó hiểu điều đó. Sự thật ngụ ý là hiểu biết; hiểu biết bao hàm tâm, trí tuệ. Thực ra chính là trí tuệ hiểu, không phải một người nào đó hiểu, mà là trí tuệ hiểu. Trí tuệ đích thực hiểu.
 


Trong Trung Bộ kinh, bài kinh Saccavibhanga, bạn sẽ thấy có rất nhiều mô tả về các loại khổ khác nhau, sinh (jāti), già (jarā), chết (marana) ... và tất cả những loại đau khổ như thế. Khổ vì phải chia lìa với người mình thương yêu, khổ vì phải sống gần kẻ mình ghét hay những thứ mình không ưa. Tuy nhiên, trong khi hành thiền chúng ta không nghĩ về sinh, về già...bởi vì thực tế việc sinh ra đã xảy ra từ lâu trước đây, mà chúng ta quan sát những gì đang diễn ra ngay trong giây phút hiện tại này, ở trong thân hoặc tâm của mình.
  




Có nhiều loại khổ và đau đớn khác nhau, như cái đau trong đầu gối, đau lưng, đau đầu, đau bụng hay bất cứ cảm giác đau đớn nào. Loại đau đớn này gọi là dukkha-dukkhatā (khổ khổ), đau đớn, khó chịu, bất toại nguyện. Rất khó để dịch từ dukkha-dukkhatā này ra một cách chính xác, nó có nghĩa là cái đau của cảm giác, bạn có thể cảm nhận được nó; nó là một cảm giác – cảm giác đau. Dukkha, khổ, cũng có nghĩa là cảm giác khổ trực tiếp; tôi sẽ giải thích đầy đủ nghĩa của từ này sau. Nó là một cảm giác khó chịu.
 



Thế còn các cảm giác dễ chịu thì sao, làm sao có thể nói các cảm giác dễ chịu là bất toại nguyện? Bởi vì chúng chỉ là tạm bợ, rồi chúng cũng phải mất đi, chúng không ở lại. Mặc dù đôi lúc bạn có thể duy trìđược cảm giác dễ chịu đến vài giờ, chẳng hạn khi muốn nghe một bản nhạc, bạn phải mở nó lên và khi nó kết thúc, và thậm chí ngay cả khi nó còn đang phát, nó luôn luôn biến mất. Khi muốn ăn món gì đó ngon, bạn phải đưa nó vào miệng, nhai, nuốt và nó (cảm giác ngon) cũng luôn luôn biến mất, qua đi. Mặc dù cảm giác đó thích thú, dễ chịu, nhưng nó không tồn tại lâu và bạn cứ phải tiếp tục làm đi làm lại. Điều đó thật mệt mỏi và đôi khi còn mang đến cả nỗi khổ nữa, thật nhiều nỗi khổ, thực sự là dukkha-dukkhatā.
 
Còn tiếp

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply