Đọc bài này...
#1
Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ngày đầu tuần, điện thoại bàn reng. “Chị Lan ơi, chị ra giúp dùm em ca này chút. Có một cô đến nhờ đăng cái gì mà cổ nói em không có hiểu.”
Cô bạn ngoài “front desk” gọi. “Ok, để mình ra.”
Trước khi mở cửa bước ra nơi phòng tiếp khách, cô bạn “front desk” tóm tắt nhanh gọn thêm lần nữa “Cổ đến nhờ đăng lời tri ơn đến cô Hoa Hậu ‘Hen Ni’gì đó, mà cổ viết không được, cổ nhờ viết, nhưng tụi em đâu có biết viết làm sao, mà cũng không hiểu cổ nói gì nữa.” Tôi nhe răng cười, đầu gật gật, “Ok, Ok.”
Ngồi nơi phòng tiếp khách là một người phụ nữ đậm người, dáng cao, đứng tuổi, da ngăm ngăm.
“Dạ, chị cần giúp gì ạ?” Tôi vừa giới thiệu tên vừa hỏi.
“Tôi muốn đăng lời cám ơn nhân dịp cô H’Hen Niê đoạt giải Hoa hậu, mà tôi không biết viết làm sao…” người phụ nữ nói nhỏ với chất giọng hơi khó nghe.
[img=696x0]https://i0.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/03/PN_Hoa-Hau-HHen-Nie_01.jpg?resize=696%2C464&ssl=1[/img]
Hoa hậu Việt Nam H’Hen Niê (thứ 2 từ phải) vào Top 5 cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế Giới 2018. (Hình: Getty Images)

“Dạ, chị muốn cám ơn ai?” Tôi hỏi lại.
“Tôi là người gốc Ê-đê, tôi muốn thay mặt người dân Ê-đê cám ơn những người đã chấm chọn cô H’Hen Niê làm hoa hậu, vì cổ cũng là người Ê-đê như chúng tôi,” người phụ nữ trả lời trong khi tôi xích tới gần để cố nghe được lời chị nói.
Tôi hỏi tiếp, “Chị đăng như quảng cáo hay sao?”
Chị ngần ngừ, “Có mục nào đăng không trả tiền không?”
“Dạ có, nếu như đây là tình cảm của chị muốn bày tỏ cám ơn ai thì chị cứ viết ra, rồi gửi đây cho tụi em, nếu thấy bài viết đạt yêu cầu rõ ràng, rành mạch, có nội dung thì tụi em sẽ đăng trong mục ‘Viết Cho Nhau’,” tôi giải thích.
“Nhưng mà tôi không biết viết, có ai viết dùm tôi được không, tôi sẽ gửi tiền,” chị nói trong khi chìa cho tôi tờ giấy đã viết sẵn vài câu đơn giản bằng nét chữ vụng về.
“Dạ, trừ quảng cáo ra thì ở đây tụi em không có nhận viết lấy tiền. Cho nên chị phải tự viết hay tìm người khác giúp thôi.” Tôi giải thích tiếp.
Thoáng thất vọng hiện lên gương mặt chị.
Trong lúc chị chậm chậm gấp tờ giấy chuẩn bị bỏ lại vào giỏ và tôi cũng đã sẵn sàng đứng lên để tiễn khách, thì chị bỗng nói một cách xúc động, “Mẹ của tôi là người Ê-đê, ngày xưa mẹ tôi cũng từng có lúc phải bắt những con sâu để ăn khi đói, nên giờ tôi chỉ muốn nói với những người dân tộc thiểu số ở Việt Nam là hãy nhìn H’Hen Niê mà cố gắng vươn lên, đừng bao giờ bỏ cuộc.”
“Trời, sao chị này lại có ý nghĩ hay vậy!” Đầu tôi bật lên lời nhận xét.
Và, tôi bắt đầu gợi một vài câu hỏi để nghe câu chuyện của chị.
Chị tên Maria Nguyên Trần, hiện ở Garden Grove, năm nay đã ngoài 60 tuổi, sang Mỹ từ năm 1987, do ba bảo lãnh. “Ba tôi đi Mỹ từ năm 75, rồi bảo lãnh mấy chị em tôi. Trong khi làm giấy tờ thì mẹ tôi mất năm 1986, đến năm 87 thì mấy chị em tôi đi,” chị cho biết.
Theo lời chị, mẹ chị là người Ê-đê, khi gặp ba chị đi công tác trên vùng Tây Nguyên đã đi theo ba chị về Sài Gòn. “Từ đó mẹ tôi chưa bao giờ trở về làng, vì sợ những tập tục của làng, có thể bị trừng phạt, sau này khi muốn đi thì lại không có điều kiện nữa.”
Chị kể tiếp trong lúc luôn cố ngăn không cho nước mắt chảy xuống, “Hồi nhỏ mẹ tôi hay kể chuyện khi mẹ còn ở buôn làng, nhưng mà tôi không có thích nghe, chỉ thích chạy đi chơi thôi. Cho nên trong ký ức tôi chỉ còn hình ảnh mẹ tôi luôn phải thức dậy từ rất sớm, mang gùi lên lưng rồi đi lượm lặt cái này cái kia trong rừng, sau đó mang ra suối chà rửa trước khi mang đi bán. Rồi có khi mẹ nấu đậu gùi đi bán. Giờ đã 62 tuổi rồi, tôi cảm thấy nuối tiếc cho những câu chuyện tôi không nghe mẹ kể.”
“Nhưng điều tôi muốn nói không phải là chuyện này, mà tôi muốn nói là 54 dân tộc thiểu số hãy vươn lên, đừng nghĩ mình là những người bị bỏ bê trong núi rừng mà hãy vươn lên. Tôi muốn nói với những em nhỏ, đừng vì màu da cháy nắng của mình nơi đồng áng mà không cố gắng tiến lên tìm con đường học vấn, hãy cố gắng ăn học để tiến lên theo bước những người đi trước. Hãy cố lên, cố lên, và cố lên bằng tất cả khả năng của mình. Tôi chỉ muốn nhắn như vậy,” chị nói liền một hơi.
Rồi như lấy lại được sự bình tĩnh, chị lấy tờ giấy trước đó đã viết sẵn vài câu ra, nhìn tôi nói tiếp, “Để tôi ghi thêm vào đây, rồi nếu được Ngọc Lan giúp viết lại dùm tôi nha.”
Tôi gật đầu.
Chị viết bằng nét chữ run rẩy của người không được học nhiều nhưng ẩn sau những con chữ ngây ngô đầy lỗi chính tả là cả một niềm suy tư vượt ra ngoài chái bếp, vượt ra khỏi những lo toan cho cuộc sống cơm áo mỗi ngày.
“Trước tôi xin đại diện dân làng thiểu số cám ơn những người chấm thi quốc tế và tình yêu thương chan chứa đã giúp đỡ cho thí sinh H’Hen Niê, và những nhà bảo trợ vô vụ lợi đã giúp đỡ dân nghèo chúng tôi. Tôi tin chắc Thượng Đế sẽ ban đầy ơn và sức khỏe cho gia đình của những người có địa vị và lòng tốt giúp đỡ dân tộc thiểu số.
H’Hen Niê ơi, con hãy cố lên cố lên để làm những gì mình làm được trong lãnh vực đóng phim và hãy vui vẻ giúp đỡ những người cô đơn góa bụa, các em học sinh, vì Thượng Đế. Nơi đâu có tình yêu thương nơi đó có trời và quê hương.
Tôi cầm tờ giấy chị đưa, cám ơn chị và hứa sẽ tìm cách viết ra những điều chị muốn nhắn gửi. Và đó là lý do tôi ngồi xuống viết những dòng này. (Ngọc Lan)


Vừa xong...thì mình bứt râu ngiền ngẫm về câu (blue color) trên...thấy rất hay... chẳng kém hơn câu...nơi đâu có tình yêu thương, thì ở đó có Đức Chúa Trời.

Các bạn nghĩ sao?  Đồng ý, thì giúp mình phân tích cái chỗ hay đó.  Và anh chị em nào không đồng ý, thì cũng xin nói ra sự khác nhau ở chỗ nào giúp mình nhìn thấy được tất cả cạnh và góc luôn nha.

Chân thành cám ơn các bạn và toàn thể anh chị em trước,
Kẻ tội lỗi
Reply